Jump to content

John Feffer - Đêm giữa ban ngày trên bán đảo Triều Tiên


xứ việt
 Share

Recommended Posts

Binh lính Hàn Quốc đang tuần tra dọc theo hàng rào Paju gần Khu vực phi quân sự (DMZ) phân chia hai miền Triều Tiên, ảnh chụp ngày 19 tháng 12 năm 2011 (Yonhap/AFP/Getty Images)
 
Binh lính Hàn Quốc đang tuần tra dọc theo hàng rào Paju gần Khu vực phi quân sự (DMZ) phân chia hai miền Triều Tiên, ảnh chụp ngày 19 tháng 12 năm 2011 (Yonhap/AFP/Getty Images)
 
Khi mà thế giới đang tập trung vào cuộc chiến ở Syria, cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu, và bầu cử Tổng thống ở Mỹ, hai miền Triều Tiên đang hướng đến nguy cơ gây thêm một thảm họa ở vùng Viễn Đông.
 
Trong suốt 8 năm, những diễn biến trong quan hệ của 2 nước trên bán đảo Triều Tiên ngày càng xấu đi, nhưng chỉ trong vòng 6 tháng qua, tình hình chưa bao giờ trở nên nguy hiểm như hiện nay. Gần đây, Bắc Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 4 và triển khai thêm vụ phóng vệ tinh sử dụng tên lửa tầm xa. Động thái này đã gây ra phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế, họ kêu gọi phải áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa đối với Bình Nhưỡng. Riêng Hàn Quốc vẫn lặp lại tuyên bố của mình rằng, yêu sách của Triều Tiên đòi sở hữu vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận.
 
Nhưng lần này, Hàn Quốc đã đi thêm. Họ đã cắt đứt mối liên kết kinh tế quan trọng cuối cùng đối với Bắc Triều Tiên.
 
Tổ hợp khu công nghiệp Khai Thành là di sản duy nhất còn sót lại của “chính sách ánh dương”. 
Tổ hợp khu công nghiệp Khai Thành (Kaesong  Industrial Complex) là di sản duy nhất còn sót lại của “chính sách ánh dương”, và cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung đã được trao giải Nobel Hòa bình vì những thành công của ông trong việc thực thi chính sách này. Được thành lập vào năm 2004, Tổ hợp khu công nghiệp này kết hợp giữa công nghệ sản xuất của người Hàn Quốc và nguồn lao động giá rẻ của Triều Tiên, họ cùng nhau làm việc trong một khu công nghiệp nằm về phía bắc của khu phi quân sự, thuộc cố đô Khai Thành của vương quốc Cao Ly.
 
Tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã quyết định đóng cửa tổ hợp khu công nghiệp Khai Thành. Bắc Triều Tiên thì trục xuất các nhân viên Hàn Quốc và tịch thu toàn bộ tài sản tại khu công nghiệp này. Đồng thời, Bắc Triều Tiên cũng cắt đường dây nóng thông tin liên lạc kết nối giữa 2 nước. Theo cách này, lần hợp tác cuối cùng của hai phía là cùng nhau dập tắt tia sáng cuối cùng của vầng ánh dương.
 
Ban đầu, Bộ Thống nhất Hàn Quốc tuyên bố rằng những ngân khoản ở tổ hợp khu công nghiệp Khai Thành đang bị sử dụng vào việc phát triển các vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa của Bắc Triều Tiên. Sau đó Bộ Thống nhất đã thu hồi lời tuyên bố này, và thừa nhận rằng chính phủ Hàn Quốc không có bằng chứng nào để khẳng định việc này. Tuy nhiên, điều đó vẫn không thể ngăn chặn Tổng thống Park Geun-hye lặp lại lời tuyên bố tương tự vào ngày hôm sau.
 
