Jump to content

xứ việt

Administrators
  • Posts

    39309
  • Joined

  • Last visited

Everything posted by xứ việt

  1. Binh lính Hàn Quốc đang tuần tra dọc theo hàng rào Paju gần Khu vực phi quân sự (DMZ) phân chia hai miền Triều Tiên, ảnh chụp ngày 19 tháng 12 năm 2011 (Yonhap/AFP/Getty Images) Khi mà thế giới đang tập trung vào cuộc chiến ở Syria, cuộc khủng hoảng người tị nạn ở châu Âu, và bầu cử Tổng thống ở Mỹ, hai miền Triều Tiên đang hướng đến nguy cơ gây thêm một thảm họa ở vùng Viễn Đông. Trong suốt 8 năm, những diễn biến trong quan hệ của 2 nước trên bán đảo Triều Tiên ngày càng xấu đi, nhưng chỉ trong vòng 6 tháng qua, tình hình chưa bao giờ trở nên nguy hiểm như hiện nay. Gần đây, Bắc Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 4 và triển khai thêm vụ phóng vệ tinh sử dụng tên lửa tầm xa. Động thái này đã gây ra phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế, họ kêu gọi phải áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn nữa đối với Bình Nhưỡng. Riêng Hàn Quốc vẫn lặp lại tuyên bố của mình rằng, yêu sách của Triều Tiên đòi sở hữu vũ khí hạt nhân là không thể chấp nhận. Nhưng lần này, Hàn Quốc đã đi thêm. Họ đã cắt đứt mối liên kết kinh tế quan trọng cuối cùng đối với Bắc Triều Tiên. Tổ hợp khu công nghiệp Khai Thành (Kaesong Industrial Complex) là di sản duy nhất còn sót lại của “chính sách ánh dương”, và cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung đã được trao giải Nobel Hòa bình vì những thành công của ông trong việc thực thi chính sách này. Được thành lập vào năm 2004, Tổ hợp khu công nghiệp này kết hợp giữa công nghệ sản xuất của người Hàn Quốc và nguồn lao động giá rẻ của Triều Tiên, họ cùng nhau làm việc trong một khu công nghiệp nằm về phía bắc của khu phi quân sự, thuộc cố đô Khai Thành của vương quốc Cao Ly. Tuần trước, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã quyết định đóng cửa tổ hợp khu công nghiệp Khai Thành. Bắc Triều Tiên thì trục xuất các nhân viên Hàn Quốc và tịch thu toàn bộ tài sản tại khu công nghiệp này. Đồng thời, Bắc Triều Tiên cũng cắt đường dây nóng thông tin liên lạc kết nối giữa 2 nước. Theo cách này, lần hợp tác cuối cùng của hai phía là cùng nhau dập tắt tia sáng cuối cùng của vầng ánh dương. Ban đầu, Bộ Thống nhất Hàn Quốc tuyên bố rằng những ngân khoản ở tổ hợp khu công nghiệp Khai Thành đang bị sử dụng vào việc phát triển các vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa của Bắc Triều Tiên. Sau đó Bộ Thống nhất đã thu hồi lời tuyên bố này, và thừa nhận rằng chính phủ Hàn Quốc không có bằng chứng nào để khẳng định việc này. Tuy nhiên, điều đó vẫn không thể ngăn chặn Tổng thống Park Geun-hye lặp lại lời tuyên bố tương tự vào ngày hôm sau. Mối quan hệ vốn không tốt đẹp trên bán đảo Triều Tiên đã có một ảnh hưởng nhất định đến các quốc gia khác trong khu vực Châu Á. Bắc Triều Tiên đã công bố rằng, để đáp lại những biện pháp trừng phạt mới của Tokyo, quốc gia này sẽ giải tán ủy ban đặc biệt nhằm điều tra vấn đề các công dân Nhật Bản bị bắt cóc vào thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước. Cả Trung Quốc và Nga đang lo ngại rằng Hàn Quốc sẽ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa mới để cương quyết đáp trả mọi động thái khiêu khích từ Bắc Triều Tiên. Và Mỹ đã điều 4 máy bay chiến đấu tàng hình F-22 tới Hàn Quốc. Ngoài ra, một tàu sân bay đã được tăng cường để tham gia trong những cuộc tập trận hải quân chung sắp tới giữa 2 nước này. Bốn máy bay chiến đấu tàng hình F-22 bay trên căn cứ không quân Osan tại Pyeongtaek, Hàn Quốc, ngày 17 tháng 2, 2016. (Jeon Heon-kyun/Getty Images) Nhưng việc đóng cửa tổ hợp khu công nghiệp Khai Thành đã tạo ra một tình huống rất đáng lo ngại. Khai Thành là ví dụ xác thực duy nhất về sự hòa hợp giữa 2 miền Triều Tiên: một hình mẫu cho 2 nước luôn có quan điểm bất đồng này có thể dần dần làm việc cùng nhau như thế nào để hướng tới một mục tiêu chung. Khai Thành đã tồn tại hơn một thập kỷ bất chấp các vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên và sự bảo thủ hữu khuynh của Hàn Quốc. Nó tượng trưng cho chiến thắng của chủ nghĩa thực dụng vượt trên cả những luận điệu tuyên truyền. Tổng thống Park Geun-hye đã đi ngược lại với “chính sách xây dựng lòng tin” của bà trong vấn đề Bắc Triều Tiên. “Hiện nay, chúng ta cần phải tìm một giải pháp cơ bản để thay đổi Bắc Triều Tiên một cách có hiệu quả hơn, và đây là thời gian mà chúng ta phải chứng tỏ sự can đảm của mình”, bà vừa phát biểu trong tuần vừa qua. Giọng điệu của bà nghe giống như là thúc giục toàn dân Hàn Quốc hãy sẵn sàng chiến đấu. Những người lạc quan luôn luôn nói rằng trời lúc nào mà chẳng đen kịt trước lúc bình minh ló dạng. Nhưng chúng ta đã qua buổi bình minh trên bán đảo Triều Tiên từ lâu rồi. Chúng ta đang hướng về buổi chiều u ám, bầu trời dường như đang dần trở nên tối hơn, tối dần hơn. Liệu tất cả các bên liên quan có thể làm được điều gì đó nhằm đẩy lùi sự khuất dạng của ánh dương? Tầm quan trọng của tổ hợp khu công nghiệp Khai Thành Vào năm ngoái, ở thời kỳ đỉnh cao của nó, khu công nghiệp Khai Thành sử dụng hơn 50.000 công nhân Bắc Triều Tiên và hơn 800 nhà quản lý thuộc 124 công ty của Hàn Quốc. Kết quả là, năm 2015 là một năm rất tốt đối với khu công nghiệp này. Đây là lần đầu tiên việc sản xuất của khu công nghiệp này vượt ngưỡng 500 triệu USD kể từ khi nó được xây dựng và đi vào hoạt động cách đây hơn một thập kỷ. Nó sản xuất rất nhiều giày, áo khoác, và các sản phẩm điện, rất nhiều mặt hàng trong số đó được bán tại Hàn Quốc. Công nhân Bắc Triều Tiên, chủ yếu là phụ nữ, một tháng kiếm được khoảng 150 – 160 USD. Nhưng chính phủ Bắc Triều Tiên lấy đi khoảng 70-80% trên tổng số lương đó. Vì vậy, rất nhiều người thuộc giới quan sát bên ngoài kết luận rằng nơi đây là một khu công nghiệp “bóc lột”, thậm chí nó còn bị tố cáo là một nơi xuất khẩu “nô lệ lao động”. Dù mỗi tháng chỉ còn lại khoảng 30 – 48 USD, nhưng đối với nền kinh tế èo uột của Bắc Triều Tiên, thì số tiền lương này đã là quá nhiều với một công dân Bắc Triều Tiên. Đó là chưa kể đến những lợi ích khác, chẳng hạn như các bữa ăn trưa và ăn nhẹ mà họ được nhận trong giờ làm việc. Mức lương trung bình của các công nhân làm việc trong một doanh nghiệp nhà nước chỉ khoảng 1 USD/ tháng. Trong khi đó, các điều kiện làm việc tại khu công nghiệp Khai Thành thì tốt hơn rất nhiều so với bất cứ điều gì bạn tìm thấy được trong các nhà máy khác của Bắc Triều Tiên. Mặc dù công nhân Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên thường ăn riêng và họ luôn giữ khoảng cách ở mức tối thiểu, nhưng tổ hợp khu công nghiệp này vẫn cấp một cơ hội chưa từng có cho cả 2 bên để tương tác với nhau theo chiều hướng nhân đạo. Je Son Lee – một người đã trốn khỏi Bắc Triều Tiên, vừa mới đăng tin: “Khi tôi còn sống ở Bắc Bắc Triều Tiên, người ta thường nói: “Nếu bạn có một ai đó trong gia đình đang làm việc cho tổ hợp khu công nghiệp Khai Thành, thì người đó có thể nuôi sống toàn bộ mọi người trong gia đình mình”. Thật không may là cộng đồng quốc tế đã đối xử với khu công nghiệp Khai Thành giống như là một đứa con hoang – được tạo ra từ mối quan hệ liên Triều. Họ đã cấm bất kỳ sản phẩm từ Khai Thành được đưa vào các nước khác thông qua các hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc. Như nội dung dưới đây đã được tôi đăng trong một bài viết vào hồi tháng 9 năm ngoái: Dù có mối quan tâm của công đoàn quốc tế, và dù Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã có hiệu lực từ năm 2012, nhưng những điều đó vẫn không làm tăng thêm bất kỳ lợi ích nào cho khu công nghiệp Khai Thành. Nước Mỹ cùng với Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đã căn cứ vào một văn kiện trong đó quy định sản phẩm nào từ Khai Thành mới đạt đủ điều kiện do Hiệp định Thương mại Tự do đưa ra. Cho đến nay, văn kiện này vẫn ngăn chặn mọi sản phẩm. Thật ra thì, Bắc Triều Tiên cũng không đủ khả năng thu hút đầu tư dự án nước ngoài đáng kể nào vào khu công nghiệp này ngoại trừ Hàn Quốc ra. Và thật là trớ trêu thay, đáng lẽ ra nơi đây mới chính là chỗ mà Mỹ và những người thuộc phe bảo thủ của Hàn Quốc nên xắn tay áo lên mà hỗ trợ. Rõ ràng đây là cách mà chế độ tư bản muốn xâm nhập vào một đất nước đang được nhiều người xem nó như là một trong những thành trì cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản trên thế giới (nhưng tôi lại thích nghĩ về cụm từ chủ nghĩa dân tộc nghiệp đoàn khi nói về Bắc Triều Tiên). Riêng khu công nghiệp này thì không có công đoàn lao động, và phe bảo thủ thì thật là thích thú khi họ nói họ ghét những công đoàn ra sao (nhưng tất nhiên, là họ không khi nào nói xấu những đất nước mà họ muốn những người lao động có khả năng tự tổ chức và gây ra những tác động cụ thể để thay đổi chế độ của quốc gia đó). Và khu công nghiệp này lại là vùng giao thoa, nằm trên một trong những tuyến đường mà Bắc Triều Tiên cần sử dụng khi tiến hành cuộc xâm chiếm Hàn Quốc. Tính đến cuối tuần trước, quân đội Bắc Triều Tiên đã nắm quyền kiểm soát toàn bộ khu vực này. Vậy quyết định đóng cửa tổ hợp khu công nghiệp Khai Thành có đại diện cho một chiến thắng của Seoul và Washington hay chưa? Các xe humvee quân sự đi qua cầu Tongil, một điểm kiểm soát quân sự dẫn vào khu công nghiệp Khai Thành, tại Paju, ngày 11 tháng 2, năm 2016. (Ed Jones/AFP/Getty Images) Mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên Tại Mỹ, trong những cuộc tranh luận của đảng Dân chủ, khi phóng viên Chuck Todd của kênh truyền hình MSNBC đặt câu hỏi đối với ứng viên Tổng thống Bernie Sanders, yêu cầu ông chọn ra một trong các mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ hiện nay là Nga, là Bắc Triều Tiên hay là Iran, thì Thượng Nghị sỹ Bernie Sanders đã chọn Bắc Triều Tiên. Chẳng có gì lạ khi Bernie Sanders lại trả lời như vậy. Vì xét cho cùng, thì Mỹ vẫn tiếp tục hợp tác với Nga về một số vấn đề, và gần đây Mỹ đã ký kết một thỏa thuận hạt nhân với Iran. Chẳng có ai ở Bình Nhưỡng hoặc Washington D.C sẽ tỏ vẻ khó chịu đối với cách trả lời của ông Bernie Sanders. Thực tế thì câu trả lời đầy đủ của ứng viên Tổng thống Bernie Sanders cũng không tiết lộ được gì nhiều thêm về việc phớt lờ chính sách đối ngoại của ông – một chủ đề bình luận yêu thích của những nhà bác học truyền thông – nhưng thông điệp tiếp cận vào giới chủ lưu của ông Sanders là: Rõ ràng Bắc Triều Tiên là một tình huống rất lạ bởi vì đó giống như là một đất nước đang bị cô lập bởi một số ít các nhà độc tài, hoặc có thể chỉ bởi một người, mà người này có vẻ hơi bị mắc chứng hoang tưởng. Thêm vào đó, người này đang nắm trong tay kho vũ khí hạt nhân. Và, theo quan điểm của tôi, mục tiêu mà chúng ta cần nhắm đến là cần phải làm việc và dựa mạnh vào Trung Quốc để gây áp lực [càng nhiều càng tốt] đối với quốc gia này. Vì Trung Quốc là một trong số ít cường quốc trên thế giới hỗ trợ rất nhiều cho Bắc Triều Tiên. Và tôi nghĩ rằng, chúng ta cần phải làm mọi thứ có thể để gây áp lực lên Trung Quốc. Tôi lo lắng nhiều vì một đất nước bị cô lập, mắc chứng hoang tưởng như vậy nhưng lại sở hữu nhiều quả bom nguyên tử. Ông Bernie Sanders ủng hộ các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với Triều Tiên, và ông muốn Mỹ gây áp lực lên Trung Quốc để họ có hành động tương tự. Một lần nữa, điều này đã giúp cho ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ cao. Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật áp đặt lệnh trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên với tỷ lệ đồng thuận tuyệt đối, 96 phiếu thuận và 0 phiếu chống. Đồng thời, với số phiếu áp đảo 408/2, Hạ viện đã chính thức thông qua gói các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt chống lại Bắc Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân và tên lửa. Nhưng tình huống này lại tạo những vấn đề mới. Vấn đề thứ nhất, nếu sự cô lập là yếu tố làm cho Bắc Triều Tiên tỏ ra có quá nhiều nguy hiểm, vậy tại sao các nước trên thế giới đã áp dụng rất nhiều biện pháp trừng phạt mà vẫn chưa giảm đi được một chút nguy hiểm nào của quốc gia này? Vấn đề thứ hai, trong hơn 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã bất chấp nhiều áp lực [từ các quốc gia khác] và không đối xử mạnh tay với người hàng xóm này, vậy tại sao Trung Quốc phải mất thời gian để thay đổi vị trí mà họ đang có như hiện nay? Bản thân tôi không hài lòng khi biết rằng Bắc Triều Tiên đang sở hữu một chương trình vũ khí hạt nhân. Và tôi tin rằng, Trung Quốc cũng không thể nào hài lòng. Nhưng việc chúng ta phản đối chương trình này cũng không thể một sớm một chiều loại bỏ được các kho vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Ngay cả việc bổ sung thêm các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ cũng sẽ không thể nào thuyết phục được giới lãnh đạo ở Bình Nhưỡng thay đổi nhận thức của họ, hay điều gì hơn cả sự cấm vận kinh tế dành cho Cuba mà đã làm thay đổi hệ thống ở Cuba. Bắc Triều Tiên bị làm cho tin rằng các thế lực thù địch bên ngoài muốn tiêu diệt họ – điều không chỉ đơn thuần là tính hoang tưởng – và vũ khí hạt nhân là thứ duy nhất giúp nước này đảm bảo sự an ninh. Dư luận hoài nghi rằng, cộng đồng quốc tế dù đã cố gắng sử dụng cả 2 biện pháp là cô lập và hợp tác, nhưng đối với Bắc Triều Tiên thì chẳng có cách nào đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, những hoài nghi này thực sự là chưa chính xác. Thật ra thì cộng đồng quốc tế đã dốc cả tâm huyết khi áp dụng biện pháp cô lập Bắc Triều Tiên, nhưng lại nửa vời trong các cam kết. Nếu chỉ nhằm tạo ra một cái gật đầu miễn cưỡng về việc hạn chế vũ khí huỷ diệt hàng loạt, thì các chính trị gia cứ lên án quốc gia này về việc thử hạt nhân và phóng tên lửa. Nhưng ngoài ra, một lần nữa vì lợi ích của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, các nhân vật chủ chốt cần phải trở lại bàn đàm phán với Bắc Triều Tiên để thương lượng về việc đóng băng chương trình hạt nhân khi mà hiện nay kho vũ khí hạt nhân của nước này vẫn còn trong giai đoạn thô sơ. Quan trọng hơn, chúng ta cần phải nhân rộng nhiều hành động hợp tác hơn nữa, chứ không phải là cắt đứt với họ luôn. Chính quyền Bắc Triều Tiên có nhiều cách để tỏ ra nguy hiểm. Nhưng có một điều chắc chắn là: Ngay cả khi nó bị đánh gục, nó vẫn sẽ không chịu gục xuống trong cuộc quyết chiến vào thời điểm được ví như “giữa trưa” hiện nay. Và nếu chúng ta không bắt đầu sử dụng đến công cụ ngôn từ, Đông Á sẽ chìm trong bóng đêm còn sâu thẳm hơn bóng đêm tại nơi mà vốn đã quá nổi tiếng nằm ở phía bắc của khu phi quân sự (DMZ). Tác giả: John Feffer | Dịch giả: Trà Văn Kính John Feffer – Giám đốc tạp chí Foreign Policy in Focus (FPIF). Bài viết này đã được xuất bản lần đầu trên tạp chí FPIF Quan điểm thể hiện trong bài viết này là những ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của Epoch Times. (Việt Đại Kỷ Nguyên)
  2. Ông Lệnh Kế Hoạch được cho là có nhiều tính toán nhằm đối phó với cơ quan điều tra. (Ảnh: Internet) Có thông tin tiết lộ, quá trình điều tra vụ án ông Lệnh Kế Hoạch, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gặp nhiều khó khăn vì những tính toán đối phó của ông này. Tuy nhiên, ông Lệnh Kế Hoạch cũng khai ra danh sách của khoảng 300 người, những người này đa số đang giữ các chức vụ khác nhau, có quyền lực trong hệ thống chính quyền ĐCSTQ. Danh sách 300 người được ông Lệnh Kế Hoạch khai báo Ngày 26/2 vừa qua, báo Minh Kính (Mingjingnews) ở Hồng Kông đã có bài viết chia sẻ thông tin rằng quá trình điều tra ông Lệnh Kế Hoạch gặp nhiều khó khăn vì khả năng ứng biết đối phó của ông này trong quá trình điều tra. Ông Lệnh Kế Hoạch không im lặng chống đối, cũng không hung hăng cãi vã, nhưng cũng không ngoan ngoãn phối hợp, mà có chính sách “trong mềm có cứng, trong thủ có công.” Trong quá trình điều tra, ông Lệnh Kế Hoạch đã thành khẩn thừa nhận mình mắc quá nhiều sai phạm trong thời gian công tác, trong việc thực hiện những chính sách của Trung ương. Tuy nhiên ông này phủ nhận mọi cáo buộc tham nhũng, dùng quyền lực công để mưu lợi riêng, kéo bè kết phái, âm mưu làm loạn. Khi nhân viên của tổ chuyên án đưa ra những cáo buộc tội trạng, ông Lệnh Kế Hoạch đã phủ nhận trách nhiệm, thậm chí đẩy trách nhiệm cho cấp trên là ông Hồ Cẩm Đào cùng một số quan chức chủ chốt tại một số tỉnh và cơ quan chuyên môn khác. Người cung cấp thông tin còn cho biết, ông Lệnh Kế Hoạch đã cung cấp thông tin liên quan của khoảng 300 quan chức. Trong số này có người đã ngã ngựa, có người đã bị kỷ luật Đảng và bị điều tra, nhưng có rất nhiều người còn đương chức, nắm thực quyền trong tay. Theo thông tin, nhân viên tổ chuyên án đã phải mất nhiều công sức để hóa giải những tính toán của ông Lệnh Kế Hoạch, làm cho ông này dần phải khai báo thêm nhiều thông tin. Vụ án ông Lệnh Kế Hoạch được xem là một trong những vụ án trọng điểm trong kế hoạch chống tham nhũng, vì đây là đầu mối để có thể biết được mức độ và tội chứng trong nhiều vụ án tham ô của quan chức. Sau khi xác minh, có kẻ đã “hạ cánh an toàn,” có kẻ đã bị trừng trị nghiêm minh. Khó đoán tương lai các cán bộ cũ của ông Lệnh Kế Hoạch Theo thông tin gần đây của truyền thông Trung Quốc Đại Lục, có 6 quan chức thân tín của ông Lệnh Kế Hoạch đã bị đình chỉ chức vụ, bao gồm: Triệu Thắng Hiên, cựu Phó Viện trưởng Viện Khoa học Trung Quốc; Vương Trọng Điền, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng công trình Nam Thủy Bắc Điệu (phân phối nước ở phía nam sang phía bắc); Đinh Hiếu Văn, cựu Trợ lý Trưởng ban Liên lạc đối ngoại Trung ương Trung Quốc; Trác Tùng Thịnh, Phó Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu Văn hiến Trung ương; Trần Thụy Bình, cựu Tổ trưởng Kiểm tra Kỷ luật Ban Kế hoạch Quốc gia; Lý Kiến Ba, cựu Tổ trưởng Tổ Kiểm tra Kỷ luật Bộ Giao thông – Vận tải… lần lượt bị đình chỉ chức vụ, hiện chưa rõ tương lai những người này như thế nào. Theo hồ sơ công khai, trong 6 người này, ông Triệu Thắng Hiên và Vương Trung Điền từng là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, ông Đinh Hiếu Văn từng là cựu Trưởng ban Điều tra Nghiên cứu Văn phòng Trung ương Trung Quốc, ông Trác Tùng Thịnh từng là Chủ nhiệm Phòng Điều tra Nghiên cứu Văn phòng Trung ương Trung Quốc, ông Trần Thụy Bình từng là Phó trưởng Ban Thư ký Văn phòng Trung ương kiêm Trưởng ban Quản lý Nhà Kỷ niệm Mao Trạch Đông. Ngày 24/2 vừa qua, Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) đưa tin, các quan chức kể trên bị xử lý vì là dư đảng của ông Lệnh Kế Hoạch, hiện nay Ủy ban Kỷ luật Trung ương đang tính toán phương án xử lý những người này. Ông Lệnh Kế Hoạch nhiều lần giả điên Ngày 12/6 năm ngoái, Reuters từng chia sẻ thông tin, ông Lệnh Kế Hoạch có biểu hiện tinh thần suy sụp. Người cung cấp thông tin giấu tên cho biết: “Ông Lệnh Kế Hoạch áp lực quá lớn. Ông ấy không cả đi đưa tang đứa con bị chết. Ông đổ những thất bại của mình là do thành viên trong gia đình gây ra.” Một người cung cấp thông tin khác cho biết: “Ông Lệnh Kế Hoạch thường xuyên gọi tên cha mẹ. Người ta đã phải gọi bác sĩ tâm thần đến kiểm tra xem có phải ông ta giả điên không.” Vào tháng 5/2015, Tạp chí Động Hướng ở Hồng Kông từng đưa tin, trong thời gian đầu bị thẩm tra nội bộ, ông này thường xuyên có biểu hiện phát ngôn không bình thường, tự nói mình “đầu óc trống rỗng,” mong được chết sớm… Sau khi chính thức ngã ngựa, đã 3 lần người ta phải đưa ông Lệnh Kế Hoạch vào bệnh viện tâm thần. Nhân viên tổ chuyên án từng nghi ngờ ông này cố ý giả điên để chống lại quá trình điều tra. Nhân viên điều tra còn phát hiện ông này hay theo dõi hành tung của người quản giáo, thường chọn cơ hội giả bộ nói trong giấc mơ để thể hiện tâm trạng bất mãn: “Tôi không có tội, là bị oan, là bị Chu Vĩnh Khang hãm hại.” Tạp chí Tranh Minh số tháng 8/2015 đưa tin, vào đầu tháng 6/2015, sau khi được chuyên gia y tế kiểm tra và xác nhận ông Lệnh Kế Hoạch đã phục hồi sức khỏe, họ đã cho ông ta xuất viện để tiếp tục điều tra. Ngày 15/7, ông Triệu Hồng Chúc, Phó Bí thư Ủy ban Kỷ luật Trung ương có buổi nói chuyện với ông Lệnh Kế Hoạch: “Trong hơn hai năm qua ông đã diễn đủ rồi, không cần phải diễn nữa, cứ diễn như thế thì đầu óc không được nghỉ ngơi, tình cảnh càng thê thảm hơn.” Sau khi ông Lệnh Kế Hoạch nghe xong thì toát mồ hôi, quỳ xuống cầu xin tha thứ, xin cho mình con đường sống. Theo thông tin, ông Lệnh Kế Hoạch đã 4 lần cầu xin tha thứ, xin đừng đưa đến cơ quan Tư pháp xử lý. Trong quá trình thẩm vấn, ông này cuối cùng đã khai báo những vấn đề mình làm trái với kỷ luật Đảng; không quản lý tốt người thân; sống biến chất sa đọa, có quan hệ ngoài hôn nhân với nhiều phụ nữ… Nhưng ông Lệnh Kế Hoạch bác bỏ mọi cáo buộc về vấn đề tham nhũng, vấn đề hỗ trợ người thân chiếm dụng tài sản công. Vì có lẽ ông ta hiểu rõ những vấn đề ông ta đã khai báo, nặng nhất cũng chỉ bị khai trừ Đảng tịch và loại khỏi hệ thống công chức nhà nước, nhưng với tội tham ô và nhận hối lộ thì có thể phải ngồi nhà lao đến cuối đời. Tháng 9/2015, Tạp chí Động Hướng đưa tin, vào hạ tuần tháng 8/2015, “bệnh tâm thần” của ông Lệnh Kế Hoạch lại tái phát. Tối ngày 29/8 đã được đưa vào bệnh viện tâm thần. Ban ngày ông này thường hay cười ha hả và gọi tên của những đồng nghiệp cũ; buổi tối thì ông Lệnh ca hát và gọi tên người em trai. Theo Secretchina Tinh Vệ biên dịch (Đại Kỷ Nguyên VN)
