Jump to content

xứ việt

Administrators
  • Posts

    39160
  • Joined

  • Last visited

Everything posted by xứ việt

  1. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Báo cáo Việt Nam 2035 chưa nhìn vào những trở lực khiến kinh tế chậm phát triển Một chuyên gia tài chính bình luận với BBC rằng Báo cáo Việt Nam 2035 do các chuyên gia World Bank và Việt Nam thực hiện quá lạc quan’, không đi sâu vào những trở lực khiến kinh tế chậm phát triển. Báo cáo Việt Nam 2035 – Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ, gồm bảy chương nghiên cứu sâu về ba trụ cột phát triển với sáu chuyển đổi lớn, đề xuất nhiều khuyến nghị quan trọng để đưa Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2035. Báo trong nước dẫn lời Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết một số quan điểm, tư tưởng của báo cáo, được đưa vào nội dung nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 trong Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 vừa qua. Đồng thời, Bộ này đã và đang đưa các nội dung nghiên cứu này để bổ sung, hoàn thiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 trình Quốc hội phê chuẩn tháng 3/2016. Hôm 25/2, trả lời phỏng vấn của BBC, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định: “Báo cáo Việt Nam 2035 quá lạc quan. Dường như những người thực hiện chỉ nhìn thấy được những điểm tích cực, triển vọng phát triển mà chưa nghiên cứu sâu về những trở lực đang khiến kinh tế Việt Nam chậm phát triển”. Chuyên gia cho hay báo cáo chỉ nói chung về thể chế chính trị Việt Nam chứ không nhấn mạnh việc thay đổi thể chế theo quỹ đạo của cũng như sự vận hành của nền kinh tế thị trường thực thụ. ‘Chất lượng của tăng trưởng’ “Vấn đề quan trọng của kinh tế Việt Nam bây giờ không phải là tỷ lệ tăng trưởng bao nhiêu % mà là định tính, chất lượng của sự tăng trưởng đó. Cụ thể là đẩy mạnh vai trò của doanh nghiệp tư nhân, giảm thiểu vai trò dẫn dắt của các tập đoàn kinh tế nhà nước, đời sống người dân có khấm khá hơn, tỷ lệ người nghèo có giảm hay không?...”, ông Hiếu nói. Chuyên gia cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn dựa vào nông nghiệp Chuyên gia cho biết thêm: “Mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam vẫn chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Kinh tế vẫn dựa vào nông nghiệp, trong lúc ngành công nghiệp phát triển rất chậm, nhiều dự án khởi động 20 năm chưa thấy thành quả, kỹ nghệ đóng tàu thủy, công nghiệp xe hơi gần như không phát triển”. “Đó là chưa kể thêm những nguyên do: thiếu minh bạch trong quản lý tài chính, các báo cáo tài chính quan trọng thường ít được công khai. Bên cạnh đó là hệ thống pháp luật kinh tế chưa tương thích với kinh tế thị trường khiến vấn đề giải quyết nợ xấu chưa dứt điểm, chưa cho phá sản những ngân hàng yếu kém, không có triển vọng phục hồi”, ông nói. Cũng liên quan đến Báo cáo Việt Nam 2035, hôm 25/2, Thời báo Kinh tế Sài Gòn dẫn lời chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, một thành viên tham gia soạn thảo: “Thông điệp quan trọng nhất, xuyên suốt khắp báo cáo đó là phải cải cách thể chế nếu không muốn bị lạc hậu. Đó là lý do báo cáo có một chương dành riêng nói về cải cách thể chế và các chương còn lại ít nhiều đều có đề cập đến vấn đề này. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi nhận được câu hỏi của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là liệu Việt Nam có thể đạt mực tăng trường 9% mỗi năm và duy trì liên tục trong 20 năm để hóa rồng? Sau khi các chuyên gia World Bank và cả phía chúng tôi thực hiện chạy đủ các mô hình tính toán kinh tế thì câu trả lời là không thể”. “Điều tốt nhất ngay khi chúng ta cải cách thể chế và nâng cao năng suất lao động thì cũng chỉ có thể được mức thu nhập trung bình bình quân đầu người hơn 7.000 đôla Mỹ hoặc 18.000 đôla nếu tính theo sức mua tương đương, bằng Malaysia năm 2010. Còn nếu không cải cách, dự báo thu nhập bình quân năm 2035 đạt tối đa 4.500 đôla, hoặc 12.000 đôla tính theo sức mua tương đương”, bà Lan được báo này tường thuật. (BBC)
  2. Một hiện tượng “chuyển tư tưởng” đáng chú ý là chỉ 3 tuần sau đại hội 12 của đảng cầm quyền, một viên chức cao cấp của đảng là Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, đã lần đầu tiên trả lời phỏng vấn đài RFA. Viên chức Vũ Ngọc Hoàng. Hình Internet Trong số các đài Việt ngữ quốc tế, RFA luôn bị bị xem là “đài địch” đầu bảng. Trong một lần bắt giữ trái phép rồi hỏi cung nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng vào giữa năm 2015, Cơ quan an ninh điều tra – Công an TP.HCM – đã tuyên bố “Trả lời phỏng vấn các đài RFA, VOA, BBC… là trả lời giặc”. Nhưng không những trả lời “giặc”, dường như ông Vũ Ngọc Hoàng còn không né tránh những câu hỏi nhạy cảm của RFA. Khi được hỏi “Đảng đã đề cập rất nhiều đến chuyện kiểm soát quyền lực, một Bộ trưởng đề cập thẳng ở đại hội chuyện độc lập giữa ba nhánh chính của nhà nước. Vậy cụ thể sẽ có gì mới trong việc kiểm soát quyền lực sắp tới?”, ông Vũ Ngọc Hoàng trả lời: “Kiểm soát quyền lực là việc nhất thiết phải làm. Đại hội 12 vừa rồi đã khẳng định như vậy. Trong đó, theo tôi nghĩ, cần thiết và quan trong hàng đầu là việc phân quyền giữa 3 nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp cho hợp lý nhằm bảo đảm độc lập tương đối và thực hiện kiểm soát quyền lực lẫn nhau để hạn chế tối đa các sai sót hoặc sớm phát hiện và sớm điều chỉnh khi có sai, bảo đảm xử dụng quyền lực đúng quyền hạn và đúng mục đích, không lạm quyền, không lộng quyền, không để tha hóa quyền lực”. Cũng là lần đầu tiên, cụm từ “độc lập tương đối” được một quan chức cao cấp của đảng áp dụng cho cơ chế kiểm soát quyền lực ba nhánh, mặc dù vẫn chưa nói thẳng về tính “tam quyền phân lập’ mà phương Tây đã áp dụng rất nhiều năm. Cần nhắc lại, ngay trong thời gian diễn ra đại hội 12, ông Vũ Ngọc Hoàng - đã trả lời phỏng vấn báo Người Lao Ðộng, mà theo báo này tường thuật thì ông Hoàng “tỏ ý tin tưởng nếu quyết tâm, tích cực, chủ động thì có thể tiến tới bầu trực tiếp tổng bí thư tại đại hội đảng.” Khi được hỏi, “Ông có cho rằng