Jump to content

VNTB- Nữ quyền, cuộc đấu tranh không phải của riêng ai


xứ việt
 Share

Recommended Posts

Phương Thảo
 
(VNTB) - Còn biết bao nhiêu người phụ nữ làm các ngành nghề khác cũng phải luôn bị ép đi tiếp khác theo lệnh của cấp trên? Còn bao nhiêu người phụ nữ khác phải làm các công việc mua vui cho đàn ông ở các nhà hàng, quán nước, karaoke? Còn bao nhiêu trẻ em gái đang là nạn nhân của nạn lạm dụng tinh dục từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội?
 
co-gai-b_VJUS.jpg
    Nữ giáo viên bị điều động tiếp rượu 
 
Nếu người đi tiếp khách theo sự điều động của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh không phải là giáo viên thì chuyện có ồn ào lên không? Có lẽ là không. Nếu việc tiếp khách này không trùng lặp ngẫu nhiên với ngày Nhà Giáo Việt Nam thì dư luận có lên đồng nhiều đến vậy không? Câu trả lời có lẽ cũng là không bởi việc cho nữ nhân viên trẻ, ưu nhìn đi tiếp khách đã là chuyện thường tình ở những cơ quan nhà nước như ông Bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đã thừa nhận “Ở đây không chỉ là một trường hợp của thị xã Hồng Lĩnh. Mà trong thực tế có nhiều nơi, cán bộ địa phương cũng vì vui vẻ thôi nhưng đôi khi làm ảnh hưởng đến uy tín nhà giáo.”
 
Khái niệm tiếp khách có nhân viên nữ tiếp chuyện và ăn uống cùng với khách mời có lẽ chỉ có ở Việt nam. Việc này có thể bắt nguồn từ văn hoá phong kiến khi vua chúa ngự yến thì phải có mỹ nữ hầu rượu và có người múa hát mua vui. Gốc rễ văn hoá phong kiến này được duy trì cho tới nay dù rằng đám quan chức ngày nay không một ai sống ngày nào trong cung vua phủ chúa từ khi chế độ phong kiến đã bị xoá bỏ trên 70 năm nay.
 
Dư luận bức xúc vì hình ảnh nhà giáo bị hoen ố thì nhiều nhưng bức xúc vì nhân phẩm phụ nữ bị chà đạp và đem ra làm trò vui cho đám quan chức ngày nay thì lại không thấy mấy ai bày tỏ. Hội đoàn quốc doanh – Hội Liên hiệp Phụ Nữ hay Ban Tiến Bộ vì Giới của bộ GD và ĐT – ngay cả tổ chức Dân sự xã hội – Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt nam – vẫn không có động thái gì để phản đối hành vi có tính xúc phạm nhân phẩm phụ nữ của lãnh đạo tỉnh Hồng Lĩnh kể cả tổ chức Công đoàn của cơ quan nơi 21 cô giáo đang công tác cũng im thin thít. Trong khi đó mũi dùi dư luận lại chĩa vào Bộ Giáo Dục vì hình ảnh người thầy bị xúc phạm và những phát ngôn được cho là ngô nghê của ông bộ trưởng.
 
 
Không ai ép được
 
Câu nói làm cho không biết bao nhiêu người nổi giận là khi ông Nhạ – Bộ trưởng Bộ GD-ĐT – phát biểu trên báo VietNamNet ngày 14/11/2016 rằng “ Nếu thầy cô không phát huy được bản lĩnh, phẩm chất của mình lúc đó lại đổ lỗi cho người khác thì phải tự xem xét lại chính mình, khi thấy không đúng phải kiến nghị. Nếu lãnh đạo địa phương cứ ép, mình phải kiến nghị chứ mình thực hiện là vi phạm”.
 
Thật ra ông Nhạ không sai. Nếu như cả 21 cô giáo đồng tâm không đồng ý và chỉ dứt khoát đi về sau khi buổi lễ chính thức bế mạc thì đã không có chuyện xảy ra. Còn khi đã đi cùng ăn, cùng hát karaoke thì kèm theo sẽ có uống bia và ép nhau uống, khi đã uống và ép nhau uống thì sẽ có đụng chạm, sờ mó. Đó là chuyện không ai không biết vì quan địa phương cũng chỉ “ muốn vui vẻ thôi”.
 
Có nhiều ý kiến cho rằng vì các cô giáo đã phải mất tiền để có chân làm việc và sợ mất việc nên phải nhắm mắt đi cùng mua vui cho quan huyện, quan thị xã. Vậy nếu như để giữ được việc làm, nếu yêu cầu phải phạm pháp như trộm cắp, buôn lậu, giết người... thì cũng phải nhắm mắt tuân thủ hay sao?
 
Nếu nói rằng từ chối sẽ bị gặp khó khăn, khó khăn đó sẽ là gì? Bị cấp trên đì, cho vào sổ đen, thậm chí là mất việc đi chăng nữa nhưng là nếu người có lòng tự trọng sẽ sẵn sàng chấp nhận mất tất cả mà không để mất đi nhân cách. Nếu bản thân mình không muốn, không ai có thể bắt mình phải làm được.
 
