Jump to content

Bài học rút ra từ Clip nói chuyện của Thiếu Tướng Trương Gia Long


xứ việt
 Share

Recommended Posts

Đây là bài viết nhằm đúc kết những bài học rút ra từ clip nói chuyện của thiếu tướng Trương Giang Long, để chúng ta thấy được những gì “ý tại ngôn ngọai”, vượt lên trên cả những gì chứa đựng trong nội dung cũng như bối cảnh của một lớp đào tạo mang tính định hướng tuyên truyền.
 
Video: Tiết lộ động trời của Thiếu tướng Công an Cộng sản Trương Giang Long về những bức xúc của Việt Nam hiện nay
 
 
CẦN HIỂU BIẾT VỀ MỸ HƠN NỮA.
 
Qua bài nói chuyện của thiếu tướng Trương Giang Long có thể thấy rằng một thực trạng tồn tại hiện nay tại Việt Nam là chưa hiểu Mỹ và có sự đánh giá không chính xác về Mỹ .
 
Trong một bình luận với VOA về clip bài nói chuyện của tướng Long, giáo sư Ngô Vĩnh Long ở đại học Maine cho rằng: khi có đa số giới chức Việt Nam có hiểu biết không chính xác về Mỹ sẽ dẫn đến những tính toán và quyết định sai lầm về mặt chính sách chung của Việt Nam. Ông nói việc “không đánh giá đúng” đã và sẽ làm đất nước “mất các cơ hội”, cũng như lâm vào “nhưng khó khăn kinh khủng mà bây giờ vẫn chưa giải quyết được”.
 
Thời điểm bài nói chuyện của tướng Long là trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm 2016. Việt Nam đã đặt quá nhiều vào cửa Clinton nên khi Trump thắng cử đã trở nên lúng túng và bị động. Việt Nam đã quá tự tin sau chuyến thăm của ông Obama nên cho rằng “Mỹ rất cần Việt Nam trong chính sách xoay trục về Châu Á”. Thực tế ai cần ai hơn là điều mà Việt Nam cần phải xác định rõ trong tương quan tư thế của mình với Mỹ. Nếu so với Nhật Bản đã vội vã thu xếp ngay cuộc gặp giữa thủ tướng Shinzo Abe và ông Trump tại văn phòng riêng của ông Trump ở New York mà không theo nghi lễ ngoại giao đã cho thấy tư duy và đối sách của một cường quốc khu vực như Nhật “cần Mỹ” ra sao, hoặc cú “nối dây” lịch sử thành công về mặt chính trị và chiến lược của tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn với Trump, mới thấy rằng sự hiểu Mỹ và chuẩn bị kỹ càng các phương án, tình huống của Việt Nam với các thay đổi trong chính trường Mỹ là kém rất xa.
 
Chính sự không hiểu hết về Mỹ, những phán đoán, đánh giá không đúng thậm chí sai lầm về Mỹ cùng sự kiêu ngạo của “bên thắng cuộc” khiến Việt Nam phải trả giá đắt trong lịch sử, khi bỏ qua cơ hội bình thường hóa quan hệ với Mỹ ngay từ những năm cuối thập kỷ 1970s.
 
Cũng theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, việc không hiểu Mỹ có phần là do cán bộ của Việt Nam ít người sang học ở Mỹ, chẳng biết Mỹ là gì. Họ chỉ biết Mỹ qua báo chí, thành ra thường có đánh giá rất sai.
Đây là một thực tế tồn tại nếu nhìn vào bộ máy đang lãnh đạo Việt Nam, số người đã từng đi học hay được đào tạo ở Mỹ đếm không quá 10 đầu ngón tay.
 
Việc đi học ở Mỹ, hấp thu nền giáo dục đào tạo của Mỹ và có thời gian sinh sống trong lòng nước Mỹ mới chính là nền tảng cho sự hiểu biết về nước Mỹ cũng như chính trị Mỹ. Lấy một ví dụ để so sánh, các tổng thống Đài Loan như: Lý Đăng Huy, Mã Anh Cửu, Thái Anh Văn đều từng theo học tại các trường đại học Mỹ.
 