thực hiện tranh cử trong Ðảng sẽ giúp đánh giá, lựa chọn chính xác hơn những người giữ trọng trách?,” ông Vũ Ngọc Hoàng đã bộc lộ: “Tôi nghĩ về lâu dài, công tác bầu cử trong đảng nên có tranh cử để nhiều người lên trình bày phương án của mình trước đông người, nói rõ dự định nếu trúng cử vào vị trí đó sẽ làm gì... Sau đó, các ứng cử viên tranh luận với nhau một cách công khai. Ðó là một cơ chế tốt, tiến bộ, cần tích cực chuẩn bị nhằm sớm triển khai.” Có thể cho rằng, đây là lần rất hiếm hoi một tờ báo nhà nước dám vượt qua rào cản tuyên giáo để đặt câu hỏi về vấn đề tranh cử trong đảng mà thực chất là “tranh cử kiểu phương Tây.” Nhưng là lần đầu tiên, một quan chức có trách nhiệm và lại là lãnh đạo Ban Tuyên Giáo Trung Ương - cơ quan nổi tiếng là xơ cứng và giáo điều - không phủ nhận tính cần thiết của cơ chế tranh cử trong đảng, cho dù vẫn chưa hứa hẹn khi nào đảng Cộng Sản sẽ thực thi cơ chế này. Ðược xem là cánh tay mặt của tổng bí thư, phát ngôn của Ban Tuyên Giáo Trung Ương có thể mang tính “định hướng” về những việc mà đảng Cộng Sản có thể thực hiện trong tương lai. Logic có thể hình dung là nếu não trạng của ông Vũ Ngọc Hoàng có thể “chuyển” thì điều đó có nghĩa là tư duy của ông Nguyễn Phú Trọng đã có hơi hướng thay đổi. Lê Dung (SBTN)
  3. Bà Nguyễn Thúy Hạnh Ngày 24/2/2016, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức hội nghị hướng dẫn cách tiến hành giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương – hay còn có thể coi là những người “đảng cử”. Quá trình “giới thiệu” này sẽ diễn ra từ ngày 24/2 đến ngày 10/3/2016. Ngoài ra, các ứng cử viên độc lập tự ra ứng cử đã bắt đầu nộp hồ sơ ứng cử. Quá trình giới thiệu người “đảng cử” trải qua ba bước, bao gồm: họp dự kiến người được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội ; tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét của cử tri tại, tổ chức, đơn vị đối với người được dự kiến giới thiệu ứng cử; và cuối cùng là tổ chức hội nghị mở rộng để thảo luận, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội. Sau đó, người được lựa chọn giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội sẽ làm hồ sơ ứng cử theo quy định. Những người là đảng viên CSVN thường rất khó có thể tự ra ứng cử, nếu như không được “lựa chọn” qua quá trình trên, trái ngược với những người không phải là đảng viên. Tuy nhiên, các ứng viên độc lập lại chịu nhiều trở ngại khác trên con đường trở thành ứng cử viên chính thức tham gia tranh cử. Sáng ngày 24/2/2016, một số ứng cử viên độc lập đã bắt đầu nộp hồ sơ ứng cử, trong đó có bà Nguyễn Thúy Hạnh tại Hà Nội. Thêm vào đó, nhiều cá nhân độc lập đang dự kiến gửi đi văn bản yêu cầu giám sát cuộc bầu cử đối với hai khâu: bỏ phiếu và kiểm phiếu. Việc này hoàn toàn chính đáng, phù hợp với quyền công dân hiến định: giám sát các hoạt động của nhà nước, cũng như bảo đảm sự khách quan, trung thực cho cuộc bầu cử. Theo lịch trình đến ngày 13/3/2016, việc nộp hồ sơ ứng cử sẽ chấm dứt. Việc lựa chọn ứng viên tham gia tranh cử bước vào vòng “hiệp thương” thứ hai là “Hội nghị cử tri, lấy ý kiến về người tham gia ứng cử đại biểu quốc hội” tại địa phương nơi cư trú được tổ chức trong khoảng thời gian từ 16 đến 18/3. Nhật Nam (SBTN)
  4. Sinh viên Việt Nam trong cuộc biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Makati Sinh viên Việt Nam và sinh viên Philippines tập trung trước cổng Lãnh sự quán Trung Quốc để phản đối sự gia tăng quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông trong sáng ngày 25/2. Trang tin CNN nói khoảng 100 người biểu tình tập trung trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Makati, Philippines. Cuộc tuần hành được tổ chức bởi Hội sinh viên Việt Nam tại Philippines và Tổ chức phong trào liên minh chống Trung Quốc MARCHA. Cựu dân biểu Roilo Golez của Philippines dẫn đầu cuộc tuần hành. Ngoài sinh viên Việt Nam, đoàn biểu tình còn có sinh viên từ Indonesia, Campuchia, Đông Timor, Myanmar và Hàn Quốc. "Những gì Trung Quốc gây ra với Việt Nam, họ sẽ gây ra Philippines. Những gì Trung Quốc gây ra với Việt Nam và Philippines, họ sẽ gây ra với thế giới." - Thông cáo của hai tổ chức này đưa ra. Cựu dân biểu Roilo Golez tại cuộc biểu tình với đại diện từ Hội sinh viên Việt Nam Cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đưa các chiến đấu cơ J-11 và J-7 ra đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp. Trước đó, Trung Quốc cũng lắp đặt tên lửa đất đối không trên đảo vào đầu tháng này, hãng tin Reuters cho biết. Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đưa máy bay chiến đấu J-11 và J-7 đến đảo Phú Lâm. Trước đó, Trung Quốc đã mở rộng đường băng trên đảo này vào năm 2014 để đón các loại máy bay của Không quân Quân Giải phóng (BBC)
  5. King Kong và Ann. Ảnh: Internet Nói về trò khỉ người ta nghĩ đến loài vật phá phách, bứt quả, bẻ cây, làm những trò bậy bạ. Dân Việt nuôi khỉ làm trò vui, đôi lúc kiếm được vài đô la. Đất nước hình chữ S biết cách tiêu xài $ dù kiếm ra rất khó. Nhưng Hollywood biến trò khỉ thành tiền tỷ, họ đến Việt Nam là cơ hội hiếm để ta kiếm đô la. King Kong là phim kinh dị, viễn tưởng, phiêu lưu về một chú khỉ đột. Sản xuất năm 2005, chi phí lên tới 207 triệu đô nhưng sau đó thu được tới 550 triệu. Ngoài ra bán DVD, bản quyền truyền hình đã giúp các nhà làm phim kiếm thêm hàng trăm triệu. Nay thêm King Kong 2, rồi nhãn hiệu, áo phông, đồ kỷ niệm mang hình Kong, việc chú khỉ sinh ra hàng tỷ đô không phải là chuyện trên mặt trăng. Chú khỉ đột Kong tại một hòn đảo được thổ dân tôn sùng như một quái vật linh thiêng. Có một đoàn làm phim tới đó quay cảnh thiên nhiên hoang dã. Một diễn viên xinh đẹp Ann Darrow bị thổ dân bắt và mang tế sống cho Kong. Kong đã không ăn thịt nàng mà giữ làm người tình bé nhỏ, chỉ để ngắm và trò chuyện. Cảnh trong phim King Kong chiến với khủng long rồi với đoàn người tìm cách cứu Ann làm người xem đứng tim. Cuối cùng Kong bị bắt và mang về New York mua vui. Kong đã phá tan xiềng xích để đi tìm người yêu. Dọc đường bị đuổi, bị bắn, Kong đã phá thành phố New York. Ann