Jump to content

xứ việt

Administrators
  • Posts

    39211
  • Joined

  • Last visited

Posts posted by xứ việt

  1. 14h  · 
     
     
    ĐIỀN ĐÔ GIẢM PHÉT (230816)
    Nhiều tin tức dồn dập từ mấy ngày qua cho thấy Trung Cộng đáng được một hỗn danh mới là Điền Đô Giảm Phét. Chẳng do từ Luận ngữ hay Kinh thư gì, mà chỉ là… đồ điên bớt nói phét!
    Chưa đầy ba tháng sau các dự báo đầu tiên, thế giới đã thấy kinh tế Trung Cộng trôi vào nạn giảm phát là hàng hóa dịch vụ đã giảm giá mà bán không chạy. Khi giảm phát xảy ra, kinh tế sẽ suy trầm và thất nghiệp tăng.
    Số thất nghiệp do Cục Thống kê Quốc gia của Bắc Kinh loan báo đã vượt 5%, mà chẳng ai tin. Thất nghiệp trong giới trẻ từ 16-24 tuổi tăng gấp đôi so với 2019, đã quá 21% từ mấy tháng nay. Vậy mà một giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh đưa ra con số rợn mình là 46,5%. Lý do khác biệt là do định nghĩa, mà định nghĩa tại Trung Cộng lại có mức co giãn rất cao!
    Lúc đó, ta nhớ tháng trước, tờ Nhân dân Nhật báo của đảng có lời răn mang tính chỉ đạo: “Tham vọng càng cao thì càng nên đi xuống thực tế!” Diễn giải cho sát thực tế thì sau bốn năm dùi mài kinh sử của đảng, tốt nghiệp đại học xong nên mong làm thợ - và lãnh lương công nhân. Răn bảo chưa đủ, Cục Thống kê cho biết từ nay hết công bố dữ kiện về thất nghiệp của giới trẻ. Đấy cũng là thực tế an toàn nhất cho chiến dịch tuyên truyền của đảng: thông tin bớt trong sáng minh bạch thì xã hội sẽ bớt vấn đề!
    Quốc tế lập tức làm thơ: “transparency” vần với “idiocracy”! Sự thống trị của kẻ ngu dốt mà. Quả là sinh ngữ - ngôn ngữ sống - vì mấy năm trước người ta còn gọi chế độ là… “kleptocracy”, sự thống trị của bọn tham ô! Móc túi hết tiền thì moi óc tìm ra thuật mới để duy trì chế độ.
    Nhưng kinh tế và thị trường lại đểu còn hơn tư bản chủ nghĩa: trái bóng đầu cơ vào địa ốc đã xì làm giới đầu tư lo ngại là các tập đoàn kinh doanh sẽ noi gương Evergrande Hằng Sinh: bỗng dưng hấp hối vì các khoản nợ lên tới 340 tỷ đô la (tính đến ngày 31 Tháng 12, 2022!). Lý do lo sợ là nhiều tập đoàn như Country Garden (Bích Quế Viên) bị lỗ quá nặng nên không thanh toán nổi các khoản nợ đáo hạn. Tuần qua, Bích Quế Viên vo tròn như hòn bi, xin doanh nghiệp nhà nước là ‘China International Capital Corporation’ CICC bước vào cứu giúp với kế hoạch ‘tái cấu trúc’ các khoản nợ. Qua hôm 12 thì chính thức loan báo ngưng giao dịch trái phiếu (giấy nợ) của mình trên các sàn Thượng Hải và Thâm Quyến.
    Em ể mình nên xin miễn tiếp khách.
    Hèn chi, từ vài tháng trước, Bắc Kinh ra lệnh phải giới hạn loại “thông tin tế nhị” cho thị trường. Vì mấy con bệnh lên cơn sốt nặng nên bác sĩ kê toa: “đập hết dụng cụ đo nhiệt độ!” Kể từ đó, giới phân tách kinh doanh và kinh tế của chế độ bị lây bệnh câm. Họ khôn ngoan vì hiểu rằng làm thị trường hoảng hốt là mắc tội hình! Không chỉ mất tiền, mất việc mà mất luôn tự do vì họ được… đi tu chùa huyền. Bọn phản động đáng yêu gọi đó là nhà tù. Cho đơn giản mà rõ nghĩa.
    Nhưng không kịp nữa rồi.
    Thế giới được biết tài sản các công ty cao kỹ (hi-tech) đã mất khoảng ngàn tỷ đô la và trong hai năm qua cả trăm ngàn nhân viên đã bị sa thải. Chế độ cho đảng viên xếp hàng thổi ống đu đủ vào ba loại doanh nghiệp thuộc dạng tiên tiến, là địa ốc, kỹ thuật cao cấp và xe hơi chạy điện. Quả nhiên, được thổi mãi trái bóng đã bể. Hên thì chỉ bị xì: vài trăm công ty ráp chế xe hơi chạy điện đã âm thầm đóng cửa sau khi tưng bừng khai trương.
    Mươi năm về trước, người viết tiên báo mô hình phát triển của Trung Cộng sẽ không bền vững. Vài đứa ché đỏ liếm bùa ăn phải c. của Bắc Kinh (cho chúng bịt mũi chọn c. là gì!) cứ cãi là sai!
    Chúng dốt có truyền thống nên không biết sau Thế Chiến II, Nhật Bản đã tái thiết theo kinh tế thị trường và mau chóng vượt các nước Âu Châu để thành cường quốc kinh tế với đà tăng trưởng mấp mé 10% trong cả chục năm. Truyền thông và trí thức ưu tú của Mỹ liền báo động: Nhật sẽ vượt Mỹ vì tư bản Nhật vào mua tài sản trong thị trường Mỹ như đi chợ. Vài kẻ điên tại Mỹ bèn treo xe hơi Nhật lên đập cho bõ ghét. Sau giai đoạn hốt hoảng đó - cho tới cuối thập niên 1980 – thì mọi sự đã rõ ràng hơn.
    Trung Cộng cũng vậy thôi, mà còn tệ hơn. Chế độ độc tài không cho tìm giải pháp thay thế vì kẻ cầm quyền sợ mất ghế.
    Vì vậy, kết luận tạm ở đây lại đơn giản và dễ nhớ: Bắc Kinh mà loan báo đà tăng trưởng thì ta cứ chia đôi là sát với thực tế kinh tế. Để cho công bằng thì ta nhân đôi số thất nghiệp hay vỡ nợ.
    Fair chứ? Phê chưa?
    May be an image of text that says 'Youth Unemployment Hits High in China Monthly urban unemployment rate of people aged 16 to 24 in China 25% 20% 21.3% 15% 10% 2021 2022 Source: National Bureau of Statistics of China 2023 statista'
     
     
     
    theo dainamaxforum
     
  2. Berlin cảnh cáo Hà Nội về ý định bắt cóc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trên đất Đức

    fb40c972-15d3-4851-abb1-ff4a90fb2088.jpe

    Hình ảnh bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trên báo Đức Taz

     
    Chính phủ Đức đã cảnh báo nhà cầm quyền Việt Nam về hậu quả ngoại giao nghiêm trọng nếu Hà Nội lại thực hiện việc bắt cóc công dân của mình lần thứ hai trong lãnh thổ của Đức, theo nhà báo tự do Hiếu Bá Linh từ thủ đô Berlin.

    Chính phủ Đức có phản ứng như trên sau khi không chấp nhận đề nghị của Chính phủ Việt Nam về việc dẫn độ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), người có nhiều thông tin cho thấy là đã tới Đức sinh sống trong thời gian gần đây.

    Ông Hiếu Bá Linh dẫn nguồn tin từ tờ nhật báo Taz, một trong những tờ báo lớn của Đức, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 08/8:

    “Bộ Ngoại giao Đức được cho là đã cảnh cáo Việt Nam về các hành động bất hợp pháp có thể xảy ra tiếp theo sau khi đơn xin dẫn độ bị từ chối.

    Tờ Taz có dẫn nguyên văn lời của Bộ Ngoại giao: 'Chính phủ Liên bang Đức sẽ không dung thứ cho bất kỳ can thiệp của quốc gia nước ngoài trên lãnh thổ Đức'."

    Trong bài báo dài ba trang ngày 07/8, tờ Taz cho biết bà Nhàn là người có tiếng tăm trên trường quốc tế. Một học viện của Nga đã trao cho bà hai bằng tiến sĩ danh dự còn Chính phủ Nhật đã trao tặng cho bà Huân chương Mặt trời mọc, một trong những huân chương cao quý nhất của Nhật, vào năm 2018. Bà cũng được cho là có quan hệ mật thiết với Israel.

    Người phụ nữ 54 tuổi này đóng vai trò quan trọng trong các thương vụ mua vũ khí từ nhiều quốc gia cho Quân đội Việt Nam, bên cạnh các hoạt động xuất khẩu lao động và dự án xây dựng trong nước của AIC.

    Từ một người được cho là doanh nhân xuất sắc của Việt Nam, được trao tặng nhiều danh hiệu đình đám như Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu nhất, Sao đỏ, Doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu nhất, Thương hiệu quốc gia xuất sắc nhất... bà Nhàn đột nhiên bị xem là tội phạm.

    Cơ quan công an truy nã đặc biệt đối với bà Nhàn, sau đó Tòa án nhân dân Hà Nội xét xử vắng mặt, tuyên bà bản án 30 năm tù về tội danh “đưa hối lộ”  “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.”

    Bà và bảy nhân viên dưới quyền đã trốn ra nước ngoài trước khi bị khởi tố bị can. Theo Taz, bà đã sang Đức được vài tháng và hiện đang sống tại một thành phố lớn.

    Ông Hiếu Bá Linh, người từng làm trưởng ban phát thanh tiếng Việt của Radio Multikulti- đài phát thanh đa ngôn ngữ của bang Berlin trong 14 năm, cho biết có nhiều thông tin chứng minh bà Nhàn đang sống ở Đức cũng như mong muốn của Hà Nội trong việc đưa bà về để chịu tội.

    “Mặc dù Bộ Ngoại giao và các cơ quan an ninh (Đức- PV) đều không trả lời trực tiếp những câu hỏi của tờ báo Taz (về thông tin bà Nhàn đang sống ở Đức- PV) với lý do là vì trên nguyên tắc dữ liệu cá nhân không được phép đưa ra ngoài. Tuy nhiên theo điều tra của phóng viên tờ Taz thì một số cơ quan ở Đức đang bận rộn với vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

    Cụ thể là Việt Nam đã gửi cho Đức đơn yêu cầu dẫn độ bà Nhàn nhưng Sở Tư pháp Liên bang Đức đã bác bỏ đơn này. Sở Tư pháp Liên bang Đức đã xác nhận có đơn xin dẫn độ bà Nhàn từ phía Việt Nam.

    Họ có nói rõ nguyên nhân là kể từ khi mà vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra vào năm 2017, tất cả những đơn xin dẫn độ về Việt Nam đều bị từ chối.”


    Phóng viên RFA gửi email cho Đại sứ quán Đức tại Việt Nam và Bộ Ngoại giao Đức để đề nghị họ bình luận về các thông tin của tờ báo Taz về trường hợp bà Nhàn, tuy nhiên chưa lập tức nhận được câu trả lời.

    Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng chưa phản hồi email của phóng viên hỏi về các thông tin của tờ báo Đức, liên quan đến bà Nhàn.

    Taz - một tờ báo độc lập thuộc về một tổ hợp của hơn 18.000 thành viên đầu tư góp sức cho tự do báo chí, cho biết thêm cơ quan an ninh của Đức đã liên lạc trực tiếp với bà Nhàn và cảnh báo về việc bà này đang bị cơ quan mật vụ Việt Nam truy tìm, ông Hiếu Bá Linh nói.

    Trường hợp bà Nhàn có nhiều điểm tương đồng với cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh, người bị bắt cóc bởi an ninh Việt Nam ngay giữa trung tâm Berlin năm 2017 sau khi Chính phủ Đức từ chối đề nghị dẫn độ.

    Về nguy cơ bà Nhàn bị mật vụ Việt Nam bắt cóc, ông Hiếu Bá Linh nhận định:

    “Không thể nào loại trừ khả năng bà Nhàn bị bắt cóc, mặc dù sau khi bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Việt Nam đã bị một thảm họa ngoại giao tức họ bị Đức trừng phạt ngoại giao ít nhất một năm và sau đó mới bình thường lại.

    Nguy cơ đó là có thật vì thứ nhất theo những thông tin của Taz thì cơ quan mật vụ của Việt Nam biết bà Nhàn đang ở Đức. Thứ hai là cường độ truy tìm bà Nhàn rất gắt gao.”


    Nhà báo Lê Trung Khoa, chủ biên của trang tin Thoibao.de có trụ sở ở Berlin, cho RFA biết sau khi tờ báo trực tuyến bằng tiếng Việt của ông đưa tin về việc bà Nhàn đang sống ở Đức, nhiều tai mắt của Toà Đại sứ Việt Nam ở Berlin tích cực tìm kiếm thông tin về nữ doanh nhân này.

    Ông Lê Trung Khoa đánh giá về nguy cơ bà Nhàn bị bắt cóc là rất lớn. Ông nói:

    “Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là đầu mối rất quan trọng đặc biệt cho những vụ án lớn ở Việt Nam và những vụ buôn bán vũ khí có liên quan đến quan chức cấp cao hàng đầu Việt Nam cho nên Việt Nam sẽ bằng mọi cách để đưa vào Nhàn về Việt Nam. Tầm quan trọng của bà ấy gấp nhiều lần ông Trịnh Xuân Thanh trước đây.”

    Sau khi Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, người chuẩn bị ra toà án di trú Đức xem xét về đơn xin tị nạn chính trị, Đức đã trục xuất hai nhân viên ngoại giao của Toà Đại sứ Việt Nam ở Berlin. Quan hệ đối tác chiến lược của hai quốc gia cũng bị đóng băng và mới được hâm nóng gần đây.

    Tuy nhiên, một vụ bắt cóc thứ hai, ở đây là trường hợp bà Nhàn, sẽ có hậu quả nghiêm trọng hơn, theo nhà báo kỳ cựu Hiếu Bá Linh.

    “Nếu xảy ra một vụ bắt cóc lần thứ hai ở nước Đức, hậu quả nó sẽ lớn hơn nhiều so với hậu quả về ngoại giao mà sáu năm trước đây, sau khi Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Nước Đức đã nhiều lần yêu cầu Việt Nam cam kết không bao giờ tái diễn tình trạng này.

    Lần trước có một cân nhắc là nước Đức sẽ trục xuất ông Đại sứ của Việt Nam chứ không chỉ hai nhân viên ngoại giao. Lần này nếu xảy ra bắt cóc, ví dụ bắt cóc bà Nhàn, chắc chắn Đức sẽ trục xuất Đại sứ Việt Nam tại Đức. Song song đó, quan hệ ngoại giao hai nước sẽ bị đóng băng lại.”


    Dẫn nguồn tin từ công an và các cơ quan tố tụng Việt Nam, báo chí nhà nước viết rằng bà Nhàn bị truy tìm và kết án vắng mặt vì các phi vụ đấu thầu mờ ám trong nhiều dự án lớn ở nhiều địa phương, trong đó có Quảng Ninh - nơi ông Phạm Minh Chính làm Bí thư tỉnh uỷ thời gian đó.

    Tuy nhiên, truyền thông Israel được tờ báo của Đức dẫn lời cho rằng đằng sau lệnh bắt giữ bà Nhàn là cuộc tranh giành quyền lực giữa Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc mua vũ khí, vì bà Nhàn là người môi giới các thương vụ vũ khí quan trọng giữa Việt Nam và Israel.

    Israel đã và đang là một nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Việt Nam, với nhiều loại vũ khí đắt tiền như máy bay không người lái (drone), hệ thống phòng không, xe tăng hoặc tên lửa.

    Bình luận về liên quan giữa bà Nhàn với quân đội Việt Nam và sự bảo vệ chu đáo của chính quyền Đức, nhà báo Hiếu Bá Linh nói:

    “Các cơ quan an ninh của Đức có thể nói là - hiện nay không chỉ cảnh báo bà Nhàn không thôi, mà còn có những biện pháp bảo vệ bà Nhàn. Từ đó có những phỏng đoán hoạt động của bà Nhàn dính dáng đến tình báo, có nắm được những bí mật của phía Việt Nam, thành thử ra họ muốn bảo vệ bà Nhàn để khai thác những tin tức đó.”

    Ông cho rằng mật vụ của Việt Nam không còn được tự do hoạt động ở Đức sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vì cơ quan an ninh và cảnh sát Đức đã không còn chủ quan với mối hiểm hoạ đến từ quốc gia độc đảng ở Đông Nam Á.

    Thêm nữa, Đức đã huỷ bỏ Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao với Hà Nội, khiến mật vụ Việt Nam không còn tự do sử dụng hộ chiếu ngoại giao để nhập cảnh vào Đức.

    Tuy nhiên, nhà báo Lê Trung Khoa cho rằng lực lượng mật vụ mà Việt Nam cài cắm ở Đức và các quốc gia thuộc khối Liên minh Châu Âu còn nhiều và khả năng gây mất an ninh của mạng lưới mật vụ Việt Nam vẫn còn lớn.

    RFA
  3. Nguyen-Thi-Thanh-Nhan.jpeg


    Khánh Anh dịch



    (VNTB) – Sáu năm trước, mật vụ Việt Nam đã bắt cóc một quan chức ở Berlin. Bây giờ một phụ nữ phải đối mặt với số phận tương tự.

    Đây là lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh, một vụ bắt cóc công khai diễn ra trên đất Đức do một cơ quan mật vụ nước ngoài thực hiện: mùa hè năm 2017, mật vụ Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, giữa thanh thiên bạch nhật ngay tại Berlin. Vụ bắt cóc diễn ra như phim, và ông ta bị đưa trở về Hà Nội. Trịnh Xuân Thanh hiện đang thụ án tù chung thân ở Việt Nam.


    Vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao đã phản ứng gay gắt, triệu tập đại sứ Việt Nam và trục xuất hai nhà ngoại giao. Nhưng bây giờ có thể lặp lại một vụ tương tự. Vì một lần nữa kẻ đang bị Hà Nội truy lùng đã trốn sang Đức, lần này là một phụ nữ: bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.


    Lịch sử có lặp lại?


    Cho đến gần đây, người phụ nữ 54 tuổi này đóng một vai trò quan trọng ở Việt Nam: Bà nhập hàng hóa mà Việt Nam không nên nhận, chủ yếu là vũ khí. Bà Nhàn là dân ngoại thương, ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt, còn nói thông thạo tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Nhật và một chút tiếng Trung, là Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần Quốc tế Tiến bộ AIC, một công ty Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực ngoại thương, đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài, nhưng cũng đang hoạt động trong các dự án xây dựng trong nước.


    Nguyễn Thị Thanh Nhàn còn được quốc tế kính trọng. Một học viện Nga đã trao cho bà hai bằng tiến sĩ danh dự. Năm 2018, bà cũng vinh dự được chính phủ Nhật Bản trao tặng Huân chương Mặt trời mọc, một trong những huân chương cao quý nhất của Nhật Bản. Bà Nhàn cũng được cho là có quan hệ tuyệt vời với Israel.


    Tuy nhiên, vào tháng 5 năm 2022 đã có lệnh bắt giữ Nguyễn Thị Thanh Nhàn, một số nhân viên của công ty AIC và các quan chức y tế do gian lận và tham nhũng trong đấu thầu xây dựng bệnh viện. Bà Nhàn và bảy nhân viên của bà dường như đã được thông báo trước và đã trốn ra nước ngoài. Kế toán trưởng Đỗ Văn Sơn, đã bị dẫn độ về Việt Nam từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hồi tháng 6 năm 2023 theo một lệnh truy nã của chính phủ Việt Nam thông qua Interpol. Đại sứ quán Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất đã xác nhận với taz về việc dẫn độ này. Hiện ông Sơn đang bị giam giữ tại Việt Nam.


    Được biết, một nhân viên đào tẩu khác hiện sống ở Hoa Kỳ đã bị mật vụ tìm cách dẫn độ ra khỏi Hoa Kỳ nhưng không thành công. Số phận của năm người còn lại không được biết đến. Tuy nhiên, Việt Nam đã kết án tù hững người bị truy nã hồi tháng Giêng. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, sếp AIC, bị kết án 30 năm tù giam vì gian lận và tham nhũng trong thủ tục đấu thầu. Bà Nhàn vẫn còn phải đối mặt với ít nhất một vụ án khác. Tài sản không nhỏ của bà đã bị tịch thu trong đó có một biệt thự bên hồ ở Hà Nội.


    Nhưng: Những lời buộc tội này có thực sự là lý do của vụ đàn áp – hay chỉ là một cái cớ? Sáu tháng trước, taz nhận được một bài báo của những người chỉ trích ẩn danh bộ máy chính quyền ở Hà Nội kể một câu chuyện khác về lý do tại sao người phụ nữ và người của bà lại bị bức hại. Bài báo dài 12 trang kể lại cuộc tranh giành quyền kế nhiệm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đàn ông quyền lực nhất Việt Nam.


    Thủ tướng Phạm Minh Chính, 64 tuổi, được xem là người đang nhắm đến việc kế vị. Nguyễn Thị Thanh Nhàn trốn sang Đức, theo bài báo là người tình lâu năm của ông Chính, cả hai được cho là có với nhau một cô con gái. Ngoài ra, các mối quan hệ thương mại nước ngoài của người phụ nữ là một yếu tố quyền lực quan trọng đối với thủ tướng. Theo tờ báo, các đối thủ cạnh tranh vị trí Tổng Bí Thư của ông Chính đã truy sát bà Nhàn và công ty AIC để làm suy yếu đối thủ.


    Việt Nam ra sức truy tìm tội phạm


    Mặt khác, báo chí Israel nghi ngờ có cuộc tranh giành quyền lực giữa lãnh đạo đảng và thủ tướng về việc mua vũ khí đằng sau lệnh bắt giữ. Israel đã trở thành một nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Việt Nam, và Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã môi giới các thương vụ quan trọng tại đây. Đó là các thoả thuận về máy bay không người lái, hệ thống phòng không, xe tăng hoặc tên lửa. Tuy nhiên, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Công An đầy quyền lực Tô Lâm lại thích mua bán vũ khí với các đối tác truyền thống là Nga và Trung Quốc – cũng bởi vì người của họ làm trung gian và vì Nga là đối tác không thể thiếu để đào tạo Hải quân Việt Nam.


    Hiện Việt Nam đang truy tìm Nguyễn Thị Thanh Nhàn với áp lực cao. “Ai cũng có quyền bắt người bị truy nã và giải ngay đến cơ quan công an, cơ quan công tố hoặc cơ quan có thẩm quyền nơi gần nhất,” truyền thông Việt Nam trích lệnh truy nã từ tháng 5/2022. Tiếp theo là dữ liệu như số hộ chiếu và các dấu hiệu nhận dạng như vết sẹo trên cơ thể. Báo chí gần đây cho rằng bà Nhàn trốn tránh trách nhiệm cá nhân khi bỏ trốn – “do đó phải xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa chung”. Với những lời kêu gọi tương tự vào năm 2016 và 2017, Trịnh Xuân Thanh bị truy nã và sau đó bị bắt cóc cũng đã bị cho là tội phạm. Trong cả hai trường hợp, chính quyền Việt Nam đã biết từ lâu rằng những người họ đang tìm kiếm đang ở nước ngoài.


