Jump to content

Câu chuyện về trang trại rau sạch ở Phú Yên


xứ việt
 Share

Recommended Posts

Thanh Trúc, phóng viên RFA
2016-10-13

  •  
Trang trại rau sach Phú Yên của gia đình Cô Huỳnh Ngọc Châu.
Trang trại rau sach Phú Yên của gia đình Cô Huỳnh Ngọc Châu.
icon-zoom.png Courtesy photo
Câu chuyện về trang trại rau sạch ở Phú Yên
Phần âm thanh Tải xuống âm thanh
 

Một lần Thanh Trúc từng kể cho quí vị nghe về Đào và Tư cùng trại trồng rau sạch ở Hóc Môn, Sài Gòn. Khu vườn mang tên Ước Mơ Rau Xanh không dùng thuốc trừ sâu, không phun chất kích thích tăng trưởng, thân thiện với môi trường và không hại sức khỏe người tiêu thụ.

Dùng lá chuối để gói rau

Hôm nay là câu chuyện rau sạch với bạn Huỳnh Ngọc Châu, người bỏ công ươm trồng rau sạch từ Phú Yên rồi mang vào Sài Gòn, khi bán thì dùng lá chuối để gói rau, lại còn khuyến khích mời gọi khách hàng hưởng ứng việc trồng rau sạch để gìn giữ môi trường.

Mọi chuyện bắt nguồn từ ý thức, sự quan tâm, tầm nhìn của người trẻ trước những thực phẩm bẩn, rau bẩn trôi nỗi tràn lan trên thị trường. Là một chuyên viên IT, Huỳnh Ngọc Châu từng có lúc buôn bán hải sản cho đến khi thực sự tâm đắc và quyết tâm trồng rau sạch bán cho người thành phố:

Hiện tại thì công việc chính của em là mô hình phát triển rau hữu cơ và phân phối rau hữu cơ. Năm 16 tuổi em đã đi học ở Sài Gòn rồi. Ra trường thì em có mở công ty phần mềm rồi, em cũng bán hải sản nữa tại quê em ở Phú Yên sát biển.
-Huỳnh Ngọc Châu

Hiện tại thì công việc chính của em là mô hình phát triển rau hữu cơ và phân phối rau hữu cơ. Năm 16 tuổi em đã đi học ở Sài Gòn rồi. Ra trường thì em có mở công ty phần mềm rồi, em cũng bán hải sản nữa tại quê em ở Phú Yên sát biển.

Năm 2012 thì em qui y thành Phật tử. Từ 2012 đến 2013 thị trường hải sản lúc đó cũng rối ren lắm, người ta ướp u rê ướp hàn the trong cá nên đó là khoảng thời gian dằn xé giữa việc bán hải sản với việc ngưng cái nghiệp sát sinh. Cuối 2013 thì em quyết định không bán cá nữa mà bán rau, nhưng thị trường rau củ lúc đó cũng căng thẳng lắm.

Đó là lúc cơ may run rủi cho Huỳnh Ngọc Châu gặp được một người Nhật Bản và công ty Rau Cười Việt Nhật mà người này phát triển ở Dak Lak, Lâm Đồng:

Anh qua đây phát triển nông nghiệp hữu cơ mà đối tương hướng tới là nông dân, thanh niên của Dak Lak rồi là các bé trong tu viện. Anh phát triển nông nghiệp hữu cơ cho thanh niên và các bé học và làm, phân phối rau hữu cơ với tên Công Ty Rau Cười Việt Nhật.

Từ công ty Rau Cười Việt Nhật, Huỳnh Ngọc Châu thấy mình học được quá nhiều thứ mà trước đó cô không biết:

Từ canh tác, bảo quản rau cho tới bảo vệ môi trường, thậm chí tới những thùng xốp gởi rau từ Tây Nguyên xuống cho em họ vẫn thu hồi lại, chắp nối và dùng lại cho tới khi nào không dùng được nữa. Rồi cái ý thức bảo vệ môi trường của người ta mình cũng phải học từng chút từng chút.

Năm 2015, khi nhu cầu mua bán rau quả trở nên căng thẳng dịp cuối năm, Huỳnh Ngọc Châu liền nghĩ đến chuyện thuyết phục ba mẹ ở Phú Yên trồng rau sạch trên mảnh đất đồi ở Phú Yên mà nhà nước cấp cho gia đình làm du lịch:

Một vùng đồi không có nước mà nó là đồi đá vôi. Khoan một cái giếng tốn tới mấy chục cây vàng. Dân cư quanh đó tới mùa khô hạn là không có nước sử dụng, nhà mình thì ngay trên đỉnh đối. Mùa khô hạn bị cắt điện một ngày mấy tiếng đồng hồ nên đêm phải dậy bơm nước trữ để có mà dùng.