nghe tin Kong trốn thoát đã tìm đến người tình khổng lồ. Hai người đang ngồi chơi thì bị lính chính phủ tấn công. Sau những cuộc chiến tàn khốc, Kong bị giết trước mắt người yêu. Đạo diễn đã thổi hồn vào con khỉ và cho nó những đức tính như người, biết yêu, biết giận dữ, biết chiến đấu. Cảnh trong phim vô cùng hấp dẫn, từ rừng rậm tới thành phố hoa lệ, từ tình yêu đến súng đạn ngút trời, âm thanh tuyệt hảo. Kéo dài 3 tiếng, rạp có King Kong lúc nào cũng đông nghịt, dù chỉ là mấy trò khỉ không hơn không kém. Ngay đầu năm mới Tết Bính Thân – năm con Khỉ, ngày 22/2, đoàn làm phim King Kong 2, gồm 150 người đến từ Hollywood đã tới đất nước này. Họ tới đây để quay một số đoạn cho bộ phim trên, nghe nói có Bích Động, Tràng An (Ninh Bình), Hạ Long để có được những cảnh thần tiên mà chỉ nước Việt mới sở hữu. Vài chục phút trên màn ảnh có cảnh thiên nhiên Việt Nam và được trình chiếu cho hàng tỷ người xem sẽ là một cách quảng cáo du lịch không có phương tiện nào sánh bằng, kể cả trả triệu đô/phút trên các kênh quốc tế vào giờ vàng. Để được vào Việt Nam quay, Hollywood chắc phải trả phí thuê trường quay. Nước sở tại vừa được tiền, vừa được quảng cáo nhờ mấy trò của chú khỉ. Đoàn làm phim tới sẽ dùng dịch vụ sở tại cũng là tiền. Sau phim thiên nhiên hoang dã vẫn còn, không một cây bị đốn, nơi có phim trường có thể hái ra tiền nhờ cái tên nổi tiếng. Đất nước Việt Nam thật hùng vĩ và đẹp, từ núi rừng Tây Bắc đến Hạ Long, từ miền Trung đến Tây Nguyên, nơi nào cũng đáng lên phim. Dù đã bị tàn phá, rừng bị tận diệt, sông suối bị ngăn, nhưng như một người bạn đi nhiều đã nói “Nó phá như thế mà vẫn còn đẹp”. Vẻ đẹp thiên nhiên Mù Cang Chải. Ảnh: HM Chỉ cần có một chính sách bảo vệ thiên nhiên đúng đắn, dân trí cao, hiểu được vai trò của môi trường, thì đất nước hình S có thể hái ra $ bằng du lịch mà không cần phá rừng, giết muông thú. Phim King Kong kết thúc với cảnh một nhân vật nhìn xác Kong rồi nói với mọi người, không phải do máy bay, chính người đẹp đã giết chết quái thú. Nếu tiếp tục phá rừng, tàn hại thiên nhiên, thì lần sau đạo diễn “bắt” diễn viên nói ngược lại “Quái thú đã giết chết người đẹp”. Đầu năm Khỉ – Bính Thân – Việt Nam may mắn được King Kong tới thăm. Kong làm trò cho hàng chục triệu người xem, người sở hữu khỉ kiếm hàng trăm triệu. Người Việt cho Kong múa nhờ không phải là miễn phí. Quảng cảo du lịch với phở, nón lá, áo dài, vừa nhạt, vừa rẻ tiền, sức sáng tạo dường như bị thui chột của những kẻ lười biếng, không thể nào sánh với hình ảnh trên phim Hollywood. Xứ Việt vốn dễ tin kể cả những ý tưởng cao siêu trên trời và nhiều người hay diễn những trò khỉ bẩn như từ tham nhũng, móc ngoặc, hối lộ, hôi của, lừa đa cấp, để kiếm tiền bất hợp pháp đến cướp lộc, cướp phết bằng vũ lực. Nhưng lại quên mất những trò khỉ sạch như King Kong, như sinh thái: Có thể sinh ra hàng tỷ đô la hợp pháp ngay dưới chân mình. Hiệu Minh. 24-2-2016 (Blog Hiệu Minh)
  6. Hình: Quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Campuchia năm 1989. Nguồn: Corbis. Lời giới thiệu của người dịch: Việt Nam (VN) giải phóng nhân dân Campuchia khỏi cuộc diệt chủng của Khmer Đỏ là hoàn toàn chính nghĩa, là công trạng to lớn của VN đóng góp vào sự nghiệp tiến bộ của nhân loại. Thế nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc (TQ) tìm đủ mọi thủ đoạn xuyên tạc vu khống sự kiện này. Nhưng cuối cùng chính nghĩa bao giờ cũng thắng. Những người TQ có lương tri cũng dần dần hiểu ra sự thật. Bạn đọc có thể thấy rõ điều đó qua bài dưới đây, đăng trên trang mạng Phượng Hoàng, một trang mạng chính thống hàng đầu của TQ, phục vụ người Hoa trên toàn cầu, bình quân hàng ngày có 671 triệu lượt truy cập. Ngày 7/1/2009, hàng chục nghìn người Campuchia tụ tập tại sân vận động Olympic quốc gia ở Phnom Penh, nhiệt liệt chúc mừng 30 năm ngày kỷ niệm Campuchia thoát khỏi ách thống trị của Khmer Đỏ. Hoạt động kỷ niệm quy mô lớn này do Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền tổ chức và đã thu hút hơn 40 nghìn người tham gia. Thủ tướng Hun Sen và một số đảng viên Đảng Nhân dân đã tham dự lễ hội trọng thể này. Chủ tịch Thượng viện Campuchia Chia Xim khi đọc diễn văn có nói ngày kỷ niệm này có ý nghĩa trọng đại, nó đánh dấu “một trang đen tối nhất trong lịch sử Campuchia” đã kết thúc. Chia Xim đặc biệt cảm ơn nước láng giềng Việt Nam “đã cứu Campuchia”, đánh giá cao quân tình nguyện Việt Nam đã có những hy sinh to lớn vì để tiêu diệt chính quyền Khmer Đỏ tàn sát nhân dân Campuchia và đã kịp thời ngăn chặn được số phận bất hạnh của nhân dân Campuchia tiếp tục bị Khmer Đỏ tàn sát. (“Tinh Châu nhật báo” của Campuchia ngày 8/1/2009). Việc Chia Xim cảm ơn Việt Nam rất dễ khiến người ta liên tưởng tới “cuộc chiến phản kích tự vệ chống Việt Nam” do Trung Quốc phát động ngày 17/2/1979, cũng khiến người ta tỏ ý nghi ngờ tính chính đáng của cuộc chiến tranh đó. Tuy rằng hiện nay Trung Quốc cố gắng tránh không nhắc tới cuộc chiến này, nhưng đối mặt với lịch sử, chúng ta phải có dũng khí nhìn thẳng [vào sự thật], xem xét và phán đoán một cách khách quan và công bằng. Hồi ấy Trung Quốc phát động “cuộc chiến phản kích tự vệ chống Việt Nam” có nguyên nhân chính là do Việt Nam xâm lược Campuchia. Ba chục năm sau, khi đối mặt với cuộc chiến tranh đó, vì sao người Campuchia lại tỏ ý chân thành cảm ơn nước láng giềng Việt Nam “xâm lược” mà không một chữ nhắc tới Trung Quốc? Chúng ta rất cần thiết ôn lại những ngày tháng thực sự khủng khiếp như bị bóng đè đối với người Campuchia ấy – thời kỳ chính quyền Khmer Đỏ thống trị nước này. Đảng Cộng sản Campuchia thành lập năm 1950, hồi ấy là một nhánh của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến thập niên 1970, đổi tên là Đảng Campuchia Dân chủ (Party of Democratic Kampuchea), sau này được gọi theo tiếng Pháp là “Khmer Đỏ” [Khmer Rouge]. Ngày 18/3/1970, nhân dịp Hoàng thân Norodom Sihanouk đi thăm nước ngoài, tướng Lon Nol đã làm đảo chính lật đổ chính quyền Sihanouk. Sau đó Sihanouk lưu vong ở Bắc Kinh. Hồi đó Khmer Đỏ đối địch với chính phủ Lon Nol. Được chính phủ Trung Quốc