    Theo thông tin của taz, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã sang Đức được vài tháng và sống tại một thành phố lớn tại đây. Trước đó, bà được cho là đã trốn sang Nhật Bản rồi đến London, nơi con gái bà được cho là đang sống. Mật vụ Việt Nam cũng được cho là biết về việc bà Nhàn ở lại Đức. Đại sứ quán Việt Nam không trả lời các câu hỏi về việc này. Riêng Nguyễn Thị Thanh Nhàn thì không liên lạc được.


    Các nhà chức trách Đức nhận thức rõ về tình huống tế nhị của người phụ nữ 54 tuổi này. Cụ thể, cả Bộ Ngoại giao và cơ quan an ninh đều không muốn bình luận về vụ việc. Về nguyên tắc, dữ liệu cá nhân không được đưa ra ngoài. Tuy nhiên, theo thông tin của taz, một số cơ quan đang quan tâm với vụ án Nguyễn Thị Thanh Nhàn, họ nhận thấy mối đe dọa thực sự.


    Không thể dẫn độ về Việt Nam về nguyên tắc


    Một yêu cầu dẫn độ từ Việt Nam với Đức đã bị Văn phòng Tư pháp Liên bang từ chối. Kể từ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào năm 2017, việc dẫn độ về Việt Nam nói chung đã không thể thực hiện, theo giới chức chính phủ. Và Bộ Ngoại giao được cho là đã cảnh báo Việt Nam về các hành động bất hợp pháp tiếp theo: “Chính phủ liên bang không tha thứ cho bất kỳ sự can thiệp nào của các quốc gia nước ngoài trên lãnh thổ Đức.”


    Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng Việt Nam sẽ tiến hành một vụ bắt cóc khác – bất chấp thảm họa ngoại giao sau vụ Trịnh Xuân Thanh. Điều này được củng cố bởi việc tích cực tìm kiếm người phụ nữ Việt Nam bị truy nã gắt gao nhất. Khả năng bắt cóc lớn vì thực tế là mật vụ Việt Nam gần đây đã bắt cóc hai công dân Việt Nam khác từ Thái Lan nhà báo Trọng Duy Nhất năm 2019, và năm nay là blogger lưu vong Thái Văn Đường. Cả hai hiện đang bị tù tại Việt Nam.


    Mặt khác, một vụ bắt cóc từ châu Âu về mặt hậu cần khó quản lý hơn một vụ bắt cóc từ nước láng giềng Thái Lan. Năm 2017, vụ Trịnh Xuân Thanh diễn ra trót lọt vì Việt Nam có người của mình trong chính phủ Slovakia: là ông Lê Hồng Quang. Ông này là cố vấn cho Thủ tướng Slovakia lúc bấy giờ là Robert Fico. Trong thời gian ngắn, ông Quang đã tổ chức chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Việt Nam Tô Lâm tới người đồng cấp Slovakia Robert Kaliňák.


    Trên chuyến bay trở về, nạn nhân bị bắt cóc đã ở trên máy bay, sau khi được đưa đến Bratislava bằng xe ngoại giao và cấp hộ chiếu mới với tên giả do các nhà ngoại giao Việt Nam cấp vội vàng. Ngày nay, người Việt Nam không còn có thể trông cậy vào cố vấn chính phủ Lê Hồng Quang: ông ta đã trốn về Việt Nam năm 2018.


    Ngoài ra còn có một tình huống phức tạp khác khiến việc bắt cóc từ Đức trở nên khó khăn hơn. Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang bị cơ quan mật vụ Việt Nam truy nã – cũng là cơ quan đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào năm 2017 và có một số nhân viên tại Đức. Nhưng cơ quan này có một đối thủ mạnh ở Việt Nam: tình báo quân đội. Đay không chỉ là một công cụ quan trọng của thủ tướng Việt Nam, người tình của người phụ nữ bị truy nã.


    Có thể có cả vệ sĩ


    Cơ quan tình báo quân đội cũng phải lo sợ rằng nếu Nguyễn Thị Thanh Nhàn ra tòa, nhiều thông tin về việc nhập khẩu vũ khí của Việt Nam sẽ bị công khai hơn là họ muốn. Vì vậy, có thể là bà Nhàn thậm chí còn có một vệ sĩ.


    Và: Lần này cơ quan an ninh Đức cũng đã được cảnh cáo – khác với năm 2017 với Trịnh Xuân Thanh. Vào thời điểm đó, hầu như không ai có thể tưởng tượng được rằng mật vụ Việt Nam sẽ bắt cóc một người từ Đức. Ngay cả khi luật sư của Trịnh Xuân Thanh báo cáo việc thân chủ của bà mất tích với cảnh sát Berlin và yêu cầu cơ quan mật vụ Việt Nam xem xét việc bắt cóc ông ta cũng được cho là đã bị bác bỏ.


    Lần này thì khác: theo thông tin của taz, cảnh sát đã liên lạc trực tiếp với Nguyễn Thị Thanh Nhàn và thận trọng cảnh báo rằng mật vụ Việt Nam đang tìm kiếm bà. Vài tuần tới sẽ biết được liệu điều đó có hữu ích hay không.


    __________

    Nguồn: Taz – Die Verfolgte 

     

     
  4. 364064817_674566858048163_12997241123339

    Do trò láu cá của Jim O’Neil (kinh tế gia Anh làm cho tổ hợp đầu tư Goldman Sachs), năm 2001 có bốn con cắc kè bông được thổi thành rồng kinh tế. Con rồng BRIC, do tên nước là Brazil, Russia, India, China! Mỹ điếm bày trò dụ dân đầu tư dồn tiền vô bốn nước sẽ giàu mạnh vì họ theo kinh tế thị trường nhờ đó sẽ có dân chủ! Tới năm 2050 BRIC sẽ gồm thâu thiên hạ.
    Ngu nghe thấy sáng!
    BRIC có lãnh thổ bằng 25% diện tích đất đai của địa cầu, dân số bằng 40% nhân loại, đà tăng trưởng to và lẹ nhất các nước đang phát triển. Với thế lực đó, BRIC mà lên tiếng là Mỹ phải nghe. Mỹ điếm ra đòn thì Tú Bà lỏn lẻn đi cửa sau. Quả nhiên, sau đó Goldman Sachs cứ tưng bừng tiên báo. Năm 2010 còn đẩy thêm Nam Phi, cái tên mới thành BRICS.
    Bị phỏng vấn bao lần về triển vọng của BRICS, tôi bật cười chơi chữ là “bric-à-brac” mà e chừng mấy người phỏng vấn không hiểu! Gốc tiếng Pháp được Anh dùng từ quãng 1840: đồ tầm tầm mà đòi bán như… đồ cổ! Vậy chớ, cớ sao ta lại nói về đồ giả? Vì họ đòi buôn vàng mã!
    Dịch nôm na là họ đòi dùng tiền âm phủ. Mà đề tài của chúng ta, thưa rằng cần rất nhiều dầu gió xanh vì nhức đầu… là tiền tệ.
    ***
    Từ đã lâu, các thành viên của BRICS được Mỹ điếm cho mượn ghế đẩu nên tưởng đã có thể chất vấn Hoa Kỳ!
    Như Luiz Inácio Lula da Silva, Tổng thống cực tả và tham ô của Cộng hòa Liên bang Brazil từ 2003 tới 2010, sau bị truy tố tội rửa tiền nên không được tái tranh cử năm 2018, còn ngồi tù 580 ngày. Nhưng bao tội đều được Tối cao Pháp viện hủy nên 2022 lại ra tranh cử nữa và từ đầu năm nay lại là Tổng thống Brazil! Ở giữa, Đổng lý của Lula là ả Dilma Rousseff làm Tổng thống từ 2011 tới 2016 thì bị… truất phế vì lem nhem với ngân sách!
    Họ đòi lãnh đạo thế giới nào đây?
    Thì vô đề sẽ thấy: Cùng Vladimir Putin, Lula da Silva thường vặn hỏi tại sao thế giới cứ xài Mỹ kim trong giao dịch ngoại thương? Mới đây Lula ngất ngây như lân thấy pháo khi được vỗ tay với câu hỏi: “Tại sao chúng ta không thanh toán việc mua bán bằng đồng bạc của mình?”
    Giới làm báo - hỏng có wa ở trỏng nheng - thì ngó Thượng đỉnh 15 của BRICS (22-24 tháng này tại Nam Phi) sẽ xử lý ra sao nếu Putin tham dự? Tháng Ba vừa qua Tòa Hình sự Quốc tế (ICC - International Criminal Court, tại The Hague, Hòa Lan) chính thức truy tố Putin về Tội ác Chiến tranh khi xâm lược Ukraine. Vì có công nhận Tòa ICC, lãnh đạo Nam Phi hơi lúng túng nên mời thêm nguyên thủ 70 nước khác cùng dự Thượng đỉnh! Thiệt nhức đầu với mấy con kỳ nhông trông tựa rắn mối…
    Rồi, giỡn xong, chúng ta mới tìm hiểu chuyện cần dầu gió xanh vì đồng bạc xanh, hỗn danh của Mỹ kim, liên quan đến kinh tế vĩ mô, kế toán quốc gia và chính trị quốc tế!
    Từ nhiều năm qua, lãnh đạo một số quốc gia thấy nhóm BRICS có vẻ chí lý khi vặn hỏi về tương lai Mỹ kim (xin gõ tắt là MK!) Nếu kinh tế Mỹ hết chiếm vị trí trọng yếu của kinh tế toàn cầu thì vai trò của MK tất nhiên cũng phải giảm chứ? Sự thật thì câu hỏi của đám lãnh đạo ấy cho thấy sự dốt nát về lịch sử kinh tế lẫn về thực tế éo le của cuộc đời:
    Trước khi MK là ngoại tệ phổ biến nhất, được nhiều nước coi là ngoại tệ dự trữ, thì chưa khi nào nền ngoại thương toàn cầu lại có một đồng bạc thông dụng như thế. Và Hoa Kỳ bị phí tổn khi giữ cái trục chính trong luồng giao dịch của thiên hạ. Có khi lắm người Mỹ còn không biết nghịch lý đó. Thảm chưa?
    Xin quý vị cùng kiên nhẫn nhìn xa một chút (cố đọc lại 300 chữ dưới đây), rồi ta mới tập trung vào cốt lõi là đồng MK…
    Thứ nhất, hiện tượng gọi là ‘toàn cầu hóa’ chỉ xuất hiện gần đây thôi. Cho dễ nhớ là sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, các nước tự do buôn bán với nhau nhiều hơn. Thứ hai, nhìn xa hơn về lịch sử, đồng MK chỉ có vai trò quan trọng kể từ hậu bán Thế kỷ 20, là sau Thế Chiến II. Thứ ba, khi kinh tế Mỹ đã vượt Vương quốc Anh Thống nhất (United Kingdom), xin ghi 1860 cho dễ nhớ, thì thiên hạ vẫn tín nhiệm đồng Sterling của Anh. Họ tin vào cam kết giao hoán (đổi tiền) của Ngân hàng Trung ương Anh hơn các ngân hàng trung ương khác. Khi đó, đồng Sterling được các nước coi như ngoại tệ dự trữ gần bằng loại dự trữ trước đó -vàng. Thứ tư, dù kinh tế Mỹ có lớn mạnh nhất từ 1860 thì MK vẫn chỉ là loại tiền thấp kém cho đến cỡ 1920 vì lắm nước Châu Á và Trung Nam Mỹ lại dùng thứ khác hơn MK hay cả Sterling của Anh để thanh toán việc giao dịch của họ. Tức là đồng tiền của quốc gia giàu nhất không tất nhiên là ngoại tệ phổ biến nhất. Thứ năm (mệt hỷ?), trước khi MK là cái chốt chung thì cấu trúc của trao đổi ngoại thương và tư bản chưa ‘nhất thể hóa’ (thống nhất). Nhiều nhóm quốc gia giải quyết với nhau sự chênh lệch về buôn bán: như bị nhập siêu (nhập > xuất cảng) thì dàn xếp với nước được xuất siêu, rồi thanh toán bằng loại tài sản mà bên kia nhận. Nhưng nếu tài sản đó không dễ giao hoán thì sao? Thì mất sự tín nhiệm, quá bất tiện cho giao dịch….
    Bây giờ ta mới ngó vào hệ thống giao dịch có mấy em MK áo xanh lục đứng ra giải quyết mọi chuyện cho thiên hạ….
    Mọi giao dịch thất quân bình của thiên hạ đều có thể thu hẹp nhờ (1) sự đồng ý và (2) khả năng của Hoa Kỳ khi nhận xuất hoặc nhập các khoản chênh lệch đó bằng… tài sản của Mỹ. Chuyện này chưa hề xảy ra trước đó nên tất nhiên khó hiểu: thất quân bình (tạm gọi là âm hay dương) giữa các nước giao dịch với nhau có thể là rất lớn và rất lâu nhưng Hoa Kỳ ở giữa Lại có khả năng thỏa mãn nhu cầu cả dương lẫn âm cho tất cả.
    Nước A cần mua để thanh toán cho X thì có Mỹ bán, nước B cần bán để giải quyết chênh lệch với Y thì lại có Mỹ mua.
    Khi Thế Chiến II sắp kết thúc, tại Hội nghị Bretton Woods năm 1944, kinh tế gia người Anh là John Maynard Keynes triệt để chống lại hệ thống giao dịch quốc tế cho phép duy trì các khoản thặng dư hay khiếm hụt quá lớn. Nhưng quan điểm của ông bị kinh tế gia Harry Dexter White của Hoa Kỳ bác bỏ. Vì vậy, xứ nào bị khiếm hụt thì phải thỏa mãn nhu cầu trong nội tình của quốc gia được thặng dư. Trái lại, nước thặng dư khỏi cần điều chỉnh nội bộ (ví dụ sản lượng hay lợi tức cho lao động) nhờ tích lũy thêm tài sản ngoại quốc. Mà làm giảm số cầu của thế giới.
    Giới kinh tế bình thường còn khó hiểu ra đặc tính điều chỉnh quái đản: một quốc gia không đạt xuất siêu nhờ có năng suất cao trong kỹ nghệ chế biến mà vì ngành chế biến mặc nhiên hoặc công khai được trợ cấp. Ai thanh toán các khoản trợ cấp đó? Giới lao động và các hộ gia đình khiến số cầu nội địa bị giảm… Cộng sản chủ nghĩa ngầm ra chiêu là như vậy.
    Quý vị thấy Bắc Kinh sớm hiểu ra luật chơi lý tài tàn ác đó: khi Trung Cộng đạt xuất siêu thì chính dân Tầu bị bóc lột. Suy ngẫm thêm, ta hiểu tỷ giá đồng Nguyên được ấn định thấp, không chỉ vì làm hàng hóa Trung Cộng rẻ hơn và dễ bán hơn mà còn làm thợ thuyền lãnh lương thấp hơn cái công của họ. Họ bị bóc lột cho đến khi nền kinh tế bị giảm phát… là chuyện ngày nay.
    Nhìn rộng ra toàn cầu theo giác độ kết toán thì thặng dư của xứ này phải được khiếm hụt của xứ khác bù lại. Bây giờ mới thấy vai trò Hoa Kỳ….
    Từ quãng 1980 về sau, Mỹ dễ dãi thỏa mãn nước thặng dư bằng cách đổi khối thặng dư đó thành tài sản trên thị trường Mỹ. Phương tiện hoán đổi là nàng áo xanh, là đồng Mỹ Kim! Hình tượng vật lý dễ hiểu: MK là trục chính cho sự xoay vần của giao dịch quốc tế. Đối giá khó hiểu là kinh tế Hoa Kỳ bị thiệt khi tiếp nhận sự suy yếu của số cầu ở ngoại quốc: hoặc bị thất nghiệp hoặc tăng khoản nợ của chính quyền và các hộ gia đình.
    Nhiều người chưa nắm vững vấn đề cho rằng vì muốn MK là cái trục cho ngoại thương toàn cầu xoay quanh nên Hoa Kỳ cứ bị thiếu hụt. Sự thật nó phức tạp hơn vậy.
    Khi thế giới cần tiết kiệm, Mỹ xuất cảng tiết kiệm và đạt thặng dư ngoại thương. Đó là hoàn cảnh của giai đoạn 1920-1970, gần nửa thế kỷ tái thiết của thế giới, nhất là của Âu Châu và Á Châu. Trái lại, khi thế giới tái thiết xong và đẩy mạnh xuất cảng nên thừa tiết kiệm thì Mỹ nhập cảng tiết kiệm và bị nhập siêu, kể như từ khoảng 1980 cho đến ngày nay.
    Kết luận về một chuyện đã cười cười báo trước là nhức đầu:
    Việc Hoa Kỳ chấp nhận tư bản phải tự do chuyển dịch trong một thế giới vô cương (không biên giới), và sẵn sàng chịu đựng thất quân bình về tiết kiệm hay về số cầu mới dẫn đến kết quả (hậu quả thì đúng hơn vì còn hàm ý tiêu cực!) là vai trò ‘thống trị’ của MK. Trong lịch sử hiện đại của thế giới chưa có quốc gia nào lại làm như Mỹ nên không có đồng bạc nào lại có thể chi phối ngoại thương và luồng giao dịch tư bản như đồng đô la!
    Dùng phương pháp loại suy thì cả khối Liên Âu có 500 triệu dân và sản lượng ngang ngửa với Mỹ - lẫn nhóm BRICS có năm con cắc kè chưa biết đổi màu – lại dám nhận và có thể hoàn thành vai trò của Hoa Kỳ. Vì vai trò ấy sẽ đảo lộn hệ thống tài chánh, tái phân lợi tức bên trong, đã không kiểm soát hoặc cấm chuyển ngân, lại còn làm suy yếu sức xuất cảng của mình…
    Vì cam kết phi thường của Hoa Kỳ theo một triết lý chính trị chưa từng thấy bao giờ nên đồng bạc của Hoa Kỳ mới được thiên hạ chiếu cố. Ai muốn nhảy vào thay đồng MK thì dân Mỹ áo trắng cổ cồn có chữ rất lịch sự… “Be My Guest”.
    Dịch theo tinh thần lựu đạn rất Mỹ khi nhe răng quăng trái lựu: Rút Kíp Đi Con!
    Nguyen Xuan Nghia
    theo dainamaxforum
     
  5. Nguyễn Xuân Nghĩa

    363804084_670584408446408_32174908858051

    Hình bên: Báo Mỹ loan tin ngày 27 Tháng Sáu, 1950, Harry Truman cho Không quân và Hải quân vào YỂM TRỢ Nam Hàn.

     

     

