Jump to content

xứ việt

Administrators
  • Posts

    39088
  • Joined

  • Last visited

Everything posted by xứ việt

  1. Hà Nội – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ở vị trí đương nhiệm trong Đảng Cộng Sản Việt Nam sau khi Đại hội Đảng kết thúc ngày 28 tháng Một vừa qua. Ông đã vượt qua trở ngại lớn nhất là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người có công thực hiện thành công quá trình đổi mới nền kinh tế Việt Nam. Đại hội được tổ chức 5 năm một lần để chọn ra cán bộ lãnh đạo cao cấp và định hướng các chính sách. Mặc dù có bầu cử kín trong đại hội nhưng cuộc cạnh tranh giữa các đảng viên có xu hướng chính trị khác nhau đã “lan truyền rộng rãi qua nhiều blog, tin đồn, và nhiều lời bóng gió” từ mấy tuần trước đó, theo tiến sĩ danh dự Nguyễn Hùng, chuyên gia về chính phủ và vấn đề đối ngoại tại Đại học Geogre Mason, Hoa Kỳ. Mặc dù Việt Nam có nền chính trị khép kín và kiểm duyệt truyền thông, nhưng lượng truy cập internet tăng chóng mặt, cùng với sự phổ biến của mạng xã hội, blog, và comment trực tuyến, thường khuyết danh, phần nào cho thấy người Việt Nam rất quan tâm đến chính trị và muốn đóng góp ý kiến về cách quản lý nhà nước. Tuy nhiên, lãnh đạo ở Việt Nam không được 94 triệu người dân bầu chọn mà họ nhờ vào số phiếu của 4,5 triệu đảng viên. Sự quan tâm của công chúng về lãnh đạo Đảng còn phản ánh qua nhiều lời bình luận, thư góp ý trong vài năm gần đây, bao gồm cả Kiến nghị 72 cho dù không thành công. Kiến nghị hướng tới yếu tố dân chủ trong bản sửa đổi Hiến pháp 2013 có sự tham gia của nhiều trí thức có tên tuổi như cựu Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc. Nhóm ủng hộ ông Dũng hay ông Trọng đều tham gia vào cuộc đấu khẩu trên mạng, hoặc để ca ngợi phẩm chất ứng viên hoặc để chê trách đối thủ. Trong khi những lần đổi thay trước đây trong ban cán sự đảng được quản lý kỹ lưỡng, lần này được chứng kiến cuộc tranh giành quyền lực chưa từng có, tiến sĩ Nguyễn Hùng chia sẻ với báo Nikkei Asian Review. Nhiều ngày trước đại hội, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người từng được đánh giá như một nhà cải cách trọng kinh tế, thân phương Tây, có vẻ như không còn hy vọng gì khi tin tức rò rỉ cho biết Tổng Bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò này. Chia rẽ quyền lực Ở thời điểm hiện tại, quyền lực được phân tán trong nội bộ đảng, giữa các đảng viên và tổng bí thư, thủ tướng, và chủ tich nước. Nhiệm kì thủ tướng của ông Dũng có lẽ không cho ông cơ hội lên tổng bí thư. Ông Trọng và Thủ tướng đương nhiệm có quan điểm khác nhau về quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, nhưng chuyến thăm Washington, D.C. hồi tháng Bảy vừa rồi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể là cứu cánh cho ông vượt qua Thủ tướng Dũng. Trước tình hình Việt Nam ngày càng trông vào sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trong mối quan hệ với Trung Quốc, ông Trọng có lẽ đã nhận ra rằng cần phải xua tan những định kiến so sánh ông với những phản ứng cứng rắn của ông Dũng khi Trung Quốc có những tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Cụ thể, năm 2014, ông Dũng đã phát biểu mạnh mẽ trước động thái của Trung Quốc như đặt giàn khoan trên vùng biển mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền ở biển Đông sau khi hàng trăm nhà máy của nhà đầu tư Trung Quốc và các nước khác bị người biểu tình đập phá. Vào thời điểm đó, ông Trọng có vẻ ngần ngại nếu phải đưa ra lời chỉ trích hành động của Trung Quốc, dấy lên lo ngại rằng ông sẽ không coi trọng quan hệ liên minh mới đang được hình thành với Hoa Kỳ. Quay lại với đại hội Đảng đầu năm 2016, rất có thể ông Trọng sẽ sớm phải đối đầu với ý kiến cho rằng ông có phần e ngại trước Trung Quốc. Đối mặt với những quan điểm khác cho rằng ông nặng về vấn đề tư tưởng hơn so với ông Dũng, người có vai trò quan trọng với nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài như Intel hay Samsung, ông Trọng lại nhờ vào chuyến thăm Hoa Kỳ, đã cho thấy rằng Việt Nam sẵn sàng tham gia Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng 11 nước khu vực Thái Bình Dương do Hoa Kỳ dẫn đầu. “Chuyến thăm thành công của ông Trọng tới Nhà Trắng năm 2015 đã củng cố quyền lực của ông trong Đảng khi ông đồng thời chứng tỏ khả năng giải quyết tinh tế mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với Hoa Kỳ và Trung Quốc”, theo Lê Toàn tại đại học Monash, Úc, cho biết. Yếu tố TPP Ông Trọng khẳng định rằng cần tiến hành bất cứ cải cách nào nếu cần thiết ”nhằm tạo điều kiện tốt hơn để Việt Nam tham gia TPP”, mà theo tiến sĩ Nguyễn Hùng thì “TPP yêu cầu cải cách về kinh tế, quyền con người, đặc biệt là quyền của người lao động.” Nhưng tiến bộ về kinh tế chưa chắc đã mang thay đổi về mặt chính trị do chính quyền kiểm soát như quyền tự do ngôn luận, ủng hộ bầu cử dân chủ, nhất là tại Việt Nam nơi chỉ có một đảng độc quyền chính trị. Những ý kiến trái chiều ủng hộ bầu cử dân chủ có thể phải đối mặt với những án tù. Vào ngày 28 tháng Một, ông Trọng đã phát biểu trước đại biểu Đảng Cộng sản rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo duy nhất, nhưng vẫn có những nguyên tắc về dân chủ và tính giải trình của lãnh đạo nhà nước … dân chủ phải được cân bằng với quy định và luật pháp.” Ông Dũng đã giữ tối đa hai nhiệm kỳ thủ tướng và rút khỏi chính trường, trong khi ông Trọng năm nay 71 tuổi tiếp tục giữ chức tổng bí thư trong năm năm nữa trước khi có người thay thế. Nguyễn Tấn Dũng đã công du nhiều nước và trở thành người đại diện cho Việt Nam trong nhiều năm. Tuy nhiên, ông cũng bị nghi ngờ quản lý yếu kém các doanh nghiệp nhà nước và bao che cho người những thân quen. Việc này từng được ông Trọng nói bóng gió khi ông tái đắc cử. Khi đó, ông có đề cập sự cần thiết “phải giám sát quyền lực, chống tham nhũng và lãng phí.” Kết quả nỗ lực giám sát còn phải chờ đến giữa nhiệm kì nếu tổng bí thư từ chức. Trong trường hợp này, có thể sẽ xảy ra một cuộc cạnh tranh quyền lực trong nội bộ Đảng, đặc biệt là khi kinh tế Việt Nam giảm tốc. Lê Hồng Hiệp, chuyên gia phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore cho rằng sự ra đi của ông Dũng cũng sẽ không tạo ra sự xáo động nào trong chính sách kinh tế của Việt Nam, bởi vì 19 người trong Bộ Chính trị thường đưa ra quyết định cuối cùng cho tất cả các vấn đề. Thay vị trí thủ tướng sắp tới là Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông sẽ cần phản ứng nhanh nhạy trước lo ngại của các nhà đầu tư khi biết tin ông Dũng rút khỏi chính trường, mặc dù ông Nguyễn Văn Bình sẽ tiếp tục vị trí thống đốc ngân hàng nhà nước. Ông Lê Hồng Hiệp chia sẻ thêm, “cộng đồng doanh nghiệp có vẻ trầm lắng hơn trước thông tin ông Dũng không tiếp tục tham gia chính trường vì ông được đánh giá là chính trị gia có tư tưởng cải cách và ủng hộ doanh nghiệp, trong khi họ còn không chắc chắn ông Phúc và nhóm lãnh đạo mới sẽ điều hành đất nước như thế nào.” Ông Phúc có thể sẽ tiếp tục đinh hướng cải cách kinh tế của ông Dũng trong bối cảnh Việt Nam đạt kỷ lục 14,5 tỷ USD vồn đầu tư nước ngoài trong năm 2015. Tốc độ phát triển kinh tế 2016 được dự đoán sẽ tăng gần 7% như năm trước. Tuy nhiên, nếu sự cạnh tranh hay bè phái giữa hai ông Dũng và Trọng không lắng đi, một cuộc cạnh tranh mới có thể sẽ được dấy lên khi nguyên bộ trưởng bộ Công An Trần Đại Quang đảm nhận vị trí Chủ tịch nước. Ông Hùng Nguyễn khẳng định rằng, “hiến pháp Việt Nam trao cho chủ tịch nước quyền lực đáng kể. Nếu vị chủ tịch kế nhiệm thực hiện quyền hiến pháp của ông ta, quyền lực của thủ tướng sẽ bị hạn chế.” Simon Roughneen, Nikkei Asia Review An Võ chuyển ngữ, CTV Phía Trước © 2007-2016 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info
  2. Gia đình tỷ phú Chính Chu và ca sĩ Hà Phương Ông David Dương, Tiến sĩ Alan Phan, doanh nhân Chính Chu, Tỷ phú Trung Dung, Triệu phú Bill Nguyen và còn nhiều tấm gương doanh nhân thành đạt trên đất Mỹ, hầu hết họ đi lên từ hai bàn tay trắng, với chữ “thiện và nhẫn” trong tâm, đặc biệt là yếu tố “nhẫn”, kiên trì lao động không mệt mỏi, và trí tuệ, họ đã trở thành những triệu phú, góp phần khẳng định vị thế con người Việt. Trung Dung, một trong những người châu Á nổi tiếng nhất tại Mỹ Câu chuyện của Trung Dung được kể lại trên những phương tiện truyền thông như tạp chí Forbes, Thời báo Tài chính và Thời báo phố Wall. Năm 2013, Trung Dung là 1 trong 17 người Mỹ nhập cư thành công, được vinh danh trong quyển Giấc mơ Mỹ của Dan Rather. Trung Dung đã có trong tay 1,8 tỷ USD và là một trong những người gốc Việt thành công nhất trên đất Mỹ. Năm 1985, Trung Dung đặt chân tới Boston với chỉ 2 USD và một chút vốn liếng Tiếng Anh. Sau 14 năm vất vả kinh doanh, chính thiện và nhẫn nhịn chịu đựng đã giúp ông vượt qua khó khăn, kiên trì học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng để phát triển. Năm 1999, Trung Dung bán OnDisplay với giá 1,8 tỷ USD. Sau đó Dung sáng lập và là trở thành CEO của Fogbreak Solutions, công ty chuyên về ứng dụng doanh nghiệp nhằm tối ưu hoá độ linh hoạt của chuỗi cung ứng và hiệu quả dây chuyền sản xuất. Tỷ phú Trung Dung Vai trò của những dân nhập cư châu Á có trình độ như Dung ngày càng lớn hơn tại Khu vực Vịnh San Francisco. Trái ngược với những nhà kinh doanh nhập cư truyền thống khởi đầu từ các dịch vụ và sản xuất công nghệ thấp, lớp trẻ sau này thiên về lĩnh vực khoa học máy tính và kỹ thuật. Bill Nguyen, triệu phú gốc Việt đi lên từ hai bàn tay trắng Xuất thân nghèo khó khi sinh ra trong một gia đình lao động nhập cư vào Mỹ, Bill Nguyen đã tự hứa khi lớn lên sẽ không bao giờ để bản thân phải sống khổ thêm một lần nào nữa. Năm 1992 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đời Bill Nguyen. Chàng trai trẻ đến từ Houston, khi đó 21 tuổi, bắt đầu hành trình trở thành triệu phú khi đảm nhiệm vai trò điều hành tại Forefront. Forefront là công ty phần mềm mà chỉ 6 năm sau đã có giá trị lên tới gần 150 triệu USD. Tiếp tục con đường, gặt hái thành công trong vai trò điều hành 2 công ty khác là Freeloader và Support.com, song chỉ tới khi thành lập Onebox năm 1999, tên tuổi của Bill mới thực sự được biết tới rộng rãi. Đó cũng là lần đầu tiên, Bill sáng lập một và làm chủ một công ty của riêng mình. Onebox được thành lập một cách tình cờ. Bắt nguồn từ ý tưởng “gửi fax qua mạng Internet”, Bill tìm đến các công ty đầu tư mạo hiểm để tìm nguồn vốn thực hiện kế hoạch. Onebox đã trở thành một “cú nổ” lớn vào thời điểm đó, khi trang web này giúp các tổ chức, cá nhân gửi các bản fax ảo một cách dễ dàng. Chỉ sau 18 tháng, Bill bán Onebox với giá 850 triệu USD. Trước đó, tổng số tiền Bill huy động được để gây dựng Onebox chỉ vẻn vẹn 60 triệu USD. Đây cũng là thương vụ thành công nhất của Bill cho tới thời điểm này. Sau đó, mặc dù không thực sự thành công với Lala và đặc biệt là ColorLabs, Bill Nguyen vẫn được biết tới như một cái tên mà các nhà đầu tư “không mảy may nghi ngờ”. Thương vụ Lala với số vốn huy động 35 triệu USD, mặc dù không được coi là thành công, vẫn mang về 80 triệu USD khi được Apple mua lại vào năm 2009. Bill từng là chủ tịch hội sinh viên gốc Phi khi còn học đại học, mặc dù có nguồn gốc châu Á. Ảnh: Snipview. Thành công của Bill thoạt nhìn tưởng do thông minh, may mắn, nhưng ít ai ngờ được rằng chính tấm lòng lương thiện, được mọi người tin tưởng quý mến, sẵn sàng hỗ trợ vốn đầu tư. Anh là người Việt, nhưng đã là chủ tịch hội sinh viên gốc Phi khi còn học đại học đã nói lên tấm lòng thiện lương, chân thật, sống vì mọi người của anh. Anh cũng nói thành công của anh là nhẫn, chịu đựng gian khổ để vượt qua. Điều trăn trở lớn nhất đối với Bill lúc này, là việc chưa thể trở thành tỷ phú. “Đúng là điều đó làm tôi suy nghĩ rất nhiều“, triệu phú này nói trong một bài phỏng vấn với Fast Company. “Tôi có khả năng chịu đựng gian khổ giỏi hơn bất kỳ ai khác, và sẽ tồn tại lâu hơn, bởi vì tôi có thể.” Vua rác trên đất Mỹ – David Dương Ông là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CWS, Công ty châu Á duy nhất đứng thứ 31/100 công ty hàng đầu trong ngành xử lý chất thải của Mỹ vào năm 2013. David Dương còn là Chủ tịch công ty TNHH Xử lý Chất thải rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions – VWS) chuyên đầu tư xử lý rác thải tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Mới đây, VWS đã giành chiến thắng trước “đối thủ” cạnh tranh là Waste Mangement – công ty xử lý rác lớn nhất Hoa Kỳ có trụ sở đặt tại Texas, có chi nhánh ở 50 tiểu bang và nhiều nước trên thế giới. Hợp đồng mà CWS thắng thầu là một trong những hợp đồng lớn nhất của thành phố Oakland, trị giá 2,7 tỷ USD trong 20 năm, thời gian bắt đầu thực hiện từ tháng 7/2015. Ông David Dương cho biết, CWS thắng thầu là nhờ vào giá rẻ (công ty đang hoạt động ở Oakland), sự ủng hộ của toàn thể nhân viên công ty; đặc biệt là sự ủng hộ và đòi công bằng của cộng đồng người Việt cho công ty của người Việt – sắc tộc thiểu số ở Hoa Kỳ, đã đánh thức Hội đồng thành phố đi đến quyết định bầu chọn, giao hợp đồng cho CWS. Ông David Dương Ít ai biết được những khó khăn vất vả đã trải qua để có được thành công của David Dương, chính lòng tận tâm kiên nhẫn vì công việc, làm việc gì ông cũng đặt hết tâm sức, cộng với một tâm thiện lành, làm gì cũng nghĩ đến xã hội trước, đối với nhân viên công ty ông lại càng luôn thể hiện bản tính thiện nên luôn được các nhân viên luôn tin yêu, quí mến. Hiện CWS có mặt tại 8 thành phố của Mỹ chuyên cung cấp các dịch vụ kinh doanh phế liệu, quản lý, thu gom và tái chế rác thải, vận hành các nhà máy tái chế rác thải… Ngoài ra, CWS còn kinh doanh vật liệu tái chế trên thị trường Mỹ và quốc tế, đưa ông David Dương lên ngôi “vua rác” trên đất Mỹ đầy tự hào. Tiến sĩ Alan Phan Alan Phan là doanh nhân Việt đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên sàn chứng khoán Mỹ vào năm 1987. Năm 1999, Tập đoàn Harcourt do ông sáng lập đạt trị giá 670 triệu USD, trước khi tách thành 5 công ty và tiếp tục niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ. Tiến sĩ Alan Phan du học Mỹ từ năm 1963. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ tại Mỹ trước khi nhận 2 bằng Tiến sĩ tại Anh và Australia. Ông còn tham gia thỉnh giảng tại các Đại học Mỹ (Colorado, Columbia, Cal State) và Trung Quốc. Tiến sĩ Alan Phan Alan Phan có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong các công ty đa quốc gia cũng như các ngân hàng lớn tại Phố Wall. Ông còn là Chủ tịch Quỹ đầu tư VIASA, chuyên gia tư vấn về Emerging Markets cho nhiều tập đoàn đa quốc gia và là cổ đông tại 6 công ty đại chúng ở Trung Quốc và Mỹ. Năm 1997, Alan Phan là người đầu tiên giới thiệu hệ thống bán cổ phiếu qua mạng và giáo dục online tại Trung Quốc. Với kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực đầu tư, hiện Alan Phan đang là một chuyên gia phân tích, với những góc nhìn độc đáo và sâu sắc về kinh tế. Là người rất tâm huyết với quê hương, ông đã dành nhiều tình cảm, tâm huyết cho sự phát triển kinh tế Việt Nam. Ông đã qua đời tháng 10/2015 tại Mỹ, khi ở tuổi 70. Chính Chu Doanh nhân Chính Chu sinh năm 1966 tại Việt Nam. Năm 1975, ông cùng gia đình di cư sang Mỹ. Chính Chu khởi nghiệp từ việc đi bán sách lẻ và giao đến tận nhà. Chính Chu có bằng cử nhân Tài chính loại xuất sắc của Đại học Buffalo, một trường công tại New York (Mỹ). Doanh nhân Chính Chu ngoài cùng bên trái Trước khi gia nhập Blackstone vào năm 1990, Chính Chu từng làm việc tại bộ phận mua bán và sáp nhập của công ty Salomon Brothers từ năm 1988. Hiện ông là đồng Chủ tịch kiêm Giám đốc cao cấp quản lý tài sản của Blackstone. Thị trường tài chính Thế giới biết đến Chính Chu nhiều hơn khi ông chi 34,3 triệu USD để mua trọn tầng 89, một nửa tầng 90 tại tháp Trump World Tower do tỷ phú Donald Trump đầu tư vào cuối năm 2007. Sau cố gắng bất thành để mua nốt nửa tầng còn lại, Chính Chu bỏ thêm 5 triệu USD để tăng không gian trên tầng mái tòa nhà, nâng tổng chi phí lên 39,3 triệu. Hiện tại tài sản của doanh nhân gốc Việt này khoảng 1,1 tỷ USD. Tại Việt Nam, ông Chính Chu còn được biết đến là phu quân của ca sĩ hải ngoại Hà Phương, em gái của ca sĩ Cẩm Ly. Cái tên cũng đã phần nào đã nói lên tính cách của bản thân ông, chân chính, chu đáo, thiện nhẫn. Cùng với trí thông minh, những đức tính tốt đẹp đó đã góp phần tạo nên một tỷ phú gốc Việt ở Mỹ. Tự hào vì những thành đạt của người Việt Người Việt luôn tự hào là dân tộc thông minh, cần cù chăm chỉ, nhưng quan trọng hơn là có trái tim thiện lành, nhẫn chịu đã giúp người Việt vươn lên trước mọi khó khăn. Trong bối cảnh đất khách quê người, không quen phong tục, tập quán và môi trường kinh doanh, nguồn vốn để khởi nghiệp cũng không có, nhưng họ đã vượt qua, đi lên bằng cách kinh doanh chân chính, bằng sự tin tưởng và trái tim thiện, nhẫn. Đây cũng là bài học cho các doanh nhân Việt Nam để tiến đến phát triển bền vững thay vì cách làm ăn sổi ở thì của nhiều người hiện nay. Thành Tâm (Đại Kỷ Nguyên VN)
  3. Trong chuyến công du các quốc gia Á Châu để chuẩn bị hậu thuẫn dư luận trước khi đánh Việt Nam, Đặng Tiểu Bình tuyên bố “Việt Nam là côn đồ, phải dạy cho Việt Nam bài học”. Câu “Việt Nam là côn đồ” được các đài truyền hình Trung Quốc phát đi và chính Dương Danh Dy, nguyên Tổng Lãnh Sự Quán Việt Nam tại Quảng Châu, đã xem đoạn phóng sự truyền hình đó “Tôi không bao giờ có thể quên vẻ mặt lỗ mãng và lời nói “bạo đồ” đầy giọng tức tối của ông ta qua truyền hình trực tiếp và tiếng người phiên dịch sang tiếng Anh là “hooligan” – tức du côn, côn đồ.” Tại sao Đặng Tiểu Bình nói câu “lỗ mãng” đó? Đảng CS Trung Quốc hy sinh quá nhiều cho đảng CSVN. Không nước nào viện trợ cho CSVN nhiều hơn Cộng Sản Trung Quốc (CSTQ). Trong cuộc chiến Việt Nam, Trung Quốc không chỉ viện trợ tiền của mà còn bằng xương máu. Trong tác phẩm Trung Quốc lâm chiến: Một bộ bách khoa (China at War: An Encyclopedia) tác giả Xiaobing Li liệt kê các đóng góp cụ thể của 320 ngàn quân Trung Quốc trong chiến tranh Việt Nam: “Trong chiến tranh Việt Nam giai đoạn năm 1964 đến năm 1973, quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã lần nữa can thiệp. Tháng Bảy năm 1965, Trung Quốc bắt đầu đưa quân vào Bắc Việt, bao gồm các đơn vị hỏa tiển địa-không (SAM), phòng không, làm đường rầy xe lửa, công binh, vét mìn, hậu cần. Quân đội Trung Quốc điều khiển các giàn hỏa tiển phòng không, chỉ huy các đơn vị SAM, xây dựng và sửa chữa đường sá, cầu cống, đường xe lửa, nhà máy. Sự tham gia của Trung Quốc giúp cho Việt Nam có điều kiện gởi thêm gởi nhiều đơn vị Bắc Việt vào Nam đánh Mỹ. Giữa năm 1965 và năm 1968, Trung Quốc gởi sang Bắc Việt 23 sư đoàn, gồm 95 trung đoàn, tổng số lên đến 320 ngàn quân. Vào cao điểm năm 1967, có 170,000 quân Trung Quốc hiện diện”. Trong số năm nhân vật hàng đầu lãnh đạo Trung Quốc giai đoạn 1977 đến 1980 gồm Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm, Uông Đông Hưng và Đặng Tiểu Bình thì Đặng Tiểu Bình là người có hoạt động gần gũi nhất với phong trào CSVN. Hơn ai hết, họ Đặng đã tiếp xúc, làm việc với các lãnh đạo CSVN, biết cá tính từng người và cũng biết một cách tường tận và chính xác những hy sinh của Trung Quốc dành cho đảng CSVN. Trong thập niên 1960, CSVN sống bằng gạo trắng của Trung Quốc nhưng cũng ngay thời gian đó quê hương Tứ Xuyên của Đặng Tiểu Bình chết đói trên 10 triệu người. Trong thời gian hai đảng CS cơm không lành canh không ngọt, bộ máy tuyên truyền CSVN ca ngợi Lê Duẩn như một nhân vật kiên quyết chống bành trướng Bắc Kinh nhưng đừng quên tháng 4, 1965, chính Lê Duẩn đã sang tận Bắc Kinh cầu khẩn Đặng Tiểu Bình để gởi quân trực tiếp tham chiến. Xung đột biên giới và xô đuổi Hoa Kiều Theo báo cáo Bộ Quốc Phòng Trung Quốc, các đụng độ quân sự trong khu vực biên giới giữa các lực lượng biên phòng hai nước đã gia tăng đáng kể sau 1975, gồm 752 vụ trong 1977 đến 1,100 vụ trong 1978. Không chỉ về số lượng mà cả tầm vóc của các vụ đụng độ cũng gia tăng. Dù không phải là lý do chính, những đụng độ quân sự cũng là cách gợi ý cho Bắc Kinh thấy giải pháp có thể phải chọn là giải pháp quân sự. Tháng 11, 1978 Phó Chủ Tịch Nhà nước Uông Đông Hưng và Tướng Su Zhenghua, Chính Ủy Hải Quân, đề nghị đưa quân sang Cambodia và Tướng Xu Shiyou, Tư lịnh Quân Khu Quảng Châu đề nghị đánh Việt Nam từ ngã Quảng Tây. Chính sách xô đuổi Hoa Kiều vào sáu tháng đầu 1978 cũng làm Trung Quốc khó chịu về bang giao và khó khăn về kinh tế. Đánh Việt Nam để củng cố quyền lực Đặng Tiểu Bình được phục hồi lần chót vào tháng 7, 1977 với chức vụ Phó Chủ Tịch BCH Trung Ương Đảng, Phó Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương, Phó Thủ Tướng, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc. Tuy nhiên, tất cả chức vụ này không đồng nghĩa với việc tóm thu quyền lực. Hoa Quốc Phong vẫn là Chủ Tịch Nước và Chủ Tịch Đảng. Các ủy viên Bộ Chính Trị khác như Uông Đông Hưng, người ủng hộ Hoa Quốc Phong, Lý Tiên Niệm, Phó Chủ Tịch Nước và Phó Chủ Tịch Đảng CSTQ đều còn nhiều quyền hành. Sự đấu tranh quyền lực trong nội bộ đảng CSTQ ngày càng căng thẳng. Ảnh hưởng của họ Đặng chỉ gia tăng sau chuyến viếng thăm Đông Nam Á và đặc biệt sau Hội Nghị Công Tác Trung Ương từ ngày 10 tháng 11 đến ngày 15 tháng 12, 1978 cũng như Hội Nghị Trung Ương Đảng kỳ III, trong đó các kế hoạch hiện đại hóa kinh tế được đề xuất như chiến lược của Trung Quốc trong thời kỳ mới. Trong nội dung chiến lược này, Mỹ được đánh giá như nguồn cung cấp khoa học kỹ thuật tiên tiến để phục vụ các hiện đại hóa. Nỗi sợ bị bao vây Tuy nhiên, câu nói của họ Đặng không phải phát ra từ cá lý do trên mà chính từ nỗi sợ bị bao vây. Học từ những bài học cay đắng của mấy ngàn năm lịch sử Trung Hoa, nỗi sợ lớn nhất ám ảnh thường xuyên trong đầu các thế hệ lãnh đạo CSTQ là nỗi sợ bị bao vây. Tất cả chính sách đối ngoại của đảng CSTQ từ 1949 đến nay đều bị chi phối bởi nỗi lo sợ đó. