Jump to content

Trung Quốc Hải Dưới


xứ việt
 Share

Recommended Posts

Nguyễn-Xuân Nghĩa:
Trung Quốc Hải Dưới
Đi xuống dưới thì hưởi thấy gì?
Tuần qua, thế giới xôn xao vì Bắc Kinh công bố Bạch Thư về Chiến Lược Quốc Phòng làm thiên hạ tốn giấy mực và nước miếng để luận bàn. Xong rồi thôi, vì tuần này thời sự đã chạy qua hướng khác. Người viết này thì ôm một bình ga lặn rất sâu để… đi tìm thủy quái. Thiệt ra, lãnh đạo Bắc Kinh mất hai chục năm mới từ vùng biển xanh lục ở khu vực cận duyên xuống tới biển xanh dương của khu vực viễn duyên để bơi ra ngoài và đòi tranh tài với thế giới. Sau khi ngù ngờ bây giờ thiên hạ mới tri hô báo động. Chúng ta nên ngó lại xem cái giống thủy quái đó sẽ bơi tới đâu?
*
Trong mấy ngàn năm lịch sử, ưu tiên về an ninh của Trung Quốc thường tập trung vào bên trong là nơi xuất phát nội loạn và sáu kiểu ngoại xâm của các dị tộc cứ bị Thiên triều coi thường như Hung Nô, Liêu, Kim, Mông, Mãn, Tạng. Đến thế kỷ 19 thì mới bị liệt cường Âu Châu và Nhật Bản bợp tai đá đít liên hồi.
Thế rồi sau khi cải cách kinh tế từ hơn ba chục năm trước, Thiên triều đỏ mới quan tâm nhiều hơn đến thế giới bên ngoài vì cần nhập cảng nguyên nhiên vật liệu và tìm thị trường xuất cảng hàng hóa. Với tiến trình công nghiệp hóa và nhu cầu rất lớn về nhiều mặt vì là một xứ đói ăn, khát dầu và thiếu nước, Trung Quốc phải nhập cảng rất nhiều và việc bảo vệ nguồn cung cấp trở thành một ưu tiên chưa từng có trong lịch sử.
Khi thấy vùng biển cận duyên lại có tiềm năng về dầu khí, lãnh đạo Bắc Kinh nghĩ đến việc chiếm đoạt và xây dựng thành một vùng trái độn quân sự tương tự các khu vực biên trấn họ đã thôn tính ở bên trong như Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông. Việc bành trướng ấy tất nhiên gây mâu thuẫn với lân bang và có thể dẫn tới xung đột ngoài biển. Trong số lân bang, Nhật Bản là một cường quốc đã có truyền thống hải dương từ lâu, còn các quốc gia Đông Nam Á thì yếu thế hơn.
Đấy là chuyện hôm nay.
Chuyện hôm qua là mùng 10 Tháng Ba, 2013, Bắc Kinh công bố kế hoạch tái phối trí hệ thống kiểm soát và bảo vệ quyền lợi ngoài biển qua việc thống nhất bốn cơ quan hữu trách làm một. Quyết định hành chánh ấy là mũi kim mềm yểm vào quần chúng lờ đờ: âm mưu bành trướng khéo che dưới vỏ bọc dân sự.
Khách có kẻ ngồi bên đang chàng hảng lật ra tấm bản đồ.
Chàng hãy đo đếm xem từ Bộ Chỉ huy Hạm đội Nam Hải ở huyện Tam Sa mà xuống tới Đông hải của Việt Nam, thì Hải quân và Không quân của Bắc Kinh phải bơi bao nhiêu hải lý và bay bao nhiêu cây số? Rồi tiếp liệu ra sao để sẵn sàng nghênh chiến với đủ loại đối thủ? Thấy người viết bỗng dưng nói chuyện xa lắc, khách bèn hỏi: “Chuyện xưa ăn nhập gì tới chuyện nay? Nhà bác lại có ý đồ gì vậy?”
Dĩ nhiên là có chớ!
Sau mấy ngàn năm chỉ ngó vô trỏng, Bắc Kinh cần bơi ra ngoài. Nhưng ngoài nớ, hạm đội Thái Bình dương của đệ nhất siêu cường Hoa Kỳ lại là rào cản chưa thể vượt qua được, ít nhất là trong vài thập niên.
Kế hoạch trước mắt của lãnh đạo Bắc Kinh là phải khống chế và bảo vệ được quyền lợi đã giành được ở vùng biển cận duyên. May ra sau này mới tiến tới vùng biển xanh dương với hạm đội được ráo riết xây dựng. Kế hoạch trước mắt ấy gây rủi ro tranh chấp với các nước Đông Á vây quanh. Làm sao thắng được các nước này mà không gặp phản ứng của Hoa Kỳ là bài toán chiến lược.