  3. Cổ nhân thường nói: “Bệnh từ cái miệng mà ra, họa cũng từ cái miệng mà ra”, bởi vậy một người có trí tuệ chính là phải biết kiểm soát được cái miệng của mình, đó cũng là một đức tính tốt đẹp cần tu dưỡng. Một ngày nọ, tôi đi qua một cửa hàng mua sắm, người không đông lắm, có một nhóm người tập trung ở quầy tính tiền. Tôi tiến về phía trước, nhìn thấy một cô gái trẻ ăn mặc chỉnh tề đứng đầu tiên, cô gái quét thẻ nhiều lần, thế nhưng chiếc máy dường như lần nào cũng “cự tuyệt” cô gái. “Có vẻ như đó là một thẻ phúc lợi”, người đàn ông phía sau tôi lẩm bẩm: “Trẻ, khỏe mạnh như thế, mà lại dựa vào phúc lợi để sống, tại sao không giống như người trẻ khác tìm việc làm đi?” Cô gái trẻ quay đầu lại theo tiếng nói, ánh mắt cô như muốn tìm xem đó là ai. “Đúng, chính là tôi nói đó”, người đàn ông phía sau tôi chỉ tay vào chính mình. Cô gái trẻ đỏ bừng mặt, nước mắt cứ thể chảy xuống, cô ném cái thẻ đi, rồi chạy nhanh ra khỏi cửa hàng, và rất nhanh chóng biến mất trong cái nhìn soi mói của mọi người. Vài phút sau, một thanh niên bước vào cửa hàng, cậu đi vào cửa hàng hỏi cô thu ngân rằng có biết cô gái kia đâu không, thu ngân cửa hàng nói rằng cô ấy đã quăng thẻ rồi chạy đi rồi. “Tôi là bạn của cô ấy, đã xảy ra chuyện gì vậy ạ?”, cậu thanh niên lo lắng hỏi. Người đàn ông phía sau tôi nói: “Tôi không may nói ra những lời ngủ xuẩn, mỉa mai cô ấy dùng thẻ phúc lợi, đáng lẽ tôi không nên nói ra, thật xin lỗi!” “Ôi, hỏng bét rồi. Hoàn cảnh cô ấy rất đáng thương, anh trai cô đã bị giết chết ở Afghanistan hai năm trước, để lại đằng sau ba đứa em. Cô ấy chỉ 21 tuổi mà phải lo cuộc sống cho 3 đứa em. Thật không ngờ, hôm nay lại xảy ra việc thế này”, người thanh niên lo lắng không yên. “Đây là những món hàng cô bé kia mua sao?”, người đàn ông phía sau tôi hỏi thu ngân. “Đúng ạ, nhưng tiếc là thẻ của cô ấy không sử dụng được”, thu ngân nói. Trong cửa hàng bỗng nhiên trở nên im lặng. “Cậu chắc chắn biết cô gái đó ở đâu chứ?”, người đàn ông hỏi cậu thanh niên trẻ, rồi ông chen lên phía trước, lấy ra thẻ tín dụng của mình đưa cho thu ngân: “Lấy thẻ của tôi tính tiền đi”. Thu ngân nhận lấy thẻ, và bắt đầu tính tiền những mặt hàng cô gái đã mua. “Đợi một chút”, người đàn ông quay người lấy một hộp sữa bò bỏ vào trong túi đồ của cô gái. “Chúng ta nên giúp đỡ ba đứa bé kia nhiều hơn một chút chứ”, một người phụ nữ đi tới, đem một con gà bỏ vào túi của cô gái, sau đó mọi người lặng lẽ lấy đồ của mình bỏ vào túi đồ của cô gái. “Chú, cảm ơn chú! Chú là một người tốt”, chàng thanh niên nói. Dù cho chính mắt bạn nhìn thấy, nhưng có lẽ chân tướng sự việc có thể không phải là như vậy. Như lời một triết gia người Hy Lạp từng nói: “Mỹ đức lớn nhất mà nhân loại cần phải học chính là khống chế được cái miệng của chính mình”. Kiểm soát tốt cái miệng của mình, cố gắng đừng nói những lời này: 1. Không nên đánh giá người khác tốt xấu thế nào, bởi vì tốt xấu của họ không ảnh hưởng tới miếng cơm manh áo của bạn. 2. Không nên đánh giá đức hạnh của người khác, bởi vì có thể có những khía cạnh họ còn cao quý hơn bạn. 3. Không nên đánh giá gia đình của người khác, bởi vì những người đó và bạn không có quan hệ. 4. Không nên đánh giá học vấn của người khác, bởi vì trên đời này kiến thức là mênh mông. 5. Không nên đánh giá bất kỳ người nào, cho dù người đó là người bạn xem thường nhất. 6. Không nên lãng phí tiền bạc, bởi vì ngày mai bạn có thể thất nghiệp. 7. Không nên vênh váo, tự đắc, bởi vì có thể ngày mai bạn thất thế. 8. Không nên nói quá phô trương, phải biết rằng bạn cũng chỉ là một người nhỏ bé. 9. Không nên dựa vào người khác, bởi vì cuộc sống nhiều gánh nặng, ai cũng muốn sống nhẹ nhõm. Không nên làm tổn thương người khác, nhân quả sớm muộn đều sẽ đến. (Ảnh: Internet) 10. Không nên làm tổn thương người khác, nhân quả sớm muộn đều sẽ đến. 11. Không nên quá chú tâm giải thích đúng sai, hãy làm bậc trí giả. Trên đời chúng ta thường nghĩ cách giải thích cái gì đó. Nhưng mà, một khi giải thích, ta lại phát hiện rằng, bất kể ai giải thích đều là người yếu ớt, thậm chí sẽ càng bôi nhọ mình hơn. Núi dẫu không nói rõ độ cao của mình, thì độ cao của nó cũng không hề bị ảnh hưởng; biển không nói rõ độ sâu của mình, thì việc dung nạp trăm sông đổ dồn về nó cũng không có gì là trở ngại; mặt đất dẫu không nói rõ độ dày của mình, thì cũng không có ai có thể thay thế nó làm chỗ dựa cho vạn vật được…Đừng đánh giá thấp bất kể ai, bạn không có nhiều khán giả, đừng mệt mỏi như vậy. 12. Không nên tự nhiên nổi giận, vì không phải ai cũng là “con nợ” bạn. Có thể hiện tại bạn đang rất thống khổ, nhưng khi vượt qua khoảng thời gian ấy, nhìn lại bạn sẽ phát hiện kỳ thực điều đó cũng chẳng là gì. Chúng ta thường phàn nàn cuộc sống bất công với mình, nhưng thực ra cuộc sống căn bản không biết được chúng ta là ai. 13. Không nên nói rằng ai tu luyện tốt hay không tốt. Tu hành là việc cá nhân, người khác chính là một cái gương phản chiếu chính cái thiếu sót trong tu luyện của bản thân mình. Hoàng Sâm, dịch từ Soundofhope (Tinh Hoa)
  4. Năm 2011 trong kỳ họp thứ hay của quốc hội nước CHXHCH Việt Nam thảo luận về việc diễn ra gay gắt. Cuộc tranh cãi diễn ra giữa bên ủng hộ ra luật biểu tình là đại biểu Dương Trung Quốc và đại biểu Hoàng Hữu Phước , nhưng cuối cùng kết thúc kỳ họp quốc hội năm 2011 luật biểu tình không được nhắc. Đại biểu quốc hội đại diện cho thành phố Hồ Chí Minh Hoàng Hữu Phước đã phát ngôn rằng '' không việc gì phải nôn nóng ra luật biểu tình, cần phải xem xét nhiều vấn đề khác khi luật này được công nhận '' Từ đó đến nay, năm nào trong các phiên họp của quốc hội cũng có một vài lần luật biểu tình được đưa ra. Nhưng mới bàn được vài câu thì đã bị những ý kiến bác bỏ. Đến kỳ họp thường vụ quốc hội tháng 12 năm 2015, quốc hội đã nhắc đến việc đưa luật biểu tình ra thống nhất vào kỳ họp quốc hội tháng 3 năm 2016. Nhưng bộ phận chịu trách nhiệm soạn thảo luật biểu tình là phía công an đã chưa xin được ý kiến của các bộ ngành có liên quan. Thượng tướng Bùi Văn Nam, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Ông Bùi Văn Nam, thứ trưởng công an cho biết '' Vì một số bộ ngành chưa có ý kiến hồi âm, cho nên sẽ hoãn luật biểu tình và thay thế vào đó là để quốc hội thông qua luật cảnh vệ '' Vậy các bộ ngành nào đã chần chừ không đưa ý kiến đóng góp của mình, khiến bộ công an không thể hoàn thiện luật biểu tình trình quốc hội.? Trong phiên họp quốc hội này, đại diện bộ quốc phòng cho biết, họ sẽ triệu tập quân uỷ trung ương để xem xét và cho ý kiến về luật biểu tình. http://vneconomy.vn/thoi-su/luat-bieu-tinh-co-kha-nang-lai-lo-hen-2015121103243960.htm Cháy nhà ra măt chuột, tuy ông Bùi Văn Nam không nói rõ bộ ngành nào chậm phản hồi ý kiến. Nhưng phát biểu của đại diện bộ quốc phòng đã cho thấy chính quân uỷ trung ương là bộ phận đã cố tình trì hoãn, ngăn cản để luật biểu tình ra đời. Hai tháng sau, ngày 17 tháng 2 năm 2016 thường vụ quốc hội họp và lại đưa vấn đề luật biểu tình ra để bàn. Ông chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói thẳng '' nguyên nhân chậm luật biểu tình là do bên phía có trách nhiệm soạn luật đã không đưa ra để quốc hội quyết, không phải lỗi tại quốc hội '' Bộ Tư Pháp do ông Hà Hùng Cường đưa lý do cần phải chỉnh lý luật này để tạo sự đồng thuận, nên xin quốc hội cho hoãn lại đến tháng 11 năm 2016. Lúc này ông Nguyễn Kim Khoa uỷ viên thường vụ quốc hội, chủ nhiệm uỷ ban an ninh quốc phòng của quốc hội bức xúc nói. '' Làm luật biểu tình không phải là để đổi mới chính trị, mà để đảm bảo quyền con người, nếu chúng ta dùng nghị định 38 để hạn chế quyền công dân biểu tình là trái hiến pháp ''. Ai lo sợ biểu tình sẽ làm '' thay đổi chính trị' khiến ông Khoa phải nói vậy. ? Một lần nữa thủ phạm lại là bộ quốc phòng, quân uỷ trung ương. Lần này thì quân uỷ trung ương đã nói thẳng, vì sợ biểu tình làm thay đổi chính trị cho nên họ không đồng tình. Chính lý do của quân uỷ trung ương, mà bộ tư pháp e sợ đành phải nói cần lùi lại để đạt được đồng thuận cao. http://motthegioi.vn/chuyen-hang-ngay/tu-chuyen-lui-lam-luat-bieu-tinh-vi-so-doi-moi-chinh-tri-289365.html Tất cả đã rõ, không phải bộ công an, bộ tư pháp, quốc hội trì hoãn ra luật biểu tình. Mà chính quân uỷ trung ương đã chủ trương không chấp nhận luật biểu tình. Đấy là lý do khiến vì sao đến giờ bộ luật này vẫn không đưa đưa ra trình quốc hội. Nhưng tại sao quân uỷ trung ương lại ngăn cản luật biểu tình trong khi quốc hội, bộ công an và nhiều bộ ngành khác muốn luật biểu tình được thông qua. ? Hãy đến với bài phát biểu của đại tướng Ngô Xuân Lịch, uỷ viên bộ chính trị, uỷ viên quân uỷ trung ương, thứ trưởng bộ quốc phòng, chủ nhiệm tổng cục chính trị quân đội. '' Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh: Năm năm qua, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, chúng ta phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ ta, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang '' Những phát biểu trên của Ngô Xuân Lich tại kỳ họp quốc hội đầu năm 2016 cho thấy, nhiệm vụ bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng là nhiệm vụ chính của quân đội Việt Nam ngày nay. Nó còn quan trọng hơn cả nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tổ quốc. Chỉ đạo quân đội thực hiện nhiệm vụ ấy chính là quân uỷ trung ương. Hiện nay, trong những cơ quan đầu não của chế độ có đến 3 người trong quân uỷ trung ương, đứng đầu là Nguyễn Phú Trọng rồi đến Ngô Xuân Lịch và Lương Cường. Lịch và Cường là hai tướng phụ trách chính trị ở quân khu 3, được Nguyễn Phú Trọng đưa vào quân uỷ trung ương ở nhiệm kỳ thứ nhất của Trọng làm Tổng Bí Thư. Đến nhiệm kỳ thứ hai này, Trọng đã đưa Lịch vào Bộ Chính Trị và Cường vào ban bí thư. Tương lai vài tháng tới Lịch sẽ giữ chức bộ trưởng quốc phòng. Việc sắp đặt hai tướng thuộc tổng cục chính trị như thế, cho thấy mục tiêu của Trọng giao cho quân đội bảo vệ chế dộ quan trọng và cấp thiết hơn việc bảo vệ chủ quyền , lãnh thổ quốc gia. Với mục tiêu như thế, việc quân uỷ trung ương , bộ quốc phòng trì hoãn luật biểu tình là đương nhiên. Vì họ e sợ luật biểu tình sẽ là gánh nặng cho nhiệm vụ bảo vệ Đảng của họ. Đến đây thì đã rõ, kẻ chủ mưu hoãn luật biểu tình chính là cáo già Nguyễn Phú Trọng, đương kim chủ tịch quân uỷ trung ương. Nhưng với bản chất khôn ranh, Trọng cho đệ tử của mình là Ngô Xuân Lịch đại điện cho quân uỷ trung ương không chấp nhận cho ra luật biểu tình. Việc ngăn cản luật biểu tình phải là mưu đồ của Nguyễn Phú Trọng, chuyện quân uỷ trung ương đại diện là Lịch đứng ra ngăn cản biểu tình tại quốc hội, không thể không có ý kiến chỉ đạo của Trọng. Thế nhưng, lúc này um xùm bên nọ đổ tại bên kia. Nguyễn Phú Trọng làm ngơ như mình không hề liên quan. Khiến những người khác, bộ ngành khác phải mang tiếng với nhân dân về món nợ luật biểu tình. Trong mớ rối rắm hoả mù cãi cọ ấy, không ai biết hoặc không ai dám nhắc thủ phạm chính ngăn luật biểu tình là Nguyễn Phú Trọng. Đến lúc phải có ý kiến cử tri chất vấn đại biểu Nguyễn Phú Trọng về quan điểm của ông ta về việc lùi thời hạn dự án luật biểu tình. Để xem thái độ, quan điểm của ông ta rõ ràng về vấn đề này như thế nào. Bởi ông ta chính là người đứng đầu cơ quan quan uỷ trung ương, nơi đã làm tắc ách dự án luật biểu tình không đưa tới được quốc hội xem xét. Không thể để ông ta nấp sau tấm màn hung giật dây, xúi khiến rồi giả bộ ngây ngô, hiền lành như người không liên quan gì. Một người có thái độ rõ ràng quan điểm khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào biển Đông như nhà báo Huy Đức nói, càng cần phải có thái độ quan điểm rõ ràng trước vấn đề hoãn tới hoãn lui luật biểu tình này. Đây là '' đường bóng ngang qua chân ông Trọng ''. Nếu là người có tháị độ rõ ràng, ông sẽ chớp cơ hội là người tử tế khi có tiếng nói dũng khí để đòi món nợ quyền biểu tình cho người dân. Nếu không, Nguyễn Phú Trọng chỉ là kẻ thâm hiểm nhất trong những kẻ thâm hiểm trong hàng ngũ lãnh đạo cộng sản Việt Nam ngày nay. Người Buôn Gió (Người Buôn Gió Blog)
  5. Trong phỏng vấn với BBC, ông Dương Trung Quốc cho biết ông không bao giờ nghĩ mình là “người đối lập” vì cơ chế chưa có đối lập và đã theo luật chơi của cơ chế thì phải theo đúng luật chơi. Cũng trên BBC, tác giả Nguyễn Tiến Trung nhận xét “thắng cuộc không phải là thắng cử”, trong khi người dân khao khát thay đổi thì đảng Cộng sản vẫn không chấp nhận đối lập, nên không thể xem là chính danh. Đối lập là phương cách đấu tranh nghị trường bởi thế cần có tổ chức và có chiến lược đối lập. Chưa có đối lập nỗ lực thay đổi từ bên ngoài chỉ là đối kháng. Ngoài Đảng Cộng sản, đã có một số đảng chính trị được thành lập, đáng tiếc họ chưa đưa ra chiến lược nên chưa tạo được niềm tin cho dân chúng. Thiếu niềm tin người dân trở nên thụ động, vô cảm, sống qua ngày, bất cần tương lai. Tức nước vỡ bờ người dân sẽ đứng lên, xã hội gánh chịu mọi rủi ro. Khi những người đối kháng vạch ra chiến lược phát triển rõ ràng họ sẽ tạo cho dân niềm tin, sự thay đổi sẽ đến nhanh hơn, với kết quả tốt hơn. Với tầng lớp cầm quyền, một chiến lược ôn hòa thuyết phục cũng tạo cho họ an tâm, bớt chống đối, cùng cộng tác để thay đổi được diễn ra một cách ôn hòa. Thực trạng Việt Nam Thủ tướng Việt Nam đã thừa nhận 7 điểm hạn chế và yếu kém trong nghiệm kỳ 2011 - 2016 của Chính phủ Qua Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011- 2016 của Chính phủ, ông Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận 7 hạn chế và yếu kém: “…Việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và chăm lo đời sống nhân dân nhiều mặt còn hạn chế.” Nhiều từ ngữ được dùng trong Báo Cáo như: 'yếu kém', 'còn nhiều hạn chế', 'lúng túng', 'bất cập', 'thiếu bao quát', 'hiệu quả chưa cao'… Nguyên nhân chính là vì Đảng Cộng sản chấp nhận kinh tế thị trường nhưng sợ mất quyền nên không dám cải cách thể chế. Trên diễn đàn BBC, kinh tế gia Phạm Chi Lan cho biết Việt Nam cần cải cách thể chế nếu không muốn bị lạc hậu. Bà Lan cho biết nếu Việt Nam thực hiện cải cách thể chế và nâng cao năng suất lao động thì mức thu nhập bình quân đầu người đến năm 2035 sẽ hơn 7.000 Mỹ Kim. Còn nếu không cải cách sẽ chỉ đạt tối đa là 4.500 Mỹ Kim. Hai con số cho thấy giàu hay nghèo của đất nước tùy thuộc hoàn toàn vào việc cải cách thể chế. Nhưng con số tăng trưởng chưa nói hết được thực trạng dân oan mất đất; công nhân, nông dân, tiểu thương làm không đủ ăn; giáo dục, y tế và các công ích xã hội chỉ dành cho dân giàu. Khoảng chênh lệch giàu nghèo càng ngày càng tăng đã trở thành một vấn nạn xã hội với nguy cơ bùng nổ bạo loạn. Trong khi Đảng Cộng sản không đưa ra được một chiến lược phát triển xã hội thì những người đối kháng lại giả sử có tự do, có dân chủ là mọi việc sẽ tốt hơn, nhưng không đơn giản như thế, muốn được tốt hơn cần có chiến lược để khi cầm quyền họ có thể đưa ra những chính sách khả thi áp dụng vào thực tế. Một chiến lược cho dân nghèo, tạo công bằng xã hội, giảm khoảng cách giàu nghèo do đó vô cùng cần thiết. Chiến lược Xã Hội Cấp Tiến Tân Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải khuyên người dân 'sống nghèo nhưng công bằng, yên bình còn hơn giàu mà bon chen, không an toàn' Trước đây để san bằng khỏang cách giàu nghèo, Đảng Cộng sản sử dụng sách lược toàn trị, biến người dân thành cái đinh, con ốc trong guồng máy Cộng sản. Sách lược này tiêu diệt tính năng động của con người, xã hội bị tê liệt và cuối cùng guồng máy toàn trị bị đào thải. Những người dân chủ xã hội thì chủ trương xây dựng nhà nước an sinh. Hậu quả của chính phủ làm kinh tế là guồng máy kinh tế thiếu hiệu quả. Còn tái phân phối lợi tức quốc gia dẫn tới việc đi làm thì bị thuế cao, ở nhà vẫn được an sinh, xã hội trở nên trì trệ. Những người theo khuynh hướng xã hội cấp tiến không chủ trương chính phủ làm kinh tế mà cũng không để người dân phụ thuộc vào an sinh xã hội. Chính phủ xã hội cấp tiến đề ra những chính sách vừa khuếch trương công nông thương nghiệp, vừa mở rộng giao thương quốc tế, vừa khuyến khích người dân chăm chỉ làm việc. Chính phủ thực hiện tự do tư hữu bằng những chính sách như người cày có ruộng, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, ra luật bảo đảm quyền tư hữu. Khi thay đổi một chính sách sẽ có người hưởng lợi và có người bị thiệt, chính phủ sẽ đưa ra những chính sách hỗ trợ người bị thiệt. Cụ thể, Việt Nam gia nhập TPP các doanh nghiệp nhà nước sẽ được cổ phần hóa một số công nhân sẽ mất việc. Chính phủ cần đưa ra các chính sách tích cực giúp những người mất việc tìm được công ăn việc làm mới. Chính phủ khuyến khích thành lập các nghiệp đoàn tự do để hỗ trợ chính phủ giải quyết các tranh chấp giữa lao động và chủ nhân, tránh việc đình công không có lợi cho đất nước. Chính phủ tạo môi trường để mọi tổ chức dân sự có thể hoạt động được hiệu quả, như khuyến khích các tổ chức từ thiện giúp người nghèo, người già, người thiếu nơi nương tựa. Cho đến nay, hầu hết các chính sách kinh tế của Việt Nam đều tập trung phát triển lãnh vực công nghệ, trong khi khu vực nông nghiệp, chiếm đến 70 phần trăm dân số Việt Nam - là căn bản của nền kinh tế lại bị bỏ rơi. Chủ thuyết xã hội cấp tiến dựa trên con người, khuyến khích tinh thần nhân bản và tinh thần khai phóng của mỗi thành viên trong xã hội nhằm thực sự phục vụ con người Năng suất lao động và đời sống nông thôn quá thấp nên lớp thanh nữ đều di cư lên thành thị hay xuất khẩu lao động. Đồng thời, di dân từ nông thôn tạo nhiều vấn nạn cho thành thị. Chính phủ cần thực thi chính sách người cày có ruộng, tư hữu hóa và hiện đại hóa nông thôn, thu hút những nguồn đầu tư về nông thôn làm sống dậy nông thôn. Chính phủ trợ giúp các nông hội tự do thực hiện các kế hoạch phát triển nông thôn, cân bằng khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, đồng thời giảm bớt áp lực di dân từ nông thôn lên thành thị. Khuynh hướng xã hội cấp tiến đặt trọng tâm vào con người. Vì thế luôn tìm cách nâng cao dân trí, nâng cao giáo dục, văn học, văn nghệ, nghệ thuật, y tế. Từ đó sẽ nâng cao năng suất lao động, tăng sản lượng sản xuất, giúp nâng cao đời sống người lao động. Chính sách xã hội cấp tiến cũng khuyến khích con người bảo vệ môi trường không lãng phí hay hủy hoại tài nguyên thiên nhiên. Nói tóm lại chủ thuyết xã hội cấp tiến dựa trên con người, khuyến khích tinh thần nhân bản và tinh thần khai phóng của mỗi thành viên trong xã hội nhằm thực sự phục vụ con người. Xã Hội Cấp Tiến tại miền Nam Tác giả cho rằng miền Nam đã phát triển nhanh hơn hẳn phía Bắc sau chiến tranh Ngay từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa trong khi thế giới theo chính sách bảo vệ thị trường quốc nội thì chính phủ cho thực thi chính sách kinh tế tự do, mở cửa giao thương với thế giới. Đồng thời cho áp dụng các chính sách xã hội cấp tiến đã trình bày bên trên. Nhờ thế chỉ sau 20 năm độc lập mặc dù chiến tranh miền Nam đã vượt xa miền Bắc và hơn hẳn các quốc gia trong vùng. Miền Nam đã phát triển một xã hội dân sự không thua kém các quốc gia Tây Phương. Mọi xí nghiệp đều có nghiệp đoàn. Mọi tranh chấp giữa chủ và thợ đều được chính phủ đứng ra hòa giải. Một điều ít người để ý là miền Nam có lực lượng lao động công nghệ đông đảo nhưng đảng Cộng sản đã không thể xâm nhập và sách động được lực lượng này. Thiếu chiến lược phát triển xã hội Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng là ba thành phố gánh chịu nặng nền cảnh bất công giàu nghèo. Hà Nội là thủ đô mặc dù được bảo hộ từ Trung ương nhưng vẫn chịu áp lực rất nặng. Thay vì vạch ra những chính sách tạo công bằng xã hội Tân Bí Thư Hà Nội Hoàng Trung Hải lại khuyên dân “thà sống nghèo nhưng công bằng, yên bình còn hơn giàu mà bon chen, không an toàn”. Lời khuyên dân của ông Hải cho thấy đảng Cộng sản đã bế tắc, họ biết nhưng không giải quyết được tình trạng bất công chênh lệch giầu nghèo đang bùng nổ. (Xem thảo luận về kỳ vọng vào lãnh đạo Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh: http://bit.ly/1VEtqyY) Chiến lược hình thành đối lập Một cuộc gặp giữa nghị sỹ với các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam hồi tháng 3.2015 Các tổ chức đối kháng mặc dù chưa thể công khai hoạt động những vẫn có thể truyền đạt những kiến thức về xã hội cấp tiến đến quảng đại quần chúng. Chiến lược xã hội cấp tiến vừa tạo niềm tin, vừa tạo sức mạnh thay đổi thể chế, vừa khả thi và có sức thuyết phục vì đã từng thành công tại miền Nam Việt Nam. Chiến lược xã hội cấp tiến chính là con đường dẫn đến tự do, dân chủ và xã hội công bằng. Những người có cùng chung lý tưởng dễ ngồi lại với nhau để xây dựng tổ chức. Những tổ chức có cùng chung lý tưởng dễ trở thành đồng minh chiến lược để hình thành đối lập. Chiến lược xã hội cấp tiến chính là giải pháp cho Việt Nam. Nguyễn Quang Duy Gửi cho BBC Tiếng Việt từ Melbourne, Úc Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong riêng của tác giả Nguyễn Quang Duy, gửi cho BBC Tiếng Việt từ Melbourne, Úc. (BBC)
