Jump to content

Thạch Đạt Lang - Cảm nghĩ về bài viết "Về Một Liên Minh Chính Trị Của Người Việt Hải Ngoại"


xứ việt
 Share

Recommended Posts

Trước hết, xin cám ơn Tiến sĩ Từ Huy với bài viết trên đã nêu ra cho cộng đồng Người Việt Hải Ngoại (NVHN) những vấn đề thiết thực, đồng thời cũng rất nhức nhối cho những ai còn băn khoăn, suy nghĩ về vận nước. Sau nữa, xin được góp vài ý kiến, cùng nhận định bài viết. Chữ viết nghiêng là trích trong bài của Ts Từ Huy.
 
Trọng tâm bài viết của bà Từ Huy nằm ở đoạn trích sau đây: “Làm thế nào để thành lập được một hoặc một số liên minh chính trị mạnh của người Việt ở hải ngoại, hoạt động được như ‘Liên minh quốc gia vì dân chủ’ của Miến Điện?
 
Chúng ta chỉ trích đảng cộng sản Việt Nam yếu kém, không có khả năng cải cách, không có khả năng thay đổi. Nhưng hãy nhìn vào chính chúng ta để nói xem bản thân chúng ta có khả năng thay đổi hay không, bản thân các tổ chức đang tồn tại có khả năng cải cách hay không, và chúng ta có khả năng hình thành các tổ chức mới hay không…”
 
Đây là câu hỏi rất hay, rất thiết thực, vì hơn 41 năm đã trôi qua, tại hải ngoại từ năm 1975 đến nay, dường như chỉ có hai lần, một liên minh chính trị công khai được thành lập. Lần đầu tiên năm 1982, đó là liên minh thành lập đảng Việt Tân của ông Hoàng Cơ Minh (Mỹ), với tổ chức Phục Hưng Việt Nam (PHVN) của ông Trần Văn Sơn, tức nhà văn Trần Bình Nam (Mỹ), nhóm Việt Nam Tự Do (VNTD) của ông Đỗ Thông Minh, Ngô Chí Dũng (Nhật). Tuy nhiên liên minh này nhanh chóng tan rã vì nhiều lý do nhưng không bàn đến trong phạm vi bài viết này.
 
 
 
 
Kết quả hình ảnh cho bắt tay
Ngoài liên minh này ra, tổ chức Phục Hưng VN của ông Trần Văn Sơn, vào đầu thập niên 90 đã tìm cách liên minh với tập hợp Dân Chủ Đa Nguyên của ông Nguyễn Gia Kiểng nhưng dường như liên minh này không đem lại nhiều kết quả như mong muốn nên sau đó không còn nghe nói tới.
 
Cho đến nay người viết không thấy có thêm liên minh chính trị nào khác đúng nghĩa, có đủ khả năng yểm trợ hoạt động cho các phong trào đòi hỏi tự do, dân chủ, đủ uy tín liên kết các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam. Nguyên nhân tại sao?
 
Nguyên nhân đầu tiên có thể do tình trạng các tổ chức chính trị, đảng phái trong cộng đồng NVHN ngày nay quá yếu kém, rời rạc, hoạt động thường xa rời quần chúng nên khó phát triển, kết nạp thêm đoàn, đảng viên mới. Tư duy lãnh đạo của nhiều tổ chức, đảng phái đã trở nên lạc hậu, không còn phù hợp với tình thế, xã hội, môi trường sống, điều kiện sinh hoạt mới. Từ đó dẫn đến nguyên nhân thứ hai là những người lãnh đạo e ngại liên minh với các đảng phái, tổ chức khác, tổ chức của mình sẽ bị nuốt mất. Người Việt hải ngoại thế hệ đầu tiên chưa hoặc được trang bị rất ít tinh thần làm việc chung trong một nhóm (team work), trong đó mọi người đều bình đẳng.
 