Một phần nếu không nói là cái chính yếu của thực trạng này là do tư duy ý thức hệ khác biệt giữa 2 quốc gia, sự giáo dục tuyên truyền về dã tâm đế quốc của Mỹ cũng như quá khứ chiến tranh đã hạn chế sự tiếp cận giáo dục Mỹ của người dân Việt Nam nói chung, lãnh đạo chính quyền nói riêng.
 
Sau 42 năm kết thúc chiến tranh và 21 năm bình thường hóa quan hệ, sự khác biệt này đang dần được thu hẹp và giải tỏa. Thế hệ trẻ trưởng thành sau thời kỳ Bill Clinton ký quyết định bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ đang trở thành những nhân tố mới và không ít người trong họ đã và đang theo học các trường đại học Mỹ. Đây chính là hy vọng tương lai về sự hiểu biết về Mỹ cũng như cầu nối cho quan hệ Việt - Mỹ sau này.
 
Đối với nhà cầm quyền có đủ khả năng, điều kiện và tư cách chính danh mà còn ít hiểu biết về Mỹ như thế thì phe “dân chủ” không danh phận hiểu Mỹ được mấy phần? Bao nhiêu thành phần trong phe “dân chủ” từng đi du học Mỹ, hiểu về chính trị Mỹ và có mối quan hệ hay liên hệ với các cá nhân, tổ chức có thể tác động vào chính sách Mỹ?
 
Phe “dân chủ” có đủ khả năng và nhận diện để nâng tầm mình lên là một đối tác của chính quyền Mỹ hay chỉ được Mỹ xem là những quân cờ tùy nghi sử dụng để gây sức ép với nhà cầm quyền? Sự ngộ nhận về tư cách này chính là yếu huyệt mà phe “dân chủ” bao lâu nay không thấy hoặc cố tình lờ đi không thấy, dẫn đến việc dựa hơi vào Mỹ và mong chờ Mỹ bế ẵm họ lên đặt vào chỗ một khi có thời cơ đến. Phần được viết dưới đây chỉ ra cho thấy một cách rõ ràng hơn về vấn đề này.
 
DÂN CHỦ DỄ THỞ HAY BÓP NGHẸT TÙY THUỘC VÀO CHÍNH SÁCH CỦA WASHINGTON.
 
Lâu nay, phe “dân chủ” hay cho là nhà cầm quyền bắt bớ những người biểu tình “chống Trung Quốc” và quy kết yếu tố Trung Quốc là nguyên nhân gây nên việc bóp nghẹt dân chủ, nhưng thực tế hoàn toàn khác: dân chủ dễ thở hay bóp nghẹt không phải ở Bắc Kinh mà là ở các chính sách của Washington.
 
Trong bài nói chuyện của tướng Long đã rất rõ ràng :” các vấn đề tôn giáo, sắc tộc , dân chủ , nhân quyền là những “điểm nóng” mà Mỹ luôn luôn sử dụng như một công cụ phương tiện để mà gây sức ép, là cái ngòi nổ xung kích gây ra cái điểm nóng chống lại chúng ta”. Rõ ràng là phe gọi là “dân chủ” chỉ là một công cụ phương tiện trong việc thực thi các chính sách của Washington đối với Hà Nội. Và sự dễ thở hay bóp nghẹt dân chủ cũng xuất phát từ đây.
 
Phe “dân chủ” đang chưa và sẽ chưa bao giờ là một đối tác ngang hàng đáng tin cậy của Mỹ cả, nói thế để thấy rằng không nên ảo tưởng vào sức mạnh không có thực và một vị thế vô danh vô phận của mình.
 
Giờ đây, với việc cam kết tôn trọng thể chế chính trị hiện hành của Việt Nam, trong điều kiện mới, Washington đã thay đổi chính sách. Đó chính là bối cảnh ông Tô Lâm lúc đó đang là thứ trưởng bộ công an đã có những lời “nhắn nhủ” với ngài tân đại sứ Ted Osius “ ngài đừng đi theo vết xe đổ của những người tiền nhiệm”.
 