  6. Ông Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa được một nhà báo "chấm điểm 10" sau khi ông lên tiếng về vụ dự án xây tháp truyền hình cao nhứt thế giới 636 mét tại Hà Nội. Ý kiến của ông Chung như vầy: “Tôi nghe nhiều người nói rằng, công nghệ thông tin đang hiện đại, họ sử dụng vệ tinh thì có cần thiết xây tháp không? Theo tôi hiểu, ở đây còn là tổ hợp bao gồm cả khách sạn, nhà hàng… nếu vậy thì cũng phải nghiên cứu tới tính khả thi, tính hiệu quả của dự án như thế nào…? Đọc báo chí trong nước thấy nhiều giáo sư, tiến sĩ cũng lên tiếng về dự án này. Ý kiến tương tự như ông Chung, cũng cho rằng khuynh hướng "hiện đại" là không dùng trụ phát sóng nữa mà là cáp và vệ tinh. Ngoài điểm 10 của tác giả bài báo, trên mạng còn có nhiều ý kiến ủng hộ (ông Chung) của một số facebookers (nổi tiếng). Dự án xây dựng tháp truyền hình ở Hà Nội không phải là mới. Tôi đã nói qua (một số chi tiết kỹ thuật) từ năm ngoái, nhân việc một số trí thức miền bắc làm kiến nghị đặt vấn đề về dự án làm tháp truyền hình. Ý kiến của ông Chung và ý kiến của một số giáo sư tiến sĩ hiện nay là trùng hợp với kiến nghi ngày 30-3-2015 của các trí thức. Ý kiến này đại khái cho rằng, khuynh hướng "hiện đại" là người ta phát sóng truyền hình từ vệ tinh, hay theo dây cáp, chớ không còn sử dụng phát sóng theo lối xưa (analog). Điều này hoàn toàn sai. Tùy theo hoàn cảnh địa lý của thành phố, đất nước... mà việc lựa chọn phát sóng truyền hình (cáp, sóng vô tuyến hay sóng vệ tinh) được đặt ra. Một số nước như Mỹ (hình thể địa lý quá rộng lớn), Đức... từ những thập niên 80 hệ thống cáp dẫn đã đặt hoàn tất phần lớn trên lãnh thổ, vì vậy các nước này có khuynh hướng ưu tiên cho kỹ thuật truyền hình cáp. Những vùng hẻo lánh, chưa kéo cáp, thì buộc phải dùng vệ tinh. Mà thực ra chi phí cho việc đặt cáp rất lớn, những thành phố có kiến trúc cổ kính như Paris, Roma, Milano, London... thì khó đặt cáp cho tất cả. Các nước khác thì ưu tiên cho kỹ thuật sóng vô tuyến. Trên phương diện kinh tế và kỹ thuật, dĩ nhiên truyền hình theo sóng vô tuyến có lợi hơn rất nhiều. Tương tự điện thoại (hay internet wifi), ngày xưa phải kéo dây điện thoại vừa lôi thôi vừa tốn kém, bây giờ chỉ tốn một thẻ sim mà có thể gọi ở đâu cũng được. Dĩ nhiên điện thoại bây giờ "sướng" hơn điện thoại ngày xưa rất nhiều. Internet cũng vậy. So sánh với truyền hình, về căn bản kỹ thuật, hai thứ đề tương tự như vậy. Ngoài ra, tháp phát sóng còn có thể sử dụng cho giao dịch chứng khoán (High Frequency Trading). Dữ kiện truyền đi theo cáp sẽ chậm hơn lối truyền theo sóng vô tuyến (vận tốc ánh sáng). Dẫn lại ý kiến của tôi ngày 31-3-2015: Truyền hình kỹ thuật số (DVB - Digital Video Broadcasting) có thể truyền theo nhiều dạng sóng khác nhau, phát từ mặt đất (DVB-T, modulation QAM) hoặc phát từ vệ tinh (DVB-S, modulation QPSK). Phương pháp modulation QAM (Quadrature Amplitude Modulation) phát sóng từ mặt đất không khác chi nhiều cách modulation của truyền hình cũ analog ngày xưa. Những tháp truyền hình cũ (analog) đều có thể sử dụng để xài cho truyền hình kỹ thuật số (DVB-T). ... Ý kiến ngày 2 tháng 4-2015: Tháp truyền hình Hà Nội cần xây cao bao nhiêu thì đủ ? Giả sử rằng VN chọn tiêu chuẩn DVB-T (tiêu chuẩn phổ biến nhứt hiện nay), phát trên băng tầng UHF.Ta có thể tính được (một cách đơn giản, theo công thức Fresnel) bán kính phủ sóng của tháp truyền hình tùy theo độ cao của tháp. Trường hợp ăn ten thâu sóng sát đặt mặt đất (chiều cao 0 mét, điều này không có trên thực tế). Giữa ăn ten và tháp truyền hình giả sử không có vật cản (cây cối, núi non, nhà cửa, thời tiết xấu…) : Tháp cao 634m, bán kính phủ sóng là 88km. Tháp cao 500m, bán kính phủ sóng là 78km. Tháp cao 400m, bán kính phủ sóng là 70km. Trường hợp ăn ten thâu sóng đặt trên nóc nhà, cao độ trung bình 10m (phần lớn), bán kính phủ sóng lần lượt sẽ là 99km, 89km và 81km. Tức là tháp truyền hình càng cao (hoặc ăng ten thâu sóng càng cao) thì sóng phát càng xa. Vì vậy, phần lớn các tháp truyền hình được xây trên các đỉnh núi. Hà Nội cần xây tháp bao cao để phủ sóng (tất cả các tỉnh miền bắc) ? Dĩ nhiên ta không thể xây tháp truyền hình 3 ngàn mét để có bán kính phủ sóng là 191km (cũng chưa phủ hết các tỉnh). Để thoát ra khỏi vấn nạn « chiều cao », ta có thể dựng các trạm chuyển tiếp (antennes relais) để phát sóng cho những vùng chưa phủ sóng. Chung quanh Hà Nội (khoảng 100km đến 150km) có nhiều ngọn núi khá cao (trên 1.000m), phía bắc và phía nam, có thể chọn làm nơi đặt ăn ten chuyển tiếp. Giả sử ta xây tháp truyền hình Hà Nội cao 400m, sóng ở đây sẽ phủ ngọn núi cao 1000m cách 180km. Tức tháp cao 400 mét là đủ để cung ứng cho các trạm phát sóng trung chuyển phủ sóng tất cả các tỉnh miền bắc. Vì vậy, theo tôi, không cần phải xây tháp cao đến 634m, mà chỉ cần xây tháp cao khoảng 400m là đủ. Bởi vì, tháp cao 634 mét, hay 400 mét, ta cũng phải xây các trạm trung chuyển như nhau. Điều quan trọng là tháp cao 634m sẽ tốn tiền nhiều lần hơn tháp cao 400m. Ý kiến của tôi ngày 3 tháng 4: Theo tôi thì tháp truyền hình không nên để cho tư nhân khai thác và làm chủ. Bởi vì lãnh vực "sóng vô tuyến" thuộc công chúng, cũng như lãnh thổ, bầu trời, không gian, vùng nước... Sóng vô tuyến tuy có vài băng tầng có thể cho phép tư nhân hóa sử dụng, được phép khai thác kinh tế, nhưng nó thuộc phạm trù kinh tế chiến lược và an ninh, quốc phòng. Trong tương lai rất gần, sóng vô tuyến có những áp dụng về internet (wimax), cho phép dân chúng một vùng (chưa được kéo dây điện thoại hay cáp) tiếp cận với internet wifi với vận tốc adsl. Tức là, trên phương diện kỹ thuật, VN có thể "nhảy qua" một giai đoạn (kéo dây điện thoại hay cáp) - tương tự các việc nhảy qua giai đoạn điện thoại cầm tay. Cũng trong tương lai rất gần, thế hệ thứ tư điện thoại cầm tay (4G) sẽ cho phép điện thoại cầm tay bắt các chương trình truyền hình HD. Trong khi ở các nước Châu Âu, truyền hình kỹ thuật số phát trên mặt đất, đang thay thế truyền hình cáp và truyền hình vệ tinh. Giao cho tư nhân khai thác là nhà nước mất kiểm soát (về an ninh quốc phòng), cũng như mất đi tư thế đầu tàu chiến lược phát triển. Vì vậy, tháp truyền hình (sắp xây ở Hà Nội), theo tôi không nên giao cho tư nhân đầu tư. Chiều cao, (đã nói) khoảng chừng 400 mét là đủ. "Đón đầu" là phải nhìn như vậy. Nhà nước kiểm soát ở những thứ cần kiểm soát. Lãnh vực "sóng vô tuyến" vốn đã thuộc của quốc gia rồi. Các đài truyền hình hãy để cho tư nhân. Cũng như nội dung chương trình. Việc kiểm soát chỉ cần một bộ luật là đủ. Nhà nước đâu cần phải "quản lý" lung tung, mà hệ quả là cản trở hơn là phát triển. Trở lại ý kiến của ông Nguyễn Đức Chung (mà báo chí và dư luận cho 10 điểm), cá nhân tôi cho điểm dê rô. Ý kiến của ông Chung cho thấy ông không nắm vững hồ sơ (mà ông có trách nhiệm). Ông không biết tí gì về chuyên môn (đã đành) mà các giáo sư tiến sĩ của VN, có lẽ làm cố vấn cho ông Chung, cũng không biết luôn. Việt Nam đã nát bét từ mấy chục năm nay, nguyên nhân là giao quyền lãnh đạo cho những người không biết việc. Bây giờ, tiêu chuẩn mới của ông TBT Nguyễn Phú Trọng, "phải là bắc kỳ, phải biết lý luận". Tôi sợ đất nước này bị tụt thêm vài chục năm nữa. Người ta cần lãnh đạo biết làm việc chớ không cần người biết "lý luận". Trường hợp ông Chung, lý luận còn chưa thông, thì làm cái gì? Theo tôi, ông Chung, chủ tịch UBND Hà Nội, không nên phát biểu linh tinh ở những thứ mà mình không biết. Ông nên đặt ra chỉ tiêu cụ thể nào đó để đạt tới trong nhiệm kỳ của mình. Ông sẽ xứng đáng được 10 điểm, nếu trong nhiệm kỳ của ông, Hồ Gươm được sạch, đẹp... (nước có thể tắm, thậm chí uống...), nạn kẹt xe được giải quyết, hay tinh thần "thuợng tôn pháp luật" được "chấp hành" từ quan cho tới người dân... Ba cái thứ nặng phần trình diẽn như đầu năm đi cày, thắp nhang chỗ này chỗ kia... đều là giả dối, mị dân, chỉ gạt được người thiếu hiểu biết. Trương Nhân Tuấn (FB Trương Nhân Tuấn)
  7. Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai trong ngày đầu chuyến thăm Trung Quốc của Nixon, tháng 2 năm 1972. Nguồn: AP. Vào ngày này năm 1972, trong hoạt động cuối cùng của chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã công bố một bản Thông cáo chung, tổng kết các thỏa thuận (và bất đồng) của họ sau một tuần làm việc. “Thông cáo chung Thượng Hải” đã khởi động quá trình bình thường hóa quan hệ diễn ra chậm chạp giữa hai cựu thù Chiến tranh Lạnh. Tổng thống Nixon đến Trung Quốc vào ngày 21 tháng 2, trở thành vị tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân đến Trung Quốc. Chuyến thăm này cũng vô cùng quan trọng vì nhiều lý do khác. Sau cuộc cách mạng thành công của lãnh đạo cộng sản Mao Trạch Đông năm 1949, Hoa Kỳ đã từ chối thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Quan hệ giữa hai quốc gia vô cùng lạnh lẽo, và các binh sĩ Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đụng độ nhau trong Chiến tranh Triều Tiên 1950–53. Trong những năm 1950 và những năm 1960, Trung Quốc là một trong những nước cung cấp viện trợ chính cho chế độ cộng sản của Hồ Chí Minh ở miền Bắc Việt Nam. Nixon là một trong những người chỉ trích gay gắt Trung Quốc trong thời gian này. Khi Hoa Kỳ đến hỗ trợ Nam Việt Nam, và cuối cùng đổ quân chiến đấu vào để dập tắt cuộc nổi dậy của lực lượng cộng sản trên đất nước này vào năm 1965, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trở nên thêm căng thẳng. Tình hình đã thay đổi đáng kể vào đầu những năm 1970. Quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô trở nên căng thẳng và gay gắt. Nước Mỹ sa vào một cuộc chiến không được lòng dân và không có lợi tại Việt Nam. Nixon và các cố vấn chính sách đối ngoại của ông đã nhìn thấy một cơ hội duy nhất trong hoàn cảnh này. Thiết lập quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc có thể làm chia rẽ hai cường quốc cộng sản hơn nữa, và khiến Liên Xô mềm mỏng hơn về một số vấn đề, bao gồm sự hỗ trợ của họ cho Bắc Việt. Và có thể hình dung Trung Quốc cũng sẽ gây áp lực buộc đồng minh Bắc Việt đồng ý một giải pháp hòa bình ở Việt Nam có lợi hơn cho Hoa Kỳ. Thông cáo chung Thượng Hải tóm tắt các lĩnh vực đã thỏa thuận được và còn bất đồng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vào cuối chuyến thăm của Nixon. Trong một phần của văn kiện này, sự khác biệt giữa hai nước về các sự kiện ở châu Á đã xuất hiện. Trung Quốc một lần nữa khẳng định sự ủng hộ của mình đối với Bắc Việt Nam, trong khi Hoa Kỳ kiên định ủng hộ Nam Việt Nam. Về Triều Tiên, Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải “thống nhất” giữa hai miền, trong khi Hoa Kỳ nhấn mạnh một giai đoạn “dịu bớt” những căng thẳng ngoại giao giữa Bắc và Nam Triều Tiên. Tuy nhiên, hai nước cũng nhấn mạnh sự thống nhất quan điểm của họ về một số chủ đề chung, trong đó có sự cần thiết của việc chung sống hòa bình giữa phương Đông và phương Tây. Phần lớn thông cáo chung đề cập đến chính phủ Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan. Đây là một vấn đề có tầm quan trọng to lớn, do Trung Quốc tuyên bố rằng nước này sẽ không bắt đầu quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ cho đến khi Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Trong thông cáo chung, Nixon hứa sẽ dần cắt giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đài Loan. Cuối cùng, bản tuyên bố ghi nhận rằng cả Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ khuyến khích liên lạc hơn nữa thông qua tăng cường hoạt động thương mại và du lịch của công dân hai nước. Thông cáo chung Thượng Hải tạo điều kiện cho một sự đảo ngược đáng kể trong chính sách Trung Quốc của Hoa Kỳ. Kể từ năm 1949, Hoa Kỳ đã công nhận chính quyền Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Loan là chính phủ của Trung Quốc. Nước này liên tục từ chối các nỗ lực nhằm đưa chính phủ Trung Quốc đại lục có đại diện tại Liên Hợp Quốc. Sau năm 1972, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bắt đầu ấm dần lên. Cho tới chính quyền của Jimmy Carter (1977–81), trong một trong những bước ngoặt đáng ngạc nhiên nhất của Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan và chính thức công nhận ngoại giao đối với Trung Quốc đại lục. Nguồn: “‘Shanghai Communique’ issued,” History.com (truy cập ngày 26/02/2016).Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng(Nghiên Cứu Quốc Tế)
  8. VIỆT NAM - Đó là điều mà trong vài ngày vừa qua, nhiều viên chức cao cấp về quốc phòng của Hoa Kỳ liên tục khẳng định một cách công khai. Không ảnh chụp bãi đặt hỏa tiễn phòng không của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa. (Hình: Stratfor) Điều trần trước hạ viện Hoa Kỳ, ông Ashton Carter, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, cho biết, Hoa Kỳ sẽ sớm điều động các trang bị, thiết bị quân sự hiện đại nhất đến khu vực Đông Á để gia tăng thực lực quân sự của Hoa Kỳ tại đó. Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ nhấn mạnh, đó là một trong những biện pháp phải thực hiện, vừa để hạn chế nỗ lực quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, vừa để giữ vững vai trò hàng đầu của Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, bảo vệ hữu hiệu lợi ích chiến lược của Hoa Kỳ ở khu vực này. Ông Carter giải thích thêm, Thái Bình Dương là nơi một nửa nhân loại cư trú và nắm giữ một nửa giá trị kinh tế toàn cầu. Hoa Kỳ vốn là một cường quốc ở Thái Bình Dương. Khu vực này là một phần quan trọng cho tương lai của Hoa Kỳ. Cũng vì vậy, theo bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, tuy Hoa Kỳ không có ý định kiềm giữ Trung Quốc, song cũng không muốn để bất kỳ quốc gia nào thống trị khu vực Thái Bình Dương và chắc chắn sẽ không để cho bất kỳ quốc gia nào đẩy Hoa Kỳ ra khỏi đó. Tướng Joseph Dunford, tổng tham mưu trưởng của quân đội Hoa Kỳ, tin rằng, những gì Trung Quốc đã làm tại Biển Đông là nhằm chống Hoa Kỳ. Do đó Hoa Kỳ sẽ dành một ngân khoản đặc biệt để phát triển khả năng duy trì lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc. Để đạt được điều đó, Bộ Quốc Phòng Mỹ sẽ ưu tiên triển khai các tang bị, thiết bị hiện đại nhất tại khu vực Thái Bình Dương. Đô Đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương của quân đội Hoa Kỳ, tiếp tục cảnh báo về những nguy cơ liên quan đến việc Trung Quốc đang đẩy mạnh tiến trình quân sự hóa Biển Đông. Điều đó sẽ giúp Trung Quốc kiểm soát toàn bộ Biển Đông, khiến cục diện khu vực thay đổi. Tư lệnh Bộ Chỉ Huy Thái Bình Dương của quân đội Hoa Kỳ còn lặp lại nhận định, trên thực tế, Trung Quốc đã kiểm soát Biển Đông. Càng ngày, khả năng Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên toàn bộ Biển Đông, sử dụng các cơ sở quân sự đã cũng như đang thiết lập để hạn chế các phương tiện di chuyển cả trên biển lẫn trên không ngang qua Biển Đông càng lớn. Đô Đốc Harris xem tiến trình thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông là “gây hấn và tạo bất ổn.” Không chỉ các viên chức cao cấp về quốc phòng của Hoa Kỳ mà các chính khách của Hoa Kỳ cũng cho rằng, Hoa Kỳ phải hành động mạnh mẽ hơn trước. Tuy nhiên những nhân vật này cùng nhấn mạnh rằng, nếu chỉ có một mình Hoa Kỳ nỗ lực thì không đủ. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương cũng cần phải hành động quyết liệt. Đáng ngạc nhiên là chính Trung Quốc đang “giúp” Hoa Kỳ thuyết phục cộng đồng quốc tế và các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương nhanh chóng đáp ứng đề nghị của Hoa Kỳ bằng việc liên tục đưa ra những tuyên bố ngạo mạn, cũng như gia tăng mức độ hung hăng trong lối hành xử của mình.(G.Đ) (Người Việt)
  9. Ngô Nhân Dụng “Ấn Ðộ là một quốc gia chứa mâu thuẫn.” Bình thường, nói như vậy đã là cố giảm bớt những xung khắc bên trong xứ sở của hơn một tỷ người này. Nói “Ấn Ðộ là một khối mâu thuẫn khổng lồ” nghe sát sự thật hơn. Nhưng vẫn chưa nói chính xác đúng thực tế khối mâu thuẫn đó như thế nào. Cần thêm mấy chữ cho rõ nghĩa: “Ấn Ðộ là một khối mâu thuẫn khổng lồ luôn luôn đe dọa bùng nổ.” Một người đến xứ Ấn Ðộ vào Tháng Hai năm 2016 phải liên tiếp đọc hai tin tức lớn đầy các báo, đài. Tin nóng bỏng nhất là những người thuộc đẳng cấp Jat tại tiểu bang Haryana biểu tình bạo động, họ đạt được mục đích chính trị sau khi làm 28 người chết và hơn 200 người bị thương. Tin nổi bật thứ hai là Thủ Tướng Narendra Modi mới phát động phong trào “Làm tại Ấn Ðộ” (Made in India) trước khi công bố ngân sách quốc gia cho tài khóa tới, với mục đích thúc đẩy Ấn Ðộ phát triển các công nghiệp chế tạo, biến xứ Ấn Ðộ thành một “cơ xưởng của thế giới,” vai trò mà Trung Quốc đã chiếm giữ từ thập niên 1980 cho tới gần đây. Gần đây thế giới vẫn nhiều người muốn so sánh Trung Quốc với Ấn Ðộ. Nhưng đó là hai quốc gia khác nhau triệt để, từ mấy ngàn năm nay. Trung Hoa đã thống nhất thành một quốc gia từ hơn 2,200 năm nay. Ấn Ðộ là một quốc gia trẻ, chỉ chính thức ra đời năm 1947. Nước Ấn Ðộ còn trẻ theo nghĩa 47% dân số dưới 24 tuổi, trong khi ở Trung Quốc chỉ có 32% trong lứa tuổi này. Dân Ấn Ðộ tăng nhanh gấp ba lần dân Trung Hoa (1.24% và 0.44%); trong ,mươi năm nữa dân số Ấn Ðộ hơn 1.2 tỷ sẽ cao bằng Trung Quốc, hiện có hơn 1.3 tỷ người. Trung Quốc là một nước thuần nhất về ngôn ngữ, văn hóa, chủng tộc, so sánh với Ấn Ðộ như là một khối hỗn mang. Năm 1947, khi đế quốc Anh rút khỏi bán đảo Ấn Ðộ, Pakistan lập quốc, thì chính phủ lâm thời Ấn Ðộ phải thuyết phục hơn 500 “chính quyền” các quốc gia và lãnh thổ hợp nhất thành một liên bang mới. Có bốn, năm nhóm ngôn ngữ chính khác nhau, mỗi nhóm hàng trăm triệu người sử dụng, trong khi còn hàng ngàn ngôn ngữ ít người nói hơn nhưng họ cũng giữ được những lịch sử văn chương hàng ngàn năm, đông người hơn những ngôn ngữ quốc gia ở Châu Âu. Hợp nhất một quốc gia phức tạp đầy các lực ly tâm như vậy đã là một kỳ công. Nhưng xây dựng quốc gia đó theo một thể chế tự do dân chủ là chuyện khó tưởng tượng nổi. Ðại sứ Mỹ ở Ấn Ðộ năm 1950 đã tiên đoán rằng chế độ dân chủ tại Ấn Ðộ không thể kéo dài quá vài năm; sẽ phải kết thúc với một chế độ độc tài kiểu Mao Trạch Ðông ở Trung Quốc. Nhưng khi hàng trăm triệu cử tri Ấn Ðộ đi bầu Quốc Hội lần đầu tiên năm 1951 (80% không biết đọc biết viết) thì ông Ðại Sứ Chester Bowles phải công khai tỏ lòng ngưỡng mộ sau khi đi quan sát nhiều nơi bỏ phiếu. Nước Ấn Ðộ vẫn giữ được nền nếp tự do dân chủ đó trong gần 70 năm qua. Nhưng đó vẫn là một khối một khối mâu thuẫn khổng lồ chờ bùng nổ bất cứ lúc nào. Những cuộc nổi loạn gần đây của người đẳng cấp Jat tại Haryana là một thí dụ. Nguồn gốc sâu xa phải kể từ hệ thống đẳng cấp đã mọc gốc rễ trong tôn giáo Ấn Ðộ từ mấy ngàn năm rồi. Khi Ấn Ðộ độc lập, Hiến Pháp dân chủ xóa bỏ các đẳng cấp, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Cho đến nay quy tắc trên vẫn được tôn trọng nhưng óc kỳ thị vẫn