Jump to content

Chỉ là phản cảm thôi, hay còn vi hiến và phạm pháp?


Recommended Posts

Luật sư Lê Công Định

Báo Tuổi Trẻ ngày hôm qua đưa tin rằng theo điều tra riêng mà báo này thực hiện, gần đây hàng chục phạm nhân thụ án tại trại giam Z30A (còn gọi là trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai) đã được đưa đi “lao động” ngay tại công trình xây biệt thự của đại tá Hồ Phi Thắng, giám thị trại giam, nằm trên mặt tiền đường Hồ Thị Hương nối dài (khu phố 2, phường Xuân Hòa, thị xã Long Khánh, Đồng Nai).

Phóng viên của báo đã đến gặp và hỏi đại tá Hồ Phi Thắng, ông thừa nhận việc đưa phạm nhân đi ra làm phụ hồ ở căn biệt thự của mình là ... phản cảm. “Anh em thấy tôi sắp về hưu nên đưa phạm nhân ra phụ giúp,” theo lời ông Thắng. Một lãnh đạo của Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII - Bộ Công an) khi được hỏi cũng bảo rằng điều đó là sai nguyên tắc và phản cảm.

13932249-1112821502097325-903680051-o-1-
Ngoài thợ hồ còn có phạm nhân trong trang phục sọc trắng - xanh cùng xây dựng nhà đại tá Thắng - Ảnh: Đ.TR., Tuổi Trẻ

Sự việc trên thật ra là chuyện thường ngày ở tất cả các trại giam trên đất nước này. Không chỉ cán bộ cấp giám thị, mà mọi cán bộ có chức vụ trong trại giam, đều luôn trục lợi từ nguồn lao động không công của các tù nhân. Sự trục lợi đó vẫn luôn diễn ra, chứ không chỉ chờ đến lúc sắp nghỉ hưu mới tranh thủ.
Từ ngày đầu bước chân vào tù cho đến ngày cuối cùng bị giam cầm, tôi đều phải chứng kiến tình trạng cưỡng bức lao động trên thân xác của tù nhân. Nó đương nhiên đến nỗi từ tù nhân đến cán bộ quản giáo đều luôn miệng bảo nhau: "Nước sông, công tù!" Nước múc từ sông có tốn xu nào đâu mà dại gì không mang về dùng? Công tù có khác gì nước sông?

Tù nhân không chỉ bị cưỡng bức phục vụ cho trại giam và cán bộ quản giáo, từ việc nhỏ nhất như giặt quần áo, rửa xe máy, v.v... mà còn bị cưỡng bức làm việc cho các doanh nghiệp bên ngoài để mang lại thu nhập cho ngân sách của trại giam. Đạp điều (tức bóc tách vỏ hạt điều) chẳng hạn là một trong các ví dụ về công việc khổ sai mà tù nhân phải lao động để tồn tại trong địa ngục trần gian, mà trông đợi ngày về. Tôi nghe nói, đa số sản phẩm từ hạt điều bán trên thị trường trong nước đều ít nhiều dính dáng đến mồ hôi và nước mắt của tù nhân Việt Nam.

Lao động không công của tù nhân mang lại lợi ích kinh tế to lớn như thế cũng chính là lý do vì sao nhiều năm trước kế hoạch chuyển giao chức năng quản lý trại giam từ Bộ Công an sang Bộ Tư pháp để tuân theo chuẩn mực quốc tế đã từng được mang ra bàn thảo, nhưng thất bại. Bởi lẽ làm sao Bộ Công an có thể chấp nhận vuột mất miếng ăn bổ béo này vào tay bộ khác?

Xét về phương diện pháp lý, lao động tù là hình thức bị nghiêm cấm và lên án theo luật pháp các nước trên thế giới, sau lao động trẻ em. Phạt lao động công ích tuy được chấp nhận, nhưng bị giới hạn trong một số trường hợp và phạm vi cụ thể do luật pháp quy định rõ ràng. Hành vi cưỡng bức lao động tù cũng bị luật pháp của Việt Nam nghiêm cấm và trừng trị.

Khoản 3 Điều 35 của Hiến pháp 2013 quy định như sau: "Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động [...]."

Khoản 1 Điều 283 của Bộ luật Hình sự về "Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" quy định như sau: "Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm."

Các khoản 2, 3, 4 và 5 của Điều 283 quy định thêm về tình tiết tăng nặng của tội phạm này và hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ có liên quan trong một số trường hợp cụ thể.

Quy định của Hiến pháp và Bộ luật Hình sự rõ ràng như vậy, nhưng hàng chục năm nay (từ khi có thể chế cộng sản ở nước này) tình trạng "nước sông công tù" vẫn ngang nhiên tồn tại một cách nghiễm nhiên. Bây giờ báo chí đặt thành vấn đề, họ cũng chỉ xem đấy là "phản cảm" hoặc cùng lắm là "sai nguyên tắc" mà thôi. Nói cách khác, chưa bao giờ các quan chức công an ý thức được đó là hành vi bị Hiến pháp nghiêm cấm và luật pháp trừng trị, nói chi đến việc biết tôn trọng nhân quyền và nhân phẩm của tù nhân.

(Dân Luận)

Link to comment
Share on other sites

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
Reply to this topic...

×   Pasted as rich text.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

 Share


×
×
  • Create New...