Đấy là về bối cảnh. Đây là về hiện trường
*
Lãnh thổ Trung Quốc có bờ biển dài nhất thế giới, từ cửa sông Áp Lục bên bán đảo Triều Tiên đến Vịnh Bắc Bộ của ta là hơn 22 ngàn cây số. Nhưng vì là một cường quốc lục địa mới lò mò ra ngoài nên họ không có hệ thống duyên phòng hay hải cảnh (bảo vệ duyên hải) thống nhất. Chi tiết ấy đáng chú ý vì Bắc Kinh có năm bộ phận với cấp số khoảng bốn vạn người cùng chia sẻ trách nhiệm về hải dương - mà lại không phối hợp.
Năm bộ phận ấy là Hải Sự, Hải Cảnh, Hải Quan, Ngư Chính và Hải Giám.
Trong năm cơ chế, lớn nhất là Cục Hải Sự MSA (Maritime Safety Administration) có hai vạn nhân viên phụ trách việc thi hành luật lệ liên quan đến hải dương, như an ninh hay an toàn hàng hải, cứu hộ, kiểm tra tầu bè, quản lý các hải cảng. Cơ quan hành chánh này mới chỉ thành hình từ năm 1998 sau khi sát nhập hai bộ phận thanh tra tầu bè và kiểm tra hải cảng nằm trong Bộ Giao Thông.
Tới đây thì coi bộ người viết đã gây được mối quan tâm của khách ngồi bên! Vì chàng nín thinh.
Cơ quan thứ hai của Bắc Kinh là lực lượng cảnh sát ngoài biển tên là Hải Cảnh (Coast Guard), thuộc bộ Công An, tức là bộ Nội vụ của các xứ khác. Về hình thức, Hải Cảnh là cơ quan duy nhất được võ trang và về thực tế thì đấy là cánh tay bạo lực cho các cơ quan hành chánh kia.
Cơ quan thứ ba là Hải Quan Tổng Thự (General Administration of Customs), phụ trách về quan thuế, bài trừ buôn lậu và quản lý các thương cảng từ Bắc chí Nam. Cơ quan thứ tư là Ngư Chính (Fisheries Law Enforcement Command) thuộc Bộ Nông Nghiệp, với trách nhiệm bành trướng và bảo vệ quyền lợi đánh bắt thủy sản cho một quốc gia tiêu thụ nhiều cá nhất thế giới.
Cơ quan thứ năm, nổi tiếng vì thẩm quyền và sức bành trướng rất mạnh trong nhiều năm qua là Hải Giám (Marine Surveillance), nằm trong Cục Hải Dương Quốc Gia của Bộ Tài Nguyên Quốc Thổ (quản lý đất đai và tài nguyên quốc gia). Với cấp số khoảng tám ngàn người, bộ phận Hải Giám có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc trên một diện tích ngoài biển khoảng ba triệu cây số vuông, kể cả Đặc Khu Kinh Tế EEZ và là mũi nhọn trong những xung đột gần đây với Nhật Bản, Việt Nam và Phi Luật Tân nhờ phi cơ, trực thăng và cả tầu tuần duyên.
Thấy khách có vẻ chú ý hơn, người viết bèn thừa thắng xông lên.
Năm cơ quan hữu trách ấy của Bắc Kinh được thành lập trước sau với ngân sách riêng lẻ dưới quyền giám hộ các bộ Công An, Giao Thông, Nông Nghiệp, Tài Chánh và Tài Nguyên. Họ thiếu thông tin, khó phối hợp hành động, ưa kèm cựa với nhau để xin phương tiện. Khi hữu sự thì nhiều cơ quan lại thiếu khả năng cưỡng hành, như võ khí, trực thăng hay chiến hạm.
Một lý do rất lạ của tình trạng phòng thủ rời rạc ấy là nhu cầu... tạo ra việc làm, vì giới hữu trách coi đó là ưu tiên để đạt thành tích với cấp trên. Rồi qua một giai đoạn khá lâu, mỗi bộ phận lại phát triển và củng cố riêng về nghiệp vụ mà không muốn chia sẻ hay sát nhập.
Tình trạng ấy bắt đầu thay đổi....
*
Quyết định thống hợp công bố hai năm trước vẫn duy trì trách nhiệm riêng của từng bộ phận nhưng đặt bốn cơ quan Hải Cảnh, Hải Quan, Ngư Chính và Hải Giám dưới quyền chỉ đạo của Quốc Gia Hải Dương Cục thuộc bộ Tài Nguyên, là bộ giám hộ đang chỉ huy lực lượng Hải Giám. Còn lực lượng Hải Sự vẫn được duy trì dưới quyền giám hộ của Bộ Giao Thông.