Mối quan hệ vốn không tốt đẹp trên bán đảo Triều Tiên đã có một ảnh hưởng nhất định đến các quốc gia khác trong khu vực Châu Á. Bắc Triều Tiên đã công bố rằng, để đáp lại những biện pháp trừng phạt mới của Tokyo, quốc gia này sẽ giải tán ủy ban đặc biệt nhằm điều tra vấn đề các công dân Nhật Bản bị bắt cóc vào thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước. Cả Trung Quốc và Nga đang lo ngại rằng Hàn Quốc sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mới để cương quyết đáp trả mọi động thái khiêu khích từ Bắc Triều Tiên. Và Mỹ đã điều 4 máy bay chiến đấu tàng hình F-22 tới Hàn Quốc. Ngoài ra, một tàu sân bay đã được tăng cường để tham gia trong những cuộc tập trận hải quân chung sắp tới giữa 2 nước này.
 
Bốn máy bay chiến đấu tàng hình F-22 bay trên căn cứ không quân Osan tại Pyeongtaek, Hàn Quốc, ngày 17 tháng 2, 2016. (Jeon Heon-kyun/Getty Images)
 
Bốn máy bay chiến đấu tàng hình F-22 bay trên căn cứ không quân Osan tại Pyeongtaek, Hàn Quốc, ngày 17 tháng 2, 2016. (Jeon Heon-kyun/Getty Images)
 
Nhưng việc đóng cửa tổ hợp khu công nghiệp Khai Thành đã tạo ra một tình huống rất đáng lo ngại. Khai Thành là ví dụ xác thực duy nhất về sự hòa hợp giữa 2 miền Triều Tiên: một hình mẫu cho 2 nước luôn có quan điểm bất đồng này có thể dần dần làm việc cùng nhau như thế nào để hướng tới một mục tiêu chung. Khai Thành đã tồn tại hơn một thập kỷ bất chấp các vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên và sự bảo thủ hữu khuynh của Hàn Quốc. Nó tượng trưng cho chiến thắng của chủ nghĩa thực dụng vượt trên cả những luận điệu tuyên truyền.
 
Tổng thống Park Geun-hye đã đi ngược lại với “chính sách xây dựng lòng tin” của bà trong vấn đề Bắc Triều Tiên. “Hiện nay, chúng ta cần phải tìm một giải pháp cơ bản để thay đổi Bắc Triều Tiên một cách có hiệu quả hơn, và đây là thời gian mà chúng ta phải chứng tỏ sự can đảm của mình”, bà vừa phát biểu trong tuần vừa qua. Giọng điệu của bà nghe giống như là thúc giục toàn dân Hàn Quốc hãy sẵn sàng chiến đấu.
 
Những người lạc quan luôn luôn nói rằng trời lúc nào mà chẳng đen kịt trước lúc bình minh ló dạng. Nhưng chúng ta đã qua buổi bình minh trên bán đảo Triều Tiên từ lâu rồi. Chúng ta đang hướng về buổi chiều u ám, bầu trời dường như đang dần trở nên tối hơn, tối dần hơn. Liệu tất cả các bên liên quan có thể làm được điều gì đó nhằm đẩy lùi sự khuất dạng của ánh dương?
 
Tầm quan trọng của tổ hợp khu công nghiệp Khai Thành
 
Vào năm ngoái, ở thời kỳ đỉnh cao của nó, khu công nghiệp Khai Thành sử dụng hơn 50.000 công nhân Bắc Triều Tiên và hơn 800 nhà quản lý thuộc 124 công ty của Hàn Quốc. Kết quả là, năm 2015 là một năm rất tốt đối với khu công nghiệp này. Đây là lần đầu tiên việc sản xuất của khu công nghiệp này vượt ngưỡng 500 triệu USD kể từ khi nó được xây dựng và đi vào hoạt động cách đây hơn một thập kỷ. Nó sản xuất rất nhiều giày, áo khoác, và các sản phẩm điện, rất nhiều mặt hàng trong số đó được bán tại Hàn Quốc.
 