Một cách cụ thể rõ ràng hơn chính sách của Washington đã thay đổi ra sao, chúng ta hãy lấy lời của ngài đại sứ Ted Osius: “chúng tôi đặc biệt quan tâm chú ý đến cái việc tạo điều kiện cho tuổi trẻ hai nước Việt Nam và Mỹ gắn kết với nhau, quan hệ với nhau, cho phép mở rộng để có rất nhiều thanh niên VN sang Mỹ du học tại các trường đại học của Mỹ. Và mong muốn chân thành của chúng tôi là những cái gì mà mấy chục năm nay nước Mỹ không làm được ở trên đất nước này thì con cháu của các ngài, thế hệ trẻ VN trong tương lai nó sẽ giúp nước Mỹ thực hiện được giấc mơ của người Mỹ.”
 
Phe “dân chủ”, đặc biệt là giới trẻ và những ai có ý định dấn thân vào con đường “dân chủ” này cần phải có tầm nhìn để nhận ra một sự chuyển biến lớn về chính sách của Mỹ. Đây cũng chính là cơ hội và thách thức mà giới trẻ, giới dân chủ cần tranh thủ và đối mặt.
 
Một sự minh chứng hùng hồn nhất cho việc này chính là chuyến thăm của tổng thống Obama vào tháng 05/2016 và cuộc nói chuyện với giới trẻ Việt Nam của ông Obama tại Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam này. Chuyến viếng thăm là một phép thử lòng “hướng Mỹ” của người dân Việt Nam và cuộc nói chuyện với giới trẻ của ông Obama chính là thông điệp mà Washington gửi tới thế hệ tương lai, và hy vọng họ chính là tác nhân thúc đẩy dân chủ tại Việt Nam như lời ông đại sứ Ted Osius đã nói với ông Tô Lâm ở trên.
 
Trong cuộc gặp gỡ đó giữa ông Obama và giới trẻ Việt Nam, tôi đặc biệt lưu tâm đến một nhân vật là Đỗ Nguyễn Mai Khôi. Là một ứng cử viên tự do ngoài đảng tham gia tranh cử đại biểu quốc hội năm 2016 dù sớm bị loại, thuộc thế hệ trẻ trưởng thành sau khi quan hệ Việt – Mỹ được bình thường hóa, hòa chung nhịp sinh hoạt chính trị vốn bắt đầu manh nha những hạt mầm dân chủ, Đỗ Nguyễn Mai Khôi chính là hình ảnh tiêu biểu cho diện mạo dân chủ Việt Nam trong tương lai và phù hợp với tiêu chí chính sách của Mỹ. Phe dân chủ và giới trẻ có dự định bước chân vào con đường này đã có thể thấy được một hình mẫu cho mình.
 
NHÂN TỐ VIỆT TRONG CƠ CẤU QUYỀN LỰC MỸ.
 
Trong bài nói chuyện, tướng Long có đề cập đến một chi tiết là bà trợ lý của đoàn viên chức bộ ngoại giao Mỹ là một người gốc Việt, suốt trong quá trình làm việc với nhau, bà ta hoàn toàn sử dụng tiếng Anh nhưng khi kết thúc lại nói một câu tiếng Việt: “ tôi chỉ có một nghĩa vụ duy nhất là phụng sự nước Mỹ” . Ý này đã thể hiện một mong muốn cũng chính là mong muốn chung của đảng: mong những người gốc Việt có chân trong chính phủ Mỹ có được sự đóng góp tốt nhất trên vị trí , vai trò công tác của họ để đóng góp xây dựng mối quan hệ Việt – Mỹ.
 
Người Việt có mặt khắp thế giới nhưng nhiều nhất vẫn là ở Mỹ. Đến nay người Mỹ gốc Việt đã có tham gia vào trong cơ cấu quyền lực của Mỹ ở nhiều cấp độ khác nhau. Với sự giao lưu mở rộng của quan hệ Việt – Mỹ và sự thù địch, khác biệt về ý thức hệ ngày càng bớt đi, nhân tố Việt trong chính quyền Mỹ có thể đóng góp vai trò cho quan hệ Việt – Mỹ cũng như góp phần thúc đẩy dân chủ trong nước .
 
