Jump to content

Tự do và con người sáng tạo


xứ việt
 Share

Recommended Posts

Xuân Thọ

Tác giả gửi cho Dân Luận

Tuần rồi nhờ Facebook tôi tình cờ tìm được chị của một người bạn gái từ thời thanh niên. Bạn tôi đã qua đời cách đây ít năm vì một căn bệnh hiểm nghèo. Tôi cũng khá ân hận vì biết hơi muộn, nên dù đã cố gắng, không đưa đựợc ban tôi sang Đức chữa trị.

Cả chị và tôi đều mừng vì mấy chục năm nay, kể từ trước khi khi tôi đi khỏi Việt Nam, mới có dịp gặp lại nhau, biết được cuộc sống của nhau. Tôi mừng vì thấy cả gia đình chị hạnh phúc, sung túc, nhất là lại nhìn thấy ảnh mẹ bạn tôi, biết bà vẫn khỏe mạnh. Hồi đó bà quý tôi lắm, chị cũng vậy.

Một lát sau chị đưa niềm vui của chị lên Facebook :“ Cám ơn FB rất nhiều - chúng tôi bạn bè người Nam kẻ Bắc rất ít có dịp gặp nhau , nhờ FB kết nối mà bạn bè con cháu ở khắp nơi trên thế giới vẫn được nhìn thấy nhau, trò chuyện cùng nhau - Thank You so much!“

Không biết có phải chị vui vì gặp lại tôi không, nhưng tôi cũng đáp lại đại ý là; „Em rất mừng gặp lại chị, nhờ có FB…“

Hội ngộ ảo giữa chị và tôi chỉ là chuyện vặt so với rất nhiều câu chuyện có hậu, nhiều điều kỳ diệu đã xảy ra qua Facebook, Twitter hay Google.

Đáng nói là những công cụ tuy thay đổi cuộc sống của nhân loại như vậy lại không phải là những sản phẩm công nghiệp phức tạp như phi thuyền vũ trụ hoặc tầu ngầm hạt nhân, đòi hỏi một nền công nghiệp cực kỳ phát triển. Tất cả các sản phẩm phi vật chất hiện nay chỉ xuất phát từ các ý tưởng của con người. Vì vậy chàng trai Niklas Zenström người Thụy Điển cùng hai chàng trai người Estonia là Ahti Heina, Jaan Tallin, không cần bất cứ nền công nghiệp nào đứng đằng sau, đã phát minh ra hệ thống Skype để cả thế giới nói chuyện với nhau miễn phí qua máy tính(1) . Lẽ ra một người Việt nào đó cũng có thể làm ra Skype hoặc Facebook.

Vậy tại sao các ý tưởng này chỉ đến từ phương tây, mà không đến từ nước Nga, vốn có một lực lương tin học hùng mạnh đủ sức phá cả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tại Sao một cuờng quốc điện tử như Trung Quốc phải copy các ý tưởng của Facebook, của Yahoo để lập ra các máy tìm kiếm và các mạng xã hội nội địa? Riêng việc bắt chước ý tưởng của Facebook để tạo Weibo, bắt chước Google tạo ra Baidu nhằm dùng khép kín trong nhà mình đã là bản án tử hình cho mọi sáng tạo tiềm ẩn trong một dân tộc 1,4 tỷ người với năm ngàn năm văn hiến.

Những ý tưởng đột phá và khai sáng cho nhân loại chỉ nảy sinh từ các xã hội mà ở đó con người có tự do tư tưởng, sức sáng tạo được giải phóng và thông tin không bị ngăn chặn.

Từ năm 1901 đến 2016 có 175 nhà khoa học nhận giải Nobel về hóa học, trong đó 66 người Mỹ, 29 người Đức, 28 người Anh, 38 người của các nước tư bản phương tây 14 người của các nước khác. 2 người Nga, ông Semionov là nhà khoa học Xô-Viết, còn ông Prigogine thì sống ở Bỉ từ bé, một người Trung Hoa duy nhất, nhưng sống tại Mỹ là ông Yuan Lee nằm trong số này(2) . Điều đáng nói là không có nhà khoa học CHCD Đức nào nằm trong số các nhà khoa học Đức. Điểm lại các giải Nobel cho vật lý và y học, sự so sánh này cũng tương ứng.

Sự thật trên cho thấy: các nhà nước toàn trị như Liên Xô hoặc CHDC Đức trước kia, dù có thể dùng sức mạnh của nhà nước để nghiên cứu doping, đẩy nền thể thao lên hàng đầu thế giới, để chạy đua vũ trụ, hoặc như Trung Quốc hiên tại sử dụng tiền thuế của dân để tạo sức mạnh cạnh tranh kinh tế toàn cầu, nhưng lại không thể dùng tiền để tạo ra sự sáng tạo của trí tuệ.

Đầu năm 2004, công ty tôi thắng thầu quốc tế trong dự án xây dựng một hệ thống làm phim hoạt hình bằng tin học tại Hà Nội. Sau vài tuần lắp đặt, các kỹ sư Đức đã bàn giao một hệ thống làm phim hoạt hình khá đồ sộ, có khả năng làm phim 3D với công cụ mô phỏng động tác bằng motion tracking v.v. Vào thời điểm đó, tổ hợp máy tính có cluster server với 30 thành viên (Seat licences) trong một render farm cũng là một giấc mơ cho nhiều xưởng phim hoạt hình châu Âu.