còn trong đầu óc và cách cư xử của hàng trăm triệu người. Tiểu bang Haryana, bao quanh ba mặt của thủ đô New Delhi chỉ có 26 triệu dân nhưng lại là một vùng giầu có, lợi tức bình quân đứng thứ nhì trong nước. Người thuộc đẳng cấp Jat chiếm 29% cũng là nhóm dân đông đúc nhất; xưa người Jat không được xếp hạng vào số những đẳng cấp thấp hèn, hạ tiện nhất cần được nâng đỡ. Vì chiếm tỷ lệ cao nhất cho nên họ cũng gây được ảnh hưởng chính trị nhiều nhất. Ðảng Quốc Ðại ở tiểu bang vẫn dựa một phần vào khối cử tri này để tháng phiếu, cho nên một người Jat thường đóng vai thủ hiến tiểu bang. Những cuộc biểu tình bạo động của người Jat gần đây nhằm một mục đích có thể khó hiểu đối với những người không... sống ở Ấn Ðộ. Dân Jat biểu tình đòi được coi là một đẳng cấp hạ tiện! Tại sao lại có những người muốn được ghi rõ trong chính sách, trên giấy tờ, rằng họ thuộc loại người... thấp kém? Có những nguyên nhân lịch sử. Khi Ấn Ðộ độc lập, đảng Quốc Ðại cầm quyền theo chủ trương của Thánh Gandhi đã thiết lập các định chế nhằm nâng cao những người thuộc các đẳng cấp thấp nhất để xóa bỏ những bất công mà họ phải chịu đựng hàng ngàn năm. Hai trong các chính sách nâng đỡ là dành một số công việc trong chính quyền cho người thuộc các đẳng cấp này và giành một số chỗ trong ngành giáo dục cho học sinh, sinh viên thuộc các đẳng cấp vốn bị bạc đãi. Trong hơn nửa thế kỷ áp dụng, các chính sách trên không đem lại kết quả mà các nhà lập quốc mong đợi. Một hậu quả bất ngờ là một số nhỏ đã biết cách lợi dụng những chính sách ưu đãi trên để chiếm lấy địa vị, quyền hành và tài sản, trong khi đa số dân thuộc các đẳng cấp thấp vẫn sống lầm than như cũ. Trong cuộc bầu cử năm 2014, đảng BJP của Thủ Tướng Modi thắng đảng Quốc Ðại khắp nước và cũng thắng tại tiểu bang Haryana. Họ đã đưa một chính khách không thuộc đẳng cấp Jat lên chức thủ hiến. Các chính khách Jat nhân cơ hội kêu gọi những người cùng đẳng cấp nổi loạn đốt phá và chém giết! Trong chính quyền và trong các trường học ở tiểu bang, 47% các chỗ vẫn được dành cho các đẳng cấp thấp hèn, trong đó đẳng cấp Dalits, thường gọi là “không ai dám đụng chạm” chiếm 20% dân số. Có 27% chỗ vẫn được dành cho các đẳng cấp thấp nhất, với những tên gọi như Ahirs, Gujjars and Lodhas. Năm 2013, chính phủ thuộc đảng Quốc Ðại đã nâng đỡ một số đẳng cấp khác, trong đó có những đẳng cấp nằm trong khối người Jat, tăng tổng số chỗ dành riêng thành 57%. Sau đó, đảng Quốc Ðại còn tăng thêm 10% nữa gồm những người kinh tế yếu, tổng số có 67% các ghế được dành cho các đẳng cấp cần nâng đỡ. Một chính sách nâng đỡ người Jat năm ngoái đã bị Tối Cao Pháp Viện Ấn Ðộ bác bỏ vì vi hiến. Người Jat nổi loạn vì được các nhà chính trị cùng đẳng cấp thúc đẩy với óc cuồng tín nhuốm màu tôn giáo, vì hệ thống đẳng cấp trong lịch sử Ấn Ðộ có nguồn gốc tôn giáo. Người Jat đi biểu tình hung hãn đốt nhà, cướp của, không khác gì cảnh thường diễn ra trong những cuộc xung đột giữa tín đồ Ấn Ðộ Giáo và Hồi Giáo trong nửa thế kỷ lâu lâu lại bùng lên! Chính quyền Ấn Ðộ phải cai trị một tỷ dân với những xung đột quyền lợi thực tế và xung khắc tín ngưỡng sâu xa như vậy. Các nhà chính trị thuộc nhiều đảng phái, có nhiều đảng chỉ hoạt động hoàn toàn tại địa phương nhưng có hai đảng lớn toàn quốc là đảng Quốc Ðại và BJP (Bharatiya Janata Party). Ðảng BJP thành hình từ năm 1977 nhưng mới nổi ln trong vài chục năm qua khi kích thích tinh thần đề cao dân tộc và tín ngưỡng cổ truyền theo Ấn Ðộ Giáo. Trong 70 năm từ khi lập quốc, đảng Quốc Ðại cai trì hơn nửa thế kỷ, bị đảng BJP lật đổ hai lần, năm 1998 và 2014. Thủ Tướng Narendra Modi thắng cử hai năm trước vì dân Ấn Ðộ, một lần nữa, lại chán ngán các chính sách “có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa” của đảng Quốc Ðại. Những người cầm quyền ở Ấn Ðộ ngay sau khi độc lập, như Thủ Tướng Jawaharlal Nehru và Phó Thủ Tướng Sardar Patel đều muốn thiết lập một hệ thống kinh tế theo lối “chủ nghĩa xã hội” mặc dù cả đều “chống độc tài,” đặc biệt là chế độ cộng sản. Bà Indira Gandhi, con gái ông Nehru còn nghiêng sang chủ nghĩa xã hội nhiều hơn bố, bắt đầu quốc hữu hóa các ngân hàng. Nhưng khi bà thất cử thì vẫn giữ tinh thần dân chủ, thản nhiên chấp nhận chính sách của mình bị dân chúng gạt bỏ qua những lá phiếu tự do. Ấn Ðộ chỉ “cải tổ kinh tế” sau năm 1990, chậm hơn đảng Cộng Sản ở Trung Quốc hơn chục năm! Ðảng BJP đã thúc đẩy công cuộc thay đổi cơ cấu kinh tế ngay từ khi lên cầm quyền lần thứ nhất, và hiện nay ông Modi đang đề xướng một chương trình “cải tổ kinh tế” khác, phát động phong trào “Làm tại Ấn Ðộ.” Cả hai nước Ấn Ðộ và Trung Quốc đều đang muốn “cải tổ cơ cấu” nền kinh tế. Hai quốc gia đông dân nhất thế giới này sẽ ảnh hưởng mạnh trên đời sống loài người trong thế kỷ 21. Trong một bài trước, mục này đã nêu ra các khó khăn mà ông Tập Cận Bình đang gặp trong chương trình thay đổi kinh tế nước Trung Hoa. Trong bài tới, chúng tôi sẽ trình bày thêm về những khó khăn và triển vọng trước mặt ông Narendra Modi ở Ấn Ðộ. Cả hai quốc gia đều có thể cho người Việt Nam học được nhiều kinh nghiệm. (Người Việt)
  10. Linh Nguyễn/Người Việt WESTMINSTER , California (NV) - Trong vòng hai tuần, bốn cơ sở thương mại, trong đó ba trung tâm băng nhạc và một tiệm cà phê, ngay trên đại lộ Bolsa, trung tâm Little Saigon, bị phá hoại. Người thợ thay phần kiếng vỡ phía mặt tiền Trung Tâm Asia. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt) Tại Trung Tâm Thúy Nga, một phần cửa kính bên cạnh cửa ra vào được che kín bằng một miếng ván ép. “Hai tuần trước, như thường lệ, tôi tới mở cửa tiệm vào buổi sáng, thì thấy cửa kiếng bị đập nứt rạn từ khi nào. Tôi không biết lý do, chỉ biết gọi báo cho cảnh sát Westminster. Tôi nghe nói họ đang điều tra,” một nhân viên bán hàng, không muốn cho biết tên, nói với nhật báo Người Việt. “Nghe nói Trung Tâm Vân Sơn bên kia và tiệm bán trái cây bên cạnh cũng bị bể kiếng,” người bán hàng nói thêm. Đến Trung Tâm Băng Nhạc Vân Sơn thì thấy đóng cửa. Cửa trước của trung tâm bị khóa, kèm tấm danh thiếp và số điện thoại của công ty bảo vệ Universal Protection Service. Cửa bên hông, hướng ra đường Moran, có gắn hai tấm ván ép để che phần cửa kính bị vỡ, không rõ từ khi nào, vì không có ai trong tiệm. Sát với Trung Tâm Vân Sơn là tiệm Eight Teas Coffee and Juice, trên đường Moran, cửa đóng, và cũng có một tấm ván che cửa ra vào. Tại Trung Tâm Asia một người thợ đang thay phần kiếng vỡ của mặt tiền. Phía hông bên trong, đối diện với nhà hàng Lục Đỉnh Ký, cửa kính cũng bị bể, sau được biết là cánh cửa hông đã bị đập hôm 14 Tháng Hai. Thông cáo trên cửa kính ghi đóng cửa nghỉ Tết từ ngày 8 đến 16 Tháng Hai. “Lúc 10 giờ sáng hôm qua, cô Nga, chủ đất, gọi cho tôi biết cửa trước bị bể kiếng. Tôi chưa đến tiệm nhưng đã báo cho cảnh sát Westminster. Nghe nói trên trường có dấu bốn phát đạn,” người quản lý tiệm, cũng không muốn nêu tên, nói với nhật báo Người Việt. Cô cho biết thêm rằng: “Tiệm trước đây cũng bị bể kiếng cửa bên hông vào đêm 14 Tháng Hai.” Khi được hỏi, cảnh sát Westminster xác nhận có những vụ bể kiếng, và nói sẽ cho biết thêm chi tiết. Tuy nhiên, cho đến khi bài báo lên khuôn, tòa soạn không nhận được hồi âm. ----------------- Liên lạc tác giả: [email protected]
  11. Phong trào dân chủ Việt Nam trải qua các thời kỳ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, chúng ta thấy phong trào dân chủ Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập. Một nguyên nhân quan trọng, và cũng là biểu hiện của sự bất cập, đó là nhận thức của những người tham gia phong trào dân chủ còn nhiều vấn đề cần phải xem xét và tìm hiểu. Có thể nói, ngoài sự thống nhất về những mục đích rất lớn là dân chủ và nhân quyền thì những gì còn lại là một sự hỗn loạn trong nhận thức. Chúng ta hầu như không thống nhất được với nhau về thực trạng tình hình đất nước, về tình hình phong trào dân chủ, về nguyên nhân của những vấn nạn hiện nay và cuối cùng là về giải pháp để giải quyết các vấn nạn của đất nước. Là một người tham gia vào phong trào dân chủ khá lâu, tiếp xúc với rất nhiều người đấu tranh dân chủ đủ mọi lứa tuổi và thành phần, cá nhân tôi nhận thấy, sự khác biệt, chia rẽ và hỗn loạn trong nhận thức là một thực trạng nhức nhối của phong trào dân chủ Việt Nam. Nguyên nhân chìm sâu và giải thích được tất cả, cho sự hỗn loạn trong nhận thức của người dân nói chung và những người đấu tranh dân chủ nói riêng là các giá trị xã hội bị đảo lộn, sự thật bị bưng bít và bóp méo. Đó là hậu quả tất yếu của các chế độ cộng sản nói chung và cộng sản Việt Nam nói riêng. Đi vào nguyên nhân trực tiếp hơn, chúng ta thấy, tuyệt đại bộ phận người dân đều phải hấp thụ một nền giáo dục giáo điều và nô lệ, ngược lại với nền giáo dục khai phóng và nhân bản. Chúng ta không được đào tạo, không được học những kiến thức để nhận thức xã hội một cách đúng đắn, chuẩn xác. Trong khi đó, những thông tin và toàn bộ số liệu để tìm hiểu và nghiên cứu cũng không chứa đựng sự thật nào. Đó là hai nguyên nhân cơ bản và trực tiếp nhất dẫn tới sự yếu kém trong nhận thức của người dân, một mục tiêu mà chế độ cộng sản đã thực thi và thành công mỹ mãn. Sự khác biệt và hỗn loạn trong nhận thức của người Việt Nam chúng ta còn do những trở ngại trong tính cách làm cho trầm trọng. Người Việt có nhiều phẩm chất tốt đẹp những cũng có nhiều hạn chế trong tính cách. Đó là sự kiêu ngạo và bảo thủ, hướng ngoại và hình thức. Kiêu ngạo và bảo thủ khiến cho chúng ta không nhìn nhận được những hạn chế, sai sót và khiếm khuyết để bổ túc kịp thời, sửa chữa những sai lầm trong nhận thức. Hướng ngoại và hình thức thì không thể đi sâu tìm hiểu bản chất sự việc, khó tiếp cận được với dòng chảy của sự thật. Một trong những vấn đề quan trọng trong nhận thức mà những người đấu tranh dân chủ cần lưu tâm, đó là nhận thức về cách tiếp cận đấu tranh của từng cá nhân. Thông thường, những người đấu tranh chỉ đơn giản tham gia một cách “tự nhiên”, tức là chưa có sự tìm hiểu, nghiên cứu về phong trào dân chủ trước khi tham gia. Để có thể tham gia tích cực, hiệu quả và phù hợp với từng cá nhân, trước khi tham gia vào phong trào dân chủ, chúng ta cần tìm hiểu đầy đủ và toàn diện về phong trào dân chủ. Chúng ta cần biết được, mục đích, mục tiêu của phong trào dân chủ; chúng ta cũng cần biết phong trào dân chủ đã trải qua các giai đoạn, thời kỳ nào, và đặc điểm, đặc trưng của từng thời kỳ, từng giai đoạn. Các đại diện tổ chức và cá nhân nào tiêu biểu cho các giai đoạn, thời kỳ...hiện nay phong trào dân chủ bao gồm những lĩnh vực, khía cạnh đấu tranh nào? Trên cơ sở những nhận thức như vậy, các cá nhân căn cứ vào mục tiêu, mục đích, và năng lực sở trường của mình sẽ tham gia vào lĩnh vực nào, mảng nào, khía cạnh nào của phong trào dân chủ để có thể phát huy hết khả năng sở trường của mình... với các lĩnh vực đấu tranh đó, cần liên lạc, cần kết hợp với những ai, nhóm và tổ chức nào? chỉ có như vậy, sự tham gia của mỗi cá nhân mới thực sự phù hợp và hiệu quả. Một phương châm cần có, trong quá trình đấu tranh. Đó là nhận thức cần triệt để, ứng xử và hành động tùy theo điều kiện, hoàn cảnh. Nhận thức cần triệt để vì có triệt để mới hiểu rõ được thực trạng và nhất là nguyên nhân của các vấn nạn. Chỉ có hiểu rõ nguyên nhân mới tìm được giải pháp đúng giải quyết các vấn đề. Tựu trung lại, nhận thức là vấn đề vô cùng quan trọng, có tính chất quyết định. Nhận thức đúng giúp ứng xử và hành động đúng, phù hợp. Ứng xử và hành động đúng, phù hợp mới đem lại hiệu quả trong quá trình hoạt động của mỗi một cá nhân, cũng như từng nhóm và toàn bộ phong trào dân chủ Việt Nam./. Hà Nội, ngày 27/02/2016 N.V.B (Blog RFA)
  12. Ảnh chụp từ Epochtimes Khi mọi người mua những sản phẩm giá rẻ “Made in China” (sản xuất tại Trung Quốc), như quần áo, đồ dùng hàng ngày, hay đồ trang trí ngày lễ, họ hầu như không biết có rất nhiều sản phẩm trong đó được làm trong các nhà tù và trại lao động Trung Quốc, và đằng sau những sản phẩm này là những câu chuyện chưa kể thấm đầy máu và nước mắt. 1. Nhà tù số 01 thành phố Thẩm Dương sản xuất áo khoác trượt tuyết trẻ em để xuất khẩu sang Đức Nhà tù số 01 thành phố Thẩm Dương ở tỉnh Liêu ninh đã ép các học viên Pháp Luân Công và nhiều tù nhân khác lao động nặng nhọc để kiếm tiền cho nhà tù. Nhà tù này tập trung chủ yếu vào sản xuất quần áo, và đa phần sản phẩm là để xuất khẩu. Khoảng 33 học viên nam đã bị giam riêng biệt ở gần 20 khu giam giữ. Để “chuyển hóa” học viên, lính canh không chỉ tra tấn học viên, mà còn ép họ may quần áo với cường độ cao. Nếu một học viên có sức khỏe yếu (do bị bức hại), không đủ để vào dây chuyền sản xuất, thì người đó vẫn bị ép phải làm các việc như cắt vải. Trong số những sản phẩm lao động cưỡng bức là áo khoác trượt tuyết trẻ em được xuất khẩu sang Đức và đồ trang trí “người Tuyết” trong dịp Giáng sinh. Bao bì đóng gói áo khoác trượt tuyết bé gái được xuất khẩu sang Đức Nhãn hiệu và thông tin sản phẩm của áo khoác trượt tuyết bé gái Thông tin sản phẩm của áo khoác trượt tuyết bé gái Đồ trang trí “người Tuyết” trang trí Giáng sinh Đơn vị sản xuất của Nhà tù số 01 thành phố Thẩm Dương được gọi là Công ty TNHH Trang phục Trung Tế Thẩm Dương. Nguyên đại diện hợp pháp cho công ty là Lưu Quốc Sơn. Ông Lưu đã chuyển sang làm Chính ủy nhà tù năm 2012, là vị trí ông ta nhận trách nhiệm bức hại các học viên Pháp Luân Công. Người đại diện hợp pháp mới của công ty này có họ là Đinh. Chính quyền tại Nhà tù số 01 thành phố Thẩm Dương đã áp dụng nhiều hình thức tra tấn lên học viên Pháp Luân Công để “chuyển hóa” họ. Trưởng nhà tù Vương Bân, Chính ủy Lưu Quốc Sơn, quản giáo trưởng của nhà tù Khâu Quốc Bân đã trực tiếp chỉ đạo để chắc chắn những tội ác này được tiến hành. Nhiều học viên bị đánh đập tàn bạo, bị trói vào ghế sắt, và bị cấm ăn, uống, ngủ, dùng nhà vệ sinh trong nhiều ngày. Những kẻ bức hại đã dội nước lên học viên và sốc điện họ bằng dùi cui có điện thế lên đến hàng chục nghìn vôn. Nếu người học viên bị ngất, lính canh sẽ dội nước lạnh lên đầu để đánh thức người đó dậy, và sau đó tiếp tục tra tấn. Trong suốt mùa hè, họ đặt hai hoặc ba lò sưởi quanh các học viên để “nướng” họ. Sau khi tra tấn, các học viên thường bị chóng mặt, và người họ có đầy những vết thâm tím. Trưởng nhà tù Vương Bân và Chính ủy Lưu Quốc Sơn thường hỏi lính canh: “Tại sao ông ta lại chưa bị chuyển hóa?”, qua đó thúc giục tăng cường tra tấn lên các học viên. Ông Quách Xuân Tán, một học viên khoảng 50 tuổi, đã bị sốc điện bằng dùi cui điện đến mức người ông có đầy những vết cắt và thâm tím. Có ba lỗ thủng do bị bỏng ở trên cổ tay phải của ông. Phần lưng của ông cũng có đầy những vết giộp sau khi họ đắp lên người ông những bao đổ đầy nước sôi. Các học viên bị tra tấn tàn bạo bao gồm: Lý Thượng Tư, Tôn Vĩnh Hằng, Dương Thụy Hoa, Cảnh Xuân Long, Chu Trường Minh, Trương Kim Sinh, Trương Đức, Cao Phượng Sơn, Hoàng Cương, Lý Hồng Quân, Trâu Tích Lệnh, Úy Chí Nghĩa, Mạnh Hoa, Xa Hoàn Vũ, Trương Cung Hoa, và Quách Xuân Tán. Sau khi bị ngược đãi, các học viên buộc phải làm việc khi bị chấn thương. Nhãn hiệu áo khoác trượt tuyết “Crivit” của trẻ em được sản xuất ở khu giam giữ số 04 vào năm 2011; việc sản xuất bao gồm chuẩn bị nguyên liệu, cắt, may, hoàn thiện, và đóng gói. Học viên Tôn Vĩnh Hằng, ở Hải Thành, bị giam tại khu giam giữ số 04. Trước đây ông Tôn phục vụ trong quân đội và sau đó đã phục viên. Ông bị ngược đãi một thời gian dài tại Nhà tù số 01 thành phố Thẩm Dương vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông đã bị đưa vào một căn phòng không có video giám sát, bị trói vào ghế sắt và bị đánh. Lính canh đã “nướng” mặt và hai mắt ông bằng đèn có điện thế cao, ngoài ra họ còn không cho ông nhắm mắt trong nhiều giờ. Sau khi bị bức hại, ông Tôn buộc phải đi lao động nặng nhọc. Ông làm việc từ 06 giờ sáng đến 09 giờ tối, và đôi khi còn muộn hơn. Có lúc ông Tôn còn phải làm việc 15 tiếng không nghỉ, xếp vải, đặt chúng theo thứ tự, và cắt các cây vải bằng kéo điện. Nhà tù số 01 thành phố Thẩm Dương vẫn buộc các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân khác sản xuất đồ may mặc để xuất khẩu dưới các nhãn hiệu khác nhau. 2. Nhà tù nữ tỉnh Liêu Ninh – Một nhà máy bất hợp pháp Nhà tù nữ tỉnh Liêu Ninh tra tấn các học viên Pháp Luân Công để buộc họ từ bỏ niềm tin của mình. Hơn mười học viên đã bị bức hại đến chết ở nhà tù này. Cai tù cũng ép các học viên và các tù nhân khác đi lao động khổ sai. Cơ sở này có một xưởng may, một xưởng sản xuất giấy, và một xưởng sản xuất đồ mỹ phẩm (dây chuyền đóng chai), cùng những thứ khác. Đó là một nhà máy quy mô lớn và bất hợp pháp. Những sản phẩm được làm bởi lao động khổ sai từ nhà tù nữ Liêu Ninh: Bộ chăm sóc da Aglaia (2011, sản xuất tại đội số 04, khu giam giữ số 10 của nhà tù) Khu giam giữ số 10 ở nhà tù không chỉ sản xuất đồ may mặc, mà còn sản xuất mỹ phẩm. Những sản phẩm này được sản xuất theo dây chuyền: đổ đầy, đóng nắp, in mã vạch, đóng hộp, dán nhãn, niêm phong, đóng gói, và lưu trữ kho. Những sản phẩm này được làm bởi đội số 04 thuộc khu giam giữ số 10 của nhà tù. Có khoảng 60 người trong đội số 04, bao gồm các học viên Pháp Luân Công. Lính canh ra lệnh mỗi tù nhân phải sản xuất ít nhất 10.000 chai (hoặc 30.000 – 40.000 chai nhỏ) mỗi ngày. Cả 60 người đều phải ăn ngay tại xưởng, và họ phải hoàn thành việc ăn uống trong vòng năm phút. Phòng vệ sinh chỉ giới hạn mở hai đến ba lần mỗi ngày. Từ năm 2009 đến năm 2011, các học viên Vương Bội Dung, Vương Thục Hiền, Lý Ngọc Hoa và Thiệu Trường Hoa bị ép phải sản xuất mỹ phẩm Aglaia. Đới Tĩnh, Trưởng khu giam giữ số 10, và nhiều lính canh khác đã xúi giục Hồ Thu Hà, Vương Mẫn cùng nhiều người khác lăng mạ và đánh đập các học viên. Bà Vương Thục Hiền thường bị mắng chửi ở xưởng. Bà Lý Ngọc Hoa bị giam ở phòng nhỏ trong 15 ngày vì bà nói với những người khác về Pháp Luân Công. Bà Hoắc Tú Cần đã bày tỏ rằng tu luyện Pháp Luân Công vô tội, và từ chối đi lao động khổ sai. Lính canh đã xúi giục tù nhân đánh đập và lăng mạ bà, không cho bà ngủ vào buổi đêm, và phê phán bà trong các cuộc họp. Vào mùa đông năm 2010, lính canh đã đưa bà Hoắc đến xưởng Aglaia và nhốt bà trong một phòng nhỏ, không có máy sưởi, bên cạnh phòng vệ sinh của xưởng. Bà Hoắc bị nhốt ở đó từ 06 giờ 40 phút sáng đến 07 giờ tối hàng ngày. Bà gần như bị lạnh cóng trong cả mùa đông, và huyết áp của bà tăng lên hơn 200 mmHg. Bà đã ở trong tình trạng nguy kịch trước khi được bảo lãnh để chữa bệnh. Tại Nhà tù nữ tỉnh Liêu Ninh, tiền thưởng cho các lính canh gắn liền với sản lượng. Do đó, lính canh ở từng khu giam giữ đều cố gắng hết sức để bắt các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân khác làm việc vất vả hơn. Nguyên liệu của nhiều sản phẩm ở các trại lao động đều rất độc hại, và điều kiện làm việc rất tồi tàn. Lấy ví dụ, khi các tù nhân sản xuất giẻ lau sàn, họ làm việc mà không cần rửa tay. Họ có thể vừa đi vệ sinh xong hay bị bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, họ vẫn sản xuất các túi tăm, đũa, và túi đựng bánh mỳ suốt cả ngày. Dưới đây là một phần danh sách các sản phẩm của trại lao động được sản xuất ở Nhà nữ tỉnh Liêu Ninh trong những năm gần đây: Hộp đựng bánh ngọt, túi đựng bánh mỳ và hộp bánh hamburger Hảo Lợi Lai (“Holiland”), được sản xuất cho Công ty thực phẩm Đào Lý ở thành phố Thẩm Dương. Các Hộp đựng thực phẩm, thuốc, giầy, và đồ mỹ phẩm được sản xuất cho các thương hiệu khác. Dòng sản phẩm quần áo quân đội “Vinh Phát” cho Nhà máy may mặc Vinh Phát ở tỉnh Cát Lâm. Nhà tù chủ yếu sản xuất nhiều loại đồng phục công an, áo mưa quân đội, và áo khoác vải mặc mùa đông khác nhau. Quần áo cho Công ty Phi Long (tên Trung Quốc của một công ty Nhật Bản) để xuất khẩu sang Nhật và Hàn Quốc. Quần Phi Long được sản xuất cho nam giới. Quần áo xuất khẩu cho Công ty trang phục Bách Gia Hảo ở Thượng Hải. Tên nhãn hàng là Basic House. Giẻ lau sàn cho Công ty Thiên Khiết ở thành phố Thẩm Dương. Công ty TNHH Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe Thiên Khiết Thẩm Dương xuất khẩu các sản phẩm đến Mỹ, châu Âu, Israel, Úc, Hàn Quốc, và các nước khác. Quần áo xuất khẩu cho Tập đoàn May mặc Quảng Lâm Liêu Dương. Quần áo của Quảng Lâm xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Panama, Mỹ, Vương quốc Anh, và Canada. Xưởng trang phục Ngân Hà Phủ Thuận gia công hàng may mặc cho thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Công ty này có địa chỉ ở số 11 Tây Đường Lôi Phong, quận Vọng Hoa, thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh. Nhà tù cũng sản xuất nhiều loại quần áo lót. Nó cũng sản xuất quần áo xuất khẩu cho Công ty Ngoại thương Đại Liên và Công ty Ngoại thương Đan Đông. Khu giam số 10 sản xuất quần áo cho Công ty TNHH Trang phục Trung Hòa Thẩm Dương. Quản lý của công ty ở nhà tù có họ là Vương. Khu giam số 10 cũng gia công cho Nhà máy trang phục Dụ Hâm Đan Đông. Quản lý công ty này có họ là Tưởng. Thương hiệu quần “Bangbang” của Tập đoàn may mặc Anna Thẩm Dương xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu và châu Mỹ. Dương Lỵ, Giám đốc Nhà tù nữ tỉnh Liêu Ninh. Bà ta đã ký một thỏa thuận với Tập đoàn may mặc Anna Thẩm Dương (ảnh trên mạng) 3. Câu chuyện của hai học viên Pháp Luân Công Trại lao động cưỡng bức Long Sơn Thẩm Dương là nơi giam giữ và bức hại các học viên nữ Pháp Luân Công. Trại lao động ép buộc các học viên và các tù nhân khác sản xuất đồ xuất khẩu như nến và các chuỗi vòng cổ thủ công. Hàng ngày, các tù nhân phải làm việc hơn 15 tiếng. Nguyên liệu để sản xuất bốc lên mùi hăng hắc gây độc hại cho con người. Ngay cả khi những đồ vật này được sản xuất ở Trung Quốc, thì bao đựng nến màu này lại được ghi “Made in Thailand.” (sản xuất tại Thái Lan) Sản phẩm của Trại lao động cưỡng bức Long Sơn Thẩm Dương: nến màu Bà Nhậm Thục Kiệt là một chủ một cửa hàng may mặc nhỏ ở chợ Đông Hồ ở quận Vu Hồng, thành phố Thẩm Dương. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998, và đã trở thành một người khỏe mạnh, ngay thẳng, lạc quan, và là người tốt. Khách hàng và bạn hàng ở chợ đều xem bà là một người tốt. Tháng 05 năm 2002, bà Nhậm bị bắt và bị kết án ba năm ở trại lao động vì phát tài liệu giảng rõ sự thật. Ở trại lao động cưỡng bức Long Sơn Thẩm Dương, vì bà cự tuyệt từ bỏ tín ngưỡng vào Pháp Luân Công, bà đã bị đánh thậm tệ và bị ép lao động khổ sai. Trong một đoạn băng video trên trang web Minh Huệ, bà Nhậm đã kể lại: “Chúng tôi phải khởi hành 06 giờ 30 sáng để ăn sáng và đến điểm lao động lúc 07 giờ sáng. Nó nằm trên tầng ba. Mỗi một thùng đựng sáp nặng ít nhất 20 cân. Những thùng này giống như những thùng chứa bia. Chúng đựng đầy sáp. Hàng ngày, chúng tôi phải bê những thùng này lên xuống cầu thang. Một ngày kia tôi đã phát khóc vì mệt. Tôi đã mang 40 thùng đựng sáp!” “Trung bình, hàng ngày tôi phải làm việc đến tận 10 giờ 30 tối. Không có giờ nghỉ ăn trưa. Thậm chí nếu bạn ăn trưa vào giữa ngày, bạn sẽ phải làm việc thêm vào buổi đêm. Thực tế là mỗi khi chúng tôi nghỉ, chúng tôi đều phải làm việc lâu hơn để bù lại. Khi thời gian làm bị kéo dài, thì đừng nói là 10 giờ 30 tối. Đôi khi chúng tôi thậm chí nghỉ vào lúc nửa đêm. Điều đó tiếp diễn hàng ngày, không chỉ là một hoặc hai ngày. Cường độ lao động ở đây rất nặng, không nói là chúng tôi có quá ít thời gian để ăn mà chúng tôi phải dừng ăn ngay cả khi vẫn đói. Chúng tôi không có bất kỳ thời gian nghỉ hay tự do. Trong tâm trí chúng tôi chỉ có lao động, và lao động.” Bà Nhậm đã qua đời vào ngày 01 tháng 09 năm 2005 ở tuổi 42, để lại đứa con trai đang tuổi thiếu niên. Học viên Pháp Luân Công, bà Nhậm Thục Kiệt và con trai Trại lao động cưỡng bức Trương Sỹ Thẩm Dương là nơi giam giữ các nam học viên Pháp Luân Công. Những đồ sản xuất ở đây bao gồm lược, đũa, lông mi giả, vỉ nướng, bóng đèn neon, và nhiều thứ khác. Trại lao động kết hợp với Công ty TNHH Đá quý Hải Uy Thẩm Dương để sản xuất lược. Sản phẩm này được xuất khẩu sang hơn 10 nước, gồm có Nhật Bản, Mỹ, và nhiều nước châu Âu. Công ty Hải Uy cung cấp vật liệu và bộ phận lắp ráp. Trại lao động cưỡng bức Trương Sỹ ép các học viên Pháp Luân Công và các tù nhân khác làm phần đầu và hộp đựng lược. Khói bốc lên từ hồ dán hộp có mùi không tốt cho hệ hô hấp, ngoài ra, nhiều vật liệu sản xuất khác gây độc hại cho con người. Học viên Pháp Luân Công, ông Lý Hiệu Nguyên Ông Lý Hiệu Nguyên là một kỹ sư ưu tú tại Nhà máy khuôn số 01 thuộc Tổng công ty máy bay Thẩm Dương (the Shenyang Aircraft Cooperation – SAC). Ông đều được đồng nghiệp kính trọng. Tuy nhiên, trước Tết Âm lịch 2002, ông đã bị bắt đến Trại lao động cưỡng bức Trương Sỹ Thẩm Dương. Tại đây, ông Lý đã trải qua các tra tấn như bị lột trần, treo lên lồng sắt và đánh đập tàn bạo, sốc điện bằng dùi cui điện, và bị làm lạnh cứng trong phòng băng. Vì ông kiên trì niềm tin vào “Chân – Thiện – Nhẫn”, do đó công an đã giam giữ, kết án và bắt ông lao động khổ sai . Vào ngày 25 tháng 04 năm 2002, ông Lý từ chối tham gia lao động cưỡng bức. Lính canh Dương Thụ và các tù nhân đã sốc điện ông với dùi cui điện 120.000 vôn. Ông còn bị đánh đập tàn bạo và bị cấm ngủ. Việc tra tấn đã kéo dài trong bốn ngày. Khắp người ông Lý đầy vết thâm tím và sưng phồng. Ông không thể đi lại và phải dùng ghế đặc biệt khi đi vệ sinh. Trong tháng 05 và tháng 06, ông Lý đã bí mật bị chuyển đến Trại lao động cưỡng bức Quan Sơn Liêu Ninh, nơi ông đã qua đời vì bức hại vào ngày 09 tháng 11 năm 2003. Năm đó ông 46 tuổi. Ở nhiều nhà tù và trại lao động ở Trung Quốc, các học viên Pháp Luân Công đồng thời bị tẩy não và lao động nô dịch. Những sản phẩm được làm từ lao động khổ sai ở Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia tại tỉnh Liêu Ninh bao gồm hoa làm thủ công, lông vũ (được làm bằng các nguyên liệu độc hại), vòng cổ và vòng tay thủ công, que kem, áo váy bé gái, áo cưới, phụ kiện tóc, áo khoác vải quân đội, áo ngụy trang, áo lót cho tù nhân, dụng cụ bóc vỏ tỏi (để xuất khẩu), v.v. Những sản phẩm được làm ở Trại lao động cưỡng bức Thẩm Tân Thẩm Dương bao gồm những vật dụng trang trí lễ hội của phương Tây, nến màu, cừu len, chim bồ câu, chim ưng, bộ xương, bóng, và các ngôi sao, các “phúc tự” màu vàng, và đũa. Các sản phẩm lao động khổ sai ở Trại lao động cưỡng bức Thẩm Tân Thẩm Dương: các “phúc tự” màu vàng 4. “Sản xuất bằng lao động khổ sai tại Trung Quốc” – Sự thật bị che đậy Những sự thật liên quan đến các sản phẩm lao động khổ sai Trung Quốc đều được Đảng Cộng sản Trung Quốc che đậy. Vào năm 2006 ở Trại lao động cưỡng bức Thẩm Tân Thẩm Dương, thẻ tù của một tù nhân nam vô tình rơi vào trong một thùng thành phẩm. Tấm thẻ có hình, tên tù nhân, và tên của trại lao động. Tấm thẻ đã được tìm thấy trước khi thùng hàng này rời khỏi trại lao động. Lính canh đã rất kinh hãi. Họ tổ chức nhiều buổi thẩm vấn riêng các tù nhân và thậm chí đã áp dụng nhiều phương pháp kiểm tra nghiêm ngặt các sản phẩm xuất khẩu nhằm che đậy sự thật về lao động khổ sai, đặc biệt là về cuộc bức hại tàn bạo các học viên Pháp Luân Công. Ngày nay, lao động khổ sai vẫn tiếp diễn. Những sản phẩm làm từ lao động khổ sai đã đến khắp mọi nơi trên thế giới, điều này đã vi phạm các quy tắc giao dịch quốc tế. Giao dịch như vậy cũng mở rộng cuộc đàn áp Pháp Luân Công đến mọi tầng cấp, lĩnh vực của xã hội. Chúng tôi chân thành hy vọng những người ở thế giới tự do sẽ theo dõi các câu chuyện đầy máu và nước mắt đằng sau các sản phẩm lao động khổ sai, giúp chấm dứt cuộc đàn áp tàn bạo Pháp Luân Công, bảo vệ các giá trị phổ quát của Chân – Thiện – Nhẫn, và giúp bảo vệ những quyền bất khả xâm phạm của người dân Trung Quốc là làm người tốt. Những hành động như vậy cũng sẽ bảo vệ những quyền cơ bản của mỗi con người. Tác giả: Theo Minhhui | Dịch giả: vn.Minhhui.org (Việt Đại Kỷ Nguyên)
  13. Trong những ngày qua, kể từ khi các ứng cử viên độc lập tuyên bố tranh cử, phía cơ quan an ninh đã có những hành động “chăm sóc” những người này. Hai ứng viên độc lập Đặng Bích Phượng (trái) và Nguyễn Thúy Hạnh (phải) Cụ thể, cơ quan an ninh đã thăm dò các ứng cử viên độc lập. Bắt đầu từ ông Hoàng Cường được cảnh sát khu vực tới nhà “thăm hỏi” về việc làm, nộp hồ sơ ứng cử, cũng như thăm dò quan điểm của ông. Sau đó là một số ứng viên độc lập khác cũng được nhân viên an ninh gọi điện thoại hoặc đến nhà, hỏi về vấn đề tuyên bố ra ứng cử. Trường hợp gần nhất là ông Nguyễn Tường Thụy vào ngày 26/2/2016, khi cả đội trưởng và đội phó an ninh huyện Thanh Trì, Hà Nội tới nhà với danh nghĩa "hỏi thăm gia đình nhân dịp năm mới". Can thiệp sâu hơn, cơ quan an ninh đã tới “làm việc” với chính quyền các phường / xã có người tuyên bố tự ứng cử, để chính quyền các địa phương tạo ra rào cản đối với việc ứng viên độc lập lấy dấu xác nhận vào hồ sơ ứng cử. Theo lời chia sẻ của bà Đặng Bích Phượng, an ninh đã chỉ đạo ủy ban phường, lấy lý do bà khai hồ sơ “không trung thực”, thiếu phần khai “kỷ luật”, nên không thể đóng dấu xác nhận hồ sơ cho bà. Thực chất, quyết định “kỷ luật” mà họ đề cập là quyết định tạm giữ hình sự năm 2011 và quyết định “giáo dục tại địa phương” năm 2013 vi phạm quyền công dân đối với bà Phượng, khi bà tham gia tuần hành phản đối Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông. Cho đến sáng ngày 27/2, chính quyền trả lời không xác nhận cho bà theo yêu cầu của phía an ninh. Tuy nhiên, Theo bà Đặng Bích Phượng, việc bà tuyên bố ra ứng cử và làm hồ sơ ứng cử đã khiến cho thái độ của chính quyền địa phương đối với bà đã có sự thay đổi, được đánh giá là tích cực hơn. Trường hợp của ông Nguyễn Tường Thụy, khi vợ ông tới trụ sở chính quyền xã để lấy dấu cho chồng, thì họ đã hẹn sang sáng Thứ Hai tới đến nhận kết quả, bởi “công an phải điều tra, xác minh”. Theo luật, cơ quan an ninh, công an không có quyền can thiệp vào việc tự ứng cử của công dân. Hành động của họ là hoàn toàn phi pháp, xâm hại đến quyền công dân chính đáng. Chính quyền lo ngại người dân tự ứng cử không theo sự sắp đặt của đảng CSVN. Mặc dù có sự can thiệp của phía an ninh, nhưng các ứng viên độc lập vẫn kiên trì thực hiện quyền công dân của mình. Cũng trong tuần này, hàng loạt các bài phỏng vấn, clip phóng sự về những ứng viên độc lập và quan điểm của họ đã được đăng tải trên mạng xã hội facebook, cụ thể là hai trang “Tôi là cử tri” và “Vận động Ứng cử Đại biểu quốc hội 2016”. Nhật Nam (SBTN)
  14. Sau hội nghị cấp cao Asean và Hoa Kỳ tại Sunnylands vào hồi tháng 1 năm 2016. Trung Quốc tiếp tục tên lửa và máy bay đến những hòn đảo ngoài biển Đông mà họ xâm chiếm được của Việt Nam. Biến nơi đây ngày càng trở thành một căn cứ quân sự khổng lồ. Đe doạ uy hiếp đến an ninh trên biển Đông. Hành động của Trung Quốc thể hiện ý chí coi thường những vấn đề an ninh biển mà hội nghị Sunnylands lo ngại. Việt Nam và Phi Luật Tân là hai nước nạn nhân lớn nhất bởi hành động xâm lược của Trung Quốc. Trước hành động của Trung Quốc gần đây nhất, người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Việt Nam ông Lê Hải Bình đã lên tiếng phản ứng như thường lệ. Nhưng trong âm điệu có phần gay gắt hơn, phát ngôn của ông Bình vào ngày 25 tháng 2 năm 2016 có những từ trước đó không có, khi đề cập đến hành vi của Trung Quốc trên biển Đông là xâm phạm chủ quyền, đe doạ an ninh hàng hải, hàng không và hoà bình khu vực. Cũng vào ngày 25 tháng 2 năm 2016 một cuộc biểu tình phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc đã diễn ra tại Manila, thủ đô Phi Luật Tân. Báo Dân Trí đưa tin nói rằng sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế tại Phi biểu tình phản đối Trung Quốc quân sự hoá ở biển Đông. http://dantri.com.vn/the-gioi/sinh-vien-viet-nam-va-quoc-te-tai-philippines-phan-doi-trung-quoc-quan-su-hoa-bien-dong-20160225183438252.htm#first Hãng truyền thông BBC đưa tin với tiêu đề Sinh Viên Việt Nam biểu tình chống Trung Quốc. http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/02/160225_vietnam_philippines_student_protest Theo CNN cuộc biểu tình có khoảng 100 người. Cuộc biểu tình thu hút rất nhiều hãng truyền thông quốc tế có mặt đưa tin. Nhưng một điều đáng buồn mà BBC và Dân Trí đều không nói rõ. Chỉ có khoảng 3 hoặc 4 sinh viên Việt Nam và tầm 5 sinh viên của các nước Lào, Đông Timor, Miến Điện, Hàn Quốc tham gia. Những sinh viên này là bạn bè của mấy sinh viên người Việt Nam đang học tại Phi. Trên những tấm hình diễn tả về đoàn biểu tình cho thấy, những người mặc áo quốc kỳ nước CHXHCH Việt Nam có đến 90 % là người Phi nghèo khó, được hai người phụ nữ Việt Nam huy động từ các vùng quê đến để biểu tình. Những người Phi mặc áo cờ đỏ sao vàng này chỉ biết hô một vài câu Chi Na Gét Ao. Thật bi hài có lúc họ ngắn gọn câu khẩu hiệu Trung Quốc ra khỏi biển Việt Nam thành Chi Na Việt Nam. Hãy nhìn những khuôn mặt của người biểu tình mặc áo quốc kỳ CHXHCN Việt Nam để rõ hơn. Nhiều người Phi mặc áo đỏ sao vàng đã dùng khăn che mặt hoặc quay đi trước ống kính truyền hình, nhiệm vụ của họ là đi đằng sau phất cờ đỏ sao vàng cho khí thế. Phóng viên CNN quá thất vọng khi thấy người biểu tình áo đỏ sao vàng toàn người Phi. Lúc này họ trông thấy một nhóm không mặc đồng phục do anh Nguyễn Tiến Đạt, cựu chủ tịch liên đoàn sinh viên Công Giáo Việt Nam cùng với một số nữ tu người Việt ở đây đi riêng một góc cầm biểu ngữ phản đối Trung Quốc. Họ tiến đến xin phỏng vấn. Nhưng cuộc phỏng vấn mới diễn ra vài câu đã bị một sinh viên Việt Nam đến ngăn cản thô bạo, tiếp đến có ba sinh viên Việt Namnữa vây quanh nữ phóng viên CNN cản trở khiến cuộc phỏng vấn không diễn ra được. Thật bi hài, trước tình hình Trung Quốc gia tăng ở biển Đông. Dư luận quốc tế đổ dồn ánh mắt theo dõi động thái của các nước có liên quan, đặt biệt là Việt Nam và Phi Luật Tân. Thiết nghĩ việc nhà nước Việt Nam cho vài sinh viên Việt Nam ở Phi tổ chức biểu tình cũng phù hợp. Ngay cả chuyện không đủ người, phải thuê người dân Phi đóng giả cũng thông cảm. Vì hoàn cảnh ở Phi không lấy đâu ra nhiều sinh viên hay người Việt đến thế. Nhưng để tạo được sự quan tâm của dư luận ủng hộ, bênh vực cho mình trên phương diện đối thoại, ngoại giao thì lúc này nhà nước Việt Nam cần phải có một thái độ nghiêm túc. Đất nước Việt Nam không hề thiếu những người nhiệt huyết sẵn sàng đi biểu tình phản đối Trung Quốc để ủng hộ tiếng nói nhà nước, gây sự chú ý của dư luận mà nhà nước không phải bỏ tiền thuê, tiền mua áo, cờ, khẩu hiệu. Việc thuê người bản xứ đóng giả sinh viên Việt Nam biểu tình không thể nào qua mắt được các phóng viên quốc tế lão luyện. Họ chán đến nỗi không buồn phỏng vấn những người mặc áo đỏ sao vàng. Mặc dù họ rất cần tin tức để lên án Trung Quốc. Thái độ của đông đảo phóng viên quốc tế có mặt tại cuộc biểu tình hôm đó cho thấy sự thất vọng tràn ngập của họ với tinh thần đấu tranh giữ chủ quyền của dân tộc Việt Nam. Tại sao dân chúng Việt Nam sục sôi sẵn sàng biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ, nhà nước Việt Nam không cho phép, trái lại còn đàn áp bắt bớ đe doạ. Trái lại bên ngoài lại làm trò lố bịch đi thuê người lộ liễu đóng giả biểu tình thay cho mình. Như thế chẳng phải là bôi bác dân tộc mình hay sao.? Người ngoài họ sẽ nghĩ gì về việc nhà nước Việt Nam thuê những người Phi nghèo khó đi biểu tình hộ cho Việt Nam.? Niềm tự hào lại thành nỗi nhục, vì nó được giàn dựng giả tạo một cách trắng trợn. Khi quốc ca Việt Nam cất lên thì đoàn người biểu tình áo đỏ sao vàng cười nói vô tư, đến khi quốc ca Phi cất lên một số theo bản năng đặt tay lên tim cất tiếng hát quốc ca Phi. Gần như hầu hết những người Phi mặc áo đỏ sao vàng đi biểu tình chống Trung Quốc tại Manila hôm 25 tháng 2 vừa qua đều do một bà già gầy gò người Việt Nam đội nón lá đưa đến. Bà đội nón làm việc một bà Việt Nam khác béo tốt, trắng trẻo đeo túi xách tay cầm tờ chương trình biểu tình. Bà gầy gò đòi hỏi về việc thêm tiền cho vấn đề nào đó, hai bà đôi co một lúc rồi cũng đi đến thoả thuận. Cuối cùng đến đoạn quốc ca Việt Nam cất lên đoàn người biểu tình áo đỏ sao vàng cười nói vô tư, đến khi quốc ca Phi cất lên một số theo bản năng đặt tay lên tim cất tiếng hát quốc ca Phi. Thật ê chề cho dân tộc Việt Nam. Lẽ ra nhà nước Việt Nam không cần phải làm cuộc biểu tình như thế tại Phi, có hàng ngàn hàng triệu người Việt ở khắp nơi săn sàng tổ chức biểu tình quy mô và đủ kiến thức để trả lời rành rọt về tình hình biển Đông và ý chí người Việt. Lẽ ra phải để người dân Việt trong nước tự tổ chức biểu tình chứ không phải mượn đất Phi thuê người diễn hộ. Làm thế này, chỉ chuốc thêm nhục nha Người Buôn Gió (Blog Người Buôn Gió)
  15. Giải Nobel 2015 cung cấp cho chúng ta rất nhiều tri thức và nhận thức mới. (Ảnh: Getty Images) Giải Nobel 2015 vừa qua đã được trao cho những người xứng đáng. Giải Nobel Hóa học 2015 đã cho chúng ta thấy Darwin đã dự đoán sai về nguồn gốc của sự sống.Dưới đây là quan điểm của TS Phan Chí Thành – chuyên viên thẩm định giáo dục thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo VN về vấn đề này:Giải Nobel Hóa học 2015Các bạn thân mến, tôi xin gửi đến các bạn tin tức về các giải Nobel 2015 được các báo đăng tải trong vài ngày qua: (Ảnh: Nbcnews) Sau khi lần lượt công bố giải thưởng Nobel năm 2015 trong lĩnh vực Y học và Vật lý, giải Nobel Hóa học cũng đã được trao cho 3 nhà khoa học là: Giáo sư Tomas Lindahl (Thụy Điển), Paul Modrich (Mỹ) và Aziz Sancar (mang hai quốc tịch Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ). Ba nhà khoa học này được trao giải Nobel cho công trình nghiên cứu của họ về cơ chế sửa chữa ADN trong tế bào, với mục đích ngăn chặn những lỗi bất thường xảy ra đối với thông tin di truyền. “Nghiên cứu này giúp cung cấp những tri thức vô cùng quan trọng về chức năng của tế bào, đồng thời mở ra những phương pháp điều trị ung thư mới” CNN dẫn lời của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển cho biết. Bình luận: Một trong những chức năng quan trọng của ADN là lưu trữ các bản thiết kế về cấu trúc của toàn bộ các loại protein trong cơ thể người. Cơ chế sản xuất ra một Protein rất phức tạp: Sau khi một đoạn thang xoắn của ADN được tách ra, một ARN thông tin (ARN messenger – một đoạn thang đơn đặc biệt) sẽ đến tiếp hợp để với đoạn vừa tách ra này. ARN sẽ copy “bản thiết kế” rồi đi ra khỏi nhân tế bào và tới các nhà máy sản xuất Protein – đó là các Riboxom nằm tại “vùng ngoại ô của tế bào” (tế bào đã biết cách di dời các nhà máy sản xuất ra ngoại ô để tránh ô nhiễm từ lâu rồi (!)). Như vậy ADN là “bản thiết kế gốc” và được lưu trữ trong mỗi tế bào chuyên biệt. Chính vì tầm quan trọng này mà Tạo hóa đã phải có riêng một chương trình để kiểm soát và sửa chữa kịp thời các sai sót trong quá trình nhân bản và hoạt động của bản thiết kế gốc đó. Bệnh ung thư sinh ra một phần do các lỗi phát sinh trong quá trình nhân bản và hoạt động của ADN. Ngoài ra ADN còn vô số chức năng khác mà chúng ta chưa thể biết hết được. Bản thân cơ chế hoạt động của ADN trong nhân tế bào thì “chỉ có Trời” mới biết được. Mà cơ thể chúng ta có tới hàng ngàn tỷ tế bào chuyên biệt khác nhau. Hoạt động phối hợp giữa chúng thì cũng “chỉ có Trời” mới biết được. Cũng xin lưu ý các bạn là: Để làm cầu Long Biên vào những năm 1900, các kỹ sư phải cần đến 3 xe ô tô tải để đủ chỗ cho các bản vẽ thiết kế của chiếc cầu này. Thế nên bạn có nghĩ rằng “những phép lạ” mà tôi vừa nêu trên lại được hình thành qua quá trình “chọn lọc tự nhiên”? Đấy mới chỉ là “cấu hình thể xác vật lý” thô thiển của một cá thể con người, còn cái kỳ diệu hơn đó là “ý thức”, “tư tưởng”, “trí tuệ”… của con người – thứ đã sản sinh ra nền văn minh của chúng ta bao gồm các khoa học, các ngành nghệ thuật, các nền văn hóa, tình yêu… cũng có thể được hình thành qua con đường “chọn lọc tự nhiên” được chăng ? Ý kiến bình luận của PVHg’s Home Cám ơn TS Phan Chí Thành vì một bài viết ngắn nhưng giàu thông tin và đặc biệt vì ý nghĩa quan trọng về nhận thức rút ra từ những thông tin đó. Cụ thể: Khả năng tự sửa chữa điều chỉnh kỳ diệu của ADN nói lên rằng Bà Mẹ Tự Nhiên chẳng thú vị gì với những thay đổi “xộc xệch” đối với những chương trình đã cài đặt cho ADN. Bà Mẹ Tự Nhiên là một nhà thiết kế chu toàn, không chỉ thiết kế ra một chương trình, mà còn thiết kế luôn cả chương trình sửa chữa tự điều chỉnh cho chương trình. Điều đó có nghĩa là “giấc mơ thay đổi chương trình của ADN” để biến loài này thành loài khác chỉ là ước mơ hão huyền, phản tự nhiên, phản sự thật. Điều này cho thấy sự đa dạng hóa của các loài sinh vật dưới thiết kế của Bà Mẹ Tự Nhiên rất sáng tạo và theo một quy định nào đó. Tương tự, các định luật trong vũ trụ cũng là do Bà Mẹ Tự Nhiên ban hành thay vì do vật chất trong tự nhiên tự tập hợp lại như lý thuyết về nguồn gốc sự sống của Darwin dự đoán. Nói một cách đơn giản: Darwin đã dự đoán sai. Sai lầm của ông nằm ở chỗ ông chỉ dựa trên những quan sát đơn giản về sự thay đổi trong môi trường xung quanh và bị đánh lừa bởi những thay đổi đó – những thay đổi mà ông nhìn thấy làm cho ông tưởng tượng ra sự tiến hóa, mà thực chất không có, chỉ có sự biến hóa và sự đa dạng hóa. Một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn TS Phan Chí Thành. Tác giả: Phạm Việt Hưng Email: [email protected] Bài này được đăng bản gốc (bản đầy đủ) trên viethungpham.com. Đọc bản gốc ở đây. Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đại Kỷ Nguyên. (Việt Đại kỷ Nguyên)