Một nguyên nhân khác nữa là các tổ chức, đảng phái ở hải ngoại không có chương trình phát triển, kế hoạch thu hút, tuyển mộ cảm tình viên, hoặc đào tạo, huấn luyện cán bộ, đảng viên mới. Ít khi thấy các hội đoàn, đảng phái… tổ chức sinh hoạt ở các trường đại học có nhiều sinh viên Việt Nam như picnic, hợp ca, văn nghệ… là nơi có nhiều nhân tố trẻ, đầy nhiệt huyết, thuận lợi cho việc phát triển cơ sở.
 
Một liên minh chính trị, theo thiển ý – khi chưa thể liên minh vĩnh viễn để trở thành môt tổ chức thống nhất – không nhất thiết đòi hỏi các tổ chức, đảng phái phải có cùng môt mục tiêu dài hạn, mà có thể liên minh trong từng mục tiêu trụ mốc. Nếu đặt mục tiêu tối hậu là đem lại tự do, dân chủ cho đất nước nhưng khác nhau về phương thức thực hiện thì nên tìm các mục tiêu dài hạn như yểm trợ việc tranh đấu thành lập công đoàn độc lập, các mục tiêu trụ mốc giống nhau như – liên lạc những nhà ngoại giao, dân biểu… nhờ họ tăng sức ép lên nhà cầm quyền CS, đòi hỏi các phiên tòa xử những người yêu nước phải công khai, yểm trợ dân oan biểu tình đòi công lý… – để cùng nắm tay nhau đi môt đoạn đường.
 
Trong một chế độ tự do, dân chủ, một liên minh chính trị được thành lập từ nhiều nhóm hay đảng phái do nhu cầu đòi hỏi sự kết hợp để tạo đủ sức mạnh, đủ lá phiếu trong quốc hội, nhằm thay đổi một đường lối, một chính sách, chủ trương, một đạo luật của chế độ… do đó liên minh chính trị không nhất thiết phải kéo dài lâu. Vì vậy, để có thể liên minh với nhau trong các mục tiêu trụ mốc, các cá nhân, nhóm xã hội dân sự, đảng phái, nên có những hợp đồng rõ ràng về sự liên minh.
 
Nếu quan sát sinh hoạt chính trị của nước Đức, dễ dàng nhận thấy chính quyền luôn luôn được thành lập bởi một liên minh cầm quyền giữa các đảng phái CDU (Dân chủ-Thiên chúa giáo – Christlich Demokratische Union Deutschlands) SPD (Dân chủ-Xã hội – Sozial-Demokratische Partei Deutschlands) Liên minh Xanh (Bündnis 90/Die Grünen) FPD (Đảng Dân chủ – Tự do – Freiheitliche Partei Deutschlands) PDS (hậu thân của đảng cộng sản Đức – Partei des demokratischen Sozialismus).
 
Trong các lần bầu cử, vì thường không có đảng phái nào đạt được đa số tuyệt đối trong quốc hội liên bang (trên 51%) nên tùy theo kết quả bầu cử, số ghế nhận được, các đảng phái chính trị Đức bắt buộc phải tìm một liên minh để có thể đạt được 51% hoặc hơn số dân biểu hầu thành lập chính phủ. Những liên minh cầm quyền này có khi là SPD-B90/Grünen, CDU-FPD hoặc CDU-SPD… Khi liên minh với nhau để cầm quyền, các đảng phái chia nhau các chức vụ quan trọng như thủ tướng, phó thủ tướng, các bộ trưởng… Đó cũng là lý do mà một người Đức gốc Việt, bác sĩ nhãn khoa Philipp Rösler trở thành phó thủ tướng Đức trong liên minh CDU-FPD trong 2 năm 2011-2013 khi ông là chủ tịch đảng FDP.
 