    Xin thành thật khai báo nheng: thông thường, người ta viết xong bài mới đặt đề tựa vì dự tính rồi, đến cuối bài mới thấy kết luận khác hẳn, nên tìm ra đề tựa thích hợp. Người viết này có thói tự làm khó, là chuẩn bị kết luận rồi mới bắt đầu viết. Ngày xưa, hẳn thầy dạy luận văn lắc đầu tặc lưỡi. Thế là mất một nhà văn!
    Nhưng xin khai báo thêm về chứng làm khó. Cái động từ trong đề tựa là ‘tụt’ hay ‘tuột’? Đấy có thể là chữ Nôm, lấy từ chữ Hán có bộ ‘thủ” v.v… Nhưng ngoài ý nghĩa là trợt hoặc trượt theo dốc, lại có túc từ là cái quần thì sao? Đành trộm nghĩ ‘Tụt’ là cố tình buông cái quần xuống đất, và ‘Tuột’ có thể là không cố tình, mà vẫn… mất quần. Đúng sai, ai biết thì chỉ, tôi dùng động từ này để nói lãnh đạo Mỹ bị tuột mất quần, dù chẳng muốn.
    Vì để tuột trước kẻ thù!
    Không, bài không nói về cha con Joe Biden, vốn quen tụt quần cho việc khác. Nội dung ở đây nghiêm trọng hơn nhiều.
    Đúng 70 năm trước, Chiến tranh Cao Ly tạm dứt với hiệp ước ngưng bắn ký kết ngày 27 Tháng Bảy, 1953, sau khi bùng nổ ngày 25 Tháng Sáu, 1950 do quân Bắc Hàn tràn qua vĩ tuyến 38 tấn công Nam Hàn. Ta nên đọc lại để nhớ các thời điểm ấy, chúng có liên quan đến… Việt Nam.
    Khi nhớ lại chuyện xưa, chúng ta hãy cố nghĩ đến bối cảnh.
    Mãi đến 1995, dư luận Hoa Kỳ và thế giới mới biết chế độ Xô Viết đã gài điệp viên tới thượng tầng lãnh đạo của Mỹ. Tiền thân của cơ quan NSA sau này, một đơn vị Quân báo Hoa Kỳ biết được từ 1942 nhờ nghe lén và giải mật các cuộc điện đàm của mật vụ KGB và tình báo Hồng quân Liên Xô. Họ theo dõi mà không trình lên Tổng thống Franklin Roosevelt (rồi Harry Truman) vì các điệp viên là đại trí thức hay chuyên gia trong nội các và ban tham mưu của Tổng thống! Năm 1995, Quốc Hội Mỹ mới cho phổ biến “Dự án Venona” do Quân báo Mỹ tiến hành từ đầu năm 1943 tới mùa Thu 1980.
    Trên diễn đàn này và trước đó từ lâu, chúng tôi đã trình bày về vụ Venona để cho thấy lãnh đạo Mỹ vô cùng tối dạ ngay giữa thời chiến. Họ bị tuột quần mà không biết khi mắc bẫy Liên Xô mà gây mâu thuẫn với Đế quốc Nhật (vụ Trân Châu Cảng ngày bảy Tháng 12, 1941 và cuộc chiến trên Thái Bình Dương). Khi Nhật đã lãnh hai trái bom nguyên tử thì Liên Xô mới khai chiến với Nhật, nhân đó chiếm luôn các quần đảo cực Bắc của Nhật.
    Bị tay chân Xô Viết (Harry Hopkins, Alger Hiss…) dẫn dụ cùng Liên Xô chia đôi thế giới, Roosevelt còn giấu tật bệnh của mình cho đến chết, vào Tháng Tư 1945, ngay trước khi Thế Chiến II chấm dứt.
    Nghị sĩ Harry Truman khá tầm thường, mới là Phó Tổng thống từ Tháng Giêng đã lên kế nhiệm. Dĩ nhiên Truman chẳng biết gì về mạng điệp viên Xô Viết ở chung quanh, việc Mỹ có dự án Manhattan làm bom nguyên tử mà còn không biết.
    Trở lại Chiến tranh Cao Ly…
    Sau khi đắc cử năm 1948 để tự mình là Tổng thống giữa trào lưu mới là Chiến Tranh Lạnh, Truman chỉ định Dean Acheson (1893-1971) làm Ngoại trưởng từ 1949. Và có chánh sách ngoại giao riêng: một sự tối dạ huy hoàng vì sau Roosevelt, đến lượt Truman tuột quần, dù tưởng mình là anh hùng lãnh đạo thế giới chống làn sóng đỏ của cộng sản.
    Khi Liên Xô đã mở màn Chiến Tranh Lạnh (và Mao vừa thắng tại Hoa Lục vào Tháng 10, 1949, một phần nhờ sự đần độn trước đó của Truman, mà thôi, để đó), chính quyền Truman vô tình cho Stalin và Mao tín hiệu sai.
    Tháng Giêng 1950, Ngoại trưởng Acheson phát biểu trước National Press Club về đối sách của Hoa Kỳ tại Châu Á và nêu tên một số quốc gia trong vành đai phòng vệ của Mỹ. Trong số đồng minh, Dean Acheson không nói gì về Đại Hàn Dân Quốc (tên chính thức của Nam Hàn sau khi xứ sở chia đôi từ 1948) dù các đơn vị Hoa Kỳ có mặt tại đấy cho đến giữa năm 1949.
    Đây không là sự lãng quên, lú lẫn của Acheson mà là lập trường của Chính quyền Truman: Hoa Kỳ đã hoàn tất nhiệm vụ trên bán đảo Triều Tiên nên một xứ độc lập như Nam Hàn phải trông cậy vào thế giới văn minh và Hiến chương Liên Hiệp Quốc!
    Đê mê… là Đéo mẹ! Viết cái này hơi lâu vì cứ phải ngừng gõ, bước ra vườn để khỏi văng tục.
    Xin quý vị và các bạn đọc lại phần trên. Rồi nhìn qua bên kia, xem Stalin và Mao nghĩ sao? Hai nước đã làm chủ Bắc Hàn, Kim Nhật Thành là đảng viên Cộng sản Xô viết đươc Liên Xô đưa về lãnh đạo Bắc Hàn. Họ hỏi nhau Truman bật đèn xanh hả? Thì ta lao tới! Lãnh đạo Mỹ tuột quần là vậy.
    May là Liên Xô giận lẫy vụ Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) vào Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nên tẩy chay và không phủ quyết việc Liên Hiệp Quốc kết án cuộc chiến và cho Mỹ lãnh đạo lực lượng quân sự quốc tế tại đây.
    Nhìn lại, đây là cuộc chiến thừa thãi mà thảm khốc: ba triệu người thiệt mạng, tổn thất dân sự còn vượt Thế Chiến II hay cuộc chiến tại Việt Nam. Thừa thãi vì đáng lẽ Hoa Kỳ không tạo khoảng trống đầy cám dỗ cho Liên Xô và Trung Cộng.
    Cũng cuộc chiến đó còn làm Hoa Kỳ hiểu sai về hình thái chiến tranh tại Việt Nam từ 1954 trở về sau. Mà có lẽ còn chẳng biết Trung Cộng đã đưa quân và võ khí từ Triều Tiên xuống yểm trợ Việt Minh chống Pháp trước 1954. Họ mới thắng trận Điện Biên Phủ - cách gọi tên, thay vì Phủ Điện Biên, là của các đồng chí cao cấp do Bắc Kinh gửi xuống. Rồi Trung Cộng tái diễn trò đó tại miền Bắc trong trận chiến “giải phóng miền Nam”…
    Nhiều người Mỹ chưa nhìn ra chuyện ấy.
    Sau này, Hoa Kỳ còn cãi nhau về công/tội của Truman.
    Vốn cái gì cũng đòi bú, thành phần ưu tú bảo Truman sáng suốt trong Chiến Tranh Cao Ly vì không dồn quân leo thang chiến tranh.
    Họ bú hơi thấp vì chết kẹt giữa việc Hoa Kỳ đại thắng trong Thế Chiến II (1945) rồi nhục nhã tháo chạy khỏi Việt Nam (1975). Giới am hiểu quân sự, không riêng Tướng Douglas MacArthur (1880-1964), lại trách Chính quyền Truman để mấy năm dập dình và chiến tranh kết thúc chẳng ra chi. Cho nên cuộc chiến không thể có giải pháp ngoại giao vì Chính quyền Truman làm gì có chiến lược ngoại giao?
    Nhưng, người Mỹ nên nhìn sang… bên kia chiến hào. Cho đến ngày nay, lãnh đạo Bắc Kinh vẫn chính thức nhắc đến thành tích của Trung Cộng trong Chiến tranh Cao Ly!
    Của đáng tội, sự ngây dại của Hoa Kỳ là điều dễ hiểu! Quân lực Mỹ có đến 12 triệu lính nên đại thắng sau Thế Chiến II là trở về hưởng “cổ tức hòa bình” (peace divident, như thời Bill Clinton sau khi Liên Xô tan rã): ngân sách quân sự từ 40% Tổng sản lượng GDP vào năm 1945, thì chỉ còn 5% vào năm 1950. Khi quân số 12 triệu giảm mất 90% thì tìm lính ở đâu để bảo vệ thế giới tự do?
    Thật ra không khác thời Tổng thống Jimmy Carter cũng đòi rút quân khỏi Nam Hàn sau cái trớn nhục nhã tại Việt Nam! Mà có khác chi thời nay: quân phí (chi tiêu cho quân sự) của Hoa Kỳ từ 4,5% GDP vào năm 2010, giờ đây mấp mé 3% và còn giảm! Và năm ngoái quân lực Mỹ (gồm toàn tự nguyện) đã không đạt chỉ tiêu tuyển mộ.
    Viết vậy thì nên… làm báo - vì thiếu chính xác: năm 2022, số tuyển mộ binh linh Hoa Kỳ đạt 75% mục tiêu. Tức là hụt một phần tư, đê mê chưa? Chỉ hụt có 25% mà thôi, Biden ôi.
    Hoa Kỳ đang quan tâm đến Đài Loan, chi tiền cho quân dân Ukraine, cần bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Đông Hải và nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, v.v. Nhưng đa số dân Mỹ không biết hoặc không cần biết. Khái niệm ‘công dân giáo dục’ đã bị lọt mương rồi.
    Thành phần ưu tú làm tiền trên doanh trường và trong chính trường thì biết điều khác: Trung Cộng không thể thắng Mỹ được nên thể nào cũng đề nghị đàm phán để khỏi gây ra chiến tranh lạnh. Họ, thành phần ưu tú này, chuẩn bị tham dự việc đàm phán đó.
    Họ không tuột cầu mà tự ý tụt quần.
    __
    Hình bên: Báo Mỹ loan tin ngày 27 Tháng Sáu, 1950, Harry Truman cho Không quân và Hải quân vào YỂM TRỢ Nam Hàn.
    theo dainamaxforum
  6. Tôi có cái may là giao du với toàn bậc lớn tuổi hơn mình, nhờ vậy học được rất nhiều. Các cụ thường dạy ‘học thầy không tày học bạn’, huống chi là bạn vong niên. (Mà chữ TÀY đó gốc Hán-Việt là chữ TẾ, nghĩa là so sánh, và không có dấu mũ ^ thành chữ TẦY – viết vậy là sai!)
    Một người bạn thân của tôi là nhà văn MAI THẢO, tên là Nguyễn Đăng Quý (chúng ta mất ông đúng 25 năm rồi, nhanh quá, ông sinh năm 1927 và tạ thế đầu năm 1998 tại Quận Cam). Ngày xưa, ông hay viết về phim ảnh và ít ai biết ông còn làm về phát thanh. Vì vậy, cách hành văn, ngắt câu, bỏ dấu… có vẻ hơi lạ, nhiều người khó tính thì cho là cầu kỳ, trùng lập.
    Nhưng, xin nhắm mắt nghe mình đọc lại một câu văn của ông, ta thấy ngay tiết tấu nhịp nhàng, hấp dẫn. Văn để nghe và để đọc có khác nhau! Hiển nhiên Nguyễn Đình Toàn, nhà văn kém Mai Thảo chín tuổi, và là bạn thân với Nhật Tiến (1936-2020), hiểu rõ điều ấy vì cũng làm đài phát thanh. Ông có lối thủ thỉ các bài nhạc chủ đề quá lôi cuốn khiến ta (nhất là các cô) muốn ghi âm rồi… nghe lại! Nhưng nghe Nguyễn Đình Toàn nói ở ngoài đời thì mới thấy rạng ngời… nét đanh đá.
    Nói về chữ nghĩa, tôi kính phục kiến thức của hai người bạn thân, là giáo sư Nguyễn Ngọc Bích (1937-2016) và sử gia Tạ Chí Đại Trường (1938-2016). Hai người có sự hiểu biết đa bác mà chẳng hiểu sao khi viết tiếng Việt lại… trúc trắc khó lãnh hội. Đôi khi một câu dài hơn 200 chữ gồm nhiều mệnh đề, có khi là chủ từ hay túc từ cho một mệnh đề sau.
    Nguyễn Ngọc Bích là nhà ngữ học và biết năm sáu ngoại ngữ chứ không thể đùa! Và ông mất trên máy bay khi đến Phi Luật Tân dự hội nghị tranh đấu cho chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo ngoài Đông Hải. Có thể là cả hai người có chuỗi lý luận công phu về kết cấu nhưng khó diễn tả cho đơn giản.
    Một chủ bút như nhà văn Nguyễn Mộng Giác (1940-2012) đã lo cho tạp chí Văn Học trong tám năm tất nhiên kín đáo hỏi lại và xin sửa cho gọn. Ông Giác và Tạ Chí Đại Trường là bạn thân, cùng sinh tại Bình Định. Tôi học được từ Nguyễn Mộng Giác và cả Nhật Tiến lối viết văn đơn giản trong sáng đã thấy từ Tự Lực Văn Đoàn.
    Còn viết phiếm luận tai quái thì phải học nhà văn nhà giáo rất hiền lành là Lê Tất Điều khi ông ký bút hiệu Kiều Phong! Bút chiến với Kiều Phong thì ba ngày sau nạn nhân mới rụng rời: từ chết đến bị thương. Ba ngày mới hiểu ra ý nghĩa của mấy ám khí yểm trong một câu văn!
    Một ông bạn khác của tôi là Bồ Đại Kỳ (Đại tá Không quân, tốt nghiệp trường lừng danh của Pháp là Salon-de-Provence, sau còn tu nghiệp tại Hoa Kỳ v.v…) ngày xưa làm báo ở Sàigon lại ký tên là… Bồ Hòn. Người đọc cứ tưởng nhà báo này ‘ngậm bồ hòn làm ngọt”, hóa ra mấy ông nội tham nhũng thì thấy đắng! Bồ Đại Kỳ mà tranh luận thì Bùi Bảo Trúc (1944-2016) cũng phất cờ dù ông Trúc có nhường ai về miệng lưỡi!
    Năm xưa, ba anh em chúng tôi (Kỳ, Trúc, Nghĩa) ở ba nơi mà có chương trình phát thanh trực tiếp, lấy tên là… “Vùng Oanh Kích Tự Do!” Chỉ fax cho nhau sáu bảy đề tựa thời sự nóng để sửa soạn. Khi bật điện thoại là cứ theo đó tự biên tự diễn. Không hề có thì-mà-là hay ú ớ tằng hắng trước khi trả đũa. Mà không được lạc đề!
    Bạn rất thân của chúng tôi là Lê Tất Điều lại ở mãi tận San Diego. Nếu không thì đã có ba người Ngự lâm Pháo thủ trên này và chàng là d’Artagnan ở dưới đó! Người ta bắn chậm thì chết, chứ chúng tôi nói chậm thì chết. Mà không được nói sai.
    Còn thói châm biếm và nói lái lung tung thì chắc là tôi học từ Ba Giai, Tú Xuất hay nàng Cổ Nguyệt Đường (là Hồ Xuân Hương). Rồi khi bị kẹt lại sau 1975, tôi tự học chữ Hán.
    Cán bộ đi qua bèn hỏi làm gì vậy?
    Tôi xòe ngay một tập thơ chữ Hán: “Bác Hồ làm thơ chữ Hán, tôi phải học để hiểu!” Từ đó tôi được tự nhiên! Mỗi ngày học một chữ, tập viết mỗi chữ 500 cho khỏi trái cựa, và nhớ lâu. Rồi lân la chạy qua chữ Nôm, đọc Truyện Kiều. (Cũng nhờ vậy mà thấy Bác ăn cắp thơ Tầu! Chuyện nhỏ…)
    Đêm khuya, tôi chia sẻ một số cảm nghĩ về viết lách, chỉ để kết luận rằng tôi có thể viết nhiều và nhanh, nhưng cần viết cho đúng nên luôn luôn có mấy cuốn từ điển trên bàn hay trên đùi.
    Một bên là “HÁN VIỆT Tự Điển” của thầy Thiều Chửu được trong nước tái bản năm 1999. Bên kia là cuốn “Giúp đọc NÔM và HÁN VIỆT” của Linh mục Anthony TRẦN VĂN KIỆM. Cuốn này màu xanh xẫm in năm 1998 do chính cha Kiệm ký tặng từ Tháng Sáu năm 2001. Trước đó tôi có cuốn màu đỏ mà biếu một ông bác lớn tuổi tại New York, rồi lại được cha Kiệm cho cuốn khác. Mãi về sau, qua bằng hữu Công giáo, tôi mới biết cha đã mất năm 2012 tại một tiểu bang khác, thọ 92 tuổi.
    Tôi thiển nghĩ cuốn từ điển của cha là hay nhất, đầy đủ nhất, do người thực hiện theo lối thủ công nghiệp, viết lấy các chữ Hán lẫn Nôm, với nội dung vô cùng phong phú. Mỗi khi ngồi viết, và lật từ điển của cha Kiệm để kiểm lại một chữ, tôi cứ mơ sẽ có bậc hằng tâm và hằng sản thực hiện lại cuốn này. Cha Kiệm làm cuốn từ điển rồi cho, chứ không bán! Sau này, tại Đà Nẵng có người thực hiện lại cuốn đó dưới dạng PDF, được đề là từ năm 2004. Ai tìm ra thì xin cho biết…
    Cứ nghịch ngợm nói nhảm với chữ nghĩa, mà mỗi lần cầm lấy “Giúp đọc NÔM và HÁN VIỆT” của cha Kiệm tôi lại muốn bật khóc: nửa đêm sở dĩ nói mông lung về Chữ và Nghĩa chính là để kết luận như vậy về cuốn từ điển của cha Kiệm.
    Cha muốn chúng ta hiểu và viết đúng tiếng mẹ đẻ. Có thế thôi, mà cao cả chừng nào…
    Nguyen Xuan Nghia
    theo dainamaxforum
     
  7. 359099065_658849919619857_50468612400499

    Vladimir Putin, nghiêm và buồn… Hình do Reuters chụp được!

     

     

    Nếu chịu khó theo dõi tình hình quốc tế có lẽ ta thấy một thứ tâm lý khá đặc biệt của dân Mỹ trên một quốc gia quá trẻ chưa ăn mừng 250 năm ngày sinh nhật. Tâm lý đó là lạc quan tếu vì tưởng nước Mỹ làm cái gì cũng được (lên cung trăng còn được!) Rồi dân Mỹ lại hốt hoảng bậy khi thấy có sự lạ (như Liên bang Xô viết phóng vệ tinh Sputnik lên quỹ đạo năm 1957).
    Mà nếu vậy, ta cũng nên có trí nhớ.
    Do biến cố Sputnik, Hoa Kỳ lập tức có phản ứng. Kết quả là 12 năm sau, từ phi thuyền Apollo 11, người Mỹ đã đặt chân lên cung quế vào năm 1969. Những người lười biếng ưa tin vào các “thuyết âm mưu” thì nên nhớ đến bao nhiêu thuyết giả để nói là Mỹ bịp, chứ không hề đưa người lên cung trăng.
    Các biến cố trên xảy ra thời ‘Chiến Tranh Lạnh’ (1949-1989). Mà dân Mỹ ưu tú trong các chính quyền tiếp nối lại ít dự đoán ra việc Liên Xô tan rã năm 1989 (10 năm sau khi đưa quân vào A Phú Hãn), rồi sụp đổ cuối năm 1991. Nói chung, vì ít nắm vững mâu thuẫn căn bản trong ý thức hệ cộng sản (ngụy trang ‘xã hội chủ nghĩa’ để tiến lên ‘cộng sản chủ nghĩa’), họ khó thấy các vấn đề nội tại của hệ thống cộng sản toàn trị làm chế độ tất nhiên TỰ sụp đổ nếu không cải cách, như tại Trung Cộng. (Dầu vậy, tương đối dân Mỹ vẫn nghĩ mình hiểu Nga nhiều hơn Tầu vì tưởng Bắc Kinh ở xa nên không là một đe dọa! Nhưng đấy là chuyện khác, chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu sau…)
    Trở về Nga với lãnh thổ bát ngát - 17 triệu cây số vuông - mối quan tâm của họ là địa dư quá rộng mà dân số quá thưa, lại còi cọc lụn bại sau chế độ Xô viết và bao chất độc. Do địa dư hình thể, dân Nga có thể chấp nhận hệ thống chính trị tập trung và chuyên chế để mọi người cùng nhìn chung một hướng. Giới lãnh đạo thì coi an ninh là ưu tiên vì xưa nay khu vực trung tâm tại Moscow thường bị đe dọa từ phía Tây.
    Vì lẽ đó, Liên bang Nga cũng duy trì ách độc tài và muốn xây dựng vùng trái độn quân sự về hướng Tây, hầu khu vực Moscow có thể nằm ngoài tầm đạn của các đối thủ. Kinh nghiệm Xô Viết cho thấy họ (tạm) chiếm được Đông Âu, chứ việc bành trướng lên vùng Baltic qua tới Bắc Âu là gian nan, bất khả, xuống hướng Nam tới Địa Trung Hải cũng thế.
    Chúng ta hiểu vì sao Putin muốn khống chế Georgia (2008) hay Crimea (2014), và hai vấn đề ưu tiên còn lại là củng cố ách cai trị bên trong và chiếm đóng được Ukraine ở vòng ngoài.
    Vụ Yevgeny Prigozhin và Nhóm Wagner đang cho thấy hai ưu tiên của Putin lại lồng vô nhau thành vòng xoáy đi xuống. Còn Mỹ thì tùy cơ ứng biến vì bên trong thấy dơ dáy bầy hầy! Nhưng so sánh thì chặn Nga tại Ukraine có vẻ dễ hơn ngăn Tầu vào Đài Loan. Vì có Minh ước NATO và Âu Châu…
    Gần 600 chữ rồi, nếu nói thì cũng năm phút! Xin nhắc lại nhé: hai ưu tiên của Putin lồng vô nhau, thành vòng xoáy đi xuống.
    ***
    Ưu tiên số một của Vladimir Putin là củng cố ách cai trị trong nội bộ Liên bang Nga, được y xây dựng từ 20 năm qua. Bộ máy an ninh gồm nhiều cơ quan, chính yếu là FSB (Federal Security Service), hậu thân của KGB, chuyên về an ninh nội địa qua các nghiệp vụ phản gián, chống khủng bố, canh phòng biên giới và kiểm soát dân chúng… Bên cạnh FSB, từ 2016, Putin lập ra Lực lượng Vệ binh Quốc gia (không thuộc quân đội), do Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia, là Putin, trực tiếp điều động. Đấy là lực lượng võ trang nội địa, mô hình học từ Trung Cộng.
    Từng là sĩ quan KGB rồi cầm đầu FSB (1998, do Boris Yeltsin), Putin muốn chặn trước biến động nên gài nội tuyến ở mọi cơ quan, từ Vệ binh Quốc gia đến tổ chức ngoại vi, như nhóm Wagner. (Kế tục tại FSB từ 1999 là kẻ được Putin tin cậy có thể lên thay sau này là Nikolai Patrushev, sinh năm 1951.)
    Trong vụ Nga xâm lăng Ukraine để xây vùng trái độn – là ưu tiên hai – ngần ấy mũi dao của Putin trong ưu tiên một là nội an lại chỉ làm nháng lửa khi Yevgeny Pridozhin bỗng nổi dậy!
    Khi thấy Nhóm đánh thuê Wagner bất ngờ ra tay – bất ngờ vì Putin không biết dù có nội tuyến – lực lượng nội an là Vệ binh Quốc gia cũng chẳng kịp trở tay. Các lãnh tụ Vệ binh tránh trực tiếp đụng độ với Wagner, trong khi mật vụ liên bang FSB, vốn có nhiều tay súng ở cấp xạ thủ lại chẳng ra tay mà ra thông cáo: kêu gọi lính chiến Wagner tránh nhập cuộc và quay về tự động bắt nhốt Prigozhin.
    Bộ Tổng tham mưu quân đội còn có cục quân báo, gọi tắt theo tên cũ là GRU nữa chứ!... Họ mần răng? Nếu theo dõi kỹ từng việc trong có vài ngày, rồi kiểm lại, người ta thấy ra nhiều sự lạ, như sau đây:
    Thị trấn Rostov-on-Don trên lãnh thổ Nga áp sát Ukraine có bộ tư lệnh chiến dịch xâm lăng. Tại đó, trùm Wagner là Prigozhin ngồi với Thứ trưởng Quốc phòng Yunus-Bek Yevkurov và Cục phó Quân báo GRU là Vladimir Alekseyev. Điều kỳ lạ là tướng Alekseyev gật gù đồng ý với đánh giá của Prigozhin: có vấn đề trong hệ thống tướng lãnh Nga. Khi Prigozhin nói bạo hơn, rằng y muốn nhúp Tổng trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tướng Valery Gerasimov, Tổng tham mưu trưởng quân đội, kiêm Tư lệnh lực lượng viễn chinh Nga tại Ukraine, thì Alekseyev bật cười trả lời: “Có thể bắt được!”
    Mấy lời trao đổi đó có được truyền lên làn sóng phát thanh nên ở ngoài mới biết. Biết rồi, người ta hiểu vấn đề cho Putin không phải là vụ nổi loạn của Yevgeny Prigozhin mà là phản ứng của bộ máy an ninh và quân sự Nga trước vụ nổi loạn. Putin phải xử lý ra sao về sự bất tài và toa rập của an ninh và quân sự mà khỏi gây thêm vấn đề cho chính bản thân?
    Khác với các thách đố trước, lần này y thiếu bộ phận an ninh để ổn định nền móng chính trị! Và dù đã thảm bại sau 16 tháng manh động, vấn đề không là bài toán quân sự tại Ukraine, mà là chính trị tại Nga - ngay tại Moscow.
    Yếu tố Wagner không là then chốt. Vụ Prigozhin vừa khoe “đại thắng” hồi Tháng Năm tại Bakhmut cũng thế. Khi quân lực Ukraine mở chiến dịch tổng phản công từ mấy tuần qua, còn ai nhắc đến Bakhmut? Không ai nhắc nữa, trừ Prigozhin huênh hoang ồn ào.
    Chuyện đáng ngại – cũng bất ngờ - là Ukraine chiến đấu dữ dội, dai dẳng, lại được các nước yểm trợ về cả kinh tế lẫn võ trang. Tương quan lực lượng đó thực tế làm lu mờ khả năng thật của lực lượng Wagner đánh thuê. Riêng đối với nỗi lo của Vladimir Putin về an ninh, vai trò của Wagner tại Syria hay Phi Châu cũng không còn đáng kể.
    Là người biết quan sát, Putin suy ngẫm về việc hệ thống quân sự và an ninh Nga lại rung chuyển và thay đổi khi tưởng ăn sống Ukraine mà không xong sau 16 tháng bị choáng váng từng đợt.
    Khởi đầu, vào Tháng Hai 2022, là tinh thần lạc quan hồ hởi khi ra quân và đã chiếm bán đảo Crimea. Rồi các tướng tá giật mình lúng túng vì thất bại về tiếp vận và phối hợp. Qua mùa Hè thì lại thấy tự tin hơn chút đỉnh nhờ thành quả miền Đông của Ukraine. Nhưng quân lực của Kyiv không thối chí mà tổng phản công làm quân Nga mất luôn Kherson. Thế rồi, quân Nga tái phối trí và háo hức trông đợi một cuộc tấn công vào mùa Đông, nào ngờ các tướng tá lại thất vọng nữa vì chẳng thấy có tiến bộ. Tiếp theo là chiến thắng cực nhọc tại Bakhmut, trước viễn ảnh bị các đơn vị Ukraine tổng phản công, với đợt võ khí mới…
    Putin phải lên đài phát biểu để trấn an và hăm dọa, chứ bên trong hay bên dưới thì đã thấy tâm trí rung rinh và đầu gối lập cập. Việc Prigozhin sống chết hay lây lất ở đâu, và đang làm gì không làm Putin quan tâm bằng sự phê phán hết là thầm kín của bộ máy an ninh. Kế đó sẽ là việc các tướng lãnh gặp nhau… Lý do là tại Rostov-on-Don, khi Yevgeny Prigozhin gặp Thứ trưởng Quốc phòng Yevkunov và tướng Alekseyev của Quân báo GRU, hai người này hành xử gần như là con tin, trong khi các xạ thủ của FSB thì cố thủ trong căn cứ chứ không dám ra! Và khi quân Wagner bắn hạ các phi cơ Nga rồi đưa quân lên Moscow, các nhân vật then chốt về an ninh lại nín thinh. Vắng mặt.
    Tinh thần quân đội có sa sút không làm Putin lo ngại bằng sự bất trắc - không đáng tin - của hệ thống an ninh. Vì vậy, người ta chưa thấy y có biện pháp gì với những kẻ đang cầm đầu cơ quan mật vụ FSB hay lực lượng Vệ binh Quốc gia. Ta không quên chính Putin đã đưa Nikolai Patrushev lên cầm đầu FSB từ 1999, nay Patrushev giữ vị trí then chốt nhất trong Hội đồng An ninh Quốc gia (cao cấp hơn Thủ tướng Mikhail Mishustin). Và thay Patrushev để điều khiển FSB từ 2008 là Alexander Bortnikov. Trong những ngày tới ta nên chú ý đến số phận và phản ứng của Patrushev, Bortnikov và Viktor Zolotov, người chỉ huy Vệ binh Quốc gia…
    Chúng ta còn khá nhiều câu hỏi chưa thể có giải đáp.
    Nhưng qua hơn 20 năm cầm quyền, Putin thấy kinh nghiệm khi phục vụ KGB đến chức Trung tá lại vô ích! Thời đó, ngày 19 Tháng Tám 1991, lãnh tụ KGB tạm giam Mikhail Gorbachev trong nhà nghỉ mát tại… Crimea, để cướp chính quyền nhằm cứu vãn chế độ Xô Viết. “Cách mạng Tháng Tám” không thành vì mấy vạn dân xuống đường biểu tình, không để bênh Gorbachev hay các chánh sách “perestroika” và “glastnost” của ông, mà để bảo vệ quyền tự do.
    Khi đó, các cán bộ KGB bất động, nín thinh, ngồi ở nhà!
    Năm 2004 cũng có một vụ khủng hoảng khi quân khủng bố bắt cả ngàn học sinh làm con tin tại Beslan (Bắc Ossetia), các tướng lãnh cao cấp nhất của Nga đều lạnh người mà không làm gì. Cầm đầu FSB là Nikolai Patrushev theo Tổng trưởng Nội vụ là Rashid Nurgaliyev cùng bay tới phi cảng Beslan, thầm thì bàn tính, rồi lật đật bay về thủ đô Moscow.
    Tức là? Các nhân vật chóp bu về quân sự và an ninh đều mất vía hết hồn. Họ thả nổi cho cán bộ FSB tại địa phương lo lấy một gánh nặng quá sức. Kết cục thì 300 người thiệt mạng, kể cả trẻ em. Nhưng Putin không hề có một biện pháp trừng phạt. Và ngày nay, cả Patrushev lẫn Nurgaliev đều ở trong Hội đồng An ninh Quốc gia!
    Chúng ta tạm kết luận như thế nào?
    Các cán bộ về an ninh đều có nhiệm vụ số một bảo vệ Vladimir Putin. Sau đó mới là bảo vệ tài sản và quyền lợi của họ cùng gia đình.
    Những thay đổi dồn dập vừa qua cho ta thấy một chân lý mới: NGƯỜI KHÔNG TIN VÀO KHẢ NĂNG BẢO VỆ ĐÓ CHÍNH LÀ VLADIMIR VLADIMIROVICH PUTIN!
    theo dainamaxforum
  8. Lạc mất Sài Gòn

