Jump to content

Đầu Xuân Nói Chuyện Giặc - Từ Cờ Đen đến Cờ Đỏ


xứ việt
 Share

Recommended Posts

322599112_3329670827297964_5963109211336

Hình bên: hàng binh Cờ Đen theo quân Pháp - sau này lại phản!

VIỆT-HOA LÝ SỰ:

 

Nguyễn-Xuân Nghĩa (Việt Báo Xuân Tân Mão 2011)
Quý vị thích nhắc tới lịch sử, bèn xin nói về chuyện giặc:
Từ thế kỷ 21 mà nhìn lại Trung Quốc, ta nên nhớ đến hai chứ không phải một biến cố Tân Hợi! Mà cả hai biến cố đều có ảnh hưởng đến Việt Nam.!
Nhưng thế nào là lý sự? Về lý và sự, thì sau khi nhắp chén tra xuân, xin hãy nói về sự việc trước, đến lý luận sau....
Đúng 160 năm trước, ngày 11 Tháng Giêng năm 1851, Hồng Tú Toàn nổi dậy tại Quảng Đông và mở ra phong trào Thái Bình Thiên Quốc. Phong trào mang hình thức tôn giáo (chỉ hình thức thôi) vì Hồng Tú Toàn là thầy đồ theo Công giáo, và áp dụng 10 điều răn của đạo Ky Tô trong chương trình cách mạng "Phản Thanh, Phục Minh và Diệt Tham Ô".
Do sự bất mãn của người dân, phong trào lập tức lan rộng như vệt thuốc súng. Trong sáu tháng đã làm chủ 16 tỉnh và hơn 600 thị trấn ở miền Nam Trung Quốc và lấy Nam Kinh làm thủ đô.
Thực chất thì đây là nội chiến khiến nhà Mãn Thanh kiệt quệ, từ 20 đến 50 triệu người bị giết, một trong nhiều kỷ lục lịch sử báo hiệu những tổn thất sinh linh sau này, của thời Mao. Nhưng yếu tố tôn giáo của vụ này khiến chúng ta hiểu vì sao mà ngày nay lãnh đạo Bắc Kinh lại sợ giáo phái Pháp Luân Công như... sợ tà!
Thời ấy, nếu tiếp tục đánh thì Hồng Tú Toàn đã có thể làm chủ cả Trung Nguyên. Nhưng, đạo binh chân đất của ông lại dừng chân xây dựng "chính quyền cách mạng" trong vùng "giải phóng". Và mâu thuẫn nội bộ - vụ thanh trừng và tàn sát tại "Thiên Kinh" năm 1856 - đi cùng chất hoang tưởng của cuộc cách mạng nửa đạo nửa đời khiến Thái Bình Thiên Quốc tàn lụi dần sau gần 15 năm tồn tại. Rồi bị nhà Mãn Thanh tiêu diệt. Hồng Tú Toàn tự tử năm 1864, đư đảng tan rã và chạy dạt về Quảng Tây và Vân Nam....
Đã bị suy yếu bởi Chiến tranh Nha phiến năm 1840-1842, nhà Đại Thanh lụn bại dần và không đương cự nổi với áp lực của "Liệt cường".... Nhưng bên trong xã hội, tinh thần bình đẳng và sự kiện đám dân khởi nghĩa dám thách đố chính quyền trung ương trong hơn chục năm có đưa tới những suy nghĩ mới trong tâm tư dân chúng.
Yếu tố tâm lý ấy góp phần dẫn đến biến cố Tân Hợi kia: tia lửa bật lên từ một đoạn đường xe lửa do Thanh triều giao cho ngoại quốc khai thác đã dẫn tới vụ khởi nghĩa Vũ Xương rồi cuộc Cách mạng năm 1911. Cách mạng lật đổ nhà Mãn Thanh, xoá bỏ chế độ quân chủ mấy ngàn năm và lập ra nền Cộng Hoà. Đó là Trung Hoa Dân Quốc.
Cuộc Cách Mạng Tân Hợi ảnh hưởng đến các nhà cách mạng Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, từ Việt Nam Quang Phục Hội của cụ Phan Bội Châu năm 1912 với chủ trương "Khôi phục Việt Nam và kiến lập Việt Nam Cộng hòa Dân quốc" cho đến Việt Nam Quốc Dân Đảng sau này... Chuyện ấy, chúng ta đều biết.
Nhưng lại ít chú ý đến biến cố Tân Hợi kia của Hồng Tú Toàn.
Riêng có việc dư đảng Thái Bình Thiên Quốc đã có mặt và tham gia vào nỗ lực chống Pháp trong hoàn cảnh kỳ lạ của nước ta là điều đáng nhắc lại.