ủng hộ, Sihanouk giúp Khmer Đỏ giành lại chính quyền từ Lon Nol. Ngày 17/4/1975, Khmer Đỏ chiếm Phnom Penh, lật đổ chính phủ Lon Nol, và xây dựng “nước Cộng hòa Dân chủ Campuchia” do Pol Pot lãnh đạo. Từ đó trở đi chính quyền Khmer Đỏ bắt đầu sự thống trị đẫm máu trong gần 4 năm tại Campuchia, nhân dân Campuchia rơi vào thế giới bi thảm đen tối nhất của loài người. Trong thời gian nắm chính quyền, Pol Pot thi hành sự thống trị vô cùng đáng sợ, hòng cải tạo Campuchia thành một xã hội không phân chia giai cấp, cưỡng chế xua đuổi toàn bộ dân đô thị về nông thôn, tiến hành cuộc đại thanh lọc trong cả nước. Lấy cớ là máy bay Mỹ sẽ ném bom Phnom Penh, chính quyền Pol Pot kêu gọi dân Phnom Penh, yêu cầu họ sơ tán về thôn quê và hứa sau ba ngày sẽ có thể trở lại Phnom Penh, yêu cầu họ không cần mang theo bất cứ tài sản nào. Sau khi dân cư thủ đô đã xuống nông thôn, phần lớn họ bị chính quyền Khmer Đỏ sát hại, chưa đến một nửa số người sống sót trở về nơi cư trú cũ. Trong thời kỳ đầu Khmer Đỏ cầm quyền, số người bị thanh trừng gồm dân cư các đô thị, đặc biệt những người có tiếp xúc với phương Tây, trí thức từng tiếp nhận sự giáo dục của phương Tây và các nhân viên làm việc cho chính phủ Lon Nol. Trong thời kỳ sau, những người bị thanh trừng còn có cán bộ các cấp trong thời gian cách mạng Khmer Đỏ. Dưới sự thống trị của Pol Pot, tiền tệ bị hủy bỏ, nhân dân phải lao động trong các công xã, họ chỉ được ăn trong nhà ăn tập thể, cấm ăn ở ngoài. Trong gần 4 năm dưới sự thống trị của Khmer Đỏ, rất nhiều người đã chết vì đói ăn, đau ốm và lao lực quá mức. Cũng có nhiều người bị hành quyết vì nguyên nhân chính trị hoặc vì phạm các loại lỗi nhỏ nhặt. Theo các thống kê khác nhau, số người Campuchia chết trong thời gian Khmer Đỏ thống trị ước tính khoảng từ 1,2 triệu tới 3 triệu người, chiếm khoảng một phần tư dân số Campuchia, trong đó có 215 nghìn người Campuchia gốc Hoa, và hầu như toàn bộ hơn 10 nghìn người Campuchia gốc Việt Nam. Cuộc thanh trừng của Khmer Đỏ đã châm ngòi cho cuộc nổi loạn chống Pol Pot nổ ra vào tháng 5/1978, khi những người Campuchia lưu vong ở Việt Nam lập ra “Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia” do Heng Samrin lãnh đạo – ông là một cán bộ lãnh đạo cấp cao trong Khmer Đỏ, nguyên sư đoàn trưởng quân đội Khmer Đỏ và Bí thư một Tỉnh ủy thuộc Đảng Cộng sản Campuchia (nay là Chủ tịch danh dự Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Campuchia). Ngày 25/12/1978, dưới sự dẫn dắt [nguyên văn đái lĩnh] của Heng Samrin, 100 nghìn “quân tình nguyện” Việt Nam […] mở cuộc tấn công thế như chẻ tre. Tuy nhiều người Campuchia cảm thấy sợ hãi khi thấy quân Việt Nam đến, nhưng được sự dẫn đường của không ít người Khmer Đỏ đầu hàng và của dân chúng Campuchia chịu sự thống trị tàn khốc của Khmer Đỏ, quân đội Việt Nam chỉ sau hai tuần tấn công đã chiếm được Phnom Penh vào ngày 7/1/1979, lật đổ ách thống trị khủng bố của Khmer Đỏ. Sau đó, lấy lý do quân đội Việt Nam xâm phạm Campuchia, ngày 17/2/1979, chính phủ Trung Quốc đã phát động “Cuộc chiến phản kích tự vệ chống Việt Nam”. Ba chục năm sau, nhân dân Campuchia chúc mừng việc lật đổ chính quyền Khmer Đỏ, Chia Xim thay mặt nhân dân Campuchia cảm ơn Việt Nam đã giúp lật đổ chính quyền Pol Pot; điều đó khiến chúng ta cần nhận thức lại và tìm hiểu lại giai đoạn lịch sử này. Trang ba báo “Tin tham khảo” của Trung Quốc ngày 25/1/2006 đưa tin dưới tiêu đề “Thủ tục xét xử Khmer Đỏ sắp khởi động”, cho biết: theo thỏa thuận ký giữa Liên Hợp Quốc và chính phủ Campuchia, một cơ quan quyền lực đặc biệt đang chuẩn bị cho việc thành lập tòa án xét xử Khmer Đỏ. “Giờ đây cuối cùng đã có hy vọng thấy việc sẽ áp dụng các biện pháp tư pháp nhất định để xem xét những người đã gây ra cái chết của hàng triệu dân Campuchia trong thời gian 1975 đến 1979”. Năm 1998, nhà lãnh đạo Khmer Đỏ là Pol Pot đã chết vì bệnh tim, hiện nay một số nhà lãnh đạo Khmer Đỏ đã bị Tòa án bắt giữ chờ xét xử gồm có nhân vật số hai là Nuon Chea, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ieng Sary cùng vợ là Ieng Thirith, và Kaing Guek Eav. Dự kiến tháng 3/2009 sẽ xét xử Kaing Guek Eav. Những người khác do tuổi cao hoặc đau ốm sẽ hoãn lại đến năm 2010 hoặc muộn hơn mới xét xử. Họ sẽ đối mặt với cáo buộc và kết án phạm tội ác chiến tranh, tội ác diệt chủng hoặc tội chống nhân loại, nhằm an ủi mấy triệu dân chúng Campuchia vô tội bị chúng hãm hại tới chết. Khi Khmer Đỏ do Pol Pot lãnh đạo dùng hành động đẫm máu tàn bạo viết những trang sử dã man của nhân loại, lịch sử tất nhiên sẽ tiến hành thanh toán những thứ rác rưởi tàn bạo không chút tính người ấy, mãi mãi đóng đinh chúng lên cây cột sỉ nhục của lịch sử. Trung Quốc từng ủng hộ Khmer Đỏ, cho tới nay chưa ai đứng ra tiến hành suy nghĩ lại về giai đoạn lịch sử đó. Pol Pot, kẻ tự xưng là “học trò của Mao Trạch Đông” (xem sách “Quốc tế quảng giác”, trang 222), tháng 6/1975 đang ở Trung Quốc, lúc đó Chu Ân Lai đang ốm nặng từng thiện chí khuyên họ không nên làm như thế. Pol Pot và các nhà lãnh đạo Khmer Đỏ hãnh diện tuyên bố: Những người cách mạng trên toàn thế giới có thể học được rất nhiều kinh nghiệm từ Campuchia, “Cách mạng ở bất cứ nước nào đều không thể thực hiện được sáng kiến của Campuchia là rút toàn bộ dân ra khỏi Phnom Penh” (trang 221 sách đã dẫn). Thủ tướng Hun Sen của Campuchia đã xác minh [nguyên văn: ấn chứng] Pol Pot [là] “học trò của Mao Trạch Đông”. Tuần san châu Á xuất bản tại Hong Kong ngày 5/4/2007 đưa tin: Hun Sen cho rằng “Căn nguyên tư tưởng của cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc là tư tưởng Mao Trạch Đông. Tư tưởng của Pol Pot bắt nguồn từ tư tưởng Mao Trạch Đông. Tư tưởng Mao được thực thi tại Campuchia nhưng cũng đã bị chứng minh là thất bại”. Cùng với sự xét xử chính nghĩa [của Tòa án nói trên], giai đoạn lịch sử tàn ác vô nhân đạo do Khmer Đỏ làm nên tất nhiên sẽ bị mổ xẻ, những hành vi bỉ ổi ẩn giấu dưới tư tưởng cách mạng trang nghiêm mà chúng tự xưng sẽ bị phanh phui. Dưới sự cảm hóa và kêu gọi của tinh thần hãy để cho mồi lửa cách mạng vô sản lan ra toàn thế giới, Trung Quốc từng vô tư “ủng hộ và viện trợ” Khmer Đỏ. Nhưng ngược lại, chính cái gọi là lý tưởng cách mạng cao cả của Pol Pot đã đẩy mấy triệu người Campuchia xuống địa ngục muôn đời không thể trở lại trần gian. Khmer Đỏ đội vòng hào quang màu đỏ, rốt cuộc dưới bánh xe chính nghĩa của lịch sử, cái vòng hào quang ấy đã bị chôn vùi, để lại một vệt sử đỏ máu thê thảm của nhân loại. Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ mạng Phương Hoàng, “越南入侵柬埔寨 30年后获尊重” (“[Sự kiện] Việt Nam xâm lược Campuchia – sau 30 năm được tôn trọng”), ngày 8/1/2009. (Nghiên Cứu Quốc Tế)