     

    Sài Gòn ơi cư xá Lữ Gia

    Buỗi trưa hè nắng qua kẽ lá

    Đường đất đỏ mịt mờ bụi khói

    Buỗi chiều đi qua ngỏ vắng xa

     

    Bờ dậu leo kín cỗng cao tường

    Ngôi biệt thự ẫn mình trong gió

    Đêm về bình an trong tiếc nhớ

    Tôi tìm lại Sài Gòn xưa xa

     

    Tuỗi thơ đánh mất nơi sân ga

    Con thuyền định mệnh theo sóng biễn

    Giửa đêm lạnh sóng gào thét dử

    Tôi xa mãi những nhọc nhằn qua

     

    Sài Gòn ơi bốn mươi năm qua

    Nơi xứ người tôi nhớ thiết tha

    Sài Gòn dịu dàng thướt tha quá

    Tôi hẹn Sài Gòn ngày không xa .

     

    Perth Đông Chí

    Freezing winter

     

    XV

  9. Nam mô A Di Đà Phật
    ..........KÍNH THẦN TÀI.........
    ..............************.............
    Cung kính dâng hương thỉnh THẦN TÀI
    Cầu mong gặp được những điều may
    Thành tâm đảnh lễ con nguyện vái
    Cho con trúng ĐẶC BIỆT chiều nay
    ..........
    Sửa lại căn nhà đang dột mái
    Trả cho xong bạc hỏi tiền vay
    Còn dư chút đỉnh cho con cái
    Để thân con bớt nổi u hoài
    ...........
    Có tiền con tậu ngay điện thoại
    Mỗi ngày sẽ cố gắng viết bài
    Ca ngợi cuộc đời tươi đẹp mãi
    Thơ văn đều đặn có mỗi ngày
    ..............
    Con nguyện làm từ thiện, ăn chay
    Giúp người cơ nhỡ kẻ ăn mày
    Những người bệnh hoạn bao khổ ải
    Để họ vượt qua kiếp nạn này
    ...........
    Riêng ngài con tạ lễ heo quay
    Con gà nấu cháo thịt xé phay
    Mỹ tửu bồ đào con xin đãi
    Một bữa tưng bừng thật no say
    ..............
    NAM MÔ THẦN TÀI HỘ ĐỘ....
    Văn Giỏi 27/6/2023

     

    Nguyenvan.jpg

  10. 355670555_10211686318311491_703305381508

    Hình Putin (FRONTLINE 2017): Hôm qua đã sầu, nay mai mới thảm!

     

     

    Năm ngoái chúng tôi đã đoán sai… một tẹo. Rằng Vladimir Putin cứ dọa mà chưa chắc đã tấn công Ukraine vì biết rõ hiện tình của Nga nên vẫn cứ lo ngại. Quả nhiên đoán là sai, nhưng sự lo ngại của Putin thì… dạ, 16 tháng sau lại đúng boong!
    Trước đó, Putin lừa dư luận qua trận chiến khốc hại với dân Chechen đòi ly khai tại Chechnya, rồi qua việc can dự vào Syria, Crimea, v.v… Vì vậy, thế giới và dân Nga cứ tưởng Putin là kẻ tàn độc mà biết tổ chức quân đội và đa mưu với tầm nhìn chiến lược.
    Thế rồi sau khi quyết định xâm lăng Ukraine ngày 24 Tháng Hai, 2022, chiến lược gia Putin lại để quân Nga phô diễn sự bất lực liên tục, rồi triền miên vấp ngã về tiếp vận. Ánh hào quang duy nhất le lói là từ đám lính đánh thuê của Nhóm Wagner (tên chính thức của “doanh nghiệp tư nhân về quân sự”) dưới sự lãnh đạo của một kẻ được Putin sai bảo từ hai chục năm nay.
    Đó là Yevgeny Prigozhin.
    Vốn được biết Putin từ Saint Petersburg và hầu hạ như tay chân thân tín, tuần qua, chính Prigozhin lại xé toạc huyền thoại Putin.
    Ban đầu, thấy ra sự bất tài của quân đội và tướng lãnh Nga, Putin cứ khích lệ Prigozhin, bất chấp dấu hiệu kiêu binh của tên trùm đánh thuê. Do đó, ngôi sao Prigozhin lại càng tỏa sáng và Tháng Năm còn lên tới đỉnh nhờ chiếm được thị trấn Bakhmut của tỉnh Donetsk ở phía Đông Ukraine. Khai thác chiến công đó, Prigozhin lách qua khe chưa bị khép là mạng Telegram để tuyên truyền với quần chúng Nga và công khai đả kích Tổng trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu cùng Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov.
    Không chỉ là kiêu binh chơi hỗn, Prigozhin còn bày tỏ tham vọng nổi loạn.
    Khi tấn công kẻ thân tín được Putin trông đợi hiện đại hóa quân đội trong vị trí Tổng trưởng Quốc phòng, hay viên tướng cầm đầu lực lượng võ trang làm Tư lệnh quân Nga tại Ukraine, Prigozhin đã như cưa ghế của một kẻ đa nghi là Tổng thống Vladimir Putin! Mà Putin sợ cũng đúng: tên đạo tặc nay thành kẻ đánh thuê lại bảo với dân rằng tấn công Ukraine là thiếu chính nghĩa, rồi hô hào đạo quân của y quay về thủ đô, để tấn công bộ Quốc Phòng!
    Tức là bao nhiêu vấp ngã khi leo qua nhà hàng xóm từ năm ngoái đã thành chuyện xưa. Chuyện nay của Putin là mối nguy trong nhà và trên ngai, có toàn cầu cùng thấy rõ.
    Thật ra, mưu sâu của Putin là chỉ kéo lũ dân đen xa xôi vào cuộc, cố tránh làm bọn thị dân khá giả tại Moscow và St. Petersburg lo sợ. Bây giờ, dù chẳng có phe có đảng, Prigozhin lại nói thẳng cho đám dân đen và lũ tốt đỏ sự thật vô lý và tốn kém của chiến sự, với chứng tích là xác chết của Nhóm Wagner - trên đất Ukraine. Trong khi các tướng lại cứ phè phỡn tại thủ đô, và báo tin chiến thắng lên thượng cấp cứ hiu hiu tự đắc từ năm ngoái.
    Bây giờ thượng cấp lộn nhào.
    Ba ngày sau, Prigozhin có thể đã lưu vong tại Belarus, do tin của một đạo tặc đã cầm quyền gần 30 năm là Tổng thống Alexander Lukashenko. Nhưng trái bom mang nhãn Prigozhin vẫn có thể nổ: dân và lính thì thấp cổ bé miệng chứ các tướng lẫn vây cánh chính trị khác có khi cũng lại thử thời vận!
    Qua hơn 20 năm, Putin cố xây dựng một chế độ “ổn định”: trên không bị ai đảo chánh, dưới có quần chúng u mê ủng hộ. Phép ổn định để tồn tại là gây chia rẽ cho các phe canh chừng nhau, trong khi đám thân tín (từ thời làm mật vụ KGB hay đảng viên ở St. Petersburg) thì có quyền và tiền là nhờ Putin ngồi trên chóp bu.
    Thật ra, đấy là hệ thống đạo tặc, theo đạo tắc (quy tắc) của tổ chức tội ác. Còn bộ máy thư lại bảo đảm sự vận hành tưởng như nhàm chán của hệ thống lại có một sở trường, là bạo lực của mật vụ.
    Gốc là sĩ quan KGB từng phục vụ tại Đông Đức, Vladimir Putin thoải mái bơi lội trong con kinh nước đen ấy, có khi còn là tỷ phú nữa! Nhìn sự thể từ khi Liên bang Xô viết tan rã rồi sụp đổ, Putin đã thắng lớn sau Boris Yeltsin rồi chỉ còn ưu lo một chuyện: bọn tiểu tư sản mê Tây phương kêu đòi tự do và khuyến dụ dân chúng thành thị đi làm cách mạng sau một vụ cải cách vớ vẩn. Vì vậy, nghề của chàng là canh chừng. Mọi âm mưu cải cách hay nổi loạn đều phải bị thấy ra từ sớm. Và vặt ngay trong trứng nước!
    Mà tổ trác, lần này Putin bị lạc quẻ! Vì có một vụ nổi loạn thật.
    Nhưng phiến loạn không là bọn trí thức tiểu tư sản đòi cải cách theo Tây phương để dân Nga có tự do và cho nước Nga hòa đồng với toàn cầu. Phiến loạn là bọn ái quốc, yêu nước Nga! Họ đã sẵn sàng cầm súng tấn công Ukraine cho sự trường tồn của Liên bang Nga, rồi nổi giận vì làm chưa tới khi súng thiếu đạn, vì tướng tá ưa chuyện ruồi bu. Phải lật đổ tướng tá để cứu nước.
    Về lý luận thì đấy là… chủ thuyết Putin cho chiến dịch quân sự tại Ukraine mà. Nhưng cũng do tinh thần ái quốc mà từ phê phán phương thức tiến hành chiến dịch, Prigozhin chuyển qua việc đả kích mục tiêu tại Ukraine là gây thiệt hại cho Liên bang Nga!
    Rắc rối chưa? Nối tiếp tên khật khùng Prigozhin, nếu có ai cầm võ khí kêu đòi quốc dân cùng hy sinh thì Putin tính sao? Nếu có kẻ tinh quái hơn, long trọng tách rời khỏi giới trí thức, kinh doanh, mà nhấn mạnh đến lý lịch của mình về an ninh hay quân đội (ra dáng “siloviki”), còn ra đề cương chính trị làm cho… nước giầu dân mạnh – hầu sau này khỏi cần thuê lính đánh mướn! Không tốt sao?
    Thưa rằng - thì Sa hoàng Putin sẽ trở thành tốt đen, ngồi đếm lịch trong tù! Chỉ vì trăm hoa sẽ đua nở trong tiếng pháo lẫn tiếng súng mà chẳng ai có thể kết án Tây phương hoặc Ukraine bầy ra tiết mục đó. Nga sẽ loạn to làm Putin co vòi sống tựa côn trùng.
    Quý vị có thấy kết luận này vui không?
    Thư/a là khoan chớ vội mừng vì chưa ai biết rằng sau cơn hỗn loạn, ai sẽ lên thay Putin để lãnh đạo nước Nga. Một lãnh tụ mới, từ cánh hữu bước vào điện Kremlin sẽ làm gì với Âu Châu?...
    Eo ơi!
    Xuan Nguyen
    theo dainamaxforum
  11. 355849906_648957070609142_84992095425588

     