Công nhân Bắc Triều Tiên, chủ yếu là phụ nữ, một tháng kiếm được khoảng 150 – 160 USD. Nhưng chính phủ Bắc Triều Tiên lấy đi khoảng 70-80% trên tổng số lương đó. Vì vậy, rất nhiều người thuộc giới quan sát bên ngoài kết luận rằng nơi đây là một khu công nghiệp “bóc lột”, thậm chí nó còn bị tố cáo là một nơi xuất khẩu “nô lệ lao động”.
 
Dù mỗi tháng chỉ còn lại khoảng 30 – 48 USD, nhưng đối với nền kinh tế èo uột của Bắc Triều Tiên, thì số tiền lương này đã là quá nhiều với một công dân Bắc Triều Tiên. Đó là chưa kể đến những lợi ích khác, chẳng hạn như các bữa ăn trưa và ăn nhẹ mà họ được nhận trong giờ làm việc. Mức lương trung bình của các công nhân làm việc trong một doanh nghiệp nhà nước chỉ khoảng 1 USD/ tháng. Trong khi đó, các điều kiện làm việc tại khu công nghiệp Khai Thành thì tốt hơn rất nhiều so với bất cứ điều gì bạn tìm thấy được trong các nhà máy khác của Bắc Triều Tiên. Mặc dù công nhân Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên thường ăn riêng và họ luôn giữ khoảng cách ở mức tối thiểu, nhưng tổ hợp khu công nghiệp này vẫn cấp một cơ hội chưa từng có cho cả 2 bên để tương tác với nhau theo chiều hướng nhân đạo.
 
Je Son Lee – một người đã trốn khỏi Bắc Triều Tiên, vừa mới đăng tin: “Khi tôi còn sống ở Bắc Bắc Triều Tiên, người ta thường nói: “Nếu bạn có một ai đó trong gia đình đang làm việc cho tổ hợp khu công nghiệp Khai Thành, thì người đó có thể nuôi sống toàn bộ mọi người trong gia đình mình”.
 
Thật không may là cộng đồng quốc tế đã đối xử với khu công nghiệp Khai Thành giống như là một đứa con hoang – được tạo ra từ mối quan hệ liên Triều. Họ đã cấm bất kỳ sản phẩm từ Khai Thành được đưa vào các nước khác thông qua các hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc. Như nội dung dưới đây đã được tôi đăng trong một bài viết vào hồi tháng 9 năm ngoái:
 
Dù có mối quan tâm của công đoàn quốc tế, và dù Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã có hiệu lực từ năm 2012, nhưng những điều đó vẫn không làm tăng thêm bất kỳ lợi ích nào cho khu công nghiệp Khai Thành. Nước Mỹ cùng với Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đã căn cứ vào một văn kiện trong đó quy định sản phẩm nào từ Khai Thành mới đạt đủ điều kiện do Hiệp định Thương mại Tự do đưa ra. Cho đến nay, văn kiện này vẫn ngăn chặn mọi sản phẩm.
 
Thật ra thì, Bắc Triều Tiên cũng không đủ khả năng thu hút đầu tư dự án nước ngoài đáng kể nào vào khu công nghiệp này ngoại trừ Hàn Quốc ra.
 
Và thật là trớ trêu thay, đáng lẽ ra nơi đây mới chính là chỗ mà Mỹ và những người thuộc phe bảo thủ của Hàn Quốc nên xắn tay áo lên mà hỗ trợ. Rõ ràng đây là cách mà chế độ tư bản muốn xâm nhập vào một đất nước đang được nhiều người xem nó như là một trong những thành trì cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản trên thế giới (nhưng tôi lại thích nghĩ về cụm từ chủ nghĩa dân tộc nghiệp đoàn khi nói về Bắc Triều Tiên). Riêng khu công nghiệp này thì không có công đoàn lao động, và phe bảo thủ thì thật là thích thú khi họ nói họ ghét những công đoàn ra sao (nhưng tất nhiên, là họ không khi nào nói xấu những đất nước mà họ muốn những người lao động có khả năng tự tổ chức và gây ra những tác động cụ thể để thay đổi chế độ của quốc gia đó).
 