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, trong tác phẩm Về Trung Quốc (On China) vừa xuất bản, đã trích lại một đoạn đối thoại giữa Phạm Văn Đồng và Chu Ân Lai trong cuộc viếng thăm Trung Quốc của họ Phạm vào năm 1968. Chu Ân Lai: “Trong một thời gian dài, Trung Quốc bị Mỹ bao vây. Bây giờ Liên Xô bao vây Trung Quốc, ngoại trừ phần Việt Nam”. Phạm Văn Đồng nhiệt tình đáp lại: “Chúng tôi càng quyết tâm để đánh bại đế quốc Mỹ bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam”. Chu Ân Lai: “Đó chính là lý do chúng tôi ủng hộ các đồng chí”. Phạm Văn Đồng phấn khởi: “Chiến thắng của chúng tôi sẽ có ảnh hưởng tích cực tại châu Á, sẽ đem lại những thành quả chưa từng thấy”. Chu Ân Lai đồng ý: “Các đồng chí nghĩ thế là đúng ”. Chính sách của Đặng Tiểu Bình đối với Liên Xô kế thừa từ quan điểm của Mao, qua đó, sự bành trướng của Liên Xô được xem như “một đe dọa đối với hòa bình”. Khi Việt Nam rơi vào quỹ đạo Liên Xô sau Hiệp Ước Hữu Nghị và Hợp Tác Việt-Xô được ký ngày 3 tháng 11, 1978, nỗi sợ hãi bị bao vây như Chu Ân Lai chia sẻ với Phạm Văn Đồng không còn là một ám ảnh đầy đe dọa mà là một thực tế đầy nguy hiểm. Cambodia, giọt nước tràn ly Không những Trung Quốc sợ bao vây từ phía nam, vùng biên giới Lào mà còn lo sợ bị cả khối Việt Miên Lào bao vây. Để cô lập Việt Nam và ngăn chận khối Việt Miên Lào liên minh nhau, ngay từ tháng 8 năm 1975, Đặng Tiểu Bình cũng đã chia sẻ với Khieu Samphan, nhân vật số ba trong Khmer Đỏ “Khi một siêu cường [Mỹ] rút đi, một siêu cường khác [Liên Xô] sẽ chụp lấy cơ hội mở rộng nanh vuốt tội ác của chúng đến Đông Nam Á”. Họ Đặng kêu gọi đảng CS Campuchia đoàn kết với Trung Quốc trong việc ngăn chận Việt Nam bành trướng. Hoa Quốc Phong cũng lập lại những lời tương tự khi tiếp đón phái đoàn của Tổng bí thư đảng CS Lào Kaysone Phomvihane nhân chuyến viếng thăm Trung Quốc của y vào tháng Ba, 1976. Tháng Sáu, 1978, Việt Nam chính thức tham gia COMECON và tháng 11 cùng năm Việt Nam ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác có bao gồm các điều khoản về quân sự với Liên Xô. Tháng 12 năm 1978, Việt Nam xâm lăng Campuchia đánh bật tập đoàn Pol Pot vào rừng và thiết lập chế độ Heng Samrin thân CSVN. Đặng Tiểu Bình xem đó như giọt nước tràn ly và quyết định chặt đứt vòng xích bằng cách dạy cho đàn em phản trắc CSVN “một bài học”. Đặng Tiểu Bình chọn phương pháp quân sự để chọc thủng vòng vây. Quyết định của Đặng Tiểu Bình Hầu hết tài liệu đều cho thấy, mặc dầu có sự chia rẻ trong nội bộ Bộ Chính Trị, quyết định tối hậu trong việc đánh Việt Nam là quyết định của Đặng Tiểu Bình. Tại phiên họp mở rộng ngày 31 tháng 12, 1978 Đặng Tiểu Bình chính thức đề nghị thông qua kế hoạch tấn công “trừng phạt” Việt Nam. Các thành viên tham dự chẳng những đồng ý với kế hoạch đầu tiên tấn công vào Lạng Sơn, Cao Bằng và Lào Cai mà cả kế hoạch được sửa đổi trong đó có việc phối trí hai binh đoàn có thể tấn công vào Điện Biên Phủ từ ngã Mengla và Vân Nam qua đường Lào để đe dọa trực tiếp đến Hà Nội. Cũng trong phiên họp này Đặng Tiểu Bình cử Tướng Hứa Thế Hữu, Tư lịnh cánh quân từ hướng Quảng Tây, Tướng Dương Đắc Chí, đương kiêm Tư Lịnh Quân Khu Vũ Hán, chỉ huy cánh quân từ hướng Vân Nam. Soạn kế hoạch trên giấy tờ thì dễ nhưng với một người có đầu óc thực tiễn như Đặng Tiểu Bình, y biết phải đối phó với nhiều khó khăn. Trong điều kiện kinh tế và quân sự còn rất yếu của Trung Quốc vào năm 1979, đánh Việt Nam là một quyết định vô cùng quan trọng. Đặng Tiểu Bình nắm được Bộ Chính Trị CSTQ nhưng về mặt đối ngoại, Đặng Tiểu Bình phải thuyết phục các quốc gia Đông Nam Á, Á Châu và nhất là Mỹ. Lên đường thuyết khách tìm đồng minh Cuối năm 1978, Đặng Tiểu Bình, 74 tuổi, thực hiện một chuyến công du chính thức và lịch sử với tư cách lãnh đạo tối cao của Trung Quốc để vừa thúc đẩy Bốn Hiện Đại Hóa và vừa dọn đường đánh Việt Nam. Họ Đặng viếng thăm hàng loạt quốc gia châu Á như Nhật, Thái Lan, Mã Lai, Singapore, Miến Điện, Nepal. Tại mỗi quốc gia thăm viếng, họ Đặng luôn đem thỏa ước Việt-Xô ra hù dọa các nước láng giềng như là mối đe dọa cho hòa bình và ổn định Đông Nam Á. Đặng Tiểu Bình phát biểu tại Bangkok ngày 8 tháng 11 năm 1978: “Hiệp ước [Việt Xô] này không chỉ nhắm đến riêng Trung Quốc… mà là một âm mưu Sô Viết tầm thế giới. Các bạn có thể nghĩ hiệp ước chỉ nhằm bao vây Trung Quốc. Tôi đã trao đổi một cách thân hữu với nhiều nước rằng Trung Quốc không sợ bị bao vây. Thỏa hiệp có ý nghĩa quan trọng hơn đối với Á Châu và Thái Bình Dương. An ninh và hòa bình châu Á, Thái Bình Dương và toàn thế giới bị đe dọa.” Ngoại trừ Singapore, họ Đặng nhận sự ủng hộ của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á. ASEAN lên án Việt Nam xâm lăng Kampuchea. Nhật Bản cũng lên án Việt Nam. Trong các chuyến công du nước ngoài, việc viếng thăm Mỹ đương nhiên là quan trọng nhất. Trong phiên họp của Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng CSTQ ngày 2 tháng 11, 1978, Đặng Tiểu Bình chỉ thị cho Bộ Ngoại Giao Trung Quốc thông báo cho Mỹ biết ý định bình thường hóa ngoại giao. Đầu tháng 12, Đặng báo cho các bí thư đảng ủy một số tỉnh và tư lịnh các quân khu rằng Mỹ có thể thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào đầu năm Dương Lịch 1979. Chính bản thân Đặng đàm phán trực tiếp bốn lần với Leonard Woodcock, Giám Đốc Văn Phòng Đại Diện Mỹ tại Bắc Kinh trong hai ngày 13 và 15 tháng 11, 1978. Trong các buổi đàm phán, Đặng đã nhượng bộ Mỹ bằng cách không đưa vấn đề Mỹ bán võ khí cho Đài Loan như một điều kiện tiên quyết để tiến tới bình thường hóa vì Đặng nóng lòng giải quyết quan hệ với Mỹ trước khi xăm lăng Việt Nam. Chính thức viếng thăm Hoa Kỳ Ngày 28 tháng Giêng 1979, Đặng Tiểu Bình lên đường chính thức viếng thăm Mỹ. Y nghĩ rằng Mỹ và Trung Quốc đang tiến tới một đồng minh chiến lược chống Sô Viết trên phạm vi toàn cầu nhưng không có gì chắc chắn Mỹ sẽ ủng hộ ra mặt trong cuộc chiến chống Việt Nam sắp tới. Trong thời gian ở Mỹ, Đặng Tiểu Bình gặp Tổng Thống Jimmy Carter ba lần. Chỉ vài giờ sau khi hạ cánh xuống Washington DC, Đặng yêu cầu được gặp riêng với Tổng thống Carter để thảo luận về vấn đề Việt Nam. Đề nghị của họ Đặng làm phía Mỹ ngạc nhiên. Chiều ngày 29 tháng Giêng, Đặng và phái đoàn gồm Ngoại Trưởng Hoàng Hoa, Thứ trưởng Ngoại Giao Zhang Wenjin đến gặp TT Carter tại Tòa Bạch Ốc. Phía Mỹ, ngoài TT Carter còn có Phó Tổng Thống Walter Mondale, Ngoại Trưởng Cyrus Vance và Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Brzezinski. Trong buổi họp, Đặng Tiểu Bình thông báo cho TT Mỹ biết Trung Quốc đã quyết định chống lại sự bành trướng của Liên Xô bằng cách tấn công Việt Nam và cần sự ủng hộ của Mỹ. Trái với mong muốn của Đặng Tiểu Bình, TT Carter không trả lời ngay, ngoài trừ việc yêu cầu họ Đặng nên “tự chế khi đương đầu với tình trạng khó khăn”. Ngày hôm sau, Đặng Tiểu Bình nhận lá thư viết tay của TT Carter, trong đó ông có ý cản ngăn họ Đặng vì theo TT Carter dù Trung Quốc có đánh Việt Nam, Việt Nam cũng không rút quân khỏi Cambodia mà còn làm Trung Quốc sa lầy. TT Carter cũng nhắc việc xâm lăng Việt Nam có thể làm cản trở nỗ lực của Trung Quốc cổ võ cho một viễn ảnh hòa bình trên thế giới. TT Carter viết lại trong nhật ký Jimmy Carter, Keeping Faith, Memoirs Of A President, Ngô Bắc dịch: “Sáng sớm hôm sau, họ Đặng và tôi một lần nữa hội kiến tại Văn Phòng Bàu Dục, chỉ có một thông dịch viên hiện diện. Tôi đã đọc to và trao cho ông ta một bức thư viết tay tóm tắt các lý luận của tôi nhằm ngăn cản một cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào Việt Nam. Ông ta đã nhấn mạnh rằng nếu họ quyết định chuyển động, họ sẽ triệt thoái các bộ đội Trung Quốc sau một thời gian ngắn – và các kết quả của một cuộc hành quân như thế nhiều phần có lợi và có hiệu quả lâu dài. Hoàn toàn khác biệt với tối hôm trước, giờ đây ông ta là một lãnh tụ cộng sản cứng rắn, quả quyết rằng dân tộc ông không xuất hiện với vẻ yếu mềm. Ông ta tuyên bố vẫn còn đang cứu xét vấn đề, nhưng ấn tượng của tôi là quyết định đã sẵn được lấy. Việt Nam sẽ bị trừng phạt.” Ngày 30 tháng Giêng, trong một buổi họp khác với TT Carter, Đặng Tiểu Bình cho biết việc đánh Việt Nam đã được quyết định và sẽ không có gì làm thay đổi. Tuy nhiên, họ Đặng cũng nhấn mạnh chiến tranh sẽ xảy ra trong vòng giới hạn. Đặng Tiểu Bình không mua chuộc được sự ủng hộ công khai của Mỹ để đánh Việt Nam nhưng ít ra không phải về tay trắng. Tổng thống Carter để lấy lòng “khách hàng khổng lồ” và “đồng minh chiến lược chống Liên Xô” đã đồng ý cung cấp tin tức tình báo các hoạt động của 50 sư đoàn Liên Xô trong vùng biên giới phía bắc Trung Hoa. Mỹ cũng dùng vệ tinh để theo dõi trận đánh biên giới và cũng nhờ những tấm ảnh chụp từ vệ tinh mà các cơ quan truyền thông biết ai đã dạy ai bài học trong chiến tranh biên giới Việt Trung 1979. Trong buổi họp riêng với Tổng thống Carter trước khi lên máy bay, Đặng khẳng định “Trung Quốc vẫn phải trừng phạt Việt Nam”. Chuyến viếng thăm Mỹ là một thành công. Dù Mỹ không ủng hộ nhưng chắc chắc Đặng biết cũng sẽ không lên án Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Trên đường về nước, Đặng ghé Tokyo lần nữa để vận động sự ủng hộ của Nhật. Hai ngày sau khi trở lại Bắc Kinh, ngày 11 tháng 2, 1979 Đặng triệu tập phiên họp mở rộng của Bộ Chính Trị và giải thích đặc điểm và mục tiêu của cuộc tâ;n công Việt Nam. Ngày 17 tháng 2, 1979, Đặng Tiểu Bình xua khoảng từ 300 ngàn đến 500 ngàn quân, tùy theo nguồn ghi nhận, tấn công Việt Nam. Lãnh đạo CSVN ở đâu trong ngày quân Trung Quốc tràn qua biên giới? Trong khi Đặng Tiểu Bình chuẩn bị một cách chi tiết từ đối nội đến đối ngoại cho cuộc tấn công vào Việt Nam, các lãnh đạo CSVN đã bị CSTQ tẩy não sạch đến mức nghĩ rằng người Cộng Sản đàn anh dù có giận cỡ nào cũng không nỡ lòng đem quân đánh đàn em CSVN. Dương Danh Dy, nguyên Tổng Lãnh Sự tại Quảng Châu nhắc lại “Trong tận đáy lòng chúng tôi vẫn hy vọng, có thể một cách ngây thơ rằng, Việt Nam và Trung Quốc từng quá gần gũi và hữu nghị, họ [Trung Quốc] chẳng lẽ thay đổi hoàn toàn với Việt Nam quá nhanh và quá mạnh như thế.” Khi hàng trăm ngàn quân Trung Quốc tràn sang biên giới, Thủ Tướng CS Phạm Văn Đồng và Đại Tướng Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng vẫn còn đang viếng thăm Campuchia. Tình báo Việt Nam không theo dõi sát việc động binh ồ ạt của Trung Quốc và cũng không xác định được hướng nào là trục tiến quân chính của quân Trung Quốc. Tác giả Xiaoming Zhang viết trong Tái đánh giá cuộc chiến Trung Việt 1979 “Rõ ràng tình báo Việt Nam thất bại để chuẩn bị cho việc Trung Quốc xâm lăng” và “Mặc dù Trung Quốc nhiều tháng trước đó đã có nhiều dấu hiệu chiến tranh, các lãnh đạo Việt Nam không thể nào tin “nước xã hội chủ nghĩa anh em” có thể đánh họ. Dù bị bất ngờ, hầu hết các nhà phân tích quân sự, kể cả nhiều tác giả người Hoa, cũng thừa nhận khả năng tác chiến của phía Việt Nam vượt xa khả năng của quân đội Trung Quốc. Tạp chí Time tổng kết dựa theo các nguồn tin tình báo Mỹ, chỉ riêng trong hai ngày đầu thôi và khi các quân đoàn chính quy Việt Nam chưa được điều động đến, dân quân Việt Nam vùng biên giới đã hạ bốn ngàn quân chủ lực Trung Quốc. Tác giả Xiaobing Li, trong bài viết Quân đội Trung Quốc học bài học gì dựa theo khảo cứu A History of the Modern Chinese Army đã mô tả quân Trung Quốc chiến đấu tệ hại hơn cả trong chiến tranh Triều Tiên mấy chục năm trước. Nếu ngày đó giới lãnh đạo CSVN không tin tưởng một cách mù quáng vào ý thức hệ CS và “tình hữu nghị Việt Trung”, nhiều ngàn thanh niên Việt Nam đã không chết, Lạng Sơn đã không bị san bằng, hai tiểu đoàn bảo vệ thị trấn Đồng Đăng chống cự lại hai sư đoàn Trung Quốc đã không phải hy sinh đến người lính cuối cùng. Bài học lịch sử từ chiến tranh biên giới 1979 Từ đó đến nay, khi đánh khi đàm, khi vuốt ve khi đe dọa nhưng các mục tiêu của chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc đối với Việt Nam từ chiến tranh biên giới 1979 đến Hội Nghị Thành Đô 1990 vẫn không thay đổi. Trung Quốc bằng mọi phương tiện sẽ buộc Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Quốc về chế độ chính trị, là một phần không thể tách rời trong toàn bộ chiến lược an ninh châu Á của Trung Quốc và độc chiếm toàn bộ các quyền lợi kinh tế vùng biển Đông bao gồm cả các vùng biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang tranh chấp. Đặng Tiểu Bình trước đây và các lãnh đạo CSTQ hiện nay sẳn sàng dùng bất cứ phương tiện gì để thực hiện các chủ trương đó kể cả việc xóa bỏ nước Việt Nam trong bản đồ thế giới bằng một chính sách đánh phủ đầu (preemptive policy). Đừng quên họ Đặng đã từng chia sẻ ý định này với Tổng thống Jimmy Carter “Bất cứ nơi nào, Liên Xô thò ngón tay tới, chúng ta phải chặt đứt ngón tay đó đi”. Đặng Tiểu Bình muốn liên minh quân sự với Mỹ như kiểu NATO ở châu Âu để triệt tiêu Liên Xô tại châu Á. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger giải thích quan điểm này của họ Đặng trong tác phẩm Về Trung Quốc (On China) của ông: “Những gì Đặng Tiểu Bình đề nghị về căn bản là chính sách đánh phủ đầu, đó là một lãnh vực trong chủ thuyết quân sự ngăn chận tấn công của Trung Quốc… Nếu cần thiết, Trung Quốc sẽ chuẩn bị phát động các chiến dịch quân sự để phá vỡ kế hoạch của Liên Xô, đặc biệt tại vùng Đông Nam Á”. “Đông Nam Á” và “ngón tay” theo ý Đặng Tiểu Bình tức là Việt Nam và liên kết quân sự theo dạng NATO không phải là để dời vài cột mốc, dở một đoạn đường rầy xe lửa, đụng độ biên giới lẻ tẻ mà là cuộc tấn công phủ đầu, triệt tiêu có tính quyết định trước khi Việt Nam có khả năng chống trả. Cựu Ngoại trưởng Mỹ bà Madeline Albright có câu nói rất hay “Lịch sử chưa bao giờ lập lại một cách chính xác nhưng chúng ta phải gánh lấy tai họa nếu không học từ lịch sử.” Với Chiến Tranh Lạnh đang diễn ra tại Châu Á hiện nay và với nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhưng không lối thoát cho bộ máy chính trị độc tài toàn trị đang được chạy bằng nhiên liệu Đại Hán cực đoan, chiến tranh sẽ khó tránh khỏi dù các bên có muốn hay không. Việt Nam, quốc gia vùng trái độn giữa hai quyền lực thế giới, chưa bao giờ đứng trước một chọn lựa sinh tử như hôm nay. Một người có trách nhiệm với tương lai đất nước, dù cá nhân có mang một thiên kiến chính trị nào, cũng phải biết thức tỉnh, biết đặt quyền lợi dân tộc lên trên, biết chọn hướng đi thích hợp với đà tiến văn minh dân chủ của thời đại, chấm dứt việc cấy vào nhận thức của tuổi trẻ một tinh thần bạc nhược, đầu hàng. Lịch sử đã chứng minh, Trung Quốc giàu mạnh nhưng không phải là một quốc gia đáng sợ. Nỗi sợ hãi lớn nhất của người Việt Nam là sợ chính mình không đủ can đảm vượt qua quá khứ bản thân, không đủ can đảm thừa nhận sự thật và sống vì tương lai của các thế hệ con cháu mai sau. Trần Trung Đạo -------------------- Tham khảo: - Deng Xiaoping and China’s Decision to go to War with Vietnam, Xiaoming Zhang, MIT Press 2010 - China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment, Xiaoming Zhang - Henry Kissinger, On China, The Penguin Press, New York 2011 - Graham Hutchings, Modern China, Harvard University Press, 2001 - A Reassessment, China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment, The China Quarterly, 2005 - Todd West, Failed Deterrence, University of Georgia - Reuter, China admits 320,000 troops fought in Vietnam, May 16 1989 - Russell D. Howard, The Chinese People’s Liberation Army: “Short Arms and Slow Legs”, USAF Institute for National Security Studies 1999 - Wikipedia Đặng Tiểu Bình - Wikipedia Chiến tranh biên giới Việt-Trung, 1979 - Vietnam tense as China war is marked, BBC, 16 February 2009 - A History of the Modern Chinese Armypp. P 255-256, 258-259 , Xiaobing Li (U. Press of Kentucky, 2007) - Jimmy Carter, cựu Tổng Thống Hoa Kỳ, Ghi nhớ về chiến tranh Trung Quốc – Việt Nam năm 1979, Ngô Bắc dịch - “Côn đồ” Đặng Tiểu Bình trong quan hệ Việt-Trung-Miên, Trần Trung Đạo - Chu kỳ thù hận Việt-Trung-Miên, Trần Trung Đạo (Lịch sử Việt Nam qua ảnh)
  4. Không hiểu từ đâu và bao giờ, “Phù Tang” đã mặc nhiên trở thành một mỹ từ để chỉ nước Nhật trong tiếng Việt. Từ này thường được người ta dùng trong các áng văn chương, các bài báo, các chương trình truyền hình hay trong cả các văn bản mang tính chất ngoại giao khi muốn ca tụng vẻ đẹp thiên nhiên, đất nước, con người Nhật Bản. Qua một cuộc điều tra nhỏ tiến hành với 50 người Việt và 50 người Nhật đã cho thấy hầu hết người Việt đều khẳng định “Phù Tang” là Nhật Bản hoặc một vùng của Nhật Bản, trong khi những người Nhật được hỏi lại tỏ ra lúng túng khi phải lựa chọn câu trả lời trắc nghiệm mà một trong số đó là đất nước của họ. Trong một lần phải làm phiên dịch cho cuộc nói chuyện giữa những người Việt và những người Nhật, người viết bài này đã dịch trực tiếp từ “Phù Tang” ra thành Fusō (扶桑) nhưng đã vấp phải phản ứng của phía Nhật bởi có lẽ họ nghi ngờ tính chính xác của từ dùng đó. Vậy, khoảng cách giữa hai cách nhìn nhận này là do đâu, thực chất “Phù Tang” là gì, “đất nước Phù Tang” nằm ở đâu? Đây là những vấn đề thú vị, trong đó chứa đựng những bí ẩn của lịch sử mà đến nay vẫn chưa có câu trả lời đủ sức thuyết phục. 1. Về từ “Phù Tang” và “Phù Tang quốc” Thông thường, Phù (扶) được hiểu với nghĩa là phù trợ, giúp đỡ, còn “Tang”(桑) vốn là từ để chỉ cây dâu. Nhưng khi ghép hai chữ Hán với nghĩa không ăn nhập nhau này thành một từ “Phù Tang” thì sẽ phải cắt nghĩa như thế nào? Có lẽ đây cũng là lý do tại sao không chỉ ở những nước không có cơ duyên với chữ Hán, mà cả những nước dùng chữ Hán ngàn năm nay người ta vẫn không thể hiểu được nghĩa của từ này nếu không dựa vào một cuốn từ điển nào đó. Theo từ điển song ngữ Nhật – Việt do Onochi Seiji biên soạn và phát hành năm 1979[1] thì “Phù Tang” được giải thích với ba nghĩa: 1. Là cây mặt trời (thần thoại); 2. Phía Đông; 3. Đất nước mặt trời mọc (Nhật Bản). Từ điển Việt Nhật thì giải thích một cách đơn giản: “扶桑(d) phù tang, Nhật Bản”[2]. Điều đáng chú ý là ở nghĩa thứ ba trong cuốn từ điển của Onochi mà nguyên bản tiếng Nhật có ghi: “日の出の国(日本)”. Ở trên đã tạm dịch từ “国” (quốc) là “đất nước”, tuy nhiên trong tiếng Nhật vẫn có thể dịch là “vùng” hoặc “miền”, chứ không hẳn là để chỉ một quốc gia, đất nước có lãnh thổ và thể chế chính trị nhất định. Từ đó, người đọc có quyền đưa ra phản biện rằng, vùng (“miền” hay thậm chí là “đất nước”) mặt trời mọc, tức là nơi nằm ở phía Đông so với vị trí của chủ thể lời nói trên, chứ không nhất thiết phải là từ để chỉ Nhật Bản. Dù vậy, đây chỉ là từ điển về ngôn ngữ nên khó có thể đòi hỏi những chứng cứ lịch sử chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, hai cuốn từ điển Nhật – Việt được những chuyên gia Nhật Bản biên soạn sau đó([3]) lại không hề nhắc đến từ Phù Tang. Đây chỉ là ngẫu nhiên hay có sự chủ ý của những người biên soạn là điều hứa hẹn nhiều chi tiết thú vị. Tương tự như từ điển Việt – Nhật, từ điển Nhật-Trung cũng giải thích một cách đơn giản: “Fusō (danh từ): Phù Tang, Nhật Bản”. Trong Đại từ điển tiếng Trung do Trường Đại học Daito Bunka của Nhật Bản biên soạn có giải thích về “Phù Tang” với 3 nghĩa: (1) Là loại cây lớn ở biển Đông Hải theo truyền thuyết thời cổ đại; (2) Tên một quốc gia cổ ở biển Đông Hải, chỉ Nhật Bản; (3) Chỉ cây “Phật Tang”, tức một loài dâm bụt[4]. Tuy nhiên, từ điển điển cố tiếng Trung thì chỉ trích dẫn các thư tịch cổ trong đó có chữ “Phù Tang” như “Sơn hải kinh”[5]… Trong hệ thống từ điển của Nhật-Nhật, các loại từ điển có khả năng đề cập đến từ “Phù Tang”, đó là từ điển chữ Hán, từ điển quốc ngữ (tương đương với từ điển tiếng Việt) và các loại từ điển liên quan đến lịch sử Nhật Bản, Trung Quốc hay vùng Đông Á, Châu Á nói chung. Đại từ điển Hán Hòa([6]), bộ từ điển chữ Hán được coi là đồ sộ nhất của Nhật Bản giải thích kỹ lưỡng nghĩa của các từ. Theo đó, chữ “phù”(扶) gồm 15 nghĩa như giúp đỡ; bảo vệ; nâng đỡ; gắn với…; dựa theo, theo…; men theo…; phát triển, hưng thịnh…([7]) Mặc dù cuốn từ điển không đưa ra nghĩa nào của từ “phù” ứng với từ Phù Tang nhưng có lẽ nếu tư duy một cách thông thường thì nghĩa “phát triển, hưng thịnh” là có thể kết hợp với từ “tang” một cách lô-gíc nhất. Tuy nhiên, trong mục “Phù Tang” có giải thích với 6 nghĩa như sau: (1) Tên một loại thần mộc ở Đông Hải; (2) Tên một loại cây giống cây cứu rừng và người xứ Phù Tang hay ăn lá đó; (3) Tên một loại thực vật được trồng ở phía Nam. Lá giống lá dâu, hoa có ba loại, loại màu trắng, vàng và hồng, trong đó màu hồng lá quý nhất; (4) Tên một nước ở phía Đông; (5) Truyền rằng để chỉ nước Nhật; (6) Tên tự của Tôn Thừa Ân đời nhà Thanh([8]). Điều đáng chú ý ở đây là nghĩa thứ (5) mà dẫn chứng được đưa ra ở đây là bài thơ “Tống mật thư Triều giám hoàn Nhật Bản thi” của Vương Duy, một trong những thi sĩ lớn thời nhà Đường. Ở đây xin tạm dịch là: “Thơ tống biệt Mật thư giám họ Triều về Nhật Bản”. Tương truyền Abe Nakamaro đã được cử làm sứ giả sang nhà Đường vào năm 717 nhưng sau đó ở lại (bị giữ lại?), làm đến chức Mật thư giám và mang họ Triều. Vì vậy, đây được coi là bài thơ Vương Duy viết tặng Abe Nakamaro khi ông từ biệt để trở về bản quốc. Cuốn từ điển có trích hai câu bài thơ ngũ ngôn đó như sau:” Hương quốc Phù Tang ngoại. Chủ nhân độc đảo trung”. Điều này có nghĩa là quê hương của Abe Nakamaro là ở “Phù Tang ngoại”, tức là nơi nằm ngoài và xa hơn cả Phù Tang, hơn nữa vị quân chủ của nước đó (xây dựng quốc gia) ở giữa đảo. Từ bài thơ này có thể thấy Vương Duy cho Nhật Bản là đất nước nằm ngoài Phù Tang, chứ không phải Phù Tang. Vì vậy, khó thể lấy đây làm dẫn chứng cho kết luận: Phù Tang là từ để chỉ đất nước Nhật Bản. Hơn nữa, trong mục “Phù Tang quốc”, ngoài nghĩa chỉ nước ở phía Đông chung chung, cuốn từ điển còn giải thích nghĩa thứ hai là: “Truyền rằng để chỉ Nhật Bản” như trong mục “Phù Tang”. Tuy nhiên dẫn chứng ở đây lại là bài thơ “Tống di thượng nhân quy Nhật Bản thi” của Vương Miện([9]) với hai câu thơ thất ngôn:” Thượng nhân trú cận Phù Tang quốc. Ngã gia diệc tại Bồng Lai khâu”, hàm ý về sự xa cách Thượng nhân ở gần Phù Tang quốc mà ta (Vương Miện) lại ở tận chốn Bồng Lai. Và ở đây cũng cần chú ý đến chữ “trú cận”, tức “ở gần”, chứ không phải “ở tại”. Trong cuốn từ điển Nihon Kokugo Daijiten([10]) không có từ “Phù Tang”, chỉ có từ “Phù Tang quốc”, nhưng cũng không giải thích nghĩa mà thuần túy trích dẫn các nguồn sử liệu trong đó xuất hiện từ này. Khác với Nihon Kokugo Daijiten, Từ điển Kōjien([11]), tái bản có bổ sung lần thứ 6 vào năm 2008 mạnh dạn hơn với cách giải thích: “Phù Tang” theo “Sơn Hải kinh”([12]) là “thần mộc” ở biển phía Đông, nơi mặt trời mọc, còn theo “Nam sử”([13]) thì đó là từ chỉ đất nước nằm ở phía Đông của Trung Quốc và là tên gọi khác của Nhật Bản(日本国の異称)”. Cũng giống một số từ điển quốc ngữ khác, Kōjien đã dựa vào sử sách Trung Hoa để giải thích nghĩa của từ “Phù Tang”. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong khi các tư liệu cổ của Trung Hoa chỉ đề cập “Phù Tang” là “thần mộc”, “Phù Tang quốc” là đất nước ở phía Đông của Trung Quốc nói chung mà không đặc định đó là cây dâu hay đất nước Nhật Bản, nhưng Kōjien lại đưa ra lý luận bắc cầu “là tên gọi khác của Nhật Bản” mà không có căn cứ xác thực. So với từ điển quốc ngữ, các từ điển chuyên ngành lịch sử lại khá dè dặt khi đưa ra từ “Phù Tang” hay “Phù Tang quốc”. Nihonshi Kojiten là một trong số ít từ điển lịch sử đề cập đến “Phù Tang quốc”. Theo đó, “Phù Tang quốc là đất nước nằm ở Đông Hải xa xôi vào thời cổ đại của Trung Quốc. Từ này đã được ghi lại trong “Sơn Hải kinh”, “Hoài Nam tử”, “Lương thư”, “Nam sử Đông di truyện”. Ảnh hưởng từ đó, cũng có thể thấy từ này được ghi trong “Nihon shoki”([14]) và “Sandai Jitsuroku”([15]). Ở Trung Quốc, từ này chỉ tồn tại về mặt khái niệm, nhưng vào thời cổ đại ở Nhật Bản người ta lại cho đó là từ để chỉ Nhật Bản, nên đã xuất hiện các tên thư tịch cổ như “Phù Tang tập” hay “Phù Tang lược ký”. Vào thời kỳ sau đó, trong các cuốn như “Jinnō Shōtōki”([16]) hay “Kagakushū” người ta có cách hiểu cho rằng, Trung Quốc đã sử dụng từ này như một biệt danh để chỉ nước Nụy (倭)”([17]). Về tổng quan, có thể thấy trong số rất nhiều loại từ điển quốc ngữ và từ điển chuyên về lịch sử của Nhật Bản thì chỉ có một số ít từ điển đề cập đến “Phù Tang”, “Phù Tang quốc”. Dù có đề cập đến, những người biên soạn cũng chỉ dựa vào nguyên bản nguồn cổ sử của Trung Hoa và dè dặt khẳng định đó là tên gọi của Nhật Bản vào thời cổ đại. Hơn nữa, không cuốn từ điển nào bàn về hai khái niệm trong xã hội Nhật Bản từ sau thời cổ đại, đặc biệt là hiện đại ngày nay. Ở đây có hai vấn đề được đặt ra. Một là thư tịch cổ Trung Hoa đã viết về “Phù Tang”, “Phù Tang quốc” như thế nào và hai là người Nhật đã tiếp nhận chúng ra sao? 2. “Phù Tang”, “Phù Tang quốc” qua các thư tịch cổ Trung Hoa và các thuyết về vị trí của “Phù Tang quốc” Ở Trung Quốc, Phù Tang được nhắc đến trong các tác phẩm văn chương thời cổ đại như “Đông quân” thời Chiến quốc, “Lữ thị xuân thu” thời Tần, “Sơn Hải kinh”, “Hoài Nam tử” thời Tiền Hán, “Luận hành”, “Thuyết văn” thời Hậu Hán khi muốn tán dương về một vùng đất nào đó, trong đó có cả trường hợp Nhật Bản. Tuy nhiên, các chính sử lại chép tên “Phù Tang quốc” như một thực thể tồn tại cùng các nước khác trong khu vực như Cao Cú Ly, Bách Tề, Tân La, Nụy, Văn Thân, Đại Hán…chứ không đơn thuần là một mỹ từ dùng để tán dương. “Nam Tề thư” có nhắc đến “Phù Tang” trong mục “Man- Đông Nam di liệt truyện”, nhưng tiếc rằng chỉ liệt kê tên:” Đông di hải ngoại, Hát Thạch, Phù Tang”, mà không viết chi tiết về các quốc gia cổ này. Tiếp đó, cuốn “Lương thư” nhắc đến Phù Tang nhiều hơn, cụ thể là ở các phần “Chư di truyện”, “Đông di chi quốc” và một mục riêng viết về đất nước Phù Tang, trong đó có ghi: “Nhà Lương hưng thịnh, theo đó một số nước khác cũng nổi lên. Phù Tang quốc là nước chưa từng nghe thấy xưa nay, nhưng vào năm Phổ Thông([18])thời Lương, một đạo nhân xưng là người của nước đó vào yết kiến. Nhờ vậy mà đã hiểu tường tận về nước này. Xin được ghi lại cả câu chuyện đó ở đây”. Và câu chuyện kể rằng vào năm Phổ Thông đời nhà Lương, có một nhà sư xưng danh là Tuệ Thâm đến từ nước Phù Tang xin vào yết kiến triều đình. Theo Tuệ Thâm, nước này nằm ở phía Đông Trung Quốc, cách nước Đại Hán hơn 2 vạn lý. Ở đó có rất nhiều cây Phù Tang, nên gọi là Phù Tang quốc. Đặc điểm của loại cây này được tả như sau: Lá thì như lá cây cứu rừng, chồi non như chồi măng, nên mọi người thường lấy cái đó ăn. Quả thì đỏ như quả lê. Người ta thường tích vỏ cây này lại để làm vải, từ đó may quần áo. Thời không có tường thành, người ta thường trồng cây này để làm rào chắn. Thời xuất hiện chữ viết thì người ta dùng vỏ cây để làm giấy….Hơn nữa, từ năm Đại Minh thứ 2 (458) đã có 5 nhà sư từ Kế Tân (nay thường gọi là Kashmir) mang Phật giáo đến truyền bá. Đây là những thông tin vô cùng quan trọng để hiểu về đất nước Phù Tang cũng như lịch sử du nhập Phật giáo. Để biết Phù Tang nằm ở đâu, trước hết cần phải xác định được vị trí của nước Đại Hán. Theo phần ghi chép về các nước Đông di trong “Lương thư” thì nước Văn Thân nằm cách nước Nụy hơn 7000 lý về phía Đông Bắc, còn nước Đại Hán thì cách nước Văn Thân hơn 5000 lý về phía Đông. Nếu nước Đại Hán theo lời kể của Tuệ Thâm trùng với nước Đại Hán trong ghi chép về Đông di này của “Lương thư” thì Phù Tang sẽ nằm cách xa nước Nụy hơn 30.000 lý. Theo đó, vị trí của Phù Tang sẽ được xác định tùy vào vị trí của nước Nụy và độ dài của lý được sử dụng thời bấy giờ. Nhưng đây là điều không dễ dàng, bởi hiện nay mặc dù phần đông chuyên gia cho rằng trung tâm của nước Nụy vào thế kỷ thứ 5 là ở vùng Kinki (Cận-cơ) của Nhật Bản nhưng vẫn có người lại khẳng định là ở phía Bắc vùng Kyūshū (Cửu-Châu). Hơn nữa, tùy từng thời đại khác nhau mà kích thước lý lại thay đổi. Thường 1 lý dao động từ 400m đến 500m, nhưng trên thực tế kiểm chứng các sử liệu Trung Hoa, người ta cho rằng nếu không tính một lý bằng 70-80m thì sẽ không hợp lý. Từ đây, nếu tính 1 lý bằng 400-500m thì Phù Tang cách nước Nụy 12.000.000-15.000.000m. (12.000-15.000km), nghĩa là nằm ngoài vùng Đông Á hiện nay. Nhưng nếu tính 1 lý bằng 70-80m thì khoảng cách giữa Phù Tang với nước Nụy là 2.100-2.400km, nghĩa là không phải không có khả năng nằm ở khu vực nào đó trên nước Nhật ngày nay. Từ kích thước này đã nảy sinh nhiều thuyết khác nhau về vị trí của Phù Tang. Có người cho Phù Tang nằm ở vùng Kyūshū, nhưng cũng có người khẳng định là ở vùng Kantō hoặc cùng Tōhoku. Trên cơ sở tổng kết toàn bộ những nghiên cứu về đất nước Phù Tang từ trước tới nay và phân tích kỹ lưỡng những sử liệu có liên quan, Iki Ichirō, một trong những nhà nghiên cứu nghiệp dư nhưng vô cùng nhiệt huyết tìm hiểu vấn đề này thì Phù Tang là ở vùng Kansai của Nhật Bản([19]). Tuy nhiên, không ít ý kiến lại cho rằng Phù Tang không nằm trong khuôn khổ quần đảo Nhật Bản mà có thể là Cao Cú Ly xưa, thuộc bán đảo Triều Tiên ngày nay. Hơn nữa, các nhà nghiên cứu phương Tây lại nghiêng về quan điểm cho Phù Tang là ở Sakkalin thuộc Cộng hòa liên bang Nga hoặc xa hơn nữa là Mexico chủ yếu dựa vào dữ liệu Phù Tang cách Đại Hán hơn 2 vạn lý, Đại Hán cách Văn Thân hơn 5000 lý về phía Đông và Văn Thân cách nước Nụy hơn 7000 lý về phía Đông Bắc. Ngay từ thế kỷ 18, các nhà nghiên cứu Châu Âu đã dựa vào các sử liệu Trung Hoa để chứng minh Phù Tang là một quốc gia cổ đại thuộc Châu Mỹ và mối giao lưu có từ thời cổ đại giữa các nước phương Đông với Châu Mỹ([20]). Mặc dù thừa nhận không có cơ sở chứng minh được Huệ Thâm đã vượt biển bằng cách nào, nhưng nhà báo Sử Thạch và những nhà nghiên cứu khác của Trung Quốc như Châu Khiêm Chi, Đặng Thác…cũng ủng hộ ý kiến cho rằng Phù Tang là ở Châu Mỹ và khẳng định thực ra Tuệ Thâm mới là người đầu tiên tìm ra Châu Mỹ. Ngoài ba bộ sử “Nam Tề thư”, “Lương thư”, “Nam sử”, Phù Tang còn được nhắc đến trong các cuốn “Thông điển” thời Đường, “Thái Bình ngự lãm”, “Sách phủ nguyên quy”, “Thông chí” thời Bắc Tống, “Văn hiến thông khảo” thời Nguyên, “Lương tứ công ký” thời Lương…nhưng đều không cung cấp được những thông tin chi tiết. Như vậy, mặc dù được ghi lại trong các thư tịch cổ Trung Quốc nhưng có sự khác nhau giữa “Phù Tang” được dùng như một mỹ từ với “Phù Tang” để chỉ tên một nước có tồn tại thực. Tuy nhiên, những ghi chép trong chính sử không thống nhất, nhiều chỗ bất hợp lý nên đến nay vẫn chưa có bằng chứng xác thực về sự tồn tại cũng như vị trí cụ thể của đất nước Phù Tang. 3. “Phù Tang” qua cách nhìn của người Nhật Ở Nhật Bản, có lẽ từ Phù Tang được biết đến nhiều nhất qua tên tác phẩm “Fusō ryakki” (Phù Tang lược ký) của nhà sư Kōen (Hoàng Viên, ?-1169) chùa Enryakuji([21]). Trong bộ sách được cho rằng gồm 30 tập này, Kōen đã tóm lược lại lịch sử Nhật Bản từ đời Thiên hoàng Jimmu (Thần-Vũ)([22]) đến năm Khoan Trị thứ 8 (1094) đời Thiên hoàng Horikawa. Tuy nhiên, vì là một nhà sư nên Kōen đã viết thiên về lịch sử của giới Phật giáo nhiều hơn là lịch sử Nhật Bản nói chung. Mặc dù khó có thể sử dụng những ghi chép trong trước tác này như những sử liệu do độ chính xác không cao, nhưng ở đó đã ghi lại được những câu chuyện truyền miệng mà không thể tìm thấy trong chính sử. Ở đây, “Phù Tang” chỉ được dùng để chỉ đất nước Nhật Bản ở phần đầu đề, nên khó có thể hiểu được nhận thức của bản thân Kōen về cách gọi này. Trước khi “Phù Tang lược ký” của nhà sư Kōen ra đời, trong tác phẩm “Sandai Jitsuroku” (Tam đại thực lục) do hai học giả lúc bấy giờ là Fujiwara-no -Tokihira và Sugahara-no-Michizane biên soạn vào năm 901 theo chiếu chỉ của triều đình có nhắc đến “Phù Tang”. Tuy nhiên, các bộ sử trước đó như “Nhật Bản thư kỷ” và “Cổ sự ký” lại đều không hề đề cập đến. Vào giữa thời Edo, nhà Quốc học Matsushita Kenrin (1637-1703) sau khi nghiên cứu hàng loạt thư tịch cổ viết về lịch sử Nhật Bản đã nhận ra rằng, Phù Tang không phải là từ để chỉ Nhật Bản. Trong “Dị bang chi sở xưng”, ông đã cho rằng Phù Tang là đất nước nằm ở phía Đông so với Nhật Bản, chứ không phải bản thân Nhật Bản. Tuy nhiên, một trong bốn nhà Quốc học lớn nhất thời đó là Hirata Atsutane (1776-1843) đã mạnh mẽ phản đối ý kiến của Matsushita Kenrin bằng tác phẩm “Đại Phù Tang quốc khảo”([23]). Vốn là người uyên bác không chỉ Nho giáo mà cả Phật giáo, Hà Lan học, Thần đạo, Binh pháp…và cổ súy mạnh mẽ cho tư tưởng Hoàng quốc, sùng bái Thiên hoàng, Hirata đã tầm chương trích cú nhiều kinh điển kim cổ để chứng minh cho quan điểm của mình rằng: Phù Tang là xứ sở linh thiêng nằm ở phía Đông, là nơi mặt trời mọc, là “Thần quốc” và là “Hoàng đại ngự quốc”. Có thể thấy, điều này đã có ảnh hưởng nhất định đến quan niệm về “Phù Tang” của người Nhật từ đó về sau. Sau Hirata Atsutane, một nhà Đông phương học nổi tiếng, giáo sư Đại học đế quốc Tōkyō (nay là Đại học Tōkyō) là Shiratori Kurakichi (1865-1942) đã tổng kết lại những nghiên cứu ở cả Nhật Bản và trên thế giới về “Phù Tang”, “Phù Tang quốc”. Trên cơ sở đó ông đã khảo sát một cách công phu hầu như toàn bộ thư tịch cổ của Trung Quốc mà có xuất hiện từ “Phù Tang” hay “Phù Tang quốc”. Theo giáo sư Shiratori, từ cuối thời Chu người Trung Quốc đã biết đến cây Phù Tang và đất nước Phù Tang là nơi trồng giống cây này nhưng đất nước Phù Tang trong sử sách viết từ cuối thời Chu đến thời Hán khác với đất nước Phù Tang được nhắc đến trong “Lương thư” hay “Nam sử”. Từ đó ông chỉ trích rằng, đa số những nhà nghiên cứu đều không nhận ra sự khác nhau này và đây chính là lý do khiến họ quanh quẩn, không thoát ra khỏi vấn đề([24]). Phù Tang được nhắc đến lần đầu tiên là trong thơ của Khuất Nguyên vào thế kỷ thứ 4 trước công nguyên, trong đó từ Phù Tang không phải để chỉ tên một địa danh đặc định, mà đơn giản chỉ là viết về phía Đông, nơi mặt trời lên. Qua phân tích của giáo sư Shiratori, từ “Hậu Hán thư” có thể thấy quan niệm của người Trung Quốc thời cổ đại phía Đông là nơi hiền nhân, thần mộc sinh sôi, là xứ sở của đại nhân, quân tử và là miền đất bất tử. Phù Tang chính là miền đất ở phía Đông này và khi nhận thức về địa lý của người Trung Quốc càng mở rộng sang phía Đông thì Phù Tang lại càng dịch chuyển về phía Đông xa hơn nữa. Khi trời đất đối với người Hán chỉ hạn định trong phạm vi lưu vực sông Hoàng Hà thì Phù Tang là phía Đông tỉnh Sơn Đông ngày nay. Khi người Hán mở rộng khu vực ảnh hưởng thì Phù Tang lại là từ để chỉ miền đất thuộc Bán đảo Triều Tiên ngày nay. Và khi lãnh thổ mở rộng đến vùng Yến Tề thì vị trí của xứ sở Phù Tang trong quan niệm của họ lại tiệm tiến tiếp sang phía Đông, tức lãnh thổ Nhật Bản ngày nay. Theo sử sách thời đó, người Trung Quốc đã biết rõ về Nụy quốc với tên gọi Nhật Bản, nhưng về Phù Tang thì chỉ biết mơ hồ rằng nằm ở phía Đông của Nụy quốc và cách Trung Quốc hơn 3 vạn lý. Hơn nữa, nhiều sử liệu còn cho thấy, quan niệm về xứ sở Phù Tang còn gắn với tư tưởng âm dương ngũ hành. Và đây chính là điểm khác với xứ sở Phù Tang được chép trong “Lương thư” hay “Nam sử”. Theo Shiratori, trong “Lương thư”, Phù Tang đã được ghi chép như một quốc gia tồn tại thực, chứ không còn là một xứ sở trong quan niệm hay tưởng tượng của người Trung Hoa nữa. Tuy nhiên, theo những gì nhà sư Tuệ Thâm kể về đặc điểm của cây Phù Tang, giáo sư Shiratori đã phân tích và cho rằng không thể có một loại thực vật nào có đặc điểm như vậy. Từ đây đã dẫn ông đi đến nghi vấn toàn bộ nội dung về đất nước Phù Tang được chép trong “Lương thư” và trên cơ sở khảo sát kỹ lưỡng, có đối chiếu, so sánh với những ghi chép trong các thư tịch cổ khác, ông đã đưa ra một kết luận làm chấn động giới nghiên cứu lúc bấy giờ, rằng: “Có thể nói, nhân vật có tên Tuệ Thâm chính là kẻ lừa bịp thành công nhất trên thế giới”([25]). Ảnh hưởng từ kết quả nghiên cứu của giáo sư Shiratori, từ đó đến nay các nhà nghiên cứu lịch sử Nhật Bản thường tránh đề cập đến vấn đề này. Tiếp đó, trước chiến tranh thế giới có nhà nghiên cứu Akamatsu Bunnosuke hay thập kỷ 90 của thế kỷ trước có những công trình của nhà nghiên cứu Iki Ichirō có tiến hành nhìn nhận lại kết quả nghiên cứu của giáo sư Shiratori, nhưng dường như chưa đủ sức thuyết phục. Trên thực tế, hiện nay ở Nhật Bản, Fusō (Phù Tang) còn được sử dụng với tư cách là tên gọi trong các trường hợp sau: Địa danh: Aichi-ken, Niwa-gun, Fusō-chō Hokkai-dō, Abuta-gun, Kucchan-chō, Fusō Tochigi-ken, Oyama-shi, Fusō-chō Tên công ty: Công ty cổ phần chế biến thuốc Fuso (Fuso Pharmaceutical Industries. Ltd) Công ty bất động sản Fuso Lexel (Từ 1/3/2009 đã bị sát nhập vào Công ty bất động sản Daikyō), Nhà xuất bảnFuso (Fusosha) Công ty cổ phần điện tử viễn thông Fuso Dentsū (Fuso Dentsu Co,.Ltd) Công ty cổ phần hóa học công nghiệp Fuso (Fuso Chemical Co,.Ltd) Công ty cổ phần xây dựng công nghiệp Fuso (Fuso Water Industries Co,.Ltd) Công ty cổ phần cao su Fuso (Fuso Rubber Co,.Ltd) Tại sao các địa danh và các công ty trên lại lấy tên Phù Tang lại là một vấn đề cần phải tầm cứu tiếp theo, nhưng ở đây chỉ xin nhắc lại rằng, mặc dù có tồn tại địa danh và tên các công ty như trên, nhưng trong tâm thức của người Nhật hiện nay sự tồn tại của từ Phù Tang với tư cách là từ để chỉ đất nước của họ đã rất mờ nhạt. Có ý kiến cho rằng, có chăng chỉ là những hậu duệ tư tưởng của Hirata Atsutane, tức những người cổ súy cho chế độ Thiên hoàng, cho tư tưởng dân tộc chủ nghĩa mà đã bị phê phán kịch liệt từ sau sự thất bại trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Như vậy, qua việc tổng kết các kết quả nghiên cứu về bản thân cây Phù Tang và xứ sở Phù Tang có thể thấy một thực tế là sử sách Trung Hoa ghi chép không thống nhất về cây Phù Tang cũng như xứ sở mang tên loại thực vật này. Khi thì Phù Tang được dùng như một mỹ từ, một khái niệm mang tính ước lệ và tưởng tượng, nhưng có khi lại để chỉ một quốc gia tồn tại thực. Chính sự mâu thuẫn và khiếm khuyết về nguồn sử liệu này đã dẫn đến những quan điểm khác nhau giữa các nhà nghiên cứu mà không dễ đi đến một lời giải thích đáng. Trước một thực tế như vậy chỉ có thể nói rằng việc dùng một cách phổ biến từ “đất nước Phù Tang”, “xứ sở Phù Tang” để chỉ đất nước Nhật Bản trong tiếng Việt là một sự xa rời với những hiểu biết đó. Điều này cũng giống như việc gọi một người bằng cái tên mà bản thân họ không hề nhận thức đó là tên của mình. Hiện nay, mối giao lưu giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản không chỉ dừng ở lĩnh vực kinh tế, chính trị mà mở rộng sang cả lĩnh vực văn hóa, nhưng khi nói đến Việt Nam, không ít người Nhật cũng mới chỉ biết chủ yếu đến Chiến tranh Việt Nam (tức cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước), và người Việt khi nhắc đến thành công Nhật Bản có lẽ sẽ nhớ ngay đến cuộc Minh Trị duy tân… Đó không phải là sai, nhưng không thể phủ nhận rằng những hiểu biết đó chưa phản ánh hết thực tế. Diện mạo Việt Nam đã khác xa so với những năm sau chiến tranh và Nhật Bản ngày nay không còn là Nhật Bản của những năm Minh Trị cũng như lịch sử của Nhật Bản không chỉ có duy nhất trang sử chói lọi là cuộc Minh Trị duy tân. Qua một trường hợp cụ thể về từ dùng “Phù Tang”, người viết bài này nhận thấy việc hiểu biết về văn hóa các nước là điều vô cùng cần thiết để lấp đầy những khoảng cách, những nhận thức “lạc hậu” để từ đó tạo dựng sự hiểu biết lẫn nhau. Tuy nhiên, ở đây chỉ có một hy vọng nhỏ rằng, mỗi người đọc sẽ hiểu và thận trọng hơn trong cách dùng từ Phù Tang, đặc biệt là trên những phương tiện thông tin đại chúng. Tác giả: Phạm Thị Thu Giang TS. Phạm Thị Thu Giang công tác tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. ————- Chú thích [1] 小野地成次、『ベトナム語辞典』、風間書房、1979 (Onochi Seiji, Từ điển tiếng Việt, Nxb Kazama Shobō, năm 1979) [2] Tập thể tác giả Lê Đức Niệm, Trương Đình Nguyên, Trần Sơn… biên soạn, Từ điển Nhật-Việt, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau, 1994. [3] 竹内与之助、川口健一、今井昭夫編、『日越小辞典』、大学書林、1985年;竹内与之助編、『日越小辞典』、大学書林、1986年 (Takeuchi Yonosuke, Kawaguchi Kenichi, Imai Akio chủ biên, Tiểu từ điển Nhật-Việt, Nxb Daigaku Shorin, năm 1985; Takeuchi Yonosuke chủ biên, Tiểu từ điển Nhật-Việt, Nxb Daigaku Shorin, năm 1986). [4] 『中国語大辞典』、大東文化大学中国大辞典編纂室、角川書店、1994年(biªn soạn Đại từ điển Trung Quốc, Đại học Daitō Bunka, Đại từ điển tiếng Trung, Nxb Kadogawa, năm 1994). [5] 『中国典故大辞典』、世紀出版集団・漢語大詞典出版社、2005年 (Đại từ điển điển cố Trung Quốc, NXB Đại từ điển chữ H¸n- Tập đoàn xuất bản Thế kỷ, năm 2005). [6] 諸橋徹次、『大漢和辞典』平成2年3月20日修訂版、大修館書店 (Morohashi Tetsuji, Đại từ điển Han Hßa, Bản phát hành ngày 20 tháng 3 năm 1990, Công ty sách Daishūkan Shoten). [7] 諸橋徹次、『大漢和辞典』平成2年3月20日修訂版、諸橋徹次、大修館書店、第5巻、109頁 (Morohashi Tetsuji, Đại từ điển H¸n Hßa, Bản phát hành ngày 20 tháng 3 năm 1990, Công ty sách Daishūkan Shoten, Tập 5, trang 109). [8]『大漢和辞典』平成2年3月20日修訂版、諸橋徹次、大修館書店、第5巻、110頁 (Morohashi Tetsuji, Đại từđiển H¸n Hßa, Bản phát hành ngày 20 tháng 3 năm 1990, Công ty sách Daishūkan Shoten, Tập 5, trang 110). [9] Vương Miện (1310-1359), một nhà thơ vào cuối đời nhà Nguyên, Trung Quốc. [10] 『日本国語大辞典』第2版第11巻、小学館、2001年、879頁 (Đại từ điển tiếng Nhật, Tái bản lần 2, Tập 11, NXB Shogakuan, năm 2001, trang 879). [11] 新村出編『広辞苑』第6版、岩波書店、2008年、2458頁 (Shinmura Izuru chủ biên, Kōjien, Tái bản lần thứ 6, Công ty sách Iwanami, năm 2008, trang 2458). [12] Sơn hải kinh được coi là sách địa lý tối cổ của Trung Quốc, được viết và bổ sung từ thời Chiến quốc đến thời Tần Hán. Tuy nhiên, những điều viết trong tập sách này chủ yếu là những truyền thuyết, nên độ tin cậy với tư cách là tư liệu lịch sử không cao. [13] Nam sử được biên tập lại vào thời Đường trên cơ sở tập Tống thư. Do biên tập lại và bổ sung những ghi chép mới, nên có những phần khác hẳn với Tống thư. Tuy nhiên, đây cũng là bộ sách cũng ít được các nhà nghiên cứu sử dụng với tư cách là tư liệu lịch sử tin cậy. ([14]) Nihon shoki (Nhật Bản thư kỷ) là bộ chính sử cổ nhất còn tồn tại đến ngày nay của Nhật Bản, được biên soạn vào thời Nara (710-794) và cho rằng đã được hoàn thành vào năm 720. Tương truyền cả bộ sử này gồm 30 tập nhưng không còn lưu lại được mục lục. ([15]) Sandai Jitsuroku (Tam đại thực lục) là bộ sử được bắt đầu viết từ năm 901, thời Heian (794-1185/1192), viết về những sự kiện diễn ra vào thời của ba Thiên hoàng Seiwa (Thanh-Hòa), Yōzei (Dương-Thành), Kōkō (Quang Hiếu). ([16]) Jinnō Shōtōki (Thần hoàng chính thống ký) là bộ sử do công khanh Kitabatake Chikafusa (1293-1354) viết để chứng minh tính chính đáng của Nam triều, nhằm bảo giữ quyền uy cho ấu chúa Go-Murakami (Hậu Thôn Thượng, 1328-1368). [17] 『日本史広辞典』第1版、山川出版社、1997年、1877頁 (Đại từ điển lịch sử Nhật Bản, NXB Yamakawa, năm 1997, trang 1877). ([18]) Niên hiệu kÐo dài từ năm 520 đến năm 527. ([19]) Iki Ichirō, “Phù Tang quốc là ở vùng Kansai”, Nxb Ashishobō, năm 1995. ([20]) Những nhà nghiên cứu tiêu biểu có thể kể đến như De Guignes (Pháp), Friedrich Neumann (Đức), Heinrich Julius Klaproth (Đức), Gustav d’Eichthal (Hà Lan)… [21] Enryakuji (Diên-Lịch-tự) là tổng thể trung tâm Phật giáo được nhà sư Saichō (767-822) lập nên và xây dựng trên toàn bộ núi Hieizan, thuộc Thành phố Ōtsu, tỉnh Shira, vùng Kinki nước Nhật ngày nay. Đây là chùa chính, quản hạt toàn bộ hệ thống chùa theo phái Thiên đài của Nhật Bản. [22] Được coi là vị thiên hoàng đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản, nhưng hiện nay vẫn chưa rõ năm mất, năm sinh và khoảng thời gian tại vị. [23] Đại Phù Tang quốc khảo (大枎桑囶考), Tuyển tập Hirata Atsutane, Công ty sách Hōbunkan, năm 1917. [24] Shiratori Kurakichi, “Shiratori Kurakichi toàn tập”, Tập 9, Công ty sách Iwanami, năm 1971, trang 16-17. [25] Shiratori Kurakichi, “Shiratori Kurakichi toàn tập”, Tập 9, Công ty sách Iwanami, năm 1971, trang 90. (Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á)