Nên khi ba em bắt đầu phát triển nông nghiệp hữu cơ thì em cũng sợ tại vì nông nghiệp là phải có nước, còn môi trường chung quanh thì rất ổn. không bị ô nhiễm không khí, không bị ô nhiễm nguồn nước, không bị ô nhiễm vô cơ.

Trải qua những giai đoạn gian nan như vỡ đất, làm cỏ, tiêu tưới, ủ phân rồi ươm hạt, cuối cùng sức người thắng đất đá, những mảng rau xanh bắt đầu vươn lên trên vùng khô cằn sỏi đá:

 

rau-sach_400.jpg
Trang trại rau sach Phú Yên của gia đình Cô Huỳnh Ngọc Châu. Courtesy photo.

 

Phải thuê máy cắt cỏ chứ cỏ nhiều quá làm không nỗi, rồi một đội nhân công đi nhặt những hòn sỏi nhỏ như đầu ngón tay để mình có được đất canh tác. Mình không sử sụng thuốc diệt cỏ để tránh ô nhiễm, sau đó thì bắt đầu ủ phân. Quá trình ủ phân thì em học của các kỹ sư Nhật Bản, họ ủ bằng đường với cơm nguội như mình cấy men sửa chua vậy đó. Khi bón rau thì rau có mùi vị rất đặc biệt.

Vùng đó là vùng khô hạn nên em phát triển nhiều nhất là các loại rau thơm như hành, ngò, húng lủi, húng quế. Hạt giống em sử dụng là hạt giống truyền thống chứ không sử dụng hạt giống lai hay hạt hạt giống biến đổi gene để đảm bảo cho cái yêu cầu nông nghiệp hữu cơ là không để ô nhiễm.

Giữa các luống rau thì ba em trồng các khóm hoa vạn thọ, khi bướm thấy hoa thì nó sẽ đậu lên hoa nó đẻ trứng chứ không đậu lên rau để đẻ trứng. Khi trứng sâu bắt đầu nở ra thì mình đồng loạt nhổ hết hoa vạn thọ lên đem ủ phân rồi trồng lứa vạn thọ mới, cũng là lúc mình nhổ rau của mình lên luôn.

Đó là cách phòng trừ sâu bệnh mà thiệt ra thì vẫn bị sâu bệnh, nó nằm trong mức độ từ 10 tới 30% là mình kiểm soát được, nhưng cũng có những lúc nó rộ quá do thời tiết, tại vì năm đầu canh tác mình chưa nắm bắt được ví dụ mùa nào, tháng nào trồng cây nào thì ít sâu bệnh, nên làm sai một cái thì nguyên cả vườn bị sâu tấn công trong một đêm mình trở tay không kịp.

Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học

Để đối phó với sâu bệnh, gia đình Ngọc Châu sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, dùng nước rất đắng nấu từ quả bồ hòn rồi hòa chung với nước cốt gừng, nước cốt tỏi và nước cốt ớt:

Pha loãng ra và 9 giờ tối bắt đầu rọi đèn đi phun. Khi ánh nắng không còn nữa thì bắt đầu sâu bò lên ăn, lúc đó thì mình phun một loạt, mình khống chế được sâu bằng dung dịch bồ hòn, gừng, ớt. Thực ra làm nông nghiệp theo hướng tự nhiên mình phải chấp nhận từ 10 tới 30% là sống chung hài hòa với sâu bệnh, mình cho nó ăn cỡ nhiêu đó, còn lại là phần mình thu về.

Đến mùa hạn cao điểm năm 2015, từ tháng Tư tới tháng Bảy mà nắng hanh hao gay gắt, bao nhiêu hạt giống gieo xuống đều bị khô cháy không lên nỗi, đó là giai đoạn khó khăn nhất mà Ngọc Châu phải vượt qua:

Nó cháy sạch sẽ không còn gì, lúc đó mới thật sự là căng thẳng chứ còn những vụ tứ cuối 2014 đầu 2015 là xôm tụ lắm, dưa leo em trồng ra to như chai nước suối, bí đỏ em trồng ra to hơn cái nồi cơm size lớn luôn. Nhưng mùa nắng khô hạn 2015 thì mới bắt đầu vào giai đoạn thê thảm vì căn bản nó là vùng đồi khô cằn rồi. Ba em phải cho xây những hồ chứa để có nước tưới một ngày 3 lần. Lúc đó phải đi vay tiền để mua những cái lưới giăng lên để ho rau nó mát.