  7. Thủ tướng Campuchia Hun Sen chào đón sĩ quan chỉ huy của hạm đội Trung Quốc Du Mãn Giang tại Phnom Penh, này 24/2/2016. Tin liên hệ Tư lệnh Mỹ kêu gọi dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam Đô đốc Harry Harris kêu gọi Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam trước kế hoạch gầy dựng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông Australia tăng chi tiêu quốc phòng giữa căng thẳng Biển Đông Việt Nam mời Ấn Độ thăm dò tài nguyên ở Biển Đông Trung Quốc lại điều chiến đấu cơ tới quần đảo Hoàng Sa VN tăng cường quân sự giữa lúc căng thẳng leo thang ở Biển Đông Trung Quốc không lùi bước trước cáo buộc triển khai phi đạn ở Biển Đông Tòa Bạch Ốc: Trung Quốc sai khi so sánh Hawaii với Biển Đông Ðường dẫn Trang chuyên đề: Tranh chấp Biển Đông 24.02.2016 Campuchia trong tuần này sẽ thực hiện cuộc thao dượt hải quân chung lớn nhất từ trước đến nay với Trung Quốc, một sỹ quan cao cấp của Campuchia nói hôm thứ Ba. Phó tư lệnh Hải quân, Đô đốc Vann Bunneang, nói 70 binh sĩ hải quân Campuchia sẽ cùng thao dượt với 737 đối tác Trung Quốc trên 3 chiến hạm Trung Quốc đã đến neo đậu tại cảng Sihanoukville của Campuchia. Ông nói các cuộc thao dượt trong hai ngày thứ Tư và thứ Năm sẽ tập trung vào các hoạt động cứu nạn và các tình huống khẩn cấp trên biển. Chuyến thăm của hải quân Trung Quốc diễn ra chỉ ít ngày sau khi 3 tàu của Lực lượng Phòng vệ Hàng hải của Nhật Bản thăm thiện chí Campuchia. Nhật Bản cũng có những tranh chấp biển riêng với Trung Quốc, và hai nước cũng đang tranh giành ảnh hưởng ở châu Á. Trung Quốc tích cực gây ảnh hưởng ở Đông Nam Á cùng lúc nước này ráo riết đòi chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông. Campuchia, nước láng giềng của Việt Nam song có quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ với Bắc Kinh, đã thể hiện rất ít sự ủng hộ đối với những tuyên bố chủ quyền về Biển Đông của các nước lân cận, trong đó có Việt Nam. Theo Japantimes, Readingeagle.com
  8. Giàn khoan dầu của Ấn Độ ngoài khơi Vịnh Bengal. Từ năm 2006, tập đoàn dầu khí nhà nước Ấn Độ ONGC đã được quyền thăm dò khai thác hai lô ngoài khơi miền Trung Việt Nam. Tin liên hệ Tư lệnh Mỹ kêu gọi dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam Trung Quốc lại điều chiến đấu cơ tới quần đảo Hoàng Sa Tòa Bạch Ốc: Trung Quốc sai khi so sánh Hawaii với Biển Đông Biển Đông có bao nhiêu dầu? Trung Quốc đặt radar ở Trường Sa Ðường dẫn Trang chuyên đề: Tranh chấp Biển Đông 24.02.2016 Hôm thứ Tư, Việt Nam đã mời đối tác chiến lược Ấn Độ thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam ở Biển Đông. Lời mời do Đại sứ Việt Nam Tôn Sinh Thành đưa ra tại một hội thảo ở New Dehli, vào lúc có nhiều tin Trung Quốc mới đây triển khai chiến đấu cơ phản lực và hỏa tiễn địa đối không ở vùng biển. Tại hội thảo mang tên “Biển Đông: Những tác động về an ninh và kinh tế”, Đại sứ Thành tuyên bố Việt Nam có “quyền chủ quyền và quyền tài phán” trong vùng đặc quyền 200 hải lý và thềm lục địa theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982. Ông khẳng định: “Chúng tôi quyết tâm bảo vệ các quyền của mình và duy trì các hoạt động bình thường trong vùng biển có chủ quyền của chúng tôi. Theo đó, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các nước khác, trong đó có Ấn Độ, để thăm dò và khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền”. Bên cạnh quan hệ đối tác quốc phòng đang phát triển và việc mới đây Ấn Độ đặt một trạm theo dõi tín hiệu vệ tinh ở Việt Nam, Ấn Độ cũng đã được Việt Nam giao các lô dầu khí ở Biển Đông. Từ năm 2006, tập đoàn dầu khí nhà nước Ấn Độ ONGC đã được quyền thăm dò khai thác hai lô ngoài khơi miền Trung Việt Nam - cả hai đều nằm trong khu vực đường 9 đoạn, thường gọi là đường lưỡi bò, mà Trung Quốc vạch ra để đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông. Sau khi không tìm thấy dầu, Ấn Độ đã giao lại cho Việt Nam một lô nhưng vẫn tiếp tục dự án với lô còn lại. Ấn Độ nói vì lợi ích chiến lược nên họ tiếp tục thăm dò tại lô đó dù được coi là có tiềm năng thấp. Bắc Kinh đã liên tục gây sức ép đòi Ấn Độ chấm dứt mọi công tác thăm dò ở vùng biển mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền. Năm 2011, Bắc Kinh chính thức cảnh cáo tập đoàn ONGC của Ấn Độ xâm phạm chủ quyền quốc gia của Trung Quốc, song tập đoàn dầu khí của Ấn Độ vẫn làm ngơ trước các hù dọa của phía Bắc Kinh. Trung Quốc cũng gây sức ép với nhiều công ty khác khi họ có kế hoạch thăm dò dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông, kể cả các công ty của Mỹ hay Anh như Exxon Mobil, Chevron, ConocoPhillips và BP. Tại cuộc hội thảo kể trên, Đại sứ Việt Nam nhắc lại Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và cảm ơn quan điểm của Ấn Độ là giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Ấn Độ, thiết lập hồi tháng 7/2007, đang ngày càng phát triển sâu rộng, tập trung vào 5 lĩnh vực - chính trị, kinh tế, an ninh-quốc phòng, khoa học-công nghệ và văn hóa-giáo dục. Cùng lúc, Ấn Độ đẩy mạnh thực hiện chính sách “Hành động hướng Đông” nhằm tăng cường quan hệ với các nước láng giềng ở phía đông, coi Việt Nam là một trọng tâm, cũng như công khai khẳng định Ấn Độ có lợi ích ở Biển Đông. Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ ủng hộ chính sách này. Kể từ năm 2009, tranh chấp ở Biển Đông đã nóng lên do các hành động của Trung Quốc mà nhiều người cho là hung hãn, xâm phạm đến lợi ích của các nước liên quan. Theo Economic Times, VNA.