  5. Nhiều người chưa từng sống tại miền Nam trước 1975 thường hay đề cao nền « dân chủ cộng hòa » ở miền Bắc đồng thời chỉ trích rằng nền dân chủ ở miền Nam chỉ là một thứ « dân chủ kiểu Mỹ ». Lời chê bai này, xét trên lý thuyết Mác-Xít, dĩ nhiên phải đúng. Trên quan điểm của Mác, thực chất của « dân chủ nhân dân" thì « dân chủ » gấp triệu lần thứ « dân chủ tư sản » (tức dân chủ kiểu Mỹ). Thua hơn đến một triệu lần thì cái thứ « dân chủ kiểu Mỹ » này có ra gì ! Nhưng tiếc thay chủ nghĩa Mác đã sụp đổ. Thế giới bây giờ không còn ai mất thì giờ bàn cãi việc « ai thắng ai », mọi người đều thấy nền dân chủ Mỹ đã đánh gục « nền dân chủ gấp triệu lần » của Liên Xô và khối cộng sản. Đến nay ai cũng nhìn nhận rằng món hàng có giá trị nhứt nước Mỹ, không phải phi thuyền hay vũ khí tối tân, mà là bản « hiến pháp dân chủ ». Giá trị nhứt vì tất cả các nước áp dụng đều thành công rực rỡ trong việc phát triển đất nước. Một vài mô hình dân chủ cóp py mô hình hiến pháp dân chủ kiểu Mỹ : các nước Mỹ, Canada, Tây Âu, Nhật, Đại Hàn… nước nào cũng là cường quốc. Vì vậy, khi chê bai nền dân chủ ở miền Nam trước 1975 là nền dân chủ theo kiểu Mỹ, lại trở thành một lời tán dương quá trớn. Rõ ràng lãnh đạo miền Nam bất tài, thiếu viễn kiến, trí thức miền Nam bất lực và thiển cận. « Nền dân chủ kiểu Mỹ » thật không xứng đáng. Đáng lẽ miền Nam nên áp dụng một chế độ thích ứng cho tình trạng chiến tranh, tương tự như ở Nam Hàn hay Đài Loan cùng thời kỳ có lẽ thành công hơn. Lãnh đạo và trí thức miền Nam, bất tài và bất trí, đã phung phí « vốn liếng dân chủ » sẵn có, làm sụp đổ nền dân chủ non trẻ này. Dầu vậy, nền dân chủ yểu số này cũng sinh sản ra được nhiều sản phẩm có giá trị, ít ra về các mặt văn hóa, giáo dục, kinh tế, đạo đức xã hội… Trịnh Công Sơn, cũng như nhiều nghệ sĩ tài hoa khác, trong và ngoài nước không hết lời ca ngợi, là sản phẩm của nền dân chủ yểu số đó. Hôm nay mọi người nhìn nhận sự cần thiết về một nền dân chủ cho VN. Việc này sẽ là công việc dã tràng xe cát nếu ta không hiểu được thực chất cái « dân chủ » mà mình muốn xây dựng đó là cái gì ? Một thành phần không nhỏ trí thức trong nước (nhứt là một vài trí thức phản chiến thời trước 75), do quá khứ chống Mỹ, do đó vẫn nghi kỵ với « dân chủ kiểu Mỹ ». Thử so sánh « nền dân chủ kiểu Mỹ » với nền dân chủ gấp triệu lần đang áp dụng tại VN, ta thấy khác nhau chỗ nào và giống nhau chỗ nào ? Mô hình dân chủ được áp dụng tại Mỹ và tại hầu hết các nước trên thế giới, thực ra là nền dân chủ tự do. Đó là loại dân chủ được người dân (ở các nước áp dụng) sử dụng như là một phương tiện để tuyển chọn, trao quyền lực của người dân cho (những) người được tuyển chọn để lãnh đạo nhà nước. Tổng thống (hay thủ tướng ở các nước dân chủ đại nghị), tức người lãnh đạo tối cao của nhà nước, được tuyển chọn qua các cuộc đầu phiếu trực tiếp hay gián tiếp, mọi người dân được quyền sử dụng lá phiếu của mình trong việc tuyển chọn. Đại biểu Quốc hội, nhân sự Hội đồng Hành tỉnh… cũng được người dân trong khu vực tuyển chọn bằng phương pháp bầu cử. Phương pháp thể hiện dân chủ ở đây là thể thức đầu phiếu. Pháp luật các nước theo dân chủ tự do bảo đảm cho mọi người có quyền và cơ hội như nhau trong vấn đề bầu cử và ứng cử. Dân chủ này là dân chủ thực chất. Trong khi loại dân chủ gấp triệu lần ở VN không nhằm để tuyển chọn người lãnh đạo nhà nước, cũng không nhằm để người dân tham gia vào công việc nhà nước… Quan niệm về dân chủ Mác-Lê nin là dân chủ của giai cấp vô sản, còn gọi là dân chủ nhân dân. Về nhà nước, quan niệm Mác Lê Nin cho rằng đó là dụng cụ bóc lột của giai cấp tư sản. Vì vậy chủ nghĩa Mác-Lê chủ trương sử dụng bạo lực để cướp chính quyền (chứ không thông qua thể thức bầu cử). Khi giai cấp vô sản cướp được chính quyền, lập thành nhà nước chuyên chính vô sản, để tiến tới mục tiêu cuối cùng là thủ tiêu nhà nước. Trong thời kỳ quá độ, nhà nước là một nhà nước chuyên chính vô sản (chuyên chính có nghĩa là độc tài). Thời kỳ này giai cấp vô sản lãnh đạo nhà nước, mà đại diện của nó là đảng Cộng sản. Quyền lực thuộc về nhân dân nhưng nhân dân thuộc giai cấp vô sản. Hiện nay ta thấy tại VN, đảng đưa người (đảng viên) ra ứng cử Quốc hội. Dân bỏ phiếu cho người nào thì cũng là người của đảng (hay của đảng đưa ra). Các đại biểu đắc cử (đa số là đảng viên) bầu Chủ tịch nước, sau đó các chức vụ Thủ tướng và các bộ trưởng. Tức người dân có bầu ai, bầu thế nào thì nhân sự đảng CSVN cũng lãnh đạo đất nước. Mà việc bầu bán này cũng chỉ là « hình thức », vì nhân sự lãnh đạo đều được TW đảng quyết định trước. Quốc hội chỉ thông qua cho có lệ. CSVN thường hay khoe khoang rằng nền dân chủ ở VN xuyên suốt như một sợi chỉ đỏ, đến khắp nơi trong xã hội. Mọi sinh hoạt của người dân đều áp dụng thể thức « dân chủ ». Trong các buổi họp về đường lối, hình thức thì dân chủ, nhưng thực chất chỉ nhằm vào việc bàn luận lãnh đạo sẽ « làm gì và làm thế nào ». « Sợi chỉ đỏ » dân chủ còn là vũ khí lợi hại kiểm soát tư tưởng của người dân. Vụ góp ý dự thảo Hiến pháp 1992 và Kiến nghị 72 cho ta thí dụ điển hình. Ta còn thấy rằng nội dung của các bản hiến pháp, thật ra chỉ là « cương lĩnh » của đảng CSVN. Hiện nay đảng CSVN hô hào mọi người góp ý sửa đổi hiến pháp. Việc này thể hiện tính « hình thức » của dân chủ vì việc bàn luận ở đây chỉ nhằm vào việc xác định đảng CSVN sẽ làm điều gì và thực hiện điều đó như thế nào, chứ không nhằm vào việc xác định thể chế chính trị và đặt lại vấn đề đảng lãnh đạo. Một số đông đảng viên CSVN còn chủ trương quân đội (và dĩ nhiên công an) phải trung thành trước tiên với đảng, sau đó mới trung thành với nhân dân và tổ quốc. Nền dân chủ gấp triệu lần này rõ ràng là dân chủ hình thức. Vậy hai nền dân chủ đó khác nhau chỉ ở một điều : dân chủ kiểu Mỹ (dân chủ tự do) nhằm bầu lãnh đạo điều khiển bộ máy nhà nước trong khi nền dân chủ nhân dân nhằm vào việc bàn thảo đảng lãnh đạo làm cái gì và làm thế nào. (Mà việc bàn thảo này cũng hình thức vì việc gì đảng cũng đã định trước. Sợi « chỉ đỏ dân chủ » xuyên suốt trong xã hội chỉ nhằm vào việc kiểm soát tư tưởng người dân trong lúc phát biểu mà thôi). Cũng nên nói qua về « dân chủ xã hội ». Cũng như « dân chủ », « dân chủ xã hội » cũng có những nhập nhằng lớn. Các nước Bắc Âu và một số nước Tây Âu là các nước theo nền dân chủ xã hội. Nhà nước các nước này còn gọi là « nhà nước phúc lợi – état providence ». Nguồn gốc « xã hội » ở đây bắt nguồn từ quan niệm về xã hội của Thiên chúa giáo và chủ trương về xã hội của chủ nghĩa xã hội không tưởng. Nền tảng dân chủ ở đây là « dân chủ tự do », tức quyền lực thuộc về người dân và việc lựa chọn người lãnh đạo thể hiện qua thể thức bầu cử. Trong khi các nước « chủ nghĩa xã hội » Mác-Lê, thể thức tuyển chọn người lãnh đạo không do bầu cử mà do sắp xếp của đảng CS. Đồng thời chủ nghĩa xã hội Mác-Lê chủ trương bạo lực cách mạng để cướp chính quyền cũng như áp dụng chuyên chính vô sản. (Trường hợp chủ nghĩa xã hội của Hugo Chavez ở Vénézuela cũng có nhiều nhận định sai lầm. Xã hội ở đây có nhiều điểm khác biệt với XHCN Mác-Lê. Chavez được người dân bầu lên làm tổng thống qua một cuộc bầu cử dân chủ tự do. Sau đó Chavez tuyên bố áp dụng đường lối « xã hội » theo lý tưởng của mình (và lấy hứng từ Simon Bolivar) để thành lập một nhà nước phúc lợi. Thể thức bầu cử tự do vẫn được duy trì, mặc dầu hiến pháp bị thay đổi vài điều để Chavez được phép ra ứng cử nhiều lần, nhưng vấn đề chuyên chính vô sản bị bác bỏ và cách mạng bạo lực bị nghiêm cấm. Nền tảng dân chủ ở Vénézuela thực chất vẫn là nền tảng dân chủ kiẻu Mỹ, tức dân chủ tự do.) Ta thấy các nước Tây phương, đảng Cộng sản vẫn đuọc phép hoạt động chính trị như các đảng phái khác. Điều mà các đảng CS này phải tuân theo (để được phép sinh hoạt chính trị) là phải từ bỏ bạo lực cách mạng và chuyên chính vô sản. Dân chủ đơn giản như vậy nhưng không phải ai cũng hiểu. Để dễ dàng, không nên chấp nhứt ở cái tên, quan trọng là thực chất của dân chủ. Nền dân chủ đó gọi tên gì cũng được. Miễn sao dân chủ này không chấp nhận bạo lực cách mạng và chuyên chính vô sản. Trương Nhân Tuấn (Blog Trương Nhân Tuấn)
  6. Trận “quyết đấu” giữa ông Trần Ngọc Thân, Trưởng ban Quản lý Môi trường huyện Bách Hương, thành phố Hình Đài, tỉnh Hà Bắc và ông Đội trưởng cấp dưới Quách Chính Hòa vào tháng 4/2014 (Ảnh: Internet) Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xem “đấu tranh” là thể hiện tính Đảng, những trận đấu đá trong quan trường Trung Quốc vài năm qua đã phản ánh rõ hiện trạng này. Ngày 12/2 vừa qua, mục “Chính sự” của Tân Kinh báo (Bjnews) đã điểm lại một số vụ ẩu đả “kinh điển”. Đa số các trường hợp là cấp dưới “thanh lý” cấp trên: đuổi chém cấp trên, cầm búa đánh, còn có trường hợp hoang đường hơn là dùng miệng cắn đứt chóp mũi… Nhưng thực ra đây chỉ là những “trận đánh nhỏ”, những trận chiến trong giới chóp bu còn hiểm ác hơn nhiều. Cầm dao đuổi đánh cấp trên Vào tháng 8/2014, ông Tôn Vĩ Hồng, Chủ nhiệm Văn phòng xử lý vận chuyển quá trọng tải của Sở Giao thông – Vận tải thành phố Hàn Thành – Thiểm Tây đã cầm dao đuổi chém ông Sở trưởng Vương Siêu Long làm ông này bị nhiều vết thương. Nguyên nhân vụ việc chỉ là vì đi làm muộn nên bị phê bình. Sau đó 4 ngày, ông Tôn Vĩ Long bị bắt, bị khai trừ Đảng và xử phạt hành chính. Ông Vương Siêu Long Cấp phó cầm búa đánh cấp trên và đòi tự tử Vào tháng 6/2010, ông Cao Đạt Minh, Phó Ban Dân chính quận Mậu Cảng, thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông đã cãi nhau với Trưởng ban Lương Nhật Thiêm. Ông Cao Đạt Minh đã cầm cái búa lấy từ phòng trực đuổi đánh ông Lương Nhật Thiêm, ông Lương Nhật Thiêm nhảy lên một chiếc xe đi qua đường tháo chạy. Sau sự việc ông Cao Đạt Minh trèo lên lầu 5 hét to trong lòng ấm ức và muốn nhảy lầu tự tử, nhưng bị ngăn lại. Báo chí đưa tin, hai người này là bạn học, sau đó cũng có quan hệ tốt trong công việc, tuy nhiên sau này đã xảy ra mâu thuẫn vì vấn đề bố trí nhân sự và việc dùng xe công. Sau sự cố, ông Cao Đạt Minh bị bắt, sau lại bị phát hiện tội tham nhũng và bị lập án điều tra. Cục trưởng: Không đánh lại tôi có phải đàn ông không? Vào tháng 10/2014, ông Long Cát Lâm, Phó Giám đốc Công ty trực thuộc Sở Quốc thổ thành phố Cát Thủ, tỉnh Hồ Nam, vì thấy thái độ khó chịu của ông Sở trưởng Vương Hiếu Cường đã cầm tài liệu trên bàn làm việc ném đi, rồi bị bắt nhặt lại. Sau đó lại bị ông Vương Hiếu Cường gọi vào phòng làm việc, cuối cùng hai người đánh nhau. Trả lời dư luận, ông Vương Hiếu Cường nói, đối phương đánh trước, mình chỉ tự vệ, “không đánh lại tôi có phải đàn ông không?” Ông Vương Hiếu Cường trả lời trước dư luận Phó Ban Tư pháp đánh Trưởng Ban: “Ông ta không phải đối thủ của tôi!” Vào tháng 10/2011, vì vấn đề bố trí nhân sự, ông Liêu Diệu Trung, Phó Ban Tư pháp thành phố Hoành Dương tỉnh Hồ Nam và ông Trưởng ban Vạn Xuân Sinh đã xảy ra mâu thuẫn và đánh nhau. Ông Vạn Xuân Sinh bị đánh sưng mặt Sau khi đánh xong, ông Liêu Diệu Trung còn nói: “Vừa vào trận, ông ta giơ tay đánh tôi, tôi quay người tránh được và đẩy ông ta ngã xuống đất, tôi túm cổ áo ông ta và ghì xuống làm ông ta không cựa quậy được, ông ta không phải đối thủ của tôi”. Sau sự việc xảy ra, ông này đã xin từ chức. Cấp dưới cầm đầu thuốc dí vào cấp trên Sáng ngày 6/8/2013, ông Tiêu Văn Mệnh, thành viên Tổ đảng Phòng Khoa học – Kỹ thuật huyện Kỳ Đông lấy cớ báo cáo công việc để vào văn phòng ông Trưởng phòng Chu Song Kiều và đưa ra nhiều yêu cầu; vì những yêu cầu không được chấp thuận nên ông này đã dùng tẩu thuốc lá đang cháy dí vào đầu cấp trên khiến ông Chu Song Kiều bị thương nhẹ. Sau sự việc, ông Tiêu Văn Mệnh đã bị chuyển công tác. Cắn đứt chóp mũi thuộc cấp Vào tháng 5/2013, ông Vương Tiên Minh, Trưởng Ban Đo lường Cơ quan Giám sát Chất lượng thành phố Hành Dương, tỉnh Hồ Nam đã đánh nhau với ông Phó ban là Tăng Hạo Khôn trong phòng làm việc và cắn đứt chóp mũi của ông Tăng Hạo Khôn. Theo truyền thông đưa tin, nguyên nhân sự việc là do ông Tăng Hạo Khôn đề xuất cho phép dùng xe công đi mừng sinh nhật mẹ vợ nhưng không được chấp thuận, cộng thêm những mâu thuẫn được tích lũy trong thời gian dài nên đã xảy ra xô xát. Phó Bí thư Ban Chính trị và Pháp luật chửi và đánh Phó Thị trưởng Vào tháng 8/2015, ông Bàng Khang Ổn, Phó Bí thư Ban Chính trị và Pháp luật thành phố Trạm Giang tỉnh Quảng Đông đã vừa chửi vừa đánh ông Phó Thị trưởng Lương Chí Bằng vì cảm thấy bất bình trong công tác thi đua khen thưởng. Ông Bàng Khang Ổn Theo truyền thông đưa tin, đang lúc tổ chức hội nghị thì ông Bàng Khang Ổn xông vào phòng hội nghị cầm ghế và chai nước suối ném vào ông Phó Thị trưởng thành phố Trạm Giang. Ông Lương vừa dùng tay xoa chỗ đau vừa kêu gọi ông Bàng “có ý kiến ngồi xuống hãy nói”. Nhưng ông Bàng không nghe, tiếp tục lao đến đánh ông Lương. Ông Trưởng Ban Hành chính Ủy ban Kỷ luật thành phố Trạm Giang chạy ra can ngăn nhưng cũng bị đánh trọng thương. Sau sự việc, ông này bị cách chức, nhưng sau lại trở thành Ủy viên Tổ đảng Khu Kinh tế mở thành phố Trạm Giang. Đấu đá âm thầm trong giới chóp bu mới đáng sợ Thực chất những đấu đá âm thầm trong giới chóp bu mới đáng sợ. Trong kế hoạch chống tham nhũng của ĐCSTQ đã lộ ra nhiều thông tin liên quan đến những âm mưu chính biến, tiêu biểu là kế hoạch của ông Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang. Ông Chu Vĩnh Khang đã âm thầm tính kế ám sát ông Tập Cận Bình; ông Cốc Tuấn Sơn, cựu phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần thì ám sát hụt ông Lưu Nguyên… Theo Secretchina Tinh Vệ biên dịch (Đại Kỷ Nguyên VN)
  7. Kỳ bầu cử Quốc hội (QH) năm nay hứa hẹn một điểm rất mới, khi lần đầu tiên trong lịch sử QH Việt Nam, có sự xuất hiện của mạng xã hội Facebook với vai trò đáng kể định hình công luận, và trên Facebook đã có những lời kêu gọi cho một chiến dịch người dân “đồng loạt tự ứng cử”. Giữa lúc đó thì báo chí trích lời đương kim Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết đã xác định được số lượng ứng cử đại biểu (ĐB) khóa 14 là 896 người. Một loạt thắc mắc có thể nảy sinh: Thế là thế nào? 896 người kia ở đâu ra, tôi đã ứng cử đâu? Nhằm giúp các ứng viên tự do bớt lúng túng và quá tải, bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số kiến thức căn bản liên quan đến quy trình ứng cử và bầu cử Quốc hội ở Việt Nam. * * * Vấn đề “cơ cấu” của QH Ông Nguyễn Sinh Hùng phát biểu như vậy vào ngày 16/1 vừa qua, tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) nhằm cho ý kiến về nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Bầu cử, trong đó có việc tổ chức hội nghị cử tri. UBTVQH cũng đã ra nghị quyết về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa 14. Theo đó, ngày bầu cử QH là chủ nhật, 22/5/2016. Khóa 14 sắp tới sẽ có 500 ĐBQH, được bầu từ con số dự kiến 896 người ứng cử. (Luật Tổ chức QH cũng ấn định, tổng số ĐBQH không quá 500). Trong 500 ĐBQH của khóa 14, số người không phải là đảng viên đảng Cộng sản, theo dự kiến của UBTVQH, chỉ khoảng 25-50. Mặc dù QH và báo chí dùng từ “dự kiến”, nhưng thực chất, cần hiểu đúng bản chất của nó là “xác định cơ cấu”, và đây là bước đầu tiên trong quy trình bầu cử QH ở Việt Nam. LS. Lê Quốc Quân tự ứng cử ĐBQH năm 2011. Ảnh: JB Nguyễn Hữu Vinh Trong bước đầu tiên này, UBTVQH ấn định và công bố ngày bầu cử, thành lập Hội đồng Bầu cử Trung ương, đồng thời, đưa ra “dự kiến” về cơ cấu, số lượng ĐBQH được bầu, ví dụ như kỳ này, QH phải có ít nhất 35% ĐB là nữ. Số lượng đại biểu của Bộ Quốc phòng là 15 người, Bộ Công an 3 người. Số đại biểu đến từ khối doanh nghiệp, hiệp hội, nghiệp đoàn sản xuất kinh doanh: 7 người… Việc ấn định cơ cấu được giải thích là nhằm đảm bảo cân bằng lợi ích, cân bằng sự đại diện của tất cả các tầng lớp trong xã hội (phụ nữ, thanh niên, nông dân, trí thức, người dân tộc thiểu số v.v.). Mặt trái của nó, ai cũng có thể nhận thấy, là nó hợp lý hóa sự sắp xếp nhân sự từ trước và can thiệp vào trong quá trình ứng cử để bảo đảm cơ cấu. Một vị cựu ĐBQH kể, thời ông, chưa đến ngày bầu cử ông đã biết trước mình chắc chắn vào QH, bởi cơ cấu khi ấy đang cần thêm một trí thức khoa học xã hội ở Hà Nội, mà xung quanh ông thì toàn trí thức thuộc khối khoa học tự nhiên. Vậy là cơ cấu của QH đã được ấn định trước, tiếp theo sẽ là quá trình thực hiện, với một loạt bước, gồm: hiệp thương, hội nghị tiếp xúc cử tri. Trong đó, hiệp thương là giai đoạn quan trọng nhất để thực hiện cơ cấu đã vạch sẵn. Ba lần hiệp thương “Hiệp thương” có lẽ là một khái niệm nghe khá khó hiểu với nhiều người Việt Nam. Nhưng thật ra thì nó đơn giản. Hiệp thương, tiếng Anh là “negotiation”, có nghĩa là đàm phán, thương lượng với nhau. Quy trình bầu cử QH ở Việt Nam có ba (03) vòng hiệp thương. Lần thứ nhất để xác định cơ cấu. Lần thứ hai, để thống nhất danh sách ứng cử viên sơ bộ. Lần thứ ba, chốt danh sách cuối cùng của các ứng cử viên, để đưa đến việc “toàn dân đi bầu”. Hiệp thương lần 1 diễn ra sau khi UBTVQH đã đưa ra “dự kiến”, tức là đã ấn định cơ cấu, thành phần, số lượng ĐBQH được bầu, và đem trình nó cho Mặt trận Tổ quốc (MTTQ). Dựa trên dự kiến đó, MTTQ cấp trung ương, và cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, sẽ tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất ở cấp tương ứng, để thoả thuận (tức là “hiệp thương”) về cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu mà các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương hay địa phương giới thiệu, tiến cử. Còn các ứng viên tự do, không được cơ quan, tổ chức, đơn vị nào tiến cử, thì đương nhiên không có tên trong danh sách cơ cấu. Tuy nhiên, họ vẫn có thể nộp hồ sơ cá nhân cho ủy ban bầu cử; vòng hồ sơ này không quá khó khăn. Thử thách lớn nhất với ứng viên tự do là ở lần hiệp thương sau đó. Hiệp thương lần 2: “cửa tử” đối với ứng viên tự do TS. Nguyễn Quang A trong một chuyến vận động quốc tế. Hiệp thương lần thứ hai thương lượng, thống nhất danh sách ứng cử viên sơ bộ, gồm cả các ứng viên tự do, và danh sách này sẽ được đưa ra lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú và nơi công tác. Các hội nghị cử tri lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú chính là nơi diễn ra cuộc thử thách nặng nề nhất với bản lĩnh và sức chịu đựng của ứng cử viên ĐBQH. Theo truyền thống lâu nay, đó là nơi cử tri nơi cư trú tiến hành cuộc “đấu tố” ứng cử viên, đặc biệt là ứng viên tự do, không được cơ quan, tổ chức, đơn vị nào tiến cử. Nhiều người được sự ủng hộ lớn của cử tri nơi công tác, nhưng ra hội nghị ở nơi cư trú, vẫn bị “đấu” tơi bời và nhận tỷ lệ tín nhiệm rất thấp. Thực tế các kỳ bầu cử nhiều năm qua cho thấy ứng cử viên thường bị cử tri đánh giá, phê phán vì những lý do rất… không liên quan đến năng lực, chẳng hạn như “ra đường gặp hàng xóm không chào, chứng tỏ kiêu ngạo”, “lười đi họp tổ dân phố”, “xấu trai, ngoại hình không đủ để làm ĐBQH”, v.v. Càng là ứng viên tự do, không được cơ quan, tổ chức nào giới thiệu ứng cử, nguy cơ bị đấu tố càng lớn. Điều đó có thể vì nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn, do có sự chỉ đạo, tác động, can thiệp để cử tri loại bỏ ứng cử viên; do có sự sắp xếp, điều thêm cử tri của các địa bàn lân cận đến dự “đấu tố”; và cũng do chất lượng của chính cử tri còn thấp, khiến họ thiếu ý thức tham gia nghiêm túc vào hoạt động chính trị. Hội nghị cử tri có sự tham dự của ứng cử viên ĐBQH, đại diện của tổ chức/ cơ quan có người ứng cử, lãnh đạo địa phương (tức nơi cư trú của ứng viên), tổ dân phố, MTTQ địa phương, và các cử tri… Trên thực tế, nhiều khi ứng viên tự do phải đứng trước một cử tọa gồm phần lớn là những người họ chẳng biết là ai, đấu tố họ một cách thô bạo. Đây là câu chuyện đã từng xảy ra với nhiều người ứng cử tự do, như ông Nguyễn Hữu Vinh (blogger Ba Sàm, năm 2002), nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải (năm 2011), luật sư Lê Quốc Quân (năm 2011)… Hiệp thương lần 3: “đấu tố vắng mặt” ứng viên tự do Với kết quả đánh giá ý kiến và tín nhiệm của cử tri tại hiệp thương lần hai, UBTVQH sẽ điều chỉnh lần hai về cơ cấu, thành phần và số lượng ĐBQH được giới thiệu ứng cử từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tiếp theo, sẽ đến hiệp thương lần thứ ba. Khác với các hội nghị cử tri ở nơi cư trú diễn ra trong vòng hiệp thương trước, ở hiệp thương lần ba, các hội nghị diễn ra không có mặt của ứng cử viên ĐBQH. Chỉ có đại diện MTTQ, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, UBTVQH, Chính phủ (đối với việc bầu cử ĐBQH ở cấp trung ương); MTTQ và ủy ban bầu cử tỉnh, thường trực hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân tỉnh (đối với việc bầu cử ĐBQH ở cấp địa phương), là được tham dự và “hiệp thương” với nhau để lựa chọn và chốt danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH. Năm 2011, luật sư Võ An Đôn đã qua được vòng hiệp thương thứ hai. Trên Facebook cá nhân, ông cho biết, khi lấy tín nhiệm tại nơi cư trú và nơi công tác, ông đều được 100% cử tri (tức người dân địa phương và đồng nghiệp) ủng hộ, tín nhiệm. Nhưng đến vòng hiệp thương lần ba, khi bị “đấu tố vắng mặt” tại hội nghị của MTTQ tỉnh, thì ông bị loại, không được vào danh sách cuối cùng, gồm những người được ứng cử ĐBQH. Ông Đôn phản ánh: “Khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại nơi cư trú và tại Đoàn luật sư thì tôi được mời tham dự, nhưng khi tổ chức hiệp thương tại MTTQ thì tôi không được mời tham dự, nghe những người tham dự kể lại là họ đấu tố và nói xấu tôi dữ lắm”. Đây cũng là một cửa ải lớn đối với ứng cử viên tự do. Nếu họ vượt qua được (xưa nay rất hiếm), thì họ mới có thể cùng các ứng viên được giới thiệu ứng cử tiến vào giai đoạn tiếp theo: vận động tranh cử và trình bày chương trình hành động. Vận động tranh cử Ở khâu này, MTTQ địa phương (tức là MTTQ ở các điểm bầu cử) sẽ tổ chức những hội nghị tiếp xúc cử tri tại địa phương để người ứng cử tiến hành vận động bầu cử, dưới sự giám sát của MTTQ. Tại đây, họ sẽ trình bày trước cử tri chương trình hành động của mình. Ngoài ra, những người có tên trong danh sách ứng cử cuối cùng còn có cơ hội làm việc với báo chí để giới thiệu bản thân và chương trình hành động, vận động tranh cử… Một cựu ĐBQH cho biết, đến giai đoạn này, trên nguyên tắc cử tri vẫn có thể quan sát, xem xét ứng cử viên ĐBQH, để bỏ phiếu bầu hoặc không bầu cho ông/bà ta. Tuy nhiên, trên thực tế, cũng chẳng mấy khi cử tri quan tâm đến chương trình hành động của ứng cử viên, còn báo chí thì càng không có chuyện tìm hiểu, moi móc hồ sơ nhân thân hay phản biện ứng cử viên, mà chỉ đưa tin, viết bài phản ánh theo hướng ca ngợi. Như vậy, vào được danh sách chính thức, được tổ chức cho đi “vận động tranh cử” chính thức, đã có thể coi như thắng lợi cực kỳ lớn của ứng cử viên ĐBQH rồi. Lời kết Bước cuối cùng là giai đoạn cử tri bỏ phiếu chính thức (với QH khóa 14 thì đó là ngày 22/5 tới). Việc kiểm phiếu sau đó – không đảm bảo độc lập – cũng là một khâu mà chính quyền có thể tác động để đảm bảo cơ cấu, thành phần QH như đã chủ trương từ đầu. Ứng cử ĐBQH là sự thực thi một quyền chính trị căn bản của người dân: quyền được tham gia một cách có ý nghĩa vào chính trị. Trong hoàn cảnh Việt Nam, với hệ thống chính trị một đảng, quyền này chịu rất nhiều hạn chế, cản trở – bằng các cơ chế như đã chỉ ra ở trên. Đoan Trang (Blog Đoan Trang)