Hơn thế nữa, khi đi tìm cách liên minh, các tổ chức, đảng phái trong cộng đồng NVHN thường cố gắng tìm một nhân vật lãnh đạo cho liên minh, người mà mức độ uy tín khả dĩ đem lại niềm tin cho người khác, từng có môt quá trình hoạt động thiết thực trong cộng đồng, trong thực tế sinh hoạt. Chính điều này tạo ra khó khăn trong việc liên minh vì rất nhiều người có tâm, có tầm nhưng chán ngán sinh hoạt hội đoàn, tổ chức, đảng phái… nên không tham gia hoạt động. Do đó để có thể liên minh với nhau, các tổ chức, đảng phái nên tìm một người có khả năng kết hợp, dung hòa được những khác biệt của nhau, hơn là một người có uy tín. Nhưng nếu chỉ liên minh với nhau trong từng mục tiêu trụ mốc, thì việc tìm người lãnh đạo cho liên minh không nhất thiết phải có.
 
Bài Từ Huy viết: “Việc thành lập được một liên minh chính trị mạnh ở hải ngoại sẽ là một bằng chứng cho khả năng thay đổi của người Việt, bằng chứng cho tính cộng đồng và tính trách nhiệm của người Việt. Đồng thời chắc chắn điều này sẽ là một động lực mạnh mẽ cho các hoạt động chính trị đối lập ở trong nước, và sẽ góp phần quan trọng cho việc giải quyết các vấn đề chính trị tại Việt Nam, nghĩa là sẽ có đóng góp cho sự duy trì và phát triển của quốc gia”.
 
Đoạn trích trên cho thấy ước vọng cao đẹp của bà Từ Huy, tuy nhiên dù đưa ra những ý kiến, nhận định trên, người viết thấy ước vọng này thật khó lòng trở thành hiện thực trong tình trạng hiện nay. Từng tham dự nhiều sinh hoạt cộng đồng, tham gia vào tổ chức, đảng phái ở hải ngoại, nhận thấy nhiều người Việt Nam, sau nhiều năm sống trong một môi trường tự do, dân chủ vẫn thiếu ý thức cộng đồng, lẫn tinh thần trách nhiệm, vẫn chưa trang bị được cho mình tinh thần tranh luận, biết lắng nghe.
 
Người ta dễ dàng hận thù, ganh ghét, chửi bới, vu khống nhau chỉ vì tranh giành một chức tước hữu danh vô thực, địa vị chủ tịch, phó chủ tịch… trong cộng đồng, tổ chức. Một ông nhà thơ được bầu làm chủ tịch văn bút VNHN, thế là chỉ muốn làm chủ tịch vĩnh viễn, muôn năm trường trị, tìm đủ mọi cách bắt vít ngồi lại chức vụ. Một ông giáo sư già 80 tuổi, chỉ vì không được thuyết trình, chiếu phim trong các lễ kỷ niệm hàng năm trận chiến Hoàng Sa năm 1974 của Hải Quân VNCH ở San José, tức giận tìm cách phá thối, tuyên bố sẽ tổ chức lễ kỷ niệm nơi khác, cùng ngày, giờ. Một tổ chức hoạt động chính trị nhỏ, chưa có hoạt động gì nổi đình đám cho lắm, ngân quỹ mới chỉ vài chục ngàn đô la thì các lãnh đạo đã tranh giành quyền nắm giữ cơ sở kinh tài…
 
Tinh thần trách nhiệm, tính cộng đồng, thay đổi tư duy nào ở những người này? Người có tâm, có tầm chán ngán, buồn rầu, thở dài, im lặng nhìn cảnh đấu đá, xâu xé nhau ở những danh vọng, chức tước hư ảo, không dám lên tiếng cũng bởi thiếu tinh thần trách nhiệm, sợ bị chụp mũ, vu khống. Không biết thế hệ thứ hai, thứ ba của cộng đồng NVHN sẽ làm được gì cho quê hương, đất nước, dân tộc nhưng thế hệ thứ nhất dường như đã hỏng.
 
Ước vọng của tiến sĩ Từ Huy có rất ít triển vọng trở thành hiện thực.
 
Thạch Đạt Lang
 
(Ba sàm)
Link to comment
Share on other sites

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
Reply to this topic...

×   Pasted as rich text.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

 Share


×
×
  • Create New...