Jump to content

Thủ tướng Nhật : Nhân vật ‘‘ôn hòa’’ tại một châu Á ngả theo dân túy


xứ việt
 Share

Recommended Posts

Trọng ThànhĐăng ngày 26-12-2016 Sửa đổi ngày 26-12-2016 17:04
media
Ông Shinzo Abe là thủ tướng Nhật đầu tiên viếng thăm đài tưởng niệm Arizona ở Pearl Harbor (Trân Trâu Cảng). Trong ảnh, chiến hạm USS Abraham Lincoln tới đài tưởng niệm.Wikipedia

Chuyến viếng thăm ngày 27/12/2016 của thủ tướng Nhật tới Trân Châu Cảng (Pearl Harbor), Hawaii, để tưởng niệm các nạn nhân của quân đội Nhật trong cuộc tấn công vào căn cứ Mỹ năm 1941, khiến chiến tranh bùng nổ tại Thái Bình Dương, được báo chí Pháp đặc biệt chú ý. Nhân dịp này, báo Libération có bài phân tích về cách hành xử thực dụng của chính trị gia Shinzo Abe, một nhân vật theo chủ thuyết dân tộc chủ nghĩa « ôn hòa », tác giả của « nhiều sáng kiến ngoại giao nhằm kìm chế một nước Trung Quốc đang giương oai giễu võ ».

Bài « Nhật Bản : Abe, sáu gương mặt của một chính trị gia real politik (thực dụng) » mở đầu với nhận xét đầy hình ảnh : ông Abe là « một vận động viên chạy đường dài. Điều này có thể giúp ông trụ lại được cho đến Thế vận hội Tokyo 2020 (…). Cách nay bốn năm, đã không có ai đặt cược trên vận may của ông Abe… Vào thời điểm đó, chính trường Nhật Bản vừa chứng kiến 6 thủ tướng phải ra đi, chỉ trong gần 6 năm. Và không gì cho phép thắng lợi vang dội của lãnh đạo đảng Tự Do Dân Chủ sẽ làm thay đổi tình thế tại một đất nước, đang choáng váng bởi thảm nạn hạt nhân – động đất – sóng thần ngày 11/03/2011 ».

Libération điểm lại giai đoạn ông Abe nắm quyền những năm 2006-2007 với đầy các bê bối, thế nhưng mười năm sau, thủ tướng Shinzo Abe lại ở vào thế thượng phong, với tỉ lệ được lòng dân đến 60%. Libération nêu bật một nghịch lý là : chính trị gia vốn thuộc cánh hữu cứng rắn, người muốn xét lại bản Hiến pháp chủ hòa của Nhật đang « tỏ ra gần như là một người ôn hòa, chừng mực, trong một khu vực châu Á, mà ngày càng nhiều người tin theo các lãnh đạo dân túy, những nhà độc tài ».

Chuyến đi gây ngạc nhiên

Libération nhận xét : chuyến công du chính thức đầu tiên của một thủ tướng Nhật Bản tới Trân Châu Cảng « gây ngạc nhiên », bởi nó ngược với bản tính của một chính trị gia « vốn không ưa các hành động sám hối, với bên cạnh là các trợ thủ không chấp nhận ‘‘quan điểm lịch sử tự làm đau mình’’ về quá khứ quân phiệt Nhật ».

 

Cho dù, việc xin lỗi về các hành vi quá khứ của nước Nhật quân phiệt không nằm trong nội dung buổi lễ, nhưng việc tổ chức cuộc lễ tượng niệm các nạn nhân là một hành động nhằm ít nhất hai mục đích ngoại giao. Thứ nhất là tỏ tình bạn với Hoa Kỳ, sáu tháng sau chuyến công du lịch sử của tổng thống Obama tại Hiroshima. Và thứ hai là tỏ rõ thái độ đoạn tuyệt của nước Nhật đối với « quá khứ quân phiệt những năm 1930 », « cho dù một chuyến đi Nam Kinh/Nanjing, Trung Quốc (nơi quân đội Nhật là thủ phạm vụ thảm sát năm 1937) sẽ có thể có tác động mạnh hơn », theo nhà sử học Robert Dujarric, Viện nghiên cứu châu Á, đại học Temple (Tokyo).

Libération nhấn mạnh đến dự án cải cách Hiến pháp của ông Abe để nước Nhật có được « một bản Hiến pháp tự trị » của « một quốc gia bình thường », một cuộc cải cách không hề dễ dàng, bởi quan điểm của đảng cầm quyền chưa được sự ủng hộ của đảng đồng minh Komeito.