Đấy là lúc mình nhớ tới Lưu Vĩnh Phúc.
***
(Hình trong Việt Báo Xuân: Lưu Vĩnh Phúc, tự Uyên Đình - với mũ mão Mãn Thanh. Sinh năm 1837 tại vùng đất hoang vu miền Nam mà các Nho thần Mãn Thanh cho là khu vực ma quỷ và man di, mọi rợ, Lưu tòng quân với tàn dư của Thái Bình Thiên Quốc rồi cầm đầu đám Giặc Cờ Đen, trở thành lãnh chúa vùng Lào Cai của Việt Nam trước khi tham gia chiến cuộc giữa quan Pháp và Mãn Thanh trên đất Việt. Sau này, Lưu Vĩnh Phúc là Tổng binh tại Quảng Đông rồi Tổng thống của Đài Loan trước khi tạ thế vào năm 1917.)
Như Tôn Dật Tiên sau này - hay Hồng Tú Toàn trước đó - Lưu Vĩnh Phúc là người gốc Hẹ (Hakka hay "Khách Gia"), cũng sinh tại Quảng Đông và là tay chọc trời khuấy nước. Sinh năm 1837 trong một gia đình nghèo khốn, Lưu Vĩnh Phúc có lúc làm... quyền Tổng thống Đài Loan Dân Chủ Quốc, là Cộng Hoà Đài Loan dân chủ vào năm 1895 khi đất này bị nhà Thanh nhượng cho Nhật Bản và nổi lên đòi độc lập.
Ngày nay, trên đường phố Đài Bắc vẫn còn con đường và trường học mang tên Vĩnh Phúc và cả di tượng của ông ta!
Từ xuất xứ bần hàn - mù chữ và đói ăn, rời Quảng Đông dạt qua Quảng Tây làm thuê rồi làm giặc - đến thời lẫy lừng làm Tổng binh rồi Tổng trưởng Dân đoàn Quảng Đông và Tổng thống Đài Loan, Lưu Vĩnh Phúc đã thành danh tại Việt Nam dưới lá cờ đen.
Thủ lãnh của đám thổ phỉ ta gọi là Giặc Cờ Đen, Lưu Vĩnh Phúc là tay đánh mướn đã "hoạt động" tại Việt Nam từ 1865 đến 1885. Và lập thành tích là trong 10 năm hai lần giết chết hai tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp tại Hà Nội: Đại úy Francis Garnier năm 1873 và Hải quân Đại tá Henri Rivière năm 1883.
(Hình trên Xuân Việt Báo: Cầu Giấy của Hà Nội - nơi Francis Garnier bị phục kích và giết chết ngày 21 tháng 12 năm 1873 rồi Henri Rivière vào ngày 19 tháng 5 năm 1883. Triều Tự Đức sợ Pháp trả thù bèn xưng thần và... cầu cứu Mãn Thanh!)
Sinh tại Khâm châu của Quảng Đông - nay thuộc Quảng Tây - Lưu Vĩnh Phúc xiêu tán trong đói rách và làm thuộc hạ Ngô Lăng Vân, một bại tướng của Thái Bình Thiên Quốc tại miền Nam nước Tầu. Sau khi Lăng Vân bị giết, Lưu đi ăn cướp và quay lại đầu thú con của Lăng Vân là Ngô Côn rồi bắt đầu sự nghiệp Việt Nam - khi đó còn có tên là Đại Nam. Sự nghiệp ấy là làm thổ phỉ dưới lá cờ đen. Vừa để kiếm ăn vừa tránh sự truy nã của Thanh triều.
Trong khi kiếm ăn thì lực lượng chỉ có 500 mạng của Lưu Vĩnh Phúc đã tranh hùng với các tộc trưởng người Hmong - mà ta ưa gọi là Mèo - trên vùng thượng du và trung du miền Bắc. Thế rồi, vì một thủ lĩnh người Hmong lại đòi chống quân binh Đại Nam, triều Nguyễn bèn chính thức ban cho Lưu Vĩnh Phúc chức "Cửu phẩm Bách hộ". Và cho bình định khu vực nhiễu nhương này! Nhờ cái thế đó, Lưu Vĩnh Phúc đòi chiếm luôn thị trấn Lào Cai để khai thác, thu thuế và kết nạp tàn dư của Thái Bình Thiên Quốc bị nhà Thanh rượt qua từ bên kia biên giới.
Có lạ không nào?