 
Mơ hồ trong nhận thức
 
Nhận thức bình đẳng về giới trong một một xã hội Á đông có nền tảng nho giáo vẫn chưa có được sự tiến bộ cần thiết. Khi có quan khách, người tặng hoa phải là nữ giới và đồng thời phải là người ưa nhìn. Khi có tiệc tùng chiêu đãi thì nữ giới vẫn phải làm việc mua vui cho nam giới, phải biết uống, biết nói chuyện khéo léo thì lúc đó mới có thể thăng tiến trong công việc. Khi có tiệc chiêu đãi khách từ địa phương, trung ương hay quốc tế thì phải có văn nghệ, múa hát.
 
Hãy nhìn lại vẻ mặt sượng sùng của ông Obama hồi tháng 5 khi được một loạt các cô diễn viên múa bao quanh với áo yếm hở hang được cho là trang phục truyền thống và người nước ngoài gọi đó là cultural porn – văn hoá khiêu dâm. Nhiều người Việt đã nổi giận và cho rằng đó là nét văn hoá truyền thống, rồi còn viện dẫn trang phục múa của các nền văn hoá khác còn hở hang hơn, nhưng thật sự đó chỉ là nguỵ biện. Các nước khác họ như vậy, không có nghĩa Việt nam cũng phải đi thụt lùi lại. Trong các tiệc chiêu đãi phương tây không có kèm múa hát đông người mà một vài ca sỹ nổi tiếng trình bày cũng chỉ một hai bản nhạc gọi là góp vui. Còn tiếp tân cho buổi tiệc đã có các nhân viên tiếp tân chuyên nghiệp đảm trách.
 
13237741_10154065745617420_6643045119832270890_n.jpg

 
Khi có nữ giới tham gia ăn nhậu, hát hò việc đụng chạm, sờ mó được cho là vui vẻ bình thường, nhưng ngay cả bản thân nữ giới cũng không nhận thức được rằng họ đang bị quấy rối tình dục và những vị nam giới cũng không mảy may nghĩ rằng họ đang phạm vào hành quấy rối tình dục. Các cô giáo ở thị xã Hồng lĩnh có thể tố cáo những hành vi quấy rối tình dục này, nhưng có lẽ sẽ chẳng có ai dám làm vì sợ xấu hổ và có thể còn bị bắt phải im lặng. Những vị nam giới tham gia tiệc và hát Karaoke lại sẽ nghĩ rằng có chút xíu mà làm gì cho lớn.
 
Thật ra đó là chuyện lớn khi mà nhân phẩm của phụ nữ không được tôn trọng, sự bình đẳng về giới còn bị xem nhẹ.
 
Chuyện trầm trọng
 
Vì xem nhẹ chuyện bình đẳng giới nên chỉ cần ban cho phụ nữ Việt nam hai ngày trong năm ngày 8/3 và 20/10 là đã đủ để tôn vinh phụ nữ và làm cho họ mãn nguyện rồi. Bản thân phụ nữ cũng lấy làm vui sướng khi được tặng hoa, tặng quà trong hai ngày này còn lại 363 ngày trong năm họ lại phải làm cái công việc hi sinh tất cả bản thân kể cả việc chấp nhận được coi là công dân hạng hai hay bị quấy rối tình dục một cách vô thức.
 
Chính vì gốc rễ văn hoá phong kiến còn ăn sâu trong não bộ của không ít người dù họ không một ngày sống dưới chế độ phong kiến mà họ sẽ cho rằng việc bảo vệ nhân phẩm phụ nữ bắt dầu từ chuyện nhỏ như chống lại quấy rối tình dục chỉ là chuyện vớ vẩn. Vì tư tưởng lạc hậu mới có quan ở thị xã Hồng Lĩnh cho rằng đi tiếp khách là sự vinh dự, là nhiệm vụ chính trị.
 
Còn biết bao nhiêu người phụ nữ làm các ngành nghề khác cũng phải luôn bị ép đi tiếp khác theo lệnh của cấp trên? Còn bao nhiêu người phụ nữ khác phải làm các công việc mua vui cho đàn ông ở các nhà hàng, quán nước, karaoke? Còn bao nhiêu trẻ em gái đang là nạn nhân của nạn lạm dụng tinh dục từ trong gia đình ra đến ngoài xã hội? Họ không phải là giáo viên bị điều đi làm việc trái chức năng để công luận có cơ hội lên cơn thịnh nộ tập thể buộc ông bộ trưởng bộ GD và ĐT phải lên tiếng và trả lời chất vấn trước quốc hội, ai sẽ bảo vệ họ và ai sẽ hướng dẫn cho họ tự bảo vệ mình?
 
Chuyện có vẻ vớ vẩn, nhưng đó là chuyện trầm trọng khi mà nhân phẩm và nữ quyền còn chưa được coi trọng đúng mức. Điều quan trọng hơn hết là chính phụ nữ phải tự trân trọng mình và biết làm sao để quyền lợi của chính nữ giới được tôn trọng. Cuộc đấu tranh cho nữ quyền không phải là dễ dàng nhưng cũng không phải là cuộc đấu tranh của riêng ai.  

 

(ijavn.org)

Link to comment
Share on other sites

Guest
Reply to this topic...

×   Pasted as rich text.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

 Share


×
×
  • Create New...