Jump to content

TSNM 190604 – Chiến lược Tinh ma của Bắc Kinh


Recommended Posts

KN: Xin kính chào quý KTG với tiết mục Thời Sự Ngày Mai cùng kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa trong chương trình Kim Nhung Show của hệ thống truyền hình SBTN. Kim Nhung xin kính chào ông Nghĩa….

KN 1: Thưa quý KTG, hôm Chủ Nhật mùng hai, trước Diễn đàn Đối thoại Sanghri La được một think tank Anh quốc là “International Institute for Strategic Studies”, tổ chức hàng năm tại Singapore, Trung Tướng Bộ trưởng Quốc phòng Bắc Kinh là Ngụy Phượng Hòa hăm rằng Trung Quốc sẽ chiến đấu tới cùng chống Hoa Kỳ trong trận thương chiến giữa hai nước và bày tỏ quyết tâm thống nhất Đài Loan và bảo vệ quyền lợi của mình tại Biển Đông. Lời phát biểu gay gắt có thể là cách trả lời Phúc trình do Ngũ Giác Đài công bố một ngày trước về Chiến lược của Hoa Kỳ tại khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương, được Quyền Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick M. Shanahan nhấn mạnh tại Singapore sau khi nói chuyện với đại biểu của nhiều quốc gia trong vùng. Câu hỏi được nhiều người nêu ra là liệu Hoa Kỳ và Trung Cộng có thể lâm vào một cuộc chiến hay chăng và thưa ông Nghĩa, thời sự ngày mai sẽ là gì?

NXN 1: - Câu trả lời của tôi sẽ làm nhiều người nhức đầu, vì thật ra Trung Cộng đã tấn công Hoa Kỳ rồi mà nhiều người Mỹ không biết, cho nên thời sự ngày mai sẽ là Hoa Kỳ phải làm gì trong những năm tới?

- Vì chủ quan, nhiều người Mỹ có trách nhiệm vẫn nghĩ Trung Cộng muốn vượt Hoa Kỳ trong các lãnh vực kinh tế, quân sự và ngoại giao, do đó cuộc đua trước mắt và thời sự ngày mai sẽ là trận đấu Mỹ-Hoa. Thật ra, từ Tập Cận Bình hơn sáu năm trước, Bắc Kinh không chỉ muốn thắng Hoa Kỳ trên các trận tuyến đó mà còn muốn lập ra một trật tự quốc tế mới để Trung Cộng lãnh đạo thế giới sau này.

- Thứ hai, vì chủ quan, nhiều viên chức hữu trách Mỹ, kể cả Tổng thống Donald Trump, vẫn nghĩ Bắc Kinh đã tranh đoạt quyền lợi kinh tế bất chính trong việc buôn bán với Hoa Kỳ và còn cướp thuật lý hay technology của các doanh nghiệp Mỹ làm ăn tại Trung Quốc khi chẳng tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và đòi cưỡng bách chuyển giao công nghệ cho các cơ quan Trung Cộng. Thật ra, từ đã lâu, Bắc Kinh thi hành việc đánh cắp thuật lý và phá hoại không gian điện não cyberspace dân sự lẫn an ninh của Mỹ ngay tại Mỹ. Vì vậy, trận chiến Mỹ-Hoa đã bùng phát từ lâu mà chẳng gây ra tiếng nổ. Thời sự ngày mai không chỉ là rủi ro chiến tranh ngoài Đông Hải mà còn là một hình thái đấu tranh vô hình và âm thầm khác.

KN 2: Chúng ta luôn luôn chờ đợi nhận định và phân tách bất ngờ từ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, và lần nào cũng ngạc nhiên với những phát giác mới. KN xin đề nghị ông Nghĩa giải thích thêm.

NXN 2: - Vì lý do văn hóa - mà đáng lẽ dân ta phải sớm hiểu ra trước và sau biến cố 1975 - ta nên nghĩ tới hình thái “đấu tranh toàn diện” trong đó chiến tranh chỉ là một diện thôi. Từ khi lập quốc đúng 230 năm trước, Hoa Kỳ đã phát triển quá mạnh quá nhanh lên vị trí siêu cường toàn cầu nên chưa có thời gian nghiền ngẫm và tổng hợp kinh nghiệm lịch sử của mình mà chỉ ngại một cường quốc nào khác sẽ chiếm mất vị thế siêu cường độc bá của mình. Việc Liên bang Xô viết sụp đổ càng khiến giới lãnh đạo Mỹ nghĩ vậy và chú ý tới sức mạnh kinh tế của Hoa Kỳ.

- Các phần tử ưu tú Hoa Kỳ có biết mưu lược và binh thư của nền văn hóa khác, từ Binh pháp Tôn Tử (Art of War của Sun-Tzu) tới Võ kinh Thất thư (Seven Military Classic) của Trung Hoa hay Ngũ Luân Kỳ Thư (Book of Five Rings, by Myamoto Musashi) là kiếm khách và danh sĩ Cung Bản Vũ Tàng của Nhật Bản hoặc cuốn sách Về Chiến Tranh (On War) của Carl Clausewitz người Đức, v.v… Nhưng họ lại học cách áp dụng các tư tưởng ấy vào doanh trường để cho dân giầu nước mạnh mà quên bài học căn bản là “làm sao chiến thắng mà khỏi lâm vào chiến tranh”? Bắc Kinh thấm nhuần chân lý đó và đã tấn công Hoa Kỳ để khỏi lâm chiến, họ liên tục tấn công qua nhiều diện khác.