Vì cả năm sau xưởng vẫn không làm được phim nào hay, ngoài những phim hoạt hình thô sơ, động tác cứng nhắc mà ta vẫn thấy chiếu trên TV, ông giám đốc có nhờ tôi tìm cho mấy nghệ sỹ hoạt hình về đào tạo giúp, kinh phí Bộ Văn hóa lo.

Tôi nhờ được ba bạn Đức và Hà Lan, chuyên gia phim hoạt hình tại các kênh WDR, NDR , NOB, sang Việt Nam huấn luyện cho các họa sỹ, đạo diễn và quay phim Việt Nam. Các bạn tôi rất thích sự mến khách và hiếu học của các học viên, rất ưa các món ăn Hà Nội. Ba tuần sau đoàn về Đức, tôi hỏi họ về chất lượng khóa đào tạo.

Trả lời: Các bạn trẻ đó có rất nhiều tài năng và sáng ý, chỉ nói qua là họ hiểu và vẽ rất nhanh. Khiếu thẩm mỹ của các bạn trẻ cũng tốt lắm. Duy chỉ có điều là họ thiếu sáng tạo, không có các ý tưởng độc đáo. Thiếu những cái đó khó làm được phim hoạt hình!

Sau gáo nước lạnh đó của họ vài tháng, xưởng phim có nhờ tôi tìm những hãng phim hoạt hình từ châu Âu đang cần đối tác gia công phim hoạt hình để hãng nhận làm gia công, tức là nhận vẽ động tác và tô màu các nhân vật, phông cảnh. Tôi đã giúp liên hệ với vài hãng phim hoạt hình ở Anh, Đức và Úc. Các hãng này có nhiều kịch bản hay, có nhiều họa sỹ tạo nhân vật rất độc đáo, nhưng họ không có hệ thống hiện đại như hãng phim nhà nước ở Hà Nội. Nếu thuê ở châu Âu thì giá thành rất đắt. Họ chuyển hình ảnh chính qua FTP và hãng phim ở Hà Nội lấy xuống để gia công, tô màu hoặc nhân bản rồi gửi lại cho họ. Một thực tế phũ phàng!

Sau khi ông giám đốc về hưu 2008, tôi không biết thêm gì về số phận của hệ thống làm phim đó nữa. Chỉ biết rằng: Nếu có tự do, sẽ có con người sáng tạo và sẽ có tất cả. Nguợc lại, nếu không có tự do, ngồi trên đống vàng vẫn là thân phận kẻ làm thuê

Nhiều thế hệ thanh niên Việt đã bị thui chột vì xã hội đã kìm hãm sự sáng tạo phát triển từ bé. Đã có không biết bao nhiêu bài báo gây sốc dư luận về các bài văn „Lạ“ bị cho điểm kém của học sinh phổ thông. Khi mỗi tư duy tự do của con người đều bị bóp chết từ trong trứng thì bao giờ xã hội mới có nhân tài? Nhân tài Việt Nam chỉ được tỏa sáng khi sang phương Tây tự do để sinh sống hoặc làm việc.

Chính vì vậy mà báo chí Việt Nam hay tự hào về thành tích của cháu bé Việt kiều A hay của giáo sư Việt kiều B. Những bản tin kiểu này một mặt chỉ rõ sự yếu kém của đất nước, mặt khác lại là sự suy tôn phi lý về giống nòi Việt, một sự liên hệ khá nguy hiểm đến thuyết chủng tộc. Nếu có một phép mầu nào đó mà ngày mai Việt Nam bỗng thành một cường quốc thì tư tưởng đề cao giống nòi Việt kia sẽ thành gánh nặng, vì nó sẽ đẩy chúng ta đến chỗ coi thường những chủng tộc khác như Chăm-Pa, Cao-Miên, Ai-Lào, Chà-Và, Xiêm-La mà đã có thời chúng ta mắc phải.

Nếu ai nói muốn đưa dân tộc lên văn minh hạnh phúc, thì hãy biến Việt Nam thành một xứ sở mà ở đó, mọi chính kiến, mọi tư tưởng đều được phát triển tự do, mọi chủng tộc đều bình đẳng, là mảnh đất cho nhân tài thế giới đổ về lập nghiệp, thay vì cứ để con em chúng ta lần lượt ra đi!

Trở lại câu chuyện của chị gái bạn tôi. Chị là một phụ nữ đẹp nền nã, nhân ái. Chị lớn lên trong một gia đình trí thức theo cách mạng, trung thành với CNXH, được ưu đãi nhiều của chế độ. Nếu nhìn Facebook của chị, ai cũng sẽ nghĩ rằng, chị chỉ còn biết tận hưởng tuổi hưu của mình trong cái vỏ bọc khép kín của tổ ấm. Nhưng trao đổi với tôi, chị cũng rất khó chịu với cuộc sống tù túng, tức giận với những tha hóa cảm nhận được trong xã hội và có phần tỏ ra bế tắc.

Cuộc sống vật chất no đủ đã không thể bù đắp các khát vọng tự do trong tâm hồn!

Xuân Thọ

Tháng 12.2016
-------------------------
(1)https://en.wikipedia.org/wiki/Skype
(2)https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_Nobel_laureates_in_Chemistry

15578589_1468962566455145_2273458308292363560_n.jpg?oh=6a9f5807e359ca5a9e9ef3a81ec54ae3&oe=58E43EA4

 

(Dân Luận)

Link to comment
Share on other sites

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
Reply to this topic...

×   Pasted as rich text.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

 Share


×
×
  • Create New...