Và khu công nghiệp này lại là vùng giao thoa, nằm trên một trong những tuyến đường mà Bắc Triều Tiên cần sử dụng khi tiến hành cuộc xâm chiếm Hàn Quốc. Tính đến cuối tuần trước, quân đội Bắc Triều Tiên đã nắm quyền kiểm soát toàn bộ khu vực này. Vậy quyết định đóng cửa tổ hợp khu công nghiệp Khai Thành có đại diện cho một chiến thắng của Seoul và Washington hay chưa?
 
Các xe humvee quân sự đi qua cầu Tongil, một điểm kiểm soát quân sự dẫn vào khu công nghiệp Khai Thành, tại Paju, ngày 11 tháng 2, năm 2016. (Ed Jones/AFP/Getty Images)
 
Các xe humvee quân sự đi qua cầu Tongil, một điểm kiểm soát quân sự dẫn vào khu công nghiệp Khai Thành, tại Paju, ngày 11 tháng 2, năm 2016. (Ed Jones/AFP/Getty Images)
 
Mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên
 
Tại Mỹ, trong những cuộc tranh luận của đảng Dân chủ, khi phóng viên Chuck Todd của kênh truyền hình MSNBC đặt câu hỏi đối với ứng viên Tổng thống Bernie Sanders, yêu cầu ông chọn ra một trong các mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ hiện nay là Nga, là Bắc Triều Tiên hay là Iran, thì Thượng Nghị sỹ Bernie Sanders đã chọn Bắc Triều Tiên.
 
Chẳng có gì lạ khi Bernie Sanders lại trả lời như vậy. Vì xét cho cùng, thì Mỹ vẫn tiếp tục hợp tác với Nga về một số vấn đề, và gần đây Mỹ đã ký kết một thỏa thuận hạt nhân với Iran. Chẳng có ai ở Bình Nhưỡng hoặc Washington D.C sẽ tỏ vẻ khó chịu đối với cách trả lời của ông Bernie Sanders.
 
Thực tế thì câu trả lời đầy đủ của ứng viên Tổng thống Bernie Sanders cũng không tiết lộ được gì nhiều thêm về việc phớt lờ chính sách đối ngoại của ông – một chủ đề bình luận yêu thích của những nhà bác học truyền thông – nhưng thông điệp tiếp cận vào giới chủ lưu của ông Sanders là:
 
Rõ ràng Bắc Triều Tiên là một tình huống rất lạ bởi vì đó giống như là một đất nước đang bị cô lập bởi một số ít các nhà độc tài, hoặc có thể chỉ bởi một người, mà người này có vẻ hơi bị mắc chứng hoang tưởng. Thêm vào đó, người này đang nắm trong tay kho vũ khí hạt nhân.
 
Và, theo quan điểm của tôi, mục tiêu mà chúng ta cần nhắm đến là cần phải làm việc và dựa mạnh vào Trung Quốc để gây áp lực [càng nhiều càng tốt] đối với quốc gia này. Vì Trung Quốc là một trong số ít cường quốc trên thế giới hỗ trợ rất nhiều cho Bắc Triều Tiên. Và tôi nghĩ rằng, chúng ta cần phải làm mọi thứ có thể để gây áp lực lên Trung Quốc. Tôi lo lắng nhiều vì một đất nước bị cô lập, mắc chứng hoang tưởng như vậy nhưng lại sở hữu nhiều quả bom nguyên tử.
 
Ông Bernie Sanders ủng hộ các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Triều Tiên, và ông muốn Mỹ gây áp lực lên Trung Quốc để họ có hành động tương tự. Một lần nữa, điều này đã giúp cho ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ cao. Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật áp đặt lệnh trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên với tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối, 96 phiếu thuận và 0 phiếu chống. Đồng thời, với số phiếu áp đảo 408/2, Hạ viện đã chính thức thông qua gói các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt chống lại Bắc Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân và tên lửa.
 