Trang trại rau sach Phú Yên của Huỳnh Ngọc Châu cách Sài Gòn 600 cây số, rau được chở vào đây bằng xe và khi phân phối thì được cột bằng dây lạt và gói trong lá chuối. Những việc này làm mất thời gian nhiều hơn và cần nhiều người làm hơn, nhưng:

Tại vì túi ni lông có hại cho môi trường, dùng túi ni lông em cảm thấy ái ngại với tự nhiên. Dùng túi giấy cũng không hoàn hảo lắm trong việc bảo quản rau. Tới khoảng giữa 2014 em chuyển qua dùng lá chuối.
-Huỳnh Ngọc Châu

Tại vì túi ni lông có hại cho môi trường, dùng túi ni lông em cảm thấy ái ngại với tự nhiên. Dùng túi giấy cũng không hoàn hảo lắm trong việc bảo quản rau. Tới khoảng giữa 2014 em chuyển qua dùng lá chuối. Gói rau bằng lá chuối thì rau của em đi khắp Sài Gòn, đi giữa trời nằng hầu hết vẫn giữ nguyên trạng thái khi mới xuất thùng, rau nhận về từ bến xe như thế nào thì giao tay khách hàng nó vẫn tươi như vậy. Em cột bó rau của mình bằng dây lạc chứ không sử dụng dây ni lông luôn. Túi cho khách hàng xách rau về cũng là túi phân hữu sinh học. Nhưng quả su su thì không thể nào cột bằng lá chuối được, hay củ cà rốt cũng vậy, lúc đó thì em bỏ vô bao giấy rồi dùng băng keo giấy dán lại.

Và cũng như trại Ước Mơ Rau Xanh ở Hóc Môn, những mặt hàng rau sạch của Ngọc Châu từ Phú Yên được đưa lên chào hàng trên mạng.

Chị Vi, một bà nội trợ chuộng rau sạch, cho biết:

Tuy rau không đẹp nhưng mình cảm nhận được là nó không sử dụng hóa chất, không sử dụng thuốc trừ sâu, mình muốn nguồn thực phẩm xanh như vậy cho gia đình. Có những loại rau tính ra mắc gấp đôi nhưng vì sức khỏe cho gia đình thành mình không quan tâm cái đó. Rau hiện tại mua ngoài chợ, mà ngay cả trong siêu thị, thì mình thấy chất lượng không bảo đảm.

Chị Hiệp, cũng là cư dân Sài Gòn, nói rằng rau xanh trồng theo kiểu tự nhiên ở vườn, giữ tươi bằng cách gói vào lá chuối cũng cho người tiêu thụ cảm giác an tâm hơn:

Rau hữu cơ nó không búng ra sữa như rau mua ngoài chợ đâu, nó không bao giờ cao quá một gang tay đâu mặc dù thời gian thu hoạch cũng cả tháng. Mình thấy mình khá an tâm, nhìn nó không đẹp, không mượt nhưng bọn mình rất thích ăn rau ở chỗ đấy. Thà mua thế vẫn yên tâm hơn là mua rau ở chỗ khác.

Đối với anh Tùng, canh tác rau xanh, rau sạch là mô hình cần được nhân rộng, dù đắt hơn một tí nhưng có thể chấp nhận được khi nghĩ đến công lao trồng trọt chăm sóc của nhà vườn:

Người tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay rất mong muốn được sử dụng rau sạch. Thực chất có những gia đình ở thanh phố phải tự trồng rau được chút nào hay chút đó. Ở Việt Nam hiện nay nói chung người tiêu dùng rất băn khoăn và lo lắng về tình hình thực phẩm sạch và thực phẩm bẩn, trong đó rau xanh là một trong những ăn chính hàng ngày.

Với Huỳnh Ngọc Châu, mơ ước của cô là chia sẻ kiến thức và tầm nhìn trên mạng cũng như với bạn hàng vốn là những người cũng có sự quan tâm như cô:

Mọi người vẫn gọi của hàng rau của em là cửa hàng Ngọc Châu Huỳnh, nhưng em đặt tên cho nó là Tôn Vinh Nông Sản Việt. Ai hỏi là em chỉ hết, mục đích của em là em muốn lưu và giữ giống và trang trại của em thì em mong nó sẽ lưu lại những giống chuẩn của Việt Nam mình mà mình sắp bị mất trước tình trạng giống lai tràn ngập thị trường bây giờ.

Có những giống rau bản địa mà nếu không giữ thì một thời gian nữa mình sẽ bị những giống rau khác tràn qua, nông dân của mình sẽ phụ thuộc vào hạt giống nước ngoài. Muốn canh tác phải đi mua hạt giống của người ta mà người ta tăng giá lên thì mình bị động, mình đâm ra lệ thuộc về thực phẩm, Khi mình đã lệ thuộc về thực phẩm rồi thì mình không còn tự do nữa.

Và em cũng muốn khách hàng của em hiểu được khi mà đã phát triển nông nghiệp tự nhiên mình phải đi theo con đường bền vững và bảo vệ tự nhiên một cách bền vững.

Đó là câu chuyện về rau xanh và người canh tác Huỳnh Ngọc Châu với trại rau của gia đình ở dốc Bà Ền, xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Thanh Trúc sẽ trở lại cùng quí vị thứ Năm tuần tới.

Liên lạc góp ý với Thanh Trúc : [email protected]

 

Link to comment
Share on other sites

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
Reply to this topic...

×   Pasted as rich text.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

 Share


×
×
  • Create New...