Khách ngồi bên lẩm nhẩm đọc lại chuyện này:
Một cơ quan được nâng thẩm quyền chỉ huy bốn bộ phận bảo vệ quyền lợi và thi hành luật lệ ngoài biển của Trung Quốc, đó là Hải Dương Cục, nằm trong Bộ Tài Nguyên và Quốc Thổ. Trên nguyên tắc, cục Hải Dương cũng chỉ huy lực lượng cảnh sát ngoài biển (Hải Cảnh, đến nay thuộc bộ Công An). Đó là nguyên tắc. Trong thực tế, Hải Dương Cục có thẩm quyền chỉ đạo, chứ về khả năng động thủ của các bộ phận dù sao vẫn được duy trì thì đấy là trách nhiệm của bộ Công An.
Việc cải tổ sâu rộng ấy là chiến lược bọc nhung một mũi nhọn có thế lực võ trang để lừa thế giới. Có chuyện gì thì với dư luận đấy chỉ là quyết định của Bộ Tài Nguyên hiền khô thôi. Bắc Kinh tăng cường khả năng can thiệp võ trang ở vùng biển cận duyên nên tái phối trí trách nhiệm của bốn bộ phận riêng biệt, nhưng trình bày với thế giới như một biện pháp hành chánh thuộc phạm vi trách nhiệm của bộ Tài Nguyên. Đấy mà một quyết định có tính chất ngoại giao. Để tránh xuất hiện như một lực lượng quân sự và trực tiếp đối đầu với siêu cường toàn cầu là Hoa Kỳ.
Hải quân Trung Quốc có quân số 250 ngàn và nhiều phương tiện võ trang đáng kể của ba hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải. Nếu đưa lực lượng quân sự đó vào cuộc tranh chấp về chủ quyền ngoài biển với các nước khác thì đấy là việc mang ý nghĩa tuyên chiến, bị thế giới lên án và gây phản ứng từ phía Hoa Kỳ cùng các cường quốc khác trong khu vực. Vì vậy, Bắc Kinh dùng phương tiện bán quân sự mà gọi là phi quân sự, như cho tầu Ngư Chính đi cắt dây cáp của thiên hạ khi có tranh chấp về ngư nghiệp ở ngoài biển.
“Thế thì vì sao ngày nay Thiên triều lại giương cờ gióng trống?” Khách bật hỏi. Vì âm mưu ấy không qua mặt được một cường quốc hải dương trong khu vực là Nhật Bản.
Tokyo hiểu rõ chiến lược của Bắc Kinh sau khi mâu thuẫn gia tăng từ năm 2010 về chủ quyền trên quần đảo Senkaku và bùng nổ vào năm 2012. Nhật cũng tăng cường phương tiện cho lực lượng duyên phòng và lập ra 600 đơn vị với 11 tầu biên phòng có nhiệm vụ bảo vệ các quần đảo đang tranh chấp với Thiên triều. Từ hơn 30 năm, đấy là lần đầu tiên mà Tokyo nâng cấp số duyên phòng. Khi ấy, Tổng trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera còn cho biết là sẽ tu bổ và cải tiến các chiến hạm cũ của lực lượng phòng vệ hải dương (Hải quân) thành tầu tuần tra của duyên phòng.
Trên nguyên tắc, lực lượng duyên phòng của cả Tầu lẫn Nhật đều không có phương tiện võ trang như binh chủng Hải quân mà chỉ có tầu tuần duyên nhỏ. Khi Bắc Kinh lấy lý do thi hành luật lệ hải dương bằng các bộ phận "phi quân sự" thì Tokyo cũng đáp lễ với bài bản phi quân sự đó để bảo vệ chủ quyền của mình mà không gây rủi ro leo thang chiến tranh.
Kẻ cắp gặp bà già! Mà là thứ bà già đã cho Trung Quốc ăn bã trầu từ năm 1894. Cho nên Bạch thư về Quốc phòng vừa được công bố gián tiếp xác nhận rằng vì thấy khó làm ăn trên vùng Đông Bắc, con thủy quái mới lòn xuống Đông Nam Á cào đá làm đảo và cào mặt ăn vạ.
Có khi lại ăn bã trầu nữa!
__
(Bài này viết ngày năm Tháng Sáu 2015!)
312467173_477848977719953_57438185561784
 
theo dainamaxforum
Link to comment
Share on other sites

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
Reply to this topic...

×   Pasted as rich text.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

 Share


×
×
  • Create New...