  9. Phòng không - ưu tiên chính của Trung Quốc trong khu vực - và các loại vũ khí tối tân sẽ giúp tăng cường vị thế của Bắc Kinh. Kế hoạch này sẽ cho phép Trung Quốc tăng cường phòng thủ và kiểm soát các vùng biển, ngăn chặn các đối thủ tiềm tàng trong một cuộc khủng hoảng. Phòng không - ưu tiên chính của Trung Quốc trong khu vực - và các loại vũ khí tối tân sẽ giúp tăng cường vị thế của Bắc Kinh. Theo đó, Trung Quốc có thể triển khai các vũ khí tối tân như tên lửa chống tàu ở khu vực Biển Đông, trong bối cảnh nhiều ý kiến chỉ trích Bắc Kinh đang "quân sự hóa" khu vực tranh chấp. Kế hoạch này sẽ cho phép Trung Quốc tăng cường phòng thủ và kiểm soát các vùng biển, ngăn chặn các đối thủ tiềm tàng trong một cuộc khủng hoảng. Các báo cáo gần đây cho thấy Bắc Kinh đã lắp đặt một hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, làm dấy lên sự phản đối từ phía Mỹ, khiến mối quan hệ vốn đã không tốt đẹp này gia tăng căng thẳng. Đài "Fox News" (Mỹ) ngày 16/2 vừa qua đã phân tích các ảnh chụp từ vệ tinh của Trung tâm ImageSat Quốc tế (ISI), cho biết 2 hệ thống tên lửa đất đối không với 8 giàn phóng và một radar đã được Trung Quốc triển khai trái phép từ tuần trước tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Bắc Kinh chiếm đóng phi pháp. Một quan chức Mỹ cũng đã xác nhận độ chính xác của những hình ảnh này khi nói rằng có thể đó là hệ thống tên lửa phòng không HQ-9, tương tự loại S-300 của Nga. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 17/2 nói: "Đây là một vấn đề nghiêm trọng", trong khi Bắc Kinh nói rằng bất cứ cơ sở quân sự nào trên các đảo tranh chấp cũng chỉ nhằm mục đích tự vệ. Các nhà quan sát Trung Quốc cho rằng việc lắp đặt các hệ thống như vậy là thực sự cần thiết bởi những mối đe dọa đang ngay càng gia tăng từ phía Mỹ. Họ nhìn nhận động thái nói trên của Bắc Kinh là một "phản ứng" đối với các cuộc tuần tra của tàu chiến Mỹ ở những vùng biển gần các đảo do Trung Quốc kiểm soát, một trong số đó gần đảo Phú Lâm. Lý Khiết, một nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), cho biết Trung Quốc sẽ gia tăng triển khai quân đội nếu Mỹ "thúc ép quá mức". Ông nói thêm: "Các cuộc không kích có sức uy hiếp lớn nhất nên phòng không là ưu tiên chính hiện nay và hoàn toàn phụ thuộc vào các điều kiện, trong đó có mức độ khiêu khích từ phía Mỹ và các thế lực không liên quan khác và nhu cầu của chính chúng ta". Trung Quốc có thể triển khai tên lửa tầm ngắn ở những đảo nhỏ cùng nhiều thiết bị như radar và vệ tinh để hợp nhất cấu trúc phòng phủ. Bên cạnh đó, máy bay tuần tra không người lái cũng sẽ được tăng cường. Thiếu tướng quân đội Trung Quốc đã về hưu Từ Quang Dụ, hiện là nghiên cứu viên cấp cao tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí và Giải trừ Quân bị Trung Quốc, cho biết việc thiết lập các cơ sở quân sự ở đảo Phú Lâm sẽ dần dần ngang tầm với những cơ sở của một "thành phố tự trị". Mặc dù đảo này hiện không có môi trường cũng như cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cho các thiết bị tiên tiến như một căn cứ không quân cố định, nhưng điều này sẽ dần thay đổi. Ông nhấn mạnh: "Trong tương lai, việc các máy bay quân sự thường xuyên hạ cánh và các cuộc diễn tập, huấn luyện quân sự chung của lực lượng không quân và hải quân chắc chẵn sẽ diễn ra ở đây". Bắc Kinh đã thành lập cái gọi là "Thành phố Tam Sa" trên đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) để quản lý Biển Đông. Yanmei Xie, chuyên gia phân tích cấp cao thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho biết những tham vọng của quân đội Trung Quốc đối với hòn đảo này bắt đầu từ những năm 1980, khi các nhà truyền giáo yêu cầu biến hòn đảo này thành "một hàng không mẫu hạm không bao giờ chìm". Trong khi Bắc Kinh kín tiếng về kế hoạch lớn của mình ở Biển Đông, chuyên gia Yanmei Xie đưa ra nhận định rằng sự triển khai nói trên có thể góp phần cải thiện khả năng quân sự của Trung Quốc ở khu vực. Theo các nhà phân tích, ngoài việc mở rộng phạm vi phòng không, Trung Quốc còn đang xây dựng khả năng kiểm soát và thu thập tin tức tình báo đối với các tàu thuyền, máy bay và tàu ngầm nước ngoài. Trong khi đó, Phó Tổng biên tập "IHS Jane’s Intelligence Review" - ông Niel Ashdown - cho rằng Trung Quốc có thể triển khai hệ thống phòng không tầm ngắn đến một số hòn đảo khác. Phần lớn các nhà phân tích cho biết các loại vũ khí sẽ được tập trung ở chuỗi đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa), các đảo gần với bờ biển Trung Quốc và dính líu ít hơn tới các bên liên quan bởi Bắc Kinh coi những tuyên bố của mình ít tranh cãi hơn ở quần đảo Hoàng Sa. Theo ông Niel Ashdown: "Sẽ phức tạp và khiêu khích hơn nếu Trung Quốc triển khai những hệ thống vũ khí tương tự đến những đảo và đá ở quần đảo Trường Sa (Trung Quốc gọi là Nam Sa)". Căng thẳng ở Biển Đông đã leo thang kể từ khi Trung Quốc bắt đầu cải tạo một số đảo tranh chấp nằm dưới sự kiểm soát trái phép của nước này vào cuối năm 2013. Tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague sẽ quyết định những thách thức của Philippines chống lại các tuyên bố của Trung Quốc ở khu vực này. Bắc Kinh đã từ chối tham gia vụ kiện, nhưng chuyên gia Yanmei Xie cho biết Bắc Kinh lo lắng về sự tổn hại danh tiếng của bất kỳ phán quyết bất lợi nào cho họ. Chuyên gia Yanmei Xie nhận định: "Có thể Trung Quốc đang tiến hành rất nhiều hành động ở Biển Đông để đề phòng phán quyết của Tòa Trọng tài". Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hông Công) Văn Cường (gt) (Nghiên Cứu Biển Đông)