  8. Quốc hội là nơi thông qua luật và các quyết định liên quan tới những vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Nói quan trọng nhất cũng có nghĩa muốn nói cả về lý luận lẫn thực tiễn, là những vấn đề phức tạp nhất, đòi hỏi những tri thức cao nhất. Để đảm bảo được chức năng giám định, thẩm định và phê chuẩn cao nhất các vấn đề hệ trọng nhất liên quan tới vận mệnh đất nước, sinh mệnh của hơn 90 triệu con người, đại biểu quốc hội bắt buộc phải là thành phần ưu tú nhất của đất nước. Đại biểu QH. Ảnh minh họa Như vậy vấn đề là làm thế nào để chọn được những người thực sự là ưu tú của đất nước, đại biểu và thay mặt người dân tác động trực tiếp tới quá trình hoạch định chính sách, hình thành luật lệ và quy trình ra các quyết định tầm quốc gia. Mấu chốt của bầu cử là việc hình thành danh sách bầu cử. Chất lượng của danh sách có tính quyết định chất lượng của xã hội, là vì cử tri không thể lựa chọn người ngoài danh sách. Bản chất của nền dân chủ thể hiện ở quy trình hình thành danh sách các ứng viên đưa ra cho cuộc bầu chọn. Ở các nước Dân chủ Tây Âu, danh sách ứng cử vào các cơ quan lập pháp là cuộc chạy đua thật sự của các lực lượng chính trị – xã hội. Mọi tổ chức, mọi lực lượng, mọi tập hợp đều tự lựa chọn để đưa ra những đại diện ưu tú nhất của mình. Không có ai đứng ngoài chỉ định những cá nhân đó. Bất cứ một hành vi tác động có chủ ý đều có thể bị truy tố trước pháp luật. Công việc tổ chức tuyên truyền quảng bá, giới thiệu công khai các ưu thế của mình, vận động để có được nhiều nhất số người ủng hộ, là hoạt động được pháp luật giám sát, nhưng đồng thời bảo hộ. Nhưng đó là Dân chủ của các nền Dân chủ thực trên thế giới, khác với Dân chủ XHCN (gọi là loại “dân chủ đến thế là cùng”) của Việt Nam. Nền dân chủ này diễn ra trong cái ổ “dưới sự lãnh đạo của đảng”. Quy trình hình thành danh sách bầu cử sẽ diễn ra như sau: Bước một – Bộ chính trị họp với Mặt trận Tổ Quốc và các đại biểu Quốc hội các đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp triển khai các quyết định của bộ chính trị về cơ cấu, thành phần, về phân bổ số lượng ứng cử viên, trong đó “bảo đảm tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ, người dân tộc thiểu số theo đúng quy định của Luật Bầu cử; có tỷ lệ hợp lý đại biểu các tôn giáo, đại biểu tái cử, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sĩ, đại biểu xuất thân từ công nhân, nông dân, doanh nhân, đại diện các hiệp hội, nghiệp đoàn về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh”. Theo BBC ngày 2/02/2016 , “Dự kiến sẽ có khoảng 80 ủy viên Trung ương tham gia Quốc hội khóa 14, theo tin đưa ra bốn tháng trước khi bầu cử. Con số đại diện khối doanh nghiệp sẽ chỉ có bảy người”. “Tổng số đại biểu Quốc hội khóa 14 sẽ là 500 người. Số lượng đại biểu ở Trung ương là 198 người, tương đương 39,6%; ở địa phương là 302 người, tức 60,4%.” Như vậy là bầu từ trênh xuống, bầu theo ý định từ bên trên, và bầu theo ý bộ chính trị. Cần có 80 người là uỷ viên trung ương đảng, 198 người là các chức trách các cơ quan trung ương. Còn lại thì cần có đủ cơ cấu người trẻ tuổi, phụ nữ, người là dân tộc thiểu số…cứ như thế thì các đại biểu không là nghị chỉ để gật mới là điều phải thắc mắc. Bước hai – Mặt trận Tổ quốc tổ chức hiệp thương lần thứ nhất, triển khai chỉ đạo của bộ chính trị, thoả thuận về cơ cấu, thành phần và số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được bầu làm đại biểu Quốc hội trên cơ sở dự kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, theo chỉ đạo của Bộ chính trị cùng khóa. Bước ba – Các cơ quan, tổ chức, đơn vị tiến hành giới thiệu người ra ứng cử. Sau hội nghị này, cơ quan, tổ chức, đơn vị hướng dẫn những người được lựa chọn giới thiệu ra ứng cử làm thủ tục hồ sơ ứng cử theo quy định của pháp luật bầu cử. Bước bốn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thoả thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội. Hội nghị hiệp thương ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn có trách nhiệm xem xét về những người tự ứng cử đại biểu Quốc hội do Uỷ ban bầu cử cấp tỉnh chuyển đến để thoả thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội. Bước năm, Tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú và nơi công tác về những người ứng cử đại biểu Quốc hội. Bước sáu, Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội. Có hai bước cần lưu ý, là bước bốn, bước có một nội dung liên quan người tự ứng cử. Ở bước này, hội đồng bầu cử sẽ xem xét các trường hợp tự ứng cử. Người ta sẽ mổ xẻ cơ cấu về ngành nghề, về tuổi tác, về giới tính, đối chiếu với quota chỉ đạo từ trên, và sẽ loại những đối tượng cần loại bằng đủ mọi cách, trước khi đề cập tới trình độ văn hoá, trình độ nghề nghiệp và uy tín xã hội. Đây là bước cố gắng loại các cá nhân tự ứng cử lần thứ nhất. Lần cố gắng loại ứng cử tự do lần hai và là lần quyết định, là lấy ý kiến tín nhiệm cuả địa phương nơi ứng cử viên sinh sống. Ở bước này, cái thâm hiểm chính là sự giấu mặt của chính quyền, nơi người ứng cử còn có được một chút quyền theo luật pháp, và về khía cạnh nào đó, nhờ thông thạo quyền và luật mà ứng cử viên buộc đại diện chính quyền nhượng bộ. Nhưng khi đối diện với chính những người địa phương được chọn lọc và huấn luyện trước, thì sự việc diễn ra tương tự như kiểu Dư luận viên phá rối biểu tìng, như công an giả dạng côn đồ, người tự ứng cử dễ bị làm nhục, bằng những vu không, khiêu khích, những người bất chấp lý lẽ, bất chấp luật lệ, và phần đông thô lỗ. Người tự ứng cử hoặc không chịu nổi đành từ bỏ, chịu thua cuộc, hoặc rơi vào bẫy khiêu khích bộc lộ sơ hở. Tất cả chỉ để loại được người đó ra khỏi danh sách. Như vậy, việc dấn thân cho sự nghiệp dân chủ hóa Việt Nam, không những cần sự can đảm, sẵn sàng chịu thiệt thòi trong cuộc sống, mà còn cần biết tự gán ghép mình vào tổ chức, biết tập hợp thành tập thể có hành động thống nhất, có phương pháp và biết tự bảo vệ. Có thể khi hình thành ban vận động và bảo vệ ứng cử tự do, nên tập trung vào những hoạt động sau: 1- Phản đối đòi hủy bỏ lối thiết kế cơ cấu không theo năng lực đại biểu. Vạch rõ âm mưu nghị gật hoá Quốc hội. Phải sát hạch trình độ của đại biểu. Không thể dùng tiền thuế của dân trả cho những kẻ chỉ đến Hội trường Quốc hội để ngủ và để gật. 2- Phản đối định trước số lượng đại biểu trước khi bầu cử. Ở cấp tỉnh có thể tổ chức bầu cử sơ bộ, lấy theo số phiếu tín nhiệm từ trên xuống để chốt danh sách chính thức. 3- Cần có lực lượng ủng hộ ứng cử viên trong hội nghị lấy phiếu tín nhiệm tại địa phương nơi cư trú, phải lật tẩy những kẻ khiêu khích được sắp đặt và huấn luyện trước, biết cách vô hiệu hóa tất cả những trò khiêu khích. Bầu cử đại biểu Quốc hội là cơ hội sinh hoạt dân chủ hợp pháp duy nhất trong xã hội độc đảng hiện nay tại Việt Nam. Phong trào tự ứng cử hiện nay vừa là một dịp để tập dượt, vừa bồi dưỡng hiểu biết dân chủ cho đông đảo người dân. Chắc chắn nó sẽ bị chính quyền tìm mọi cách phá hoại bằng các chiêu bài ổn định chính trị và trật tự xã hội, tuy rất quen thuộc, nhưng cũng rất hiệu nghiệm. Những người tự ứng cử, trong một nền văn hoá chung về dân chủ còn ở những bước đầu tiên, lại chưa thể có được một tổ chức, chắc không thể tránh được khó khăn, và không dễ dàng đạt được mục tiêu. Nhưng chúng ta luôn là những người chiến thắng. Hãy tập hợp xung quanh Nguyễn Quang A, ủng hộ tuyệt đối cho ông, và cùng với ông hỗ trợ nhiều nhất cho phong trào. Hãy hưởng ứng lới khuyến khích của ông: “Tôi mong có càng nhiều người ra ứng cử tự do càng tốt. Đừng nghĩ đến kết quả ứng cử tự do trong các khóa trước mà nhụt chí. Xã hội loài người vẫn tiếp tục đi về phía trước”. Bùi Quang Vơm *Tác giả gửi bài viết đến TTHN
  9. Ông Nguyễn Phú Trọng (NPT) đã trở thành tổng bí thư một nhiệm kỳ nữa. Phiên họp bế mạc vừa kết thúc, không khí hội hè còn đang tràn ngập trong hội trường. Trên khán đài, Bác và hai nhà sáng lập chủ nghĩa cộng sản, Marx và Lenin như mỉm cười với 1.510 đại biểu, chia sẻ niềm vui trước “thành công quá tốt đẹp” của đại hội Đảng lần thứ 12. Đảng ta thật là vĩ đại! Đại hội lần này là đại hội của cuộc đấu tranh giành quyền lực, căng thẳng, một mất một còn giữa hai phe phái. Để đạt được mục tiêu chiến lược về công tác tổ chức và nhân sự, đại hội đã phải gác lại nhiều vấn đề như phát triển kinh tế, tệ nạn tham nhũng. Đại hội cũng không có thời gian để thảo luận nguyên nhân tụt hậu về mọi mặt của đất nước và nguy cơ xâm lược của người hàng xóm phương bắc. Đại hội đã dành gần như hết thời gian vào công việc bầu bán các cơ quan lãnh đạo của Đảng. Đại hội đã thuyết phục được đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhà lý luận “thiên tài” của Đảng, tuy tuổi đã già, sức đã yếu, đầu óc không còn minh mẫn lắm, ở lại tiếp tục dẫn dắt Đảng giữ vững đường lối Marxist Leninit. Đại hội đã bầu được một bộ chính trị không phải 16 như cũ mà là 19 người, để các đồng chí có thêm sức mạnh lãnh đạo theo phương pháp dân chủ tập trung “cùng bơi cùng chìm”. Đây là một phát minh rất giá trị của nền “dân chủ gấp vạn lần” của các nhà lý luận Marxist, nhưng các nhà dân chủ tư sản không hiểu gì về dân chủ tập trung, có kẻ còn độc miệng gọi đó là “quái thai” của dân chủ. Đại hội đã lọai bỏ được đồng chí X, một hiểm họa tự diễn biến, có thể làm tiêu vong Đảng trong ngày một ngày hai tới đây. Đây là một thắng lợi vĩ đại mang tính “đột phá”, liên quan đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Bước ra khỏi hội trường họp đại hội với những niềm vui tràn ngập trong lòng, ông Nguyễn Phú Trọng đi thẳng đến trung tâm báo chí của đại hội, các phóng viên trong và ngoài nước đang nóng lòng chờ ông. Với bộ mặt đắc thắng, ông bước vào cuộc họp báo khác hẳn với thần sắc khi ông nghẹn ngào, đau đớn bật khóc trong lúc đọc diễn văn bế mạc hội nghị trung ương 6, ngày 15-01-2012. Hôm ấy, khuôn mặt ông nhăn lại, đau khổ, tuyệt vọng, trông ông già đi hàng chục tuổi. Hôm nay khuôn mặt ông dãn ra, nụ cười mở rộng, trông ông trẻ ra hàng chục tuổi, kiêu hãnh và tự tin. Mở đầu cuộc họp báo ông hồ hởi nói: “Tôi không ngờ mình được Đại hội tín nhiệm giới thiệu vào ban chấp hành trung ương, ban chấp hành trung ương đã bầu tôi vào vị trí tổng bí thư với số phiếu gần như tuyệt đối. Bất ngờ vì tuổi đã cao, sức khỏe có hạn. Tôi cũng đã xin nghỉ rồi nhưng với trách nhiệm của Đảng đã giao thì tôi là đảng viên phải thực hiện trách nhiệm của mình”. Ôi! Thật tội nghiệp cho ông! Đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho Đảng, nay tuổi già sức yếu, tưởng được về hưu vui thú tuổi già, lại bất ngờ bị đảng giữ lại, còn tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm ông gần như tuyệt đối. Ông đã suy nghĩ và cân nhắc nhiều lắm, từ năm 1967, khi còn là sinh viên khoa văn của trường Đại học tổng hợp Hà Nội, dưới lá cờ búa liềm, ông đã đọc lời thề phục vụ Đảng đến hơi thở cuối cùng. Ông đâu có ham quyền và lợi, nay Đảng cần một người lãnh đạo có lý luận, là người Tràng An để dẫn dắt Đảng không đi chệch hướng XHCN, ông không còn lựa chọn nào khác là thực hiện trách nhiệm đảng viên của mình. Không khí phòng họp báo lặng hẳn đi, các phóng viên cảm kích trước một con người hy sinh trọn đời để giữ lời hứa thiêng liêng với Đảng của mình. Phóng viên báo Dân Trí đặt câu hỏi: “Thưa tổng bí thư! Kết quả bầu Ban bí thư, Bộ chính trị có đúng phương án không?” Giờ đây cảm xúc phấn kích của người vừa chiến thắng đã dịu xuống, ông bình tĩnh và tự tin khẳng định: “Kết quả bầu cử vừa rồi đảm bảo 100% là hoàn toàn đúng với công tác nhân sự. Phương hướng rộng lắm, tiêu chí cơ cấu … đều đảm bảo.” Để đảm bảo được tiêu chí cơ cấu, cũng là để tránh cách hành xử thô bạo “Đảng là tao” như thời đồng chí Lê Đức Thọ giữ chức trưởng ban tổ chức, từ tháng 06-2014 ông và các quân sư của ông đã cho sản xuất ra Quyết định số 224 để trói tay các phần tử suy thoái, các phần tử tự diễn biến, các phần tử không biết gọi dạ bảo vâng, không để chúng lọt vào các cấp lãnh đạo của Đảng. Trong điểm 2 của điều 13 quy định rõ ràng: “Ở các hội nghị của ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do ban thường vụ cấp ủy đề cử, không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của ban thường vụ cấp ủy”. Nhiều đồng chí tiền bối cách mạng phản đối, các đồng chí đó cho rằng Quyết định 224 đã vi phạm điều lệ Đảng, lấy đi chút tự do dân chủ còm cõi cuối cùng của đảng viên. Nhưng thử hỏi, nếu cử để các thành phần độc hại đã nói ở trên lọt vào các cấp lãnh đạo của Đảng, cách mạng mầu, cách mạng hoa sẽ xẩy ra thì liệu các đồng chí tiền bối có còn sổ hưu hay không? Có còn ngày ngày được đi đánh tenis, bơi lội, nghe báo cáo thời sự… ở câu lạc bộ Ba Đình nữa không? Tổng bí thư trình bầy tiếp những biện pháp mà ông đã dầy công nghiên cứu, rút kinh nghiệm từ các đại hội, các hội nghị trung ương trước đây. Này nhé, chọn ai nhân sự nào thì ban chấp hành trung ương giới thiệu rồi đại hội giới thiệu thêm, rồi người đề cử cũng xin rút đều có báo cáo cả… Lần này đại hội cho bỏ phiếu xin rút, chứ không biểu quyết kiểu giơ tay ào ào… Như vậy là vừa lấy ý kiến từ giới thiệu của ban chấp hành trung ương khóa trước, rồi lấy ý kiến của đại hội… Dân chủ đến thế là cùng. Ông lên giọng và nhấn mạnh như đinh đóng cột “Dân chủ đến thế là cùng”, ông nở nụ cười sảng khoái của người thắng cuộc. Bề ngoài nói là ban chấp hành cũ giới thiệu, nhưng thực ra ông và bộ máy tổ chức đã dành công sức để chấm ai ở lại, ai ra đi, thêm ai bớt ai. Các cán bộ tổ chức đã di chuyển như con thoi từ bắc vào nam, từ nam ra bắc. Họ phải gặp gỡ các đồng chí sẽ được ban chấp hành trung ương giới thiệu để thỏa thuận về quyền lợi và nghĩa vụ, gặp gỡ các trưởng đoàn đại biểu để đảm bảo các đoàn bầu đúng danh sách dự kiến. Các đại hội trước đây thường bị mang tiếng bầu cử trong Đảng không có cạnh tranh, lần này Đảng đưa ra số dư 30%, trong số dư này Đảng đưa vào những cán bộ ít nổi tiếng hoặc có nhiều tai tiếng trong lãnh đạo như bộ trưởng bộ y tế, bộ trưởng bộ giáo dục… Những người này tất nhiên sẽ không trúng cử, còn Đảng được tiếng là có cạnh tranh dân chủ trong bầu cử, đây quả là thượng sách, một mũi tên trúng hai đích. Để đạt được mục tiêu “Dân chủ đến thế là cùng”, đại hội lần này đã thực hiện bỏ phiếu kín chứ không phải giơ tay ào ào đối với những người xin rút. Đây có lẽ là một hình thức “siêu dân chủ” mà không một đảng chính trị nào trên thế giới có được. Sau câu hỏi của báo Dân Trí, phóng viên hãng thông tấn AFP hỏi: “Dưới sự lãnh đạo của ông, ông có nghĩ Việt Nam sẽ trở thành nước dân chủ giầu mạnh hơn?” Người phóng viên này khá tế nhị, anh ta đã không nói thẳng ra, hiện nay Việt Nam đã qua 5 năm lãnh đạo của ông, vẫn đang là một nước nghèo, không có dân chủ, vậy 5 năm tới, ông có đưa Việt Nam trở thành nước dân chủ và giầu mạnh hơn không? Với sự nhậy bén của một nhà lý luận xuất sắc, ông đã gián tiếp phản bác lại luân điểm cho rằng Việt Nam không có dân chủ. Ông giảng giải về dân chủ: “Tôi cho rằng nguyên tắc tập thể lãnh đạo nhưng phải nêu cao trách nhiệm cá nhân, để tránh làm tốt thì vơ vào, còn làm dở thì không ai chịu trách nhiệm cả”. Có lẽ người đặt câu hỏi và các phóng viên phương Tây không hiểu được sự giải thích của ông. Ở đất nước họ không có các nhà chính trị, làm tốt thì vơ vào, còn làm dở thì không ai chịu trách nhiệm cả. Các Đảng phái chính trị của mỗi quốc gia phải tranh cử để được nhân dân bầu vào vị trí cầm quyền, nhiệm vụ của từng người trong bộ máy lãnh đạo nhà nước đều được quy định rõ ràng, không thể nhận vơ thành tích hay đổ vấy sai phạm cho người khác được. Thể chế dân chủ “gấp vạn lần” của chúng ta ưu việt đấy, nhưng họ không có chủ nghĩa Mac-Lenin dẫn đường, làm sao họ hiểu được khái niệm dân chủ tập trung để mà áp dụng. Tổng bí thư của chúng ta tấn công tiếp: “Tôi chẳng tiện nói một số nước nhưng cứ nhân danh dân chủ nhưng cá nhân quyết định tất cả thì dân chủ sao được. Khẩu hiệu của Việt Nam là xây dựng nước Việt Nam dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Có lẽ tổng bí thư do tập trung trí tuệ vào đại hội, tâm trí căng thẳng, xáo trộn nên đã nhầm lẫn trong nhận xét trên. Các xã hội dân chủ phương Tây, người lãnh đạo cao nhất của một quốc gia, được nhân dân lựa chọn và giao phó trách nhiệm qua lá phiếu, họ có đủ tài năng để quyết định mọi vấn đề mà nhân dân đã giao phó cho họ theo đúng quy định của hiến pháp. Một tổng thống được nhân dân bầu, ông ta không có bộ chính trị 19 người như Đảng ta, ông chỉ có một vài cố vấn giỏi để tham khảo ý kiến, nhưng mọi quyết định cuối cùng là của ông. Nếu ông có những quyết định sai trái, làm hại tới lợi ích quốc gia, ông ta sẽ bị phế truất qua một cuộc trưng cầu dân ý. Còn ở nước ta Đảng cầm quyền không phải do nhân dân bầu chọn, mọi vấn đề của đất nước đều do 19 ủy viên bộ chính trị quyết định, nhân dân thường gọi đó là 19 ông vua tập thể. Tóm lại, ở các nước mà tổng bí thư “không tiện nói” chỉ có “một ông vua”, còn ở nước ta có 19 “ông vua tập thể”. E rằng một nước có đến 19 ông vua như nước ta, tổng bí thư đòi hỏi phải có kỷ cương thì hơi khó. The Economist, một tạp chí có uy tín của Anh năm 2014 đã xếp Việt Nam vào trong số các nước có chính thể độc tài, đạt 3,41 điểm trong thang điểm 10, xếp thứ 130 trên 167 quốc gia về dân chủ. Trong năm 2016 này, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đưa Việt Nam chúng ta vào vị trí hàng đầu. Với phương châm “Dân chủ đến thế là cùng” – dân chủ hết cỡ hết kích– Việt Nam sẽ đứng trong nhóm có chính thể dân chủ đầy đủ, sẽ cạnh tranh với vị trí đầu bảng của Na Uy (9,93 điểm xếp 1/167 ). Những người đấu tranh cho tự do dân chủ của Việt Nam hãy chuẩn bị rượu champagne và pháo hoa để ăn mừng. Warszawa tháng 02-2016 Đinh Minh Đạo (Ba Sàm)
  10. Thứ sáu tuần rồi, tui đi thông dịch cho anh Tô Huy Rứa ở Nhật khi anh ta hội kiến với ông tỉnh trưởng tỉnh Nara. Nói thật, tui đi dịch cũng nhiều cho quan chức cao cấp của Việt Nam sang đây, nhưng chưa thấy ai dốt như anh Rứa này. Hội kiến, mà ông tỉnh trưởng của Nhật là người nói; còn anh Rứa thì trả lời bằng cách cầm tờ giấy do ai đó viết sẵn để anh ta đọc. Ông tỉnh trưởng Nhật nói: “Tôi nghe tiếng tiên sinh là Trưởng Ban Lý luận Trung ương Đảng CSVN, rất hân hạnh được tiên sinh ghé thăm tỉnh của tôi và diện kiến. Tôi là người thích triết học Mác, hân hạnh được nghe tiên sinh chỉ giáo.” Anh Rứa nghe mình dịch xong, cầm tờ giấy viết sẵn lên, đọc, tự giới thiệu một hơi nào là Trưởng Ban Lý luận Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Tiến sĩ Triết học, chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống tư tưởng lý luận cho Đảng CSVN v.v.. Anh ta đọc khoảng 15 phút, dài quá nhớ sao hết! Mình chỉ còn thuộc lòng cái đoạn này: “Chúng tôi kiên định lập trường xây dựng xã hội chủ nghĩa với giai cấp công nhân làm nòng cốt… ” Tóm lại, mình cũng chẳng biết anh ta đang nói, chào hỏi xã giao với quan chức ngoại quốc ở Nara hay là đọc diễn văn báo cáo chính trị tại Hội trường Ba Đình. Đang nhắm mắt, nhắm mũi dịch cái bài diễn văn của anh Rứa thì đột nhiên tỉnh trưởng Nara lên tiếng ngắt lời: “Tiên sinh nói rằng Đảng CSVN kiên định lập trường xây dựng chủ nghĩa xã hội với giai cấp công nhân làm tiên phong nòng cốt thì tôi còn hiểu; nhưng mà cái câu kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là cái gì vậy? Theo tôi, kinh tế thị trường tức là theo nền kinh tế tự do của Tư bản chủ nghĩa; mà theo nền kinh tế thị trường, tức là phủ nhận toàn bộ các giá trị học thuyết của Mác, khi đã chấp nhận cho dân làm giàu thì đồng nghĩa chấp nhận sự bóc lột sức lao động theo cách nói của Mác. Mà đã chấp nhận sự bóc lột giai cấp công nhân thì tức là đã cho toàn bộ lý luận đầy tính nhân văn của Mác vào sọt rác rồi. Mà đã cho lý luận Mác vào sọt rác thì còn kiên định trên con đường theo Mác là nghĩa làm sao? Tiên sinh nói mâu thuẫn quá, tôi thật sự không thể lý giải được.” Tới đây thì anh Rứa bí đường, nên nói đại là con đường của Đảng CSVN đang đi, được chứng minh bằng sự thành công của Trung Cộng. Nghe tới đó Tỉnh Trưởng Nara cũng ngán tới cổ rồi. Mình ngồi bên, nói thêm cho ông ta bằng tiếng Nhật: “Ông không biết đó thôi, dân VN tui nói thằng cha này ngu nhất nước Việt. Cả 90 triệu người Việt đều biết con đường XHCN là con đường thê thảm. Chỉ có “vị giáo sư Triết” này nó không biết mà thôi. Ông làm ơn đừng có nói chuyện Triết học làm quái gì với hắn. Tiến sĩ giấy đó ông ơi. Ông hỏi một hơi nữa, nó mắc cỡ vì bị lộ tẩy cái dốt và xạo đó thì khó nói chuyện tiếp.” Ông tỉnh trưởng nghe xong, cười tủm tỉm và nói không biết cho mình hay cho anh Rứa: “Tiếc rằng Nhật Bản không có Hội đồng Lý luận Trung ương vạch ra đường đi cho dân chúng. Hy vọng lần sau có cơ hội gặp tiên sinh nhờ chỉ giáo thêm”. Nghe tới đây, mình nói với anh Rứa: “Tui ở Nhật lâu. Nhật Bổn mà nghe kiểu vuốt lưng như vầy là họ hết muốn nói chuyện với mình rồi đó. Nói gì lẹ lẹ, rồi đi cho rồi.” Anh Rứa hơi quê, kể cũng tội nghiệp. Ở VN, anh quen nói chuyện với dân theo kiểu học thuộc lòng, đâu có ai dám ngắt ngang lời anh. Không ngờ bị Nhật Bổn phang ngang một phát, còn bị họ tỏ ý khinh rẻ nữa, làm anh hết đường đỡ. Nhật đang ghét Trung Cộng tới cổ, anh lại đem Trung Cộng ra mà khen thì chẳng biết anh có được ai dạy cho học về ngoại giao để anh ra nước ngoài hay không!!! Mình về khách sạn, nằm ngủ, nghĩ tới “cuộc họp” đó mà mắc cười. Biết vậy, từ chối từ đầu, đừng đi cho khỏi nhức đầu. Nay mới có cớ để khẳng định rõ hơn: “Hóa ra, Rứa cũng chỉ có rứa mà thôi. Rứa là người Bắc, được coi là "nhà lý luận" đúng 'tiêu chuẩn mà Tổng Trọng đặt ra'. May mà Tổng Trọng không ‘chấm’ (hoặc do quá tuổi) Tổng bí thư khóa 12, nếu cái ghế ấy mà vào ‘đít’ lão Rứa, chắc Việt Nam cứ kéo dài tình trạng nghèo và lạc hậu 'như rứa' mãi”! Trần Xuân Thái (Tác giả gửi BVB) (Blog Bùi Văn Bồng)