Nhưng tình huống này lại tạo những vấn đề mới. Vấn đề thứ nhất, nếu sự cô lập là yếu tố làm cho Bắc Triều Tiên tỏ ra có quá nhiều nguy hiểm, vậy tại sao các nước trên thế giới đã áp dụng rất nhiều biện pháp trừng phạt mà vẫn chưa giảm đi được một chút nguy hiểm nào của quốc gia này? Vấn đề thứ hai, trong hơn 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã bất chấp nhiều áp lực [từ các quốc gia khác] và không đối xử mạnh tay với người hàng xóm này, vậy tại sao Trung Quốc phải mất thời gian để thay đổi vị trí mà họ đang có như hiện nay?
 
Bản thân tôi không hài lòng khi biết rằng Bắc Triều Tiên đang sở hữu một chương trình vũ khí hạt nhân. Và tôi tin rằng, Trung Quốc cũng không thể nào hài lòng. Nhưng việc chúng ta phản đối chương trình này cũng không thể một sớm một chiều loại bỏ được các kho vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Ngay cả việc bổ sung thêm các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ cũng sẽ không thể nào thuyết phục được giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng thay đổi nhận thức của họ, hay điều gì hơn cả sự cấm vận kinh tế dành cho Cuba mà đã làm thay đổi hệ thống ở Cuba. Bắc Triều Tiên bị làm cho tin rằng các thế lực thù địch bên ngoài muốn tiêu diệt họ – điều không chỉ đơn thuần là tính hoang tưởng – và vũ khí hạt nhân là thứ duy nhất giúp nước này đảm bảo sự an ninh.
 
Dư luận hoài nghi rằng, cộng đồng quốc tế dù đã cố gắng sử dụng cả 2 biện pháp là cô lập và hợp tác, nhưng đối với Bắc Triều Tiên thì chẳng có cách nào đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, những hoài nghi này thực sự là chưa chính xác. Thật ra thì cộng đồng quốc tế đã dốc cả tâm huyết khi áp dụng biện pháp cô lập Bắc Triều Tiên, nhưng lại nửa vời trong các cam kết. Nếu chỉ nhằm tạo ra một cái gật đầu miễn cưỡng về việc hạn chế vũ khí huỷ diệt hàng loạt, thì các chính trị gia cứ lên án quốc gia này về việc thử hạt nhân và phóng tên lửa.
 
Nhưng ngoài ra, một lần nữa vì lợi ích của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, các nhân vật chủ chốt cần phải trở lại bàn đàm phán với Bắc Triều Tiên để thương lượng về việc đóng băng chương trình hạt nhân khi mà hiện nay kho vũ khí hạt nhân của nước này vẫn còn trong giai đoạn thô sơ. Quan trọng hơn, chúng ta cần phải nhân rộng nhiều hành động hợp tác hơn nữa, chứ không phải là cắt đứt với họ luôn.
 
Chính quyền Bắc Triều Tiên có nhiều cách để tỏ ra nguy hiểm. Nhưng có một điều chắc chắn là: Ngay cả khi nó bị đánh gục, nó vẫn sẽ không chịu gục xuống trong cuộc quyết chiến vào thời điểm được ví như “giữa trưa” hiện nay. Và nếu chúng ta không bắt đầu sử dụng đến công cụ ngôn từ, Đông Á sẽ chìm trong bóng đêm còn sâu thẳm hơn bóng đêm tại nơi mà vốn đã quá nổi tiếng nằm ở phía bắc của khu phi quân sự (DMZ).
 
Tác giả: John Feffer | Dịch giả: Trà Văn Kính
 
 John Feffer – Giám đốc tạp chí Foreign Policy in Focus (FPIF). Bài viết này đã được xuất bản lần đầu trên tạp chí FPIF
 
Quan điểm thể hiện trong bài viết này là những ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Epoch Times.
 
(Việt Đại Kỷ Nguyên)
Link to comment
Share on other sites

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
Reply to this topic...

×   Pasted as rich text.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

 Share


×
×
  • Create New...