Jump to content

xứ việt

Administrators
  • Posts

    39426
  • Joined

  • Last visited

Everything posted by xứ việt

  1. Việt Hà, phóng viên RFA 2016-03-03 In trang này Chia sẻ Ý kiến của Bạn Email Nghe hoặc Tải xuống Một công an và một dân phòng đứng bảo vệ trước bức tượng Lenin tại công viên bên cạnh đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội vào ngày 18 tháng 5 năm 2014. AFP photo Đại hội đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 12 đã kết thúc với sự ở lại của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và ra đi của những vị trí chủ chốt khác. Trong năm nay, Việt Nam sẽ có một dàn lãnh đạo mới bao gồm chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, thủ tướng và các bộ trưởng trong chính phủ. Hiện đã có những thông tin đồn đoán về những người sẽ nắm giữ các chức vụ quan trọng này. Vậy ai là những người có nhiều khả năng nhất nắm giữ các chức vụ quan trọng sắp tới, và liệu những thay đổi này có ý nghĩa thế nào đối với đường lối đối nội, đối ngoại trong 5 năm tới của Việt Nam? Việt Hà phỏng vấn giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc trường đại học George Mason, Hoa Kỳ. Việt Hà: Thưa ông, đại hội đảng cộng sản VN 12 đã kết thúc, nhìn vào danh sách những ủy viên trung ương đảng và bộ chính trị, ông có thấy điểm gì khác biệt so với đại hội lần trước? liệu điều này có mang đến thay đổi nào đáng kể trong chính sách đối nội và đối ngoại của VN? Nguyễn Mạnh Hùng: Trong bộ chính trị và nhất là trong Ban Chấp hành TƯ mới số người ủng hộ ông Dũng không nhiều như trước. Tại Đại hội này giải quyết tranh chấp cá nhân và loại ông Dũng quan trọng hơn sự thảo luận về chính sách. Thành phần của bộ chính trị lần này gồm một số người có khuynh hướng giáo điều (TBT Nguyễn Phú Trọng, Thường Trực ban Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng lý luận TƯ Đinh Thế Huynh, Trưởng ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Võ Văn Thưởng.). Tương đối nhiều người có gốc công an nắm các chức vụ trọng yếu (Đại tướng Trần Đại Quang, Trung tướng Tô Lâm, ông Phạm Minh Chính), và khá nhiều người có kiến thức hoặc kinh nghiệm quản lý kinh tế (bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm ban kinh tế trung ương Vương Đình Huệ, Thống đốc Ngân hang nhà nước Nguyễn Đức Bình, Bộ trưởng Giao Thông Vận Tải Đinh La Thăng, Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải.). Người phụ trách tuyên giáo, ông Võ Văn Thưởng sinh năm 1970 là người trẻ nhất và, nếu cần, có thể trụ trong Bộ chính tri nhiều nhiệm kỳ. Với việc đặt ông Đinh thế Huynh, nguyên trưởng ban tuyên giáo TƯ vào chức vụ Thường trực ban Bí thư với triển vọng kế nghiệp ông Trọng khi ông rút lui trước nhiệm kỳ và đặt một người trẻ tuổi nhất kế nhiệm ông Huynh ở chức vụ trưởng ban tuyên giáo, ông Trọng hay đảng của ông ấy sắp xếp nhân sự để kiên trì chủ nghĩa cộng sản, kiên định con đường Mác Lê nin, duy trì sự độc tôn của đảng, không đi chệch hướng, không bị tự diễn biến. Việt Hà: Có thông tin cho rằng ông Trọng sẽ chỉ ở khoảng nửa nhiệm kỳ để đảng tìm người thay thế, theo ông, ai là những gương mặt sáng giá cho vị trí này, vì sao? Nguyễn Mạnh Hùng: Trước đại hội 12 ông Trọng muốn ông Nghị làm tổng Bí thư nhưng ông Nghị không làm được thì người ta thấy là ông Trọng nghiêng về phía ông Đinh Thế Huynh. Ông này mới được đôn lên làm Thường Trực ban Bí Thư, nhân vật thứ hai sau TBT Trọng. Tuy nhiên, nếu muốn gộp hai chức vụ Chủ Tịch nước và TBT đảng thành một để có thể chỉ huy thống nhất và làm dễ dàng thủ tục ngoại giao đồng thời tăng uy thế cho TBT khi tiếp xúc với các nguyên thủ khác, đảng có thể bầu luôn ông Trần Đại Quang vào chức vụ TBT đảng. Việt Hà: Đại hội đảng đã kết thúc nhưng danh sách của những người đứng đầu chính phủ, nhà nước về mặt chính thức vẫn phải chờ đến khi quốc hội 14 nhóm họp vào giữa năm nay để quyết định. Tuy nhiên đã có những thông tin đồn đoán về những người sẽ nắm các vị trí quan trọng là thủ tướng, phó thủ tướng, chủ tịch nước,… ông có những thông tin gì có thể chia sẻ về những lãnh đạo mới của VN sắp tới? Nguyễn Mạnh Hùng: Tại hội nghị toàn quốc lần thứ 12 của ĐCSVN, đảng đã quyết định giới thiệu ông Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước, bà Nguyễn Thi Kim Ngân làm Chủ tích Quốc Hội, và ông Nguyễn Xuân Phúc làm Thủ tướng chính phủ. QH chỉ làm công việc chính thức hóa quyết định của đảng mà thôi, vấn đề là làm lúc nào. Trên nguyên tắc thì tháng 5 bầu cử quốc hội, tháng 7 quốc hội mới họp thì lúc bấy giờ mới có mấy ông mới. Nhưng ông Obama sang thăm tháng 5, không có gì cấm quốc hội hiện tại họp tín nhiệm mấy ông này. Như vậy khi ông Obama sang thì có dàn lãnh đạo mới để tiếp. Đó là một giải pháp, nếu không thì đến tháng 7 mới làm. Còn đến tháng 7 thì mấy nhân vật này gần như là chắc chắn. Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. AFP photo Việt Hà: Theo ông di sản mà ông Nguyễn Tấn Dũng để lại cho người kế nhiệm là gì, đâu là những thuận lợi và khó khăn cho thủ tướng VN tiếp theo? Nguyễn Mạnh Hùng: Ông Nguyễn Tấn Dũng là một người quyết đoán và dám làm, nhưng với kỷ luật “cá nhân lãnh đạo, tập thể chỉ huy” ông không có toàn quyền làm những điều ông muốn. Dưới chính quyền của ông Dũng, người ta thấy có mấy điểm đặc biệt sau đây: Về ngoại giao thì khuynh hướng thân Mỹ tăng khuynh hương thân Tàu giảm. Về kinh tế thì VN đẩy mạnh chính sách hội nhập khu vực và hội nhập quốc tế với một số các thương ước quan trọng, nhưng đồng thời nền kinh tế củng có một số khó khăn: tăng trưởng thấp, lệ thuộc nhập cảng vào TQ tăng nợ công lớn, ngân sách thiếu hụt, các công ty nhà nước không được cải tổ đến nơi đến chốn và hoạt động thiếu hiệu quả. Về xã hội thì nạn tham nhũng lan tràn làm xói mòn tính chính thống và lòng tin vào chế độ đồng thời là một sức cản cho cải tổ kinh tế. Về chính trị thì người ta thấy sự hình thành và lớn mạnh của các nhóm lợi ích song song với hình thức vận động chính trị qua internet và sự lấp ló của các tổ chức dân sư. Đó là những vấn đề mà chính quyền kế nhiệm sẽ phải đối phó. Việt Hà: Một số chuyên gia nước ngoài cho rằng một số ủy viên trung ương đảng là những nhà kỹ trị, trong đó có thủ tướng mới, ông có đồng ý với ý kiến này không? Nếu có theo ông điều này mang lại thuận lợi và bất lợi gì cho VN sắp tới? Nguyễn Mạnh Hùng: Ứng cử viên thủ tướng duy nhất đảng đưa ra là ông Nguyễn Xuân Phúc. Ông này có thể coi là một nhà kỹ trị. Trong Bộ Chính Trị mới người ta thấy một số người hoặc có kiến thức chuyên môn về kinh tế hoặc đã từng có kinh nghiệm thi hành chính sách kinh tế, như bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm ban kinh tế trung ương Vương Đình Huệ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Đức Bình, Bộ trưởng Giao Thông Vận Tải Đinh La Thăng, Phó Thủ Tướng Hoàng Trung Hải. Sự hiện diện của các nhà kỹ trị rất cần thiết vì VN đã ký một số thương ước quan trọng với những cam kết cải tổ cụ thể; họ sẽ phải thực hiện các cải tổ kinh tế cần thiết để nền kinh tế VN có khả năng cạnh tranh và lợi dụng được cơ hội do các hiệp ước mở rộng thị trường này mang lại. Việt Hà: Vai trò của chủ tịch nước từ trước đến nay vẫn rất mờ nhạt, có chuyên gia nước ngoài cho rằng trong cương vị chủ tịch nước, ông Trương Tấn Sang không làm được gì nhiều nhưng ông cũng cho thấy vai trò nhất định của mình trong việc ủng hộ đổi mới doanh nghiệp nhà nước, xích lại gần hơn với Mỹ qua TPP. Theo ông vị chủ tịch nước mới có thể làm được gì để khẳng định vai trò của mình? Nguyễn Mạnh Hùng: Hiến Pháp VN cho Chủ tịch nước nhiều quyền hành, nhưng ông Sang chọn không thi hành hết các quyền ấy. Hiến Pháp 2013 giao cho Chủ tịch nước tư cách “đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại,” và quyền đề cử để Quốc Hội bầu và mãn nhiệm các vị trí quan trọng của nhà nước, kể cả Phó chủ tịch nước và Thủ tương. Chủ tịch nước “thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân,” giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng; Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; Căn cứ vào nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; Trong trường hợp Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương. Với tư cách nguyên Bộ trưởng CA, ông Trần Đại Quang có căn cứ quyền lực lớn hơn ông Sang và, nếu ông ấy có bản lĩnh, ông có triển vọng đóng vai trò quan trọng hơn so với ông Sang trong chính quyền mới trong khi đó người ta không nghĩ rằng ông Phúc sẽ là một Thủ tướng có nhiều quyền uy như ông Dũng. Việt Hà: Xin cảm ơn ông.
  2. Dạo này chính trường Việt Nam đang có những phát triển đầy thú vị. Trong khi đó, tình hình ở Trung Quốc cũng đã và đang làm nhiều người ở Việt Nam, trên khu vực, và toàn thế giới hết sức lo ngại, nếu có những góc nhìn, quan điểm v.v. Sáng nay tôi đã chia sẻ một bài dịch mà có thể làm cho một số ít người thấy ‘nặng mùi tuyên truyền.’ Bài dịch “Trung Quốc là kẻ bắt nạt, chúng ta cần đứng lên vì không ai có thể an toàn ở Trung Quốc ngày nay”. Xin mời xem bài dịch tại đây. (Ghi chép, riêng tôi nghĩ là nên nói cụ thể hơn không phải cả TQ là kẻ bắt nạt). Hơn nữa, đối với tác giả. Người này thuộc đảng bao thủ của Anh Quốc, một tổ chức tôi không ửng hộ phần nào. Song, là một người có quan tâm đến nhân quyền (ở bất cứ nước nào, kể cả Mỹ) tôi đã muốn chia sẻ bài này. Tôi xin nói lại, như đã viết ở phần đầu của post đó: riêng tôi nghĩ là nên nói cụ thể hơn không nên người cả TQ là kẻ bắt nạt. Thứ hai, xin nhấn mạnh, dù cách lý luận là chủ quan, nội dung về tình trạng ở TQ về mặt khách quan không thế nào bị bác bỏ. Vậy, xin chia sẻ với những bạn nêu trên, tôi chân thật đang lo về xử hướng phát xít tôi đang thấy ở Trung Quốc và thậm chí bạn không đồng tình với kết luận, ít nhất nên phân tích nó để bảo đàm an ninh quốc phòng của Việt Nam. Vậy, dù chấp nhận và quan tâm đến ý kiến của đọc giả, và dù cách viết trong bài đó có thể bị xem là khó chịu cho những người muốn giữ một hình ảnh tốt đẹp về tình trạng ở Hoa Lực, tôi thấy cái nóng mới là những gì mà đang tiếp diễn ở Hoa Lực và trên Biển Đông. ok? Cảm ơn các bạn và mọi người! JL, Hà Lan (Xin Lỗi Ông Blog)
  3. Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2016-03-03 In trang này Chia sẻ Ý kiến của Bạn Email Nghe hoặc Tải xuống Những người biểu tình mặc áo thun với các áp phích ghi nhớ 64 thủy thủ Việt Nam thiệt mạng ngày 14 Tháng 3 năm 1988 trong trận Gạc Ma. Ảnh chụp hôm 14/3/2013 tại Hà Nội. AFP photo Cuốn sách có tên “Gạc Ma, vòng tròn bất tử” có lẽ là một tác phẩm kỳ lạ nhất trong lịch sử in và phát hành sách của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, vì nó được soạn thảo nhằm tôn vinh các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma do một tướng lĩnh đương nhiệm biên tập và đích thân mang tới Nhà xuất bản nhưng hơn một năm sau vẫn không hề xuất hiện trên giá sách của độc giả khắp nơi có quan tâm về vấn đề chủ quyền biển đảo. Mặc Lâm tìm hiểu sự việc qua lời của thiếu tướng Lê Mã Lương, người trực tiếp biên tập cuốn sách, với các chi tiết sau đây. Sách viết về lịch sử nước ta, dù là một giai đoạn mới đây hay những điều đã xảy ra hàng trăm năm trước nếu có dính tới yếu tố Trung Quốc thì hầu như những cụm từ được xem là “nhạy cảm” đương nhiên biến mất hay được chỉnh sửa thành “nước ngoài” hay “nước lạ” . Báo chí tuy dần dần quen với cung cách này trong nhiều năm qua nhưng đâu đó vẫn có những bài viết “lách” luật bất thành văn này cho tới khi bị phát hiện, khiển trách hay rút bài viết xuống. Đối với sách thì việc nhắc tới vấn đề Trung Quốc có khó khăn hơn nhiều. Sách muốn phát hành công khai hợp pháp phải được Cục Xuất bản cấp giấy phép đó là chưa kể trong trường hợp có giấy phép rồi đôi khi vẫn bị cấm phát hành vì lý do “nhạy cảm”. Người đọc cũng dần dần quen với cung cách làm việc này và ít có người chú ý tới. Tuy nhiên, đối với một cuốn sách viết về sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ chống Trung Quốc mà phải bỏ mình thì việc trù dập, ém nhẹm không cho xuất bản nó lại là một việc khác. Nó là sự phản bội lại xương máu người lính và không một công dân nào có lương tri lại chấp nhận cho việc làm tắc trách này. Cuốn sách có tên “Gạc Ma, vòng tròn bất tử” nằm trong trường hợp này. Cuốn sách được soạn thảo dưới hình thức ghi lại toàn bộ sự việc xảy ra trong và sau trận chiến năm 1988 tại Gạc Ma, khi ấy 64 anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống tại vùng biển quê hương, một số khác bị Trung Quốc bắt làm tù binh và trao trả sau nhiều năm trong trại giam khắc nghiệp của chúng. “Gạc Ma, vòng tròn bất tử” được soạn thảo công phu và biên tập do chính tay thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, bỏ công sức xem xét. Bên cạnh đó nhà sử học Dương Trung Quốc, đương kim đại biểu quốc hội viết lời bạt, và đặc biệt hơn nữa cuốn sách được chính ông Đào Văn Lừng - Vụ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM - viết lời giới thiệu. Sau một năm, cuốn sách vẫn không có một động tĩnh gì cho thấy đang được xem xét hay chờ đợi quyết định nào đó của giới chức trách nhiệm, thiếu tướng Lê Mã Lương bộc bạch với chúng tôi: Thực sự mà nói tôi cũng không hiểu tại sao lại có cái chuyện như vậy. Khi tôi biên tập cuốn sách này sau đấy tôi đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu các loại tài liệu để bổ sung vào làm cho phong phú hơn. Phong phú chỉ có từ ngữ, kỹ thuật mà còn làm cho trang viết sinh động, chân thực gắn với lịch sử. Lịch sử diễn ra với những sự kiện sinh động hơn và có thể nói cuốn sách này chỉ nhằm để tôn vinh 64 anh hùng liệt sĩ cũng như những người bị Trung Quốc bắt hơn 3 năm mới trao trả. Trước đại hội 12, mọi diễn biến chính trị trong nước tạm thời đóng băng một thời gian và sau khi đại hội kết thúc với kết quả một dàn nhân sự mới, người dân quan sát thấy có sự thay đổi đáng chú ý về cách mà báo chí loan tải vụ việc có liên quan tới Trung Quốc. Từ ngữ không còn né tránh, sự việc không còn mù mờ, ẩn dụ và nhất là có hẳn những bình luận đanh thép về các hành vi mà Trung Quốc biểu hiện trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên đối với cuốn sách “Gạc Ma, vòng tròn bất tử” hình như không có một cái nhìn toàn diện như các tác giả của nó. Thiếu tướng Lê Mã Lương kể lại tình trạng đông lạnh của tác phẩm này: Tôi đã tham gia đưa đến một vài nhà xuất bản và cuối cùng tôi đưa đến nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Sau 5 tháng tôi cũng không thực sự theo dõi vì tôi cứ đinh ninh rằng nhà xuất bản Quân đội Nhân dân thành lập Hội đồng đọc và sau đó thì sẽ trình lên lãnh đạo Tổng cục Chính trị, lãnh đạo Bộ quốc phòng, nhưng sau đấy tôi có nghe nói Bộ trưởng Phùng Quang Thanh chưa có ý định phát hành cuốn sách này. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân biết vai trò của mình có giới hạn tới đâu khi nó đương nhiên nằm dưới quyền của ông Bộ trưởng Quốc phòng. Tuy nhiên, lời đồn đoán nào rồi cũng có lúc được bạch hóa. Cơ may tới cho Thiếu Tướng Lê Mã Lương, người theo dõi, đôn đốc cho số phận cuốn sách khi ông gặp chính người cần gặp là Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh. Thiếu tướng Lê Mã Lương thuật lại: Trong một lần tình cờ làm việc với Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tôi có nhắc lại câu chuyện này thì Đại tướng Phùng Quang Thanh nói ông hoàn toàn chưa hề biết. Ông nói “tôi còn không biết là anh tham gia vào việc viết cuốn sách này chứ chưa nói Nhà xuất bản Quân đội có báo cáo gì với tôi”. Khi ấy lập tức tôi đưa cái tập bản thảo cực kỳ nghiêm túc mà tôi đã biên tập và hy vọng nó thông qua bộ trưởng sẽ được xuất bản. Thế mà suốt từ bấy cho đến giờ nó đã trải qua đến nửa năm rồi, tức là từ khi tôi chuyển cho nhà xuất bản Quân đội cho đến khi tôi gặp Bộ trưởng Bộ quốc phòng Phùng Quang Thanh cho đến bây giờ cũng đã một năm. Cho nên thực sự tôi muốn nói là không hiểu vì sao nó lại như thế. Trong khi đó vừa qua tôi có nhận được một cuốn sách viết về Đặng Tiểu Bình tôi thấy rất lạ và tôi không tự giải thích được. Cuốn sách mà Thiếu tướng Lê Mã lương vừa nhắc tới có cái tên rất kêu: “Đặng Tiểu Bình, một trí tuệ siêu việt” đã được xuất bản và phát hành tràn lan tại Việt Nam. Đặng Tiểu Bình chính là người nói câu nói nổi tiếng: “dạy cho Việt Nam một bài học” vài ngày trước khi xua quân tấn công vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc, giết chết hàng chục ngàn chiến sĩ, đồng bào Việt Nam. Hai cuốn sách với hai mục tiêu rõ rệt. Một cuốn tôn vinh xương máu của anh hùng liệt sĩ Việt Nam, cuốn thứ hai lại tôn vinh người trực tiếp giết chết những người lính chiến ấy. Đây là tình huống mà Thiếu tướng Lê Mã Lương cho là khó hiểu, ngay cả khi ông là người được huân chương anh hùng của lực lượng vũ trang nhân dân.