  11. TS. Nguyễn Quang A Tôi, Nguyễn Quang A (xem tóm tắt tiểu sử đính kèm), tự ứng cử vào Quốc Hội khóa 14 xin nêu vắn tắt cương lĩnh tranh cử của tôi trước các cử tri. Tôi đã, đang và sẽ phấn đấu liên tục để đóng góp cho việc xây dựng - Một nước Việt Nam nơi người dân thực sự tham gia vào công việc quản lý đất nước; nơi nhân quyền được bảo đảm; nơi không một ai, một tổ chức nào được đứng trên pháp luật; - Một nền kinh tế thị trường với sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng, phát huy mọi nguồn lực phát triển, nâng cao sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng với thế giới nhằm tạo điều kiện cho nhân dân có cuộc sống sung túc, giữ môi trường trong sạch cho mọi người và con cháu mai sau; - Một bộ máy hành chính ổn định, chuyên nghiệp, tận tụy, được tuyển chọn theo năng lực và phẩm chất; chống sự tha hóa, sự mua quan bán tước, tham nhũng trong bộ máy nhà nước; - Một xã hội văn minh, nhân bản nơi người dân có thể sống an bình, an toàn, phát huy văn hóa phong phú, đa dạng, không mê tín dị đoan, đồng cảm và chia sẻ nỗi đau và khó khăn của đồng loại; - Một nền ngoại giao hòa bình, xây dựng mối quan hệ láng giềng tốt với Trung Quốc và các nước Asean, các mối quan hệ tốt với các nước khác, nhất là Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, EU nhằm giữ vững sự độc lập chính trị và phát triển kinh tế; - Một nền quốc phòng vững mạnh để giữ vững sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và sự độc lập chính trị. Nếu trở thành đại biểu quốc hội tôi có điều kiện thuận lợi hơn để đóng góp cho việc thực hiện những điều trên. Cùng với các đại biểu quốc hội khác, tôi làm hết sức mình để: - Xây dựng thể chế tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân thực thi các quyền con người và các quyền hiến định của mình, cụ thể là hủy bỏ mọi điều khoản trong Hiến Pháp và luật hiện hành vi phạm các quyền con người, vi phạm các luật quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và có nghĩa vụ thi hành; xây dựng luật về đảng, luật biểu tình, luật về quyền tự do lập hội, luật về quyền tiếp cận thông tin, luật về quyền tự do báo chí, xuất bản, tín ngưỡng, … (chứ không phải luật để quản lý, cản trở các quyền tự do đó); đảm bảo sự độc lập và kiểm soát lẫn nhau của ba nhánh quyền lực (lập pháp, hành pháp, tư pháp); - Sửa đổi các luật về kinh doanh và luật dân sự để đảm bảo tuyệt đối tôn trọng quyền sở hữu tư nhân (kể cả quyền sở hữu đất đai), tháo dỡ mọi rào cản đối với sự phát triển của các doanh nghiệp, chống độc quyền, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa; - Sửa đổi các luật về giáo dục, y tế, an toàn thực phẩm, phúc lợi xã hội nhằm đảm bảo ai cũng được học hành, được bảo vệ sức khỏe và được hưởng phúc lợi xã hội phù hợp với sự phát triển kinh tế; - Giám sát và động viên nhân dân giám sát buộc các tổ chức và quan chức (nhất là các quan chức nhà nước) tuân thủ pháp luật; - Thường xuyên tiếp xúc với cử tri nhằm tập hợp và phản ánh trung thực ý nguyện của người dân. --------------------------------------- TÓM TẮT TIỂU SỬ - Họ và tên: Nguyễn Quang A - Ngày sinh: 17-10-1946 - Nơi sinh: Bắc Ninh - Kỹ sư điện tử viễn thông (1971), tiến sĩ (về điện tử viễn thông, 1975, Viện Hàn Lâm Khoa học Hungary), tiến sĩ khoa học (về lý thuyết thông tin, 1987, Viện Hàn Lâm Khoa học Hungary), cựu giáo sư Đại học Kỹ Thuật Budapest-Hungary. - Đã nghiên cứu hay làm việc tại: + Viện Kỹ Thuật Quân Sự (1976-1982) + Nhóm nghiên cứu công nghệ Thông tin của Viện Hàn lâm Khoa học Hungary (1983-1987) tại Đại học Kỹ thuật Budapest-Hungary + Tổng cục Điện tử và Tin học Việt Nam (3 tháng, 1987-88) + Tổng giám đốc công ty Genpacific (1988-1993) + Chủ tịch công ty Máy tính-Truyền Thông- Điều kiển-3C (1989 -2012) + Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam khóa 3 (1996-2000) + Chủ tịch VPBank (1997-2002) + Chủ nhiệm khoa Công nghệ Thông tin – Đại học Sư phạm Hà Nội (2002-2006) + Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam-Hungary (2007-2012) + Viện trưởng viện Nghiên cứu Phát triển – IDS (2007-2009) - Hoạt động báo chí + Viết cho Tin học và Đời sống từ 1991 (chịu trách nhiệm về tạp chí Tin Học và Đời sống từ 1999); + Với tư cách nhà báo tựu do đã viết (bình luận chính sách) thường xuyên cho Vietnamnet (2000-2011), Kiến Thức (2010-2012), Lao Động Cuối tuần (2006-2014), Nông Thôn Ngày Nay (Dân Việt: 2011-2016), đôi khi cho Saigon Tiếp Thị, Tuổi Trẻ và Thời báo Kinh tế Saigon. TS. Nguyễn Quang A (FB.Nguyễn Quang A)
  12. Nhân sự bộ máy của chính quyền và nhà nước ở Việt Nam thường được Đảng Cộng sản và các tổ chức thuộc đảng này sắp xếp, bổ nhiệm, phân công vào các vị trí lãnh đạo từ trung ương, đến địa phương. Kiều dân Việt Nam ở nước ngoài có quyền tham gia ứng cử vào Quốc hội ở Việt Nam, nếu họ muốn, tuy nhiên đây là điều mà chính quyền và Đảng Cộng sản Việt Nam không muốn và trên thực tế có nhiều điều luật của Việt Nam ngăn cản các quyền này, theo ý kiến của các nhà hoạt động và quan sát dân chủ Việt Nam từ hải ngoại. Trao đổi với BBC hôm 14/02/2016 từ Pháp, ông Nguyễn Gia Kiểng, nguyên Thứ trưởng, cựu quan chức của Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước 30/4/1975, nêu quan điểm: "Chúng tôi cho rằng phải có một sự hòa giải rất dứt khoát, thẳng thắn giữa cộng đồng người Việt hải ngoại và đất nước và quê hương cũ. "Do đó chúng tôi vẫn hoan nghênh và chúng tôi chủ trương và chúng tôi hoan nghênh mọi cố gắng theo chiều hướng trả lại quyền công dân tức khắc, đầy đủ cho những người Việt Nam ở hải ngoại, nếu họ muốn. "Và như thế thì họ cũng có quyền ứng cử vào Quốc hội. Tôi nghĩ rằng đó là một điều mà những người, có thể chính quyền này họ chưa muốn, nhưng mà những người dân chủ nên có thái độ nên ủng hộ." Từ Thụy Sỹ, ông Đặng Xương Hùng, nguyên Lãnh sự và cựu Phó Vụ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, nói với BBC: "Liệu Đảng Cộng sản Việt Nam có mở cửa để cho cộng đồng người Việt (ở hải ngoại) tham gia vào bầu cử hay không, thì câu trả lời của tôi là 'không'. "Bởi vì Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ dựa vào lực lượng 4,5 triệu đảng viên, chứ họ chưa nghĩ hoặc họ không nghĩ, không bao giờ nghĩ đến việc là sử dụng nguồn lực của cộng đồng người Việt khoảng 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. "Đó là một lực lượng rất là mạnh để có thể tham gia vào đất nước Việt Nam để cho đất nước Việt Nam hùng mạnh lên." Theo vị cựu Phó Vụ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong luật pháp Việt Nam hiện tại còn có một số điều 'chằng chéo' nhau mà có thể ngăn cản quyền ứng cử của kiều dân Việt Nam. Ông nói: "Theo tôi biết, luật pháp Việt Nam có mấy điều chằng chéo nhau. Thứ nhất là điều 4 của Hiến pháp Việt Nam đã chứng tỏ rằng Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có những người nào Đảng viên mới có thể tham gia vào bộ máy lãnh đạo cao nhất của đất nước. "Tuy nhiên cũng có những điều nói lên luật bầu cử, tức là công dân Việt Nam từ 21 tuổi có thể tham gia tự ứng cử, nhưng nó lại có những quy định để mà ngăn chặn việc không phải bất cứ công dân Việt Nam nào cũng có thể tự do ứng cử được, mà phải tự do trong cái mà chúng ta gọi là quy trình của Đảng Cộng sản Việt Nam," cựu quan chức ngoại giao nói. Tước quyền bầu cử? Ông Đặng Xương Hùng nhân dịp này cũng bình luận với BBC về tình trạng nhiều năm nay kiều dân Việt Nam, công dân Việt Nam ở nước ngoài không được tổ chức bầu cử trong các kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân, điều mà ông cho là hành vi 'tước quyền' bầu cử, ứng cử của họ. Cựu lãnh sự Việt Nam tại Thụy Sỹ nói: "Theo tôi quan sát, cũng như đối với bản thân cá nhân tôi đi công tác nhiều lần và cũng rơi vào kỳ bầu cử thì chẳng bao giờ có chuyện là Đảng Cộng sản Việt Nam nghĩ đến những bộ phận công dân ở phía ngoài nước cả. "Ngay cả những cán bộ chúng tôi mà đi trong các giai đoạn mà vắng mặt đó thì cũng chẳng có hòm phiếu nào mà tổ chức được phía bên ngoài, tôi nghĩ có thể là kinh phí hoặc có thể đó toàn là những người cán bộ ngoại giao và họ cũng không cần phải làm điều đó." Và ông Đặng Xương Hùng nói thêm: "Về mặt luật pháp, Hiến pháp Việt Nam cũng có đầy đủ các điều khoản để có thể đảm bảo trong "nháy nháy" sự tự do của bầu cử. Thế tuy nhiên họ có rất nhiều biện pháp để mà có thể ngăn chặn sự tham gia của các lực lượng bên ngoài vào bộ máy chính quyền, nhà nước. "Thông qua việc các ứng cử viên đều phải thông qua sự lựa chọn và sự giới thiệu của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam," vị cựu Lãnh sự nói với BBC. Gần đây, một phong trào tự ứng cử của nhiều người dân Việt Nam ở trong nước, trong đó có các nhà hoạt động, vận động cho dân chủ hóa, nhân quyền và xã hội dân sự ở Việt Nam đã xuất hiện vài tháng trước kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp diễn ra dưới sự tổ chức, chỉ đạo và kiểm soát của chính quyền và Đảng Cộng sản Việt Nam. Đi đầu trong phong trào này có thể kể tới Tiến sỹ Nguyễn Quang A, người đã tuyên bố đứng ra ứng cử trên cương vị một ứng cử viên tự do. Khi được hỏi liệu động thái này của ông Nguyễn Quang A và những người tự ứng cử như ông có thể sẽ làm tăng cường, củng cố tính chính danh của chính quyền và đảng cộng sản hay trái lại sẽ là một thách thức hay không, ông Nguyễn Gia Kiểng, người cũng là sáng lập viên của tổ chức Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên từ Pháp, nêu quan điểm: Nhìn tổng thể thì thấy 'cú đánh hay', nhưng cần nhìn rõ hơn sự tác động chính trị ra sao lên phong trào chung Một ý kiến của nhà hoạt động từ Mỹ "Có một lập luận tôi cũng nghe nói rằng khi mà chúng ta ra ứng cử, là chấp nhận luật chơi. Cái đó thì cũng đúng một phần. Vả lại, cái phần đó lại nhắm vào Quốc hội. Theo tôi có hai cơ quan mà có thể nói là đáng bị phản đối nhất, đáng bị lên án nhất tại Việt Nam, đó một là Tòa án, hai là Quốc hội..." Chấp nhận luật chơi? Và ông Nguyễn Gia Kiểng nói thêm: "Do đó có một lập luận nói rằng khi mà chúng ta ứng cử vào định chế đó để ứng cử vào Quốc hội, thì chúng ta đã vô hình chung là đã chấp nhận luật chơi của chế độ và đã tăng cường sự chính danh của chính quyền. "Thế nhưng tôi nghĩ rằng những người tự ra ứng cử, họ không phải là họ không nghĩ tới điều đó, nhưng họ biết rằng đằng nào thì họ cũng không vào được Quốc hội, họ lợi dụng cơ hội này để nói lên tiếng nói của dân chủ. "Thành ra ở đây nó có một sự mâu thuẫn, một mặt là về vấn đề nguyên tắc thì phải tẩy chay cuộc bầu cử này, nhưng mà về mặt thực tế, thì đây là một cơ hội mà nhiều người nghĩ rằng không nên bỏ lỡ, để nói lên tiếng nói của dân chủ. TS. Nguyễn Quang A nói với BBC ông muốn 'thức tỉnh người dân' về quyền bầu cử, ứng cử. "Trong trường hợp này, tôi nghĩ rằng những người dân chủ nên nhìn với tất cả thiện chí và nên hiểu rằng có nguyên tắc, nhưng mà cũng có những quan tâm thực tế và điều quan trọng là thiện chí của mỗi người, tùy theo chúng ta ra ứng cử để có một tiếng nói, để nổi tiếng, để có một cái danh, để tìm danh tiếng cho cá nhân. "Hay là chúng ta ra ứng cử để nhân cơ hội này, nói lên nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, tôi nghĩ điều này không thể có một nhận định phê phán, phê bình chung được, mà phải xét từng trường hợp." Hôm 14/02, trả lời câu hỏi của BBC liệu Đảng Cộng sản nên mở cửa để cho Việt Kiều tại hải ngoại tham gia ứng cử vào Quốc hội Việt Nam, bất luận chính kiến của họ là gì, Luật sư Vũ Đức Khanh, Phó Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam tại Canada, trả lời: "Tôi cho rằng quyền ứng cử là quyền của công dân Việt Nam thì không nhất thiết cần Đảng Cộng sản Việt Nam cho phép hay không. Nếu công dân Việt Nam ở nước ngoài hội đủ điều kiện tự ứng cử đại biểu quốc hội theo quy định luật bầu cử thì tôi nghĩ chúng ta nên ủng hộ họ tham gia. Còn việc họ có thành công hay không thì hạ hồi phân giải." Dự đoán kết cục Khi được đề nghị dự đoán về việc các nhà hoạt động như TS. Nguyễn Quang A tham gia ứng cử và đảng cộng sản sẽ đối phó thế nào và kết cục ra sao, Luật sư Khanh nêu quan điểm: "Trong điều kiện hiện nay, tôi ủng hộ đồng bào trong và ngoài nước tích cực tham gia bằng cách tự ứng cử càng nhiều càng tốt. Đây là đợt tập dượt cho những kỳ bầu cử tự do, dân chủ hơn của đất nước. "Nếu chỉ có một vài người tự ứng cử thì sẽ rất dễ dàng cho Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) giải quyết bằng cách nhận chìm xuồng, nhưng nếu như có hơn 1.000 người ra tranh cử với 500 đến 1.000 ứng cử viên chỉ định của ĐCSVN thì tình hình hoàn toàn khác. "Tôi nghĩ ĐCSVN sẽ cố tình tìm cách dập tắt những ngọn lửa này ngay từ bây giờ cho nên lực lượng dân chủ nên tăng tốc làm áp lực để truyền thông trong và ngoài nước lên tiếng. Như thế thì thế nào ĐCSVN cũng sẽ phải chấp nhận luật chơi mới và tương kế tựu kế để giành chiến thắng về phía mình. "Cuộc so găng lần này do ông Nguyễn Quang A khởi xướng quả đã đặt ĐCSVN vào tình thế khó xử. Trước đây, hôm tháng 11/2015 vừa qua, cũng có một vị lãnh đạo cấp cao của ĐCSVN cho tôi biết rằng ông ấy cũng mong là một ngày gần đây, tôi sẽ có cơ hội về Việt Nam tham gia bầu cử với ông ấy. "Tôi lạc quan về triển vọng tự do, dân chủ hoá Việt Nam trong bối cảnh Hà Nội tham gia TPP và tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Tôi nghĩ đã đến lúc Việt Nam đổi mới lần hai." Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng việc người dân tự đứng ra ứng cử độc lập là một cuộc tập dượt cho bầu cử tự do, dân chủ và là một thách thức, áp lực với chính quyền. Cũng trong dịp này một số ý kiến của các nhà hoạt động và quan sát khác cũng chia sẻ thêm về chủ đề trên với BBC, từ Hoa Kỳ một ý kiến bình luận: "Hiện tại chưa thể có ý kiến gì về vụ TS. Nguyễn Quang A và một số nhà dân chủ ra ứng cử Quốc Hội Việt Nam. Nhìn tổng thể thì thấy 'cú đánh hay', nhưng cần nhìn rõ hơn sự tác động chính trị ra sao lên phong trào chung." Còn một ý kiến khác từ Anh Quốc bình luận: "Quan điểm chung... là vậy, không nhìn thấy tương lai chắc chắn nào của mọi hoạt động có tính cá thể, mà nên tìm đến cuộc vận động chung, vì bài toán dân chủ là bài toán của một đáp số chung chứ không phải là tìm đáp số cá nhân. "Dù sao thì những cuộc lấn rào thế này đều góp phần vào cuộc vận động dân chủ cho đất nước," ý kiến này nói. (BBC)
  13. Tết Nguyên Tiêu nổi tiếng với lễ hội đèn lồng (Ảnh minh họa từ internet) Người xưa có câu: “Cúng cả năm không bằng rằm tháng giêng”. Rằm tháng giêng cũng gọi là rằm tháng giêng”. Rằm tháng giêng cũng gọi là “Tết Nguyên Tiêu” , nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tên gọi Nguyên Tiêu còn gắn liền với sự tích nàng cung nữ hiếu thảo Nguyên Tiêu và đại thần Đông Phương Sóc thời Tây Hán. Tương truyền Hán Vũ Đế có một sủng thần tên là Đông Phương Sóc, tính tình lương thiện, khôi hài. Mùa đông năm nọ, tuyết rơi liền mấy hôm, Đông Phương Sóc đến ngự hoa viên, chợt phát hiện có một cung nữ nước mắt đầm đìa đang định nhảy xuống giếng tự vẫn. Đông Phương Sóc vội chạy đến ngăn lại, hỏi rõ sự tình. Thì ra, cô cung nữ tên là Nguyên Tiêu, từ khi vào cung đến nay cô chưa được gặp mặt người thân, mỗi năm khi Xuân đến lại càng nhớ nhà, cảm thấy mình không báo hiếu được cho song thân nên tìm đến cái chết. Đông Phương Sóc cảm động, liền hứa rằng nhất định sẽ tìm cách để cô đoàn tụ với gia đình. Một ngày nọ, Đông Phương Sóc xuất cung, bày một gian hàng xem bói trong kinh thành Trường An. Nhiều người tranh nhau nhờ xem quẻ. Quẻ của mỗi người đều là “ngày rằm tháng Giêng lửa bén đến thân”. Trong phút chốc, cả kinh thành Trường An hoảng sợ, mọi người tranh nhau cầu xin, tìm cách giải trừ tai ương. Đông Phương Sóc bảo rằng: Chiều tối ngày rằm tháng Giêng, Hoả thần sẽ phái một thần nữ áo đỏ xuống phàm trần tra xét. Thần nữ chính là sứ giả phụng theo ý chỉ thiêu đốt kinh thành Trường An. Ta sao lục lại lời kệ đưa cho mọi người, có thể vào ngày hôm đó nghĩ ra được biện pháp. Nói xong liền vất xuống đất một tờ thiếp đỏ rồi sải bước ra đi. Mọi người vội nhặt lên đem đến hoàng cung bẩm báo Hoàng thượng. Hán Vũ Đế cầm xem, chỉ thấy bên trên viết rằng: Trường An gặp nạn, lửa thiêu Đế khuyết, ngày 15 lửa trời, đỏ rực suốt đêm. Vũ Đế kinh hãi liền cho mời Đông Phương Sóc túc trí đa mưu đến. Đông Phương giả vờ suy nghĩ rồi nói: Thần nghe nói Hoả thần rất thích ăn bánh trôi, nàng Nguyên Tiêu trong cung chẳng phải là người thường nấu cho bệ ăn đó sao? Đêm rằm tháng Giêng bệ hạ bảo nàng Nguyên Tiêu làm bánh trôi, bệ hạ thắp hương dâng cúng, truyền lệnh cho nhà nhà trong kinh thành đều làm bánh trôi đồng loạt dâng cúng Hoả thần. Truyền dụ cho thần dân vào đêm đó treo đèn, khắp thành đốt pháo, nổi lửa, giống như cả thành có lửa, làm như vậy có thể qua mặt được Thượng Đế. Ngoài ra, thông báo cho dân chúng ngoài thành vào đêm rằm tháng Giêng vào thành xem hoa đăng, để tiêu tai giải nạn. “Truyền dụ cho thần dân vào đêm đó treo đèn, khắp thành đốt pháo, nổi lửa, giống như cả thành có lửa…” (Ảnh: internet) Hán Vũ Đế nghe qua liền mừng rỡ, thực thi y lời Đông Phương Sóc. Đến ngày rằm tháng Giêng, trong thành Trường An treo đèn kết hoa, người người vui chơi vô cùng náo nhiệt. Cha mẹ nàng Nguyên Tiêu cũng dẫn em gái của nàng vào thành. Khi họ nhìn thấy trên đèn treo trong cung viết hai chữ “Nguyên Tiêu” liền hét lớn: “Nguyên Tiêu! Nguyên Tiêu!” Nàng Nguyên Tiêu nghe được và cuối cùng đoàn tụ với gia đình. Cứ như thế náo nhiệt suốt cả đêm, kinh thành Trường An quả nhiên vô sự. Hán Vũ Đế rất vui mừng liền hạ lệnh từ đó về sau, mỗi năm đến rằm tháng Giêng đều làm bánh trôi dâng cúng Hỏa thần, cả thành treo đèn đốt lửa. Vì bánh trôi do nàng Nguyên Tiêu làm rất ngon nên ngày đó còn gọi là Tết Nguyên Tiêu. Bánh Nguyên Tiêu cũng gọi là thang viên – viên tròn trong nước, xuất phát từ ý nghĩa sum họp và sự tốt lành sinh lợi. Bánh Nguyên Tiêu rất giống với bánh trôi của Việt Nam ta, nhưng cách làm lại khác: nhân bánh được cán mỏng và cắt miếng, sau cho vào chiếc sàng rung trong có chứa sẵn bột gạo nếp, rung đến đâu bột nếp bám đầy nhân đến đó cho đến khi vê thành chiếc bánh tròn, cỡ bằng quả bóng bàn. Bánh Nguyên Tiêu đã trở thành nét văn hóa đẹp trong truyền thống Trung Hoa, tựa như chiếc bánh chưng xanh của người Việt. Bánh Nguyên Tiêu (Ảnh: internet) Mã Lương (tổng hợp) (Đại Kỷ Nguyên VN)
  14. Tàu chiến của hải quân Ấn Độ trong vùng biển ngoài khơi Vịnh Bengal. Tin liên hệ Trung Quốc tăng cường phi đạn, máy bay chiến đấu ra Biển Đông 'Trung Quốc sẽ tiếp tục xây cất ở Biển Đông' Mỹ-Ấn Độ cân nhắc tuần tra chung ở Biển Đông Mỹ kêu gọi Trung Quốc ngưng hiếp đáp các nước nhỏ Ngoại trưởng Philippines đệ đơn từ chức Báo Trung Quốc chê đảo nhân tạo của Việt Nam không bằng của TQ Ðường dẫn Trang chuyên đề: Tranh chấp Biển Đông 12.02.2016 Trung Quốc hôm thứ Năm cảnh báo rằng sự can thiệp từ những nước bên ngoài đe dọa hòa bình và ổn định ở Biển Đông, đáp lại tin tức cho hay Mỹ và Ấn Độ đang thảo luận về những cuộc tuần tra hải quân chung ở vùng biển đang tranh chấp này. "Sự hợp tác giữa bất kỳ nước nào không được nhắm vào bên thứ ba," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hồi đáp email của Reuters về bản tin mà hãng thông tấn này loan tải hôm thứ Tư. "Những nước bên ngoài khu vực phải ngưng thúc đẩy việc quân sự hóa ở Nam Hải (tức Biển Đông), chấm dứt đe dọa chủ quyền và an ninh quốc gia của của những nước ven biển nhân danh 'tự do hàng hải' làm tổn hại đến hòa bình và ổn định của khu vực." Mỹ muốn những đồng minh trong vùng của mình và những nước châu Á khác có lập trường thống nhất chống lại Trung Quốc ở Biển Đông, nơi mà căng thẳng đã gia tăng kể từ khi Trung Quốc xây dựng bảy hòn đảo ở quần đảo Trường Sa. Ông Hồng cũng kêu gọi các bên thận trọng và tránh để bị thao túng để rồi cuối cùng gây tổn hại đến lợi ích riêng của chính mình. Một quan chức quốc phòng Mỹ nói với Reuters trong tuần này rằng, Mỹ và Ấn Độ đã tổ chức những cuộc hội đàm về những cuộc tuần tra hải quân chung mà có thể bao gồm ở Biển Đông. Hải quân Ấn Độ chưa bao giờ tuần tra chung với những nước khác và một phát ngôn viên của hải quân nước này nói với Reuters rằng không có sự thay đổi trong chính sách của chính phủ là chỉ tham gia một nỗ lực quân sự quốc tế dưới lá cờ của Liên Hiệp Quốc. Ấn Độ có tranh chấp biên giới đất liền từ lâu với với Trung Quốc, và đã tăng cường sự hiện diện hải quân vượt xa Ấn Độ Dương trong những năm gần đây. Một chỉ huy của hải quân Ấn Độ cho biết Ấn Độ điều tàu chiến tới Biển Đông gần như thường xuyên.