  16. Một cặp vợ chồng mới cưới, chú rể người Pháp và cô dâu người Trung Quốc, đang tổ chức hôn lễ theo phong tục của Trung Quốc tại Bắc Kinh, ngày 5 tháng Năm, 2007 (China Photos/Getty Images) Chế độ cộng sản Trung Quốc nổi tiếng với việc kiểm soát tất cả các khía cạnh của đời sống xã hội, gồm cả Internet, tôn giáo, các hãng tin và số con một gia đình được phép sinh. Gần đây chính quyền một quận ở Trung Quốc đã tiến thêm một bước nữa trong việc quy định số tiền chi cho đám cưới và đám tang, hai truyền thống quan trọng ở Trung Quốc. Trong khi những quy định được thông qua dưới danh nghĩa của việc thực hành tiết kiệm trong dân chúng, các công dân Trung Quốc nói rằng họ đã bị trở thành mục tiêu của các quan chức cộng sản tham nhũng, và chế nhạo những biện pháp quá khắc nghiệt này. Các cặp vợ chồng mới cưới ở quận tây nam Kim Dương tỉnh Tứ Xuyên bị cấm nhận tiền mặt và quà tặng trị giá trên 60.000 nhân dân tệ (khoảng 9100 đôla). Họ cũng có thể không được tổ chức hơn một bữa tiệc để ăn mừng lễ thành hôn của họ, và không được có quá 69 bàn tiệc tại bữa tiệc. Cuối cùng, chỉ được phép có 6 xe ô tô để chở thân nhân của cô dâu và chú rể trong ngày cưới. Về việc tang lễ, các gia đình có thể giết không quá 10 con bò, và phải có giấy phép của chính quyền địa phương nếu giết trên 5 con bò. Tiền giấy và hoa giấy, cũng như pháo hoa cũng bị cấm. Việc giết động vật và những đồ dùng để dùng trong tang lễ vốn là một phần không thể thiếu trong đám tang truyền thống Trung Quốc từ thời cổ đại. Các quy định mới được thấy trong một tài liệu có tiêu đề: “Những hướng dẫn của chính quyền quận Kim Dương về hạn chế quà tặng và chi tiêu phung phí trong đám cưới và đám tang”, theo tờ Nhân dân nhật báo trực tuyến, cơ quan ngôn luận của Đảng, ngày 25 tháng 1. Các quy định này áp dụng cho cả người dân bình thường và các quan chức đảng và cán bộ trong quận. Trên Sina Weibo, phiên bản Twitter tiếng Trung, cư dân mạng Trung Quốc bày tỏ sự không hài lòng của họ thông qua những lời bình phẩm sắc sảo. “Chính phủ chỉ nên bắt các quan chức Đảng đi vào khuôn phép”, một cư dân mạng từ Thượng Hải viết. “Đừng bận tâm về công việc của các công dân bình thường.” Một cư dân mạng từ Bắc Kinh cho biết thói quen tiệc tùng quá mức trong các cán bộ Đảng phải được kiềm chế trước tiên. Một số cư dân mạng còn hỏi làm thế nào để một gia đình Trung Quốc trung bình có thể nhận được những món quà cưới sang trọng trị giá hơn 60.000 nhân dân tệ. “Đây là một trường hợp điển hình của mệnh lệnh hành chính vi phạm nhân quyền và luật pháp,” cư dân mạng có biệt danh “whenlfm” từ tỉnh Hà Nam, viết. Zhu Xinxin, một cựu biên tập viên tại Đài Phát thanh nhân dân Hà Bắc của nhà nước, nói với Đài Á Châu Tự Do trong một cuộc phỏng vấn: “Trên bề mặt, bản hướng dẫn nhắm vào một thông lệ xã hội chung, nhưng trong thực tế nó là một biện pháp rất độc đoán.” “Điều này đơn giản là phản ánh sự ngạo mạn của chính quyền, và cho thấy rằng chính quyền thậm chí không biết được mức độ quyền lực của nó hoặc hiểu được các tập quán sinh hoạt chung trong xã hội.” Tác giả: Frank Fang, Epoch Times | Dịch giả: Xuân Dung (Việt Đại Kỷ Nguyên)
  17. Theo truyền thông Nhật Bản, một vụ cướp tài sản táo bạo do một nhóm người Việt gây ra tại tỉnh Saitama khiến một người bị trọng thương. Hôm 23 tháng 2, tại khu chung cư ở thị xã Kamisato thuộc tỉnh Saitama, cách thủ đô Tokyo hơn 80 cây số, một nhóm thanh niên người Việt đã cướp đi một túi xách chứa 500,000 Yen, khoảng gần 4,500 Mỹ kim của một phụ nữ người Việt. Sau đó, một ông người Việt thấy chuyện bất bình đuổi theo và bị nhóm cướp đâm trọng thương. Nhóm cướp đã lên xe bỏ chạy và bị cảnh sát Nhật Bản truy đuổi. Tới trưa ngày 24 tháng 2, cảnh sát Nhật Bản tìm thấy được xe của nhóm cướp chạy trên xa lộ tại thành phố Lida, tỉnh Nagano. Khi bị cảnh sát yêu cầu dừng lại, 3 người trên xe đã bỏ chạy. Cảnh sát đã vây bắt được một nghi can tại làng Achi gần đó. Nghi phạm được xác định danh tính là Nguyen Van Du, 21 tuổi. Du khai nhận đã tới chỗ nạn nhân định vay tiền. Khi không vay được, Du đã cướp số tiền của nạn nhân. Riêng vụ chém người truy đuổi, Du cho biết là do một người khác trong nhóm gây ra. Hai ngày sau, cảnh sát bắt được thêm 2 nghi phạm khác trong nhóm nhưng cả hai đều không nhận đâm người truy đuổi. Cuối cùng nghi phạm đâm người cũng bị bắt và thú nhận tội. Nghi phạm thứ tư được xác định là Vu Ngoc Tuc, 26 tuổi. Nguồn tin cảnh sát sau đó khẳng định, cả bốn nghi phạm bị bắt đều có liên quan tới vụ cướp tại Saitama hai ngày trước đó. Tại cơ quan an ninh, Tuc khai nhận không tham gia vào vụ cướp tiền, mà chỉ đâm người truy đuổi. Hung khí gây án, Tuc đã vứt trên đường trốn chạy. Thanh Lan (SBTN)
  18. VN có đến hàng ngàn lễ hội lớn nhỏ mỗi năm. Mùa lễ hội nhộn nhịp nhất là vào tháng Giêng, sau Tết cho tới tháng Hai, tháng Ba. Vào mùa này tin tức về các lễ hội tràn ngập trên các trang báo và dường như năm nào tình hình cũng giống nhau. Thử điểm qua một loạt bài báo về lễ hội năm nay: “Hỗn loạn cướp lộc chùa Phúc Khánh sau lễ cầu an”, báo VietnamNet, (chùa Phúc Khánh ở phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội); “Hỗn loạn ở lễ hội cướp phết Hiền Quan”, báo Thanh Niên, “Phú Thọ: Giẫm đạp nhau đến đổ máu để cướp phết cầu may”, báo Pháp Luật VN (nói về hội cướp phết ở Hiền Quan, Tam Nông, Phú Thọ); “Dân cướp phết, quan tranh lộc”, báo Thanh Niên; “Rùng mình với những hình ảnh xấu ở lễ hội tháng Giêng”, báo Gia đình; “Chặt, chém ở lễ hội đền Trần”, báo Người Lao Động, (lễ hội Khai ấn đền Trần, tỉnh Nam Định), “Đau đớn cảnh xẻ thịt trâu chọi sống bán với giá “cắt cổ”, báo VietnamNet, (lễ hội chọi trâu truyền thống xã Hải Lựu, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) v.v… Qua những bài báo, kèm những hình ảnh minh họa sống động, người không đi dự cũng có thể hình dung được không khí tại các lễ hội ở VN là như thế nào. Toàn những cảnh rất phản cảm như chen chúc nhau đi lễ hội, tranh nhau cướp phết, cướp ấn, xô đẩy, trèo cả lên bàn thờ cướp đồ lễ, ẩu đả, thừa cơ hội chọc ghẹo, sàm sỡ phụ nữ, rồi nào lễ hội chém lợn đẫm máu, lễ hội chọi trâu với những con trâu điên cuồng lao vào nhau trong tiếng reo hò cổ vũ của người xem, sau đó con trâu giành giải nhất sẽ được đem đi xẻ thịt sống bán với giá cắt cổ, mọi người tranh nhau mua để lấy lộc…Tại những ngôi chùa, phía bên ngoài người ta thản nhiên bày các loại thịt rừng ra bán tràn lan, người đi chùa đua nhau sờ tượng Phật lấy hên, đua nhau rải tiền lẻ khắp nơi, cảnh ăn uống xả rác bừa bãi… Điều đáng nói là những cảnh chặt, chém, cướp, ẩu đả, hỗn chiến, giẫm đạp, máu me-máu người và máu những con vật bị chém, bị xẻ thịt…thường chỉ xảy ra tại các lễ hội ở các tỉnh thành phía Bắc, một phần cũng vì đa số lễ hội mùa này là ở miền Bắc. Một không khí rất phàm tục, kém văn minh. Trước hết, nói về việc đi chùa, đi đền đầu năm. Chùa chiền là nơi tôn nghiêm, thì nay lại tràn ngập một tinh thần mê tín dị đoan, thực dụng, người đi chùa xì xụp khấn vái, hào phóng bỏ tiền ra phóng sinh, làm công đức nhưng chẳng qua chỉ là để cầu may mắn, cầu tài lộc về cho mình và cho gia đình. Nhiều nhà tâm lý học, xã hội học, nhà giáo…cũng đã từng phân tích về hiện tượng mê tín dị đoan này, nó phản ánh tâm trạng chung của đa số người Việt bây giờ. Khi phải sống trong một xã hội rối ren, đạo đức con người bị tha hóa, cái xấu cái ác ngày càng lan tràn, luật pháp thì lỏng lẻo và không phải lúc nào cũng đứng về phía người tử tế, lương thiện nhưng thấp cổ bé họng; một xã hội không có công bằng cũng không có chế độ an sinh xã hội bảo đảm cho con người cơ hội được học hành tử tế, được chăm lo khi ốm đau, khi tai nạn hay khi về già không còn sức lao động…Con người tất nhiên sẽ cảm thấy tương lai bấp bênh, mọi chuyện không còn chỉ phụ thuộc vào việc mình có năng lực, sống đàng hoàng lương thiện, tuân thủ theo luật pháp nữa; cảm thấy mất niềm tin vào bản thân, vào xã hội, chính quyền, luật pháp…và nếu thiếu hiểu biết, sẽ dễ dàng trở nên mê tín dị đoan, cứ phải bám víu, cầu khấn Trời, Phật cho mình được bình an, may mắn, đời sống được khấm khá hơn. Và cũng dễ thấy, không chỉ người nghèo, ít may mắn mới tìm đến chùa chiền cầu may, những người giàu có, đang ăn nên làm ra, quan chức ngồi trên đầu trên cổ dân cũng siêng năng đi chùa, phóng sinh, cầu an, cầu may. Vì tuy họ đang giàu có, ăn sung mặc sướng nhưng phần đông có được sự giàu có, chức tước đó không phải bằng năng lực thật của bản thân, chưa kể những kẻ làm giàu bằng con đường bất chính, qua mặt luật pháp, họ thừa biết một ngày nào đó nếu bị lộ ra, nếu phe cánh của mình bị thất sủng, hoặc nếu chế độ này sụp đổ thì họ sẽ mất hết…Nên càng giàu, càng leo cao thì càng không an tâm, càng phải đi xem bói, đi chùa cầu may, giải hạn…Cả xã hội cứ như lên đồng trong cơn mê tín dị đoan, từ đi thi, làm nhà, lấy vợ, mở cửa hàng làm ăn, mua chức, lên chức…bất cứ cái gì cũng tin vào may rủi, cầu khấn, cúng kiến. Còn về lễ hội, đành rằng đây là phong tục tập quán, là văn hóa lâu đời nhưng phong tục tập quán hay lễ hội là do con người đặt ra từ hàng trăm năm nay, tất sẽ có những cái lạc hậu, thậm chí dã man (như cướp vợ, chém lợn, chọi trâu…) không còn hợp với xã hội văn minh tiến bộ nữa, sao không loại bỏ đi hoặc thay thế bằng những hình thức văn minh, nhân bản hơn? Bên cạnh đó, những chuyện tranh cướp, hỗn loạn tại các lễ hội này năm nào cũng diễn ra, năm nào báo chí và dư luận cũng phản ánh, phàn nàn, tại sao chính quyền địa phương và các cơ quan tổ chức lại không rút kinh nghiệm? Nếu kiên quyết chấn chỉnh, kết hợp tuyên truyền giáo dục với những biện pháp ngăn ngừa, phạt nặng nếu để xảy ra nạn cướp giật, chặt chém…thì chắc cũng bớt đi phần nào. Nếu cho đó là văn hóa VN, thì có thể hiểu tại sao cái văn hóa thực dụng, nặng tính tranh cướp, coi trọng cái ăn, coi trọng tài lộc, hoàn toàn thiếu vắng tính nhân bản ấy cộng với những hệ quả tệ hại, tha hóa về đạo đức xã hội, nhân tính con người do chế độ độc tài độc đảng gây nên đã hình thành nên những nét xấu trong tính cách người Việt như hiện tại. Cứ thử nhìn trong xã hội VN bây giờ, những hành vi thiếu văn minh, thiếu tình người diễn ra khắp nơi. Nhưng tựu trung lại có thể thấy rõ nhất những nét sau: Một là không có thói quen nhường đường, nhường chỗ, luôn luôn cứ phải tranh giành, lấn lướt từ chạy xe ngoài đường, xếp hàng mua một cái gì đó, cho tới trong lễ hội cũng vậy. Hai là tham lam, hám lợi lộc. Không phải ai cũng thiếu thốn nhưng cứ hễ cái gì phát không, cho không là người ta tranh nhau lấy, từ một món hàng khuyến mãi cho tới “lộc”, ấn may mắn…tại các lễ hội. Người Việt thường chỉ nghĩ cho mình, ít khi nghĩ cho người. Nhà mình thì sạch nhưng con hẻm chung hay con đường đi chung thì bẩn thỉu, người ta vô tư xả rác ra đường, kể cả trong đền, chùa…Và cuối cùng là sự thiếu vắng lòng nhân ái, tính nhân bản trong đời sống hàng ngày. Người ta có thể vô tư đứng xem cảnh chém lợn, chọi trâu cũng như đứng nhìn một cảnh đánh nhau đổ máu giữa bàn dân thiên hạ… Dân tộc nào cũng có những thói xấu bên cạnh những tính tốt. Xã hội nào khi còn ở thời chưa văn minh, chưa phát triển thì cũng có những phong tục, hủ tục lạc hậu, những cách hành xử man rợ. Cứ nhìn xã hội châu Âu thời Trung Cổ, thời phong kiến hay nước Mỹ thời mới lập quốc cho tới đầu thế kỷ XX xem. Chỉ có điều bây giờ đã là thế kỷ XXI, cần phải đau lòng, xấu hổ vì những hiện tượng mê tín dị đoan hay tranh giành, hỗn loạn tại các lễ hội vẫn cứ diễn ra ở nước ta! Và cũng đừng quên rằng một mô hình thể chế chính trị tiến bộ, tự do dân chủ, công bằng, thượng tôn pháp luật, để cao những giá trị nhân bản, sẽ giúp cho xã hội ấy phát triển tốt đẹp hơn, những cái ác cái xấu sẽ giảm dần và triệt tiêu, những cái thiện cái đẹp sẽ sinh sôi nảy nở. Điều bất hạnh là dân tộc VN vừa thoát khỏi thời thực dân phong kiến thì lại phải chịu đựng một chế độ độc tài độc đảng cộng với ảnh hưởng của một cái thứ chủ nghĩa cộng sản Mác Lênin vô thần, ca ngợi bạo lực, đấu tranh giai cấp, kích động hằn thù…cho nên người Việt bây giờ mới tệ hại đi nhiều như vậy. Vẫn còn đó những con người tử tế, những hành vi đẹp, nhân ái như ánh lửa trong đêm làm ấm lòng người nhưng nếu chế độ này càng kéo dài thì mức độ tàn phá xã hội, hủy hoại nhân tính càng nặng nề, và những đốm lửa đó sẽ chỉ càng hiếm hoi, hiu hắt mà thôi. Song Chi (Blog RFA)
  19. Ứng cử viên tự do Nguyễn Thúy Hạnh nói bà muốn thực sự làm nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân để đóng góp cho dân, cho nước. Đã và đang xuất hiện một phong trào tự ứng cử bởi các ứng viên độc lập vào Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp trên toàn quốc ở Việt Nam. Nếu trong số này có người trúng cử, thì 'phép thử' này không chỉ có ý nghĩa với cá nhân các ứng viên, mà còn là một 'niềm khích lệ' để những cuộc bầu cử sau 'tốt hơn nữa', theo ý kiến của khách mời tham dự Bàn tròn Thứ Năm của BBC, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển. Các ứng cử viên tự do này nếu không có điều kiện tiếp xúc với nhiều cử tri, thì họ có thể nên vận động và tiếp xúc qua mạng, đó là lời khuyên và 'nhắn nhủ' của cựu Đại biểu Quốc hội, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam. Dự đoán về kết quả đắc cử của các ứng viên tự do tự ứng cử, Giáo sư Thuyết nói với BBC: "Tôi chắc rằng trong số các vị tự ứng cử lần này, trong số đông, thì thế nào cũng sẽ có người trúng cử, chứ hoàn toàn không có ai thì tôi cũng không tin." Quý vị cũng có thể theo dõi toàn văn cuộc tọa đàm trên kênh Youtube của BBC Việt ngữ hôm 25/2/2016 với chủ đề Phong trào Tự Ứng cử và Quốc hội ở Việt Nam tại địa chỉ sau đây: http://youtu.be/socMFYAIzI8 Con số ngoài Đảng Về tác động của phong trào tự ứng cử đối với bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp ở Việt nam, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao nhận xét: PGS. TS Hoàng Ngọc Giao PGS. TS Hoàng Ngọc Giao cho rằng người tự ứng cử trúng cử sẽ có ý nghĩa khích lệ với cộng đồng và các cuộc bầu cử trong tương lai của Việt Nam. "Trước hết chúng ta cần phải nhìn vào cái hạn mức sẽ được bầu, những người ngoài Đảng là 50 người, như vậy phần lớn những người tự ứng cử theo tôi biết là những người ngoài Đảng. Đấy là việc thứ nhất. "Cái thứ hai là việc tự ứng cử như vậy, và con số là 50, nếu như may mắn đạt được con số là 50, thì tôi tin rằng tác động đối với xã hội sẽ rất là tốt và khí thế hồ hởi được tiếp tục "Và nếu như một trong số những người tự ứng cử mà họ trúng cử, thì cái gọi là phép thử của họ đang muốn nói, nó có giá trị, ý nghĩa không chỉ đối với cá nhân họ, mà đối với tất cả những người xung quanh và nó trở thành một niềm khích lệ, để những cuộc bầu cử sau người ta phát huy tốt hơn nữa. "Tuy nhiên, nó cũng có mặt trái của nó. Nếu con số 50 đó mà không được đến 50 mà chỉ 2-3 hoặc dưới mười, thì tôi e rằng không khí hồ hởi hiện nay của chúng ta, nó sẽ trở lại thành một không khí thất vọng và dường như phép thử đó đã được kiểm chứng rằng là 'nói như vậy, nhưng không hẳn lại là như vậy'," ông Hoàng Ngọc Giao nói với BBC. 'Tôi cũng không tin' Cựu Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết bình luận thêm về con số trên, đồng thời chia sẻ về điều mà ông dự đoán và tin tưởng về hiệu quả của việc tự ứng cử, ông nói: "Theo tôi hiểu, con số 50 là tỷ lệ những người ngoài Đảng, gồm cả những người do Đảng giới thiệu là ngoài Đảng thì mới đạt được con số ấy, nhưng mà có lúc đạt được, có lúc không đạt được. "Tôi chắc rằng chúng ta cũng phải có sự hy vọng, nhưng tôi cũng muốn có một lời gửi gắm với các vị tự ứng cử, là theo tôi mình không có nhiều điều kiện tiếp xúc với nhiều cử tri như là Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao đã nói, thì mình có thể tiếp xúc, có thể vận động bầu cử qua mạng. " Bây giờ các bạn trẻ đọc mạng nhiều lắm và đấy cũng là một con đường rất tốt." Về khả năng trúng cử của những người tự ứng cử là ứng viên tự do trong kỳ bầu cử 2016, cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam nói thêm: GS. Nguyễn Minh Thuyết khuyên các ứng viên tự do tự tranh cử vận động bầu cử nhiều hơn qua mạng, nếu không có điều kiện gặp gỡ nhiều cử tri. "Khả năng trúng cử ngay trong kỳ bầu cử tới của rất nhiều người tự ứng cử thì cũng khó, mặc dù tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn còn thời gian để làm cho đông đảo cử tri người ta hiểu về mình và người ta ủng hộ mình. "Nhưng mà tôi chắc rằng trong số các vị tự ứng cử lần này, trong số đông, thì thế nào cũng sẽ có người trúng cử, chứ hoàn toàn không có ai thì tôi cũng không tin," Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói với Bàn tròn của BBC. 'Tín hiệu tích cực' Về việc phong trào tự ứng cử của công dân sẽ tác động thế nào tới bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ở Việt Nam, bà Nguyễn Thúy Hạnh, sinh năm 1963, nguyên chuyên viên phụ trách đối ngoại của một công ty lớn ở Việt Nam, ứng viên tự do trong kỳ bầu cử năm nay, nói với BBC: "Tôi thấy là từ khi tôi tuyên bố ứng cử đến giờ, tôi thấy có tín hiệu rất đáng mừng từ phía nhân dân, cụ thể là những người bạn tôi, những người sống quanh tôi, những người hàng xóm, hoặc là gia đình, chị em, họ hàng của tôi, thì trước kia họ thấy vấn đề này rất lạ lẫm và thậm chí còn sợ sệt nữa. "Nhưng mà từ khi tôi tuyên bố là sẽ tham gia ứng cử, tôi rất ngạc nhiên, trước khi tôi tham gia thì tôi không hỏi ý kiến ai cả, bởi vì nghĩ là nếu có hỏi thì mọi người cũng sẽ phản đối thôi. "Nhưng rất lạ là tất cả những người bạn của tôi mà ngày xưa không bao giờ quan tâm đến những vấn đề này, và gia đình, họ hàng, những người bạn thân đến những người bạn ở xa đều ủng hộ tôi và rất vui mừng, thậm chí lại còn khích lệ tôi nữa. "Điều đấy cho thấy là đã có những tín hiệu thay đổi rất tích cực ở trong nhận thức của mọi người về vấn đề này, " bà Hạnh, người mà Chương trình Hành động có hai mảng chính là bảo vệ chủ quyền đất nước và bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, nói với BBC. Mời quý vị theo dõi toàn bộ cuộc Tọa đàm Bàn tròn của BBC Việt ngữ về chủ đề tự ứng cử và bầu cử Quốc hội Việt Nam tại đây. (BBC)