Chúng ta có một khu vực hiểm trở, là nơi sinh sống của các sắc dân thiểu số, nơi tung hoành của nhiều đám ăn cướp có võ trang và là nơi tảo thanh của hai triều đình đều cùng suy yếu là nhà Thanh, nhà Nguyễn! Và triều Nguyễn của ta phong chức cho một đám thổ phỉ Tầu để an dân... Trong khu vực đó đã có lúc nổi lên ba lá cờ, nào cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc, cờ vàng của Hoàng Sùng Anh (cháu của Ngô Lăng Vân, thủ lãnh cũ của Lưu Vĩnh Phúc) và cờ trắng của Bàn Văn Nhị...
Nhưng chưa hết lạ!
Sau khi diệt được quân Cờ Vàng, Lưu Vĩnh Phúc được nhà Thanh bảo trợ, phong tước, nên vui vẻ gióc tóc theo kiểu Mãn dù đa số quân Cờ Đen là người Tráng, người Chuang! Nghĩa là trong khu vực bất trị ấy, thủ lãnh Cờ Đen được cả hai triều Thanh và Nguyễn phong tước! Năm 1873, Phò mã Hoàng Tá Viêm của ta còn đề nghị cho y lên chức Phòng ngự sứ - may mà triều Tự Đức không cho!
(Cờ đen của "Hắc kỳ quân" thật ra là màu đỏ viền đen - Hình chiến lợi phẩm tịch thu năm 1885, hiện trưng bày trong viện Bảo Tàng Quân Đội Pháp tại khu Invalides ở Paris. Ở giữa là chữ "lệnh". Lưu Vĩnh Phúc nằm mơ thấy mình là "Hắc hổ Tướng quân" tái sinh nên chọn cờ hiệu màu đen!)
Năm 1873 đó cũng là lúc Pháp tấn công thành Hà Nội. Chuyện ấy khiến ta cần lùi về nhìn lại...
Đọc cho vui, thì năm 1873, nhà văn Pháp Jules Vernes xuất bản cuốn "Vòng Quanh Thế Giới trong 80 Ngày". Cuốn truyện được đăng từng kỳ từ năm trước và dựng ra hai nhân vật "chủ-tớ": nhà quý tộc Anh Phileas Fogg và người làm Jean Passepartout người Pháp. Cốt truyện là đọc nhật trình thấy tin Ấn Độ vừa có thêm một đoạn xe lửa, ông Fogg đánh cược với bằng hữu trong Câu lạc bộ Cải Cách một số tiền trị giá 20.000 Anh kim - nay tương đương hơn hai triệu Mỹ kim. Rằng ông có thể đi vòng quanh thế giới nội trong 80 ngày.... Truyện này, ai mà không biết?
Nhưng chi tiết phù du ấy lại tiêu biểu cho hai chuyện: Đế quốc Anh đã mạnh rồi mà nước Pháp thì còn lẹt đẹt trên đường chinh phục thiên hạ. Quả thật như vậy ở ngoài đời - và trong lịch sử!
Trong lịch sử, Trung Quốc bị liệt cường Âu Châu tấn công lần đầu là từ nước Nga vào cuối đời Minh đầu nhà Thanh. Sau đó trên cao điểm của cuộc Cách mạng Kỹ nghệ, Đế quốc Anh nhiều lần gõ cửa đòi giao thương - thiết lập bang giao và thương mại - từ 1793 tới 1816 mà không toại nguyện. Từ đấy Anh mới có hai mũi giáp công, tôn giáo và thuốc phiện, kết thúc với cuộc Chiến tranh Nha phiến và Hiệp ước Nam Kinh năm 1842. Sau khi chiếm Ấn Độ năm 1856, Anh đẩy tiếp đà bành trướng cùng các "liệt cường khác"....
Trong các liệt cường Âu Châu, Pháp chậm chân hơn cả dù đã đầu tư rất nhiều vào Nguyễn Ánh thời nội chiến với Tây Sơn.
Chuyện đầu tư không thành, Thái tử Cảnh không thọ và sự vụng về của Pháp trong vụ nổi loạn của Lê Văn Khôi tại Gia Định dưới thời Minh Mạng còn dẫn tới phản ứng cấm đạo của triều đình. Sau đó nội tình Pháp cũng hỗn loạn trong nhiều thập niên cho tới Đệ nhị Đế chế của Napoléon Đệ Tam năm 1851.
Khi tranh đoạt quyền bính, ông Hoàng đế này mắc nợ Giáo hội Công giáo, lại có bà vợ rất sùng đạo. Vì vậy, thương nhân, các tay phiêu lưu cùng các nhà truyền giáo cố lôi kéo chính quyền vào Đông Dương. Lần đầu Pháp gõ cửa là bằng đại bác bắn vào Đà Nẵng (1858), và các nhà truyền giáo thì khuyên Hải quân Pháp tiến thẳng ra Bắc khai thác sự bất mãn của dư thần nhà Lê chống lại triều Nguyễn tại Huế.