  15. Con đường Tơ lụa trên biển được thiết kế để đi từ bờ biển của Trung Quốc đến châu Âu qua Biển Đông và Ấn Độ Dương. Tin liên hệ Thủ tướng TQ mang sáng kiến ‘Một vòng đai và Một Con đường' đến Châu Mỹ La Tinh Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ ký những thỏa thuận thương mại lớn trong chuyến đi thăm bốn quốc gia Châu Mỹ La Tinh vào tuần tới TQ trình bày chiến lược phát triển Con đường Tơ lụa tại Hội nghị Á-Phi Kế hoạch 'Con đường Tơ lụa' của Trung Quốc gặp nhiều chướng ngại Trung Quốc đẩy mạnh sáng kiến Con Đường Tơ Lụa trên biển Đô đốc đời nhà Minh từng quảng bá các mối liên hệ trên biển 13.02.2016 Thương mại của Trung Quốc với các nước dọc theo Con đường Tơ lụa trên biển tăng trung bình 18,2% mỗi năm trong thập kỷ qua, chiếm 20% tổng kim ngạch ngoại thương của quốc gia này, từ mức 14,6% 10 năm về trước. Trong cùng khoảng thời gian, đầu tư trực tiếp của các công ty Trung Quốc tăng từ 240 triệu đôla lên 9,27 tỉ đôla, đại diện mức tăng trưởng hàng năm 44%, theo số liệu Cục Hải dương Nhà nước (SOA). Giám đốc SOA Wang Hong cho biết, một kế hoạch hành động sẽ thúc đẩy sáng kiến Con đường Tơ lụa trên biển Thế kỷ 21 trong năm nay, và thiết lập một trung tâm hợp tác hàng hải Trung Quốc – ASEAN cũng như một nền tảng để thúc đẩy hợp tác hàng hải ở Đông Nam Á. Con đường Tơ lụa trên biển Thế kỷ 21 là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường, được đề xuất bởi Chủ tịch Tập Cận Bình năm 2013 với mục tiêu phục hồi các tuyến đường thương mại cổ đại và tăng cường liên lạc khu vực. Con đường Tơ lụa trên biển được thiết kế để đi từ bờ biển của Trung Quốc đến châu Âu qua Biển Đông và Ấn Độ Dương trên một tuyến đường, và từ bờ biển của Trung Quốc qua Biển Đông đến Nam Thái Bình Dương qua một tuyến đường khác. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đầu tháng 11/2014 thông báo nước này chi 40 tỷ USD thành lập quỹ Con đường tơ lụa nhằm tập trung xây dựng tuyến giao thông, đường sắt, bến cảng, sân bay xuyên qua Trung và Nam Á, nhằm liên kết các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chiến lược con đường tơ lụa của Bắc Kinh được cho là cách đối phó trực diện với chính sách tái cân bằng hay còn gọi là "xoay trục" về châu Á của Washington. Theo Xinhua, VnExpress.
  16. Nhân viên đang trưng bày các sản phẩm Australia trong một cửa hàng ở Sydney ngày 27/1/2016. Các chuyên gia lo ngại Australia có thể bước nào tình trạng suy thoái do ảnh hưởng sự trì trệ của kinh tế Trung Quốc. Tin liên hệ Các vấn đề toàn cầu có thể làm chậm nền kinh tế Mỹ Bà Janet Yellen khuyến cáo tình trạng thị trường tài chính giảm sút và cơn suy thoái kinh tế toàn cầu có thể làm chậm lại đà tăng lãi suất của Mỹ Tỉ lệ thất nghiệp trong ngành chế tạo Trung Quốc trên đà gia tăng Trung Quốc gia tăng hoạt động kinh doanh ở Châu Âu Thị trường chứng khoán châu Á trồi sụt thất thường Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990 13.02.2016 Tỷ lệ tăng trưởng của Trung Quốc đã tụt xuống mức thấp nhất trong 25 năm và sự lo ngại ngày càng tăng ở những nước đã lệ thuộc vào nền kinh tế bùng phát của Trung Quốc. Các chuyên gia phân tích lo ngại rằng là nước đã trở nên thịnh vượng nhờ xuất khẩu các tài nguyên thiên nhiên qua Trung Quốc, Australia có thể theo chân các nền kinh tế lệ thuộc vào tài nguyên bước nào tình trạng suy thoái. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer gửi về bài tường thuật. Sau vụ khủng hoảng tài chính toàn cầu, thế giới phần lớn đã dựa vào Trung Quốc để tăng trưởng kinh tế. Nhưng nhu cầu Trung Quốc sụt giảm đã dẫn đến một sự sụt giảm mạnh về giá các thương phẩm, trong đó có quặng sắt và than đá, là những mặt hàng đã nâng đỡ nền kinh tế Úc. Ông Andrew Charlton, người đứng đầu công ty tham vấn AlphaBeta, nói rằng sự trì trệ ở Trung Quốc là tin xấu cho Australia. “Trung Quốc chiếm gần 50% toàn bộ nhu cầu về thương phẩm trao đổi trên toàn cầu và điều đó có nghĩa là nếu ta là một nước xuất khẩu thương phẩm, thì ta sẽ ở thế tiến vào suy thoái. Canada đang suy thoái. Brazil là một trong những nước suy thoái tệ hại nhất trong lịch sự cận đại và ta sẽ phải nghĩ rằng Australia cũng nằm trong tầm ngắm tương tự”. Australia có tham vọng chiếm chỗ của Qatar trong vị thế là nước lớn nhất thế giới về sản xuất khí đốt thiên nhiên hóa lỏng, còn gọi tắt là LNG, và đã đầu tư nhiều vào cơ sở hạ tầng xuất khẩu. Các thị trường ở Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản đã được nhắm làm mục tiêu xuất khẩu, nhưng giá LNG đã suy sụp. Giám đốc cơ quan nghiên cứu Tài chính Năng lượng Australasia, ông Tim Buckley nêu nhận xét: “Giá LNG xuất qua châu Á sụt 60%. Do đó, tại bang Queensland, Australia vừa đầu tư từ 60 đến 70 triệu đôla Úc để xây dựng các cơ sở xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, và gần như trong lúc chúng ta bắt đầu hoạt động, thì giá sản phẩm đó lại sụt tới 60%”. Một trong các khu vực chính khác của Australia là du lịch cũng lo ngại về tình trạng bất định kinh tế ở Trung Quốc. Năm ngoái, 1 triệu du khách Trung Quốc đã đến Australia, tăng 22% so với năm 2014. Một du khách Trung Quốc chụp ảnh trước Nhà hát Sydney. Nhưng bà Anna Cook, người điều hành các tour du lịch ở Melbourne, tỏ ra lo lắng về tương lai: “Tôi rất lo lắng. Tôi nghĩ giờ này sang năm sẽ rõ, nhưng chưa có dấu hiệu gì hết. Và ta không thể nào biết được liệu các con số thống kê mà ta đọc được có đúng sự thực hay chỉ là do hoảng sợ mà ra thế hay không”. Bất kể tình trạng trì trệ, ông Tim Harcourt, một kinh tế gia tại trường Kinh doanh của Đại học New South Wales tin rằng Trung Quóc vẫn tiếp tục củng cố sự thịnh vượng của Australia trong tương lai. Theo ông Harcourt, một sự bùng phát về tài nguyên kéo dài nhiều thập niên có thể đang mờ nhạt, nhưng các khu vực khác của nền kinh tế Úc đang thu lợi nhờ vào nhu cầu của Trung Quốc. “Australia dường như đang chuyển từ một sự bột phát về hầm mỏ qua sự bột phát về ăn uống, bởi vì chúng ta đã thấy một sự bùng phát trong xuất khẩu nông phẩm, và về một số mặt, chúng ta đã giúp xây dựng 'đại thương xá Trung Quốc'. Rất nhiều dịch vụ của chúng ta và các nhà xuất khẩu xây dựng đã giúp xây dựng các thành phố hạng 2 và hạng 3 ở miền tây Trung Quốc. Tôi nghĩ việc này nằm trong khuôn khổ đợt sóng giao tiếp sắp tới với Trung Quốc từ Australia”. Ông Harcourt tin rằng Hiệp định Hợp tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa ký xong có phần chắc sẽ giúp cho ngành xuất khẩu Úc, nhưng không gây thiệt hại cho giao thương với Trung Quốc. Australia là một trong số hàng chục nước đang tham gia TPP, trong khi Trung Quốc thì không. “Tôi nghĩ về mặt sách lược Nhật Bản và Hoa Kỳ muốn chứng tỏ họ là những nước lãnh đạo rất quan trọng trong khu vực, và tôi cho rằng đó là một phần của lịch sử TPP, nhưng điểm chính tôi nghĩ điều mà TPP có lẽ sẽ làm là bãi bỏ một số thuế quan và bảo hộ đối với nông sản như ta đã thấy ở Nhật Bản và đông nam châu Á từ lâu, và điều đó có thể có lợi cho Australia, nhưng có phần chắc sẽ không làm chệch hướng mậu dịch ra khỏi Trung Quốc”. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Năm ngoái, quan hệ thương mại giữa hai nước đã được tăng cường khi một hiệp định thương mại tự do được ký kết.
  17. Một bảng hiển thị cho thấy sự sụt giảm chỉ số Hang Seng Index trong phiên giao dịch sáng vào ngày giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông ngày 11/2/2016. Tin liên hệ Các vấn đề toàn cầu có thể làm chậm nền kinh tế Mỹ Báo cáo thua lỗ, Twitter chuẩn bị đổi mới Giàu nghèo ở Việt Nam ‘phân cực rõ’, triệu phú tăng nhanh 12.02.2016 Thị trường toàn cầu hôm nay tiếp tục tuột dốc, giới đầu tư rút qua các quỹ đầu tư an toàn hơn trong lúc giá dầu rớt xuống dưới 30 đô la/thùng. Tính tới giữa ngày hôm nay, các chỉ số chứng khoán ở Frankfurt, London, và Paris đều được giao dịch thấp hơn từ 2% tới 3%, mở rộng xu hướng khởi nguồn từ Châu Á. Chỉ số Hằng Sinh của HongKong mất 742 điểm, gần 4%, đóng ở mức 18,545.80 trong khi chỉ số Kospi của Hàn Quốc mất gần 3%, đóng ở 1,861.54. Đây là ngày giao dịch đầu tiên đối với cả hai chỉ số Hằng Sinh và Kospi sau 3 ngày nghỉ Tết nguyên đán. Thị trường Thượng Hải và Đài Bắc vẫn còn đóng cửa nghỉ Tết trong khi chỉ số Nikkei ở Nhật tạm ngưng giao dịch vì một ngày lễ riêng. Tình trạng bán tống bán tháo hôm nay tại Châu Á và Châu Âu có phần chắc sẽ lan sang Wall Street, với chỉ số S&P 500 mất gần 2 điểm trước khi thị trường chứng khoán ở New York rung chuông. Đồng đô la Mỹ rớt xuống mức thấp nhất so với đồng Yen của Nhật kể từ cuối năm 2014 tới nay sau khi Chủ tịch Qũy Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tỏ dấu trước Quốc hội cho thấy cơ quan này có thể sẽ trì hoãn việc tăng lãi suất thêm nữa.
  18. Ông Tập Cận Bình và Tổng thống Đài Loan sắp mãn nhiệm Mã Anh Cửu Tin liên hệ Tết này, ông Tập buồn lắm Hồng Kông và Đài Loan có vẻ như đang hội nhập trở về với quê Mẹ là lục địa, bỗng nhiên quay lưng với Bắc Kinh Chỉ một lối thoát: Lao nhanh ra phía trước! 2016: Một năm sẽ không yên ổn Chúc mừng Tổng Bí thư mới Qua chuyện người, nói chuyện ta Một Đại hội thích chơi đồ cổ Ðường dẫn Blog Bùi Tín Bùi Tín 14.02.2016 Giấc mộng vàng lớn nhất của Tập Cận Bình từ khi lên ngôi Tổng Bí thư kiêm Quốc trưởng Trung Quốc là đưa Hồng Kông và Đài Loan sớm trở về với lục địa, từng bước thống nhất trọn vẹn Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH). Tình trạng ‘’một nước, hai chế độ‘’ là điều cay đắng của đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1949, khi quân đội của Trung Quốc đánh chiếm được toàn bộ lục địa. Khi mới thành lập, CHNDTH vẫn còn hai đảo lớn là Đài Loan và Hải Nam nằm trong tay Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch. Tháng 5/1950 đảo Hải Nam bị quân đội Trung Quốc đánh chiếm dễ dàng vì eo biển Quỳnh Châu giữa bán đảo Lôi Châu với đảo Hải Nam chỉ rộng có 30 km, lại có phong trào du kính trên đảo tiếp sức. Đảo Đài Loan lúc ấy có dân số 12 triệu, chỉ bằng một quận nhỏ, diện tích chỉ bằng 1/ 2.500 lần lục địa. Nay dân số của đảo này đã hơn 23 triệu. Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Chu Đức, Bành Đức Hoài ... hồi ấy đã vạch nhiều kế hoạch để đánh chiếm Đài Loan, nhưng cứ lần lữa vì không có kế hoạch quân sự nào bảo đảm chắc thắng, do eo biển Đài Loan rộng đến 130 km, dù dung chiến thuật biển người cũng khó lòng chiếm nổi. Quân đội Quốc Dân Đảng tập kết từ cả nước ra Đài Loan đóng dày đặc, tổ chức phòng ngự rộng khắp, vũ trang đầy đủ, trong khi quân đội Trung Quốc còn quá yếu về hải quân, về tàu thuyền đổ bộ, và cũng rất yếu về không quân và quân nhảy dù. Năm 1954,1956 và 1958 quân đội Trung Quốc 3 lần tiến công thăm dò bằng pháo kích các đảo Kim Môn, Mã Tổ trong quần đảo Đại Đồng ven bờ, nhưng không thể làm gì hơn. Cái eo biển thật khắc nghiệt. Bắc Kinh cay đắng buộc phải ngừng tiến công quân sự, chuyển sang đấu tranh chính trị và ngoại giao theo hai hướng, thương lượng với chính phủ Anh về việc trao trả Hồng Kông và bình thường hóa quan hệ với chính quyền Đài Loan sau khi Trung Quốc giành được ghế ngồi trong Liên Hiệp Quốc. Khái niệm ‘’một nước, hai chế độ ‘’ được thỏa thuận, Bắc Kinh hy vọng qua con đường đó, khi lục địa vươn lên thành cường quốc thế giới, sẽ thu hút hai giải đất nhỏ bé này tự nguyện trở về với ‘’mẫu quốc ‘’ một cách hòa bình. Nhưng nếu muốn đánh chiếm Đài Loan bằng vũ lực, Trung Quốc phải có một lực lượng hải quân rất mạnh, một hạm đội đổ bộ gồm hàng ngàn tàu, xuồng, phà, tàu phá ngư lôi…, chiếm lĩnh một đầu cầu rộng lớn, lại cần một lực lượng không quân rất hung hậu, có đạo quân nhảy dù đông đảo, chấp nhận những tổn thất rất lớn, nhưng vẫn chưa chắc thắng vì thế trận phòng ngự sẵn bao giờ cũng có ưu thế đối với thế tiến công từ quá xa. Những ngày này, chắc hẳn Tập Cận Bình và bộ hạ phải rất bi quan khi nhìn sang Đài Loan và thấy tay sai Quốc Dân Đảng bị tan vỡ về chính trị và cả về ngoại giao, Đảng Dân Tiến vừa giành được chức vụ tổng thống và phó tổng thống, chiếm đa số áp đảo trong quốc hội. Ông Tập thêm bội phần thất vọng khi thấy cuộc gặp mặt mới đây với chủ tịch Quốc Dân Đảng Mạc Anh Cửu ở Singapore gây bất lợi, khi hơn hai trăm tên lửa tầm trung chĩa thẳng vào Đài Loan không uy hiếp được ai; cuộc tập trận lấy trụ sở Phủ Tổng thống ở Đài Bắc làm mục tiêu cũng chỉ gây phản tác dụng. Thế bị sa sút, lực bất tòng tâm, ông Tập càng mất vui khi nữ Tổng thống mới Thái Anh Văn nói rằng hiện nay cần duy trì mối quan hệ ổn định với lục địa, nhưng vẫn để ngỏ cho nguyện vọng chính đáng của nhân dân Đài Loan, và rất có thể đến lúc do đòi hỏi của nhân dân, sẽ đưa vấn đề giành ‘’Độc Lập và Tự Do‘’ chính đáng của Đài Loan ra trước Liên Hiệp Quốc, theo quyền tự quyết của mọi dân tộc và quốc gia. Đây là điều ông Tập lo ngại nhất. Thế là Đảng Dân Tiến và lãnh đạo của đảng, một phụ nữ, dám dựa vào nhân dân và sự ủng hộ của thế giới dân chủ, trước hết là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Philippines, Ấn Độ và Liên Hiệp Quốc, quyết đấu tranh giành độc lập hoàn toàn, bất chấp đe dọa của Bắc Kinh. Đài Loan có thế vững mạnh là liên minh quân sự chặt chẽ với Hoa Kỳ và Nhật Bản, được Hoa Kỳ bán cho nhiều vũ khí rất hiện đại. Nhân câu chuyện Eo biển này mà hiểu rõ sự tức giận chính đáng của nhân dân VN khi Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam không thấy rõ cái thế bế tắc, sa sút của Trung Quốc để tự tách ra khỏi Bắc Kinh, dám đấu tranh giành lại độc lập hoàn toàn và tròn vẹn lãnh thổ, biển đảo của nước ta. Đại hội XII đã sai lầm lớn khi không chịu lên án chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc và cương quyết thoát Trung, bỏ qua thời cơ hiếm có khi cả thế giới dân chủ đang muốn kết bạn chiến lược với đất nước và nhân dân Việt Nam. * Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. Bùi Tín Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.
  19. Mỹ chiếm tỉ lệ lớn nhất với khoảng 7 tỷ đôla trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2015. Tin liên hệ Ông Đinh La Thăng sẽ là ‘Nguyễn Bá Thanh của Sài Gòn’? Nhiều người kỳ vọng, ông Thăng sẽ "quyết liệt" trên cương vị Bí thư thành ủy Sài Gòn, vì từng tuyên bố, “bộ trưởng là tư lệnh ngành, phải cho tôi toàn quyền”. Giàu nghèo ở Việt Nam ‘phân cực rõ’, triệu phú tăng nhanh Chia rẽ Bắc-Nam trong lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam? Ông Nguyễn Tấn Dũng dự hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ 13.02.2016 Lượng kiều hối chuyển về Sài Gòn trong năm ngoái ước đạt hơn 5,5 tỷ đôla, cao hơn mục tiêu ban đầu là 5 tỷ đôla, và phần lớn “chảy” vào sản xuất, kinh doanh. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM, mới cho biết như vậy. Nguồn kiều hối từ Mỹ và châu Âu vẫn chiếm trên 80% nguồn kiều hối chuyển về Sài Gòn, trong khi nguồn từ lao động xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 6,7%. Trong số 5,5 tỷ đôla đó, lượng kiều hối chảy vào sản xuất, kinh doanh chiếm 70,6%; vào bất động sản chiếm khoảng 20,7% và chỉ có khoảng 7% là hỗ trợ thân nhân, gia đình trang trải sinh hoạt, mua sắm, chữa bệnh, xây dựng nhà cửa. Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, năm 2015, Việt Nam đứng thứ 11 thế giới về thu hút lượng kiều hối với 12,25 tỷ đôla, tăng nhẹ so với con số 12 tỷ đôla của năm 2014. Trong khi vào năm 2010 con số kiều hối đổ về Việt Nam chỉ đạt 8 tỷ đôla. Còn báo cáo của Ngân hàng VietinBank cho biết, chiếm phần lớn trong nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam là từ thị trường Úc, Mỹ và Canada, trong đó Mỹ chiếm tỉ lệ lớn nhất với khoảng 7 tỷ đôla trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm. Hiện có hàng triệu người Việt đang sinh sống tại trên 100 quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, có khoảng nửa triệu công nhân xuất khẩu lao động Việt Nam đang làm việc ở nhiều nước và vùng lãnh thổ như Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đây được coi là lực lượng chủ lực kiếm tiền gửi về nước. Theo Pháp luật TP HCM, Nhịp cầu Đầu tư, Trí thức trẻ
  20. Ngọc Lan, thông tín viên RFA 2016-02-14 In trang này Chia sẻ Ý kiến của Bạn Email Nghe hoặc Tải xuống Tết của người Việt tại Little Saigon có đủ cây nêu, tràng pháo, trống lân. RFA PHOTO Trong khi nhiều người cho rằng Tết Nguyên Đán với người Việt tha hương ngày càng nhạt nhòa, thì ngay tại Little Saigon, dù muốn dù không vẫn không thể phủ nhận không khí đón Xuân về trên khắp phố chợ từ rằm Tháng Chạp và bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên từ ngày đưa Ông Táo về trời, rồi cứ thế râm ran cho đến ngày Giao Thừa, Mùng Một và đặc biệt là vào cuối tuần này, với nào là Hội Chợ Tết, diễn hành Tết, như một nét văn hóa không thể thiếu nơi này trong thời khắc đón tân niên. Chị Bùi Thị Lan, một người đến từ Na Uy, lần đầu tiên ăn Tết tại Little Saigon, không giấu được sự xúc động của mình: “Tết ở đây quá là vui luôn, ấn tượng tốt như thời xưa mình còn ăn Tết ở Việt Nam, chưa bao giờ được như thế này. Từ ngày mình ra nước ngoài chưa bao giờ có được cái Tết nào vui như ở đây, ở Cali này. Mình đi nước ngoài 26 năm rồi, đây là lần đầu tiên đến Cali, đến đây thấy ôi vui quá, chỗ nào cũng người Việt Nam mà diễn hành như thế này thì chưa bao giờ thấy, chưa ở đâu có, ở Việt Nam cũng không được như thế này. Ở đây quá thích, quá tốt.” Cũng là một người Việt đến từ Na Uy, bà Cao Thị Mỹ Hồng cho biết: “Trước đây tôi đến đây rất nhiều lần và tôi ao ước được một lần ăn Tết Cali bởi vì em ruột tôi ở đây, ở Los Angeles. Ăn Tết ở đây quá vui. Bên Na Uy không có cảnh này, bên đó rất ít người Việt. Tôi đi qua 3 chị em. Ấn tượng của tôi với Tết Cali là có rất nhiều người Việt Nam, cảm thấy rất là thích.” Đó là cảm nhận của những người lần đầu tiên sau bao năm xa xứ được chứng kiến không khí Tết tại Little Saigon, nơi được xem là chiếc nôi tinh thần của người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ. Với người sống lâu năm ngay tại mảnh đất này thì Tết cũng không phải đã là “nhàm chán” như một số người suy nghĩ, trái lại, cứ nhìn hình ảnh người người đi sắm Tết, chuẩn bị Tết từ Rằm Tháng Chạp trở đi và nhộn nhịp hẳn lên từ ngày đưa Ông Táo về Trời sẽ thấy được Tết trong lòng người Việt nơi đất khách rộn rã ra sao. Cô Nguyễn Nguyệt Hằng, một cư dân của Little Saigon cho biết: “Ở bên này cộng đồng mình cứ Tết đến thì cũng xôn xao đi mua sắm như ở bên Việt Nam vậy. Đi mua cây, mua hoa, mua mứt, mua trái cây chưng mâm ngũ quả ngày Tết. Em cũng chuẩn bị đầy đủ, chỉ còn mua thêm trái cây để chưng thôi. Tết năm nào cũng vui cũng đầy đủ vì gia đình em ở bên này hết rồi, cho nên năm nào cũng vui như nhau. Nói về không khí Tết ở Little Saigon này so với những cái Tết trước đây khi còn ở Việt Nam thì ở Việt Nam chắc xôm tụ hơn nhưng ở đây vẫn vui, đi đâu cũng thấy đông hết, mọi người mua sắm nhiều lắm. Chợ Việt Nam rất là đông, em không có xe đẩy đi chợ luôn. Thấy mọi người chuẩn bị cho Tết ráo riết luôn. Rồi pháo, bên này được đốt pháo chứ bên kia hết được đốt rồi, nên bên này có thể còn vui hơn bên kia.” Cũng trong tâm tình đó, cô Đoàn Quế Anh, sống tại thành phố Westminster, chia sẻ: “Nói chung thì năm nay cũng được vì có mấy ngày em nghỉ, bữa nay, ngày mai Giao Thừa và Mùng Một em nghỉ, thành thử cũng chuẩn bị chút đỉnh. So với nhiều gia đình khác thì nhà em cũng không xôm tụ bằng, chỉ chút đỉnh cho có không khí Tết thôi. Như một chút bánh chưng, một chút dưa món, em không biết nấu ăn nên không làm giống như người khác làm bánh chưng, làm mứt ở nhà, em thì chỉ có đi mua chút xíu đồ, mua trái cây, hoa. Diễn hành mừng Xuân Bính Thân ở Little Saigon. Mấy đứa nhỏ nhà em thích đi chợ hoa chung với các chị em họ vui hơn. Cúng ông Táo thì mấy năm nay cũng có cúng, đến ngày Giao Thừa cũng đón ông Táo về. Những điều đó, em nghĩ với những người xa xứ, những người thuộc thế hệ thứ hai như tụi em bây giờ cũng có con cái thì Tết giống như một hình thức mình duy trì phong tục tập quán của người Việt Nam để lớp trẻ họ biết, nhìn thấy, dù chỉ đơn giản thôi chứ không thể giống như bên Việt Nam hồi xưa. Nhưng nói chung em nghĩ những điều đó có một giá trị văn hóa để cho lớp trẻ có thể biết được và nhớ.” Trong trang phục áo dài truyền thống, gia đình bà Nguyễn Thị Thu Thủy, gồm cả ba thế hệ, ở Santa Ana, đến xem diễn hành Tết Bính Thân trên đại lộ Bolsa do tổ chức Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Nam California thực hiện, cũng không giấu được nét vui trên gương mặt từng người trong những ngày đầu năm mới. Bà Thủy cho biết: “Năm nay gia đình đón Tết khác những năm trước là mới có thêm một cháu bé, một thành viên mới trong gia đình. Cũng đi những khu vui chơi mở ra ở đây. Mình thì mới qua đây thôi, còn các cháu thì ở đây lâu rồi, mới qua thấy không khí ở đây vui hơn ở Việt Nam, ở Việt Nam thì không được đốt pháo, ở đây thì có đốt pháo diễn hành.” Như một nét văn hóa không thể thiếu của người Việt, gia đình bà Thủy cũng đón Giao Thừa theo truyền thống, nghĩa là tất cả các thành viên trong gia đình tụ tập về nhà của ông bà để chúc Tết, từ lớn xuống đến nhỏ, cũng đi nhà thờ ngày đầu năm, cũng chọn “mặc áo dài để giữ lại được nét gì của Việt Nam thì ráng giữ,” như bà Thủy nói. Với người ở Cali, nhưng lại không thật gần nơi có đông cộng đồng Việt Nam như khu Little Saigon, thì không khí Tết nơi đây vẫn là một điều ao ước của bao người, như bà Hoa Nguyễn, ở Merced gần Fresno, cách Little Saigon khoảng 5 tiếng lái xe, cho biết: “Đây là lần đầu tiên thấy, ngay cả ở Fresno cũng không bao giờ thấy cảnh như thế này đâu, lần đầu tiên tôi mới được hưởng cái Tết ở đây. Những ngày qua chuẩn bị cho Tết bằng cách đi mua bông, mua bánh chưng, bánh tét, chả lụa, mua đủ thứ hết. Vui lắm! Chợ bông quá đẹp! Chợ ở đây có đầy đủ phong tục Việt Nam mình, bán đầy đủ hết, thích lắm.” Có thể nói, cho đến hết ngày Chủ Nhật, Mùng 7 Âm Lịch, khi Hội Chợ Xuân tại OC Fair & Event Center ở thành phố Costa Mesa và tại công viên Mile Square thuộc thành phố Fountain Valley kết thúc thì không khí Tết Bính Thân 2016 mới thật sự chấm dứt trong lòng người dân Việt sống quanh Little Saigon, dù đây đó xác pháo, mùi pháo vẫn còn vương trong gió.