  20. Tổng thống Obama diễn thuyết trước Quốc hội Hoa Kỳ Tháng 3 này, một phái đoàn của Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có thể sẽ đến Hà Nội để bàn thảo về lịch trình cụ thể cho chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Obama. Một chủ đề đang được phía Mỹ quan tâm là Tổng thống Obama sẽ đi đâu, gặp ai và nói gì? Dĩ nhiên những gì là thông lệ ngoại giao thì bắt buộc phải làm không cần bàn cãi vô ích, thí dụ như đi hội kiến với lãnh đạo nước chủ nhà và dự quốc yến. Nhưng, để đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại và để lại dấu ấn riêng cho mình thì bất cứ vị nguyên thủ quốc gia nào cũng phải suy nghĩ và nhất là Mỹ, một quốc gia đã từng có ân oán, nặng tình một thời với Việt Nam; đồng thời Tổng thống Obama cũng chỉ còn vỏn vẹn vài tháng trước khi rời chính trường. Tổng thống Obama là vị Tổng thống Mỹ đương nhiệm thứ ba, dự kiến sẽ đến thăm Việt Nam tháng 5 sắp tới, kể từ khi hai nước chính thức bình thường hoá bang giao năm 1995. Dĩ nhiên, ông không muốn lặp lại những gì mà những người tiền nhiệm như Tổng thống Bill Clinton và George Bush (con) đã làm. Ông nhất định sẽ phải để lại một dấu ấn riêng, đặc biệt và lịch sử. Tổng thống Obama là người nổi tiếng với tài hùng biện trước đám đông, và ông đã từng diễn thuyết thành công vang dội tại Berlin trước một cử toạ khoảng 200.000 người, vài tháng trước khi ông đắc cử tổng thống năm 2008. Ông Obama và bà Merkel tại Berlin Bài diễn văn Berlin này, phần nào đã định hình chính sách ngoại giao Hoa Kỳ của chính phủ ông. Vì thế, Việt Nam có thể sẽ là nơi mà ông đến, để tổng kết hai nhiệm kỳ của ông cũng như để làm "điểm nhấn" kế tiếp cho chính sách "chuyển trục Á Châu" của ông; đồng thời phác họa đại cương những điều mà ông cho là quan trọng trong thời gian tới cho các vị kế nhiệm. Cam kết Mỹ ở lại Á Châu - Thái Bình Dương Tháng 11/2011, trong bài diễn văn trước Quốc hội Úc, Tổng thống Obama đã tuyên bố rằng "Á Châu - TBD là trọng tâm hàng đầu của chính sách an ninh Hoa Kỳ" và ông công bố chiến lược "tái cân bằng" với kế hoạch tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Ông Obama sau bài diễn thuyết tại Dehli, Ấn Độ tháng 12/2015 Ông cũng mạnh mẽ cam kết rằng "khu vực này sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự khó khăn tài chính của Hoa Kỳ sau khi nhấn mạnh Hoa Kỳ là một quốc gia Thái Bình Dương và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục ở lại đây". Chính vì thế mà các lãnh đạo trong khu vực cũng muốn được nghe ông nói lần cuối trước khi Hoa Kỳ có lãnh đạo mới. Có tin cho biết rằng đã có gợi ý đề nghị chính phủ Việt Nam cho phép ông phát biểu trước công chúng tại sân tiền đình của Dinh "Độc Lập" cũ ở Sài Gòn nhưng phía Việt Nam quan ngại và đưa ra điều kiện chỉ sẽ có thể chấp nhận nếu Hoa Kỳ đồng ý hủy bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hôm 15/2, tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN ở Sunnylands, cũng đã nhắc lại với Tổng thống Obama về điều này, nhưng ở hậu trường, thì phía Mỹ đã cho Việt Nam hiểu rằng sẽ không bao giờ có điều đó khi Hà Nội chưa đáp ứng được "yêu cầu nhân quyền" của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ vẫn sẵn sàng tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng, một cách sâu rộng và toàn diện, với Việt Nam. Trong một diễn biến khác rất đáng chú ý, đó là phát biểu của Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương, trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện hôm 23/2, ông này khẳng định rằng, "Tôi tin là Trung Quốc đang mưu tìm bá quyền ở Đông Á" và ông đề nghị "hải quân Hoa Kỳ cung cấp thêm các tàu ngầm tấn công tới Châu Á, tăng cường hiện đại hóa thiết bị, đầu tư vào các phi đạn thế hệ mới để đối phó với các đối thủ tiềm năng như Trung Quốc". Trả lời câu hỏi của Thượng nghị sỹ John McCain, cũng trong phiên điều trần nói trên, liên quan đến việc liệu có nên dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam hay không. Đô đốc Harry Harris khẳng định "Tôi nghĩ đây là cơ hội chiến lược quan trọng cho Hoa Kỳ và, tôi cho rằng người dân Việt Nam sẽ hoan nghênh cơ hội làm việc gần gũi hơn với Mỹ như là một đối tác an ninh mà họ chọn lựa... Tôi nghĩ chúng ta nên cải thiện quan hệ với Việt Nam". Cách mạng Tháng 8/1945 Qua trên, chúng ta có thể nhận định rằng, nội bộ chính quyền Obama thời gian gần đây đã có những thay đổi lớn trong tư duy về cách tiếp cận với Hà Nội vì nhu cầu trước mắt và thực tiễn, nhưng nhìn tổng thể quan hệ Việt - Mỹ trong chiến lược lâu dài thì điều kiện "nhân quyền" vẫn là yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững và thành công giữa hai quốc gia. Cho nên việc cung cấp, trang bị và thậm chí chuyển giao một số công nghệ quốc phòng vẫn có thể xảy ra nhưng sẽ giải quyết theo nguyên tắc của từng trường hợp cụ thể một. Tổng thống Obama có thể sẽ sẵn sàng cấp thêm viện trợ quân sự cho Việt Nam và cho phép thỏa mãn một số đơn đặt hàng quân cụ, vũ khí hiện đại cho lực lượng không và hải quân Việt Nam trong chuyến đi lịch sử này. Quảng trường Ba Đình và Ý chí Độc Lập Dường như đã có gợi ý phản hồi từ các cơ quan chức năng của cả hai phía là sẽ có một giải pháp thỏa đáng thông qua đàm phán. Trước tình hình đó, chúng ta thử mạn phép gợi ý Hà Nội nên để Tổng thống Obama có bài phát biểu nêu trên tại quảng trường Ba Đình; nơi đây cũng là nơi cố Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đọc Tuyên ngôn Độc lập. Lãnh đạo TQ, ông Tập Cận Bình đã đọc diễn văn tại QH Việt Nam năm 2015 Đây cũng là thủ đô của Việt Nam hiện nay và nơi đây có thể được cho là "an toàn hơn" cho chế độ. Đổi lại, Tổng thống Obama, ngoài việc thỏa mãn một số yêu cầu cụ thể về hợp tác quân sự, ông cũng sẽ nhấn mạnh đến ý chí "độc lập" của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Đồng thời qua bài diễn văn này, Tổng thống Obama cũng có thể đưa ra một thông điệp mới, định hình chính sách Á Châu -Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Đây có thể là phép thử cho ý chí "độc lập" của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, cái mà họ đang rất cần để "chính danh" sự cầm quyền của họ. Luật sư Vũ Đức Khanh Gửi cho BBC từ Canada Bài viết thể hiện quan điểm của luật sư Vũ Đức Khanh từ Ottawa, Canada. (BBC)
  21. Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2016-02-26 In trang này Chia sẻ Ý kiến của Bạn Email Nghe hoặc Tải xuống Các đại biểu tới dự lễ khai mạc Đại hội đảng lần 12 tại Hà Nội ngày 21 tháng 1 năm 2016. AFP photo Xã hội dân sự là các hội nhóm dân sự góp phần tạo dựng đời sống xã hội thăng tiến qua việc xây dựng, thúc đẩy tiến trình dân chủ mà một trong những hình thái quan trọng nhất là ứng cử và bầu cử. Tại Việt Nam trước phong trào tự ứng cử trong thời gian qua chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 5 sắp tới, vai trò của các hội nhóm xã hội dân sự hiện nay còn quá rời rạc và thiếu sự phối hợp với nhau khiến sức mạnh tập thể không phát huy được để có thể hổ trợ hữu hiệu phong trào này. Báo Quân đội Nhân dân số ra ngày 22 tháng 2 có bài viết: "Cần tỉnh táo trước những thủ đoạn phá hoại cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV” tập trung lên án các cá nhân tự ứng cử vào quốc hội khóa này. Với những lập luận quen thuộc tờ báo nhắc lại “việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và tự ứng cử phải bảo đảm theo đúng quy trình, trong đó phải bảo đảm việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật” Lập luận trên cho thấy tờ báo Đảng đã tỏ ra lo ngại về phong trào người dân tự ứng cử ngày một nghiêm túc và bài bản hơn mặc dù ai trong số những người tự ứng cử cũng biết chắc một điều khó mà qua được ba cửa ải hiệp thương để có tên trên lá phiếu cử tri. Lo ngại này cho thấy phong trào nói không với chính sách Đảng cử dân bầu tuy còn yếu ớt nhưng đã thành hình một cách rõ nét trong một bộ phận người dân, bắt đầu từ xã hội dân sự, nơi tập hợp những con người cùng chung mục đích. TS kinh tế Phạm Chí Dũng, một nhà báo tự do trong Hội nhà báo độc lập Việt Nam cho biết nhận xét của ông về khó khăn và thuận lợi của người ứng cử độc lập qua hệ thống mạng xã hội, ông nói: Hiện nay các nhóm ứng cử viên độc lập không có truyền thông nhà nước mà họ chỉ có truyền thông mạng xã hội hay là nói nôm na là truyền thông lề dân. Nhưng dù sao thì nó cũng phản ảnh một phần cái ưu thế của truyền thông độc lập. Chúng ta cũng nên tận dụng cái ưu thế trước, trong, và sau đại hội 12 thì mạng xã hội đã chiếm một vai trò nổi bật không ngờ tới và thậm chí một số phe phái trong đảng đã phải dùng mạng xã hội để tung ra các đòn triệt hạ lẫn nhau. Từ đó vai trò của mạng xã hội không chỉ trong việc ủng hộ cho các nhóm ứng cử viên độc lập mà còn giúp cho về mặt truyền thông và làm cho anh chị em ứng viên độc lập được nhiều người biết tới. Vai trò của xã hội dân sự có lẽ đậm nét nhất trong việc cáo giác vi phạm luật ứng cử và bầu cử cho cộng đồng. Trường hợp của Mục sư Nguyễn Trung Tôn là điển hình cho hành vi cưỡng bức có chủ đích ngăn cản người tự ứng cử, Mục Sư Nguyễn Trung Tôn kể lại việc ông nộp đơn tự ứng cử mới đây: Hai nhân viên đem hồ sơ lại và nói lãnh đạo không ký vì hồ sơ anh khai lý lịch như vậy không được. Cái mẫu lý lịch không phải mẫu này mà anh ra ngoài chợ anh mua mới được. Khai lý lịch thì khai tôn giáo: không, đừng khai là Tin lành đừng khai là mục sư khia lý lịch đơn giản thì bọn em xác nhận. Còn cái đơn xin ứng cử thì nói thật với anh là theo quy định thì phải tốt nghiệp đại học mới được. Ông Nguyễn Huy Vũ, người có nhiều bài viết đóng góp cho phong trào tự ứng cử cho biết nhân xét của ông: Lực lượng ứng cử tự do hiện nay ngoài những vấn đề những khó khăn về truyển thông, về cơ chế, về tổ chức thì cái rào cản lớn nhất hiện nay họ chưa được sự ủng hộ rộng rãi của các trí thức lớn của chế độ. Nếu họ có được một sự ủng hộ rộng rãi và vận động ủng hộ của các trí thức nhằm đòi hỏi một cuộc bầu cử nghiêm túc và ủng hộ họ ra ứng cử thì tôi nghĩ tình hình nó sẽ thay đổi nhanh chóng bởi vì tiếng nói của trí thức lớn của chế độ sẽ giúp lập ra tính chính danh của phong trào tự ứng cử. Dù sao nó chỉ đòi hỏi một cái quyền bầu cử và ứng cử vốn đã được hiến đinh trong hiến pháp Việt Nam. Khi người ta thấy được rằng ra ứng cử và được sự ủng hộ có tính chính danh của xã hội thì sẽ có nhiều người ra ứng cử hơn và lúc đó nó sẽ phá vỡ cơ chế hiện nay. Cho nên cái điểm mấu chốt nhất hiện nay giúp cho phong trào là có được sự ũng hộ rộng rãi hơn và lên tiếng mạnh mẽ hơn của các trí thức lớn trong chế độ. Vai trò của truyền thông độc lập Sự ủng hộ của xã hội dân sự quan trọng như vậy nhưng khó mà tập trung trong hoàn cảnh hiện nay. Tuy nhiên nếu kết hợp được với truyền thông ngoài luồng thì vẫn có thể đánh động được quần chúng, ông Phạm Bá Hải, điều phối viên của hội Cựu tù nhân lương tâm cho biết: Xã hội dân sự người ta có thể đóng vai trò cử tri để ủng hộ ứng cử viên độc lập. Những người mà chúng ta ủng hộ họ rất cô đơn vì hệ thống truyền thông là lực lượng của nhà nước đều bị kiểm soát cả. Các tổ chức xã hội dân sự chúng ta nên vận động những thành viên và dùng truyền thông để ủng hộ cổ xúy cho các quan điềm của ứng cử viên tạo nên cái lực truyền thông để dân chúng người ta biết quan điểm là lập trường xây dựng đất nước của ứng cử viên nhằm tác động vào quần chúng nói chung và đất nước. TS Phạm Chí Dũng cũng cùng chung quan điểm về truyền thông mạng, một kênh quan trọng bậc nhất hiện nay đối với xã hội dân sự: Với tình hình một nửa dân số Việt Nam đang có Internet mà trong đó có khoản 10 % quan tâm đến vấn đề dân chủ nhân quyền thì tôi hy vọng rằng trong số 10 % đó, khoảng gần 5 triệu người Việt Nam họ sẽ quan tâm tới vấn đề ứng cử viên độc lập và nó có lợi ích thế nào đối với quốc hội Việt Nam, đối với việc cải cách Việt Nam trong tương lai và họ sẽ ủng hộ một phần cho ứng cử viên độc lập. Tôi nghĩ rằng đó là những vấn đề chính ngay trước mắt mà giới truyền thông, giới luật sư cũng như các ứng cử viên độc lập cần phải thực hiện ngay để có thể thúc đẩy quá trình ứng cử độc lập. Đồng thời một việc nữa là để đối phó với những tình huống bất trắc của các ứng cử viên độc lập thì từng ứng cử viên độc lập nên thường xuyên thông báo cho các cơ quan truyền thông độc lập về tình trạng an ninh rủi ro của mình. Nếu như có bị chính quyền tổ chức những thủ đoạn, kỹ thuật chơi xấu thì truyền thông độc lập cần lên tiếng ngay để bảo vệ. Cho dù còn quá sơ khai và tập trung không đồng bộ, xã hội dân sự vẫn là một giải pháp cần thiết cho ứng viên độc lập vì xã hội dân sự là số đông, nếu tập trung được những khối óc và sức mạnh tập thể cũng như biết sử dụng, khai thác sức mạnh ấy thì phong trào tự ứng cử sẽ đạt được những thành công nhất định ban đầu, để từ đó làm bước đệm cho các hoạt động dân chủ sau này.
  22. Nam Nguyên, phóng viên RFA 2016-02-26 In trang này Chia sẻ Ý kiến của Bạn Email Nghe hoặc Tải xuống Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, ảnh minh họa chụp hôm 2/7/2015 tại Hà Nội. AFP Nhóm quyền lợi xâu xé nền kinh tế Ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ rời cương vị Thủ tướng trong vài tháng nữa, hai nhiệm kỳ kéo dài 10 năm của ông để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Tình trạng thâm hụt ngân sách triền miên, một núi nợ công khó trả, những nhóm quyền lợi xâu xé nền kinh tế, bất công và tham nhũng tràn lan. Bên cạnh sự phân hóa giàu nghèo đến mức độ khó tưởng tượng, còn là thực tế Việt Nam đã tụt hậu so với các nước láng giềng trong khu vực vài chục năm. Ông Nguyễn Tấn Dũng tất nhiên có trách nhiệm của người đứng đầu chính phủ, nhưng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ trương lấy quốc doanh làm chủ đạo không phải là của riêng ông, mà là của Đảng Cộng sản và ông là người đứng ra thực hiện. Trên báo chí Việt Nam, không ít lần Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tự hào là đã đưa Việt Nam vào danh mục các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Thu nhập đầu người ở Việt Nam khi ông Nguyễn Tấn Dũng khởi sự nhiệm kỳ vào năm 2006 là 715 USD đã leo lên 2.109 USD vào cuối năm 2015. Tuy vậy nợ công của Việt Nam trong 10 năm qua cũng tăng chóng mặt, năm 2006 là 22,7% GDP và đến cuối năm 2016, lúc ông Nguyễn Tấn Dũng chuẩn bị từ giã sự nghiệp chính trị, nợ công được dự báo là 64,9% GDP. Điều này được chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác định với Quốc hội ngay từ những tháng đầu năm 2015 và được báo Dân Trí đưa lên mạng ngày 12/2/2015. Trả lời Nam Nguyên tối 25/2/2016, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định: “Thu nhập tăng lên thì thực ra không đúng thực tế, đấy chỉ là con số báo cáo chứ rất ít người tin rằng chuyện đó là có thật. Nợ công nói rằng sáu mươi mấy phần trăm thì tôi không tin, nó phải hơn số đó rất nhiều. Thống kê còn chênh lệch nhau quá mức, thậm chí nói kinh tế của các tình thành phố tăng lên vuợt bực nhưng kinh tế cả nước thì chậm lại. Thực tế mà nói thì cũng chỉ được cái bề mặt, chứ thực sự nền kinh tế vẫn còn đang tụt hậu so với thế giới, tôi cho là không phải vài ba chục năm mà còn nhiều hơn nữa.” Như vậy nền kinh tế Việt Nam trong 10 năm qua đã có những tiến bộ gì đáng kể. Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa tiếp lời: “Năng suất lao động của Việt Nam so với các nước lân cận như Thái Lan, Singapore thì Việt Nam rất kém cỏi. Nếu có tăng về xuất khẩu hay bề nổi sự phát triển công nghiệp nói chung, tôi cho rằng phần lớn là nhập khẩu chứ chưa có một cái gì gọi là tự lực cánh sinh cả. Nếu thẳng thắn nhận xét thì nền kinh tế Việt Nam vẫn là một nền kinh tế chậm phát triển và tụt hậu so với mức phát triển của thế giới.” Ngày 20/2/2016 Saigon Times online đưa lên mạng bài viết ‘Nhìn lại chủ trương lấy quốc doanh làm chủ đạo’ của TS Vũ Quang Việt nguyên chuyên viên kinh tế của Liên Hiệp Quốc. Bài viết không nêu tên người đứng đầu chính phủ nhưng thực tế đánh giá 10 năm 2006-2015 Việt Nam hai lần thất bại trong chính sách lấy quốc doanh làm chủ đạo để nhắm tốc độ tăng GDP cao. Trong bài TS Vũ Quang Việt chỉ ra những chính sách đã tạo ra bất ổn trong nền kinh tế từ năm 2006 đến nay. Chúng tôi xin phép trích thuật: “Sự bất ổn này có thể kể ra gồm lạm phát cao, nợ cao khó trả, ngân sách thiếu hụt lớn, chênh lệch giàu nghèo. Tất cả là kết quả của chủ trương xây dựng doanh nghiệp lấy quốc doanh làm chủ đạo - không hẳn là theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013 và trước đó. Và đi cùng với chủ trương này là việc cho phép lập hàng loạt công ty con, kể cả ngân hàng chứng khoán, xây dựng và buôn bán địa ốc, nửa công nửa tư ăn theo - chủ yếu là các loại doanh nghiệp dịch vụ đầu cơ, rồi tập trung vốn cho chúng.” TT Nguyễn Tấn Dũng (đứng) tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 hôm 25/1/2016. TS Vũ Quang Việt phân tích sự khác biệt về vai trò quan trọng của nhà nước đối với nền kinh tế giữa các nước xã hội chủ nghĩa kiểu cũ và các nước kinh tế thị trường. Một phía nhà nước nắm toàn bộ nền kinh tế, vai trò tư nhân không đáng kể. Phía kia, nhà nước có vai trò xây dựng và thi hành luật pháp nhằm bảo đảm các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng và chính quyền chỉ can thiệp vào chính sách vĩ mô nhằm ổn định thị trường. đồng thời thực hiện các đầu tư công mà khu vực tư nhân không muốn hay không có khả năng đáp ứng. Kinh tế tăng trưởng mạnh hay yếu là tùy thuộc vào sự cạnh tranh vì lợi nhuận của tư nhân. Vẫn theo TS Vũ Quang Việt và SaigonTimes Online : “Việt Nam cổ võ cho tư duy lấy quốc doanh làm chủ đạo, công hữu hóa đất đai mà thực tế là giao cho chính phủ quyền làm chủ đất đai và phân phối cho ai tùy ý, dùng tiền ngân sách và tín dụng mà mình kiểm soát lập ra các doanh nghiệp quốc doanh, từ đó giới có quyền thế tạo ra các công ty con nửa nhà nước nửa tư nhân, trong một hệ thống gọi là tập đoàn để lợi dụng ưu đãi về tín dụng và thu dụng đất công làm của tư.” Việt Nam đã tụt hậu hàng chục năm Chúng tôi xin nhắc lại, các Tập đoàn quốc doanh được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ví von là những quả đấm thép của nền kinh tế đã không mang lại hiệu quả như mong muốn. Sự sụp đổ của Tập đoàn Vinashin làm thất thoát 86.000 tỷ đồng năm 2010, hay các vụ bê bối và thất thoát tiền nhà nước ở Vinalines là những ví dụ điển hình. Ngoài ra chính sách lấy quốc doanh làm chủ đạo mà sau này đổi là khu vực kinh tế Nhà nước chủ đạo nền kinh tế. Sau hai nhiệm kỳ tổng cộng 10 năm áp dụng chính sách lấy quốc doanh làm chủ đạo, Việt Nam hiện nay vẫn theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và sự cải cách thể chế không có tiến bộ thực sự. Việt Nam đã tụt hậu hàng chục năm so với láng giềng Malaysia hay Thái Lan chứ không dám nói tới Singapore. Ngày 23/2 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam công bố lộ trình phát triển tới năm 2035. Theo đó nếu Việt Nam nghiêm túc cải cách thể chế kinh tế và chính trị theo các khuyến cáo, thì cũng phải 20 năm nữa người Việt Nam mới có mức thu nhập tương đương các nước láng giềng như Malaysia thời điểm 2010. Nói cho rõ nếu cải cách thành công thì 20 năm nữa thu nhập đầu người của Việt Nam mới bằng nước bạn Malaysia của 25 năm trước, lúc đó không biết nước bạn thực tế đã tiến xa hơn đến đâu nữa. Câu chuyện vừa nghiêm túc vừa xót xa. Trong cuộc phỏng vấn tối ngày 23/2/2016, TS Lê Đăng Doanh thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hiệp Quốc đã nhận định về thách thức phải cải cách. Ông nói: “Chủ tịch Ngân hàng Thế giới đã thắng thắn đề cập là Việt Nam cần phải mạnh mẽ nâng cao năng suất lao động, nâng cao sự sáng tạo hiệu quả và phải phát triển mạnh mẽ năng lực cạnh tranh. Muốn như vậy thì Việt Nam phải cải cách về mặt thể chế và nếu như những điều đó được giới lãnh đạo được Đại hội 12 đã bầu ra thực hiện, thì Việt Nam với tiềm năng của mình hoàn toàn có thể đạt được những tiến bộ như đã đề ra. Nếu như công cuộc cải cách không vượt qua được sự cản trở của nhóm lợi ích và không tự mình vượt qua được những ràng buộc mà mình tự buộc mình vào, tự hạn chế mình thì Việt Nam sẽ ngày càng bị tụt hậu xa hơn.” Ngày 24/2/2016 Báo mạng VnExpress trích lời Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cảnh báo trước quốc hội về nguy cơ bất ổn xã hội do khoảng cách giàu nghèo. Ông Ksor Phước đã góp ý về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trước đó tại Đại hội Đảng 12, ông Nguyễn Quốc Cường Chủ tịch hội Nông dân Việt Nam báo động là khoảng cách giàu nghèo đang cách biệt hơn 10 lần. Trao đổi với chúng tôi, Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa cho rằng hiện rất khó để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam. Ông nói: “Bây giờ đất đai tập trung vào những người có quyền thế, những người có tài chính. Những chỗ đất đai đẹp nhất ở các thành phố hay ở vùng nông thôn thì lại rơi vào tay những người có tiền, còn người ta có tiền từ nguồn gốc nào thì mình cũng không biết được. Rõ ràng là họ có những tài sản rất lớn, tôi lấy ví dụ ở Hà Nội những nơi đẹp nhất thuộc về những người có nguồn tài chính rất lớn, những cái đó tạo ra thu nhập rất lớn cho họ, bên cạnh họ lại có một bộ máy giúp việc rất đắc lực và như vậy những người khác trở thành những người làm thuê thôi. Xã hội nào cũng có việc đó. Nhưng ở Việt Nam tôi cho rằng mấy năm gần đây sự cách biệt rất nhanh và rất lớn. Cần có nghiên cứu và trả lời cho dân chúng, chứ cứ nói cách biệt giàu nghèo thể hiện rõ ràng, nhưng chưa ai dám phát biểu công khai là nguyên nhân tại đâu mà ra, chưa có cái đó.” Nguyên nhân cách biệt giàu nghèo ở Việt Nam có lẽ chỉ có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và chính phủ của ông mới có lời giải đáp, vì ông đã lãnh đạo Chínhnh phủ 10 năm liên tiếp. Tiếc rằng trong 7 điểm hạn chế và yếu kém trong nhiệm kỳ Thủ tướng, được Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình bày trước Quốc hội chiều 24/2/2016, đã không có nội dung nào liên quan tới vấn đề này.