    Nguyễn-Xuân Nghĩa
    (Viết cho Việt Báo từ ngày 14 Tháng 11 2003 trong Chiến dịch tấn công Iraq, nay yết lại ở đây để nhắc tới Venona Project)
    Những thế lực coi Hoa Kỳ là kẻ thù có thể kết luận như vậy, nếu theo dõi lịch sử cận đại của đệ nhất siêu cường này, chưa nói gì đến việc đang xảy ra tại Iraq...
    Sau phiên họp khẩn cấp trong tòa Bạch Ốc để đối phó với tình hình Iraq, Tổng trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld đã lên máy bay đi Guam, khởi sự một chuyến Á du trong sáu ngày để thảo luận với lãnh đạo Nhật Bản và Nam Hàn về kế hoạch tái phối trí quân sự tại Á châu cho thế kỷ 21.
    Kế hoạch được trù tính từ lâu và chỉ là một phần của chiến lược toàn cầu nhằm đối phó với những đe dọa muôn mặt của một hình thái chiến tranh mới sau khi chiến tranh lạnh kết thúc: khủng bố với kỹ thuật hiện đại.
    Trên đường đi Guam, ông Rumsfeld gặp gỡ báo chí để nói về chuyến đi, và ta thấy ngay vì sao đánh thắng Hoa Kỳ, đệ nhất siêu cường thế giới, không phải là điều khó.
    Truyền thông Mỹ chỉ loan tải chuyến đi, vốn có mục tiêu chiến lược và trường kỳ, như một cuộc vận động chiến thuật, nhằm thuyết phục Nhật Bản đảo ngược quyết định của họ là hoãn gửi 700 binh lính qua Iraq, sau khi thấy lực lượng bảo an của Ý trong liên quân 32 nước tại Iraq bị quân khủng bố tấn công. Bệnh cận thị và cách sàng lọc tin tức của truyền thông Mỹ tất nhiên ảnh hưởng đến lối nhìn của dư luận và khiến cho các bộ óc ưu tú nhất của Hoa Kỳ cũng chẳng thể nhìn xa hơn một thời khoảng vài năm.
    Lý do một phần vì hệ thống truyền thông Mỹ có cái nhìn thiên tả, một phần nữa vì tự bản chất, họ không thể nhìn xa hơn loại đề tài hấp dẫn cho công chúng, cho giới tiêu thụ. Ưu điểm kinh tế của một xã hội tư bản là một nhược điểm về chính trị, khiến một quốc gia tư bản như Hoa Kỳ không thể nào trở thành một đế quốc bền vững, như người ta đã thấy lại Liên Xô hay trong lịch sử lâu dài hơn của nhân loại - mà truyền thông và công chúng Mỹ chỉ nhìn thấy được có một mẩu.
    *
    Ngay trong giai đoạn sinh tử của Đệ Nhị Thế Chiến, dưới các chính quyền Roosevelt và Truman, giới lãnh đạo Mỹ trong đảng Dân chủ chẳng những không hiểu gì về thực chất của chủ nghĩa cộng sản mà còn bị tình báo của Liên Xô xâm nhập vào tới cấp cao nhất:
    Phụ tá Ngoại trưởng Alger Hiss là điệp viên của Liên Xô, y như Phụ tá Bộ trưởng Ngân khố (kinh tế gia) Harry Dexter White, phụ tá Đổng lý Văn phòng của Roosevelt là Lauchlin Curie, hoặc một ông trùm của OSS, tiền thân của CIA, là Duncan Lee, hay Harry Hopkins, cố vấn đặc biệt của Roosevelt về chánh sách kinh tế.
    Ngay cả Henry Wallace, Phó Tổng thống của Roosevelt trong bốn năm sinh tử 1940-1944, là một người không thân cộng thì cũng là một điển hình của loại người Lenin gọi là “bọn ngu xuẩn hữu ích”. Ông ta coi Churchill và nước Anh là kẻ thù (không phải đối thủ mà kẻ thù), trong khi chủ trương kết thân với Stalin và nức nở ngợi ca chế độ cải tạo của Liên Xô, sau khi được thăm viếng một trại cải tạo dưới sự dàn dựng của phù thủy Liên Xô có lẽ còn hay hơn trại Cổng Trời hay Thanh Cẩm của ta.
    Những yếu kém về nhận thức của lãnh đạo Mỹ có thể chỉ làm hại Hoa Kỳ, nhưng vì cái thế quá lớn của xứ này, nhiều dân tộc khác bị họa lây.
    Alger Hiss bị tố cáo là điệp viên của Liên Xô mà vẫn được Roosevelt tín nhiệm vì không tin sự tố cáo, và mời làm cố vấn cho đối sách của Mỹ tại Á châu sau khi hắn bố trí cho Roosevelt thượng đỉnh Yalta để chia đôi thế giới và mở màn cho gần nửa thế kỷ chiến tranh lạnh. Trong vai trò cố vấn về Á châu cho Roosevelt, Hiss còn góp phần làm thay đổi chính sách Mỹ tại Trung Quốc và đưa tới việc Tưởng Giới Thạch bị hy sinh.
    Một người biết lý lịch hành tung của Hiss và dù truy tố không xong vẫn bị truyền thông Mỹ ghi nhớ rất kỹ và đánh không thương tiếc trong vụ Watergate chính là Richard Nixon. Oán thù chồng chất từ lâu mà người Việt chúng ta ít biết! Cũng như không hiểu vì sao, truyền thông Mỹ viết rất dài về “Madame” Tưởng Giới Thạch và “Ba chị em nhà họ Tống” để cạo sửa lý lịch lẫn lịch sử và xóa sạch cái tội mù lòa của họ khi họ ngợi ca Stalin và Mao Trạch Đông.
    Nhưng, đó là truyện xưa và chúng ta sẽ còn có dịp “ôn cố tri tân” với một danh sách những kẻ bội phản còn dài dằng dặc và được truyền thông lẫn các sử gia thiên tả của Mỹ giấu diếm rất kỹ.
    Số là từ năm 1942, quân báo Hoa Kỳ giải được mật mã của quân báo và mật vụ Liên Xô và thấy được KGB gài điệp viên vào trong bộ máy chính trị của Tổng thống F.R. Roosevelt nên xin được theo dõi, nhưng không thông báo cho chính quyền vì họ sợ bị tiết lộ. Đó là Dự Án Venona, khởi sự từ 1943, kéo dài mấy chục năm.
    Mãi đến 1996, Quốc hội Mỹ mới cho phép công bố toàn bộ kết quả của "The Venona Project" này.
    *
    Truyện nay, chuyện Iraq, Hoa Kỳ đang diễn lại tấn tuồng mà thành ngữ Việt Nam diễn tả rất tuyệt: “chưa đánh người thì mặt đỏ như vang, đánh xong người, mặt vàng như nghệ”.
    Nhập cuộc thì Hoa Kỳ chủ trương gây chấn động tâm lý (shock and awe) bằng võ khí siêu đẳng và kết thúc màn quân sự một cách ngoạn mục. Bước kế tiếp, khi đi vào chính trị và nhân sự, tức là văn hóa và giao tiếp, Hoa Kỳ trượt chân.
    Khi viên tướng chỉ huy lực lượng Trung tâm Âu-Á (CENTCOM), một người Mỹ ưu tú gốc Ả Rập, lượng định rằng đối thủ của Mỹ tại Iraq có thể có chừng 5.000 quân, chúng ta biết là Hoa Kỳ gặp vấn đề. Khi báo cáo bi quan để chối tội của trưởng trạm CIA tại Iraq lại được tung cho báo chí (tờ Philadelphia Inquirer), mà Tổng trưởng Quốc phòng lại chưa đọc, như ông xác nhận trong chuyến đi Guam, người ta thấy vấn đề nó rắc rối hơn mình nghĩ. Nói về tay súng và hỏa lực, con số 5.000 là quá lớn; nói về khả năng tác hại cho Mỹ thì số đó quá nhỏ.
    Sự kiện ấy cho thấy sự mù lòa không chỉ của truyền thông mà của cả hệ thống tình báo, và hệ thống nào cũng có dụng ý chính trị riêng của mình, bất kể tới quyền lợi sinh tử của Hoa Kỳ.
    Bên lề của lối đánh du kích chính trị trong hậu phương, ta thấy là sau khi tấn công Iraq để gây chấn động tâm lý trong thế giới Hồi giáo hầu gián chỉ mọi toan tính hợp tác hoặc dung túng khủng bố, Mỹ bị đánh tỉa tại chỗ mà chưa xác định nổi kẻ thù là (những) ai.
    Hãy thử nói sơ về thành phần đó mà xem. Định nghĩa kẻ thù là tàn dư từ đảng Baath của Saddam Hussein (như luận cứ chính thức của chính quyền Bush) là điều vừa sai vừa nguy. Đảng này có tới hơn một triệu đảng viên, và tàn dư nếu còn thì cũng vài chục ngàn, là điều không thể có, nếu không, tình hình còn nguy ngập hơn nhiều. Bảo rằng đó là tàn dư của quân đội Saddam thì cũng sai, lực lượng này bị Saddam bỏ rơi và có khi trở thành phiến loạn thổ phỉ chứ cũng chẳng muốn cầm súng để đưa Saddam về Baghdad. Phần tử trung kiên của Saddam, nếu còn, có lẽ không thể lên đến số ngàn.
    Nhưng, Iraq không chỉ có thành phần ủng hộ hay chống Saddam. Nhiều người không ưa chế độ độc tài và thối nát của cha con Saddam Hussein nhưng cũng chẳng muốn xứ sở bị nằm dưới sự cai trị của ngoại bang, dù là “ngoại bang có thiện chí” như Hoa Kỳ - nếu họ tin rằng Mỹ có thiện chí. Họ có thể cầm súng tấn công hoặc ít ra là không hợp tác với “quân giải phóng” hay “chiếm đóng” do Mỹ chỉ huy, tùy theo cách gọi.
    Họ là “Mặt trận Quốc gia Giải phóng Iraq” hay “Mặt trận Quốc gia Kháng chiến Hồi giáo Iraq” và có thể ghét Mỹ còn hơn ghét Saddam Hussein.
    Ngoài thành phần đó, kẻ thù của Mỹ còn có thể là các lãnh chúa bộ tộc thuộc hệ phái Sunni, xưa nay được chế độ Saddam ưu đãi và không muốn bị mất đặc quyền trong một xã hội mà đa số dân (60%) lại thuộc sắc tộc Shiite. Vì vậy, trong thành phần này có người hợp tác với Liên quân, có người chống, và lập trường của họ thay đổi tùy theo chánh sách của Mỹ đối với dân Shiite (và với Iran ở đàng sau). Một lực lượng thứ ba có thể là kẻ thù của Mỹ tại Iraq là các thế lực Hồi giáo quá khích hiện đang hoạt động tại Syria hay Jordan và có khi đã có móc nối với lực lượng khủng bố al-Qaeda.
    Ngoài ra, người ta không loại bỏ trường hợp của các nhóm quá khích thuộc sắc tộc Kurd (có sự yểm trợ của Thổ Nhĩ Kỳ - Turkey) hay Shiite (có sự yểm trợ của Iran) và xâm nhập từ các biên giới với Thổ, Kuweit hay Iran. Nếu hai thành phần Kurd và Shiite này lại kết hợp với các lực lượng Sunni và khủng bố al-Qaeda chỉ trong mục tiêu trước mắt là đánh Mỹ, sau đó giết nhau, kế hoạch “dân chủ hóa Iraq” của Hoa Kỳ coi như bị đe dọa.
    *
    Trong chiến lược gây chấn động tâm lý để gián chỉ khủng bố, Hoa Kỳ đã tấn công Iraq, và sau khi bị khựng, tuần qua Mỹ lại tung “Búa Sắt” hay “Thiết Trùy” (tên chiến dịch, Iron Hammer) để ảnh hưởng tới sự chọn lựa của các thành phần trong cuộc. Chiến thuật hăm dọa ồn nào này, với máy bay AC-130, đại bác 105 ly và trực thăng Apache, được tiến hành cùng với việc thúc giục chính quyền lâm thời Iraq phải đảm nhiệm một vai trò tích cực hơn. Truyền thông dốt nát của Mỹ vội nhớ đến Việt Nam và gọi đó là “Iraq hóa” cuộc chiến, để Mỹ có thể sớm phủi tay ra về.
    Điều đó là bất khả vì nếu nhớ lại danh sách của những kẻ thù được liệt kê rất tóm lược ở trên, người ta không tin là cái Hội đồng Lâm thời của Iraq sẽ đảm nhận được vai trò ổn định về chính trị và xã hội trong khi Hoa Kỳ lo phần vụ quân sự. Huống hồ, giữa Mỹ và các nhóm Iraq “thân Mỹ” trong Hội đồng, người ta đã thấy có chuyện không vui. Bên này đổ lỗi cho bên kia về những trì chậm tại chỗ và thời hạn do Liên Hiệp Quốc quy định (ngày 15 tháng 12, tức là đúng một tháng nữa) để xây dựng khung sườn cho một xứ Iraq ổn định coi như sẽ không đạt được.
    Lạc quan lắm, ta sẽ thấy cảnh đảo chính và chỉnh lý như đèn kéo quân tại Việt Nam sau khi Hoa Kỳ “thay đổi chế độ” bằng cách lật đổ ông Diệm năm 1963.
    Bi quan hơn, người ta nên chờ đợi một đòn biểu dương của khủng bố trong nay mai, để chứng minh rằng “thắng Mỹ không khó”. Bi thảm nhất, người ta thấy quân khủng bố lý luận không sai, nếu mình theo dõi xem các chính khách và ứng viên tranh cử đang nói và làm những gì vào tuần qua với sự cổ võ của truyền thông báo chí. Họ cho là thắng Bush không khó và tìm đủ mọi cách thực hiện điều đó!
    ---
    Ghi chú lại, cho thêm đau: khi còn là biện lý, Richard Nixon đã truy tố Alger Hiss về tội gián điệp mà không được vì quá thời hạn hiệu tố nên chỉ có thể gài bẫy trong lời khai của Hiss về một vụ khác. Alger Hiss chỉ bị hai tội khan man khi hữu thệ và lãnh năm năm tù. Nhưng vì truy tố Alger Hiss, sau này Nixon bị báo chí đánh không thương tiếc trong vụ Waterg
  12. CỤC DIỆN 2023
    Vì Sao Bắc Kinh Khó Giải Quyết Bài Toán Dân Số? (230224)
    Qua nhiều chương trình, chúng ta đã cùng tìm hiểu chuyện nhân khẩu của Trung Cộng là dân số sút giảm và bị lão hóa. Đó là nan đề, vấn đề nan giải, vì chế độ phải cải sửa các chánh sách hưu liễm, an sinh xã hội và bảo dưỡng sức khỏe. Nhưng đấy là loại việc khó thực hành vì nằm trong thói tật của chế độ, như sự xơ cứng của hệ thống tiết kiệm, tài chánh và đầu tư…
    Về bối cảnh, nếu thực sự tìm hiểu chúng ta đều có thể biết khi kinh tế đã phát triển thì các cơ chế trở thành phức tạp hơn thời “vặt mũi bỏ mồm” ban đầu. Lý do: hệ thống tài chánh giữ vai trò ngày càng trọng yếu trong việc sung dụng tư bản (vốn đầu tư) và lực lượng lao động, hầu thỏa mãn nhu cầu của nền kinh tế trong các giai đoạn phát triển cao hơn sau này.
    Nhưng hệ thống tài chánh Trung Cộng lại… chẳng giống ai!
    Nó không theo kịp nhiều thay đổi từ khi Đặng Tiểu Bình tiến hành việc cải cách năm 1979. Đà tăng trưởng cao trong 30 năm đầu khiến các cơ chế đã thành phức tạp rắc rối hơn trước. Vậy mà lãnh đạo xứ này không cải tiến thị trường chứng khoán, vẫn ráo riết đầu tư vào thị trường bất động sản và ưu tiên tài trợ các tập đoàn kinh tế nhà nước, từ trung ương đến địa phương.
    Về Trung Cộng, ta nên mường tượng ra một ẩn dụ dễ nhớ: cái đầu muốn xoay (để còn… lãnh đạo thế giới) mà hai chân cứ chôn chặt xuống đất! Chân trái bị liệt vì dân số giảm, chân kia lại bị nạn lão hóa. Vì vậy, lãnh đạo bị tật “cố sải” là… sái cổ!
    Xin cùng nhìn rõ bệnh tình rắc rối của gã khổng lồ chân đất trong một bài quá dài – mà chưa hết!
    1/ Trước hết, việc cho vay lấy lãi và phân phối tín dụng (cho vay) đã có từ ngàn năm nên xứ nào – kể cả Trung Hoa ngày xưa - cũng có thể biết vai trò của hệ thống tài chánh ngân hàng. Then chốt chính là dòng tiền, chảy từ nơi thừa đến nơi thiếu. Trung Cộng lại phát minh ra sự lạ: lập ra nhiều ngả tài trợ “theo diện chánh sách” (Hà Nội rất hiểu chuyện này), để thực hiện các mục tiêu chính trị! Theo diện chánh sách là nhà nước thay thế vai trò cung cầu của thị trường khiến hệ thống tài chánh và ngân hàng bị lệch lạc và gặp nhiều ách tắc.
    2/ Sau thời cải cách từ Đặng Tiểu Bình, đà tăng trưởng của nền kinh tế khan hiếm và lạc hậu thời Mao đã tăng vọt (như tại mọi xứ bắt đầu theo quy luật tự do), và lên tới 10% một năm suốt ba thập niên. Khi đó, người ta thấy một trào lưu mới: thanh khoản (hiện kim, là tiền mặt) tràn ngập khắp nơi và dẫn tới hiện tượng giá cả bất động sản, gia cư, địa ốc lên vù vù. Hãy nghĩ tới dòng nước chảy mà thiếu sự điều tiết của thủy lợi: có nơi bị úng thủy, ngập nước, có nơi lại khô cạn. Trung Cộng để hiện tượng đó xảy ra do quy luật thị trường nửa vời. Nay vẫn còn!
    3/ Hậu quả của sự kiện bất thường đó là các hộ gia đình, công ty và cơ sở tài chánh ngân hàng, đều chạy theo làn sóng tiền nên làm giàu nhiều hơn những ai còn phân vân do dự. Rồi sau đấy, thấy có lời nhiều cơ sở lấy quá nhiều rủi ro rồi tan vỡ. Kinh tế học gọi đó là “thời Minsky” (tôi đã trình bày nhiều lần và sẽ nói nữa) là khi giá trị tài sản bỗng sụp đổ, gây ra nạn vỡ nợ dây chuyền vì người ta hồ hởi đi vay mà không nghĩ tới việc trả nợ, rồi bần thần trước sự thăng trầm khó hiểu của giá cả.
    4/ Đáng lẽ, lãnh đạo Trung Cộng phải sớm hiểu ra điều này từ khi Chu Dung Cơ còn làm Tổng lý Quốc vụ viện (Thủ tướng) dưới thời lãnh đạo của Giang Trạch Dân vì đã chứng kiến bao vụ vỡ nợ từ năm 2000. Sau đấy, Bắc Kinh phải thấy rằng việc cải cách cần tiếp tục để có những luồng tài trợ lành mạnh hơn và lấy lực đẩy là sức tiêu thụ nội địa thay vì đầu tư dư thừa rồi xuất cảng với giá bèo. Muốn thế, trong cơ cấu của Tổng sản lượng GDP, phần đóng góp của các hộ gia đình phải cao hơn và quy luật thị trường phải được giải phóng. Tập Cận Bình lại làm ngược và có khi sẽ châm bể bóng Trung Cộng mà cóc biết. Ngày nay, đáng lẽ các hộ gia đình phải khá giả hơn và có sức tiêu thụ cao hơn để bù vào sự thiếu hụt khi dân số sút giảm, chuyện đó không thể có! Lại còn cái của nợ quốc doanh:
    5/ Vì lý do ý thức hệ (triệu chứng bệnh điền đô là… đồ điên), lãnh đạo Bắc Kinh dồn mọi ưu tiên vào tập đoàn kinh tế nhà nước, do đảng lãnh đạo từ trung ương đến các địa phương. Ưu tiên nghĩa là được tài trợ dễ dàng với lãi suất rẻ hơn lãi suất trên thị trường, trong khi thường dân gửi tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng thì được tiền lời rất thấp và nếu xuất cảng cũng bị hối suất thấp. Đấy là hiện tượng bóc lột hiện đại hóa: chuyên chính vô sản là chuyên chính trên đầu giai cấp vô sản…
    6/ Mà để làm gì? Để chúng thành đầu máy kinh tế của cả nước, điền đô là vậy. Mà bệnh tình còn nguy hơn thế! Thí dụ? Đảng đòi tập đoàn quốc doanh phất cờ tiên phong trong một lãnh vực công nghiệp hiện đại, gọi là “cỗ xe của năng lượng mới”: chế tạo xe hơi chạy bằng điện hay xăng pha điện (hybrids). Thế mới thể biểu hiện nền kinh tế có lợi tức cao. Xin nhớ lại nhé, theo IMF 2022, tại Hoa lục sản lượng trung bình từ một người dân (hay năng suất) là chưa tới 1.300 đô la một năm! Tiêu chuẩn quốc tế: kiếm ra từ 10 tới 20 ngàn mới chỉ là cỡ trung bình…
    7/ Xoay ngược vấn đề: việc sung dụng (sung đương, phân phối) vốn đầu tư lệch lạc tại Trung Cộng cản trở tiến trình sáng tạo! Lý do? Các tập đoàn kinh tế quốc doanh là công cụ của đảng, bề nào cũng đã được ưu đãi, còn gây ra nạn ‘ỷ thế làm liều’ (“moral hazard”, một khái niệm từ giới bảo hiểm). Vì vậy, chúng khỏi cần cải thiện tổ chức hay sổ sách chi thu để quân bình ngân sách hầu có thể cạnh tranh trong một thị trường tự do. Đấy là mấy đứa con cầu tự to xác của Thiên tử đỏ và tha hồ lấy rủi ro vì có đảng chống lưng ở đằng sau! Cầm đầu các cơ sở đó phải là Trung ương Ủy viên, được Bộ Chính trị hậu thuẫn vì thi hành chánh sách của đảng.
    8/ Thật ra, Trung Cộng nắm nhiều lợi thế cho việc sáng tạo: có thị trường nội địa rộng lớn, có tầng lớp trẻ được đào tạo khá hơn về khoa học khả dĩ tham gia tiến trình nghiên cứu và phát triển ra thuật lý cao cấp lẫn hạ tầng luật lệ hầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Khốn nỗi lãnh đạo lại lộn đầu nên chẳng những không khai thác các ưu thế đó mà từ 2021 còn kiểm soát và trừng phạt tư doanh, (trường hợp các đại gia Alibaba và Tencent!) Đã vậy, việc lập ra doanh nghiệp mới với sáng kiến hiện đại lại còn khó hơn… leo lên giường hoàng hậu. Trở ngại thì bất tận: mạng lưới tài chánh quan liêu cứng ngắc như dây kẽm gai; hệ thống luật lệ mơ hồ chỉ có kẽ hở là tham nhũng; và muốn làm gì thì cũng phải có quan hệ tốt về chính trị.
    9/ Bị than phiền, Bắc Kinh nói sẽ sửa sai cho quy luật thị trường giải quyết việc sung dụng tư bản và lao động, hơn là cứ bảo vệ các tập đoàn nhà nước vốn chẳng có sáng kiến gì. Nhưng từ nói đến làm là khoảnh cách dài tới cung trăng: đảng nói xong lại làm ngược qua chánh sách nâng cấp công nghiệp với hàng loạt ưu tiên mới cho hệ thống quốc doanh! Ngần ấy lý do khiến Trung Cộng không thể tăng năng suất, mà tài nguyên thì vẫn ưu tiên trút vào bộ máy quốc doanh. Bị vặn hỏi, Bắc Kinh giải thích rành rọt: tập đoàn kinh tế nhà nước có trách nhiệm xã hội là tạo ra công ăn việc làm. Khác chi ngày xưa, khi họ xây dựng Vạn lý Trường thành nên cả triệu người… đã có việc làm!
    Bài đã quá dài mà chưa đi hết chặng đường khổ ải nên vẫn phải tạm kết luận:
    - Lãnh đạo Trung Cộng kiêu căng nghĩ là đã vẽ ra một mô hình mẫu mực cho các nước noi theo. Sai bét! Bắc Kinh chưa cải tổ cơ chế tài chánh ngân hàng để nâng mức tài trợ với năng suất cao hơn nên sẽ dậm chân tại chỗ, đà tăng trưởng thấp hơn 3%. Mà cả hai chân đều đang bị chôn dưới đất.
    - Thật ra, khi dân số sút giảm với tỷ lệ già lão cao hơn, lãnh đạo Bắc Kinh chưa tìm ra mô hình nào để… bắt chước. Nhưng, nhiều phạm trù cải cách kinh tế thì đã có sẵn ở mọi nơi, miễn là từ bỏ cái thói lấy chính trị chỉ đạo kinh tế.
    - Hóa ra, ý thức hệ của đám lãnh đạo hiện nay mới bị lão hóa.
    Kỳ sau, xin cố kết thúc (mong vậy!) với thị trường chứng khoán vật vờ và vai trò quá lớn của trái bóng gia cư địa ốc!
    May be an image of text
     
     
     
    theo dainamaxforrum
     
  13. Thời gian qua, một tin mới nghe có vẻ tầm thường, nhưng lại gây chấn động cả nước. Đó là tin một 'khinh khí cầu' Tầu cộng bay trên bầu trời Montana, rồi tiếp tục bay ngang qua đất Mỹ gần cả tuần, sau khi đã ra tới ngoài khơi biển South Carolina, mới bị bắn hạ.

        Câu chuyên đưa ra ánh sáng cả vạn câu hỏi mà không ai có câu trả lời, sẵn đó cũng phơi bày ra mối quan hệ đầy bí ẩn khó hiểu giữa Biden với Trung Cộng.

     

        Quan hệ Biden -TC nằm chình ình ngay trước mắt cả nước.

     

        Thế nhưng lại là bí mật lớn nhất mà chẳng ai hiểu rõ thực hư thế nào. Hay có hiểu thì cũng không dám nói ra, có thể vì là chuyện 'phe ta' với nhau giấu cho nhau, hay cũng có thể là chuyện quá lớn, không ai dám nói ra hết chi tiết vì sợ bứt giây động rừng?

       Có thể nói ngay trong lịch sử chính trị Mỹ, chưa có một tổng thống nào có những quan hệ mật thiết, lớn lao, nhưng lại đầy bí mật với một nước ngoài như cụ Biden với Tầu cộng hết. Mà nước ngoài đó lại là một trong những cường quốc đối địch nguy hiểm nhất của Mỹ. Một tình trạng độc nhất vô nhị, vô tiền mà chắc cũng sẽ khoán hậu luôn.

        Trước đây, TT Bush cha đã từng làm đại sứ Mỹ tại TC, dĩ nhiên quen biết rất nhiều đại quan và đại tài phiệt Tầu cộng, nhưng quan hệ của ông với Bắc Kinh, không ai thấy có gì đáng bàn. TT Trump bị phe ta và truyền thông loa phường Mỹ và nhất là truyền thông vẹt tị nạn, hô hoán ầm ĩ là đã có quan hệ đặc biệt gì đó với Tầu cộng, có thể là 'tay sai' Tầu Cộng, nhưng tất cả dĩ nhiên chỉ là chửi nhảm lăng nhăng và ấu trĩ. Cái phe đảng mỉa mai thô bạo nhất là truyền thông vẹt xúm lại tố cáo Trump là 'tay sai' cho TC khi con gái Trump được cấp đặc quyền thương hiệu vài món hàng để cản hàng nhái, cũng như sau khi cháu ngoại Trump hát vài câu tiếng Tầu tặng Tập Cận Bình, nhưng lại nín khe khi cha con Biden hợp tác kinh doanh, nhận được bạc trăm triệu của TC.

        Phải nói cho rõ, quan hệ đặc biệt giữa Biden và Tầu cộng có lẽ đã chỉ mới có từ sau khi cụ được Obama cho làm PTT, chứ trước đó, trong vai trò thượng nghị sĩ, có lẽ cụ đã chẳng 'sơ múi' được gì. Hay cũng có thể cụ đã 'sơ múi' gì rồi, nhưng kẻ này không biết đủ để bàn.

       Câu chuyện quan hệ với TC bắt đầu từ năm 2011, khi anh Hunter Biden cùng với hai đối tác kinh doanh, Devon Archer và James Bulger tháp tùng PTT Biden đi gặp chủ tịch Hồ Cẩm Đào tại Thượng Hải. 

       Devon Archer chính là người đã móc nối anh Hunter với chính quyền Ukraine, giúp anh Hunter được cái job độc đáo vô nhị, thành viên hội đồng quản trị công ty dầu khí lớn nhất Ukraine, Burisma, lãnh lương ngồi chơi xơi nước 50.000 đô một tháng. Burisma khi đó đang bị chính quyền Ukraine điều tra về tham nhũng. Hunter cầu cứu bố. PTT Biden bay qua Ukraine ép TT Ukraine sa thải công tố điều tra Burisma nếu không Mỹ sẽ ngưng không viện trợ một tỷ đô đã được thỏa thuận trước đó. Ukraine tá hỏa, sa thải công tố, công tố mới ra lệnh ngưng điều tra Burisma ngay lập tức, Ukraine nhận được một tỷ đô viện trợ. Trump bị đàn hặc vì nghi ngờ thông đồng đổi chác gì đó với Ukraine qua đúng một cú điện thoại. Biden công khai đổi chác, còn đấm ngực họp báo khoe thành tích với cả thế giới, nhưng chẳng bị truy tố gì.

       James Bulger là con trai của trùm mafia Massachusetts Whitey Bulger, khi đó đang chịu hai án chung thân vì đủ thứ tội, kể cả tội giết 19 người (Whitey Bulger chết trong tù năm 2018 khi 89 tuổi). Không ai hiểu tại sao con của trùm mafia tội nặng như vậy mà lại là đối tác kinh doanh với con trai phó tổng thống và được tháp tùng phó tổng thống đi gặp lãnh tụ Tầu cộng. 

        Nhưng ai cũng hiểu con của PTT lấy tiền từ đâu ra để thành lập công ty lấy tên là Rosemont Seneca làm ăn với Ukraine, và sau đó tiếp tục làm ăn lớn với TC. Nôm na ra, công ty này được thành lập với vốn tiên khởi là tiền của mafia Bulger và phát triển nhờ quan hệ lớn của Hunter, con trai PTT Mỹ.

       Năm 2013, PTT Biden viếng thăm TC lần nữa. Cùng đi trong chuyến bay có tổng giám đốc công ty đầu tư Rosemont Seneca Partners LLC, tức là cậu quý tử Hunter. Trong chuyến viếng thăm, công ty Rosemont Seneca ký một hợp đồng hợp tác với Ngân Hàng Trung Quốc, -Bank of China- là ngân hàng quốc doanh lớn nhất của TC, mang về cho Rosemont 1 tỷ đô do Bank of China đầu tư vào. Ít lâu sau, hai bên thương thảo, gia tăng số tiền đầu tư của Bank of China lên tới 1,5 tỷ đô. Rồi Rosemont Seneca và Bank of China, cùng góp vốn thành lập một công ty mới lấy tên là Bohai Harvest RST, trong đó hầu hết vốn là của Bank of China, nhưng Hunter Biden làm tổng giám đốc. Công ty này chuyên làm môi giới giúp các đại gia Tầu đầu tư mua địa ốc hay mua cổ phần công ty Mỹ. Nói trắng ra, Bohai là công ty giúp các tài phiệt Tầu cộng rửa tiền tham nhũng trong thị trường địa ốc và chứng khoán Mỹ.