Giành về cho nước Nhật quyền tổ chức Thế vận hội 2020 là một nỗ lực khác của thủ tướng Nhật được Libération phân tích, như một hành động mà Shinzo Abe đã làm theo gương của người ông, thủ tướng trong những năm 1960 (ông Nobusuku Kishi – vốn bị tù ba năm vì tội ác chiến tranh), với Thế vận hội Tokyo 1964. Bằng việc tổ chức Thế vận hội, ông Abe muốn làm cho người dân quên đi thảm họa Fukushima, và cộng đồng quốc tế thấy rằng nước Nhật không hẳn đã là suy thoái, trước một Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng.

Một điểm khác trong chiến lược hành động của thủ tướng Nhật được Libération ghi nhận là chính sách ngoại giao mà ông Abe đã lèo lái, trong bối cảnh căng thẳng chủ quyền biển với Trung Quốc gia tăng. Shinzo Abe đã từng thất bại cay đắng trong các mặc cả hồi 2012 với tổng thống Nga Putin về quần đảo Kuril, mà Nhật Bản coi là vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng.

Nhưng cũng ngay từ đó, người đứng đầu chính phủ Nhật đã kiên trì các nỗ lực ngoại giao tại châu Á và trên thế giới, để tìm kiếm đồng minh, nhằm đối phó với Trung Quốc. Theo nhà nghiên cứu Nadège Rolland, giám đốc nghiên cứu chính trị và an ninh thuộc trung tâm tư vấn National Bureau of Asian Research, có trụ sở tại Washington, Tokyo đã thi hành « một chính sách ngoại giao tinh tế, không hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ ». Nhật Bản đã có được một quan hệ tin cậy với Ấn Độ, chìa tay với Miến Điện, đang cần một chỗ dựa để phát triển kinh tế, và liên tục có các tư vấn và hỗ trợ đối với Việt Nam và Philippines, cũng như xiết chặt quan hệ với Úc.

Vẫn theo nhà nghiên cứu Pháp Robert Dujarric, thực ra ông Shizo Abe không hẳn đã là một chính trị gia có tầm cỡ như cựu thủ tướng Koizumi, từng lãnh đạo nước Nhật giữa những năm 2000, tuy nhiên sở dĩ ông tại vị được lâu là vì trong chính trường Nhật hiện nay không còn ai có thể là đối thủ của ông.

Trẻ em : Trung tâm thông điệp của giáo hoàng

Trang nhất nhật báo La Croix hôm nay dành cho ước vọng của Giáo hoàng Phanxicô, với tựa đề « Trẻ em là tâm điểm thông điệp của giáo hoàng ». Trong thông điệp dịp Giáng Sinh tối thứ Bảy, lãnh đạo Công Giáo đặc biệt hướng đến « những em nhỏ bị tước mất niềm vui của trẻ nhỏ do bị đói, bị chiến tranh và những sự ích kỷ của người lớn ».

Cũng La Croix giới thiệu bộ phim tài liệu « Pepites » về một hiệp hội, mang tên « Vì nụ cười cho trẻ em » (Pour un sourire d’enfant – PSE), hoạt động tại Cam Bốt do cặp vợ chồng Công Giáo Christian và Marie-France des Pallière sáng lập. Hiệp hội được thành lập từ năm 1996 đã bền bỉ hỗ trợ để hơn 6.300 em nhỏ nhà nghèo Cam Bốt được đi học.

Một trong những ví dụ thành công của hiệp hội là Dany. Vào 14 tuổi, em đã được « Vì nụ cười cho trẻ em » trả tiền chuộc cho chủ, để chấm dứt kiếp làm thuê. Được đi học, em đã tốt nghiệp phổ thông và có bằng đào tạo về thương mại. « Vì nụ cười của trẻ em » không chỉ giúp trẻ em được đến trường, mà còn là là trường học với « các phương pháp tiên tiến » (theo nhận xét của bác sĩ Michel Sabban), do chính hai nhà sáng lập soạn thảo, mà các học sinh gọi họ là « papy », « mamy » (tạm dịch là « nội » hay « ngoại » - một cách gọi trìu mến của dân Nam).

Vantha Tho, một cựu học sinh của « Vì nụ cười cho trẻ em », được hiệp hội đài thọ toàn bộ chi phí học tập, và sắp trở thành bác sĩ phẫu thuật đầu tiên được đào tạo Phnom Penh (vẫn theo bác sĩ Michel Sabban).

Cũng hiệp hội « Vì nụ cười cho trẻ em », dịp Noel năm nay, tiếp tục là nơi tổ chức bữa ăn Giáng Sinh cho trẻ em không phân biệt tôn giáo.