  10. “Chính trị là nghệ thuật của điều có thể” (Politics is the art of the possible). (Bismarck) Biển Đông xa quá! Sau khi đọc bài của Alexander Vuving (Vũ Hông Lâm), “Trung Quốc sẽ làm gì ở Biển Đông?”, Dự án Đại sử ký Biển Đông, 21/2/2016), tiếp theo mấy bài trước cùng nội dung, đã làm tôi mất ngủ. Không phải vì có nội dung gì mới gây sốc, mà vì tác giả khẳng định một kết luận cũ làm độc giả nhức đầu. Nó làm người ta liên tưởng đến một tai họa sắp xẩy ra, như một trận đại hồng thủy (tsunami) “ai kiểm soát Biển Đông sẽ thống trị châu Á, và bất cứ ai thống trị châu Á sẽ thống trị thế giới”. (Còn ai vào đây nữa!) Kết luận này là một suy diễn, nên độc giả sẽ suy diễn tiếp (hầu như chắc chắn) là Trung Quốc sẽ kiểm soát Biển Đông, sẽ thống trị Châu Á, và thống trị thế giới. Nói cách khác, trong vòng 15 năm nữa (nếu không có cách gì ngăn chặn), thì Trung Quốc sẽ biến Biển Đông thành cái ao nhà của họ (theo báo cáo của CSIS “Asia Pacific Rebalance 2025”). Nếu điều này xảy ra thật thì (lạy Chúa! lậy Phật!) chắc nhiều người không muốn sống lâu, hoặc phải di cư. Nhưng đi đâu? Chẳng lẽ lên mặt trăng hay sao hỏa! Vì Mỹ, Canada, Australia… sẽ đầy người Trung Quốc (Hán Hóa) trong khi Châu Âu sẽ đầy người Arab (Hồi giáo hóa). Có cách gì thoát không? Rất khó! Không biết sau khi đọc báo cáo của CSIS, tổng thống Obama (hay ông Donald Trump và bà Hillary Clinton) có nghĩ ra cách gì không, hay là họ quá bận rộn tranh cử nên không có thời gian cho những chuyện viển vông. Lyle Goldstein khen phát biểu của Donald Trump (về việc Trung Quốc xây sân bay trên các đảo mới bồi đắp ở Biển Đông) là “hợp tình hợp lý nhất” (most sensible comments), “nó ở xa quá, và chúng ta có rất nhiều vấn đề. Mà nó đã được xây xong rồi.” (It is very far, and we have a lot of problems, OK? And they are already built). Nói cách khác, hãy mặc kệ nó, không phải chuyện của Mỹ. Nếu Donald Trump mà làm tổng thống Mỹ thì nguy quá. (Lyle Goldstein, “The South China Sea Showdown: 5 Dangerous Myths, National Interest, September 29, 2015; “The Main Problem with America’s Abundant South China sea Hawks”, National Interest, October 28, 2015). Hay là đến hỏi Henry Kissinger xem ông ấy có cao kiến gì không, vì chính ông ấy (và sếp của ông ấy là tổng thống Nixon) đã có công tạo ra con quái vật Frankenstein của Châu Á. Nếu ông ấy không nghĩ ra được cách gì để ngăn chặn Frankenstein thì hãy cách chức ông ta. (Nhưng ông ấy đã về hưu lâu rồi, làm sao cách chức được nữa). Vậy thì hãy kiện ông ấy ra toàn án quốc tế, vì đã góp phẩn tạo ra hiểm họa này cho thế giới (và nước Mỹ). Chắc nhiều người trên thế giới muốn kiện ông Kissinger (nhất là người Bangladesh). Binh pháp nào? Cái chốt trong lập luận của Alexander Vuving về bàn cờ Biển Đông là người Trung Quốc đang ứng dụng binh pháp Tôn Tử (và cờ vây), trong vùng xám (gray zones), để giành chiến thắng mà không cần phải đánh. Trong khi đó, các chiến lược gia Mỹ lại nhìn nhận bàn cờ Biển Đông theo binh pháp Clausewitz (và cờ vua), trong vùng sáng tối rõ ràng (black & white). Có lẽ tư duy chiến lược của họ được điều khiển bởi hai hệ điều hành (hay văn hóa) khác nhau, nên hiểu thực chất vấn đề khác nhau và đề xuất giải pháp khác nhau. Có người khuyên Mỹ không nên ngăn chặn Trung Quốc. Tranh luận giữa Vuving và Goldstein về Biển Đông phản ánh thực trạng đó. (Alexander Vuving, “Think again: Myths and Myopia about the South China sea”, National Interest, October 16, 2015; Lyle Goldstein, “The Main Problem with America’s Abundant South China Sea Hawks”, the National Interest, October 28, 2015). Trong nhiều trường hợp, việc tranh luận về học thuyết rất khó nhất trí, không ai chịu ai. Nhận ra sai lầm và thừa nhận mình nhầm là một điều rất khó. (nhất là giới academic!) Đó là cảm tưởng của tôi khi theo dõi các học giả lập luận và tranh luận. Đã có thời, các học giả Mỹ đổ xô kết luận Trung Quốc giống Liên Xô, và Việt Nam giống Trung Quốc (vì họ đều là cộng sản). Muốn ngăn chặn Trung Cộng, phải đánh Việt Cộng (thuyết Domino). Gần đây, muốn ngăn chặn khủng bố, phải đánh Iraq. Can thiệp, hay không can thiệp, đều có thể sai lầm, không phải sai về hành động, mà là sai về lý do hành động. Lịch sử có thể lặp lại. Điều đáng mừng là trong báo cáo của CSIS gần đây, “Asia Pacific Rebalance 2025”, các tác giả khuyến nghị rằng học thuyết ngăn chặn (containment) áp dụng từ thời Chiến tranh lạnh không còn phù hợp nữa. Muốn đối phó hiệu quả với sự trỗi dậy “không hòa bình” của Trung quốc hiện nay (đặc biệt là tại Biển Đông), Mỹ phải kết hợp cả ba yếu tố là “tham dự” (engagement), “răn đe” (deterrence) và “trấn an” (reassurance). Dù đây có phải là sự thỏa hiệp giữa các trường phái hay không, thì cách đề cập của CSIS là hợp lý, vì nó phản ánh được bản chất phức tạp của bàn cờ Biển Đông và tư duy lắt léo của người Trung Quốc. Khi ứng dụng “Binh pháp Tôn tử” (hay cờ vây), chắc người Trung Quốc cũng ứng dụng một cách linh hoạt như “Tam chủng Chiến pháp” (three warfares doctrine). Linh hoạt (hay “quyền biến”) theo logic “hư hư thực thực” (vừa thật vừa giả), thiên biến vạn hóa như ma trận, luôn là phương châm chỉ đạo hành động của người Trung Quốc. Có thể hình dung bàn cờ Biển Đông sẽ diễn biến giống như một ma trận (hay “trận đồ bát quái”). Nhìn cách Trung Quốc triển khai bố trí các cơ sở hạ tầng quân sự tại Biển Đông (Trường Sa và Hoàng Sa), cũng như trên