        Bohai trên nguyên tắc là công ty hợp doanh giữa Hunter Biden và Bank of China. Trên thực tế, vốn tiên khởi của Bohai do Bank of China cung cấp 100%, kể cả số tiền vốn tiên khởi của cá nhân Hunter cũng là tiền của Bank of China 'tặng' cho Hunter, chưa kể sau này tin bị tiết lộ ra là Bank of China cũng tặng riêng Hunter 13 triệu đô tiền mặt xài chơi.

        Mọi giao dịch với Bank of China đều qua trung gian của một tài phiệt TC tên là Che Feng. Ông này không ai khác hơn, chính là con trai thống đốc Bank of China.

    https://issuesinsights.com/2022/01/28/why-do-media-ignore-biden-familys-corruption/

        Sau đó, Bohai Harvest RST đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư cùng công ty Aviation Industry Corporation of China (AVIC) mua công ty Henniges của Mỹ. AVIC mua 51% cổ phần, kiểm soát công ty, và anh Hunter Biden mua 49% còn lại. Để hiểu rõ tầm mức quan trọng của việc này, ta cần phải biết hai công ty này là gì.

        AVIC là công ty thầu của hồng quân TC –chinese military contractor-, đã bị nhiều báo tố cáo là thủ phạm ăn cắp kỹ thuật quân sự -military technology- lớn nhất thế giới, trong khi Henniges là công Mỹ chuyên sản xuất đồ phụ tùng điện tử tối tân nhất cho các máy xe hơi và máy bay. Nói cách khác, con trai PTT Biden thu xếp và yểm trợ tài chánh cho một công ty của hồng quân TC mua một công ty chuyên sản xuất máy móc quốc phòng Mỹ. Cuộc trao đổi khét lẹt mùi vi phạm an ninh quốc gia, nhưng lại được bộ Quốc Phòng của TT Obama phê chuẩn ngay lập tức, có thể là sau một hai cú điện thoại của cụ phó Biden?

        Chưa hết. Như mọi người đều biết, TC đã và đang đàn áp khối Hồi giáo tại Tân Cương một cách tàn bạo nhất. Một trong những phương thức theo dõi để bắt các nhóm chống đối là qua một thiết bị đặc biệt trên điện thoại di động hay qua các trang mạng xã hội –social media- như facebook, twitter,… Thiết bị này giúp chụp hình những người biểu tình, rồi nhận diện họ qua hồ sơ lý lịch công an đã có trên tất cả mọi người dân.

        Một công ty TC có tên là Face++ dùng kỹ thuật đặc biệt trên để giúp chính quyền TC theo dõi dân Hồi giáo Tân Cương. Công ty Face++ này được tài trợ một phần bởi Jack Ma, tỷ phú đảng viên đảng CSTC, chủ của Alibaba, là một công ty bán hàng trên mạng tương tự như Amazon của Mỹ. Điều ít người biết là Face++ cũng được tài trợ một phần bởi công ty Bohai Harvest RST mà tổng giám đốc không ai khác hơn là anh Hunter Biden.

        Theo tin báo chí, nhờ cách theo dõi này mà TC đã kềm kẹp được sự nổi loạn của dân Hồi giáo Tân Cương, và người ta ước lượng TC đã cầm tù khoảng từ 1 đến 3 triệu người Hồi tại đây. Nói cách khác, con trai cụ Biden đã dính líu gián tiếp đến bộ máy đàn áp khủng khiếp của Tầu cộng. Trong khi cụ Biden công khai ca tụng “TC rất tốt”.

        Quan hệ giữa cậu ấm Hunter với TC khắn khít như thế nào, cả thế giới đều biết, cũng như cả thế giới đều biết Hunter đã bỏ túi không biết bao nhiêu trăm triệu tiền Tầu cộng. Tuy nhiên, quan hệ giữa chính cụ Biden với TC thì lại hoàn toàn được bao phủ bởi cả chục lớp vải che kín mít  mà cho đến nay, chưa ai thấy gì cụ thể hết. Chỉ thấy vài triệu chứng khả nghi tuy khá rõ, như:

     

    • các liên lạc emails giữa Hunter và các đại quan đỏ Tầu cộng tìm thấy được trong laptop của Hunter luôn đề cập đến một phần huê hồng đặc biệt 10% cho một 'đại ca' bí mật không nêu tên, mà ai cũng biết đó chính là PTT Joe Biden;
    • qua trung gian của Hunter, PTT Biden khi đó đã tiếp kiến nhiều đại gia đỏ Tầu cộng, và rất có thể đã giúp dễ dãi hóa nhiều giao dịch kinh doanh bí ẩn bạc trăm triệu hay bạc tỷ trong hậu trường;
    • chính PTT Biden đã nhiều lần can thiệp và giới thiệu con nhiều đại quan đỏ TC vào học trong các trường đại học lớn của Mỹ;
    • giấy khai thuế của Hunter tiết lộ anh ta ở chung nhà với bố, nhưng phải trả tiền gọi là 'thuê phòng ngủ' tới 50.000 đô một tháng (!) cho bố. Người u tối nhất cũng thấy ngay đó là cách 'chuyển tiền' sơ đẳng nhất từ tay TC qua Hunter, rồi từ Hunter qua bố anh ta.

     

        [Tác giả Peter Schweizer đã viết một cuốn sách rất chi tiết về quan hệ kinh doanh giữa gia đình Biden với Tầu cộng, tên là 'Red-Handed', quý độc giả cần tìm mua trên Amazon để biết rõ hơn quan hệ lem nhem giữa Tầu cộng với Joe Biden, ông em Jim Biden, và ông quý tử Hunter Biden.]
     
        Đó là những chuyện thời Biden còn làm phó cho Obama. Không ai biết rõ quan hệ tham nhũng giữa Biden và Tầu cộng có hay không và nếu có, lên tới bao nhiêu. 
     
        Nhưng có một chuyện rất rõ ràng là thái độ của chính cụ Biden với Tầu cộng, hết sức thân thiện. Điển hình là một số chuyện dưới đây:
    • Cụ Biden đã từng xác nhận “TC không phải là đối thủ cạnh tranh gì với Mỹ (no competitor) mà là bạn tốt (good friend) của Mỹ… TC không phải là một đe dọa gì với Mỹ”. 
    • 27/1/2020 (3 tuần lễ sau khi TT Trump cảnh giác dân Mỹ không nên đi du lịch Tầu vì dịch COVID bắt đầu phát tác bên Tầu): cụ Biden ca tụng Trung Cộng đã rất trong sáng và cụ tiếp tay công bố cho cả thế giới biết tin TC đã kềm chế được dịch khi số người bị nhiễm trong tỉnh Vũ Hán rất ít, và khẳng định không có lý do gì không du lịch TC.
    • 31/1/2020: TT Trump ra lệnh cấm không cho du khách Tầu vào Mỹ; với những người có lý do chính đáng cần phải vào Mỹ, hay với dân Mỹ gốc Tầu về Tầu ăn Tết cần về lại nhà ở Mỹ, thì ông bắt họ phải chịu cấm cung 14 ngày sau khi vào Mỹ lại. TT Trump cũng ra lệnh cho bộ Y Tế ban hành tình trạng khẩn trương và thành lập một ủy ban đặc nhiệm đối phó với dịch do PTT Pence cầm đầu cùng với bác sĩ Fauci. Cùng ngày đó, cụ Biden trong một bài diễn văn đọc tại Iowa, công kích ngay TT Trump lấy quyết định mang tính bài ngoại cuồng điên và hù dọa (hysterical xenophobia and fearmongering). 
    • Dưới thời Trump, thuế quan trên một số hàng nhập cảng từ TC qua Mỹ đã bị đánh thuế nhập khá cao, tất nhiên với dụng ý cản việc nhập những hàng này để bảo vệ kỹ nghệ Mỹ và công ăn việc làm cho lao động Mỹ. Biden khi ra tranh cử đã chống lại những biện pháp này và sau khi đắc cử, đã nhiều lần tìm cách thu hồi những tăng thuế quan này. Tuy nhiên nói dễ làm khó, cho đến nay Biden vẫn chưa thực hiện được ý định vì việc tăng thuế quan của Trump thực sự đã chặn bớt hàng giả, hàng nhái, hàng rẻ tiền, hàng có hại,... của Tầu cộng khá nhiều trong khi giúp công nghệ Mỹ không ít, nên Biden vẫn chưa dám thu hồi những gia tăng thuế quan đó, sẽ bị các nghiệp đoàn Mỹ chống.
    • Vài con vẹt sỉ vả Trump đã thu hồi thỏa thuận Liên Thái Bình Dương TPP rất có hại cho TC, và Biden sẽ phục hồi lại đúng như cụ hứa hẹn khi ra tranh cử, nhưng hai năm sau khi đắc cử, chưa ai thấy tăm hơi TPP đâu hết, vì Biden biết rõ các nghiệp đoàn sẽ chống rất mạnh; đám vẹt ngọng im thin thít. Xin nhắc lại, ngay cả Obama cũng không dám mang thỏa thuận TPP ra cho thượng viện phê chuẩn vì biết sẽ không đủ phiếu phê chuẩn, chơi mánh, xếp TPP vào loại sắc lệnh của hành pháp nên bị Trump thu hồi dễ dàng.
    • Trong vụ dịch COVID, cả thế giới muốn biết vi khuẩn COVID ở đâu ra, từ dơi trong hang núi như TC giải thích? Hay từ các phòng thí nghiệm Vũ Hán? Tất cả các phái đoàn điều tra của Mỹ, Tây Âu hay cả Tổ Chức Y Tế Quốc Tế đều không có câu trả lời chỉ vì TC không hợp tác, không cho họ điều tra đầy đủ tại chỗ. Và trong câu chuyện này, Biden là người dễ dãi với TC nhất, sẵn sàng 'thông cảm' với thái độ bất hợp tác không cho điều tra của nhà cầm quyền TC.
        Thái độ thân thiện của Biden đối với Trung Cộng hiển nhiên phản ảnh một quan hệ không bình thường. Chưa khi nào một TT Mỹ lại có thể thân thiện quá đáng như vậy với Tầu cộng, nhất là trong khi đó, TC công khai có những hành động khiêu khích, thách đố Mỹ. Cái thân thiện đó có phải lả hậu quả tất nhiên của việc ăn tiền Tầu quá nhiều, há miệng mắc quai, tất phải trả lễ không? Đây chính là một trong những khúc mắc lớn mà hạ viện nhiệm kỳ mới này sẽ điều tra và muốn mang ra ánh sáng. Ta chờ xem.
     
        Trong khi đó thì trái lại, TC đáp trả lại với thái độ chẳng có gì là thân thiện với chính quyền Biden hết. Trái lại, chưa khi nào TC lại có vẻ lấn lướt, tìm cách ngồi trên đầu Mỹ như bây giờ. Hai thái độ khác biệt của Biden và Bắc Kinh dường như xác nhận việc TC quả đã mua chuộc, đấm mõm cha con Biden rất nặng nên một mặt Biden khúm núm, trong khi mặt khác TC lại lớn lối thô bạo nhất.
     
       Trong hai năm qua, nhất là trong một năm qua, TC đã thách thức, cho phản lực chiến đấu cũng như oanh tạc cơ bay sát không phận Đài Loan, rất nhiều lần, có khi một vài chiếc máy bay lẻ, có khi cả phi đoàn, thậm chí, có khi cho thao dợt, tập trận lớn với hải quân và không quân sát bên cạnh lãnh hải Đài Loan, coi như nắn gân, xem phản ứng của Biden như thế nào. Bị chạm phải nọc, hay có tật nên giật mình, Biden phản ứng quá trớn khiến các phụ tá chạy theo cải chính và giải thích chối chết. Ngay sau khi TC biểu dương lực lượng, cụ Biden hùng hổ lên tiếng Mỹ sẽ nhẩy vào cứu Đài Loan ngay nếu TC tấn công Đài Loan. Ngay sau đó, các phụ tá phải hấp tấp phân bua giải thích Mỹ sẽ tôn trọng luật lệ hiện hành do quốc hội ban hành liên quan đến việc bảo vệ Đài Loan. Nôm na ra, luật hiện hành chỉ cho phép Mỹ viện trợ quân sự phòng vệ cần thiết để Đài Loan tự bảo vệ, chứ cấm không cho Mỹ 'tung TQLC nhẩy vào cứu Đài Loan'.
     
       Việc nắn gân Biden mới đây, như mọi người đều đã thấy quá rõ, đã leo thang lên một mức mới qua việc TC thả bong bóng khinh khí cầu bay xuyên Mỹ, từ mõm Alaska bay ngang 4.500 dặm lãnh thổ Mỹ xuống tuốt tới ngoài khơi South Carolina, nơi bong bóng cuối cùng bị bắn rớt.
     
        Việc khinh khí cầu, mà sau này bộ Quốc Phòng cho biết là có gắn máy móc tối tân nhất để thu thập những liên lạc truyền tin qua internet và điện thoại của Mỹ dưới đất, lang thang đi ngao du từ cực tây bắc Alaska xuống tới đông nam South Carolina, tà tà bay lượn chụp cả triệu triệu tấm hình các căn cứ quân sự chuyển về Bắc Kinh mà Mỹ ngồi yên, án binh bất bất động là chuyện cực khó hiểu, bất kể chính quyền Biden cố vặn vẹo giải thích cách nào nghe cũng không lọt tai. Bị công kích quá mạnh, Biden tìm cách vớt vát uy tín bằng cách... phản ứng sảng, bất thình lình ra lệnh bộ Quốc pHòng bắn sảng 3 'vật lạ' cho dù chưa biết đó là những 'vật gì'.
     
    AVvXsEgy8VL-qJkRBnNvzIcHaM9ldk6HtIKVh8-R
        Một bong bóng không dám bắn rớt vì sợ mảnh sẽ rớt trúng đầu dân. Thế nếu như TC cho bay qua một oanh tạc cơ khổng lồ cỡ B-52 ngang đất Mỹ, Biden có dám bắn không, hay sợ mảnh rớt trúng dân nên cứ để yên cho oanh tạc bay chơi, hay thả bom luôn nếu muốn. Rồi sau đó, chính quyền Biden vặn vẹo lại, cho đó là chuyện nhỏ, đã thường xẩy ra rất nhiều lần, dưới thời... Trump! Vẫn mô thức đổ thừa vừa rẻ tiền vừa vô căn cứ vừa... trẻ con, chẳng ai thèm để ý. Cho dù có xẩy ra dưới thời Trump thì cũng không có nghĩa là bây giờ tha hồ xẩy ra dưới Biden. Đúng là bá láp!
     
        Biden cũng loay hoay giảng giải chuyện khinh khí cầu chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện công khai thô bạo xâm phạm không phận như chỗ không người KHÔNG khi nào có thể là chuyện nhỏ được. Khiến ta nhớ lại đầu năm 2022, khi có tin Nga có thể xâm lăng Ukraine, được hỏi về thái độ của Mỹ, Biden đã trả lời đại khái sẽ cứu xét, nếu là xâm phạm chủ quyền chút chút, chuyện nhỏ thì không kể, nhưng nếu Nga làm lớn, đánh lớn, Mỹ sẽ có phản ứng. Tuyên bố của Biden ngay sau đó bị TT Zelensky công kích mạnh. Ông Zelensky tuyên bố "không bao giờ có chuyện xâm phạm chủ quyền 'nhỏ' hết, xâm phạm nhỏ đến đâu cũng là xâm phạm không chấp nhận được". Ngay sau đó, Biden ê mặt, bèn lúng túng cải chính, giải thích ông không có ý định coi thường việc xâm phạm chủ quyền.
     
        Một TT đại cường với nửa thế kỷ kinh nghiệm lăn lộn trong chính trường bị một anh TT xuất thân là 'danh hài' dạy cho bài học chính trị sơ đẳng lớp mẫu giáo. Thật ê mặt!
     
        TC có là mối nguy cho Mỹ không? Nếu nói về mối nguy TC mang Hồng Quân đánh thẳng vào Mỹ thì không, TC không trực tiếp đe dọa Mỹ và sẽ không có chuyện TC đánh thẳng vào đất Mỹ bằng lục quân hay không quân hay hải quân. Nhưng thực tế là chúng ta đang trực diện một cuộc chiến thật giữa Mỹ và TC, tuy cuộc chiến này không có súng đạn, không có người chết.
     
        Một cuộc chiến tranh 'lạnh' nhưng rất thật đã diễn ra cả mấy chục năm qua, khi TC tìm đủ cách áp đặt ảnh hưởng lên càng nhiều quốc gia trên thế giới càng tốt, ảnh hưởng chính trị cũng như ảnh hưởng kinh tế, tài chánh, cố lấn át ảnh hưởng của Mỹ. Mà phải nói là trong cuộc chiến tranh lạnh âm thầm này, TC đã đi từ thành công này tới thành công khác trong khi ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới ngày càng thối lui. Một cách thực tế nhất, có thể nói TC từng bước từng bước, đã tung người ra chiếm cả thế giới, và họ đã đạt được những kết quả khả quan nhất. Trong khi Mỹ và Tây Âu lơ là hay bỏ qua thế giới chậm tiến như Phi Châu, Nam Mỹ, vì những xứ này nghèo rớt mùng tơi, không có đô-la mua hàng Âu Mỹ, thì TC bây giờ coi như đã hoàn toàn thống trị thế giới đó, trên phương diện kinh tế cũng như chính trị. Khách du lịch đi Phi Châu hay Nam Mỹ, vào bất cứ siêu thị nào cũng chỉ thấy toàn là hàng ma-dzê in Sai-na, ngoài đường toàn xe đạp, xe gắn máy, xe hơi, xe tải cũng của Tầu hết. Hầu hết các đập nước, nhà máy điện, máy nước, hải cảng, phi trường,... đều do Tầu xây. Các hầm mỏ đều do Tầu khai thác. Phần lớn các lãnh tụ đều đầy tiền Tầu trong túi. TC mua được cha con Biden thì không thể nào không mua được một anh TT Phi Châu. Đúng như dân Mỹ thường nói "Cái gì không mua được bằng tiền, sẽ mua được bằng rất nhiều tiền". Và TC đã rất chịu khó chi. Mà khác xa với Mỹ, khi chi, không bao giờ đòi hỏi những chuyện vớ vẩn như dân quyền, nhân quyền, tự do bầu bán, tự do báo chí, tự do chính trị,...
     
        Tóm lại, trong cuộc chiến 'lạnh' này, Mỹ đang từ thua tới thua, thảm bại nặng.
     
        Cuộc chiến này có lan tới Mỹ không? Ai cũng biết câu trả lời là có, TC đã tung không biết bao nhiêu hàng giả, hàng nhái, hàng rẻ tiền vào khuynh đảo kinh tế Mỹ. Đại siêu thị Wal-Mart điển hình nhất khi đại đa số hàng tại đây đều là hàng rẻ tiền ma-dzê in Sai-na. Chưa kể tới ngay cả những hàng kỹ nghệ tiên tiến nhất như computer, dụng cụ khoa học, ... Cũng chưa kể những thâm nhập văn hóa qua các cái gọi là Viện Khổng Tử. Mà cuộc chiến này chẳng có gì mới lạ hết, có thể nói đã bắt đầu ít nhất cũng từ thời Clinton, mà các TT Clinton, Bush con và Obama lơ mơ không dám hay không biết phản ứng cách nào. Phải đợi tới thời ông thần Trump mới thấy Mỹ ra tay, có biện pháp như tăng thuế quan hàng Tầu hay đóng cửa Viện Khổng Tử để chặn bớt cái gặm nhấm kinh tế/văn hóa cực hại này của chuột cống Tầu. Với cụ Biden, ít ai tin cụ sẽ dám làm như Trump, chẳng những vì không đủ cứng cựa như Trump, mà cũng vì trong túi còn nặng chĩu tiền Tầu.
     
        Thực tế là Tầu đang từng bước xâm chiếm và thống trị Mỹ. Nhiều người sẽ gân cổ cãi, nói Tầu chiếm Mỹ là tào lao, vớ vẩn. Trước đây, Trump tuyên bố "không có Trump, TC sẽ chiếm Mỹ". Bây giờ, nhiều cụ vẹt mỉa mai hỏi "Ủa thế lính TC đâu, sao vẫn chưa thấy?". Đúng là nhận định ngớ ngẩn. Thực tế thời đại này, không cần phải có quan thái thú người Tầu nói tiếng Tầu ngồi trong Tòa Bạch Ốc và lính Tầu đi tuần trên đường phố Washington DC mới nói là Tầu đã chiếm được Mỹ. Khi phó tổng thống còn ngồi trong Tòa Bạch Ốc mà cậu quý tử bỏ túi cả trăm triệu đô tiền đấm mõm Tầu thì như vậy là đủ. Khi phó tổng thống rời Tòa Bạch Ốc, ra làm việc trong Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Sách Đối Ngoại Mỹ, với tiền Tầu tài trợ, thì như vậy là đủ. Khi TT Mỹ ra biện pháp chống COVID bất lợi cho Tầu mà ông cựu PTT Biden lên tiếng công kích để bênh vực Tầu, thì như vậy là đủ. Khi dân Mỹ muốn điều tra xem vi khuẩn ở đâu ra mà Tầu không cho phép rồi Biden đồng ý không cần thiết, thì như vậy là đủ. Khi Tầu có thể cho khinh khí cầu gián điệp lang thang khắp nước Mỹ cả tuần, vô tội vạ, thì như vậy là đủ. Khi TT liên tục tung ra những chính sách có lợi cho Tầu hay không dám đụng đến quyền lợi Tầu, như vậy là đủ. Ai cần một Chú Ba áo thung ba lỗ nào ngồi trong Phòng Bầu Dục làm gì nữa?
     
        Câu hỏi lớn nữa: TC có đánh chiếm Đài Loan không và Biden sẽ làm gì? Tính toán của Tập dĩ nhiên cao vời vợi, dựa trên cả vạn yếu tố và dữ kiện mà không ai biết rõ, nên chẳng ai có thể đoán mò được Tập sẽ đánh Đài Loan hay không. Một phần lớn sẽ tùy thuộc Tập đánh giá Biden như thế nào, cọp giấy hay cọp thật nhưng già khụm? Giám đốc CIA cho biết Tập đã ra chỉ thị Hồng Quân phải sẵn sàng để tiến chiếm Đài Loan vào năm 2027 muộn nhất. Một tướng không quân Mỹ dự đoán chiến tranh Mỹ-TC sẽ xẩy ra muộn nhất vào năm 2025.
     
        Chỉ biết nếu Tập đánh Đài Loan thật, Biden sẽ phản ứng không khác gì đã phản ứng với chiến tranh Ukraine: 1) đe dọa sẽ phản ứng mạnh chống TC rồi chùm mền trốn, 2) hấp tấp gửi trực thăng mời bà TT Thái Anh Văn nhẩy lên đi Mỹ tị nạn, và nếu bà từ chối, sẽ 3) đảo lưỡi, ồn ào tuyên bố nhất trí sát cánh giúp Đài Loan chống xâm lăng, viện trợ cả vạn tấn súng đạn cũ thừa mứa đang chồng chất trong các nhà kho, để có chỗ cho súng đạn mới chế tạo và mới sản xuất. Kịch bản này được dựa trên những gì đã xẩy ra tại Ukraine. Trên thực tế, nếu TC đánh Đài Loan thật, có nhiều triển vọng Đài Loan sẽ không ngồi yên chịu trận, mà trái lại sẽ tấn công lại, đánh thẳng vào lục địa bằng không quân, hỏa tiễn, hải quân, có khi đổ bộ cả lính TQLC luôn. Khi đó thì Biden sẽ bức tóc khóc ròng, không biết phải làm gì trước một đại chiến Tầu cộng đánh nhau với Tầu quốc.
     