« Noel đen tối với người Thiên Chúa Giáo Phương Đông » là hàng tựa trang nhất của báo Le Figaro. Người Thiên Chúa Giáo tại Trung Đông đang tiếp tục rời bỏ khu vực bị chiến tranh tàn phá, đặc biệt Irak và Syria. Nếu như cách nay một thế kỷ, trước chiến tranh thế giới thứ nhất, cộng đồng Thiên Chúa Giáo chiếm đến 20% dân số, thì nay sau bao nhiêu cuộc truy bức, họ chỉ còn lại từ 2 đến 3%.

Le Figaro điểm lại những giai đoạn tăm tối trong thế kỷ vừa qua, đối với cộng đồng Thiên Chúa Giáo tại Trung Đông, đặc biệt là các cuộc thảm sát người Armenia và Assyrria năm 1915, do chính quyền đế chế Ottoman chủ trương.

Pháp ra luật cấm cha mẹ đánh con

Trở lại với thời sự hiện tại, dịp Noel có một tin vui với trẻ em Pháp, đó là quyết định của Quốc Hội Pháp ngày 22/12, cấm cha mẹ đánh con. « Cha mẹ không còn được phép phét đít con » là tựa của báo La Croix.

Theo thống kê của IFOP-Le Figaro, 70% người Pháp phản đối đánh đòn. Theo chủ tịch Liên đoàn quốc gia về bảo vệ các bà mẹ và trẻ nhỏ, quyết định nói trên là « một bước tiến », trong bối cảnh vẫn còn nhiều người cho rằng « thỉnh thoảng đánh đòn một chút không có gì xấu ».

Tuy nhiên, nhà phân tâm học Claude Halmos – vốn là « một nhà tranh đấu chống lại tình trạng ngược đãi (trẻ em) » - phản đối luật vừa được thông qua, vì cho rằng « hệ thống pháp lý hiện nay đã đủ để cho phép phạt các cha mẹ ngược đãi con ». Theo bà cần phân biệt giữa « các cha mẹ ngược đãi con (…) với các cha mẹ lambda, thỉnh thoảng đánh con nhưng không gây nguy hiểm cho chúng, và chính họ cũng rất thường xuyên hối hận sau đó ».

Nhà tâm thần học nhi khoa Daniel Marchelli chỉ ra : trẻ bị chấn thương tâm lý, ảnh hưởng đến lòng tự trọng, dù chỉ bị đòn nhẹ, « đứa trẻ bị hạ nhục lớn lên cũng sẽ có thói quen hạ nhục những người yếu đuối hơn mình ». Ông nhấn mạnh, « cần củng cố các phương tiện giúp đỡ các cha mẹ, ý thức được về quyền uy và vấn đề sức khỏe tâm lý », chỉ « tước đi cây gậy » là không đủ, mà cần giúp cho các cha mẹ những phương pháp hiệu quả mà « không cần gậy ».

Cuộc đọ sức chưa từng có giữa hai tổng thống Mỹ

Về thời sự quốc tế, báo Le Figaro đặc biệt chú ý đến quan hệ căng thẳng giữa chính quyền Mỹ mãn nhiệm của ông Obama và tổng thống tân cử Donald Trump, với bài « Cuộc cờ giữa tổng thông tân cử và người mãn nhiệm ». Le Figaro ghi nhận một không khí chưa từng có trong đời sống chính trị Mỹ, khi « hai tổng thống đối đầu nhau », trong lúc truyền thống Mỹ vẫn tôn trọng nguyên tắc chỉ có một tổng thống trong một giai đoạn.

Sự kiện đầu tiên mà tờ báo dẫn ra là thông điệp trên tweet dài 140 ký tự của tổng thống tân cử Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ sẽ « tăng cường đáng kể và mở rộng khả năng hạt nhân của Mỹ ». Thông báo được đưa ra ngay sau khi tổng thống Nga tuyên bố « tăng cường sức mạnh tấn công hạt nhân, có khả năng chọc thủng mọi hệ thống lá chắn ». Thông điệp của ông Trump khiến giới chuyên gia về hạt nhân phải ngạc nhiên, bởi điều này hoàn toàn đi ngược lại với chính sách của Obama, kể từ năm 2009, hướng đến một thế giới phi vũ khí hạt nhân, mà ông vừa tái khẳng định trong chuyến công du Hiroshima hồi tháng 5/2016.

Các nhà quan sát đặt câu hỏi, không biết lý do gì mà ông Trump lại đưa ra một quyết định như vậy, chỉ nhằm đến phản ứng lại tuyên bố cứng rắn của tổng thống Nga, hay còn vì những lý do gì khác.