  4. Nam Nguyên, phóng viên RFA 2016-03-03 In trang này Chia sẻ Ý kiến của Bạn Email Nghe hoặc Tải xuống Người dân giăng biểu ngữ tưởng niệm cuộc chiến biên giới phía bắc ngày 17/2/1979. Ảnh chụp tại Hà Nội hôm 17/2/2016. AFP photo Quốc hội Việt Nam sẽ không thảo luận Dự luật Biểu tình vào kỳ họp thứ 11 khai mạc vào 21/3/2016 sắp tới như dự kiến. Lý do vì Chính phủ chưa thể hoàn chỉnh Dự luật và chuyển sang Quốc hội. Như vậy một quyền hiến định của người dân tiếp tục bị trì hoãn từ 70 năm qua. Nhận định về việc người dân Việt Nam không biết đến bao giờ mới có thể thực hiện quyền phản đối một cách hợp pháp qua Luật Biều tình, Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Saigon trình bày quan điểm: “Ý kiến cá nhân, tôi đã nhiều lần đề nghị là những quyền hiến định không nên để bị treo đến 70 năm mà không có luật và cứ chung chung... Cho nên tôi cho rằng còn có những luật cần phải ra đời trong đó có Luật Biểu tình, Luật Lập hội và quyền được cung cấp thông tin ..v..v.. Đó là một số luật cần phải có để thực hiện quyền dân chủ đầy đủ mà Hiến pháp 2013 cũng đã qui định tiến bộ hơn nhiều so với trước. Việt Nam đang là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc việc cần phải ra những luật như vậy hết sức cấp thiết…” Quyền biểu tình cũng như nhiều quyền cơ bản của công dân được qui định trong tất cả các bản Hiến pháp của nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, kể từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 cho tới Hiến pháp gần đây nhất 2013. Điều 25 của Hiến pháp 2013 khẳng định công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật qui định. Dự luật Biểu tình đã nhiều lần bị trì hoãn, mặc dù Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay từ năm 2011 từng xác định Việt Nam cần có Luật Biểu tình để quản lý hoạt động này. Nhu cầu luật hóa một quyền cơ bản của công dân đã được ghi trong Hiến pháp là tối cần thiết, nhất là trong vài năm qua hàng trăm cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã xảy ra ở Việt Nam theo lời kêu gọi của các tổ chức xã hội dân sự độc lập, hoặc tự phát hoặc bị giật dây không rõ nguồn gốc. Điển hình là các cuộc biểu tình hồi tháng 5/2014 để phản đối hành động của Trung Quốc, đưa giàn khoan Hải dương 981 vào thăm dò khai thác bên trong thềm lục địa của Việt Nam, ngoài khơi Quảng Ngãi. Nếu như có Luật, thì cuộc biểu tình của hàng chục ngàn công nhân vào trung tuần tháng 5/2014 có thể đã diễn ra một cách ôn hòa hơn, không theo cách bị kích động bạo lực, đốt phá hàng trăm công ty của người Hoa ở Đồng Nai, Bình Dương và nghiêm trọng nhất là ở Khu Kinh tế Vũng Áng tỉnh Hà Tĩnh gây thương vong cho 150 công nhân Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam đã phải bồi thường thiệt hại cho các công ty nước ngoài mà phần lớn là Trung Quốc và Đài Loan cả trăm tỷ đồng. Bên cạnh những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, còn là những cuộc biểu tình của dân oan mất đất, người bị oan sai và đình công biểu tình của người lao động đòi quyền lợi. Người dân bức bách thì cứ rủ nhau biểu tình vì là quyền hiến định, chuyện không có luật là chuyện của Quốc hội. Đường đi gập ghềnh của Dự luật Biểu tình và sự hoãn đi hoãn lại, đầu năm 2016 cử tri Việt Nam những tưởng Quốc hội khóa 13 trước khi mãn nhiệm sẽ thông qua Luật Biểu tình. Nhưng cuối cùng mọi việc vẫn như cũ, Chính phủ một lần nữa xin hoãn mà không nói rõ khi nào sẽ trình Dự luật qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong phiên họp ngày 17/2/2016 vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội không chấp thuận đề xuất này và yêu cầu trình Dự luật đúng lịch trình. Cá nhân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã phê phán Chính phủ là làm việc thiếu nghiêm túc. Dầu vậy trong cuộc họp báo, sau phiên họp thường kỳ ngày 29/2/2016 tại Hà Nội của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ông Nguyễn Khắc Định đã cho biết là, sau khi được tin Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng ý cho hoãn trình Dự luật Biều tình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xác định với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là chưa hoàn tất Dự luật Biều tình để trình ra kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa 13 dự kiến khai mạc ngày 21/3/2016 sắp tới. Như vậy việc xem xét Dự luật Biểu tình sẽ thuộc thẩm quyền Quốc hội Khóa 14 sắp tới và bao giờ có Luật là điều chưa rõ. Thông tin nghị trường cho biết, Ủy ban soạn thảo Dự luật Biểu tình do Bộ Công an chủ trì đã hoàn tất công việc. Tuy nhiên trong nội bộ Chính phủ không có sự thống nhất quan điểm và còn nhiều ý kiến tranh cãi như thẩm quyền cấp phép và chế tài. Bộ Quốc phòng có ý kiến phản đối mạnh mẽ nhất việc ra Luật Biểu tình, vì cho là không nên có sự đổi mới chính trị quá mức. Ngoài ra Bộ Quốc phòng viện dẫn các vấn đề an ninh quốc gia và yêu cầu tiếp tục quản lý việc tụ họp đông người qua Nghị định thay vì Luật. Những chi tiết này được ông Nguyễn Kim Khoa Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội tiết lộ trong phiên họp ngày 17/2/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và báo mạng Một Thế Giới tường thuật lại. Đại biểu Khoa cũng phản bác quan điểm của Bộ Quốc phòng, theo lời ông luật hóa quyền biểu tình là thực thi Hiến pháp chứ không phải là đổi mới chính trị. TS Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập một tổ chức xã hội dân sự tự phát, từ Saigon nói với chúng tôi về điều gọi là nguyên nhân chủ yếu của việc trì hoãn Dự luật biểu tình, cho dù Chính phủ có thể soạn thảo nó với thật nhiều thủ tục để hạn chế quyền biểu tình. “Thực ra vấn đề có nhiều ý kiến khác nhau chỉ là một lý do rất là bề mặt. Lý do sâu xa thực chất ở Việt Nam có hàng triệu dân oan, hàng trăm ngàn nạn nhân về môi trường. Tất cả những thành phần như vậy họ đều muốn phản ứng đối với nhà nước về những chính sách bất cập và gây hậu quả nghiêm trọng đối với vấn đề sinh kế, mưu sinh và môi trường của họ. Thành thử không có gì ngạc nhiên việc nhà nước rất sợ những thành phần dân oan, nạn nhân môi trường hay gần đây là tiểu thương biểu tình. Bất chấp việc chưa có Luật Biểu tình thực ra từ mấy năm qua đã diễn ra làn sóng biểu tình liên tục ở Trung Nam Bắc. Năm 2015 vừa rồi đã chính thức hình thành phong trào cứu lấy dân oan ba miền, những người này thường xuyên kéo tới trụ sở văn phòng tiếp dân ở Ngô Thời Nhiệm Hà Nội…” Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và một số đại biểu đã có nhiều phát biểu mạnh mẽ và được cho là hợp lòng dân trong thời gian gần đây, đặc biệt có ý kiến đòi chế tài những người có trách nhiệm trong việc chậm trễ trình dự Luật Biểu tình. Nhìn từ bên ngoài có thể thấy sinh hoạt nghị trường bớt nhàm chán hơn, nhưng sự nâng cao vai trò Quốc hội trong sự cân bằng ba nhánh quyền lực Hành pháp, Lập pháp, Tư pháp để tiến tới thịnh vượng và dân chủ lại là một câu chuyện khác. Vấn đề mà các nhà quan sát coi là một đề xuất hấp dẫn nằm trên vạch xuất phát của con đường thiên lý.
  5. Trọng NghĩaĐăng ngày 03-03-2016 Sửa đổi ngày 03-03-2016 22:08 Trung Quốc đã triển khai chiến đấu cơ J-11 tại đảo Phú Lâm, Hoàng SaReuters Bộ Ngoại Giao Việt Nam ngày 03/03/2016, một lần nữa lại lên tiếng phản đối các hành động của Trung Quốc tại vùng quần đảo Hoàng Sa, lần này tập trung trên vấn đề Bắc Kinh đã điều cả ngàn quân lính đến nơi này. Riêng trong tháng Hai, Việt Nam đã hai lần tố cáo Trung Quốc triển khai vũ khí trên đảo Phú Lâm, hòn đảo chính của Hoàng Sa, và xây dựng căn cứ trực thăng quân sự trên đảo Quang Hòa cũng thuộc Hoàng Sa. Phản ứng cứng rắn của Việt Nam, theo giới quan sát, tương ứng với mối đe dọa trực tiếp mà vũ khí Trung Quốc đặt trên Hoàng Sa nhắm vào Việt Nam, cụ thể là vào miền Trung. Một tấm bản đồ toàn bộ Biển Đông được Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, trụ sở tại Washington công bố vào cuối tháng Hai, đã nêu bật tầm hoạt động của các loại tên lửa và chiến đấu cơ mà Trung Quốc đã triển khai tại vùng Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các loại thiết bị radar mà Bắc Kinh đang rốt ráo lắp đặt. Theo tính toán của các chuyên gia, nếu tên lửa Hồng Kỳ 9 (HQ 9) phát hiện trên đảo Phú Lâm với được tới Việt Nam, cũng như radar tại Trường Sa, thì nguy cơ trực tiếp đối với đất liền Việt Nam chính là các loại chiến đấu cơ tương đối hiện đại, chẳng hạn như loại J-11 mà Bắc Kinh từng triển khai trên đảo Phú Lâm. Chiến đấu cơ Trung Quốc từ Hoàng Sa có thể đánh vào Huế, Đà Nẵng Căn cứ vào tầm hoạt động của máy bay tiêm kích Trung Quốc, các chuyên gia Mỹ đã cho thấy rõ là phi cơ Trung Quốc đặt tại Hoàng Sa đủ sức đánh vào các khu vực chạy dài từ Qui Nhơn, lên đến Tam Kỳ, Đà Nẵng và Huế. Còn các thành phố như Đà Lạt, Nha Trang, Phan Rang, Tuy Hòa ở miền Nam Trung Bộ Việt Nam sẽ nằm trong tầm bắn của phi cơ Trung Quốc đặt tại Trường Sa. Đó chính là những mối đe dọa cụ thể đối với Việt Nam. Hà Nội đã cực lực phản đối nhưng cho đến nay, vẫn bị Bắc Kinh bỏ ngoài tai vì họ đã coi Hoàng Sa - bị họ dùng võ lực chiếm trọn vào năm 1974 - là lãnh thổ Trung Quốc, và không hề thừa nhận đây là vùng có tranh chấp. Chính sách của Bắc Kinh là phớt lờ yêu cầu của Hà Nội muốn đàm phán trên vấn đề Hoàng Sa, như một phần trong các cuộc thảo luận rộng hơn về lãnh thổ. Trung Quốc đã cố gắng gạt vấn đề này ra khỏi lịch trình ngoại giao khu vực. Phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vào tuần qua, nhắc lại là Trung Quốc vẫn khẳng định là Hoàng Sa không nằm trong vùng tranh chấp, cho nên Bắc Kinh có thể triển khai những gì mình muốn trên lãnh thổ của mình mà không ai có quyền trách cứ. Hoàng Sa đã không được ghi vào Tuyên bố về ứng xử tại Biển Đông ký kết giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002, bất chấp các yêu cầu của Việt Nam trong quá trình thảo luận. Chiến dịch tuần tra Tri Tôn của Mỹ giúp nêu bật hành vi cưỡng chiếm trước đây Tuy nhiên, trong một động thái bất ngờ, Hoa Kỳ vào tháng qua cho tàu USS Curtis Wilbur đi vào vùng 12 hải lý của đảo Tri Tôn ở Hoàng Sa, làm cho việc Trung Quốc lấn chiếm lâu dài quần đảo này được lôi ra trước ánh sáng công luận quốc tế. Giáo sư Carl Thayer, tại Học Viện Quốc Phòng Úc, cho là ông « rất ngạc nhiên » trước chiến dịch tuần tra Hoàng Sa của Mỹ, một hành động có nguy cơ gây rắc rối cho chủ trương thách thức các hành vi quân sự hóa vùng Trường Sa mà Trung Quốc muốn đẩy mạnh. (rfi)
  6. Anh Vũ, thông tín viên RFA 2016-03-03 In trang này Chia sẻ Ý kiến của Bạn Email Nghe hoặc Tải xuống Du khách nước ngoài ngồi ở sân thượng của một quán bar trong khu phố cổ Hà Nội hôm 23 tháng 3 năm 2015. AFP photo/Hoang Dinh Nam Chặt chém du khách đang là một trong những tệ nạn, đã làm cho du khách quay lưng với du lịch Việt Nam. Vai trò của chính quyền thế nào và các giải pháp để chấm dứt vấn nạn này là gì? Làm xấu hình ảnh VN Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Nhà nước về du lịch cho biết, cho dù thiên nhiên, tài nguyên du lịch của VN phong phú, đặc sắc, song du lịch VN thiếu tính chuyên nghiệp đã khiến đa phần du khách đến VN và sau đó không quay lại lần thứ 2. Một trong những nguyên nhân đó là nạn ép khách, đeo bám khách, nâng giá dịch vụ quá cao, đã tác động xấu đến hình ảnh của ngành du lịch VN. Dưới nhan đề "Chặt chém du khách", báo Người Lao động ngày 31/12/2015 cho biết, trong những ngày Tết Dương lịch 2016, lượng khách du lịch đến Bình Thuận, Khánh Hòa tăng khá cao. Các khách sạn, cơ sở ăn uống, dịch vụ mặc sức “chặt chém” du khách. Theo đó, một số khách sạn ở trung tâm TP Nha Trang lấy lý do kín phòng để với tăng gấp 2 lần so với thường ngày. Đặc biệt, thời gian gần đây, tại một số địa bàn du lịch nổi tiếng thường xuất hiện một số người bán hàng rong, mát-xa dạo có hiện tượng bắt chẹt du khách. Nhận xét về hiện tượng này, bà Thu Huyền lãnh đạo một Công ty Du lịch nay đã nghỉ hưu thấy rằng, không chỉ khách du lịch nước ngoài, mà kể cả người Việt hiện nay cũng có xu hướng đi du lịch các nước láng giềng trong khu vực, vì giá cả hợp lý. Bà nói với chúng tôi: “Phải nói là đã xảy ra các hiện tượng gọi là chặt chém, tôi thấy đó là điều đáng tiếc. Do một số người do sự hiểu biết thấp, có sự tham lam của cá nhân, nên không biết rằng việc làm của mình đã làm xấu đi hình ảnh của đất nước.” Từ Nha Trang, nhà báo Võ Văn Tạo thấy rằng, việc chỉ có khoảng 8 triệu du khách quốc tế đến VN một năm, so với 30 triệu du khách đến Thái lan, là điều khiến những người làm công tác du lịch cần phải xem lại mình một cách nghiêm túc. Ông nói với chúng tôi: “Bản thân tôi là một nhà báo, nhưng xuất thân từ khi ra nghề thì tôi có 17 năm làm trong ngành du lịch. Hiện nay công luận nêu vấn đề nạn chặt chém du khách tôi nghĩ đó là vấn đề lớn. Ở Nha trang nạn đeo bám, chèo kéo khách cũng có nhưng không nặng lắm như các địa phương khác. Nhưng hiện tượng lừa đảo, khi khách vào ăn ở nhà hàng, khi ăn xong thì họ tính tiền với một cái giá trên trời.” Theo VNN online, PGS.TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch thấy rằng, lỗi để xảy ra tình trạng “chặt chém” du khách là do hai phía: nhận thức của người dân và sự buông lỏng quản lý. Trên thực tế, người dân nhiều địa phương chỉ cần biết cái lợi trước mắt mà quên đi lòng tự trọng. Trong khâu quản lý, thì khi phát hiện có hành vi “chặt chém”, du khách không biết kêu ai hoặc kêu cũng không có ai xử lý như hiện nay. Để người làm du lịch không nhờn luật, người xử lý cũng phải có trách nhiệm trong công việc, với sự phát triển của ngành. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, song sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương là nguyên nhân chính. NB. Võ Văn Tạo khẳng định: “Khi tôi ra Đà nẵng thì như đến một thế giới khác, hầu như không có tình trạng đó, như vậy để thấy tình trạng chặt chém du khách không phải là vấn đề bất trị. Tôi nghĩ, cái quan trọng là các địa phương có quyết tâm làm hay không? Điều đó chứng tỏ, ở địa phương nào lãnh đạo quan tâm đúng mức thì sẽ giải quyết được vấn nạn đó. Chứ không phải không giải quyết được.” Giải pháp nào? Khi được hỏi, chính quyền cần phải có giải pháp nào để hạn chế, tiến đến xoá bỏ tình trạng chặt chém du khách? Bà Thu Huyền thấy rằng, việc bảo vệ du khách trước nạn chèo kéo, chặt chém, lừa đảo tại các điểm tham quan du lịch hiện nay là rất kém. Cần có sự góp sức và phối hợp đồng bộ từ nhiều phía Nhà nước, các địa phương, người trực tiếp làm du lịch cũng như người dân. Bà cho biết: “Trong trường hợp này theo tôi nghĩ chỉ có 2 giải pháp, đó là giáo dục và quản lý. Nghĩa là nếu xảy ra những trường hợp như thế phải kiên quyết xử lý bằng chế tài ngay. Các địa phương cần phải phát huy vai trò của người dân cũng như các tổ chức nghề nghiệp thì mới làm được tốt. Chứ theo tôi chỉ một phía chính quyền không tài nào làm được việc này.” Chính quyền các địa phương cần ý thức được rằng, họ được phân công quản lý điểm du lịch đó thì khi mọi bất trắc xảy ra làm khách du lịch thiệt hại,thì họ phải chịu trách nhiệm xử lý; thậm chí phải bồi thường cho khách. Ngoài ra, họ còn phải hạn chế các hiện tượng quấy nhiễu du khách khác như bán giá quá cao, chèo kéo, móc túi… NB. Võ Văn Tạo tiếp lời: “Có những biện pháp giải quyết cần áp dụng như: công khai bảng giá dịch vụ; có các bảng hướng dẫn cho du khách khi xảy ra hiện tượng đó thì gọi vào đường dây nóng; rất dễ làm làm các bảng thông báo ở các điểm trung tâm có nhiều du khách đến, nêu đích danh tên nhà hàng, khách sạn đã để xảy ra các hiện tượng đó. Tôi nghĩ đây là một biện pháp trừng phạt mà các khách sạn và nhà hàng sợ nhất. Đây không phải biện pháp hành chính mà rất thị trường.” Các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm vấn đề trật tự ở các địa phương là đơn vị phải chịu trách nhiệm đầu tiên và nếu không có những xử lý nghiêm túc đối với những người ấy thì không bao giờ có thể khắc phục được tình trạng này, kể cả có các quyết định to lớn ở cấp nào đi chăng nữa. Một cán bộ thuộc Hiệp hội Du lịch VN yếu cầu dấu danh tính, nhận định: “Việc xử lý các tình trạng đó không phải chỉ xử lý những kẻ gây ra việc chặt chém, mà phải xử lý ngay cả các cơ quan chính quyền và những người có trách nhiệm để xảy ra tình trạng đó tại địa phương mình.” Bình luận về ý kiến cho rằng, nhà nước cần tổ chức lực lượng Cảnh Sát Du lịch để góp phần tạo hình ảnh du lịch VN tốt hơn. NB. Võ Văn Tạo cho biết: “Ở VN, một số địa phương cũng đề xuất việc thành lập CS Du lịch, tôi nghĩ nếu cái đó cần thiết thì vẫn cứ phải làm. Nhưng lực lượng đó phải thực hiện đúng nghĩa là phục vụ cho công tác du lịch. Tuy vậy, tôi sợ rằng lực lượng đó vẫn cứ cái tác phong của công an như hiện nay, thì nó phản cảm lắm.” Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch, khuyến cáo rằng: chất lượng điểm đến quyết định chất lượng sản phẩm du lịch. Thái độ đón tiếp của công an cửa khẩu, hải quan, khách sạn, nhà hàng cũng như người dân… đối với du khách, từ lúc đến cho đến khi khách về nước là hết sức quan trọng, và mọi người cần có ý thức làm việc đó cho thật tốt. Nếu du khách không vào Việt Nam nữa thì địa phương thất thu, người dân thất thu chứ chưa nói đến lợi ích quốc gia.