        Câu hỏi lớn cuối cùng: giữa Tập và Putin, tay nào là đe dọa lớn cho Mỹ?
     
       Cả hai tay dĩ nhiên đều coi Mỹ như kể thù và tìm cách quậy phá, nhưng hai cách quậy khác nhau rất xa. Như báo cáo của công tố Mueller cho thấy, Putin muốn khuynh đảo các cuộc bầu tổng thống, trong khi Tập không để ý đến chuyện đó mà lo bò từ hạ tầng bằng cách tung ra hàng nhái, hàng rẻ tiền để gặm nhấm kinh tế Mỹ, cũng như tìm cách đầu độc giới trẻ Mỹ qua các Viện Khổng Tử trong các trường đại học, hay công khai tài trợ các công trình nghiên cứu của các đại học, hay chiêu dụ các chuyên gia mỹ gốc Tầu làm việc cho Bắc Kinh, ăn cắp kỹ thuật cho Bắc Kinh. Putin có vẻ đã thất bại trong khi Tập có vẻ thành công hơn nhiều. Và cái đáng nói là sách lược của Tập nguy hại cho nước Mỹ hơn xa phương thức của Putin. Dù sao, thì cả hai đều đáng được theo dõi kỹ, không thể lơ là. Cần theo dõi kỹ, nhưng đáng tiếc cụ lãnh đạo nước Mỹ hiện nay mắt lại bị quáng gà, lem nhem, chẳng nhìn thấy gì rõ ràng.
     
        Chính trường quốc tế hiện nay, ai cũng thấy có ba con cọp lớn nhất rình thịt nhau. Một con cọp đã ra tay thô bạo nhất, đang tìm mọi cách nuốt anh láng giềng khổng lồ Ukraine. Một con cọp khác đang lẳng lặng 'du kích chiến' gặm nhấm từng mảng của thế giới và đang thành công lớn. Và một con cọp giấy lờ mờ đang đi tìm thuốc chống alzheimer. Quý độc giả nào đang ăn ngon ngủ yên, xin giơ tay!
     
    theo diendantraichieu
     
     
     
  14. Lời Mở Đầu: Bước vào năm mới, như 2023 hay Quý Mão (theo ‘âm dương lịch’), người ta thường đưa ra các dự báo. Nhưng nên là loại dự báo toàn diện vì cần chú trọng đến các lãnh vực hay quốc gia có nhiều ảnh hưởng nhất đến cục diện toàn cầu.
    Về đại thể, bốn bài toán chính của năm mới là a) biến động kinh tế thế giới; b) do cuộc chiến tại Ukraine; c) di sản của trận đại dịch; d) và nhiều xoay chuyển của các chu kỳ kinh doanh. Nhưng mấy vấn đề ấy lại gặp sự cộng hưởng của khủng hoảng kinh tế Trung Cộng vì sức nặng của xứ này, cho nên nhiều khu vực và quốc gia đều phải cùng ứng phó không chỉ năm nay mà qua các năm tới. Vì vậy, ta sẽ khởi đi từ Trung Cộng, dù hơi dài qua nhiều bài liên tục…
    1/ Đầu tiên, trước khi thế giới nói tới rủi ro lạm phát tại Hoa Kỳ từ đầu năm 2021, hay nguy cơ chiến tranh tại Ukraine vào đầu năm 2022, thì dịch bệnh đã xuất phát tại Vũ Hán từ mùa Thu 2019 trước khi trở thành đại dịch toàn cầu, gọi là COVID-19. Suốt mấy năm đó, lãnh đạo Bắc Kinh thản nhiên phủ nhận mọi sự dưới vỏ bọc là chánh sách “Không COVID”. Chỉ có ba năm!
    2/ Tới Tháng 11 2022, trong ba ngày 25-27, dân Trung Quốc ào ạt biểu tình phản đối các biện pháp “Không COVID”, ồn ào như thời 1989. Đến 30 Tháng 11, tang lễ Giang Trạch Dân là cơ hội họ nghe tin đồn sẽ bỏ chính sách Không COVID, được chính thức thông báo ngày 07/12. Giữa các biến cố ấy là Đại hội Khóa 20 của đảng vào Tháng 10, khi Tập Cận Bình thâu tóm mọi quyền bính đã nắm chặt từ cuối năm 2012.
    3/ Tức là trên ngai vàng sau Đại hội 20, họ Tập bỗng lùi bước! Nội có một tháng, Tập Hoàng đế bỗng… giải đế. Vì sao thế? Ta có thể đoán sai khi tưởng lãnh đạo Bắc Kinh sẽ giữ thể diện và duy trì ít ra thêm năm sáu tháng các biện pháp do họ Tập đã chính thức ban hành. Ta đoán sai vì quên quy luật của một đảng toàn trị: ‘đảng mà nói không thì sẽ có’! Họ Tập thấy ra nhiều vấn đề nguy hại hơn là giữ thể diện. Giải đế là… để dế ra ngoài!
    4/ Nếu tò mò theo dõi nhiều nguồn tin (‘nghề của chàng’!), ta thấy ra một sự lạ sau biến cố Tháng 11: đám nữ sinh viên ưu tú lao vào cuộc đấu tranh dù không hề chuẩn bị và chẳng có tổ chức lãnh đạo tập trung. Họ tự phát nổi dậy dù bị răn đe hăm dọa và đang cùng trao đổi kinh nghiệm đấu tranh trong một hoàn cảnh mới. Lớp thiếu nữ cỡ 20 tuổi, đang tốt nghiệp các đại học tinh hoa nhất của chế độ, lại liên lạc với nhau và với bên ngoài để nói ra sự thật. Họ không thể lật đổ chế độ nhưng làm chế độ giật mình: Trung Cộng gặp một hiện tượng dân số kỳ lạ (sẽ nói sau) là… trai thừa gái thiếu! Nếu đám con gái tinh hoa của chế độ, lại phản đối hiện tại thì tương lai là gì?
    5/ Chế độ tự xưng là quy tụ giai cấp ưu tú, nay giữ độc quyền toàn trị để ổn định xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng. Nhưng vụ đại dịch và sự chống đối bất ngờ của các nữ sinh viên học giỏi nhất và ái quốc nhất đang phất cờ đỏ để phản đối làm lãnh đạo bàng hoàng. Tập Hoàng đế không thể không giật mình trên ngai vì biết rõ nan đề dân số sâu xa của xã hội. Nếu ngần ấy bài toán lại dồn làm một thì Hoàng đế chỉ ngồi thêm có năm năm thôi.
    6/ Trong một tháng đắn đo, họ Tập cho gỡ bỏ chính sách Không COVID thì bị thực tế đập vào mặt: số tử vong vì đại dịch cao bất ngờ và tang ma dồn dập của các nạn nhân – yếu tố văn hóa Trung Hoa – cũng gây vấn đề chính trị cho chế độ. Các đảng viên cao cấp khác có biết đếm. Họ nêu câu hỏi, “bay giờ, ai là người chịu trách nhiệm”?
    7/ Tập Hoàng đế đã thủ rất kín, với Thường vụ Bộ Chính Trị, BCT và các ban bệ kiểm soát và kỷ luật của Trung ương, ít ra cho tới Đại hội 21, năm 2027. Mà kỳ hạn đó cũng là năm năm để phần nào giải tỏa một số ách tắc về dân số. Nếu không thì hố! Sau 10 năm tập trung quyền bính với biện pháp khắc nghiệp cho bất cứ ai không đồng ý, Tập Cận Bình mà xả hay xiết đều gặp bất lợi. Việc công khai hạ nhục Hồ Cẩm Đào và cho Lý Khắc Cường ra đường là kinh nghiệm nóng cho nhiều người.
    Chúng ta kết luận làm sao bây giờ? Sau đây là vài ý khởi đầu:
    - Cục diện 2023 bao trùm lên ba bốn vấn đề đều nan giải như nhau và thế giới phải mất nhiều năm mới có hướng xoay trở.
    - Nhưng thế giới không chờ đợi Tập Cận Bình vượt qua sóng gió để sẽ lại hống hách dạy dỗ và uy hiếp thiên hạ. Thế giới đang tìm cách thoát khỏi “hiệu ứng Trung Cộng”.
    - Nếu họ Tập trở lại chiến lược đồng thuận thời Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào thì cũng kẹt. Mà tiếp tục chế độ hăm dọa và tập trung quyền lực cho cá nhân mình lại càng khó hơn. Cho tới 2027 thì cũng sẽ bị hất.
    - Tập Cận Bình có thể xoay trở giữa hai ngả “mềm” và “cứng”, mà chưa chắc đã thành công vì thiếu sự khiêm cung sau 10 năm làm vua. Các đảng viên khác đều biết và chờ đợi ở từng ngã rẽ để xây dựng thế lực riêng...
    - Và bài toán dân số sẽ là một nhắc nhở về nhiều thất bại của Tập Cận Bình. Kỳ sau, chúng ta sẽ nói về các bài toán đó…
    __
    (Cuối cùng sẽ lại gặp Mao! Nikkei-Asia)
    May be an image of 2 people, people standing and text
     
    theo dainamaxforum
     
     
     
  15. 327213843_735802321581758_92053983763786

    Hình mục sư Thomas Gresham (1519-1579)

     

    Vùng Oanh Kích Tự Do:
    Nguyễn-Xuân Nghĩa (Tuần báo Sống 150727)

    Kinh tế chính trị học của thông tin

    Để khỏi bị lầm người vì trùng tên, người viết tầm thường này được bằng hữu ban cho hỗn danh là “chuyên gia kinh tế”. Lâu dần thì mình lại tưởng thật! Nên rất hỗn mà đề nghị một quy luật xuất phát từ bộ môn kinh tế.

    Trong kinh tế học, người ta có “Định luật Gresham”, từ tên một nhân vật lịch sử của Anh là Thomas Gresham (1519-1579). Một nền kinh tế có thể dùng hai đơn vị tiền tệ song hành, và định luật này xảy ra khi một đồng được nống giá nên có giá ảo và đồng kia bị ghìm giá. Gặp trường hợp đó thì “đồng bạc xấu đuổi đồng bạc tốt”. Người có tiền thì chỉ xài ra đồng bạc ảo và giữ lại đồng bạc kia cho nên thị trường sau đó chỉ có toàn là bạc giả.

    Vi chẳng ai đọc cột báo này để chơi stock nên nhà kinh tế của quý độc giả bèn xoay về chuyện nhà… nó.

    Chuyện Việt Nam.

    Ứng dụng vào thị trường tin tức của Việt Nam, “Định luật Gresham” có thể được Việt hóa như sau: “Trong một xã hội mà nhà nước kiểm soát tin tức thì tin đồn đẩy tin chính thức xuống rãnh!” Nôm na là dân ta chỉ tin vào tin đồn.

    Nhìn từ giác độ của nhà nước thủ vai nhà cái thì định luật ấy có nghĩa là «tin xấu đuổi tin tốt!»

    Khách có kẻ mừng quá.

    «Giờ này mới thấy nhà bác nói đến tin Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh! Tin này tưng bừng xuất hiện từ cả tháng rồi, khi ông Đại tướng bụng phệ má xệ như heo nái bệ vệ công du bên Pháp thăm Tổng trưởng Quốc phòng của Tây ngày 19 Tháng Sáu.

    "Sau đó, cu cậu lại ôm một bình ga lặn rất sâu, lẫy lừng vắng mặt trong nhiều buổi họp quan trọng khi có tin là bị ám sát hay mưu sát ngay tại Paris. Sau đó mấy tuần mới có tin chính thức gần xa rằng ông ta từ Việt Nam qua Pháp chữa bệnh vào ngày 24 Tháng Sáu. Sau ngày 19 thì về hồi nào mà rồi ngày 24 lại qua Pháp? Bây giờ sống chết ra sao thì ai cũng bàn mà nhà nước chưa chứng minh được thực hư…»

    Khách gặng hỏi, phải chăng định luật Gresham của người viết này có nghĩa là «dân chúng tin vào lời đồn đại hơn là vào tin chính thức của nhà nước?»

    - Hiển nhiên đi chứ. Mà lỗi không tại dân, đấy là tội của đảng và nhà nước.

    Từ khi đảng cộng sản xuất hiện 85 năm trước và cầm quyền trên cả nước từ 40 năm trước, những gì gọi là chính thức đều là một chuỗi dối trá. Tên, tuổi, danh tánh, ngày sinh ngày chết hay thành tích của các lãnh tụ đều được nống giá trên thị trường, hay chiến trường, hay chính trường. Nếu kể ra cái chuỗi dài toàn những dối trá ấy thì phải có tờ báo dày bằng cuốn niên giám điện thoại. Vì vậy, xã hội mới tìm ra nguồn tin điền thế, là tin đồn.

    Và tin đồn mới đuổi tin thật ra ngoài vòng quan tâm của người dân.

    Thấy khách có vẻ tâm đắc với định luật vừa khám phá, người viết bèn thừa thắng xông lên.

    Trên thị trường đầu tư tài chánh, có loại công ty đầu tư gọi là «đối xung» như hedge fund. Họ đánh chốt cả hai cửa để chẵn lẽ gì thì cũng hốt bạc. Người viết này áp dụng quy tắc đóng chốt mà đưa ra một định luật thứ hai trên thị trường tin tức của các chế độ độc tài gian trá:

    «Sự thật là những gì mà nhà nước phủ nhận!»

    Theo định luật này thì khi nhà nước nói rằng không hề có điều gì đó thì ta biết ngay điều ấy mới là thật. Nhà nước kinh tế mà nói là không phá giá thì ba ngày sau sẽ có phá giá. Nhà nước lịch sử mà nói rằng không hề có vụ cải cách ruột đất hay nạn tắm máu trong vụ Mậu Thân 68 tại Huế thì ta biết rằng đã có cảnh máu đổ thịt rơi - và con người bị chôn sống. Khi nhà nước chính trị xưng danh ái quốc thì đã có chuyện bán nước ngay từ đầu nguồn. Vân vân, nhiều lắm.

    Lại cần một cuốn niên giám điện thoại khác mới đủ trang trình bày những sự thật đã bị phủ nhận, những tội ác đã được che giấu….

    Đấy là những chuyện còn sâu xa lâu dài hơn vụ Thanh này bị đầu độc hay Thanh kia bị mưu sát với hình ảnh nhà nước lập đật ôm thúng úp voi để sự thật khỏi vọt ra ngoài.

    Sẵn đà kinh tế, người viết này xin đi xa hơn vậy. Mà thị trường là cái quái gì vậy? Khỏi cần là giáo sư tiến sĩ «Made in Vietnam» thì ai cũng biết thị trường là cái chợ, là nơi người mua kẻ bán gặp nhau.

    Điều ít ai biết là chính người Việt Nam mình mới rất sớm phát minh ra thị trường!

    Khách ngồi bên lại nhảy nhỏm: «Nữa, nhà bác lại mắc tật nói xạo của người Hà Nội! Cái gì hay nhất thì cũng đòi là của mình!»

    Nói có sách, dù là nói phiếm cho khách ngồi im, huống hồ nói cái chuyện ai mà cũng ớn là kinh tế?

    Trên thế giới, Việt Nam là nơi mà người dân gọi quốc gia là «nước» - à sông nước và biển cả chính là đời sống và lẽ chết. Và kinh đô Thăng Long của cái xứ yêu nước này từng được dân ta gọi là «Kẻ Chợ», trước khi có Tây qua dạy ta về văn minh văn hóa. Cái tên thông dụng đến độ họ phiên âm thành «Kecho», hay «Cachao» - xin typo đừng xếp chữ sai thành Cà Cháo, đứa em song sinh của Cà Chớn.

    Thật ra, trước khi thiên hạ khám phá ra môn kinh tế và phát minh ra chữ kinh tế học, quy luật kinh tế ngàn đời và mọi nơi là con người ta rất sớm có nhu cầu trao đổi. Trao vật này mình có để đổi lấy vật mình chưa có thì đó là kinh tế. Khi phương tiện giao thông còn giới hạn, người ta nương vào thiên nhiên là sông ngòi để di chuyển và vận chuyển, rồi cứ theo mùa mà tìm nơi tụ tập để trao đổi.

    Dân ta gọi những dịp đó là «phiên chợ», trước khi có ông da trắng nào đến dạy về kinh tế thị trường. Những người khôn ngoan tháo vát nhất là thành phần sớm hiểu ra cách kiếm lời ở nơi gọi là «chợ búa».

    Phải cả trăm năm thì «Kẻ Chợ» mới hình thành như vậy, từ các phiên chợ miền quê ngày càng xầm uất, và là nơi dân ta mặc cả, ngã giá và thuận mua vừa bán cho tới phiên chợ sau….

    Đấy cũng là lúc nhà nước xuất hiện… với cái búa. Vì vậy mới có chữ «chợ búa»?

    Không, vì vậy mới có chữ «hóc búa» là khi nhà nước đòi trưng thu và bóc lột. Khi trưng thu sự thật và bóc lột quyền tự do thông tin thì nhà nước Hà Nội mới bị hóc vì cái búa của mình! Đấy là ngụ ngôn của kinh tế chính trị học trên thị trường tin tức.

    Đừng lom khom làm «Người Bắc Kinh» Homo erectus pekinensis cho khổ. Hãy xả ra đi con.
     

    theo dainamaxforum

  16. Ghi Chú: bài này đúng ra phải đăng cách đây hai tuần rồi cho đúng kỷ niệm 5 năm, nhưng vì tính quan trọng của câu chuyện bầu chủ tịch hạ viện và vụ tài liệu mật nhà Biden, nên kẻ này đã không có thời giờ viết, phải dời lại tuần này.  

     

       Đây là bài viết thứ 3 của năm mới 2023. Năm mới cũng là dịp nhìn lại chuyện cũ, xem mình đã làm được những gì. Tuần qua đánh dấu đúng 5 năm + 2 tuần Diễn Đàn Trái Chiều (DĐTC) ra mắt quý đồng hương qua số đầu tiên ngày 30 tháng 12 năm 2017. Do đó, tuần này xin phép quý độc giả viết vài dòng về câu chuyện DĐTC.

        Coi như thay đổi không khí, không cãi nhau chuyện chính trị, cho vui vẻ cả nhà nhân dịp Tết.

     

     

        Phải nói ngay những con số thống kê bàn dưới đây hoàn toàn do Disqus là trang mạng điều hành diễn đàn này tổng kết.

       Nhìn lại những thống kê của Disqus, kẻ này thấy số lượng độc giả đã lên tới hơn 9,96 triệu, tính đến trưa ngày 19/1/2023. Cũng phải nói ngay, đây là số lượt coi, không phải số người coi, khác nhau ở điểm một người có thể có nhiều lượt coi. 

     

    AVvXsEj-SwZefKrJxGa8QsgakwlElwn_IsoDWhIa
    Nguồn: Disqus 19/1/2023 -  12g trưa, giờ Houston

     

        Có nghĩa là trong 265 tuần qua, hay qua 265 bài nhận định đã viết, số lượt đọc DĐTC đã lên tới mức xấp xỉ gần 10.000.000, hay trung bình hơn 2 triệu một năm. Hay chia cho 265 tuần, thành trung bình gần 38.000 lượt coi mỗi tuần, hay đâu 5.500 một ngày. 265 bài trong suốt hơn 5 năm qua, có nghĩa là DĐTC đã có bài mỗi tuần, không gián đoạn tuần nào, cho dù kẻ này đi làm xa, đi du lịch hay bị đau bệnh, hay khi đang trốn cô Vi Vũ Hán trong nhà. Không có nghỉ hè 'vây-cây-sần' gì ráo, cũng chẳng nghỉ lễ nào, dù là Tết tây hay Tết ta. Dĩ nhiên, cũng phải nói rõ con số 38.000 là số trung bình mỗi tuần tính cho cả thời gian 5 năm qua, con số thực sự của mỗi tuần khác nhau nhiều. Chẳng hạn trung bình của năm đầu tiên 2018, thấp hơn nhiều so với trung bình của năm 2022. Hay con số lượt đọc khá cao trong những mùa bầu cử hào hứng như bầu tổng thống tháng 10 năm 2020 (kỷ lục 310.000 lượt coi trong một tháng hay gần 80.000 lượt coi mỗi tuần) để rồi sau bầu cử, yếu tố hồi hộp hào hứng mất đi, số lượt coi giảm mạnh.  

        Điểm đáng nói là DĐTC 'lên khuôn' mỗi tuần sau 12g đêm thứ sáu, giờ Houston, khi đó mới 10g tối bên Cali. Qua sáng thứ bẩy, kẻ này ngủ dậy, vào coi khi Cali còn ngáy pho pho, thì đã có cả ngàn người vào đọc từ bờ biển đông Mỹ, bên Âu Châu và cả VN. Thống kê cho thấy bài viết 265 ra 10g tối Thứ Sáu, tới 12g trưa Chủ Nhật (giờ Los Angeles), đã có trên 13.500 lượt coi trong một ngày rưỡi. 

        Đây chỉ là số lượt đọc trực tiếp DĐTC qua trang mạng của Disqus, không kể những lượt đọc hay nghe gián tiếp qua các báo, diễn đàn, emails riêng, hay YouTube, chương trình radio, TV,... phổ biến lại, mà kẻ này không có cách gì biết được số lượng là bao nhiêu.

        Dĩ nhiên, VL này chẳng biết mà cũng chẳng thắc mắc các báo, các diễn đàn khác, các YouTube,... có bao nhiêu lượt theo dõi, ít hay nhiều hơn DĐTC này bao nhiêu. Vì chuyện đó chẳng là yếu tố liên quan đến diễn đàn này. DĐTC không cạnh tranh với ai hết.

       Thành thật mà nói, nói không cần biết bao nhiêu người đọc không đúng sự thật. DĐTC ra mắt với mục đích trình bày cái khía cạnh của tin tức thời sự mà đám loa phường che giấu, xuyên tạc hay bóp méo, do đó, rất cần càng nhiều đọc càng tốt. Nhưng DĐTC cần người đọc không phải để thỏa mãn tự ái cá nhân, càng không phải để kiếm tiền sống qua ngày.

      Chỉ biết những con số trên của DĐTC lớn hơn xa sự hy vọng hay tưởng tượng của kẻ này khi mới bắt đầu ra diễn đàn. Còn nhớ lại trước đó, khi còn viết bài mỗi tuần cho Việt Báo, khi nào thấy có chừng 4-5.000 lượt đọc trong một tuần là đã thấy mình thành công lớn, có nhiều người đọc đến vậy, đi khui Heineken ăn mừng ngay.

      Trong tương lai, tiếp tục viết hay ngừng cũng vậy, chẳng liên quan gì đến số lượt đọc nhiều hay ít, mà chỉ tùy cây đèn dầu cháy gần 80 năm qua còn dầu hay hết. Năm năm sau ngày ra mắt, diễn đàn này vẫn chưa phải... 'âm thầm đóng cửa' vì ... vẫn còn dầu! Thế là vui rồi.

        Disqus cũng cho biết nhiều thống kê khác, khá lý thú.