Le Figaro cũng dẫn ra một loạt các phản ứng khác của ông Trump, như thông điệp twitter khẳng định Hoa Kỳ chống lại mọi nghị quyết về Israel tại Hội đồng Bản an, với việc Hội Đồng Bảo An xem xét và thông qua nghị quyết yêu cầu Israel ngưng mọi hoạt động xây dựng các khu định cư mới trên vùng đất của người Palestine. Theo các nhà quan sát, đây là lần đầu tiên một tổng thống tân cử Mỹ có thái độ chống lại quyết định của chính quyền đương nhiệm như vậy.

Ngược lại, trong lĩnh vực môi trường tổng thống Obama đã ra một quyết định gây bất ngờ, cấm thăm dò dầu khí tại nhiều khu vực rộng lớn ở Bắc Băng Dương và Đại Tây Dương, hành động được cho là gây khó khăn cho chính quyền kế nhiệm, có quan điểm ủng hộ năng lượng hóa thạch.

Ưu tiên của Putin : Cải thiện quan hệ với chính quyền Trump

« Tổng thống Nga muốn áp đặt quyền lực trên trường quốc tế trong năm 2017 » là một chủ đề chính trong mục Thế giới của báo Les Echos. Tờ báo tóm lại chính sách sắp tới của Nga, đó là xử lý cuộc khủng hoảng Syria với các đồng minh và có quan hệ tốt với chính quyền Trump.

Trong một cuộc trả lời họp báo hôm thứ Sáu tuần trước, trả lời câu hỏi của nhà báo, nếu Donald Trump mời, thì ông có đi không ? Tổng thống Nga Putin hào hứng : « Tất nhiên ! ». Lời tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh ông Putin đang ở đỉnh cao của thành công quân sự tại Syria, sau chiến thắng Aleppo, và trong nước được đến 80% cử tri ủng hộ.

Về mặt cụ thể, ông Putin chưa đưa ra một nội dung rõ ràng nào thêm trong các hợp tác với chính quyền Trump, ngoài việc nhấn mạnh đến lĩnh vực căn bản là « các vấn đề an ninh song phương và quốc tế ».

Mục tiêu của tổng thống Nga trong năm 2017, theo Les Echos, là chấm dứt chiến tranh tại Syria. Ông Putin đã loan báo một hội nghị hòa bình về Syria tại Kazakhtan giữa tháng tới, giữa Damas và đối lập, với ba nước Nga, Iran và Thổ. Matxcơva « cũng hứa hẹn sẽ mời cả Ả Rập Xê Út, và để ngỏ cảnh cửa cho ‘‘các đối tác toàn cầu như Hoa Kỳ’’, nhưng không nhắc đến châu Âu ». Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu vừa qua, châu Âu gần như hoàn toàn vắng mặt trong các phát biểu của ông Putin.

Sau vụ Berlin, Đức xét lại chính sách chống khủng bố

Về diễn tiến hậu khủng bố tại Đức, vẫn Les Echos có « Berlin loan báo các biện pháp chính trị tiếp theo ». Les Echos ghi nhận, nước Đức vẫn ở trong tình trạng bị sốc sau vụ khủng bố chưa từng thấy này. Áp lực trong nước rất lớn, chính quyền Đức rất thận trọng về các phản ứng tiếp theo. Thủ tướng Đức yêu cầu lãnh đạo các cơ quan Nội Vụ, Tư Pháp, phân tích kỹ lưỡng trường hợp « Anis Amri » (thủ phạm vụ khủng bố, người Tunisia, vừa bị bắn hạ tại Ý).

Câu hỏi đặt ra là : nhân vật cho dù được an ninh Đức đánh giá là « rất nguy hiểm » đã được phép cư trú tại Đức từ giữa năm 2015. Theo bộ trưởng Nội Vụ Đức, đối với 190 nhân vật có tiềm năng khủng bố và đang xin tị nạn, như Anis Amri, hiện vẫn được tự do, hoặc chỉ bị theo dõi một phần, Berlin sẽ có chính sách bắt giữ tạm thời, trước khi trục xuất.

Hai địa phương, nơi Anis Amri từng được chấp nhận, là Nordrhein-Westfalen và Berlin, hiện đang đổ lỗi cho nhau. Việc Anis Amri bị lọt lưới cho thấy những giới hạn của mô hình quản lý an ninh liên bang, mà chính quyền Đức đang phải tìm cách khắc phục.

(RFI)

Link to comment
Share on other sites

Guest
Reply to this topic...

×   Pasted as rich text.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

 Share


×
×
  • Create New...