KN 3: Xin ông đơn cử cho vài thí dụ cụ thể về các mưu lược này của Bắc Kinh.

NXN 3: - Thứ nhất là dụng gián, sử dụng tình báo gián điệp. Khi Hoa Kỳ còn lầm tưởng các lãnh tụ như Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào muốn học theo Mỹ để phát triển quốc gia cho kịp Hoa Kỳ thì Bắc Kinh đã nuôi gián điệp để không chỉ ăn cắp kỹ thuật tiên tiến của Mỹ mà còn khai thác kỹ thuật đó để đánh Mỹ.

- Tiêu biểu là nhân vật Joey Chun được cơ quan FBI tại New York cho hưởng quy chế an ninh vào năm 1998 mà từ năm 2005 đã có 10 năm chuyển các bí mật của FBI về Bắc Kinh rồi mới bị phát giác. Cùng thời đó, Trung ương Tình báo CIA của Mỹ cũng bị một điệp viên Trung Cộng từ Hong Kong xâm nhập quãng 2010-2011 sau đó mới té ngửa. Nhờ vậy, Bắc Kinh biết cách điều tra và làm việc của giới hữu trách Hoa Kỳ về an ninh như FBI và về tình báo như CIA để luồn lách xâm nhập qua khả khác. Dữ dội nhất là qua mạng lưới tin tặc hackers để đánh vào không gian điện não của Hoa Kỳ. Tại sao tôi gọi “cyberspace” là điện não mà không là điện tử? Vì đó là não bộ của các doanh nghiệp và cơ quan an ninh lẫn nhận thức của người dân.

KN 4: - Thưa ông, Tháng Chín năm 2015, Tập Cận Bình đã cam kết với Tổng thống Barack Obama là sẽ cho chấm dứt hoạt động tin tặc hay hackers này. Kết quả ra sao?

NXN 4: - Chúng ta nên phân biệt hai loại tin tặc. Đánh vào mạng lưới điện não của các doanh nghiệp Mỹ là để ăn cắp kỹ thuật và biết doanh nghiệp nào đang chuẩn bị các dự án liên quan tới an ninh với các Bộ Quốc Phòng hay Nội An. Loại thứ hai có tính chất lưỡng dụng, vừa dân sự vừa quân sự, là chuyện sinh tử của Mỹ. Sau lời hứa của Tập Cận Bình, chẳng ai thấy có luật lệ chỉ thị gì từ phía Bắc Kinh, các hoạt động tin tặc dân sự bỗng giảm bớt khiến Obama cười toe toét. Nhưng hoạt động tin tặc quân sự hay lưỡng dụng thì gia tăng còn mạnh hơn!

- Chúng ta nên chú ý tới một nhược điểm của Hoa Kỳ là có bốn triệu người Mỹ gốc Hoa, kể là 350-400 ngàn sinh viên Trung Cộng đang học tại Mỹ. Bắc Kinh có một vựa người để kết nạp cán bộ tình báo ngay trong lòng địch và gọi họ là “hải quy”, các con rùa biển sẽ bơi về bãi cát đẻ trứng, các nhân viên tình báo loại “phái khiển” sẽ hồi hương với những bí mật sinh tử của Hoa Kỳ. Chưa kể trở ngại về ngôn ngữ, nước Mỹ không có nhiều kiều dân như vậy trong xã hội Trung Quốc, để nếu muốn thì cũng có thể khai thác được bí mật của Bắc Kinh.

KN: Ông Nghĩa đang trình bày rằng trận đánh Mỹ Hoa đã xảy ra ngay trên đất Mỹ và từ đã lâu. Qua phần hai, ta sẽ trở lại câu chuyện đáng ngại này, Kim Nhung xin quý KTG đừng rời máy trong phần thông tin thương mại.

Thông tin Thương mại

KN: Kim Nhung xin đi ngay vào đề tài rắc rối và đáng ngại kỳ này với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

KN 5: Theo như ông vừa trình bày thì lãnh đạo Bắc Kinh đã có thể tác động vào không gian điện não hay cả nhận thức của người dân Mỹ để vừa che giấu âm mưu của họ vừa giải giới Chính quyền Mỹ hầu Trung Cộng có thể chiến thắng mà khỏi bị lôi vào một cuộc chiến với Hoa Kỳ, có phải như vậy không?

NXN 5: - Chẳng những vậy mà còn nguy hơn vậy!

- Trong mọi cuộc chiến, kể cả thương chiến hiện nay giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, đôi bên đều có thể bị tổn thất, nhưng Bắc Kinh chiếm lợi thế là bịt miệng báo chí của họ để không nói gì về thiệt hại nặng bên mình mà triệt để khai thác nền tự do của xã hội Mỹ hầu chỉ nói về tổn thất phía Mỹ nhằm cô lập chính quyền Trump.