        Dĩ nhiên là số lượt đọc cao nhất là ở Mỹ. Nhưng lạ lùng thay, số lượt đọc cao thứ nhì sau Mỹ lại chính là Việt Nam. Trong 5 năm qua, đã có tới gần 1,5 triệu lượt đọc tại VN, tức là tính trung bình cũng đã có tới gần 6.000 lượt đọc DĐTC tại VN mỗi tuần. Chứng tỏ ngay tại VN, cũng đã có rất nhiều người muốn tìm hiểu về chính trị Mỹ và đọc DĐTC mặc dù diễn đàn này tuyệt đối không bàn về chuyện VN. Sau VN là các cộng đồng Việt tại Canada và Úc, rồi tới các quốc gia Tây Âu như Đức, Pháp, Bỉ, Hòa Lan, Anh Quốc,...

     

    AVvXsEiHxUJGWEnkdVfGvqgv6kXJakjw8MaRFs3p
     
        Disqus cũng cho thấy nhiều con số lạ, chứng tỏ dân Việt ngày nay đã có mặt đông đảo trên khắp thế giới. Như diễn đàn này đã có cả chục ngàn lượt coi tại những xứ lạ như Nhật Bản, Brazil, Ấn Độ, Mexico, Thụy Điển, Na Uy, cả Nga luôn. Ngoài ra cũng đã có tới gần 400.000 lượt coi rải rác trên mấy chục quốc gia khác, đặc biệt là tại đông nam Á (Thái, Indonesia, Singapore,...) và các nước đông Âu cũ.

     

       Về chuyện tiền bạc, cũng phải xin thưa Disqus đã từng đề nghị với kẻ này, cho họ quảng cáo trên diễn đàn và kẻ này sẽ được chia tiền huê hồng; còn không cho họ quảng cáo thì sẽ phải đóng 'hụi chết' mỗi tháng cho họ. Huê hồng chẳng biết bao nhiêu, có đủ ăn một tô phở 'hallal' của Việt Thảo hay không, nhưng kẻ này không thể đồng ý cho quảng cáo, vì không thể tưởng tượng nổi cảnh độc giả đang đọc tin thời sự chính trị nghiêm chỉnh, bất thình lình thấy quảng cáo ... quần áo lót phụ nữ thì sẽ ... tiêu tùng. Đành phải hy sinh tô phở để có tiền mỗi tháng đóng hụi chết cho Disqus đi ăn phở giùm mình. 

        Thật ra, cái áo giáp bảo vệ kẻ này hữu hiệu nhất chính là việc không lệ thuộc tiền bạc, chẳng ai có thể mua chuộc hay áp lực gì được. Chẳng phải sợ ai hết. Chẳng cần bẻ cong ngòi bút để lấy lòng ai. Đến ngưỡng cửa tám bó, chuyện vui là còn đầy đủ... 'tứ khoái': ăn, ngủ, đọc và viết. Thế là đủ!

        Kẻ này xin gửi lời tạ ơn chân thành nhất đến quý đồng hương đã chiếu cố, chịu khó đọc bình luận luôn luôn... quá dài của DĐTC. Wá dzài, wá dzai, tuy chắc không đến nỗi wá dzở!

       Nói đến chuyện cám ơn, tất nhiên kẻ này không thể quên các độc giả đã góp ý đủ kiểu, đủ loại, hết sức hữu ích để mọi người hiểu rõ hơn, có cái nhìn đa dạng hơn nữa. Một số không nhỏ các độc giả thích đọc DĐTC chính vì muốn đọc những góp ý đa dạng mà nghiêm chỉnh đó. Cái thú của những góp ý đó là đã không có những sỉ vả, phỉ báng cá nhân của đám đá cá lăn dưa, hay những câu chửi bới thô tục tiếng 'Đan Mạch' làm bẩn mắt người đọc (thành thật xin tạ lỗi dân Đan Mạch, ý tôi dĩ nhiên không dám nhắm dân Đan Mạch thật!). 

        Tất cả các diễn đàn của cộng đồng tị nạn ta đều công bố những nội quy khá gắt gao trong mục đích bảo vệ giá trị của diễn đàn, nhưng thực tế thì rất ít diễn đàn đã chấp hành những nội quy nghiêm chỉnh đó. Một số khá lớn các diễn đàn đã hiểu sai vấn đề 'tự do ngôn luận', ngần ngại không muốn 'kiểm duyệt' các góp ý, để nhiều người thiếu tư cách, lạm dụng, nhẩy vào chửi bới lung tung, nhiều khi thô tục bẩn thỉu đến mức khó tưởng tượng nổi, may mà dân Mỹ không đọc được tiếng Việt chứ không thì ê mặt cả cộng đồng, cả mấy ngàn năm văn hóa của dân ta. 

        Về chuyện góp ý, DĐTC có lúc đã nhận được tới đâu 7-800 góp ý trong một tuần (thời gian trước bầu cử tổng thống năm 2020), nghĩa là trên 100 góp ý mỗi ngày, với nhiều góp ý dài lê thê lướt thướt toàn chuyện cà kê dê ngỗng. Vì nhu cầu kiểm duyệt, kẻ này hiển nhiên không có cách nào có đủ thời giờ đọc hết trong khi còn phải dành thời giờ đọc tin tức, viết bài và lo chuyện riêng tư, gia đình, nhà cửa, ăn ngủ, đi bác sĩ, đi mua thuốc, rồi uống thuốc đúng giờ,... Do đó, đã yêu cầu quý độc giả tự chế, góp ý ít hơn, ngắn hơn, và nhất là góp ý trực tiếp liên quan đến chủ đề của bài bình luận, tránh dành giựt nhẩy vào loan tin sốt dẻo mới nhất vì diễn đàn này không phải là báo tin tức, tránh chuyện cà kê dê ngỗng, hi hello bạn bè (có vài anh chị còn dùng góp ý của DĐTC để ... 'tán tỉnh' nhau, hẹn hò nhau đi ăn, đi nhẩy đầm,... !!!). 

        Hầu hết các độc giả thông cảm ngay và tiếp tay với kẻ này, giảm bớt hay rút ngắn các góp ý. Nhưng cũng có vài người bất cần, tiếp tục viết lang bang, tràng giang đại hải. Hình như coi DĐTC là 'của mình', coi mình có toàn quyền tự do ngôn luận, muốn viết gì thì viết và bổn phận của Vũ Linh chỉ là post lên thôi. Post chậm một vài tiếng đồng hồ là bị chất vấn ngay "góp ý của tôi đâu?". Cho đến khi bị DĐTC không đăng vì không có thời giờ đọc hết, thì họ nổi cơn tam bành lục tặc vì chạm tự ái, trở mặt, quay qua sỉ vả VL này và lại còn hô hào bạn bè tẩy chay DĐTC luôn. Ăn không được thì muốn đạp đổ. Rất tiếc, họ đã bị cấm cửa cùng lúc với một số người khác chỉ muốn vào diễn đàn để quậy phá. Vắng mợ chợ vẫn đông, chẳng ai buồn tiếc gì.

        Nói đi cũng phải nói lại, được nhiều góp ý không phải là chuyện không tốt, trái lại, kẻ này đã học hỏi được rất nhiều qua các góp ý đa dạng đó, kể cả học thêm được tiếng Việt! 

       Diễn Đàn cũng không thể quên ơn nhiều độc giả đã đóng góp bài vở qua Bài Khách, với nhiều tin tức, dữ kiện và bình luận thực sự hết sức giá trị, có nghiên cứu và phân tách công phu và nghiêm chỉnh qua việc tham khảo nhiều tài liệu, làm tăng hẳn giá trị của diễn đàn này.

       DĐTC cũng xin cám ơn các cơ quan ngôn luận khác, từ các báo đến radio, YouTube, các diễn đàn và cá nhân đã giúp phổ biến lại các bài vở của DĐTC, cũng như nhiều độc giả đã chuyển gửi bài của DĐTC qua emails riêng. Tuy nhiên, ở đây cũng phải nói ngay, nhiều người tuy giúp phổ biến bài của DĐTC, nhưng cũng tự ý thêm mắm muối, tương chao xì dầu vào, hay tự ý kèm thêm hình ảnh hay lời bàn Mao Tôn Cương của họ vào. DĐTC trân trọng cám ơn quý vị đã phổ biến bài nhưng làm ơn, xin đừng kèm theo những cái 'đóng góp tự nguyện' đó. Nhất là khi DĐTC tuyệt đối KHÔNG bao giờ viết bài bình luận có kèm theo những hình ảnh hay phụ chú sỉ vả, bôi lọ bất cứ cá nhân nào, kể cả những người 'đánh' VL mạnh nhất.

       Ở đây, xin phép được nhắc lại một lần nữa: DĐTC là diễn đàn gọi là 'mở', có nghĩa là tất cả mọi người đều có thể vào DĐTC bất cứ lúc nào để đọc bài mà không cần ghi danh, làm thành viên, trả tiền lệ phí gì. Chỉ cần 'click' vào trang của diễn đàn:

    https://diendantraichieu.blogspot.com/

        Về bài mới, bình thường thì cứ mỗi sáng thứ bẩy là có. Quý độc giả cũng có thể đọc, sao chép, đăng lại, chuyển các bài trên DĐTC cho bất cứ ai, bằng bất cứ phương tiện nào mà không cần 'xin phép' DĐTC gì hết, chỉ xin vui lòng ghi nguồn Diễn Đàn Trái Chiều và tác giả Vũ Linh thôi. Cũng xin đừng quá sáng tạo, sửa đổi hay thêm bớt gì.

      DĐTC không thể không nhắc tới 3 vị ân nhân của diễn đàn, 3 người mà VL này tuyệt đối chẳng hề quen biết, cũng chẳng biết tên tuổi trước khi ra diễn đàn.

    - Vị thứ nhất là một người VL mới được gặp và cùng đi ăn trưa cả hai năm sau khi DĐTC đã ra mắt. Đây là 'cố vấn kỹ thuật', chuyên gia về IT, người đã kiên nhẫn chỉ dạy VL cách điều hành diễn đàn, cũng là 'chuyên gia' sửa chữa những trục trặc kỹ thuật cho DĐTC.

    - Vị thứ nhì là người đã vẽ ra 'logo' của DĐTC, một logo không thể nào ý nghĩa hơn: một mũi tên màu xanh -màu xanh dương đậm cũng là màu biểu tượng của đảng DC Mỹ- to tướng chạy về phía 'tả', tượng trưng cho truyền thông cấp tiến loa phường Mỹ, trong đó có một mũi tên nhỏ màu trắng, không đỏ cũng chẳng xanh, chạy 'trái chiều' về phiá 'hữu', tượng trưng cho tiếng nói lí nhí của DĐTC; nhìn chung, đó là một ngòi bút tượng trưng cho ngành thông tin văn hóa. Cho đến giờ, tôi vẫn chẳng biết vị ân nhân này là ai, ở đâu, làm gì, đẹp gái hay xấu trai,...

     

    AVvXsEie7qIotWSdc8wFC0SlezCVmaUHU-1a6iIH

     

    - Và vị thứ ba là anh 'Thinh Pham', mà cho đến nay tôi cũng vẫn chẳng biết là ai, là người đã chịu khó bỏ rất nhiều công ghi lại link của gần 500 bài kẻ này viết cho Việt Báo, vì sợ sau khi VL ngưng hợp tác với VB, những bài này sẽ biến mất. Công trình của anh Thinh Pham, quý độc giả có thể thấy ngay trong trang Lưu Trữ. Click vào đó, sẽ đọc được những bài VL viết từ 2007 với Việt Báo.

        Một lần nữa, xin đa tạ sự giúp sức của những vị này. Đều là những người đã chia sẻ quan điểm của VL về vai trò của cá nhân, chẳng có gì quan trọng nên chẳng cần khoe tên tuổi, mặt mũi.

       Mới đây, trên hệ thống emails của cộng đồng, một độc giả thân hữu (LV) đã viết, nguyên văn "Blogger Vũ Linh, theo tôi, cũng là một sự vĩ-đại khác của nước Mỹ trong cộng đồng tị-nạn người Việt Nam ở hải-ngoại; một mình chống chọi và thách đố tất cả sự dối trá, gian xảo của truyền-thông và trí-thức Việt hải ngoại...với kiến-thức dồi dào và lý luận sắc bén của mình, có căn cứ, để mang lại tính trung thực của tin tức và cảnh tỉnh mọi giới đồng bào". Thật ra, không phải là VL này "một mình" làm gì đâu, mà còn có cả mấy chục ngàn độc giả cùng 'chiến tuyến', có cả trăm độc giả cùng góp sức qua các góp ý, cũng như không biết bao nhiêu người khác giúp phổ biến bài của DĐTC. Tất cả mỗi tuần đều cố hóa giải những bóp méo, xuyên tạc thô bạo của đám truyền thông loa phường Mỹ được một đám vẹt tị nạn nhai đi nhai lại, khiến cộng đồng rối trí trong hỏa mù phe đảng.

        Nói cho trọn, số lượt coi khá lớn, một phần cũng nhờ có nhiều độc giả thù ghét DĐTC, cố đón đọc mà lại đọc rất kỹ, tìm từng typo sai, chi tiết trật, tìm kẽ hở nhỏ nhất để công kích và sỉ vả. Cũng tốt thôi. Các cụ ta đã dạy, người chỉ trích ta, nếu chỉ trích đúng, có thể là thầy của ta. Đáng tiếc là cho tới nay, trong số những người hay tung emails sỉ vả DĐTC và cá nhân VL, kẻ này vẫn chưa thấy ai đáng mặt thầy, không kể một số người thuộc loại 'thầy' về khả năng tìm lỗi typo. Hầu hết chỉ là những loại chửi hạ cấp, vô học, rẻ tiền, hay thô tục, chỉ phơi bày trình độ và tư cách người chửi cho thiên hạ thấy rõ thôi. 

       Không kể những sỉ vả tục tĩu, những công kích khác cũng không khá hơn bao nhiêu, nhiều khi thấy thật khôi hài, đáng buồn cho trình độ của những người công kích hơn là đáng giận. Họ công kích VL này là "cây viết mướn của VC", là "loa phóng thanh của CH", là "phân tích kiểu làm cha người Mỹ", "tự cho mình giỏi hơn triệu triệu dân Mỹ", "vua fake news", là "dốt tiếng Anh", là "giỏi tiếng Anh mà láo xạo khai dốt tiếng Anh",... mà tuyệt đối chưa một lần nào đưa ra được một bằng chứng cụ thể nào, chỉ toàn là chửi đổng khơi khơi để tự sướng. Công kích là quyền của họ, nhưng chửi đổng vô bằng chứng chỉ là hành động vô trách nhiệm vớ vẩn, coi thường thiên hạ, không đáng mất thời giờ để ý. Sự thật là cho tới nay, chưa có một người nào có khả năng chỉ trích hay phản bác một cách nghiêm chỉnh và thuyết phục, đáng đọc và suy nghĩ. 

        Một con vẹt ra cái điều hiểu biết hơn người, tự cho mình biết rõ lý lịch VL, chê VL này tuy có bằng cao nhưng bất tài, không nghề ngỗng, phải đi viết nhảm kiếm tiền sống qua ngày. Vậy sao? DĐTC đọc miễn phí, VL chẳng có ông chủ nào trả lương hay tiền nhuận bút, không nhận huê hồng của Disqus, không có quảng cáo gì trên DĐTC, chẳng ai trả tiền theo số người 'subscribe' hay 'like', cũng chẳng nhận tiền của đảng CSVN hay đảng CH Mỹ, hay đảng CIA hay đảng MAGA nào, kiếm tiền sống qua ngày bằng cách nào? Chửi bới tố cáo vô tội vạ lăng nhăng bất cần bằng chứng dường như là sở trường của đám vẹt tị nạn, vì không còn 'tài' nào khác. Đáng buồn!  

      Nói cho ngay, kẻ này khuyến khích những con vẹt không thích VL nên phản bác quan điểm của VL để giúp cộng đồng có cái nhìn bao quát hơn, đa dạng hơn, nhưng làm ơn, nên cố gắng nhiều hơn, phản bác cho ra phản bác, nghiêm chỉnh, cho đáng đọc, không làm nổi thì pha bình trà, uống cho trôi cục tức, rồi 'làm thinh' đi, đừng làm phiền thiên hạ với những chửi bới hạ cấp vớ vẩn nữa. 

      Phải nói kẻ này coi như đã thành công, được nhiều người đọc. Nhưng chuyện thật sự đáng mừng hơn cả là nhiều người đọc, đó là bằng chứng rõ ràng nhất là trong cộng đồng đã có rất nhiều người muốn mở rộng cái nhìn, không nhắm mắt đọc hay nghe tin một chiều, bất kể chiều nào, mà cũng muốn tìm hiểu những vấn đề thời sự Mỹ dưới nhiều cách nhìn khác biệt. Thời đại của quần chúng nhắm mắt nghe, đọc và tin theo truyền thông một chiều đã thật sự cáo chung. Dân Việt ta trong cũng như ngoài nước, bây giờ sáng suốt hơn vậy nhiều. Quý vị làm thông tin trong cộng đồng không nên coi thường thiên hạ quá đáng, không nên nghĩ mình có cái micro muốn nói gì cũng được, hay có cây bút, muốn viết gì cũng xong. Thiên hạ không lên tiếng than phiền không có nghĩa là họ đồng tình hết. Họ ở Mỹ, đọc báo Việt, coi TV Việt vì không có lựa chọn nào khác khi Anh ngữ chưa hoàn hảo, nhưng đọc và nghe truyền thông vẹt không có nghĩa là họ đã tin và nể trọng.

        Giúp cho quý độc giả thấy được một cách nhìn khác, đó chính là mục đích, là lý do tại sao DĐTC ra đời. Nhiều độc giả phe đảng, tố cáo diễn đàn này và VL nói riêng thuộc loại cuồng mê Trump. Sự thật không hẳn như vậy. Kẻ này không chối cãi chuyện ai cũng biết, là VL có quan điểm bảo thủ, ủng hộ đảng CH và TT Trump, không sai tuy kẻ này không cảm thấy mình cuồng ai hết, do đó thường có quan điểm trái với cái mà kẻ này gọi là truyền thông loa phường mà dân sống trong các chế độ CS rất quen thuộc: suốt ngày bị cái loa đầu phố lải nhải tin chính thức lúc nào cũng là tin tốt nhất cho đảng và Nhà Nước, không còn gì khác. 

        Kẻ này có quan điểm 'trái chiều' với loa phường, nhưng đó là chuyện cá nhân nhỏ. Chuyện quan trọng hơn là nhu cầu của thiên hạ, của cộng đồng là phải làm sao nghe được, đọc được những tin tức mà cái loa phường đó giấu nhẹm; làm sao nghe được, đọc được những diễn giải, bình luận khác với giọng điệu, quan điểm một chiều, hay tệ hơn nữa, những tin láo, tin xuyên tạc và tin phịa của những người vì tính phe đảng, đang cố nhồi vào đầu thiên hạ, mà một đám tị nạn tự xưng là nhà báo cung cúc nhai lại, nhưng sự thật chỉ là một đám vẹt mà khả năng chỉ đạt tới mức dịch báo và đài Mỹ theo Gú Gồ, hay bắt bẻ lỗi typo thôi. 

        Người ta nói hiểu biết là sức mạnh nội tại vô địch. Có hiểu biết mới nhận định được chuyện gì đúng, chuyện gì sai, mới biết trong cái xứ dân chủ tự do này, đi bỏ phiếu cho chuyện gì, cho ai, cho đảng nào. DĐTC cung cấp cho cộng đồng sự hiểu biết đầy đủ đó khi đưa ra những tin bị giấu nhẹm, những quan điểm bị xuyên tạc, bóp méo. Để quý độc giả thấy được cả hai mặt của vấn đề, cái mặt mà loa phường nhai lại từ Nhà Nước DC, từ đảng DC, và cái mặt mà loa phường và Nhà Nước đó giấu nhẹm.

        Trong chính trị, không có quan điểm nào đúng, quan điểm nào sai. Nhưng hành động chính trị thì đương nhiên có đúng, có sai.

       Nói cách khác, ủng hộ cấp tiến chống bảo thủ, ủng hộ Biden chống Trump, hay ngược lại, ủng hộ bảo thủ chống cấp tiến, ủng hộ Trump chống Biden, tự nó, không có gì sai hay đúng. Quyền lựa chọn của mỗi người. Nhưng ủng hộ Biden và chống Trump bằng cách tố cáo Trump có lợi tức bạc tỷ mà gian trá chỉ đóng có 750 đô thuế là sai, hay tố cáo Trump xúi dân uống thuốc rửa cầu tiêu để chống COVID là sai. Hay ủng hộ Biden rồi nói Biden hoan nghênh dân tị nạn Việt vào Mỹ là sai. Sai vì đó là xuyên tạc láo, không lương thiện, lừa người thiếu hiểu biết, khinh thường họ

        Một điểm nhiều độc giả đã nêu lên, thắc mắc tại sao Vũ Linh này không chường mặt ra cho thiên hạ biết mình là ai? Thật ra, kẻ này vẫn giữ quan điểm cố hữu, cá nhân chẳng là gì hết, chẳng ai có nhu cầu phải biết VL là ai, mặt mũi như thế nào, già trẻ cao lùn mập ốm ra sao, địa chỉ ở đâu, trình độ học thức cỡ bác sĩ hay tiểu học Cầu Kho, gia cảnh ra sao, con cháu ba đời của cụ nghè nào, sanh ra ở làng nào, thích rau muống luộc hay giá sống. Quý độc giả sẽ không bao giờ thấy những đấm ngực tiếu lâm kiểu như bài viết nào cũng phải ký tên 'tiến sĩ luật VL', hay 'bác sĩ cảm cúm VL', hay 'kỹ sư quét chợ VL',... Cũng sẽ không bao giờ thấy 'VL, Đại Học Harvard', hay 'VL, Tiểu Học Bà Chiểu' hết. Tôi không mang cái mặc cảm tự ti hay tự tôn đến độ phải khoe bằng cấp hay khoe trường học mỗi lần viết bài gì. Mà cái bằng bác sĩ cảm cúm liên quan gì đến bình luận thời sự Mỹ? 

        Ngay cả chuyện DĐTC phản bác một vài bài viết của người khác, cũng chỉ là phản bác quan điểm nêu lên trong những bài đó, chứ không bao giờ là công kích cá nhân những người đó. DĐTC không bao giờ 'tấn công' cá nhân các tác giả đó, không bao giờ biết hay muốn biết, hay đề cập đến gia cảnh, bố mẹ, vợ con, chú bác, trình độ học vấn, nghề nghiệp, tôn giáo, tuổi tác của những người đó. Chỉ vì theo ý kẻ này, điểm quan trọng không phải 'tác giả là ai' mà là 'tác giả viết cái gì, có đáng đọc hay không', thế thôi. 

        Về cá nhân VL, có thể một ngày nào đó, nếu có nhiều độc giả DĐTC thật sự muốn biết, kẻ này cũng phải có trách nhiệm tinh thần 'khai báo lý lịch' với họ để khỏi phụ lòng tin của họ. Dù sao, cũng chỉ là chuyện nhỏ.

      Nhìn lại tất cả những sỉ vả, bôi bác, chửi rủa, cho dù rẻ tiền vớ vẩn, không đáng quan tâm, nhưng nghĩ lại, cũng chẳng hiểu tại sao mình lại muốn ... 'rước họa vào thân' như vậy. Đứng trước ngưỡng cửa tám bó, sao lại vẫn còn thích xiá vào chuyện thị phi để bị đánh? Đã đến lúc nghĩ lại, nên đi mua cần câu chưa nhỉ?

    theo diendantraichieu


×
×
  • Create New...