  7. Giới chức địa phương của Philippines theo dõi bản đồ về địa điểm mà Philippines nói Trung Quốc điều tàu vào. Bàn tròn Thứ Năm của BBC và các khách mời bình luận những điểm mới trong tranh chấp Biển Đông năm 2016 nhân việc tàu Trung Quốc vừa rút khỏi bãi Hải Sâm thuộc quần đảo Trường Sa mà cả Việt Nam, Philippines cùng tuyên bố chủ quyền. Tọa đàm của BBC được phát vào lúc 19h15-20h00 giờ Việt Nam, ngày thứ Năm, 03/3 trên kênh Youtube của BBC Việt ngữ Tại đây. Ngoại trưởng Philippines cho hay hôm 2/3 khi kiểm tra thì tàu Trung Quốc đã không còn ở bãi Hải Sâm thuộc Trường Sa. Thông tin về hiện diện của nhiều tàu Trung Quốc tại nơi mà Philippines gọi là Đá Quirino đã làm dấy lên quan ngại rằng Trung Quốc đã chiếm kiểm soát bãi san hô này. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Albert del Rosario nói khi điều người ra kiểm tra thì không còn thấy tàu Trung Quốc nữa. Ông del Rosario cũng nói thêm không rõ tàu nước láng giềng khổng lồ có quay trở lại hay không. "Chúng có thể trở lại vào ngày mai, có thể không." Tại Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi giải thích rằng Bộ Giao thông Trung Quốc đã điều tàu ra Trường Sa, mà nước này gọi là Nam Sa,để cứu một tàu cá mắc cạn gần bãi Hải Sâm từ cuối năm 2015, gây cản trở lưu thông. Ông Hồng nói với các phóng viên rằng trong chiến dịch này, tàu Trung Quốc đã "thuyết phục các tàu cá [Philippines] rút lui để bảo đàm an toàn lưu thông hàng hải". Ông cũng nói tàu Trung Quốc đã rút đi sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Gây chú ý và quan ngại Trung Quốc đã triển khai hệ thống Radar ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Từ đầu năm 2016 tới nay, Trung Quốc gây chú ‎ý và quan ngại ở Biển Đông với một số các quốc gia có lợi ích liên quan, sau khi có một loạt động thái như cho phi cơ hạ cánh thử nghiệm ở quần đảo Trường Sa, tiến hành nhiều chục chuyến phi cơ dân sự hạ cánh, triển khai dàn tên lửa đất đối không và Radar ở khu vực, trong khi được cho là vẫn tiếp tục củng cố các khu đảo nhân tạo gây tranh cãi. Trước đó, ngư dân Việt Nam cũng đưa ra cáo buộc là nhiều tàu cá của họ tiếp tục bị các tàu của Trung Quốc đe dọa, tấn công thậm chí bắn phá, mặc dù truyền thông chính thức của Việt Nam trong nhiều vụ chỉ gọi đây là ‘tàu lạ’. Liên quan tranh chấp giữa Trung Quốc với Philippines tại bãi Hải Sâm, hồi năm 2011, tàu chiến Trung Quốc từng nổ súng gây hấn với ba tàu cá của Philippines cũng tại bãi Hải Sâm khiến các tàu này phải cắt neo chạy trốn. Manila đang kiện tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông của Bắc Kinh ra tòa trọng tài quốc tế và phán quyết được trông đợi vào tháng Năm tới. Hôm thứ Ba 1/3, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter lặp lại yêu cầu Trung Quốc không có hành động "hung hăng" trong khu vực và cảnh báo "hậu quả" nếu tiến trình quân sự hóa Biển Đông tiếp diễn. Người dân Philippines biểu tình phản đối các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông. Về phần mình, Bắc Kinh hết sức giận dữ trước các chuyến tuần tra "bảo vệ tự do lưu thông" của hải quân Mỹ ở Biển Đông trong thời gian gần đây. Bàn tròn Thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ và các vị khách mời cùng nhìn lại các diễn biến và sự kiện ở Biển Đông, cũng như các động thái, phản ứng của các bên liên quan, và thử dự đoán xem ít nhất từ nay tới cuối năm 2016, Trung Quốc và các bên liên quan sẽ có những bước đi, động thái nào khác đáng chú ý. Tham gia Bàn tròn, có Đại sứ, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Ngoại giao, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhà nghiên cứu bang giao Quốc tế từ Đại học George Mason, Hoa Kỳ, nhà báo Đỗ Thông Minh từ Tokyo Nhật Bản và nhà báo Vincent Ni, từ Ban BBC Tiếng Trung. Mời quý vị theo dõi Tọa đàm tại đây: http://www.youtube.com/watch?v=IQholJOECzo (BBC)
  8. Báo Petro Times có bài đả kích ứng viên độc lập là nghệ sĩ chèo Nguyễn Công Vượng. Trong vài ngày đầu tuần qua, gần như tất cả các ứng viên độc lập vào Quốc hội khóa 14 đều đã và đang bị chính quyền cản phá quyết liệt bằng nhiều hình thức, từ gây khó khăn ở khâu hồ sơ đến viết bài bôi nhọ trên báo chí chính thống, từ đe dọa tại địa phương đến quay clip xâm hại uy tín trên mạng xã hội. Không cơ quan nào xác minh lý lịch Sau khi đã rất vất vả mới lấy được chữ ký xác nhận lý lịch ở phường Thành Công, sáng thứ ba (1/3), bà Đặng Bích Phượng, 56 tuổi, mang hồ sơ đến Ủy ban Bầu cử TP. Hà Nội thì đến xế chiều, người của Ủy ban gọi điện yêu cầu bà phải xác minh lại lý lịch tại UBND phường nơi bà đang cư trú là phường Dịch Vọng, chứ không phải phường Thành Công là nơi bà có hộ khẩu thường trú. Bà Phượng lại mang hồ sơ tới phường Dịch Vọng. Tuy nhiên, một nữ cán bộ tư pháp ở đây bảo bà: “Phường không có cơ sở để xác minh lý lịch cho chị”. Bà Phượng tức tốc rút điện thoại, gọi cho một người ở Ủy ban Bầu cử tên Thảo. Ông Thảo bảo bà đưa máy cho cán bộ tư pháp phường Dịch Vọng để ông nói chuyện, nhưng cô này từ chối nghe. Bà Phượng hỏi lại ông Thảo và nhận được câu trả lời: “Tùy chị thôi!”. Cực chẳng đã, ngày 2/3, bà Đặng Bích Phượng đã làm đơn gửi Ủy ban Bầu cử TP. Hà Nội và phường Dịch Vọng yêu cầu giải thích bằng văn bản xem “UBND phường nào có thẩm quyền xác minh lý lịch ứng cử đại biểu Quốc hội cho tôi?”. Khi bà mang đơn đến trụ sở thường trực của Ủy ban Bầu cử thì đã thấy công an thường phục, nhân viên an ninh... có mặt ở đó khá đông. Sau một hồi đôi co, cuối cùng, điều duy nhất bà Phượng đạt được cho đến lúc này là Ủy ban Bầu cử đã tiếp nhận đơn “đề nghị giải thích” của bà (nhưng không nói đến khi nào sẽ giải thích). Bị xác nhận kiểu “phá đám” Bà Đặng Bích Phượng, ứng viên độc lập 56 tuổi, nói Ủy ban Bầu cử TP. Hà Nội yêu cầu bà phải xác minh lại lý lịch tại UBND phường. Khá gần với “cảnh ngộ” của bà Đặng Bích Phượng, ứng cử viên Nguyễn Tường Thụy, 64 tuổi, cũng bị UBND xã Vĩnh Quỳnh gây khó khăn ở khâu hồ sơ. Cụ thể, xã yêu cầu ông Thụy phải khai ở mục Kỷ luật rằng ông từng bị công an quận Hoàn Kiếm cảnh cáo hai lần vì đi biểu tình chống Trung Quốc. Tuy nhiên, tương tự như trường hợp bà Phượng, sự việc này của ông Thụy đã xảy ra từ cách đây 4-5 năm chứ không phải “trong thời gian 01 năm tính đến ngày làm hồ sơ ứng cử”, cho nên đúng ra thì ông không cần khai; nếu ông ghi, hồ sơ sẽ bị coi là không hợp lệ. Ngoài ra, bản thân ông Nguyễn Tường Thụy cũng không hề biết ông từng bị cảnh cáo hai lần, và chưa từng nhận được văn bản nào của cơ quan chức năng liên quan đến việc này. Sau ba lần đến UBND xã, ngày 2/3, ông Thụy được Phó Chủ tịch UBND xã, Nguyễn Đình Hiếu, ký xác nhận vào lý lịch rằng ông “trong thời gian sống tại xã, không tham gia sinh hoạt bất kỳ các tổ chức chính trị xã hội nào của xã”, “hai lần bị Công an Quận Hoàn Kiếm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính”, “có lời nói và việc làm không ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”. Thực ra, khi xác nhận lý lịch cho công dân, UBND xã, phường chỉ có chức năng xác nhận chữ ký và hộ khẩu thường trú chứ không có quyền nhận xét. Ngày 3/3, ông Nguyễn Tường Thụy đã gửi đến Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Ủy ban Bầu cử TP. Hà Nội một lá đơn “tố cáo hành vi cản trở quyền ứng cử của công dân”. Chiến dịch “bôi nhọ” trên truyền thông Những ngày qua tại Hà Nội, một nhóm người tự nhận là “dư luận viên”, biên tập viên của Viet Vision (một kênh Youtube chuyên về đưa tin chống lại giới hoạt động dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam), đã tổ chức quay và phát một số clip có nội dung xuyên tạc, công kích và gây hiểu lầm về TS. Nguyễn Quang A - một trong các ứng viên đại biểu Quốc hội độc lập. Tuy nhiên, hành động phỉ báng công khai nhất đối với các ứng viên độc lập là một bài viết có tựa đề “Quốc hội không phải là phường chèo”, đăng tải trên trang Petro Times (phiên bản điện tử của báo Tin Nhanh Năng Lượng Mới) hôm thứ tư, 2/3. Bài báo trực tiếp đả kích nghệ sĩ chèo Nguyễn Công Vượng bằng những từ như “chém gió”, “đốt đền hòng nổi danh”, “lộng ngôn”, “gây sốc”, “kẻ khùng”... Một loạt cá nhân khác cũng bị bài báo dùng các từ ngữ nặng nề để mạt sát, như các ứng viên Nguyễn Quang A, Nguyễn Tường Thụy, Đặng Bích Phượng cùng một số luật sư, và các nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Lân Thắng, Nguyễn Chí Tuyến... Được biết, ông Nguyễn Công Vượng và luật sư Lê Văn Luân đang dự định sẽ có hành động pháp lý đối với tờ Petro Times. Và... công an vào cuộc Một ứng cử viên đại biểu Quốc hội khác ở Hà Nội, ông Phan Văn Bách (hành nghề lái xe taxi cho hãng Mai Linh), cho biết ông cũng vừa bị công an ập vào nhà kiểm tra hành chính đột xuất, tối 2/3, không rõ lý do. Trong ngày 2/3, một trong các gương mặt nổi bật ứng cử đại biểu Quốc hội độc lập kỳ này, luật sư Võ An Đôn, đưa “tin khẩn cấp” trên mạng xã hội rằng ông đã nhận được giấy mời của Công an tỉnh Phú Yên, yêu cầu ông ngày 7/3 có mặt tại Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh. Ông Đôn đặt câu hỏi có phải chuyện này là do ông vừa nộp đơn ứng cử đại biểu Quốc hội và viết bài nói lên tâm tư của mình về việc ứng cử. Đoan Trang Gửi tới BBC từ Hà Nội Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, một nhà báo/blogger sống tại Hà Nội (BBC)
  9. Linh Nguyễn/Người Việt FOUNTAIN VALLEY, California (NV) - Người tài xế taxi thoát chết trong vụ bị ba tù nhân vượt ngục bắt cóc, vừa nộp đơn tại Orange County đòi bồi thường $2 triệu, với lý do tánh mạng của ông bị đe dọa trong thời gian bị họ giữ một tuần. Ông Mã Hoàng Long. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt) Theo đài truyền hình KTLA, ông Long, 71 tuổi, nộp đơn ký ngày 16 Tháng Hai tại văn phòng thư ký Hội Đồng Giám Sát Orange County. “Đơn loại này (Tort claim) do luật đòi hỏi phải thông báo cho nguyên đơn và chỉ có thể bắt đầu thủ tục kiện sáu tháng sau đó,” Luật Sư Từ Huy Hoàng, đại diện ông Mã Hoàng Long, nói với nhật báo Người Việt. Ông Long sống ở Garden Grove, làm nghề lái taxi đưa đón khoảng tám hoặc chín tháng nay. Hôm 22 Tháng Giêng, theo ông Long cho biết, ông được ba tù nhân Bắc Dương, 43 tuổi; Hossein Nayeri, 37 tuổi; và Jonathan Tiêu, 20 tuổi, gọi đến khu thương mại góc đường McFadden và đường Ward, Garden Grove, chở vào lúc khoảng 9 giờ tối. Trước đó, ba người này đã vượt ngục khỏi nhà giam Santa Ana Men's Jail ở Santa Ana. Sau đó, họ yêu cầu ông chở đến chợ Walmart ở góc đường Harbor và đường McFadden, Santa Ana, rồi lên Rosemead. Cũng trong đêm đó, theo lời ông kể, họ đã dí súng và bắt ông đi với họ lên San Jose. Trong thời gian này, theo ông Long, Hossein Nayeri có ý định giết ông, nhưng Bắc Dương không chịu. Sau đó, ngày 29 Tháng Giêng, Bắc Dương chở ông về Santa Ana và ra đầu thú. Ngày hôm sau, Hossein Nayeri và Jonathan Tiêu bị bắt ở San Francisco. Cũng theo cảnh sát, ba tù nhân đã cưa song sắt dày nửa inch, thoát ra chỗ bên ngoài phòng giam, leo lên nóc nhà giam, dùng dây và vải trải giường đu xuống dưới, ra bên ngoài, rồi trốn thoát. Hossein Nayeri bị bắt hồi Tháng Chín, 2014, và bị tố cáo tội bắt cóc, tra tấn, ăn trộm, và tấn công người bằng hung khí. Nghi can này bị giam không được đóng tiền tại ngoại. Jonathan Tiêu bị truy tố tội giết người, bắn vào nhà người khác, phạm một số tội băng đảng đường phố, và có ý định giết người. Nghi can bị bắt từ Tháng Mười, 2013 và bị giam, mặc dù có quyền tin tại ngoại với số tiền ấn định là $1 triệu. Bắc Dương, không được tại ngoại vì liên quan đến vấn đề di trú, bị bắt từ Tháng Mười Hai, 2015. Ông bị tố cáo sở hữu vũ khí (bất hợp pháp), tàng trữ đồ ăn cắp, ăn cắp xe, có ý định giết người, tấn công người khác bằng vũ khí nguy hiểm, và bắn vào nhà người khác. Theo đơn nộp cho Orange County, ông Long kể rằng sự sợ hãi có thể bị ba người tù vượt ngục giết chết, khiến tinh thần ông bị sa sút, căng thẳng do những gì xảy ra, và sự thiệt hại đáng giá $2 triệu. Liên lạc tác giả: [email protected]
  10. ESTMINSTER (NV) - Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, cựu giám đốc Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do (RFA) vừa đột ngột qua đời ngay trên chuyến bay từ thủ đô Washington DC đi Manila, Philippines tối 2 Tháng Ba, 2016. Giáo sư Nguyễn Ngọc Linh, bào huynh của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, cho báo Người Việt biết tin này. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. (Hình: Triết Trần/Người Việt) Giáo sư Linh nói với Người Việt rằng, hiền thê của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích là Tiến sĩ Đào Thị Hợi dùng điện thoại trên máy bay gọi về báo tin buồn vào lúc 9 giờ tối 2 Tháng Ba (giờ miền đông Hoa Kỳ). Bà cho biết, Giáo sư Bích vào phòng vệ sinh trên máy bay, khi về lại chỗ ngồi thì lên cơn mệt và mất ngay tại ghế ngồi.Luật sư Trịnh Hội, Giám đốc Tổ chức VOICE trụ sở tại Manila cũng đã biết tin này và đang có mặt tại phi trường Manila để đón thi hài Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích.Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích sinh 1937 tại Hà Nội. Lúc còn nhỏ, ông học tiểu học ở Vĩnh Yên, sau đó vào trung học ở Chasseloup Laubat, Saigon. Theo lời Giáo sư Nguyễn Ngọc Linh, Giáo sư Bích du học Hoa Kỳ năm 1954 theo chương trình học-bổng Fulbright, học Đại học Princeton và và tốt nghiệp ngành Chính trị học năm 1958. Sau đó, ông tiếp tục theo học môn Á Đông học, Văn học cổ điển Nhật tại Columbia University, New York và có thời gian sang Nhật bằng học bổng President's Fellowship để thu thập tài liệu cho luận án cao học. Ngoài ra, ông theo đuổi một số khóa học ngắn ở Đại học Vienna và Munich (tiếng Đức), Madrid (tiếng Y-pha-nho), USDA Graduate School (tiếng Trung và tiếng Nga). Sau nhiều năm sống, học và làm việc ở ngoại quốc, giáo sư Nguyễn Ngọc Bích về nước năm 1972, cùng với hiền thê là Tiến sĩ Đào Thị Hợi thành lập Viện Đại Học Cửu Long ở Sài Gòn, đồng thời giữ chức Cục trưởng Cục Thông Tin Quốc Ngoại của Bộ dân Vận Chiêu Hồi do ông Hoàng Đức Nhã làm Tổng trưởng. Khi cộng sản chiếm miền Nam Tháng Tư năm 1975, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích rời quê nhà sang Hoa Kỳ sống tại Virginia cho tới khi ông vĩnh viễn ra đi. Trong suốt thời gian hơn 40 năm qua, ông kiên trì đóng góp trong nhiều lãnh vực văn hóa, giáo dục, đấu tranh của người Việt Quốc Gia hải ngoại. Thời Tổng thống George W.H Bush lãnh đạo Tòa Bạch Ốc, Giáo sư Bích được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Song Ngữ của Bộ Giáo Dục Liên Bang. Ông cũng từng là giám đốc của Ban Việt Ngữ Đài Á Châu Tự Do (RFA) từ ngày đài phát thanh chương trình đầu tiên về Việt Nam vào tháng hai năm 1997. Kể từ ngày về hưu rời khỏi RFA, ông vẫn giữ chức Chủ tịch ‘Nghị Hội Toàn Quốc Của Người Việt tại Hoa Kỳ’ và tiếp tục các trước tác văn học, dịch thuật. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích từ trần, để lại một di sản đồ sộ những đóng góp của ông trong rất nhiều lãnh vực. Và ông cũng để lại tình cảm yêu mến trong lòng nhiều người Việt trong và ngoài nước. Nói về sự ra đi đột ngột của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, Nhà văn nữ Trương Anh Thụy, người cùng với Giáo sư Bích khởi xướng Tổ Hợp Xuất Bản Miền Đông Hoa Kỳ và đã phát hành rất nhiều tác phẩm văn học, nghiên cứu trong hơn 20 năm qua, lặng đi, đứt quãng: "Sửng sốt! Đau buồn! Cùng học với Bích thời thập niên 50 bên Mỹ và làm việc chung với nhau không biết bao nhiêu công tác, không ngờ ông lại mất đột ngột không một lời giã biệt." Một bạn học khác của Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích thời du học Mỹ là ông Nguyễn Thái Sơn nói: "Buồn đau quá các bạn ơi! Bích hiền và thủy chung với tất cả mọi người. Tấm lòng như thế mà sao lại đột tử! Buồn quá các bạn ơi." (Đ.Q.A.T) Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích. (Hình: Youtube VanHoaNBLV1) Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích Sự nghiệp Dịch-thuật: A Thousand Years of Vietnamese Poetry (Một nghìn năm thi ca VN, Alfred A. Knopf, 1975), War & Exile: A Vietnamese Anthology (chủ biên, Chiến tranh và Lưu đày: Tuyển tập văn thơ VN hiện đại, Trung tâm Văn Bút Miền Đông Hoa Kỳ, 1989, để đi dự Đại hội Văn-bút Thế-giới ở Montreal, Canada, tháng 9-1989), Trường Ca Lời Mẹ Ru / A Mother's Lullaby của Trương Anh Thụy (dịch sang tiếng Anh, Cành Nam, 1989), Hoa Địa Ngục / Flowers of Hell và Hạt Máu Thơ / Blood Seeds Become Poetry (dịch thơ Nguyễn Chí Thiện, Tổ Hợp XBMĐ Hoa Kỳ, 1996), From Enemy to Friend (dịch "Mây Mù Thế Kỷ" của Bùi Tín, Naval Institute Press, Annapolis, MD, 2004), Cung Oán Ngâm Khúc / Complaints of an Odalisque (dịch và giới-thiệu thơ Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều, East Coast Vietnamese Publishers Consortium, 2006), Hỏa Lò / Hanoi Hilton Stories (dịch với người khác 3/7 truyện của Nguyễn Chí Thiện, Yale Southeast Asian Studies, 2007), Zenith (dịch chung với Hòa và Stephen B. Young "Đỉnh Cao Chói Lọi" của Dương Thu Hương, Viking, 2012). Biên khảo North Vietnam: Backtracking on Socialism (Vietnam Council on Foreign Relations, Saigon, 1971), giới-thiệu về thơ VN trong Nguyễn Đình Hòa, chủ-biên, Some Aspects of Vietnamese Culture (Southern Illinois University, Carbondale, IL, 1972), An Annotated Atlas of the Republic of Vietnam (Embassy of Vietnam, Washington DC, 1973), Hồ Xuân Hương: Tác-phẩm (Tổ Hợp XBMĐ Hoa Kỳ, 2000), Omar Khayyam - Rubaiyat: Thơ và Đời (dịch và giới-thiệu thơ Ba-tư, Tổ Hợp XBMĐ Hoa Kỳ, 2002), Tet, the Vietnamese New Year (East Coast Vietnamese Publishers Consortium, 2004), Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn (1 trong 7 soạn-giả, Viện Việt Học, 2009), Lưu Hương Ký (thơ chữ Nôm và chữ Hán của Hồ Xuân Hương, Tổ Hợp XBMĐ Hoa Kỳ, 2011). Mỹ thuật – Âm nhạc Vietnamese Architecture (dịch từ tiếng Pháp của Nguyễn Năng Đắc và Nguyễn Quang Nhạc, Embassy of Vietnam, Washington DC, 1970), 15 Ca-khúc mừng Giáng Sinh (National Center for Vietnamese Resettlement, 1975), Ngục Ca / Prison Songs (thơ Nguyễn Chí Thiện do Phạm Duy phổ nhạc, NNB làm lời tiếng Anh hát được, VICANA, 1982), dịch một số bài trong Trần Cao Lĩnh, Vietnam, My Country Forever (nhiếp ảnh nghệ-thuật, Aide à l'Enfance du Viet Nam, Paris, 1984), tác-giả hai bài về huyền-thoại VN và thơ VN trong Vietnam: Essays on History, Culture and Society (New York: The Asia Society, 1985), dịch danh-mục hội-họa VN trong An Ocean Apart: Contemporary Vietnamese Art from the United States and Vietnam (“Nghìn Trùng Xa Cách,” Washington, DC: Smithsonian Institution Traveling Exhibit Service, 1995), dịch các tiểu-luận về mỹ-thuật trong Thái Tuấn: Selected Paintings and Essays (Garden Grove, CA: VAALA, 1996). Góp mục từ điển "Southeast Asian Literature," trong Funk and Wagnalls New International Yearbook 1965, "Southeast Asia," trong The Oxford Companion to Women's Writings in the United States, "Nguyen Chi Thien" trong Mark Wilhardt, Who's Who in Twentieth-century World Poetry (Routledge, London, 2002). Góp mặt trong các tuyển tập Dịch thơ VN trong Dorothy B. Shimers (chủ-biên, Voices of Modern Asia, New York: New American Library, 1973), có gần 40 bài thơ Việt trong Katharine Washburn và John S. Major, World Poetry, An Anthology of Verse from Antiquity to Our Time (Thơ Thế-giới, một tuyển-tập từ thượng-cổ đến ngày nay, New York: Norton, 1998), và có thơ VN dịch trong khoảng 40 sách giáo-khoa Mỹ. (Người Việt)