  21. Hạ Vũ, thông tín viên RFA 2016-02-14 In trang này Chia sẻ Ý kiến của Bạn Email Nghe hoặc Tải xuống Các cửa hàng mở cửa buôn bán sau khi hết Tết. (minh họa) AFP PHOTO Trong phong tục ngày Tết, đầu năm ai cũng muốn vận hội hanh thông, làm ăn suôn sẻ. Làm quan có ngày khai ấn, kẻ sĩ có ngày khai bút, nhà nông có ngày khai canh, làm thợ có ngày khai công, người làm nghề buôn bán có ngày mở hàng. Chọn ngày mở cửa hàng đầu năm được coi là một nét đẹp trong tín ngưỡng lâu đời của người dân Việt, đặc biệt là giới doanh nhân. Cũng giống như tục lệ xông đất, cúng lễ đầu năm, việc làm này nhằm cầu may, thỏa mãn nhu cầu tâm linh của phần đông những người kinh doanh - buôn bán. Theo tâm lý chung mọi việc khởi đầu đều khó khăn, mà "Đầu xuôi thì đuôi lọt". Riêng trong nghề buôn bán lại càng bấp bênh, có ngày mua may bán đắt, có ngày ngồi suốt buổi chẳng ai ngó tới, có tháng lời lãi nhiều, lợi lộc lớn, có tháng thua lỗ mất cả chì lẫn chài, vì vậy không những chọn ngày mở hàng đầu năm, mà cả đầu tháng, đầu tuần, từng ngày còn phải để ý đến chuyện mở hàng: mở hàng vào lúc nào, bán cho ai "Nhẹ vía" để cả ngày bán đắt hàng… Bởi vậy, xông đất, mở cửa văn phòng, cửa hàng, công xưởng... đầu năm là một việc hết sức quan trọng đối với người làm chủ. Theo truyền thống, chủ nhân sẽ chọn một người làm “nghi lễ” bước vào địa điểm kinh doanh đầu tiên trong năm mới, theo ngày giờ đã được lựa chọn. Người xông đất, mở hàng phải là tuổi “tam hợp” với chủ, đặc biệt tránh tuổi “tứ hành xung”. Điều quan trọng nhất khi chọn người xông đất đầu năm cho địa điểm kinh doanh, phải là người vui vẻ, rộng rãi, “nhẹ vía” thì doanh nghiệp được họ “xông” sẽ luôn may mắn, sung túc trong năm mới. Còn nếu không, kể cả có hợp tuổi, nhưng khó tính thì chưa chắc năm mới đã gặp may. Chọn một nhân viên hợp tuổi, nhanh nhẹn, ngoan ngoãn “xông đất” văn phòng cũng là một giải pháp. Trang, một chủ doanh nghiệp kinh doanh rượu ngoại chia sẻ: “Em mở hàng vào ngày mùng 8, là một ngày rất đẹp. Theo như lời các cụ đấy là ngày của các Vua. Cho nên hy vọng đấy sẽ là một năm mới sẽ được phát tài, phát lộc, gia đình sum vầy, xum xuê, nhiều tiền, nhiều của.” Được biết, vào dịp tết vừa qua, các cửa hàng của cô làm ăn rất phát đạt. Hầu hết khách mua rượu là để biếu, tặng sếp và đối tác trong dịp cuối năm. Giỏ quà tết rượu ngoại của cô luôn có giá không dưới 10 triệu đồng. Đắt đỏ như vậy, nhưng hàng nhập về bao nhiêu cũng bán hết. Cô đã có một kỳ nghỉ tết hết sức vui vẻ do việc kinh doanh phát đạt và không vội vàng mở cửa đầu năm để kiếm thêm chút lộc. Nhân viên làm việc tại các cửa hàng của cô, do đó, cũng sẽ được nghỉ tết lâu hơn, dành nhiều thời gian với gia đình hơn. Trong khi đó, rất nhiều tiệm massage, làm đẹp đã mở cửa từ mùng 4, mùng 6 tết để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe và “tút tát” lại nhan sắc, bắt đầu cho ngày làm việc đầu năm của dân công sở. Hường, nhân viên massage trẻ tuổi quê gốc vùng biển Nam Định, phải lên Hà Nội từ mùng 4 tết để làm việc chia sẻ: “Nói chung là em đi lên đây xa nhà, xa gia đình, xa bố mẹ thì em rất buồn. Cảm giác ăn tết xong cũng vui, nhưng phải xa quê đi làm thì rất buồn. Cũng không biết nói thế nào, nói chung là buồn thôi ạ!” Ánh, một quản lý văn phòng của một công ty Việt, năm nào cũng phải mở cửa cho người xông đất được sếp lựa chọn chia sẻ: “À, năm nào chả phải xông đất. Có điều năm nay cho lên facebook cho nó hoành tráng chứ năm nào chả phải xông đất, cúng giao thừa, chứ còn đã đi làm gì đâu, thứ 2 mới đi làm. Em không phải đi xông đất nhưng phải đến mở cửa các thứ rồi đón khách...” Khác với Ánh, Hòa – một quản lý văn phòng làm việc cho một công ty của Hàn Quốc, người đã được sếp tín nhiệm “xông đất” văn phòng trong năm mới lại rất vui vẻ, lạc quan với việc phải bắt đầu công việc sớm hơn lịch nghỉ: “Đây là năm đầu tiên cảm thấy là an yên. Phải nói là như thế. Không hiểu tại sao nhưng mà có một cái linh cảm rất tốt cho năm mới. Em nghĩ là năm nay sẽ là một năm cực kỳ suôn sẻ với em.” Mọi người trở lại làm việc sau khi hết Tết. (minh họa) Ngoài những trường hợp đặc biệt phải mở cửa, xông đất đầu năm hoặc người làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân, cửa hàng kinh doanh, cơ sở dịch vụ... có lịch làm việc riêng đầu năm mới; hầu hết người lao động sẽ trở lại các thành phố lớn vào chiều Chủ nhật, 14/2 để bắt đầu ngày làm việc đầu tiên vào thứ 2 (15/2) theo lịch nghỉ tết Nguyên đán đã được Nhà nước cho phép. Hàng năm, vào ngày nghỉ cuối cùng của kỳ nghỉ lễ này cũng như buổi sáng làm việc đầu tiên trong năm, các cửa ngõ vào thành phố Hà Nội đều tắc nghẽn, thành phố như một ngôi nhà vừa được nghỉ ngơi, thư giãn trong một thời gian ngắn, chưa đủ hồi sức, bỗng trở nên chật cứng, căng thẳng, ngột ngạt với sự gia tăng đột biến về dân số, trở lại bộ mặt lem nhem thường ngày. Mặc dù mọi người lao động trong khu vực hành chính nhà nước và các văn phòng tương tự khác đều trở lại làm việc theo đúng quy định nghỉ lễ, hàng năm, báo chí trong nước vẫn nói nhiều về hiện tượng “công sở vắng tanh, quán nhậu/karaoke/chùa... đông nghẹt”. Không ở đâu, câu nói “tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng hai cờ bạc, tháng ba rượu chè” được thể hiện rõ như trong các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt vào dịp đầu năm mới. Được đặc biệt đứng ngoài quy luật cung – cầu của thị trường, họ dường như cũng ít quan tâm đến việc thực hiện nghiêm chỉnh các lễ tục truyền thống, như tục xông đất, mở hàng hay tổ chức ngày làm việc đầu năm nghiêm túc để cả năm có kết quả công việc tốt. Năm 2016 được xem là năm Việt Nam sẽ hội nhập sâu rộng vào khu vực ASEAN nói riêng và thế giới nói chung khi hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thị trường quốc tế nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi các doanh nghiệp phải hoạt động bài bản, vươn tới chuẩn mực quốc tế và hướng tới sự phát triển bền vững. Việc duy trì và thực hiện những tập quán xông đất, mở hàng... đầu năm đã tạo nên một nét văn hóa truyền thống thú vị của dân tộc. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh cũng như mọi công việc khác đều phải phù hợp với quy luật cung – cầu của thị trường, không quá thiên về mê tín dị đoan, mở hàng lấy lệ rồi mải mê chơi hội, lễ chùa, chúc tết, kỷ niệm, ăn mừng... đến hết cả năm, không tập trung làm ăn, buôn bán, trông chờ vào may rủi sẽ không chỉ không mang đến sự giàu có cho mỗi cá nhân mà còn làm suy giảm năng suất sản xuất cũng như bộ mặt của dân tộc. Hơn nữa, còn tạo nên sự phiền hà, khó chịu cho những cán bộ, nhân viên phải thực hiện các công việc mang tính lễ nghi, đặc biệt là vào lúc họ không hiểu và chia sẻ được ý nghĩa của các nghi lễ đó. Mọi ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin gửi về địa chỉ email: [email protected].
  22. Cát Linh, phóng viên RFA 2016-02-14 In trang này Chia sẻ Ý kiến của Bạn Email Nghe hoặc Tải xuống Mãi mãi con người sẽ luôn chấp nhận tình yêu là một hiện diện vô hình không thể thiếu trong đời sống này. (minh họa) AFP PHOTO Tình yêu từ bao thuở nay là hơi thở, là nguồn cảm tác vô tận của con người. Khi người nghệ sĩ viết về tình yêu, mỗi người có một định luật riêng cho mình về tình yêu. Nhưng, tất cả đều nhằm nói lên một tình cảm vô hình nhưng lại hoàn toàn có thể nhìn thấy được. Hôm nay, ngày lễ tình nhân, ngày của những người yêu nhau (ngày của Tình yêu). Mời quý vị đến với những ca khúc ‘Muôn trùng trong cõi nhạc tình yêu’. “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua Trên bước chân em âm thầm lá đổ Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa… (Diễm xưa)” “Sống trên đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn, tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá Đời.” “Chúa đã bỏ loài người Phật đã bỏ loài người Này em xin cứ phụ người …………………………… Đời đã quen với những kiếp xa nhau…”(Này em có nhớ) Tình yêu và quê hương Khi chưa rời xa “cõi tam”, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng định nghĩa về tình yêu như thế, là một trong hai yếu tố duy nhất tồn tại trong cuộc sống này. Và đặc biệt, với ông, tình yêu là vô cùng. Chỉ có tình yêu mới có thiên chức cứu rỗi con người, đưa chúng ta thoát khỏi những hệ luỵ trong một kiếp người. Có thật như thế không? Hay vì quá tôn thờ tình yêu mà họ Trịnh đã đưa mình đến một ranh giới rất mong manh, ở đó chỉ có thân phận và tình yêu? Thế nhưng, cũng chính ông, ngay ở ranh giới đó, ông thấy luôn cả sự vô thường. Vô thường từ hình hài cho đến sự tồn tại của mối tình “Tìm em tôi tìm mình hạc xương mai …………………………….. Tìm lại trên sông những dấu hài…” (Đoá hoa vô thường) Có một người nhạc sĩ, cũng suốt đời tôn thờ tình yêu như thế. Duy chỉ có khác là, tình yêu của ông là tình yêu trai gái và tình yêu đất nước. Ông không tách rời hai điều đó ra được. “Tình yêu giữa hai người đàn ông và đàn bà, hay con trai và con gái với nhau, thu nhỏ là tình yêu, nhưng phóng lớn lên nó là tình hoài hương đó.” Đó là Nguyễn Đình Toàn, một tiếng nói mà cách đây 40 năm, từng được nhà thơ Du Tử Lê gọi là “người tình không chân dung” của thính giả Việt Nam. “Tình ca, những tiếng nói thiết tha và tuyệt vời nhất của một đời người, bao giờ cũng được bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau. Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta. Em đâu ngờ, anh còn nghe vang tiếng em, trong tất cả tiếng động ngù ngờ nhất, của cái ngày sung sướng đó, tiếng gió mây thổi trên những cành liễu nhỏ, tiếng giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố. Ngần ấy những tiếng động ngân nga trong trí tưởng anh, một thuở thanh bình nào,bây giờ đã gần im hơi, nhưng một đôi khi vẫn còn đủ sức làm vang lên trong ký ức một mùa hè háo hức, một đêm mưa trở về, gió cuốn từng cơn nhớ, anh bỗng nhận ra, anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta đã xa nhau như hai thành phố.” “Em còn yêu anh còn yêu anh Cây còn xanh còn tươi đầy kỉ niệm Mái trường xưa mỗi mùa phượng đến Ve còn kêu vang, ve còn kêu vang…” (Em còn yêu anh) Tình yêu và niềm tin Đã bao thế kỷ trôi qua, tình yêu mãi là chiếc áo huyền diệu tô điểm cho cuộc đời con người. Tình yêu làm cho nghệ thuật thăng hoa. Tình yêu làm cho con người có thể hoá thân vào những nhân vật thần thoại, nhìn nhau qua những hình ảnh thánh thiện và hiền hoà nhất. “Em mang hồn vô tội, đeo thánh giá huy hoàng Còn ta nhiều sám hối mà sao vẫn hoang đàng.. Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa Đưa em về dưới mưa, có nhau mà như xa... Em hiền như ma-soeur, vết thương ta bốn mùa Trái tim ta bệnh hoạn, ma-soeur này ma-soeur Ta nhờ em ru ta, hãy ru tên vô đạo, Hãy ru tên khờ khạo, ma-soeur này em ma-soeur…” (Em hiền như Masseour) Cố thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đã nhìn tình yêu của mình qua một lăng kính thánh thiện và thanh cao nhất. Ông so sánh người mình yêu (chưa hẳn là người yêu) với hình ảnh một ma soeur tinh khôi với nụ cười “vô tội”. Tình yêu của Nguyễn Tất Nhiên mang đầy niềm tin của kẻ sẵn lòng chịu tội vì là người vô đạo. Đã bao thế kỷ trôi qua, tình yêu mãi là chiếc áo huyền diệu tô điểm cho cuộc đời con người. (minh họa) Và cũng chính Nguyễn Tất Nhiên lại thêm một lần nữa khẳng định tình yêu phải thánh thiện, trong sáng, cho dù phải như một Adam ngù ngờ, một Eva khù khờ. Giữa những nỗi đau khổ, giữa lúc “ta yêu em mù loà” thì Nguyễn Tất Nhiên vẫn nhỏ vài giọt ơn nhau, đưa tia sáng thiên đường cao vào ngục tim nhau… “Ta yêu em mù loà Như Adam ngù ngờ Yêu Eva khù khờ Cuộc tình trinh tiết đó Nhưng thiên tai còn chờ Đôi uyên ương vật vờ Chia nhau xong tội đồ Đày đoạ lâu mới tha…..” (Chỉ chừng đó thôi) Không phải riêng Nguyễn Tất Nhiên chấp nhận làm người dại khờ, mang đầy tội lỗi để được yêu, mà chính cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nói “Dù đau khổ hay hạnh phúc thì con người vẫn muốn yêu. Tình yêu vì thế mà tồn tại. Con người không thể sống mà không yêu. Hàng nghìn năm nay con người đã sống và đã yêu.” “Chuyện người đàn bà 2000 năm trước Áo rách tả tơi, xác thân mệt nhoài. Chuyện người đàn bà nơi thành cổ đó Dấu tích hành thân. Vì đâu? Vì đâu? Vì đâu, Nên tội tình mang nhục hình. Vì yêu, tội yêu, tội tình yêu...” (Chuyện người đàn bà 2000 năm trước) Cho đến thế kỷ hôm nay, người ta vẫn thường truyền nhau câu thơ bất hủ của cố thi sĩ Xuân Diệu “Có ai định nghĩa được tình yêu?”. Thế nhưng vẫn chưa có ai có thể nói rằng mình đã có câu phúc đáp. Cho dù vậy, thế kỷ sau, hay sau nữa, mãi mãi con người sẽ luôn chấp nhận tình yêu là một hiện diện vô hình không thể thiếu trong đời sống này.
  23. Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Asean sẽ diễn ra tại Sunnylands, miền Nam California, thứ hai ngày 15/02/2016, với nội dung chủ yếu được cho là là vấn đề biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ Jhon Kerry đã phải đi một cách gấp gáp qua Lào, Cămpuchia và Trung Quốc. Việc này cho thấy Mỹ coi thành công của Hội nghị này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Lào là nước chủ tịch ASEAN năm 2016, Cămpuchia là nước duy nhất trong khối ASEAN nhại lại lời Trung Quốc, Trung Quốc là cản trở lớn nhất cho thành công của Hội nghị, là đối tượng của Hội nghị. Xét về ý nghĩa chính trị, an ninh cả trước mắt lẫn lâu dài, Hội nghị này chính là "mơ ước" của Việt Nam, có thể nói là của Việt Nam và chủ yếu cho Việt Nam. Với một ý nghĩa như vậy mà Việt Nam không có nguyên thủ tham dự, thì thật là một điều không thể chấp nhận. "Ngày Mồng 1 Tết Bính Thân 2016, ông Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, đã chính thức ra lệnh cấm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không được đi Mỹ họp với TT Barack Obama", đó là thông tin lan trên mạng xã hội, trong khi BBC ngày12/02 đưa tin "Người phát ngôn của Miến Điện nói Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng không dự hội nghị ở California". Theo tập quán chính trị cuả đảng cộng sản Việt Nam thì bất cứ nhân vật nào, dù cao cấp, khi đã không còn vai trò chính thức, sẽ không được phép xuất hiện trong các sự kiện. Cho nên việc ông Dũng sẽ không có mặt tại Cali có thể suy ra được, không cần phải có cái thông tin đang còn lan trên mạng kia. Nhưng nếu để ông Phạm Bình Minh thay thế, nghĩa là Việt Nam không có nguyên thủ, cho thấy bộ chính trị đảng cộng sản đúng là coi nhẹ "chuyện biển Đông", đúng như dư luận nói, đảng cộng sản xưa nay vẫn coi chuyện biển đông là "việc của Mỹ". Sáng nay, 14/02/2016, báo Đất Việt chạy tít: "Giờ chót, ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam đổi ý, quyết định sẽ tới California dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Hoa Kỳ - ASEAN", nghe như một tiếng reo mừng thóat nạn.(Thóat nạn ai, thoát nạn cái gì?) Có đúng ông Dũng đổi ý không. Chuyện đối ngoại tày đình như vậy, làm gì có chuyện là ý của riêng ông Dũng. Đây có thể là chuyện hấp tấp của bộ chính trị hay là chuyện lú lẫn gì đó. Nhưng, khi ông Dũng vào "phút chót, đã quyết định" có mặt tại Hội nghị, thì thực là rất tốt, vì đây là giây phút cờ vào tay ông. Liệu ông có phất không. Đây sẽ là cơ hội duy nhất còn lại để ông chuộc những gì ông còn nợ người dân Việt Nam do những sai lầm của ông. Liệu ông có nghe được tiếng của Lịch sử không. Và nếu ông còn chút khí tiết, thì rất có thể ông làm nên lịch sử. Sẽ là lửa để thử ông là vàng hay chỉ là sắt rỉ. Nếu có quá lời cũng chỉ là muốn truyền sự gửi gắm qua ông. 14/02/2016 Bùi Quang Vơm *Tác giả gửi đến TTHN
  24. Trung Quốc liên tục cải tạo đảo và xây đường băng trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông Một nhóm có tên SEA Sea United Front vừa gửi thỉnh nguyện thư kêu gọi "ngăn chặn" Trung Quốc trước các hành vi xây đảo nhân tạo và chiếm đóng các đảo trên Biển Đông. Thư thỉnh nguyện được gửi nhân dịp sắp diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Asean tại Sunnylands, tiểu bang California vào ngày 15 và 16/2/2016. Tổ chức này gửi thư qua trang web Change.org đến chính quyền Obama, Thượng nghị sĩ John McCain, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Trong nội dung của thư, với bảy nội dung chính, nhóm này yêu cầu Hoa Kỳ "hành động thiết thực hơn" và đòi chính phủ Việt Nam "đưa hồ sơ tranh chấp trên biển Đông" ra Tòa án quốc tế. Hình ảnh từ vệ tinh cho thấy hoạt động của Trung Quốc trên đảo Quang Hòa làm thay đổi, mở rộng bề mặt đáng kể. Cải tạo, cơi nới Một bài trên tạp chí The Diplomat hôm 13/2 cho hay Trung Quốc đang cải tạo và xây căn cứ trực thăng ở quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền. Bài của tác giả Victor Robert Lee đi kèm nhiều hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy hoạt động cải tạo cơi nới đảo cũng được Trung Quốc thực hiện ở Hoàng Sa chứ không chỉ tại Trường Sa. Khác với Trường Sa là nơi nhiều quốc gia tham gia tranh chấp, quần đảo Hoàng Sa chỉ có hai nước tuyên bố chủ quyền là Trung Quốc và Việt Nam, tuy nằm hoàn toàn dưới kiểm soát của Trung Quốc. Bài đăng trên The Diplomat hôm thứ Bảy cho hay Trung Quốc dường như đang nạo vét và bồi đắp ở hai vị trí mới trên hai đảo thuộc nhóm An Vĩnh của quần đảo Hoàng Sa, cách căn cứ quân sự trên đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất của Hoàng Sa chừng 15km về phía bắc-tây bắc. Hình ảnh từ vệ tinh cũng cho thấy Trung Quốc đang xây một căn cứ trực thăng trên đảo Quang Hòa (Trung Quốc gọi là Sâm Hàng đảo) thuộc nhóm Lưỡi Liềm. The Diplomat nhận xét rằng dự án này chỉ dấu rằng Bắc Kinh "có thể phát triển một hệ thống căn cứ ở Biển Đông để hỗ trợ trực thăng săn ngầm như loại Z-18F" mà nước này tự sản xuất (BBC)
  25. Việt Nam được cho 20/100 điểm trong báo cáo năm 2015 Việt Nam được cho 20/100 điểm trong báo cáo về “Tự do toàn cầu 2016” do tổ chức Freedom House thực hiện trên 195 quốc gia và 15 vùng lãnh thổ. Báo cáo được thực hiện bởi Tổ chức theo dõi độc lập Freedom House, chuyên về những vấn đề như tự do, dân chủ trên thế giới. Năm nay, báo cáo kết luận "Tự do toàn cầu đang gặp áp lực". Có ba mức độ đánh giá tổng quát trong báo cáo là tự do, tự do một phần, và không tự do. Ngoài ra, các quốc gia còn được đánh giá ở các nội dung như quyền lợi chính trị và tự do công dân (từ 1-7, hạng 1 là tự do nhất, hạng 7 là ít tự do nhất), và được cho điểm tổng quát với thang điểm 100. Điểm tổng quát cao cho thấy quốc gia đó có tự do nhiều hơn. Năm 2015, Việt Nam xếp hạng thấp nhất về quyền lợi chính trị (hạng 7) và hạng 5 về tự do công dân. Theo báo cáo này, năm 2015 là năm thứ 10 liên tiếp điểm số tự do toàn cầu giảm. Tự do sụt giảm Những vấn đề như chiến tranh tại Syria, khủng hoảng di cư đến Châu Âu đã góp phần làm thang điểm tự do đi xuống. Áp lực kinh tế cũng góp phần làm suy giảm tự do. Tại Trung Quốc, kinh tế phát triển chậm lại đã dẫn đến "những chiến dịch thô bạo nhắm tới người bất đồng chính kiến". Báo cáo này viết về tình hình Trung Quốc: "Chính quyền của ông Tập Cận Bình phản ứng lại với sự sụt giảm của thị trường chứng khoán bằng sự can thiệp thô bạo lên thị trường, tăng cường kiểm duyệt và tuyên truyền, và thêm đàn áp mới với xã hội dân sự”. Trung Quốc xếp hạng 7 về quyền lợi chính trị, hạng 6 về tự do công dân, được 16 điểm. Cùng trong Đông Nam Á, Thái Lan xếp hạng 6 về quyền lợi chính trị, và hạng 5 về tự do công dân, được 32 điểm. Có 12 nước nằm trong nhóm "Tệ nhất", có thể kể đến như Syria chỉ được -1 điểm và Bắc Triều Tiên được 3 điểm. (BBC)

×
×
  • Create New...