Thật ra, sĩ quan Hải quân Pháp chẳng mấy ưa lời khuyên của các vị thừa sai. Họ muốn chuyện thiết thực hơn: chiếm các vựa lúa miền Nam để uy hiếp triều đình Huế. Lại còn nghe các thương nhân chỉ cho một ngả tắt đi vào Trung Quốc, bằng sông Mekong, hầu bắt kịp sự chậm lụt của Pháp trước đà bành trướng của Anh!
Lầm lẫn về địa dư khiến Pháp đánh Nam kỳ Lục tỉnh rồi mới thấy việc thông thương với Trung Hoa chỉ có thể thực hiện qua sông Hồng, chứ không phải sông Mekong! Vì vậy, sau khi uy hiếp miền Nam, chiếm ba tỉnh miền Đông rồi miền Tây, Pháp mới nhìn lên miền Bắc. Một tay tứ chiếng là Jean Dupuis còn cho biết rằng Vân Nam có nhiều kim loại khoáng sản quý, có thể khai thác và chuyển về Hà Nội, đưa xuống Hải Phòng, v.v...
Từ 1872, Pháp chuẩn bị tấn công miền Bắc. Mục tiêu là vào tới Vân Nam.
Không ngoa ngụy chút nào vì đường xe lửa đầu tiên của Pháp, thiết lập năm 1910, chính là để nối liền Hà Nội với... Vân Nam Phủ! Nó là cụ cố nội của đường xe lửa cao tốc ngày nay của Hà Nội. Mà chẳng ngẫu nhiên chút nào khi Bắc Kinh đã có sẵn các dự án xây dựng khu kinh tế biên vực với Việt Nam, ở Vân Nam hay Quảng Tây.
Khi ấy, Vân Nam và Quảng Tây còn là vùng đất hoang, nơi tung hoành của mọi lực lượng võ trang! Và khi ấy, nước Nam ta đã có... ba đầu.
Lực lượng viễn chinh Pháp làm chủ Nam kỳ, triều đình Huế chỉ cầm cự được ở Trung kỳ và Bắc kỳ thực tế vượt khỏi tầm kiểm soát của triều Nguyễn. Chiến sự miền Bắc được quyết định bởi quân Pháp ở Sàigòn, bởi triều Nguyễn ở tại Huế, và một đám thổ phỉ dưới sự theo dõi của triều đình Mãn Thanh!
***
Tức là việc tranh hùng giữa Đế quốc Pháp và nhà Đại Thanh thực tế diễn ra trên lãnh thổ Đại Nam và qua 10 năm giằng xé thì thu gọn vào chiến trường Bắc kỳ. Đấy là lúc tướng quân hai mũ Lưu Vĩnh Phúc - tay thổ phỉ được cả triều Thanh và Nguyễn sử dụng - trở thành hào kiệt!
Quân Cờ Đen có lúc là lực lượng... cứu quốc!
Nhớ chuyện xưa - nghe cứ như trong một bài điếu văn: khi triều Tự Đức nghĩ đến cách nương vào Trung Quốc, Tổng đốc Lưỡng Quảng là Trương Thụ Thanh gửi mật sớ lên Thanh triều:
"Nước Nam và nước ta tiếp giáp với nhau mà thế lực nước Nam thật là suy hèn, không có thể tự chủ được nữa, vậy ta nên mượn tiếng sang đánh giặc mà đóng giữ ở các tỉnh thượng du. Đợi khi có biến thì ta chiếm lấy mấy tỉnh ở về phía bắc Hồng Hà".
Bởi vậy nhà Thanh mới sai Tạ Kính Bưu, Đường Cảnh Tùng đem quân sang đóng ở Bắc Ninh và Sơn Tây, sau lại sai quan bố chính Quảng Tây là Từ Diên Húc đem quân qua tiếp ứng!
Đó là lý do khiến ngoài đám giặc Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, Bắc Kinh phái thêm bốn vạn quân của hai tỉnh Quảng Đông Quảng Tây qua đánh Pháp! Rốt cuộc thì lãnh thổ Đại Nam thành địa bàn giao tranh giữa quân Thanh và quân Pháp trước sự lúng túng của triều đình. Vì nội loạn và kiệt quệ, nhà Mãn Thanh đành ký hòa ước Thiên Tân với Pháp vào năm 1883 để thừa nhận là nhường chủ quyền trên đất nước ta cho thực dân Pháp.
Tang chứng rành rành, rằng ta là một thuộc quốc của Tầu!