  11. Ngô Nhân Dụng Hai nền kinh tế lớn nhất hoàn cầu trong nửa cuối thế kỷ 21, nếu không sớm hơn, sẽ là những quốc gia Châu Á, Ấn Ðộ và Trung Quốc. Hai quốc gia phát triển theo những con đường khác hẳn nhau từ khi thành lập chế độ chính trị hiện hành, lần lượt vào năm 1947 và 1949. Chúng ta thường chú ý đến Trung Quốc hơn, vì họ là láng giềng và đang xâm lấn biển, đảo Việt Nam. Trên mặt kinh tế, Cộng Sản Việt Nam theo Cộng Sản Trung Quốc từng bước một, thường chậm hơn mươi năm. Nhưng kinh tế Ấn Ðộ có thể đem lại nhiều bài học kinh nghiệm hơn nếu Việt Nam muốn phát triển theo cách kinh tế thị trường, đặc biệt trong thời kỳ sau chế độ Cộng Sản. Trong bài trước, mục này đã kể những khó khăn của Ấn Ðộ từ khi thực sự thành lập quốc gia, hơn 22 thế kỷ sau khi nước Trung Hoa được thống nhất dưới đời Tần Thủy Hoàng. Riêng một di sản tín ngưỡng từ 5,000 năm là hệ thống đẳng cấp cha truyền con nối cũng là một chướng ngại lớn cho việc phát triển kinh tế; đặc biệt khi so sánh với Trung Quốc. Thí dụ, một người Trung Hoa trung bình có thể làm ruộng, hoặc đi học rồi làm quan, hoặc làm thợ, đi buôn, tùy hoàn cảnh mà hoạt động. Nhưng một người Ấn Ðộ sinh ra trong một gia đình thuộc đẳng cấp nào đó thì khó đổi nghề nghiệp, công việc. Có hàng ngàn đẳng cấp như vậy. Người ta chỉ nghe tên là biết gia đình anh là trí thức chuyên nghiệp, hoặc làm bánh ngọt, hay đi quét rác, hoặc đổ phân. Hiến Pháp Ấn Ðộ đã xóa bỏ đẳng cấp, tất cả mọi người bình đẳng, nhiều người thoát ra khỏi số phận cổ truyền, nhưng tâm lý người dân vẫn rất khó thay đổi. Kinh tế Ấn Ðộ còn bị cản trở vì các chính khách thời lập quốc đã chọn xây dựng kinh tế theo lối xã hội chủ nghĩa. Họ tin rằng chính quyền, chứ không phải giới tư doanh, đóng vai trò quyết định cho kinh tế phát triển. Nhờ giới lãnh đạo Ấn Ðộ tôn trọng thể chế dân chủ tự do, không chấp nhận chính họ trở thành những bạo chúa độc tài, cho nên dân Ấn Ðộ không bị đem làm những con vật thí nghiệm cho những chính sách kinh tế và xã hội sai lầm như Mao Trạch Ðông đã làm chết mấy chục triệu người Trung Hoa. Ðường lối kinh tế sai lầm từ thời cố Thủ Tướng Jawaharlal Nehru cho đến Indira Gandhi và con bà đã kìm hãm kinh tế Ấn Ðộ trong tình trạng lạc hậu trong khi những quốc gia Ðông Á trở thành những con rồng trong các thập niên 1970-80. Mãi đến thập niên 1990, sau khi chứng kiến Liên Xô sụp đổ, Ấn Ðộ mới bắt đầu “cải tổ,” đi sau Ðặng Tiểu Bình ở Trung Quốc hơn 10 năm. Thủ Tướng Narasimha Rao, đảng Quốc Ðại, sau năm 1991, đã sửa chữa những sai lầm của đảng mình. Rao giảm bớt vai trò của nhà nước bằng cách giản dị hóa hệ thống các thứ giấy phép trong nền hành chánh. Giới “quan lại hành chánh” là một trở ngại lớn nhất cho kinh tế Ấn Ðộ, cho tới bây giờ vẫn chưa xóa bỏ được. Ông giảm bớt hàng rào thuế khóa, xóa bỏ độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước, để cho tư nhân tự do hoạt động và phát triển. Chính phủ Rao chấp nhận cải tổ cơ cấu theo những đề nghị của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, cứu nền kinh tế suy sụp. Nhưng dân Ấn Ðộ đã nhận ra những sai lầm của đảng Quốc Ðại từ nửa thế kỷ trước, và họ bầu đảng Bharatiya Janata Party (BJP) lên cầm quyền. Người kế vị ông Rao năm 1996 là Thủ Tướng Atal Bihari Vajpayee thuộc đảng BJP. Ông tiếp tục chính sách cải tổ của Rao, và con đường đó vẫn tiếp tục bởi Thủ Tướng Manmohan Singh, khi đảng Quốc Ðại trở lại cầm quyền năm 2004. Hai vị thủ tướng Rao và Vajpayee đều không hoàn toàn tin tưởng vào kinh tế tư bản, nhưng họ biết một điều là guồng máy chính quyền nặng nề là một chướng ngại lớn không cho tư doanh phát huy các sức mạnh của kinh tế thị trường. Họ “cởi trói” các luật lệ kinh tế với mục tiêu thúc đẩy cạnh tranh, trong các ngành viễn thông, hàng không, vân vân. Hàng chục ngành doanh nghiệp nhà nước được tư nhân hóa, từ nghề làm bánh, khách sạn, đến viễn thông, quặng mỏ và phân bón, mà trước đó đảng Quốc Ðại dành cho khu vực quốc doanh. Công cuộc cải tổ ở Ấn Ðộ chưa kéo dài được 15 năm đã bị ngưng lại với đảng Quốc Ðại từ năm 2004. Chính phủ liên hiệp của Quốc Ðại cho rằng cải tổ đang đi nhanh quá, cần thắng bớt lại. Chương trình tư nhân hóa chấm dứt. Chính sách tín dụng theo tiêu chuẩn thị trường, người vay phải chứng minh mình có khả năng trả nợ, bị bỏ qua. Nhà nước chủ trương nâng đỡ một số người, cho phép nhiều loại con nợ được miễn trả nợ. Chủ trương hạn chế chi tiêu để cân bằng ngân sách bị gạt bỏ, để nhà nước dùng tiền “bảo vệ công bằng xã hội.” Một chương trình xã hội rộng lớn gọi là NREGA nêu mục đích nâng đỡ người nghèo, nhưng đã trở thành một định chế gây tai tiếng nhất thế giới về tham nhũng. NREGA dùng trợ cấp để giữ giá thực phẩm thấp, nhưng thay vì nhắm vào những gia đình thật sự “nghèo,” khoảng 20% dân số Ấn Ðộ, chương trình này giúp cho hai phần ba dân số được mua thức ăn rẻ. Mục tiêu rất đáng kính trọng, nhưng chính sách cụ thể vừa phí phạm công quỹ vừa giúp nhiều người không cần giúp, đáng lẽ có thể giúp chính những người nghèo nhất trên các nhu cầu khác. Mười năm sau, dân Ấn Ðộ lại thất vọng về đảng Quốc Ðại, đảng bị dân lật đổ năm 2014. Ðảng BJP lại thắng cử, Thủ Tướng Modi hứa tiếp tục cải tổ kinh tế, sau 10 năm gián đoạn. Ông Modi đứng trước nhiều khó khăn, không khác gì ông Tập Cận Bình ở Bắc Kinh. Cả hai đều muốn “cải tổ kinh tế.” Nỗi khó khăn của họ khác nhau, vì bản chất chính trị của hai nước khác nhau. Ấn Ðộ đã bỏ lỡ cơ hội, người Việt nói là bị lỡ chuyến tàu ít nhất ba lần. Thập niên 1970 Ấn Ðộ không lên chuyến tàu phát triển của các con rồng Á Ðông. Năm 1980 Ấn Ðộ vẫn còn ngủ mơ chủ nghĩa xã hội trong khi Cộng sản Trung Quốc thay đổi, bắt đầu tư bản hóa. Ðảng Quốc Ðại lại ngưng chương trình cải tổ trong 10 năm, lỡ tầu lần thứ ba. Ðúng là Ấn Ðộ đã lỡ chuyến tàu trong gần nửa thế kỷ đó. Bởi vì trong thời gian đó thế giới thay đổi. Hiện tượng “toàn cầu hóa” đã bắt đầu trong lúc Ấn Ðộ còn ngủ mơ. Những nước Á Ðông đã được hưởng lợi nhờ các nước Mỹ và Châu Âu mở cửa mua hàng, cơn sóng “toàn cầu hóa” bắt đầu từ thập niên 1970. Khi Cộng Sản Trung Quốc bắt đầu tư bản hóa thì “toàn cầu hóa” đã trở thành sự thật không ai chống lại được. Phải giảm bớt nếu không nói là nên bãi bỏ hết các hàng rào quan thuế. Những chính trị gia bảo thủ nhất trong thế giới tư bản cũng phải chấp nhận một quy luật kinh tế, là trong thị trường tự do tất cả các cuộc trao đổi diễn ra chỉ vì ai cũng được lợi. Dân Trung Hoa đã nhập cuộc vào cơn sóng “toàn cầu hóa” đúng lúc, trở thành “cơ xưởng chế tạo” của cả thế giới, bởi vì tại các nước giầu có, tiên tiến, những ngành chế hóa đó không còn ai muốn làm, vì mức lời thấp quá so với các ngành công nghiệp mới. Công nghiệp mới “sạch hơn” vì không dùng đến than hay dầu lửa mà dùng trí óc con người. Mức lời cao hơn vì chưa bị cạnh tranh. Nhảy vô sóng “toàn cầu hóa” đó, kinh tế Trung Quốc gia tăng vượt bực. Ðến khi Ấn Ðộ nhìn ra, bắt đầu thay đổi kinh tế, thì đã chậm chân vài chục năm. Ấy thế mà mới sửa đổi được 14 năm lại ngập ngừng, muốn ngừng chân. Bây giờ, ông Narendra Modi phải ra sức chạy nước rút. Nhưng chạy như thế nào? Trước hết, Ấn Ðộ phải công nghiệp hóa. Phải chuyển hàng trăm triệu nông dân và những người cùng khổ thuộc giai cấp “hạ tiện” lên thành phố, biến họ thành công nhân. Hiện có khoảng 120 triệu dân Ấn trong tuổi lao động cần việc làm. Họ không có một nghề tinh xảo nào, cần tạo việc làm tay chân cho họ trong tám năm tới. Trung Quốc đã bắt đầu làm việc này từ năm 1980. Hiện nay công nghiệp chế hóa chỉ cung cấp khoảng 20% vào tổng sản lượng nội địa Ấn Ðộ, trong khi ở Trung Quốc đã lên tới 40%. Ai cũng biết, khi nào tỷ lệ đó tăng lên thì cả nền kinh tế cùng tiến. Vì vậy, với bản ngân sách đang đệ trình Quốc Hội, ông Modi đã tung ra kế hoạch công nghiệp hóa, khai trương rầm rộ ở Mumbai (tên mới của Bombay) ngày 14 Tháng Hai vừa qua, đặt tên là Made in India. Bước đầu coi có vẻ thuận lợi. Ðã có nhiều công ty quốc tế cam kết đầu tư 219 tỷ Mỹ kim, riêng trong năm nay sẽ có 60 tỷ. Công ty Ericson, Thụy Ðiển, đang sử dụng 22,000 công nhân bản xứ, sẽ mở thêm nhà máy mới, chuyển công việc hiện đang làm ở Trung Quốc qua Ấn Ðộ. Foxcom, một công ty Ðài Loan, sẽ mở thêm hơn 10 cơ xưởng làm điện thoại di động cho hãng Apple, sẽ sử dụng một triệu công nhân. General Motors sẽ đầu tư một tỷ Mỹ kim, mặc dầu sẽ phải cạnh tranh với kỹ nghệ xe hơi tiến bộ sẵn ở Ấn Ðộ. Nhiều công ty của Trung Quốc cũng đem công việc qua Ấn Ðộ làm vì lương thợ Trung Hoa bây giờ cũng cao quá! Muốn kế hoạch Made in India thành công, phải vượt qua chướng ngại cố hữu là “guồng máy hành chánh rùa,” một di sản của thời theo chủ nghĩa xã hội của đảng Quốc Ðại. Trong hơn một năm qua, ông Modi đã tấn công vào thành trì kiên cố này. Trường hợp công ty Mỹ Emerson là một thí dụ, họ đã đầu tư 25 tỷ Mỹ kim vào nước Ấn. Trước đây, 17 nhà máy của Emerson mỗi năm phải “xin cấp giấy phép lại” một lần, do bốn cơ quan nhà nước Ấn Ðộ duyệt xét. Ông Modi đã thay đổi. Từ nay, công ty Emerson chỉ phải xin tái duyệt xét các giấy phép ở một cơ quan mà thôi, chính sách gọi là “một cửa.” Hơn thế nữa, các giấy phép ba năm mới phải duyệt xét lại một lần! Quả nhiên, Emerson sẽ đầu tư mở thêm bốn nhà máy nữa, chuyên sản xuất các hệ thống điều khiển trong các cơ xưởng công nghiệp. Những cố gắng của chính quyền Modi rất đáng kính trọng. Tuy nhiên, người ta vẫn lo nước Ấn Ðộ lại “lỡ tàu” một lần nữa. Vì kinh tế thế giới đang suy yếu. Khi kinh tế tất cả các nước đều chạy chậm lại thì nhu cầu mua hàng chế hóa của Ấn Ðộ sẽ không cao. Khác hẳn tình trạng trước đây hơn 30 năm khi Trung Cộng thay đổi vào lúc nhu cầu cả thế giới đang tăng. Ông Tập Cận Bình đang lo thay đổi cơ cấu, biến kinh tế Trung Quốc từ chủ trương xuất cảng và đầu tư phí phạm qua một nền kinh tế tiêu thụ. Nỗi khó khăn của ông Tập một phần vì thị trường chưa được mở mang đúng mức và cả giới lãnh đạo Bắc Kinh chưa có kinh nghiệm, vẫn còn thói quen chỉ huy. Ngày hôm qua, Ngân Hàng Trung Ương ở Bắc Kinh mới giảm tỷ lệ dự trữ các ngân hàng, hậu quả là sẽ có thêm 100 tỷ Mỹ kim cho vay. Không ai biết những món nợ đó có ích lợi gì không và sau này có trả lại được không. Còn ông Narendra Modi cũng phải tranh thủ với hàng ngũ thư lại kinh tế và tính chất bảo thủ trong truyền thống văn hóa Ấn Ðộ. So sánh hai nước thì thấy ở Ấn Ðộ các vấn đề tương đối rõ ràng, cách đối phó cũng hiển nhiên; trong khi ở Trung Quốc thì giới lãnh đạo còn loay hoay vừa làm vừa học để biết thị trường nó vận chuyển như thế nào; đồng thời cũng phải lo đối phó với những thế lực bảo thủ ngay trong đảng Cộng Sản không muốn thay đổi! (Người Việt)
  12. Khoảng vài chục năm nay, động từ “chạy” ở nước ta có thêm một nghĩa mới. Khái niệm ấy ra đời rất tự nhiên từ thực tiễn cuộc sống và nghiễm nhiên tồn tại. Nó mô tả việc chạy chọt, lo lót để giải quyết một công việc gì đó cho một người hoặc một tập thể. Cũng từ thực tiễn, người ta rút ra một điều: Cả cuộc đời người, ai cũng có lúc “chạy việt dã” và “chạy” từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Đến lúc sắp chết còn phải lo chạy một vị trí đẹp trong nghĩa trang. Thật là cười ra nước mắt! Người mẹ bắt đầu có thai đã phải chạy lo nơi thăm khám thai nhi định kỳ. Rồi lo tìm nơi sinh đẻ phù hợp, có độ tin cậy cao để được mẹ tròn con vuông. Thế là thai nhi cũng phải chạy cùng mẹ rồi. Khi con học mẫu giáo thì lo chạy vào trường lớp nào có chế độ chăm sóc tốt. Rồi tiếp đến là lo vào học lớp 1. Mà chuyện xin vào học lớp 1 lâu nay đã trở thành chủ đề sôi động đối với các phụ huynh. Người ta ví việc xin vào học lớp 1 còn khó hơn đi học đại học. Khó mà tìm thấy ở quốc gia nào lại có chuyện phụ huynh xếp hàng thâu đêm ở cổng trường PTCS để chầu trực xin cho con vào lớp 1. Khó đến thế nên lại phải “chạy”. Và cái giá cho công việc được vào trường điểm cũng không hề nhỏ, mọi người vẫn rỉ tai nhau chạy hết số tiền hàng chục triệu. Lên đến bậc PTTH tiếp tục chạy; vào đại học cũng chạy. Rồi tốt nghiệp đại học mới càng gian nan. Bởi mỗi năm, có hàng vạn cử nhân ra trường đều thất nghiệp. Vậy muốn có việc làm thì phải chạy. Những năm gần đây, rất nhiều con em nhân dân lao động xin thi vào các trường quân đội và công an. Có hai lý do chính: một là vào những trường đó, gia đình đỡ phải lo nuôi con ăn học mấy năm trời, nghĩa là “cơm ăn ba bữa, quần áo mặc cả ngày” do nhà nước bao cấp, lại sống ở môi trường có kỷ luật hơn; hai là khi ra trường cũng đỡ vất vả xin việc bởi được phân công công tác ngay. Nhưng rồi cũng chính sự ưu việt đó mà chuyện thi cử vào các trường của lực lượng vũ trang ngày khó khăn hơn, điểm tuyển chọn cao hơn. Vậy là lại nảy sinh việc chạy. Đấy là cái sự chạy đầu đời của mỗi con người. Còn khi đã trưởng thành rồi, bao nhiêu việc khác phải chạy. Thời bao cấp trở về trước cũng đã có chuyện chạy. Trả ơn thời ấy thường chỉ là món quà nhỏ, chẳng hạn chục cân gạo nếp, gạo tám, đôi gà. Nhưng đến thời mở cửa, hội nhập thì có nhiều việc phải chạy và cái giá chạy cũng tăng nhanh. Cơ chế “phong bì” bắt đầu xuất hiện. Giá của sự chạy được tính bằng “cây”, bằng “chỉ” (vàng) và dần dần được quy ra “đô” (USD). Nói chuyện với nhau hoặc ra giá với nhau, người ta dùng từ “vé” (100 USD). Rất tự nhiên, mọi người tự giác chấp nhận việc này, việc kia hết bao nhiêu “vé”. Khi làm việc gì khó khăn, người ta lại hỏi nhau: “Thế đã chạy chưa?”