  23. Các diễn giả: Ông Hoàng Đức Nhã, bên trái, Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng và Giáo Sư Vũ Tường (ảnh Bùi Văn Phú). Tin liên hệ Việt Nam không có dân cử, dân bầu – Chỉ có Đảng cử, Đảng bầu Thượng đỉnh Sunnylands không có gì đột xuất Ngày xuân mơ ước sum vầy Xem Super Bowl cùng đón Tết Vì sao cựu-tân TBT Nguyễn Phú Trọng trắng trợn nói sai sự thật như thế? Ðường dẫn Bạn đọc làm báo Bùi Văn Phú 25.02.2016 Thứ Bảy 20/2 vừa qua là một ngày có nhiều cựu quan chức chính quyền Việt Nam Cộng hòa từ phương xa về San Jose hội ngộ, trong đó có ông Hoàng Đức Nhã, Tổng trưởng Dân vận Chiêu hồi và cũng là bí thư của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu; Tổng trưởng Kinh tế Nguyễn Đức Cường, Tổng trưởng Phát triển Nông thôn Cao Văn Thân và Thứ trưởng Canh nông Trần Quang Minh. Buổi sáng, một số khách phương xa khác gồm Giáo sư Đại học Oregon Vũ Tường, Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng và vợ là cựu giáo sư truyền thông Lê Phan – con gái của cố Thủ tướng Phan Huy Quát – đến từ London và Tiến sĩ Nguyễn Văn Hành đến từ Sacramento đã cùng đoàn cựu quan chức đi thăm Việt Museum, tức Bảo tàng Thuyền nhân và Việt Nam Cộng hòa, trong Kelly Historical Park. Các vị khách đã được nhiều nhân sĩ đón tiếp và được cựu Đại tá Tiếp vận Vũ Văn Lộc hướng dẫn đi thăm một công trình do ông khởi xướng xây dựng từ hơn một thập niên qua. Đến bảo tàng khách có thể tìm lại hình ảnh và di vật của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, từ bộ quân phục đến những tấm huy chương, khẩu súng. Từ di ảnh của những vị lãnh đạo miền Nam, di vật của tù cải tạo, mô hình Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà đến đài tưởng niệm những tướng lãnh và binh sĩ đã tuẫn tiết khi miền Nam rơi vào tay cộng sản ngày 30/4/1975. Tác phẩm của Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng. Bảo tàng có con tàu vượt biển, có tranh ảnh về đời sống trại tị nạn và các di vật người vượt biển đã đem theo, để từ đó hình thành cộng đồng người Mỹ gốc Việt và vươn lên trong mọi lãnh vực từ thương mại, truyền thông, giáo dục, tôn giáo đến chính trị với hai nghị viên trong hội đồng thành phố San Jose mà Nghị viên Nguyễn Tâm hôm nay cũng có mặt để chào đón khách phương xa. Buổi chiều phái đoàn tham dự buổi ra mắt sách Nhìn lại Sử Việt thời cận hiện đại, 1945-1975 [Nxb Tổ hợp Xuất bản Miền Đông Hoa Kỳ, 2015] của Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng được tổ chức tại trụ sở của Khu hội cựu Tù nhân Chính trị Bắc California. Tại đây có mặt cựu Thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình, chỉ huy trưởng Phủ đặc ủy Trung ương Tình báo; cựu Đại tá Hải quân Trần Thanh Điền, cựu Trung tá Bùi Quyền, cựu Thẩm phán Di trú Phan Quang Tuệ, các Luật sư Hoàng Cơ Long, Lê Duy San cùng khoảng 200 khách. Thay mặt cho khu hội, ông Mai Khuyên đã chào đón quan khách và điều khiển phần khai mạc chương trình với nghi lễ chào cờ Mỹ-Việt, phút mặc niệm các chiến binh đã hy sinh vì lý tưởng tự do, những người đã chết trên đường vượt biên, vượt biển và nghi thức niệm hương trước bàn thờ anh linh các chiến sĩ. Giáo sư Vũ Tường, thuộc khoa chính trị học Đại học Oregon, đã giới thiệu tập sách của Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng, một tác phẩm đồ sộ, dày 743 trang, và là tập sau cùng trong bộ thông sử gồm 5 quyển, tổng cộng hơn 2500 trang. Theo nhận xét của giáo sư, công trình này rất giá trị vì sử dụng nguồn tài liệu mới nhất và từ nhiều nguồn khác nhau nên tác giả đã vất vả xử lý để giữ được sự khách quan cần thiết về một giai đoạn lịch sử mới qua chưa lâu và có rất nhiều người đã trải qua mà nay còn sống. Vụ Ôn Như Hầu 1946 khi Việt Minh giết người của Quốc dân Đảng mà theo tác giả tập sách còn có những nghi vấn về một tài liệu chưa biết do phe nào đưa ra để tạo mâu thuẫn giữa Pháp và Việt Minh. Quốc dân Đảng có thực sự là tác giả tài liệu đó hay an ninh của Võ Nguyên Giáp ngụy tạo để tìm cớ tiêu diệt người quốc gia? Theo Giáo sư Tường, đây là sự cẩn trọng của tác giả khi nêu ra những nghi vấn và sự kiện này cũng cần được nghiên cứu thêm. Chính sách điền địa của Tổng thống Ngô Đình Diệm là những trì trệ, không giúp được nhiều cho nông dân. Chiến dịch tố cộng của chính quyền Tổng thống Diệm làm suy yếu hạ tầng cơ sở Việt Cộng nhưng cũng đã quấy rầy nhiều người chỉ vì bị nghi là cộng sản. Đó cũng là những khuyết điểm thời ông Diệm, theo ghi nhận của Giáo sư Tường về nội dung của cuốn sách. Các diễn giả: Ông Hoàng Đức Nhã, bên trái, Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng và Giáo Sư Vũ Tường (ảnh Bùi Văn Phú). Về nguyên nhân đưa đến chiến tranh Việt Nam trong những năm của thập niên 1940, tác giả đề cập đến xung đột trong giới lãnh đạo Quốc dân Đảng Trung Hoa giữa Tưởng Giới Thạch và các tướng Trương Phát Khuê, Long Vân hay Lư Hán. Nhờ Trương Phát Khuê bất hòa với Tưởng mà Hồ Chí Minh bị bắt rồi được thả. Sách cũng đưa ra luận điểm của nhiều phe, từ Mỹ, Pháp, Nhật, Trung Hoa, liên quan đến chiến tranh Việt Nam qua nhiều giai đoạn. Theo Giáo sư Tường, Sài Gòn không phải là tay sai của Mỹ và Hà Nội không phải là tay sai của Nga, Tầu và đã có những quyết định riêng, không muốn để cho các thế lực lớn ảnh hưởng. Như việc Đại sứ Mỹ Cabot Lodge muốn Cố vấn Ngô Đình Nhu ra đi nhưng ông Diệm đã không nghe theo, dù mấy tháng trước đảo chánh ông Nhu đã có ý định ra đi. Khi đại sứ Mỹ lên tiếng yêu cầu thì ông Diệm vì không muốn bị coi là bù nhìn nên đã có quyết định ngược lại. Tại miền Bắc, Liên Xô muốn lãnh đạo Hà Nội có chính sách phát triển kinh tế để dần dần thống nhất với miền Nam, nhưng Hà Nội không đồng ý và đã tiến hành chiến tranh bạo lực để thống nhất đất nước. Giáo sư Tường nhận xét tác giả đã công bằng trong việc đánh giá nhân vật và những biến cố lịch sử và ông mong rằng có một ngày không xa sách này sẽ được dùng làm tài liệu để giảng dạy ở Việt Nam. Ông Hoàng Đức Nhã lên diễn đàn nói về những nỗ lực xây dựng quốc gia, tạo dựng nền dân chủ tại miền Nam trong những giai đoạn khác nhau, từ năm 1954 đến 63 là Đệ Nhất Cộng hòa, từ 1963 đến 67 quân đội nắm quyền và đặc biệt từ 1967 đến 75 của Đệ Nhị Cộng hòa là thời gian ông trực tiếp tham gia trong chính quyền. Ông Vũ Văn Lộc, bên trái, hướng dẫn phái đoàn thăm Bảo tàng Việt Museum ở San Jose (ảnh Bùi Văn Phú). Ông Nhã nêu ra những khó khăn phải đối đầu với chiến tranh nhưng các định chế dân chủ đã được xây dựng, có hiến pháp, hai viện quốc hội, tự do báo chí và ngày nào cũng có xuống đường biểu tình. Không vì chiến tranh mà chính phủ giới hạn báo chí không được viết cái này, cái kia. Chỉ cấm không được cổ động liên hiệp với cộng sản. Chương trình Chiêu hồi với 140 nghìn hồi chánh viên vì họ nhìn thấy sinh hoạt dân chủ của mình mà họ đã trở về. Đó là những điểm son. Ông nhắc đến quyết định của lãnh đạo Việt Nam Cộng hòa không tham gia hòa đàm Paris vào cuối năm 1968 là quyết định độc lập, không phải do bà Anna Chennault vận động ngầm để giúp cho Richard Nixon thắng cử. Cuối tháng 10/1972 ông Thiệu cũng không ký Hiệp định Paris dù có bị Hoa Kỳ ép vì có những điều khoản bất lợi cho tương lai của 17 triệu dân miền Nam. Khi được hỏi về việc xây dựng dân chủ với Hiến pháp 1967 và cuộc bầu cử tổng thống năm đó với gần chục liên danh và liên danh của các ông Thiệu-Kỳ thắng cử, nhưng đến năm 1971 xảy ra độc diễn vì Tướng Dương Văn Minh, Tướng Nguyễn Cao Kỳ ra tranh cử, sau lại rút lui, rồi có tu chính Hiến pháp để ông Thiệu có thể tiếp tục ra tranh cử, thay vì giới hạn 2 nhiệm kỳ, để còn làm tổng thống nữa, như thế là dân chủ tiến lên hay thụt lùi? Ông Nhã nói nước mình có Hiến pháp thì phải tiến hành bầu cử theo Hiến pháp, chứ không thể bảo chỉ có một liên danh nên không cần bầu. Còn việc sửa Hiến pháp để tiếp tục làm tổng thống, ông cho đó chỉ là chuyện “thiên hạ đồn rằng”. Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng lên nói chuyện, kể về nguyên do đưa đến việc học sử và viết sử vì ông muốn đi tìm câu trả lời cho một câu hỏi mà trong thời gian đi học tập cải tạo ông được nghe nhiều, đó là: “Mình giỏi hơn nó mà sao mình thua?” Quan khách chụp hình lưu niệm trước Bảo tàng Việt Museum (ảnh Bùi Văn Phú). Trước năm 1975 ông Hùng đã theo học Đại học MIT ở Hoa Kỳ về ngành đóng tàu biển. Về nước làm việc, sau ngày 30/4/75 ông phải đi học tập cải tạo nhiều năm và trong thời gian này ông đã học tiếng Hán. Sau khi định cư ở nước ngoài và đi học trở lại, giữa chính trị học và sử học, ông chọn khoa sử và tốt nghiệp Đại học London. Bộ thông sử 5 tập của ông được viết trong vòng hai mươi năm. Khi được hỏi Hồ Chí Minh có phải là Hồ Tập Chương, tác giả cho biết vào những năm từ 1930 đến 1941 ông Hồ sống lây lất ở Moskova và vai trò của ông rất lu mờ. Tại đại hội quốc tế cộng sản khi đó, cầm đầu phái đoàn là Lê Hồng Phong, còn Hồ Chí Minh chỉ là dự khuyết, vì thế tác giả cho rằng việc Trung Hoa cho người giả làm ông Hồ là điều hơi lạ. Khách tham dự, có người lên tiếng phản bác nhận định của Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng khi cho rằng chính sách cải cách điền địa của Tổng thống Ngô Đình Diệm là một thất bại. Theo vị khách, sau ông Diệm, đến thời ông Thiệu tiếp tục với chính sách người cày có ruộng đã đem đến cho nhiều nông dân quyền sở hữu ruộng đất. Nếu những chính sách đó không thành công thì sau 1975 đã có những màn đấu tố điền chủ, như thời cải cách ruộng đất ở miền Bắc trong thập niên 1950 khiến hàng trăm nghìn người bị giết chết. Còn ông Nguyễn Đức Cường cũng cho rằng chính sách cải cách ruộng đất của miền Nam là thành công, vì sau năm 1975, với chính sách hợp tác xã nông nghiệp thất bại thì mười năm sau Hà Nội đã phải thay đổi và có chính sách kinh tế nông thôn giống như từng được áp dụng thời Việt Nam Cộng hòa. Một câu hỏi đặt ra là nếu Tổng thống Ngô Đình Diệm không bị lật đổ thì liệu cuộc chiến Việt Nam đã có một kết quả khác hay không? Ông Hoàng Đức Nhã cho biết vì sau đảo chánh các tướng lãnh đã làm xấu tình hình an ninh nông thôn, giải tán lực lượng Thanh niên Cộng hoà nên Việt Cộng xâm nhập vào làng xã và chính quyền mất kiểm soát. Có ý kiến cho rằng trong các chính trị gia chỉ có ông Ngô Đình Nhu là hiểu được sự quan trọng của Mỹ và ông đã tìm cách liên lạc với chính giới Hoa Kỳ. Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng trả lời không chỉ ông Nhu hiểu được sự quan trọng của Mỹ, người Việt đầu tiên liên lạc với Hoa Kỳ là Nguyễn Văn Long, thủ tướng thứ hai của chính phủ Bảo Đại, nhưng Pháp biết được và đã lật ông và đưa ông Trần Văn Hữu lên thay. Hỏi về sinh hoạt đảng phái chính trị tại Việt Nam, tác giả cho biết người Việt chưa có tinh thần sinh hoạt đảng phái chính trị như ở phương Tây. Đảng phái chính trị của người Việt mang tính cách mạng và sinh hoạt như những hội kín, không đồng ý với nhau thì coi nhau như kẻ thù và thường đặt quyền lợi của phe đảng trên quyền lợi của quốc gia dân tộc. Mai Lệ Huyền, bên phải, Mai Hân và Phương Hồng Quế (ảnh Bùi Văn Phú). Nhiều người phát biểu tỏ ý mong muốn tập sách sử này được dịch sang tiếng Anh để giải độc dư luận cũng như để cho thế hệ mai sau hiểu được quan điểm của phía Việt Nam Cộng hòa vì trong các thư viện ngày nay hầu hết là những tài liệu từ phía cộng sản hay của người Mỹ, còn người Pháp thì có cái nhìn giới hạn và sai lệch về chiến tranh Việt Nam. Nhà báo Huỳnh Lương Thiện và cựu Đại tá Vũ Văn Lộc cũng nhắc nhở các cựu lãnh đạo viết hồi ký về những sai lầm của miền Nam cũng như những chiến tích, những cái chết oai hùng của người lính Việt Nam Cộng hòa, nhất là viết về Việt Nam sau 1975 để thế hệ mai sau hiểu được cộng sản xấu xa như thế nào. Tiến sĩ Đỗ Hùng đặt trách nhiệm của các cựu Tổng trưởng Hoàng Đức Nhã, Nguyễn Đức Cường và Tướng Nguyễn Khắc Bình là phải viết hồi ký để lại cho hậu thế. Có người đề nghị các cựu lãnh đạo ngồi lại thành lập một tổ chức nhằm giải độc và nói lên quan điểm của Việt Nam Cộng hòa. Tiến sĩ Lê Mạnh Hùng hứa sẽ tiếp tục làm việc để có ấn bản Anh ngữ của tác phẩm. Ông Hoàng Đức Nhã cũng hứa khi nào ông Hùng ra mắt sách tiếng Anh sẽ đi theo để ra mắt ké sách của ông mà ông đã có dàn bài từ năm 2010 khi nói chuyện tại Naval Academy Club. Cựu Đại tá Trần Thanh Điền hỏi các diễn giả có thể cho biết bao giờ chế độ cộng sản sụp đổ. Tác giả tập sách nói lịch sử là viết về quá khứ. Còn hiện tại, ông có nhận xét chế độ cộng sản bây giờ không phải là cộng sản năm 1975, Việt Nam không còn cộng sản mà là một xã hội “tư bản hoang dã”. Cựu Tổng trưởng Dân vận Chiêu hồi Hoàng Đức Nhã không tiên đoán mà chỉ mong “cộng sản sụp đổ sớm chừng nào tốt chừng đó”. Buổi ra mắt sách kết thúc với sự giúp vui của hai ca sĩ Mai Lệ Huyền và Phương Hồng Quế qua những bài hát về tâm tình một thời của người lính Việt Nam Cộng hòa. © 2016 Buivanphu.wordpress.com *Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. Bùi Văn Phú Tác giả dạy đại học cộng đồng và hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California.
  24. Nhếch nhác lễ hội (ảnh: Tuổi Trẻ, Pháp Luật VN) Đã quá muộn để tiếp tục tự dối trá trước thực tế hiển nhiên về sự phá sản không thể cứu vãn của hệ thống giáo dục XHCN, trong đó giá trị nhân văn không được tôn trọng mà được thay bằng giáo điều chính trị khuôn mẫu. Những gì diễn ra vài năm gần đây mà mức độ ngày càng tệ hại, với sự hỗn loạn xã hội và xuống cấp một cách “có hệ thống”, chính xác là hệ quả tất yếu của một nền giáo dục phi nhân bản. Nó gây ra những cơn tâm chấn rúng động tận lõi hệ thần kinh. Thực tế này khiến buộc phải nhìn lại, và cần phải dẹp bỏ tự ái để thừa nhận, rằng nền giáo dục VNCH là ưu việt hơn nền giáo dục XHCN chứ không phải ngược lại. Được xây dựng bằng nhiệt huyết tinh thần dân tộc cùng nền triết lý giáo dục lấy chữ “nhân” (nhân bản, nhân vị, nhân tâm…) làm trọng tâm, giáo dục VNCH, với đóng góp của tinh hoa nhân tài ba miền, đã tạo ra nền móng đạo đức và giềng mối xã hội mạnh đến mức, mà đến tận nay, dù bị ảnh hưởng bởi sự ăn mòn từ axít XHCN khiến nham nhở diện mạo đời sống, miền Nam hiện vẫn ráng giữ lại những giá trị nhân bản cốt lõi từng được gieo cấy vào tâm hồn bằng giáo dục, từ giáo dục gia đình, giáo dục học đường đến giáo dục xã hội. Sức đề kháng của miền Nam có thể thấy ở những sự kiện xảy ra vài năm nay, thể hiện sự khác biệt đối nghịch trong văn hóa ứng xử, văn hóa tín ngưỡng, văn hóa giao tiếp… giữa miền Nam và miền Bắc – hay nói chính xác là giữa một miền Nam còn chịu ảnh hưởng của nền văn hóa VNCH, và một miền Bắc tiếp tục bị tác động bởi thứ văn hóa XHCN vốn từng khép kín trong bầu không khí thiếu oxy của “văn hóa cộng sản” lai tạo bởi Trung Cộng và Liên Xô. Nói rộng hơn, sự kiện Hiệp định Geneve 1954 đã tạo ra hai xã hội với hai lối sống đối nghịch mà đến giờ vẫn có thể thấy sau hơn 60 năm. Vấn đề ở đây, cho nên, không phải là vùng miền, mà là sự khác biệt của hai nền văn hóa, giữa văn hóa khai phóng và văn hóa đóng khuôn. Nếu vẫn không thừa nhận văn hóa VNCH tốt hơn văn hóa XHCN thì thử đặt câu hỏi tại sao người Bắc hiện vẫn tiếp tục di cư vào Nam chứ chưa bao giờ ngược lại? Miền Nam thu hút không chỉ bởi cơ hội làm ăn mà còn bởi lối sống và văn hóa sống. Nếu vẫn không thừa nhận nền văn hóa tự do tốt hơn văn hóa cộng sản thì có thể giải thích sao về việc một số (đang tăng dần) người Việt, sau nhiều thập niên sống dưới “nền” văn hóa XHCN, lại rất giống dân Hoa lục Trung Cộng, về cách sinh hoạt lẫn lối ứng xử, từ xô bồ đến nhếch nhác, từ cắp vặt đến giết người? Giải thích sao về việc người sống ở miền Bắc, khi vào Nam định cư, buộc phải thay đổi lối sống để thích nghi và hòa nhập với văn hóa xã hội miền Nam? Miền Nam không có “cháo chửi”, kể cả khi quán cháo được bán bởi người Bắc vốn từng sống ở một môi trường quen với quát tháo và xin-cho. Có không ít người miền Bắc di cư vào Nam từ sớm sau thời điểm 1975 nay cảm thấy xấu hổ trước hiện tượng suy đồi văn hóa diễn ra tại chính mảnh đất sinh ra mình. Đó là một thực tế. Miền Nam trước 1975 không cần có “làng văn hóa” hay “khu du lịch văn hóa”. Bây giờ “khu phố văn hóa” và “xã văn hóa” hiện diện khắp đất nước này, tỉ lệ nghịch với sự xuống cấp không phanh về văn hóa; tương phản với sự vắng mặt những viện bảo tàng lẫn thư viện đẳng cấp quốc gia; tương phản chua chát với cơn sốt xây dựng chùa chiền miếu mạo và “lễ hội văn hóa”; tương phản mỉa mai với số lượng “bằng khen gia đình văn hóa” và các “phong trào thi đua văn hóa”. Trong văn hóa không thể có “thi đua”. Văn hóa là sự bao gồm kiến thức, nghệ thuật, luật pháp, giá trị và chuẩn mực sống được định dạng và thừa nhận qua thời gian, chứ không phải bằng “thi đua” hay được “công nhận” bằng “cơ quan quản lý”. Văn hóa không thể được “quản lý”. Người ta đang nhắc đến cách sống và phong thái lịch sự đầy tinh tế của người Nhật, với sự thèm muốn dữ dội, ở một đất nước nơi mà sách báo khiêu dâm vẫn bán đầy đường. Xây dựng văn hóa là tạo ra một hệ chuẩn được số đông công nhận để từ đó xã hội có thể tự kiểm soát và tự cân bằng, chứ không phải can thiệp bằng “quản lý” và “định hướng văn hóa”. Văn hóa và nền móng văn hóa chỉ có thể xây dựng từ một nền giáo dục tự do, sáng tạo tự do, và tôn trọng con người tự do. Tri thức là thành tố quan trọng trong văn hóa. Không thể xây dựng văn hóa khi mà trí thức tự do còn bị gạt ra ngoài lề. Miền Nam, nơi sinh sống của người đến từ ba miền như vốn dĩ xưa nay, đang đóng vai trò như cái bản lề níu lại cánh cửa văn hóa chực bong. Tuy nhiên sự sụp đổ đang diễn ra ào ạt, khắp nơi, với tốc độ đáng sợ. Nếu không khôi phục lại những giá trị giáo dục tinh túy từng hiện diện ở miền Nam, chính xác hơn là nếu không từ bỏ hệ thống giáo dục giáo điều, cơn lốc phá sản văn hóa sẽ càn quét không chừa một góc nào trên đất nước này. Muốn dựng lại những gì đang đổ nát, hơn lúc nào hết, phải thay đổi giáo dục và triết lý giáo dục. Người ta có thể chịu đựng một đất nước nghèo về kinh tế nhưng không dân tộc nào có thể dung thứ cho sự phá sản văn hóa bởi sự ngu muội và sợ hãi tự do. Mạnh Kim (FB Mạnh Kim)
  25. Đừng nói với tôi bạn giỏi và thông minh như thế nào, nói cho tôi bạn quen ai Ở Việt Nam, bạn quen ai là yếu tố quan trọng nhất để thành công và đạt được điều bạn muốn. Công nghệ “Quen-ai” giống như một sếp cũ của Hùng từng nói. Đương nhiên có cách khác để đạt được điều bạn muốn, đó là tiền. Tiền, hoặc chính xác hơn là tiền được trao dưới gầm bàn, là tấm vé để bạn không bị phạt giao thông, để bạn đưa con vào một trường tốt hoặc thay đổi điểm số của con, được bác sĩ khám trước, thắng một hợp đồng đấu thầu, thật khó tin nhưng người ta còn nói với Hùng rằng nó còn có thể giúp người ta ra khỏi tù. Nhưng đó là chuyện để nói một ngày khác (Thực ra Hùng nghĩ là Hùng không được phép bàn về chuyện đó). Quay lại chủ đề chính, xây dựng quan hệ rất quan trọng. Trong 5 năm Hùng đã sống ở đây, Hùng đã phát triển được những mối quan hệ tốt với nhiều người quan trọng. Tuy nhiên, Hùng không phải là người có thể xây dựng quan hệ một cách chiến lược chỉ để nhờ vả hoặc hy vọng được lợi gì đó. Nhưng đó là điều mà nhiều người ở Việt Nam bắt buộc phải làm, dù có thích hay không. Bạn trở thành bạn với nhiều người không phải vì bạn đặc biệt quý tính cách của họ mà vì bạn thấy mối quan hệ đó có tiềm năng. Hùng có một ví dụ. Giáo sư Nguyễn Lân Dũng là một người rất uy tín và nổi tiếng ở Việt Nam và Hùng đã may mắn trở thành một người bạn tốt của bác. Dù đã 78 tuổi, bác ấy có những suy nghĩ rất tiến bộ và được ngồi cùng bác đúng là một niềm vui vì bác ấy rất yêu đời. Mỗi lần Hùng đến thăm nhà bác ấy (bác ấy bắt Hùng hứa phải đến thăm ít nhất 2 tuần 1 lần), Hùng thường ngồi ít nhất 2 giờ để nghe bác ấy kể chuyện (mặc dù thỉnh thoảng bác ấy kể một chuyện rất nhiều lần). Từ bé Hùng không có ông, nên có thể nói là Hùng rất trân trọng tình bạn/mối quan hệ này. Mỗi khi Hùng đến thăm bác, Hùng thấy bác ấy nhận được ít nhất một tá cuộc điện thoại và vô số bức thư và email hỏi nhờ bác ấy. Hùng thấy rất giận vì người ta rõ ràng đang lợi dụng bác ấy nhưng bác Dũng vẫn cố gắng giúp nhiều nhất có thể. Đây là lý do vì sao Hùng không có nhiều bạn thực sự ở Việt Nam. Hùng thận trọng với những người bạn có ý đồ tận dụng nhờ vả sau này. Và việc này đã xảy ra với Hùng rất nhiều lần trước đây rồi. Thôi nào mọi người, Hùng học chuyên ngành tâm lý và khá giỏi trong việc đọc người khác, không lừa được Hùng đâu. Hùng không biết ở các nơi khác của Việt Nam thì như thế nào, nhưng ở Hà Nội thì quan hệ là tất cả. Và rất buồn khi phải nghi ngờ các mối quan hệ của bạn để xác định người ta có quý bạn thực sự vì con người bạn hay không. Và còn buồn hơn khi nghĩ rằng tất cả những người thông minh và tài năng mà không có quan hệ đều bị những người không giỏi bằng vượt lên trên, và bạn biết những người đó là ai. Làm quen và xây dựng mối quan hệ là việc quan trọng ở mọi nơi trên thế giới nhưng nó không nên quyết định mọi thứ. Có thể đó là lý do vì sao Việt Nam phát triển chậm? Bạn nghĩ sao? ................................ Don’t tell me how talented or smart you are, tell me who you know In Vietnam who you know is by far the most important factor to success and getting things done. “Know-who” technology as a former boss of mine once said. Of course the other way to get things done is money. Money, or more specifically money under the table, is the ticket to getting out of a traffic fine, getting your child into a good school or changing his or her grade, having the doctor see you first, winning a contract bid, heck people have even told me it’ll help you get out of jail. But that’s another topic for another day (Actually I don’t think I’m allowed to discuss that). Going back to the main topic, building relationship is very important to say the least. In the past 5 years that I’ve been here, I’ve develop good relationships with many important people. However, I’m not one to strategically build a relationship with the intentions to ask for favors or hoping to get something out of it. But it’s something that many people is compelled to do in Vietnam, whether you like it or not. You become friends with people not because you particularly like their personal attributes but because you see the potential in having this relationship. I’ll give you an example. Professor Nguyen Lan Dung is a highly respected and famous educator and scientist in Vietnam that I have been lucky to become really good friends with. Despite being 78 years young, he’s very progressive in his thinking and is such a joy to be around because he genuinely enjoys life. Every time I visit his home (he made me promise to visit at least 1 every 2 weeks), I spend at least 2 hours picking his brain and hearing his stories (even though he has a tendency to tell the same story over and over again). I grew up without a grandfather, so you can say I very much appreciate our relationship. Every time I’m over he’ll receive at least a dozen phone calls and countless letters and emails asking him for a favor. It makes me very angry because people clearly are trying to take advantage and yet professor Dung still tries to help those he can. This is the very reason why I don’t have many real friends in Vietnam. I’m wary of friends with the intentions to cash in on a favor later down the road. And it’s happen to me countless times before. Come on people, I’m a psych major adept in the art of reading people, you can’t fool me. I don’t know how it’s like in different parts of Vietnam but in Hanoi, relationship is everything. And it’s sad to question all of your relationships to determine whether people really like for who you are. And its even more depressing to think that all of the smart and talented people who don’t have the connections are bypassed by less qualified people who knows someone. Networking and building relationship is important everywhere in the world but it shouldn’t determine everything. Maybe that’s why Vietnam is so slow to develop? What do you think? Tác giả: John Hung Tran (Cafe Ku Búa)

×
×
  • Create New...