Bộ trưởng giao thông trong chính quyền Mỹ của thời tổng thống Trump là bà Elaine Chao ( có tên tiếng Trung là Triệu Tiểu Lan) là một người Mỹ gốc Đài Loan, bà từng là bộ trưởng lao động dưới thời chính quyền tổng thống Bush, được cho là một trong số các nhân vật thuộc “phái thân Đài” bên cạnh Trump. Theo một số nhà phân tích, việc kết nối thành công cuộc điện đàm Donald Trump – Thái Anh Văn nhiều khả năng có sự giúp sức của bà này, ngoài ra trong 4 năm sắp tới với cương vị bộ trưởng trong nội các, có thể nhiều chính sách của Mỹ có lợi cho Đài Loan được thúc đẩy thông qua mà trong đó không thể không có việc tác động của Chao. Đây là trường hợp “nhân tố Đài trong cơ cấu quyền lực Mỹ “ và chúng ta có thể lấy trường hợp này làm minh chứng cho ví dụ về nhân tố Việt trong cơ cấu quyền lực Mỹ.
 
Tôi từng đọc những dòng tự sự đầy cảm xúc của Anh Phạm, phiên dịch viên chính thức cho ông Obama trong chuyến viếng thăm đến Việt Nam. Anh Phạm là người Mỹ gốc Việt đỏ ( trong khi đa số người Việt tại Mỹ là người Mỹ gốc Việt vàng), đã tâm sự trên mạng rằng anh rất hạnh phúc và đã làm hết sức trong khả năng có thể trên vị trí công việc để góp phần xây dựng và thúc đẩy mối quan hệ Việt – Mỹ.
 
Người Mỹ gốc Việt có thể tham gia vào cơ cấu quyền lực Mỹ hiện nay bắt đầu ở đời thứ 2 hoặc đời thứ 3 nếu tính sau năm 1975. Ký ức về sự thù địch, về khác biệt màu cờ dần xóa nhòa đi. Sự thay đổi chính sách từ thượng tầng Washington đối với Việt Nam cũng làm cho họ thay đổi nhận thức và phương châm hành động, thay vì chống cộng như trước . Cùng với sự phát triển trong mối quan hệ song phương Việt – Mỹ, đất nước Việt Nam rất cần họ làm cầu nối, vì chính họ, với cương vị là người trong cơ cấu quyền lực Mỹ, sẽ nắm rõ chính sách và đón đầu chính sách, thúc đẩy các chính sách của Mỹ có lợi cho Việt Nam trong đó có vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, góp phần cùng chính phủ Mỹ thúc đẩy tiến trình dân chủ ở Việt Nam.
 
Xin mời quý vị xem Video : Trước Hội nghị TW5: Vì sao Tổng BT Nguyễn Phú Trọng gọi điện cảm ơn Trịnh Xuân Thanh?
 

                 

 
Để kết thúc bài này, tôi xin dùng ý của tướng Long nói trong clip : “Đại hội XII, Đảng ta mới bừng tỉnh, mới ghi vào trong nghị quyết của mình là: mọi chủ trương đường lối đối ngoại của chúng ta đều phải lấy lợi ích dân tộc làm trọng và đều phải xuất phát từ lợi ích dân tộc.” Chúng ta nên thấy được rằng sự chuyển biến trong nhận thức và tư tưởng theo chiều hướng này là xu thế tất yếu khách quan không thể đảo ngược. Trên quan điểm phi đảng tính, phi ý thức hệ ( phi đảng, phi cộng) và dưới cái nhìn quốc gia dân tộc hướng về tương lai để thấy được những cơ hội và thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt, để giúp Việt Nam tận dụng tốt nhất những cơ hội từ thế giới, mà chủ yếu là Mỹ, nhất là đối với phe "dân chủ".
 
Hồ Đông Thụy
 
(FB Hồ Đông Thụy)
Link to comment
Share on other sites

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
Reply to this topic...

×   Pasted as rich text.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

 Share


×
×
  • Create New...