Thời ấy, một bậc văn võ toàn tài, có nhiều công lao chống giặc và trừ loạn của nước Nam là Ông Ích Khiêm đã than phiền việc tướng tá của ta không ngăn được giặc Pháp mà phải thuê giặc Tầu:
Áo chúa cơm vua đã bấy lâu
Ðến khi có giặc phải thuê Tàu!
Từng phen võng giá mau chân nhẩy
Ðến bước chông gai thấy mặt đâu?
Tiền bạc quyên hoài dân xác mướp
Trâu dê ngày hiến đứa răng bầu.
Ai ôi hãy chống trời Nam lại
Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu!
Chuyện bi thảm trong ngàn điều bi thảm: Ông Ích Khiêm về sau bị tù và chết trong ngục Bình Thuận, có khi vì độc dược. Lý do: chống hai đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Thời điểm: 1884, khi Pháp nuốt hết Việt Nam với "Hòa ước" Giáp Thân!
Sau đấy, nghĩa là sau này, ta lại tái diễn sai lầm cũ khi Cộng sản Việt Nam mượn quân Tầu đánh Tây đánh Mỹ và lần này thì chưa biết là làm sao thoát vì đảng Cộng sản Việt Nam tự nhận là phụ dung của đảng Cộng sản Trung Quốc. Mà Trung Quốc thời nay lại không mục nát rệu rã như nhà Mãn Thanh thời xưa.
Chuyện trăm năm trước chính là chuyện ngày nay!... Khác với ngày xưa có giặc Cờ Đen, nay ta có giặc cờ đỏ nằm ngay trong triều đình Hà Nội!
***
Nhưng đầu Xuân sao nói chuyện buồn?
- Đành xin tạ tội bằng một bài thơ vui.
Số là sau khi Francis Garnier bị giết năm 1873, Tổng đốc Hà Nội là Trần Đình Túc phải vâng mệnh triều đình hoà hoãn với Pháp và tổ chức lễ truy điệu. Cụ Tam nguyên Yên Đổ, là bậc đại khoa Nguyễn Khuyến, được cử ra viết bài văn tế, sau này được Lãng Nhân Phùng Tất Đắc ghi lại trong cuốn Giai thoại Làng nho:
Than ôi! Một phút sa cơ, ra người thiên cổ
Nhớ ông xưa: Cái mắt ông xanh, cái da ông đỏ
Cái tóc ông quăn, cái mũi ông lõ
Đít ông cưỡi lừa, miệng ông huýt chó
Ông đeo súng lục-liên, ông đi giày có mỏ
Ông ở bên Tây, ông sang bảo-hộ
Ông dẹp Cờ Đen, để yên con đỏ
Nào ngờ: Nó bắt được ông, nó chặt mất sỏ
Cái đầu ông kia, cái mình ông đó
Khốn-khổ thân ông, đ... mẹ cha nó!...
Nay tôi: Vâng lệnh quan trên, cúng ông một cỗ
Này chuối một buồng, này rượu một hũ
Này xôi một mâm, này trứng một rổ
Ông có linh-thiêng, mời ông xơi hộ
Ăn uống no say, nằm cho yên chỗ
Ới ông Ngạc Nhi ơi! Nói càng thêm khổ!
Ngày xưa, các cụ phiên âm tên của Garnier ra Ngạc Nhi, ta nên nhắc lại cho đời sau khỏi quên. Cũng cần nói lại là sau vụ phiêu lưu và làm ẩu của Francis Garnier tại miền Bắc năm 1872, ông bị chính phủ Pháp quy cho là có trách nhiệm chính.
Nhưng sau này, đầu năm 1983, thi thể của Garnier được khai quật, được hỏa táng. Lọ tro cốt được giao lại cho tổng lãnh sự Pháp tại Sàigòn ngày hai tháng Ba năm 1983 và được chuyển về Pháp sau đó để chôn cất tại quận sáu của Paris trước một đài kỷ niệm ở công trường Camille Julian.
Ngày nay, tên Francis Garnier còn được dùng cho một chiến hạm vận tải nhẹ của Hải quân Pháp. Sau khi cho Lý Thái Tổ đội mũ bình thiên của Trung Quốc, bao giờ Hà Nội sẽ ra lệnh cho dân ta làm giỗ... Lưu Vĩnh Phúc?
 
theo dainamaxforum

 

Link to comment
Share on other sites

Guest
Reply to this topic...

×   Pasted as rich text.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

 Share


×
×
  • Create New...