- Nhưng chúng ta nên đi xa hơn thế. Việt Nam có khái niệm “quốc gia” để nói về một nước gồm có nhiều gia đình. Từ nhiều thế kỷ nay, thế giới có khái niệm “quốc gia dân tộc” hay “quốc dân” để nói về đất nước của một dân tộc. Ta quen gọi đó là “nation-state” trong đó là nhà nước là đại diện cho quốc dân và quốc gia. Bây giờ, Hoa Kỳ chưa làm sáng tỏ được một đặc tính của Trung Cộng là chẳng có quốc gia hay quốc dân mà chỉ có “quốc đảng’, hay “nation-party”.

KN 6: - Khi ông Nghĩa nói về ngôn từ thì chúng ta biết ngay là có chuyện nhận thức ở bên dưới. Thưa ông, vì sao lại có vấn đề như vậy?

NXN 6: - Hoa Kỳ không có bộ thông tin, thậm chí đôi khi Bộ Giáo Dục còn bị đề nghị giải tán để từng tiểu bang giải quyết lấy bài toán đó ở nơi gần dân nhất và không một ai, kể cả Chính quyền trung ương ở cấp liên bang, được độc quyền chân lý. Đa số dân Mỹ không ý thức được đặc tính văn hóa chính trị ấy của họ.

- Trung Cộng thì trái ngược, vì đảng mới lãnh đạo, với công cụ là nhà nước và quân đội, còn nhận thức của quốc dân thì do bộ máy đảng chỉ đạo và kiểm soát. Trong hội nghị Sanghri La vừa qua, dân Trung Cộng không hề biết gì ngoài phát biểu của Trung tướng Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa và các bình luận của truyền thông quốc doanh.

- Vì vậy, khi xã hội và chính trị của nền dân chủ Hoa Kỳ đang bị phân cực, ông Trump bị coi như thủ phạm của mọi chuyện thì Tập Cận Bình lại là lãnh tụ sáng giá của Bắc Kinh và Trung Cộng là cường quốc có ảnh hưởng nhất thế giới khiến các nước khác đều chửi Mỹ và thỏa hiệp với Tầu. Chưa đánh đã thắng là vậy!

KN 7: Nghe vậy mà ai chẳng giật mình? Thưa ông, thời sự ngày mai sẽ là gì?

NXN 7: - Hoa Kỳ là nước tiên tiến nhất về khoa học kỹ thuật, kể cả tín học hay information technology, và có rất nhiều phát minh khác nhờ quyền tự do sáng tạo. Nhưng Bắc Kinh khai thác các phát minh đó để làm giàu cho mình và để tấn công Hoa Kỳ. Các biến cố này sẽ lay tỉnh nước Mỹ tương tự như việc Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik vào năm 1957 khiến Mỹ đưa người lên cung trăng 12 năm sau, vào năm 1969.

- Đó là về dài. Trong ngắn hạn, Chính quyền Trump phải bước ra khỏi cái nhìn “nhị nguyên”, là hai chiều, giữa kinh tế và quân sự, giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng, mà nghĩ rộng tới cả thế giới khi Trung Cộng có tham vọng lập ra một trật tự mới, với Bắc Kinh là trung tâm. Trật tự đó sẽ gieo họa cho nhân loại về môi sinh, an ninh và kinh tế, chứ không thu hẹp vào các tiểu bang hay doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại về trận thương chiến hiện nay.

- Điều đáng mừng là Tập Cận Bình càng chủ quan lừa phỉnh người dân về sức mạnh vô địch của Trung Cộng thì giới hữu trách của Hoa Kỳ và nhiều cường quốc khác càng sớm thấy ra sự thật. Ông Trump không nhìn ra sự thật đó thì lãnh đạo kế tiếp của Hoa Kỳ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn sau khi lầm tưởng về bản chất của Trung Hoa nay đã thành Trung Cộng.

- Vụ thảm sát Thiên An Môn ngày bốn Tháng Sáu năm 1989, cách nay đúng 30 năm, là một nhắc nhở, khi chúng ra nhớ tới lời phát biểu thời đó của Vương Chấn, một trong các đại nguyên soái của Trung Cộng: rằng “ta phải giết những ai cần giết, trừng phạt những ai cần trừng phạt và đừng ngại là giới đầu tư rút vốn khỏi Trung Hoa. Bọn tư bản tham lợi cũng sẽ trở lại”! Nhận xét lạnh lùng đó vào Tháng Sáu năm 1989 đang là thực tại bi thảm của Hoa Kỳ, với nhiều doanh nghiệp vẫn nhận giặc làm cha và ca tụng Bắc Kinh trong khi đả kích chính quyền của mình.

KN Kim Nhung xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về đề tài lịch sử kỳ này, xin kính chào tạm biệt quý KTG và xin hẹn tuần tới, cũng vào ngày Thứ Ba….

Image may contain: 2 people, people smiling, screen
 
 
theo facebook Xuan Nguyen
Link to comment
Share on other sites

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
Reply to this topic...

×   Pasted as rich text.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

 Share


×
×
  • Create New...