. Đất nước đổi mới, phát triển nhanh, tạo ra nhiều cơ hội và việc làm thì cũng đồng thời phát sinh nhiều tiêu cực. Những quan chức nắm giữ quyền hành ở mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nhạy cảm, dễ kiếm tiền đã hình thành một tư duy cửa quyền khi giải quyết công việc. Có thể là người tài, có năng lực thật sự nhưng nếu không có tiền chạy chọt thì vẫn thất nghiệp như thường. Chính vì thế, khi phụ huynh cho con vào đại học thì đã bắt đầu phải lo tích lũy lấy một khoản tiền để khi con ra trường còn lo “chạy”. Tuy nhiên, xung quanh việc chạy cũng có nhiều chuyện đau lòng. Nhiều người tiền mất tật mang bởi chạy không đúng “cửa” hoặc bị bọn cò mồi lừa đảo. Ở nhiều lĩnh vực, con ông cháu cha đã được sắp xếp ghế ngồi từ trước rồi nhưng cò mồi vẫn chỉ điểm cho người chạy lao vào. Ngay cả những nơi tổ chức thi tuyển, tưởng chừng như công minh chính đại nhưng danh sách được tuyển chọn cuối cùng vẫn là con cháu của quan chức. Thế là tiền mất, tật mang. Thế là phải đi kiện cáo. Năm nào cả nước cũng có hàng vạn vụ kiện về lừa đảo, chiếm đoạt tiền chạy chọt xin việc,chạy án và xin dự án. Có cầu ắt có cung. Bây giờ đi đến bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì đều dễ dàng bắt gặp đội ngũ “cò” môi giới và “cò chạy”. Đơn giản như đi đăng ký ô tô, xe máy hay đổi giấy phép lái xe, thông thường phải mất vài ngày thì dùng tiền thuê “cò” chỉ mất vài giờ là xong việc. Vì nhiều người muốn thế nên “cò” cũng tồn tại và phát triển nhờ thế. Ngoài chạy việc còn phát sinh vô số việc chạy khác mà ở cấp lãnh đạo cao nhất của đảng, nhà nước ta đã từng chỉ ra. Đó là nạn chạy chức, chạy quyền, chạy án và dự án. Có việc làm ổn định rồi thì lại lo chạy chức. Bởi chức tước càng cao thì quyền càng lớn và bổng lộc càng nhiều. Vậy thì với tư tưởng vụ lợi, tham nhũng, muốn vơ vét cho đầy túi tham thì làm gì các quan tham không chạy để nhanh chóng lên chức tước cao hơn! Chạy đồng hành cùng hối lộ, tham nhũng. Chạy dự án và chạy xin bổ sung ngân sách nhà nước cũng trở thành phổ biến. Từ mấy chục năm nay, nhiều cơ quan, đơn vị ở các tỉnh, thành phố đã cử hẳn một số cán bộ lên thủ đô nằm vùng. Họ như những cán bộ biệt phái, thường trực ở gần trung ương và các bộ ngành, chuyên lo quan hệ để xin dự án hoặc xin ngân sách. Mặc dù tiền dự án hoặc số tiền ngân sách bổ sung mang về đến địa phương chỉ còn một nửa do phải “lại quả”, “bôi trơn” thì quan niệm có còn hơn không vẫn là động lực để chạy. Cơ chế xin - cho đã hình thành từ lâu, tư duy muốn rút tiền từ ngân sách đã phát sinh ra một kênh chạy chọt. Vậy mới có chuyện nực cười là trong khi cả nước phấn đấu xóa đói, giảm nghèo thì lại có địa phương cứ lo chạy để được công nhận là xã nghèo, huyện nghèo. Bởi nghèo thì sẽ được đầu tư dự án xây dựng hạ tầng, quan chức có ăn; dân được trợ giá, trợ cước những mặt hàng thiết yếu. Đấy là tư tưởng ỷ lại, trông chờ, rất bất lợi trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước! Khi chạy trở thành căn bệnh nan y thì dư luận bức xúc, đảng, nhà nước và chính phủ đã nhiều lần cảnh báo nhưng do thủ đoạn chạy ngày càng tinh vi, kín đáo và kết thành đường dây nên càng khó phát hiện và xử lý. Chẳng lẽ bó tay, bất lực? Gần đây đã có những vụ án, đưa ra ánh sáng những đường dây chạy, thuộc nhiều lĩnh vực. Từ quan chức cấp cao đến dân thường đều dính vào vòng lao lý và phải thụ án. Có một số cơ quan, ban ngành tổ chức thi tuyển công chức ở cấp lãnh đạo nhưng kết quả thi tuyển bị tố cáo gian lận do quan hệ và chạy tiền nên đã bị cấp trên hủy kết quả và đưa ra kiểm điểm. Rồi một số vụ chạy chức, chạy quyền gây hậu quả nghiêm trọng đã bị pháp luật xử lý. Nhưng số những vụ án với số người vi phạm bị phát hiện ấy còn quá ít nên chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn. Còn phải chạy chọt thì dân còn khổ và nhà nước phải chịu gánh nặng bởi những công chức bất tài, thiếu năng lực “ngồi nhầm ghế”. Những kẻ phạm tội nặng trở thành nhẹ hoặc vô can vì có tiền chạy án. Những dự án bất khả thi vẫn được phê duyệt để “đốt” tiền…Chính cán bộ, công chức nhà nước là những người “đầu têu”, trực tiếp tham gia vào những đường dây chạy nên cần phải xử lý trước. Chẳng lẽ cứ để dân ta mãi mãi phải chạy cả cuộc đời à? Chẳng lẽ để quan tham cũng chạy để vơ vét mãi sao? Bùi Đức (Tác giả gửi BVB) (Blog Bùi Văn Bồng)
  13. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân đứng đầu danh sách Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam của tạp chí Forbes Đứng đầu danh sách 20 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2016 là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, theo xếp hạng lần đầu tiên của tạp chí Forbes Việt Nam. Bà Kim Ngân là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12, và hiện giữ chức Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Hai nhân vật khác ở vị trí thứ hai và ba cũng thuộc lĩnh vực chính trị là bà Tòng Thị Phóng và bà Trương Thị Mai, cùng là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12. Đứng thứ tư là bà Mai Kiều Liên, từng nằm trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Forbes. Danh sách của Forbes Việt Nam không thấy nêu rõ những nhân vật này được lựa chọn theo tiêu chí hay hạng mục nào. Tuy nhiên, lời tựa của Ban Biên tập có đoạn viết: "Nhiều phụ nữ có vai trò lãnh đạo và ảnh hưởng sâu rộng ngay cả khi họ không ngồi trong những vị trí quyền lực," và đây là lần đầu tiên Forbes Vietnam thực hiện danh sách "để ghi nhận ảnh hưởng của những phụ nữ này". Bên cạnh các nhân vật chính trị cũng có các nữ doanh nhân, người làm trong lĩnh vực y tế như Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, những phụ nữ trong lĩnh vực ngoại giao, giáo dục, thiết kế thời trang, và thể thao như vận động viên Nguyễn Thị Ánh Viên. Một số nhân vật trong danh sách này từng xuất hiện trong các chương trình phỏng vấn của BBC Tiếng Việt. Danh sách 100 Phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes, xếp Thủ tướng Đức Angela Merkel đứng thứ nhất, và thứ hai là chính trị gia người Mỹ Hillary Clinton. Trong số này có nhiều người hoạt động ở lĩnh vực phi chính phủ, vận động cho quyền và hoạt động thiện nguyện. Ngôi sao điện ảnh Diêu Thần của Trung Quốc được xếp thứ 82, dùng ảnh hưởng và tiếng tăm của mình nhằm quảng bá cho chiến dịch giảm khói bụi, thực phẩm nhiễm độc và sự kiểm duyệt của chính quyền Trung Quốc. Năm 2013, nữ diễn viên này được tôn vinh là Đại sứ thiện chí của Cơ quan Tỵ nạn Liên Hợp Quốc, "là đại diện đầu tiên của Trung Quốc, giúp làm nổi bật các vấn đề về người tỵ nạn trong thế giới nói tiếng Trung", Forbes viết. Trong danh sách của Việt Nam chưa thấy có những phụ nữ làm việc trong khối xã hội dân sự hay đấu tranh cho quyền. Bà Nguyễn Phương Nga, đứng thứ 5 danh sách, trả lời BBC Tiếng Việt trong chuyến thăm London năm 2009, thời còn là Vụ trưởng thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam Cũng trong đầu năm 2016, tạp chí Forbes đưa ra danh sách những người tạo ra thay đổi ở châu Á ở độ tuổi dưới 30, trong đó có bảy người Việt Nam với ba đại diện về bán lẻ và thương mại điện tử, hai trong lĩnh vực sức khỏe và khoa học, còn nghệ thuật, truyền thông mỗi lĩnh vực có một người. Nữ diễn viên Diêu Thần cùng Leonardo DiCaprio tại hội nghị Davos 2016 (BBC)
  14. Ba Sàm đôi lời: Nhân bài của ông Bùi Tín, viết về hai anh em cụ Trịnh Văn Bính và Trịnh văn Bô, xin được giới thiệu lại bài viết về gia đình cụ Trịnh Văn Bô, của tác giả Bùi Xuân Bách. Ông Bùi Xuân Bách chính là cháu nội của cụ Trịnh Thị Thục (chủ hiệu Phúc Đồng), cụ Trịnh Thị Thục là chị cả của hai cụ Bính và Bô. Vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô – Hoàng Thị Minh Hồ khi còn trẻ. Nguồn ảnh: internet Chuyện chưa kể: Sau khi tiếp quản Thủ Đô năm 1954, ông Trịnh Văn Bô giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội. Ông anh, ông Trịnh Văn Bính là Thứ trưởng Bộ Tài chính từ năm 1945 cho đến khi về hưu, Thứ trưởng phụ trách Tài chính Công nghiệp, và đã từng là Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam đầu tiên. Ông Bô có hai ô tô nhà, nhưng chỉ đi xe đạp đi làm hàng ngày. Đến năm 1957, cuộc Cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh bắt đầu. Dù đi theo Kháng chiến suốt cả 9 năm, ông bà cũng phải tham gia học tập cải tạo. Thậm chí sau đó, người ta còn đưa ông Trịnh Văn Bô ra khỏi Đảng. Cũng nên biết rằng ông đã vào Đảng từ năm 1944, do ông Khuất Duy Tiến giới thiệu. Ông Bô thì tính rất hiền, cũng chấp nhận mà không nói gì và họ chuyển ông về làm cán bộ ở Bộ Ngoại thương. Bà Bô thì không chịu. Bà lên gặp hẳn Trưởng ban Tổ chức Lê Đức Thọ. Không rõ bà đã nói gì với ông Sáu Búa (tức Lê Đức Thọ), nhưng sau đó họ đã phục hồi Đảng tịch lại cho ông Bô. Nếu như ở nông thôn thì câu chuyện có khi đã khác, như trường hợp bà Nguyễn Thị Năm chẳng hạn. Ngay trong họ, chị cả của bà Bô là bà Hoàng Thị Hiến, vợ ông Đặng Hướng. Thời trước Cách mạng, ông làm quan, nhưng có cảm tình với những người chống Pháp, nên cứ bắt được CS là ông tìm cách thả. Được mời làm Bộ trưởng phụ trách Thanh Nghệ Tĩnh trong chính phủ đầu tiên năm 1945, ông Đặng Hướng cũng đi theo kháng chiến suốt 9 năm. Khi cuộc CCRĐ được phát động, ông bà cũng bị lôi ra đấu tố, song nhờ có lệnh ở TƯ về kịp nên chưa mất mạng, dù đã bị giam. Là con gái Hàng Đào, Bà Hoàng Thị Hiến không chịu nổi sự sỉ nhục, đã uống thuốc độc quyên sinh. Ông Đặng Hướng cũng mất sau đó ít lâu. Bà Bô đã từng phải nói là : “Việt Minh nó bạc lắm!” Giờ đây, khi xã hội nói tục đã nhiều, câu này có vẻ nhẹ, nhưng đối với thế hệ các cụ, chuyện nói tục là đã bị cấm ngay từ bé, không bao giờ có một lời nói thô, thì đây lại là câu nặng nhất, Tất nhiên bà nói với các cô chú trong nhà, còn tôi là cháu lớn nhất trong cả hai họ nội ngoại nên chuyện cũng đến tai. ___ Mời các bạn tham khảo một bài báo khác: Một Thế Giới/ Phụ Nữ Nhà 48 Hàng Ngang và người hiến 5.147 lượng vàng cho cách mạng Quỳnh Lam 2-9-2015 Biệt thự của bà quả phụ Trịnh Văn Bô nằm giữa khuôn viên xanh um cây cối, rộng đến gần 3.000 m2 trên đường Hoàng Diệu – một trong những phố đẹp nhất Hà Nội. Vắng tay chăm sóc, cỏ mọc xanh rì vào tận bậc thềm, nhưng tòa biệt thự 3 tầng trải qua nhiều biến thiên thời cuộc, vẫn còn dấu vết nguy nga của một gia tộc bề thế và có danh phận bậc nhất xứ Hà thành đầu thế kỷ trước. Trên Wikipedia tiếng Việt có dẫn: “Trịnh Văn Bô (1914 – 1988) là một nhà tư sản theo chủ nghĩa dân tộc, từng ủng hộ cho chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam 5.147 lượng vàng, tương đương số tiền gần gấp đôi ngân khố chính phủ bấy giờ. Hiệu buôn tơ lụa Phúc Lợi tại số 48 phố Hàng Ngang, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nhà riêng của ông, là nơi Hồ Chí Minh ở dịp cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 1945, và là nơi ra đời bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. “Tôi đâu ngờ “ông cụ dưới quê” là Hồ chủ tịch” Ở tuổi 103, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (người ta thường quen gọi cụ là bà Bô) vẫn còn minh mẫn. Tóc trắng như cước, da dẻ hồng hào, ánh mắt tinh anh như tiên, bà cụ vẫn ngồi kiểm tra từng món đồ lễ để con cháu chuẩn bị cúng Vu lan. Kỹ sư Trịnh Kiến Quốc, người con thứ năm của ông bà Trịnh Văn Bô (hiện đang ở ngôi nhà 34 Hoàng Diệu cùng mẹ) kể: “Bố mẹ tôi đều sinh ra trong hai gia đình danh gia vọng tộc. Là nhà tư sản giàu có bậc nhất Hà Nội thời thuộc Pháp, bố mẹ tôi chăm chỉ làm việc từ sáng tới đêm, ông bà dạy con cái phải siêng năng, giản dị, không lãng phí, ngay ngắn giữ nếp nhà. Gia đình buôn bán lớn, nuôi rất nhiều người giúp việc, nhưng hằng ngày mẹ tôi vẫn tự tay nấu ăn cho chồng con. Bà là mẫu mực của phụ nữ Hà Nội xưa: chịu thương chịu khó, đảm đang tháo vát, nữ công gia chánh tinh khéo… Cho tới tận gần 100 tuổi, mọi giỗ chạp lễ tết trong nhà mẹ tôi vẫn đích thân lo, bà can thiệp cả việc dạy dỗ bầy cháu hàng chục đứa, nghiêm khắc và thương yêu, để giữ đúng nền nếp của gia tộc…”. Cụ Hoàng Thị Minh Hồ do tuổi cao, nên giờ nói chuyện hơi khó khăn. Nhưng câu chuyện từ ký ức thì con cháu đều thuộc làu để kể thay cho bà, như thể họ sống cùng và trải qua những tháng ngày hào hùng đó. Bởi dấu mốc đặc biệt của lịch sử đất nước cũng là vinh dự truyền đời của gia tộc họ Trịnh phố Hàng Ngang. Nhà 48 Hàng Ngang năm 1945. Ảnh: internet Năm 1932, công tử Trịnh Văn Bô của nhà Phúc Lợi (hãng buôn tơ lụa lớn nhất Hà Nội) lấy cô Hoàng Thị Minh Hồ. Đôi vợ chồng trẻ bắt đầu xây dựng cơ ngơi riêng của mình từ ngôi nhà 48 Hàng Ngang – con phố buôn bán sầm uất nhất khu phố cổ. Tháng 3.1945, ông Khuất Duy Tiến đã tìm đến gặp gia đình Trịnh Văn Bô để trò chuyện về Mặt trận Việt Minh và kêu gọi ủng hộ tài chính. Trước và sau Cách mạng tháng Tám, gia đình ông Bô – bà Hồ đã ủng hộ cách mạng 5.147 lạng vàng mà họ tích cóp được nhờ buôn bán tơ lụa.Tháng 8.1945, gia đình Trịnh Văn Bô được Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam gửi 15 đồng chí lãnh đạo chủ chốt, trong đó có toàn bộ Ban Thường vụ Trung ương Đảng về trú trong ngôi nhà 48 Hàng Ngang. “Bố mẹ tôi kể lại rằng vào chiều 24.8, đồng chí Trường Chinh (mà bố mẹ tôi gọi là anh Thận) có thông báo: gia đình ta chuẩn bị một phòng để tối nay đón một ông cụ ở dưới quê lên”. Sẩm tối, “ông cụ dưới quê” đến nhà, mặc áo sơ mi quần sooc nâu và đội mũ bạc màu, chân đi dép nhựa. Ông cụ cao gầy, dáng đi nhanh nhẹn và đôi mắt đặc biệt ngời sáng. Bố mẹ tôi không biết rõ về thân thế ông cụ, nhưng thấy sự kính trọng của những đồng chí trong nhà thì đối đãi khách trọng thị hết mức. Tiệm lụa ở tầng một vẫn buôn bán bình thường để nghi binh, mẹ tôi vừa lo bán hàng vừa canh chừng không cho ai lên gác hỏi han làm phiền ông cụ. Ngay cả từng bữa cơm cũng do mẹ tự tay bưng lên gác hai phục vụ, đêm nào ông cụ cũng đánh máy chữ rất khuya, mẹ tôi biết ý cụ dậy sớm nên sáng ra là chuẩn bị tuần trà và đĩa hoa quả đưa lên phòng” – ông Quốc kể lại. Nữ chủ nhân của ngôi nhà 48 Hàng Ngang được biết vào ngày 2.9, Chính phủ lâm thời sẽ ra mắt quốc dân đồng bào, bà lo lắng ngay chuyện ăn mặc của Thường vụ Trung ương Đảng. “Các ông ấy ở chiến khu về, ai cũng chỉ quần sooc, áo cộc, đều sờn bạc. Trong nhà sẵn vải khaki đẹp, tôi lấy may cho anh em. Ông Bô có rất nhiều lễ phục sang trọng chưa từng mặc, ai vừa bộ nào thì dùng luôn. Riêng “ông cụ” thì người gầy quá, tôi gọi thợ may đến đo đạc và hỏi kiểu dáng, “ông cụ” bảo chỉ muốn kiểu đơn giản, không cần vải đắt tiền, không cà vạt cổ cồn, chỉ cốt tươm tất là được. Đến sáng 2.9, khi nhìn thấy “ông cụ” trong bộ quần áo bốn túi kín cổ giản dị, đứng trên lễ đài quảng trường Ba Đình đọc Tuyên ngôn Độc lập, mắt tôi nhòa đi vì hạnh phúc. Tôi đâu ngờ những ngày qua gia đình mình được hân hạnh chăm sóc Chủ tịch Hồ Chí Minh” – cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ nhớ lại trong xúc động. Ngôi nhà lịch sử Ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh, 8 vị trong Thường vụ Trung ương Đảng (Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ, Trần Đăng Ninh…) cũng đều có thời gian ở trong nhà 48 Hàng Ngang chuẩn bị cho sự kiện lịch sử trọng đại nhất của đất nước: lễ Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trải qua 70 năm, kiến trúc ngôi nhà vẫn là 3 khối nhà 4 tầng được cách nối nhau bằng hai sân trời (trên diện tích gần 500m2), mặt tiền Hàng Ngang rộng 7m, mặt sau ngôi nhà mở ra phố Hàng Cân rộng 15m. Có thể hình dung cơ ngơi này từng đồ sộ thế nào vào những năm 30-40 của thế kỷ trước, khi tầng 1 còn là cửa hiệu tơ lụa tấp nập bán mua suốt ngày đêm. Chính vì địa thế nằm giữa khu phố sầm uất, đông khách hàng ra vào nhiều, gia chủ lại là cơ sở cách mạng nội thành, nên khi Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội, nhà 48 Hàng Ngang đã được lựa chọn là nơi ở an toàn cho Bác và Thường vụ Trung ương Đảng. Nhà 48 Hàng Ngang bây giờ. Ảnh: internet Trên tầng 2 của ngôi nhà, phòng ăn rộng 60m2 của gia đình ông bà Bô được dùng làm phòng họp của Bác và các vị trong Thường vụ. Giữa phòng vẫn còn chiếc bàn chữ nhật bằng gỗ quý màu nâu sẫm, 8 ghế tựa bọc đệm nỉ mềm có phủ vải trắng. Đi qua dãy hành lang, cùng tầng 2 là hai căn phòng thông nhau. Phòng lớn có diện tích chừng 50m2, có ban công rộng và cửa kính, rèm lụa trắng nhìn xuống phố Hàng Ngang – được dùng làm phòng khách (căn phòng này Bác từng tiếp nhiều đoàn khách trong nước và các phái bộ quốc tế). Căn phòng nhỏ liền đấy có kê một tủ tài liệu, bàn làm việc nhỏ, một chiếc giường vải xếp đơn giản đơn sơ để Bác nghỉ. Gia đình ông Bô có dành cho Bác một phòng ngủ rộng với sập gỗ quý trên tầng 3, nhưng Bác từ chối để xuống tầng 2 ở cùng các anh em. Và căn phòng nhỏ với đồ đạc đơn giản ấy chính là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc lập. Chiếc bàn nước nơi ông Hồ dùng làm bàn viết bản Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh: internet Nhà 48 Hàng Ngang được xếp hạng là di tích cách mạng, một trong những cứ liệu về chuỗi ngày hào hùng của đất nước. Trong khối nhà mặt Hàng Ngang, tầng 1 hiện được sử dụng như phòng trưng bày theo chủ đề, tầng 2 trưng bày những đồ gỗ ngày xưa mà Bác Hồ và các đồng chí Thường vụ sử dụng, các tầng khác để trống. Hai khối nhà còn lại (hướng mặt Hàng Cân) đang được sử dụng như công sở (của Ban quản lý di tích), với các phòng được ngăn nhôm kính. Có nhiều tiếc rẻ về cách “bảo tàng hóa” di tích này. Vì với đặc thù của nhà 48 Hàng Ngang, nếu phục dựng được không gian tầng 1 là cửa hàng tơ lụa, sân trong và các phòng kế tiếp, các khối nhà phía sau được phục hồi thành phòng bếp, phòng nghỉ, phòng khách… với nội thất nguyên bản của gia đình doanh nhân yêu nước Trịnh Văn Bô – hẳn sẽ cảm động và “chạm” hơn đến người chiêm ngưỡng di tích. Trong ngôi nhà 34 Hoàng Diệu, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ đang sống những tháng ngày bình yên trong sự chăm sóc quây quần của con cháu. Cụ ông Trịnh Văn Bô đã khuất núi gần ba thập niên, mang theo nhiều nỗi buồn phiền do những ứng xử sai lầm của người cầm quyền. Nhưng còn may, lịch sử luôn công bằng, tới năm 2006, cụ Trịnh Văn Bô được truy tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” (cùng 3 doanh nhân nổi tiếng khác là Lương Văn Can, Bạch Thái Bưởi và Nguyễn Sơn Hà). Năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cụ Trịnh Văn Bô, mừng đại thọ trên 100 tuổi cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ, Bộ Tài chính biên soạn cuốn sách Doanh nhân Trịnh Văn Bô và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam, nhằm vinh danh những công lao, đóng góp của gia đình cụ với Đảng, Chính phủ và ngành tài chính. Theo FB Bùi Xuân Bách (Ba Sàm)
  15. Trước hết, xin bạn hãy cùng tôi, chúng ta cùng rộng lượng tỉnh táo để tạm bỏ qua tất cả các dị biệt về gốc gác, vùng miền nơi đang sinh sống, trong nước hay ngoài nước, có tôn giáo hay không, cộng sản hay đang chống cộng, nam hay nữ, trẻ hay già, giàu hay nghèo, trí thức hay không… để cùng bàn đến vài thực trạng và nhất là những nỗi đau chung nhất mà người Việt Nam chúng ta hiện nay, dù muốn hay không, đều đang phải mang vác trong tim, trên vai và trên mặt. Cũng xin hãy bỏ qua các phát biểu đểu cáng giả dối ngu ngơ mang tính nhồi sọ định hướng thô thiển mà người nói và cả người nghe, nếu còn lương tri đều cảm thấy mắc cỡ, hổ thẹn kiểu “VN luôn là nhất thế giới” như là ” … ra ngõ là gặp anh hùng; mơ ngủ một đêm sáng ra được trở thành người Việt; người VN thuộc top hạnh phúc nhất thế giới; là thiên đường dân chủ vạn lần; là đỉnh cao trí tuệ của nhân loại; mỗi người luôn vì mọi người…” để cùng nhìn thẳng vào sự thật là người Việt Nam chúng ta hiện nay đang sống như thế nào, và cả dân tộc VN ta đang phát triển theo xu hướng nào!? THÚ TÍNH LÊN NGÔI, CÁI ÁC NGÀY CÀNG PHÁT TRIỂN Nhìn vào thực trạng xã hội VN hiện nay; không ai có thể phủ nhận được là nền tảng đạo đức của cả xã hội vừa xuống cấp, vừa tê liệt băng hoại. Mọi giá trị truyền thống tốt đẹp bị xem là tàn dư phong kiến; các giá trị phổ quát chung nhất, cao nhất của nhân loại như tôn giáo, nhân quyền… đều đã bị phủ nhận và tàn phá, hủy hoại, xuyên tạc, biến dạng khủng khiếp ở VN. Cùng lúc, lối sống mới, con người mới Xã Hội Chủ Nghĩa với những chuẩn mực CS duy vật tầm thường quá lệch lạc, giả tạo đã biến người VN XHCN hiện nay mất niềm tin vào con người, vào thánh thần, vào tương lai… và đang tranh thủ chụp giựt, đang ác lên một cách khủng khiếp; ai ai cũng có thể trở thành nạn nhân và bất kỳ ai, giới nào cũng có thể chính vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Xin được cùng trao đổi bàn luận, dẫn chứng về một trường hợp phổ biến hàng ngày mà ai ai cũng thấy, đã và đang lặp đi lặp lại hằng ngày tại tất cả mọi nơi, mọi lúc và ai ai cũng có thể trở thành nạn nhân hay thủ phạm, đó là thực trạng người Việt nay sẵn sàng đầu độc giết chết lẫn nhau. Họ biết mình ác mà sẵn sàng ác chỉ vì một chút lợi nhuận nhỏ nhoi… Đó là chuyện hàng triệu anh nông dân vẫn thường xuyên bón, tưới, bơm… đủ loại hóa chất độc hại lên sản phẩm của mình; là con heo, con gà, con tôm, con cá… nay được nuôi không phải bằng thực phẩm thông thường mà bị pha trộn đầy hóa chất tăng trọng, giữ nước mà hàng triệu triệu con người ăn vào cũng sẽ bị tăng trọng giữ nước béo phì như heo, với đủ thứ bịnh rồi sẽ phát sinh kể cả ung thư bất trị. Đó cũng là các loại rau trái hoa củ… được phun dầu nhớt, bơm thuốc diệt cỏ, xịt thuốc trừ sâu… cực độc vẫn được đưa vào bữa ăn hằng ngày của 90 triệu con dân VN; sau khi đã được các chị tiểu thương tiếp tay ngày ngày vẫn chích, bơm, thoa tẩm… bồi thêm vào các loại hóa chất giữ tươi, giữ màu, chống mốc cũng cực độc khác. Người Việt đã quá ác đi, quá tàn nhẫn với thực trạng người Việt nay đã và đang vô tư ngày ngày “đầu độc, giết chết lẫn nhau” như vậy, và nay thì xem ra là bất kỳ anh nông dân chất phát, chị tiểu thương hiền lành ngày nào bây giờ cũng đã và đang vô tư thản nhiên, sẵn sàng thực hiện đầu độc người Việt chỉ vì chút lợi nhuận nhỏ nhoi và với cách suy nghĩ Mackeno là những người Việt khác, ai ai cũng đều đã và đang làm như vậy. Họ đã ác tâm không cần nghĩ đến, bất chấp nạn nhân của họ đó sẽ là các cháu bé ngây thơ vô tội, là những người già cả bịnh hoạn, là chính họ hàng thân thích, là hàng xóm láng giềng… Họ, chính họ đang vừa trực tiếp gieo mầm móng bịnh hoạn bất hạnh cho đồng loại, đồng bào, cho môi trường sống; và nhìn xa hơn, là họ đang gián tiếp đầu độc, tàn phá hủy diệt cả tương lai, sức sống của chính dân tộc mình. Và cũng không phải là chỉ những người Việt đang sống trong nước mới là nạn nhân của người Việt. Người viết bài nầy đã vừa trực tiếp chứng kiến câu chuyện của chị bạn sống ở Canada, về thăm mẹ dịp Tết, sau một tháng, thấy trong người có các dấu hiệu bất ổn chị quay về ngay lại Canada, chị bị phù người, căng da rất ghê rợn và thêm một số rối loạn… Bác sĩ chẩn đoán nghi ngờ chị bị ngộ độc thực phẩm có hóa chất độc gây giữ nước trong người, gây rối loạn tiêu hóa và khó tiêu tiểu… Sau khi uống vài loại thuốc điều trị, có thêm loại thuốc Tỏi giúp khử độc, xổ độc, trong vài ngày đêm chị đã đi tiêu tiểu liên tục và xuống được vài ký, sau đó mới từ từ bình phục… Là người Canada gốc Việt sống ở nước ngoài, chỉ mới một tháng quay về sống ở VN và có ý thức phòng chống rất cao, ăn uống rất kén chọn, rất cẩn trọng, mà vẫn dính bệnh, đã có thể trở thành nạn nhân ngay như vậy; thì thử hỏi, với hơn 90 triệu dân VN hiện nay, hàng ngày phải sống chung cái ác, làm sao mà họ có thể phòng tránh được! Ác quá, người Việt nay vì tiền mà ác đến như vậy và đua nhau ác tràn lan đến như vậy mà sao mọi sự vẫn cứ đang càng ngày càng phát triển. Chính quyền lại làm như vô can, vô trách nhiệm với những phát biểu của các quan chức có trách nhiệm cực kỳ ngu xuẩn và rất vô trách nhiệm kiểu như: “hóa chất độc hại cứ nấu chín lên ăn cũng không sao; không thể xét xử khi chưa có người chết; nhiều loại hóa chất độc hại mới quá nên cũng không biết; chưa có thiết bị kiểm tra…”. Vâng, chính quyền và đảng CS lãnh đạo quả là đang bận rộn lắm, lo toàn đại sự kiểu như bận trăm mưu nghìn kế cho đấu đá tiền Đại hội đảng rồi lo chia phần, chia ghế, bàn giao … hậu ĐHĐ; bận cho họp lớn họp nhỏ từ Trung ương đến địa phương, chuẩn bị diễn trò đảng cử, đảng chỉ dân phải bầu; bận rộn lắm cho việc ngày đêm rình rập các hoạt động xã hội dân sự lành mạnh, khủng bố đe dọa các hoạt động yêu nước chống Tàu; bận rộn lắm chuyện dàn cảnh bắt bớ xét xử và khủng bố đàn áp canh chừng kể cả ném mắm tôm, ném phân, ném đá vào nhà, vào người, vào đầu các tù nhân lương tâm, dân oan mất đất… Tất cả mọi hoạt động của CSVN dường như là nay chỉ xoay quanh, chỉ quan tâm, chỉ còn tập trung để lo kềm kẹp đối phó với dân lành và giữ đảng là chính! Còn những chuyện khác kiểu như lo cho con người, lo an toàn thực phẩm cho toàn XH, kiểm tra biên giới và quản lý thị trường có hiệu quả… và song song đó cũng chính là chuyện phải chủ động điều tra, phòng chống ngoại bang âm mưu đầu độc dân tộc VN ta một cách lâu dài nhằm gây hoang mang trong toàn XH, nhằm gieo rắc mầm mống bệnh tật và hủy diệt sức sống của dân VN một cách lâu dài để dễ bề thôn tính xâm lược, đồng hóa dân VN ta của “thế lực thù địch bạn vàng bốn tốt”, thì hình như là đã từ lâu lắm rồi, đảng né. Và cũng không dám chắc lắm là nay do đảng vì quá lệ thuộc, quá sợ Tàu hay không, chừng chính đảng nay đã có quá nhiều nội gián, đã trở thành đồng lõa ngầm rồi, nên đảng cũng chỉ quan ngại chung chung cho có lệ thôi, còn thực chất là đảng đã không làm gì! Cũng bởi vậy nên người Việt đang ác đi và ngày càng ác hơn, rõ quá rồi. Đầu độc nhau, hại nhau, đánh giết nhau ngày càng phổ biến và ghê rợn hơn. Nghi trộm chó là tự nhiên hùa nhau ra đập chết người, đốt luôn xác. Đi ngoài đường cọ quẹt là đánh nhau, giết nhau như không, con gái cũng vậy, cũng đâm nhau chết tươi chỉ vì cọ quẹt. Cướp của giết người, đi ăn trộm bị lộ cũng giết người, hiếp giết, ghen giết, thù giết, cha con, ông bà, anh em cũng giết, vợ chồng tình nhân giết, cãi nhau giết, uống rượu giết, rửa bát không sạch giết, cán bộ thanh toán nhau giết, ngày thường giết, ngày Tết cũng giết… Ngày Tết chính là những ngày mà xưa nay người Việt luôn kiêng cữ, nói năng cẩn trọng nhẹ nhàng, chúc lành cho nhau thì nay, chỉ sau một cái Tết 2016 vừa qua đã có hàng ngàn người VN đánh, giết nhau đến mức phải vào nhập viện, nhiều người trọng thương và chết thảm! Người Việt đang ác đi và ngày càng ác hơn, đến các cháu học sinh nay cũng đã bị lây nhiễm, cả các cháu HS thiếu niên gái cũng vậy. Nhìn xem các đoạn phim quay cảnh các cháu hành hạ nhau; các cháu gái đánh hội đồng bạn, giựt tóc, xé áo quần… và những người khác chỉ đứng nhìn xem mà không khỏi ngậm ngùi. Và ghê gớm hơn nữa còn là các video quay cảnh các cô giáo mầm non, bảo mẫu tra tấn học sinh, dọng thức ăn vào miệng, ép ăn, dán băng keo vào mắt, vào miệng… ép ngủ, tắm, đạp các cháu bằng chân, tạt nước vào mặt các cháu bé nhi đồng… Người Việt đang ác đi và ngày càng ác hơn! Thầy cô giáo ác với học trò, dạy đểu, cho điểm đểu để ép học trò đi học thêm vì tiền. Y bác sĩ ác với bệnh nhân; thấy chết không cứu, có tiền mới cứu, vòi vĩnh bịnh nhân chung chi, chữa bịnh theo tiền… Tất cả cũng chỉ vì người Việt bây giờ đã đánh mất niềm tin. Họ không còn tin vào con người vì mấy chục năm qua đảng đã lừa mị họ mọi chuyện, và các lãnh tụ CS toàn là bọn bất tài, tham nhũng, đểu cán, giả dối, nói một đằng làm một nẻo, luôn lừa gạt và xem thường dân như cỏ rác… Người Việt bây giờ cũng không còn tin vào pháp luật, ở xã hội VN, bây giờ quyền và tiền chi phối, điều khiển, quyết định mọi việc chứ không phải là hiến pháp, pháp luật hay là niềm tin, đạo đức. Người Việt đang ác đi và ngày càng ác hơn; thú tính lên ngôi, đồng thời với sự vô cảm Mackeno, mặc kệ mọi sự, không còn tin tưởng vào bất cứ thứ gì và chai lì mọi xúc cảm yêu thương con người và mất tin tưởng luôn vào tương lai của quốc gia, dân tộc. Bởi vì cuộc sống quá giả dối, tham lam, thủ đoạn quá tàn độc dưới XHCN, buộc đa số họ rồi cũng phải ác như thế; phải hèn như thế… để tồn tại. Và đảng CSVN của những tay nội gián cùng thế lực bá quyền thái thú còn cao hơn đảng, đang đứng đằng sau đảng, chắc chắn cũng đang định hướng, đang muốn như thế để dễ nắm quyền độc tài toàn trị; để phá nát nhân tâm, hủy hoại con người VN; về lâu dài sẽ đưa đất nước VN đến chia rẽ thù hận, loạn lạc phân rã, rồi mất nước, lệ thuộc đồng hóa… Người Việt đang ác đi và ngày càng ác hơn; thú tính lên ngôi, đồng thời với sự vô cảm Mackeno, mặc kệ mọi sự, không còn niềm tin vào thánh thần Chúa Phật… vì CSVN đã phá nát tôn giáo bằng rất nhiều thủ đoạn đê hèn, trong đó có cả cách đưa các đảng viên CS vào nằm vùng, chiếm các cơ sở tôn giáo, xây dựng các loại cha thầy quốc doanh, chúng gây chia rẽ nội bộ, phá nát tôn giáo rồi ăn chơi, phá phách, có những phát biểu và hành vi rất bậy bạ, phản cảm, gây mất niềm tin trong tín đồ. Tôn giáo nâng con người lên gần với thánh thần Chúa Phật, giúp con người tin vào đời sau, có thưởng phạt luân hồi… để giúp con người còn biết yêu thương con người, giúp làm lành lánh dữ, thì nay CS phá nát tôn giáo; kéo con người xa rời thánh thần; đẩy họ vào vòng tay quỹ dữ, nên thú tánh càng ngày càng lên ngôi! Dưới sự điều khiển chỉ đạo của CS Tàu, Khờ me đỏ đã tiến hành diệt chủng, hàng triệu người Campuchia bị giết chết. Nhưng người chết là xong. Còn VN ta, nay cũng đang quá lệ thuộc Tàu về mọi mặt và cũng đang bị diệt chủng về đạo đức, văn hóa thì chưa biết đến bao giờ mới vùng thoát ra được; khi mà người Việt vẫn vô tư ngày càng ác đi, và thú tính thì vẫn đang cứ càng ngày càng lên ngôi. Người Việt chúng ta đang phải chịu nhiều nỗi đau, sau 40 năm dưới chế độ CS, đất nước chậm tiến, lạc hậu, nợ nần ngập đầu, lãnh tụ luôn phải đi xin khất nợ, mượn nợ mới trả nợ cũ, nhưng quan chức tham nhũng giàu có, của chìm của nổi và ăn chơi xài sang thì không ai bằng; người VN ra nước ngoài bị khinh khi, ngờ vực, ăp cắp, ăn trộm, đi làm đĩ điếm, đến các nước khác để trốn ở lại làm cu li chui, làm gái bán dâm… Nhưng thật ra những nỗi đau nầy cũng chỉ xuất hiện khi người Việt khá giả có điều kiện bước chân ra nước ngoài, khi phải đối diện với những người ngoại quốc, tiếp xúc với thế giới văn minh. Còn với những ai không quan tâm và không bước chân ra ngoài sẽ không phải thấy. Riêng với nỗi đau người Việt đang ngày càng ác đi, thú tính vẫn đang ngày càng lên ngôi thì khủng khiếp hơn nhiều vì nó luôn xuất hiện, phát triển trong từng mỗi một con người, trong mỗi gia đình, mọi nơi và mọi lúc. Hầu hết mọi người Việt Nam ở mọi tầng lớp, mọi vị trí trong xã hội VN ngày nay ít hay nhiều cũng đều đã và đang là nạn nhân của chế độ, nạn nhân của cái ác, của thói Mackeno và có thể chính họ cũng lại là thủ phạm, ác với người khác và Mackeno trước nỗi đau của ai đó, cũng như Mackeno trước những nỗi đau chung của toàn XH… Người Việt vẫn đang ác đi và vẫn ngày ngày đang ác với nhau, đầu độc nhau, bắt chẹt nhau, làm khó nhau… để sống, người Việt đã mất niềm tin vào xã hội, vào con người, vào pháp luật và cả thánh thần. Càng đau hơn khi gần như là mọi người, rất nhiều người Việt đều đã cùng thấy như vậy nhưng hình như lại rất ít ai đã chịu làm gì, hình như ai cũng cứ muốn Mackeno mọi chuyện, xem như đó không phải là chuyện của mình, của dân tộc mình, và của ngay chính con cháu mình! Người Việt Nam mình không biết rồi đây còn sẽ thành loại người gì, còn sẽ đi đâu về đâu!? Thanh Tôn (Ba Sàm)
  16. Một số gương mặt tự ứng cử Những tia hy vọng cuối cùng vào Đại Hội 12 vừa tắt lịm thì tin tức dồn dập nổi lên về mức tụt hậu mới của đất nước. Theo chỉ số thống kê trên nhiều mặt vào đầu năm 2016, Việt Nam nay không chỉ thua Thái Lan, Phi, Mã Lai, Nam Dương, mà còn rớt xuống một tầng thấp mới -- chính thức thua cả Lào và Campuchia. Rất đông người Việt Nam đang túa sang 2 nước này để tìm kiếm "tương lai". Chính vì thế mà việc một số những người có lòng với đất nước, từng tích cực hoạt động xã hội dân sự, tích cực phản đối TQ xâm lược, quyết định ra tự ứng cử vào Quốc Hội, đã như một ly nước lạnh mát cho cơn khát của dân tộc. Đại đa số dân cư mạng lập tức ủng hộ, khen ngợi, khuyến khích, và hân hoan tiếp tay. Tuy nhiên, đó đây vẫn vang lên một vài tiếng nói quan tâm. Các quan tâm này không phải không có lý và có thể rút về 2 điều lo lắng: (1) Việc tham gia ứng cử có làm loãng đi những kêu gọi tẩy chay màn kịch bi hài "đảng cử dân bầu" hiện nay không? (2) Việc tham gia vào tiến trình bầu bán có vô tình tạo thêm tính chính danh cho cái "cuốc hội công cụ" của đảng CSVN không? Trước hết, có lẽ cần thừa nhận tác động không nhiều của việc tẩy chay bỏ phiếu. Ai cũng biết mọi chế độ độc tài đều dùng công thức: người bỏ phiếu không quan trọng, chỉ cần kẻ đếm phiếu. Nghĩa là dù người dân có bầu hay không và bầu với tỉ số bao nhiêu thì chế độ độc tài vẫn tuyên bố thắng cử gần như tuyệt đối cho các ứng viên của họ. Đó là thực tế của nhiều năm qua mà chẳng ai làm được gì. Trong khi đó, nếu nay có nhiều người dân cố tình ra ứng cử và biết trước Đảng sẽ dùng mọi mánh khóe để gạt họ ra, dân tộc ta sẽ có cả một chồng hồ sơ bằng chứng để cả thế giới thấy trò hề bầu cử tại Việt Nam và nhận chân một sự thật là hệ thống cầm quyền hiện nay KHÔNG đại diện cho dân tộc Việt Nam. Trong các cuộc bầu cử quốc hội trước, đã có vài trường hợp ứng cử rất can đảm cho mục tiêu vừa nêu, như Ls. Lê Quốc Quân, Ls. Lê Công Định, ... nhưng còn quá hiếm. Lần này sẽ khác! Cũng vậy, việc những người dân vừa có lòng vừa có khả năng ra ứng cử không hề tạo thêm tính chính danh cho "cuốc hội công cụ", mà ngược lại họ cho toàn dân cơ hội so sánh. Trong lúc các đại biểu quốc hội gốc đảng hiện nay chẳng ai dám đụng đến TQ xâm lược, chẳng ai biết gốc rễ tình trạng suy thoái kinh tế nghiêm trọng hiện nay, chẳng ai dám chỉ ra nguồn gốc các tệ nạn xã hội hiện nay chứ chưa nói gì đến giải pháp, ... thì từng ứng viên ngoài đảng đã công bố ý hướng, hoài bão, và chương trình hành động của mình. Họ không phải là những người hứa hão nhưng đã thực sự là những người biểu tình chống TQ dù phải bước đi một mình tại một quốc gia Đông Nam Á xa lạ; Họ biết rõ cách thức kiện TQ trước tòa quốc tế và sẵn sàng làm điều đó khi có vai trò đại diện quốc gia; Họ đã từng là các nhà nghiên cứu cấp quốc gia và làm kinh tế rất thành công; Họ là những người từng đi băng bó xã hội, từng đi giúp những người cùng khổ tìm công lý, ... Tóm lại, chỉ với số người tự ứng cử hiện nay, người dân đã có thể thấy câu ngụy biện xưa nay "Không có đảng CSVN thì lấy ai lãnh đạo, dẫn dắt đất nước!" là điều cực kỳ phi lý. Rõ ràng bên ngoài đảng hiện có rất nhiều người có thể điều hành đất nước hơn xa các quan chức đảng. Và còn quan trọng hơn nữa, chỉ khi nào đất nước được điều hành bởi những người ngoài đảng thì đất nước mới mong đi ngược lại hướng lạc hậu hiện nay; mới thoát ra khỏi thảm trạng cứ mò mẫm đi về hướng CNXH mà không biết nó là gì, ở đâu; để rồi càng ngày càng suy bại và lệ thuộc ngoại bang. Việc các nhà hoạt động xã hội dân sự ra ứng cử quốc hội còn đánh dấu một bước tiến lớn trong nhận thức về tiến trình đấu tranh chung cho tương lai đất nước. Rõ ràng mọi nỗ lực tạo đổi thay tích cực cho xã hội, nếu muốn bền vững và không dựa vào từ tâm của vài cá nhân đang nắm quyền, thì các đổi thay đó phải được LUẬT HÓA và phải có một hệ thống công quyền bị ràng buộc thi hành luật pháp. Nếu không đạt được 2 điều kiện nền tảng đó, các nỗ lực của xã hội dân sự, dù có thành công, chỉ mang tính giai đoạn, chóng tan biến. Nói cách khác, mọi con đường tạo đổi thay tích cực và lâu bền cho toàn xã hội, sớm muộn gì, cũng đều dẫn đến các nỗ lực mang tính chính trị và tiến vào đấu trường chính trị. Thực tế đó dẫn đến nhu cầu nhận thức lại về vai trò của các đảng phái chính trị. Thử nhìn rộng ra các nước dân chủ trên thế giới, người ta có thể thấy các đảng phái chính trị ra đời không nhất thiết chỉ vì thèm khát và muốn giành cho được cái ghế cai trị cao nhất để hưởng độc quyền độc lợi cho mình. Cách nhìn đó quá hạn hẹp và chỉ phản chiếu hoàn cảnh sống quá lâu trong tình trạng độc đảng bất thường tại Việt Nam. Phần lớn người dân Việt chỉ có một nền tảng để phóng chiếu là đảng CSVN và cách hành xử của họ. Thật ra, các đảng phái chính trị tại các nước khác có nhiều vị trí và đóng nhiều vai trò khác nhau. Họ dám đứng ra gồng gánh đất nước trong những ngày tháng vừa phôi thai ra đời như các đảng chính trị tại Israel, Singapore; hay trong những giai đoạn thập tử nhất sinh như các đảng chính trị tại Âu Châu trong thế chiến 2. Có những đảng chính trị chỉ muốn tạo thay đổi bền vững về một lãnh vực mà họ cho là cực kỳ hệ trọng nhưng các đảng xanh, chuyên tranh đấu cho môi sinh, tại Âu Châu. Có những đảng chính trị chấp nhận nhiều hy sinh chỉ vì muốn đưa đất nước ra khỏi tình trạng ngập tràn bất công và thù hận như đảng của ông Nelson Mandela tại Nam Phi; ra khỏi tình trạng tụt hậu, chia rẽ chủng tộc, và lệ thuộc ngoại bang như đảng của bà Aung San Suu Ki, .... Do đó, đã đến lúc cần nhìn đúng đắn rằng đảng phái chính trị đơn thuần là những nhóm hoạt động có tổ chức hữu hiệu trong môi trường chính trị. Có đảng xấu xa, ác độc, xử dụng đất nước như bệ ngồi, nhưng cũng có đảng rất lý tưởng, vị tha, và trung thành với dân tộc. Không nên gộp chung tất cả đảng phái chính trị thành một loại và đồng hóa với đảng CSVN. Với các định nghĩa rút từ thực tế nêu trên, khó có ai còn làm cái việc vô lý là tự vạch lằn ranh giữa các nhóm hoạt động XHDS với các nhóm vận động dân chủ, vận động thay đổi guồng máy cầm quyền. Sự phân vùng ấy vừa là hành động tự trói tay chân vốn còn rất yếu của mình, vừa rơi vào cái bẫy phân hóa tinh vi của chế độ độc tài. Năm 2016 quả là năm sôi nổi ngay từ những ngày đầu. Nếu Đại Hội XII vừa đánh dấu một bước thụt lùi lớn của đảng CSVN, thì việc xuất hiện hàng loạt các ứng viên bên ngoài tầm tay của đảng lại đánh dấu một bước tiến rất lớn, mang tính bộc phá, trong nỗ lực cứu lấy đất nước của dân tộc Việt. Vũ Thạch 2/3/2016 * Bài của tác giả gửi đến TTHN
  17. Đối với một người không phải là Ki-tô hữu, thậm chí với một tín hữu Ki-tô giáo mong muốn tối giản giáo lý và việc thờ phụng, thì giáo hội Công giáo và Chính thống giáo có thể rất giống nhau. Cả hai đều sử dụng những nghi lễ phức tạp với nguồn gốc xa xưa và có nhiều hàng ngũ tu sĩ mặc áo choàng dài; cả hai bên đều cho rằng họ duy trì tính liên tục từ buổi bình minh của thời đại Ki-tô, cả hai đều có truyền thống thần học và học thuật phong phú, và nói chung là có ký ức tổ chức lâu dài. Chỉ có một khác biệt dường như rất nhỏ phân biệt các phiên bản kinh tin kính của họ, qua đó đặt ra những đức tin cơ bản về Chúa ba ngôi Cha, Con và Thánh Thần. Như vậy thì tại sao hai nhóm tôn giáo không thống nhất với nhau? Vào ngày 12/2, Giáo Hoàng Francis và Thượng Phụ Kirill của Moskva, lãnh đạo Giáo hội Chính thống giáo Nga, sẽ gặp nhau ở Cuba. Dù sự kiện này không phải là không có tiền lệ trong 10 thế kỷ qua, nhưng cuộc gặp như thế vẫn rất bất thường. Tại sao? Một phần của câu trả lời là bởi vì cả hai giáo hội đều có ký ức lâu dài, vì thế những khác biệt nổi lên nhiều thế kỷ trước vẫn còn quan trọng. Sự chia rẽ chính thức giữa Ki-tô phương Đông và Ki-tô phương Tây diễn ra vào năm 1054, và ở một mức độ nào đó phản ánh sự cạnh tranh về văn hóa và địa chính trị giữa đế chế Đông La Mã nói tiếng Hy Lạp, còn gọi là Đế chế Byzantium, và khu vực Tây Âu nói tiếng Latinh, nơi mà uy quyền của Đế chế (Tây) La Mã đã sụp đổ vào thế kỷ thứ năm, nhưng những trung tâm quyền lực mới đã xuất hiện. Những căng thẳng bắt đầu tăng lên vào đầu thế kỷ thứ 11 khi những người Normandy theo Công Giáo tràn qua khu vực nói tiếng Hy Lạp ở miền nam Ý và áp đặt những lề lối Latinh vào các nhà thờ ở những khu vực trên. Thượng phụ Constantinople đã đáp trả bằng cách ngăn chặn những nơi thờ phụng theo kiểu Latinh tại thành phố của ngài, và Giáo Hoàng đã gửi một phái đoàn đến Constantinople để giải quyết vấn đề. Lãnh đạo phái đoàn, Hồng Y Humbert, đã tuyên vạ tuyệt thông với Thượng Phụ, và Thượng Phụ cũng làm điều tương tự với vị khách của mình ngay sau đó. Trong những sự kiện dẫn đến sự chia rẽ cuối cùng, đã có những khác biệt ngày càng lớn giữa tuyên bố của Giáo Hoàng về thẩm quyền của ngài đối với thế giới Ki-tô giáo, trái với quan điểm của Chính thống giáo rằng tất cả các trung tâm cổ xưa của thế giới Ki-tô giáo (Antioch, Alexandria, và Jerusalem cũng như Rome và Constantinople) gần như là ngang bằng nhau về tầm quan trọng. Bên Chính thống giáo phản đối việc Giáo Hoàng ủng hộ một phiên bản của kinh tin kính mà theo quan điểm của họ tương đương với việc ngầm hạ thấp vai trò của Chúa Thánh Thần (Holy Spirit). Thêm vào khác biệt về thần học này là những mâu thuẫn địa chính trị lớn: vào năm 1204 quân đội Latinh đã cướp bóc Constantinople – nơi lúc đó vẫn là trung tâm lớn nhất của thế giới Ki-tô giáo về văn hóa và thương mại – và áp đặt một chế độ Latinh trong 6 thập kỷ. Trong ký ức tập thể của Chính thống giáo, sự phản bội này bởi những người anh em Ki-tô hữu đã làm thành phố vĩ đại này suy yếu dần và khiến việc nó bị chinh phục bởi những người Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1453 trở nên không thể tránh được. Sau khi hai bên tách ra, thế giới Ki-tô phương Đông và phương Tây sản sinh ra những truyền thống thần học khác nhau. Phương Tây phát triển ý niệm về luyện ngục (purgatory) và về việc “trừng phạt thế” (tư tưởng cho rằng việc Chúa Ki-tô tự hiến thân là cái giá phải trả cho Chúa Cha khắc nghiệt). Cả hai tư tưởng trên không hấp dẫn những người Ki-tô hữu Chính thống giáo. Phương Đông, với thiên hướng pha trộn tri thức và mầu nhiệm, đã đi theo tư tưởng rằng Thiên Chúa là không thể hiểu được bởi lý trí con người nhưng có thể tiếp cận được thông qua trái tim. Đối với tín hữu Chính thống giáo, thần học Công Giáo dường như quá phạm trù và lề luật; còn đối với người Công giáo, tư tưởng của Chính thống giáo về mầu nhiệm dường như quá mơ hồ và không rõ ràng. Trong cuộc thảo luận được định trước trong vài tiếng tại sân bay Havana vào ngày 12/2, Đức Giáo Hoàng và vị Thượng Phụ sẽ không thể hòa giải những khác biệt đã kéo dài hàng thế kỷ trên. Nhưng ít ra họ có thể hiểu nhau hơn một chút. Nguồn: “The differences between the Catholic and Orthodox churches”, The Economist, 12/02/2016.Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Biên tập: Lê Hồng Hiệp(Nghiên Cứu Quốc Tế)
  18. Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua Đề án Danh sách Lãnh đạo kế nhiệm trong “thời kỳ bất thường.” (Ảnh: Internet) Vừa qua, truyền thông Hồng Kông tiết lộ, vào đầu năm nay, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thông qua Đề án Danh sách Lãnh đạo kế nhiệm trong “thời kỳ bất thường”, theo đó nhiều phương án liên quan đến Ban Lãnh đạo tối cao kế nhiệm trong trường hợp có bất trắc đã được đưa ra. Sau Đại hội 18 ĐCSTQ, với chương trình chống tham nhũng của lãnh đạo đương nhiệm, ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường, Vương Kỳ Sơn đã nhiều lần bị ám sát, nhưng đều may mắn thoát nạn. Theo Tạp chí Tranh Minh ở Hồng Kông số tháng Ba, vào đầu tháng Một năm nay, trước khi ông Tập Cận Bình đến Trùng Khánh thị sát Tập đoàn quân 13, Bộ Chính trị ĐCSTQ đã nghiên cứu thông qua “Đề án Đặc biệt” do các ông Vương Hộ Ninh, Hứa Kỳ Lượng và Lật Chiến Thư đưa ra. Được biết, “Danh sách đặc biệt” này có tên “Đề án Thành viên Ban lãnh đạo kế nhiệm trong nhiệm kỳ Đại hội 18, nếu có tình hình bất thường.” Theo Tạp chí Tranh Minh, “sự kiện chính trị bất thường” này có thể diễn biến như sau: một là có tấn công quân sự đến từ bên ngoài, hai là những thành viên chủ chốt trong Ban lãnh đạo quốc gia gặp bất trắc ngoài ý muốn, bất ngờ bị qua đời gây ảnh hưởng đến trung tâm lãnh đạo, hoặc là có xảy ra biến động chính trị trên toàn quốc. Theo thông tin, Đề án về Danh sách Ban Lãnh đạo tối cao sẽ lên thay trong “thời kỳ bất thường” như sau: 1. Nếu ông Tập Cận Bình gặp bất trắc, Trưởng ban Lãnh đạo Trung ương giao cho ông Vương Kỳ Sơn; Phó trưởng ban thứ nhất là Lý Khắc Cường; các Phó Trưởng ban khác gồm: Trương Đức Giang, Lật Chiến Thư, Hứa Kỳ Lượng. 2. Nếu cả ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đều gặp bất trắc, Trưởng Ban Lãnh đạo Trung ương giao cho ông Vương Kỳ Sơn, Phó ban là các ông Trương Đức Giang, Lật Chiến Thư, Hứa Kỳ Lượng, Mã Khải. 3. Nếu ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn gặp bất trắc, Trưởng Ban Lãnh đạo Trung ương giao cho ông Lý Khắc Cường; Phó ban thứ nhất là Hứa Kỳ Lượng; các Phó ban khác gồm Trương Đức Giang, Lật Chiến Thư, Mã Khải. 4. Nếu ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường và Vương Kỳ Sơn đều gặp bất trắc, Trưởng Ban Lãnh đạo Trung ương giao cho ông Lật Chiến Thư (tạm quyền, người triệu tập); các Phó ban gồm Trương Đức Giang, Lật Chiến Thư, Hứa Kỳ Lượng, Mã Khải, Thường Vạn Toàn. Theo thông tin, vào sau Hội nghị Toàn thể Trung ương lần 3 ĐCSTQ khóa 18 diễn ra năm 2013, một kiến nghị tương tự cũng đã từng được Bộ Chính trị ĐCSTQ thảo luận. Vào tháng 5/2014 đã được đưa ra thảo luận lại. Dự thảo Nghị quyết liên quan được đưa ra thảo luận tại Ban Thường vụ Bộ Chính trị lần lượt vào tháng Một và tháng 10/2015. Có phân tích cho rằng, sự kiện này cho thấy giới lãnh đạo đương nhiệm đã dự tính cho những hành động chính trị đặc biệt quan trọng, Trung Quốc Đại Lục đang sẵn sàng chuẩn bị cho những biến động lớn. Ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn nhiều lần bị mưu sát Nhật báo Đông phương ở Hồng Kông số tháng 12/2013, theo người đưa tin nằm vùng tại Trung Nam Hải cho biết, trước sau Hội nghị Bắc Đới Hà vào tháng 8/2012, ông Chu Vĩnh Khang ít nhất có 2 lần ám sát ông Tập Cận Bình. Một lần đặt bom trong Hội nghị Bắc Đới Hà; một lần khác dự tính dùng kim độc khi ông Tập Cận Bình đi khám sức khỏe tại Bệnh viện 301. Trong tình hình nguy cấp, ông Tập Cận Bình từng có lần chuyển đến trú tại Trung tâm Chỉ huy Quân sự Sơn Tây. Trong năm 2015, giới thông tin cũng nhiều lần đưa tin ông Vương Kỳ Sơn bị ám sát. Trước thềm năm mới 2015, ông Vương Kỳ Sơn nhận được thiệp chúc mừng có chất độc xyanua kali. Trung Nam Hải cũng tiến hành cho điều tra nhưng không có kết quả. Đầu tháng 3/2015, khi ông Vương Kỳ Sơn đến Thiên Tân thị sát, đội xe hộ tống ông Vương Kỳ Sơn đang trên đường đi thì chiếc xe đi thứ 3 bất ngờ bị cháy, nhưng ông Vương Kỳ Sơn may mắn thoát nạn vì ngồi trên chiếc xe thứ 2. Sau “lưỡng hội” của ĐCSTQ vào tháng Ba, khi ông Vương Kỳ Sơn chuẩn bị lên đường theo lộ trình công tác xuất phát từ Trường Xuân – Cát Lâm, bộ phận phụ trách an toàn kỹ thuật đã thông báo nhiều xe bị lỏng ốc vít bánh xe, nguyên nhân là do có kẻ đã cố tình gây ra. Tháng 3/2015, trong chuyến thị sát của ông Vương Kỳ Sơn tại tỉnh Hà Nam cũng đã xảy ra sự cố mưu sát. Vào 4 giờ ngày 28/3, khu phòng khách của tỉnh nơi ông Vương Kỳ Sơn ngủ lại bất ngờ mất điện, sau khi khởi động máy phát điện dự phòng để cung cấp điện, đến 5:10 phút lại tiếp tục bị mất điện, cùng thời gian có 3 chiếc xe chuyên dụng của bộ phận cảnh vệ hộ tống bị phát nổ. Cơ quan cảnh vệ Trung Nam Hải gọi đây là sự kiện ám sát 328. Theo Secretchina Tinh Vệ biên dịch (Đại Kỷ Nguyên VN)
  19. Bức ảnh có nhiều nghi vấn Kính thưa ông Nguyễn Thanh Tú, Tôi tên là Nguyễn Quang Duy là người ngồi cạnh ông Nguyễn Văn Khanh, Giám Đốc Đài Á Châu Tự Do, trong hai bức hình ông đã đưa lên trên bài viết “RFA bắt đầu điều tra – Cần thêm Thông Tin liên quan giữa RFA và Việt Tân”. Bài đã được phổ biến khá rộng rãi trên các blog, facebook hay qua email, ông kêu gọi cung cấp thông tin, xác định về những nhân vật trong các tấm hình và quan hệ của những người này với Việt Tân hay SBTN. Buổi thăm viếng trong bức hình lại do chính tôi tổ chức vì thế tôi viết thư này để ông tường sự việc. Vào tháng 6 năm 2013, Khối 8406 chúng tôi có tổ chức xin chữ ký vận động trả tự do cho hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha. Trong vòng hai tuần chúng tôi xin được trên 6,350 chữ ký đồng hương. Ngày 21/06/2013 chúng tôi đã gặp Dân Biểu Chris Hayes để nhờ ông Chris chuyển số chữ ký này đến tận tay Ngọai Trưởng Bob Carr. Biết tôi ở Sydney ông Nguyễn Văn Khanh, khi ấy cũng đang ở Sydney liên lạc, và chúng tôi đã gặp nhau. Cuộc gặp chỉ nhằm trao đổi về tình hình đất nước và làm sao để Đài Á Châu Tự Do (RFA) có thể phục vụ tốt hơn. Sau cuộc gặp, biết chúng tôi sẽ ghé thăm bà Bảo Khánh Việt Nam Radio Sydney để cám ơn bà đã giúp gia đình một thành viên Khối 8406 từ Thái Lan được sang Úc định cư và thăm người ấy, ông Khanh ngọ ý muốn đi chung. Tôi đã liên lạc xin phép bà Bảo Khánh và ngày 23-6-2013 chúng tôi đã ghé thăm bà ấy. Trong bức hình người ngồi phía trước tôi là bà Bảo Khánh. Đây là cuộc thăm viếng chỉ với mục đích duy nhất: chúng tôi đến để cám ơn Bà Bảo Khánh đã giúp gia đình một thành viên Khối 8406 từ Thái Lan được sang Úc định cư và thăm người ấy. Hai bức hình này không do tôi chụp, lần đầu tiên tôi thấy và không rõ sao đến tay ông. Các thành viên Khối 8406 tại NSW và tôi không ai là thành viên của đảng Việt Tân hay làm việc với chương trình SBTN Úc Châu. Chúng tôi có cộng tác với Đài SBTN Úc Châu, cũng như các Đài RFA, Đài BBC, Đài SBS khi các cơ quan truyền thông này cần phỏng vấn hay cần tin tức từ chúng tôi. Tôi viết báo nên có gởi bài đăng trêb RFA và BBC. Tôi luôn ủng hộ việc tìm ra thủ phạm đã ám sát cha ông. Tôi cũng ủng hộ việc ông tìm kiếm Thông Tin liên quan giữa RFA và Việt Tân. Mong chúc ông tìm ra sự thật. Kính thư Nguyễn Quang Duy Melbourne, Úc Đại Lợi 2/3/2016 PS. Bức hình chụp ngày 23-6-2013 không phải 26-6-2013 như trong bài viết. Bức thư này cũng được đến chuyển ông Nguyễn Văn Khanh, bà Bảo Khách cũng như trên các diễn đàn để rộng đường dư luận. * Bài của tác giả gửi tới TTHN
  20. Luật sư Võ An Đôn trong 1 vụ bào chữa – (Ảnh: Facebook Đôn An Võ) Mới đây, luật sư Võ An Đôn đã nhận được giấy mời lên làm việc từ cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên để làm rõ việc “truyền tải đưa thông tin lên mạng xã hội Facebook”. Vào ngày 3/3, trên trang cá nhân, luật sư Võ An Đôn cho biết vừa nhận được giấy mời lên làm việc từ Phòng An ninh chính trị nội bộ công an tỉnh Phú Yên. Giấy mời do ông Võ Ngọc Tân – Trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ tỉnh Phú Yên ký ngày 2/3. Lý do mời được ghi: Làm rõ việc truyền đưa thông tin lên mạng xã hội Facebook. Giấy mời làm việc được đăng tải lên Facebook cá nhân của luật sư Võ An Đôn. Đăng tải cùng với giấy mời, luật sư Võ An Đôn chia sẻ trên trang cá nhân: “Mạng xã hội Facebook là trang cá nhân, đăng những hình ảnh, bài viết liên quan đến cá nhân của tôi, không xúc phạm đến cá nhân hoặc đụng chạm đến chính trị, tại sao Phòng an ninh Chính trị nội bộ lại mời tôi làm việc?” Và luật sư Đôn cho rằng có thể lý do mình bị mời lên làm việc là liên quan tới việc luật sư đã nộp đơn ứng cử Đại biểu Quốc hội và có bài viết nói lên tâm tư của luật sư về việc ứng cử Quốc hội. Được biết, Luật sư Võ An Đôn trong thời gian qua đã có nhiều lần tham gia bào chữa miễn phí cho người nghèo, tích cực trong việc đưa những vụ án oan sai ra ánh sáng; trong đó nổi bật là vụ đưa ra tòa xét xử 5 cựu công an dùng nhục hình làm anh Ngô Thanh Kiều (SN 1982, ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) tử vong vào năm 2012. Xem bài: Vụ 5 công an đánh chết người: Nguyên phó công an TP Tuy Hòa ra hầu tòa Trước đó, luật sư Võ An Đôn đã từng nộp đơn xin ứng cử vào Đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên vào năm 2011 và nhận được 100% tín nhiệm tại nơi cư trú và nơi làm việc, tuy nhiên sau đó luật sư đã bị loại. Trong lần bầu cử năm 2016 này, luật sư Đôn tiếp tục nộp đơn xin ứng cử vào Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên. Luật sư Võ An Đôn có một văn phòng luật sư và cũng là ngôi nhà nhỏ bé nằm ở vùng quê hẻo lánh xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. (Ảnh: Facebook) Quyền tiếp cận thông tin và tự do ngôn luận ở Việt Nam: Vào ngày 24/9/1982, Việt Nam gia nhập Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội và Công ước quốc tề về các quyền dân sự chính trị. Theo điều 19, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 khẳng định quyền tiếp cận thông tin của cá nhân:“Mọi người có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin, ý kiến, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tuỳ theo sự lựa chọn của họ”. Để giám sát việc thực thi các quyền dân sự và chính trị trên, Công ước quốc tế thành lập Ủy ban Nhân quyền (Human Rights Committee – HRC). Ủy ban này giám sát việc thực thi nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền bởi các quốc gia. Điều 69 Hiến pháp năm 1992 của Nhà nước Việt Nam đã khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp…” Ngoài Hiến pháp là đạo luật gốc, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhiều văn bản luật đã cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin của công dân như Luật Khiếu nại tố cáo), Luật Đất đai Luật Phòng, chống tham nhũng… Từ Ân tổng hợp (Đại Kỷ Nguyên VN)
  21. Sau mấy tuần lễ bàng hoàng vì bất ngờ bị rút ra khỏi bầu sữa Sài Gòn để ra trung ương nhận chức vụ cao hơn, ông Võ Văn Thưởng buộc phải lấy lại sự bình tỉnh, vừa học tập vừa tiếp nhận nhiệm vụ mới và bắt tay ngay vào việc đối phó phong trào tự ứng cử của người dân. Chiến dịch sử dụng dư luận viên và các phương tiện truyền thông bôi nhọ và đấu tố các công dân tự ra ứng cử đã mở màn. Clip video bôi nhọ và đấu tố Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã phát trên kênh Viet vision. Mới đây nhất, báo Petrotimes đã đăng bài bôi nhọ và vu khống nghệ sĩ Nguyễn Công Vượng, luật sư Lê Văn Luân cùng một số công dân tự ra ứng cử khác. Trong những ngày sắp đến, mọi người sẽ không ngạc nhiên khi thấy hàng loạt bài báo theo chỉ đạo nhằm vu khống, bôi nhọ ứng cử viên độc lập xuất hiện. Hiến pháp ghi rõ, mọi công dân từ 21 tuổi trở lên đều được quyền ra ứng cử, thế nhưng khi công dân thực hiện cái quyền đó thì lại nhảy dựng lên ứng phó như đĩa phải vôi là sao? Các tổ chức nhà nước đang đồng bộ ra tay ngăn cản người tự ra ứng cử bằng nhiều cách. - Uỷ ban phường và ban tiếp nhận hồ sơ ứng cử gây khó dễ trong khâu chứng nhận cũng như tiếp nhận hồ sơ. Hầu hết các ứng viên độc lập đều bị buộc làm đi làm lại hồ sơ nhiều lần. Ứng cử viên Nguyễn Tường Thuỵ nhiều lần ra phường xác nhận lý lịch đều bị báo là chủ tịch. phó chủ tịch phường đi vắng. - Nhiều ứng cử viên được an ninh đến "thăm hỏi", trong đó nghiêm trọng nhất là luật sư Võ An Đôn nhận được giấy triệu tập của công an. Chưa nói vào bước tiếp theo, bước hiệp thương tại địa phương mà nhiều ứng cử viên khoá trước đã kinh qua cho biết đó là "màn đấu tố kinh khủng" dành cho các công dân tự ứng cử, nơi biến các ứng cử viên thành tội phạm của chế độ. Tuy nhiên, gậy ông đập lưng ông, tự những việc làm đối phó đó phơi trần ra cho công luận thấy bầu cử chỉ là một trong nhiều màn trình diễn dân chủ giả hiệu của chế độ độc tài toàn trị. Huỳnh Ngọc Chênh (FB Huỳnh Ngọc Chênh)
  22. Ở Việt Nam hiện nay chưa có luật về Đảng. Đây là một điều mà Đảng Cộng sản Việt Nam cần nhanh chóng bổ khuyết sau 86 năm hoạt động. Đảng hoạt động “ngoài vòng pháp luật” ! Có Luật về Đảng sẽ làm rõ hơn cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội Việt Nam, cơ chế chịu trách nhiệm của Đảng và cơ chế để nhân dân giám sát Đảng, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho Đảng thực thi vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình đối với Nhà nước và xã hội. Đồng thời Luật về Đảng tạo sự minh bạch trong hoạt động của Đảng, tạo cơ sở cho nhân dân giám sát hoạt động của tổ chức Đảng và đảng viên. Luật về Đảng sẽ giúp Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động một cách hiệu quả hơn, minh bạch hơn, tránh bị cho là Đảng hoạt động ngoài vòng pháp luật, tránh bao biện, làm thay hay buông lỏng lãnh đạo; và cũng là để nhân dân có cơ sở giám sát các tổ chức và cán bộ của Đảng làm việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Ngoài ra, hoạt động trong một khung khổ pháp luật rạch ròi giúp Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết được rất nhiều vấn đề nội bộ của mình như dân chủ trong Đảng, ngăn không để các đảng viên tham nhũng, lộng quyền, thoái hóa, suy thoái,… mà giờ đây chính các vị lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam phải coi là quốc nạn, gây tổn hại cho sự sống còn của Đảng, cho chế độ XHCN… Như ông Nguyễn Phú Trọng - đương kim Tổng bí thư đã công nhận, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, tức là đảng CS Việt Nam đang có vấn đề. Phải có Tòa Bảo Hiến Thành lập từ năm 1930 cho đến nay, Đảng CS Việt Nam đã áp đặt quyền cai trị lên nhân dân Việt Nam 86 năm. Trong bộ máy Nhà nước Việt Nam hiện nay có sự hiện diện một số cơ quan kiểm tra, giám sát. Song ở cấp cao nhất trong cơ quan Đảng vẫn còn tồn tại khoảng trống quyền lực chưa được giám sát vì "chưa được luật hóa". Và những đảng viên mất chất có chức có quyền đã đã lợi dụng khoảng trống quyền lực này để phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, bỏ mặc lợi ích chung của nhân dân. Giai đoạn 1986-1991, Ở Đại hội Đảng VI, Tổng bí thư Đảng CS Việt Nam - Nguyễn Văn Linh có nêu quan điểm: Bộ Chính trị còn bận rất nhiều công việc lớn, nên chỉ những vấn đề thuộc đường lối chủ trương trong hoạt động của Quốc hội mới thảo luận ở Bộ Chính trị. Như vậy, Hội đồng Nhà nước chủ động bàn và đưa ra Quốc hội quyết định. Ông Võ Chí Công, Ủy viên Bộ Chính trị, được phân công làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước Đảng. Từ đây bắt đầu thời kỳ Đổi Mới của Việt Nam, đồng thời mối quan hệ giữa Đảng với Quốc hội hài hòa và thông thoáng nhất. Tuy nhiên sau khi sự kiện bức tường Bá Linh qua đi, đồng minh thân cận của Việt Nam như lãnh đạo Rumani Ceaucescu bị hạ bệ, các nhân vật bảo thủ trong Đảng đã tìm cách bóp nghẹt tiến trình này. Sang Trung ương Đảng khóa VII thì mọi chuyện thay đổi, sau khi ông Nguyễn Văn Linh nghỉ, rất nhiều vấn đề về luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội phải đưa ra để Bộ Chính trị xem xét, có kết luận thì mới được thực hiện. Quy trình này không chỉ gây nên tình trạng chậm trễ mà nhiều vấn đề quan trọng khi đưa ra Quốc hội bàn rất khó vì đã có kết luận của Bộ Chính trị rồi. Sự việc trên cho thấy, do ngoài việc quy định như trong Điều 4 của Hiến pháp thì không có một văn bản pháp luật nào khác quy định về sự lãnh đạo của Đảng CS nên việc thực hiện điều này tùy thuộc vào từng nhiệm kỳ và “tùy tiện”, “ngẫu hứng” của vị tổng bí thư đương nhiệm. Vấn đề đặt ra, để Điều 4 Hiến pháp tồn tại và vẫn dân chủ ngay khi có “Luật về sự lãnh đạo của Đảng”, đòi hỏi phải có Tòa Bảo Hiến. Chính vì điều này mà từ mấy năm qua trong giới luật gia ở Việt Nam đã có các tiếng nói kêu gọi lập Toà Bảo Hiến như ở nhiều nước trên thế giới. Đảng không phải vô giới hạn Lâu nay Đảng CS vẫn nói Đảng vì nhân dân, phục vụ nhân dân. Nhưng tình hình hiện nay thì cần phải có khuôn khổ pháp lý rõ ràng để bảo đảm mọi hoạt động của Đảng có cơ sở pháp lý, có luật để cụ thể hóa điều này, định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức Đảng đối với Nhà nước, đối với nhân dân thì mới có căn cứ đầy đủ về luật pháp, vừa phát huy đầy đủ quyền lãnh đạo của Đảng, vừa ngăn chặn tình trạng coi như quyền lãnh đạo của Đảng là vô giới hạn, đi đến lạm quyền, lộng quyền, ảnh hưởng xấu đến vai trò và uy tín của Đảng; đồng thời để cho việc thực hiện những quyền giám sát, phản biện của nhân dân Việt Nam có nền tảng cơ sở rõ ràng. Đào Đức Thông (Việt Nam Thời Báo)
  23. Ông Nguyễn Xuân Ảnh (phải) nhận quyết định bổ nhiệm làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Tin liên hệ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 'lùi một bước để tiến hai bước'? Con trai cả của ông Nguyễn Tấn Dũng mới được bầu vào cơ quan quyền lực của đảng, dẫn tới ý kiến cho rằng thủ tướng Việt Nam đang sử dụng chiến thuật "lùi một bước để tiến hai bước". ‘Thái tử’ vào Trung ương - thỏa thuận nội bộ đảng? World Bank giúp cải thiện giao thông Hà Nội Đại sứ Anh tới nơi ba du khách tử nạn ở Đà Lạt 02.03.2016 Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam hôm 2/3 thông báo quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Ảnh, em trai tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, giữ chức Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam kể từ ngày 1/3. Báo chí trong nước trích lời Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường ca ngợi ông Nguyễn Xuân Ảnh là cán bộ trẻ năng động, tận tụy với công việc và đã ‘hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ’ trong thời gian công tác tại bộ. Việc bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Ảnh vào chức vụ mới được lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nói là để tiếp tục phát huy năng lực, sở trường của ông Ảnh trong các lĩnh vực ‘khó khăn’ như phát triển giao thông đường bộ và quản lý đường cao tốc, cấp giấy phép lái xe… Ông Nguyễn Xuân Ảnh sinh năm 1983, có bằng thạc sĩ kinh tế, là em trai ông Nguyễn Xuân Anh - tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Ông Ảnh từng là thư ký cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho tới khi ông Thăng được đưa về làm Bí thư Thành ủy TP.HCM. Cả hai ông Anh và Ảnh đều là con trai của ông Nguyễn Văn Chi - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Nguyễn Xuân Anh cùng với ông Nguyễn Thanh Nghị - con trai của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – là 2 tân bí thư trẻ nhất Việt Nam hiện nay. Theo VnEpress, Người Lao Động.
  24. Trên thực tế, hoàn toàn không dễ để có thể “vi phạm chế độ một vợ một chồng” theo cách hiểu của luật pháp Việt Nam. Trang fb của Văn phòng Chính phủ vào chiều ngày 1-3 có đăng bài khuyến cáo rằng từ ngày 01-07-2016, nếu vi phạm chế độ một vợ một chồng dẫn đến ly hôn có thể bị phạt tù đến 01 năm. Căn cứ pháp lý: Điều 182 Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01-7-2016. Điều 182 Bộ luật hình sự 2015 có nội dung: Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: + Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn. + Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: + Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát. + Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó. Chung sống như vợ chồng được hiểu như thế nào? Điểm 3.1 khoản 3 Thông tư liên tịch 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn như sau: Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó... Như vậy những trường hợp ngoại tình ngoài phạm vi nêu trên sẽ không bị xử phạt. Trước hết, nói về điều kiện “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”, ở góc độ pháp lý, trong nhiều vụ việc, rõ mười mươi là ngoại tình, bắt tại trận nhưng cơ quan chức năng đành bó tay không xử phạt hành chính vì tội vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng được vì họ không có con chung, tài sản cũng không, cơ quan, láng giềng ai cũng biết đó chỉ là chuyện bồ bịch. Mà chuyện bồ bịch, pháp luật đâu có chế tài. Không có xử phạt hành chính lần một về hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng thì lấy đâu căn cứ để xử lý hình sự? Có một đề tài về ngoại tình được nghiên cứu sinh Nguyễn Khánh Linh cùng giáo sư Jack Dash Harris thực hiện. Theo nghiên cứu này, ở phương Tây chỉ có 3 khái niệm cho các mối quan hệ ngoài vợ chồng là: Nhân tình, qua đường, gái điếm. Trong khi đó, ở Việt Nam có đến ít nhất 8 nhóm khác nhau như vợ nhỏ, em út, tình nhân cho đến các dạng “ăn bánh trả tiền” từ rẻ tiền đến cao cấp và cả thể loại tình yêu không tình dục nơi công sở. Những kiểu quan hệ ngoài vợ chồng này thường được đội cái mũ chung là “hành vi mua dâm” - một cách để vui bạn bè, kết thân các nhóm nam, thậm chí đơn giản chỉ là khẳng định nam tính. Thế nên, theo hai nhà nghiên cứu, chuyện ngoại tình rất phổ biến ở Việt Nam, “phổ biến đến mức khiến đa số người nghĩ đó là chuyện có thể chấp nhận”. Nhưng tất nhiên, chỉ với đàn ông mà thôi vì phụ nữ Việt vẫn bị thuyết tam tòng, tứ đức đè nặng. Một khi “hậu quả nghiêm trọng” vẫn được hiểu theo nghĩa hẹp Theo luật, nếu việc vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị xử lý hình sự. Điều đáng nói là hậu quả nghiêm trọng ở đây được hiểu theo cách vật chất như làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ, ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát... Nhưng về thực chất, đó đâu phải là cách hiểu đầy đủ nhất về “hậu quả nghiêm trọng” do hành vi ngoại tình gây ra, mà còn rất nhiều vấn đề khác nữa. Trên thực tế, có rất nhiều gia đình chồng/vợ ngoại tình, tuy không đến nỗi khiến đối phương phải tự sát nhưng sự suy sụp tinh thần dẫn đến bỏ việc, đau buồn, chán đời, đổ bệnh mà chết là có. Nhưng liệu thân nhân của họ có đủ hiểu biết để khởi kiện, và nếu có khởi kiện thì cơ quan điều tra nào, Tòa án nào sẽ đủ kiên nhẫn để chứng minh những cái chết đó là hậu quả của ngoại tình? Thế nên mới có chuyện tại rất nhiều tòa án, đứng trước một vụ ly hôn vì lý do ngoại tình thì Hội đồng xét xử chỉ cho ly hôn chứ không xử lý hình sự. Người có lỗi (ngoại tình) cũng không bị “trừng phạt” gì về mặt tài sản hay nghĩa vụ, quyền lợi... khi tòa giải quyết ly hôn. Về vấn đề này, nhiều người đã bày tỏ sự không đồng tình vì họ cho rằng khi hôn nhân bị tan vỡ do người chồng/vợ ngoại tình, trong khi người còn lại không có bất kỳ lỗi gì, mà người chồng/vợ đó không bị pháp luật áp dụng chế tài gì thì thật là bất công! Có vi phạm nhân quyền khi qui kết hành vi ngoại tình là tội phạm? Vài năm trước có vụ diễn viên nổi tiếng của Hàn Quốc Ok Sori đã bị án 8 tháng tù treo vì tội ngoại tình. Tại Hàn Quốc, ngoại tình là một tội hình sự theo luật có từ rất nhiều năm trước vì làm “phá hỏng rường mối xã hội”. Campuchia cũng đã từng đưa ra dự luật hình sự hóa tội ngoại tình với hình phạt tù từ 1 tháng tới 1 năm cho những mối quan hệ ngoài hôn nhân. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, việc qui kết hành vi ngoại tình là tội phạm là có dấu hiệu vi phạm nhân quyền. Bởi con người sinh ra đều có quyền được sống, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền tự do yêu đương, bày tỏ tình cảm và kết hôn. Mặt khác, hôn nhân thực chất chỉ là một sự ràng buộc pháp lý mang tính hành chính, thủ tục, chứ không phải và không thể ràng buộc được về mặt tình cảm, ý chí của mỗi con người. Theo một cuộc điều tra nghiên cứu quốc gia về gia đình của Viện Nghiên cứu gia đình và giới (Viện Khoa học xã hội Việt Nam), về nguyên nhân dẫn đến ly hôn thì mâu thuẫn về lối sống là nguyên nhân hàng đầu (27,7%), tiếp theo là ngoại tình (25,9%), nguyên nhân kinh tế (13%), bạo hành gia đình (6,7%), lý do sức khỏe (2,2%) và do xa nhau lâu ngày (1,3%). Hiện tượng ly hôn đang tăng lên chủ yếu là do áp lực về kinh tế, khác biệt về lối sống và sự không chung thủy của cả hai giới... Tuy nhiên chưa ghi nhận trong số “25,9% ngoại tình” có trường hợp nào “người ngoại tình” bị bỏ tù hay không? Nguyễn Cao (Việt Nam Thời Báo)
  25. Ngày hôm nay, báo chí lề phải của Việt Nam rộ lên thông tin, Trung Quốc công khai quây chiếm đảo san hô Hải Sâm ((tên quốc tế là Jackson, còn Philippines gọi là Quirino) nằm gần tỉnh đảo Palawan của Philippines, là nơi đánh bắt cá truyền thống của ngư dân trong khu vực) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang do Phi chiếm giữ. Tại đây, Trung Quốc đã “điều 5 tàu vỏ trắng và vỏ xám (tàu hải quân) án ngữ 5 bãi đá tại đây”, xua đuổi ngư dân Phi trong khi phản ứng của phía Phi là cho máy bay thăm dò, theo dõi xem hải quân Trung Quốc “có ý định hiện diện lâu dài ở bãi Hải Sâm hay không” (?). Phía chính giới Phi thì “cho biết các tàu Trung Quốc đã được ở trong bãi Hải Sâm trong hơn một tháng nay” (?) Trung Quốc chiếm đã "Hải Sâm"? http://vtc.vn/trung-quoc-lai-chiem-bai-hai-sam-o-quan-dao-truong-sa.311.597392.htm Cuối năm trước, báo chí Việt Nam đã đăng tin Trung Quốc cho ngư dân “tàn phá” các đảo san hô thuộc khu vực do Phi đang chiếm giữ http://infonet.vn/khong-chiem-duoc-dao-ngu-dan-trung-quoc-huy-diet-san-ho-o-bien-dong-post185855.info Trong khi đó, chỉ có BBC là cho đăng thông tin này, còn tuyên nhiên báo chí lề trái, bặt vô âm tín. http://www.bbc.com/vietnamese/world/2016/03/160302_china_philippines_scs Xem trên Ba Sàm và một số trang khác chỉ thấy phát đi thông tin cùng ngày, rằng “ Mỹ cảnh cáo Trung Quốc sẽ lãnh hậu quả vì quân sự hóa Biển Đông” Trong khi đó, động thái gần đây của Phi là hợp thức hóa sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Phi khi “Tòa án tối cao Philippines hôm 12.1 (2016) đã phê duyệt Thỏa thuận tăng cường hợp tác phòng thủ (EDCA) với Mỹ, mở đường cho quân Mỹ triển khai đến nhiều căn cứ của Philippines”, phán quyết này đồng nghĩa với việc “sẽ giúp giải ngân hàng chục triệu USD do Mỹ viện trợ để hiện đại hóa hải quân cùng các binh chủng khác của Philippines. Đổi lại, máy bay Mỹ được phép hạ cánh, tàu chiến Mỹ cùng khí tài quân sự và hậu cần được đến nhiều căn cứ của Philippines.”. Song sọng với việc này, trùng với khoảng thời gian, Trung Quốc đã “âm thầm” chiếm đảo Phi đang quản lý trước thái độ “theo dõi” của Phi!!! Nguồn tin http://motthegioi.vn/quoc-te/so-trung-quoc-chiem-bien-dong-philippines-cho-quan-my-tro-lai-278091.html Có vẻ như báo chí lề trái và quốc tế có ngôn ngữ tiếng Việt rất xính phản ánh hoạt động hợp tác quân sự của Mỹ, Phi, cũng như phản ứng của giới chức Phi, biểu tình từ dân Phi, ca ngợi có tinh thần dân tộc, yêu nước, xem đó là “hình ảnh đối lập” với Đảng, Nhà nước Việt Nam “hèn nhát” với Trung Quốc. Ngay đến việc, báo chí nước ngoài đưa tin, Việt Nam mua sắm toàn vũ khí khủng, đầu tư quốc phòng tóp 10 thế giới cũng khiến họ đặt vấn đề theo kiểu, “Vũ khí và ý chí chiến đấu”, hướng lái sang vấn đề “quân hèn”, “dân hèn” thì sắm vũ khí để bắn nhau chứ không phải để phòng thủ (?) hay lái sang việc “dân không được kiểm soát tài chính chi cho mua sắm vũ khí này (!!!). Chỉ vậy là đủ để thấy, mang tiếng và mang danh hão là “yêu nước” nhưng kỳ thực họ chỉ yêu “ảo vọng đánh đổ được Đảng cộng sản Việt Nam” mà thôi, chỉ truyền thông những gì có lợi cho Mỹ và hại cho “cộng sản”. Nguyễn Biên Cương (Blog Tôi Là Một Người Lính)

×
×
  • Create New...