đất liền, ta thấy hình dạng một chiến lược tổng thể, như một ma trận. Cách đánh giá của một số chuyên gia quân sự về giá trị của các hạ tầng quân sự (sân bay, bến cảng, trận địa tên lửa, ra đa, kho tàng…) mà Trung Quốc triển khai trên các đảo mới san lấp tại Trường Sa và Hoàng Sa, có thể sai lạc (misleading). Thoạt nghe thì có vẻ đúng về lý thuyết quân sự nhưng lại không đúng về thực tế, vì không lý giải được bản chất sự việc. Đúng là nếu xung đột quân sự (với Mỹ) xảy ra, thì các hạ tầng quân sự đó (military assets) dễ dàng bị phá hủy trong một trận oanh kích (từ máy bay hay tàu chiến Mỹ). Nhưng tại sao Trung Quốc vẫn đầu tư xây dựng các “lâu đài trên cát”? Không phải họ ngu, mà theo Vuving, họ đang chơi cờ vây, theo binh pháp Tôn Tử (để không đánh mà thắng). Trung Quốc triển khai trận địa tên lửa HD-9 và ra đa tại đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) không phải chỉ để uy hiếp máy bay B-52, mà còn để nhắn nhủ Obama và lãnh đạo 10 nước ASEAN đang họp tại Sunnylands ai là người quyết định cuộc chơi. Một ví dụ khác, trước chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã cho mấy tàu chiến đến ngoài khơi Alaska, không phải để đe dọa Anchorage, mà để nhắn nhủ Obama (lúc đó đang thăm Alaska) rằng Trung Quốc là một cưòng quốc hải quân không thua kém Mỹ, cần được đối xử bình đẳng theo luật chơi giữa các “nước lớn” (great power relations). Một kiểu gunboat diplomacy. Một số người lập luận rằng còn lâu Trung Quốc mới mạnh bằng Mỹ (về tiềm lực hải quân và không quân), nên hiện nay Mỹ chưa phải lo. Nhưng họ quên rằng sự trỗi dậy một cách hung hăng của Trung quốc hiện nay là hệ quả của những gì Mỹ đã làm (hay không làm) cách đây vài thập kỷ. Nếu Mỹ xoay trục như “tiếng kèn ngập ngừng” (uncertain trumpet), đối phó với Trung Quốc một cách nửa vời (half-hearted) như hiện nay thì không răn đe được Trung Quốc, mà còn khuyến khích họ hành động quyết đoán hơn. Thái độ do dự của Mỹ trong vụ tranh chấp đảo Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines là một ví dụ. Cho tàu tuần tra FONOP tại Biển Đông theo kiểu “vô hại” (innocent passage) là một ví dụ khác. Đúng là Trung Quốc hiện nay còn yếu hơn Mỹ về tổng thể, nhưng nếu Mỹ không hành động quyết đoán thì Trung Quốc sẽ mạnh hơn Mỹ tại Biển Đông. “Điều duy nhất quan trọng là phải mạnh hơn tại địa điểm quyết định, vào lúc quyết định, để đạt mục đích” (Clausewitz) Tại sao Trung Quốc không muốn xung đột với Mỹ, nhưng lại gây căng thẳng (brinkmanship)? Thứ nhất, Mỹ là mối lo lớn nhất của Trung Quốc: họ gây căng thẳng để hù dọa Mỹ không can thiệp vào khu vực. Nếu xung đột nhỏ với Việt Nam hay Philippines xảy ra thì họ dễ dàng đè bẹp đối phương, và coi đó là việc nội bộ (song phương), không liên quan đến Mỹ. Trung Quốc sẽ rất mừng nếu có người đề xuất với lãnh đạo Mỹ đừng can thiệp vào Biển Đông. Những người có quan điểm như Goldstein rất dễ rơi vào bẫy của họ (playing into their hands). Thứ hai, Trung Quốc không muốn Nhật, Úc, Ấn Độ can thiệp vào Biển Đông (cùng với Mỹ) vì một liên minh như vậy là mối lo thứ hai của Trung Quốc. Nếu vô hiệu hóa được hai mối lo trên, thì Trung Quốc dễ dàng cô lập, phân hóa ASEAN, có thể dùng cái gậy (vũ lực) để răn đe và củ cà rốt (viện trợ) để mua chuộc các nước này. Vì vậy, cuộc gặp cấp cao Mỹ-ASEAN tại Sunnylands, và đoàn kết ASEAN là mối lo thứ ba của Trung Quốc. Lý thuyết cái bẫy chiến tranh “Thucydices trap” có giá trị răn đe vì xung đột tất yếu giữa một cường quốc đang trỗi dậy với một cường quốc đang suy yếu. Nhưng cái bẫy này có thể bị trung hòa và triệt tiêu bằng hai yếu tố khác: Thứ nhât, Mỹ và Trung Quốc bị trói buộc bởi lợi ích kinh tế (economic codependency trap); Thứ hai, Mỹ và Trung Quốc cùng lo bị hủy diệt (Mutual assured destruction). Vì vậy, giá trị thực tiễn của lý thuyết “Thucydices trap” tại Biển Đông không cao. Khả năng xảy ra xung đột Trung-Mỹ rất thấp. Trên thực tế, răn đe sử dụng vũ lực (threat perception) có giá trị thực tiễn và hiệu quả hơn nhiều so với sử dụng vũ lực (tốn kém và rủi ro cao). Chiến tranh tâm lý thường diễn ra trước khi có xung đột thực sự. Tình trạng “nửa chiến tranh, nửa hòa bình” (no war no peace) là lý tưởng để Trung Quốc gây khủng hoảng (bên ngoài) nhằm tháo ngòi khủng hoảng (bên trong) bằng cách bành trướng theo chiến thuật cắt lát (salami), và biến thành chuyện đã rồi (fait accompi), đồng thời nắn gân đối phương bằng nước cờ “gambit”. Nhưng Trung Quốc chỉ có thể làm được điều đó nếu đối phương (Mỹ và đồng minh) tự hạn chế và tự kiểm duyệt mình, để chơi theo cờ vây của Trung Quốc. Nếu người Mỹ lo ngại xung đột có thể leo thang (thành chiến tranh hạt nhân) nên không dám can thiệp vào Biển Đông, là mắc mưu Trung Quốc (dù là vô tình). Mỹ cần chuyển đổi tư duy chiến tranh thông thường sang tư duy phản ứng linh hoạt để đối phó với tình trạng “nửa chiến tranh, nửa hòa bình” (no war no peace). Nhưng quan trọng hơn cả là người Mỹ phải vượt qua “hội chứng Trung Quốc”, cho rằng Mỹ không nên đối đầu và không thể ngăn chặn được Trung Quốc. Nếu nghĩ rằng không nên đối đầu với Trung Quốc chỉ vì mấy cái đảo nhỏ, hay mấy bãi đá trên biển, là nhầm to (misleading). Trung Quốc đang lặng lẽ thay đổi thưc địa, và chỉ vài năm nữa là những bãi đá hoang trở thành các căn cứ quân sự, cơ sở hậu cần, và cứ điểm mạnh, để kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Vì vậy, không thể chơi cờ vây với Trung Quốc bằng tư duy Clausewitz. Có thể làm gì? Về căn bản, tôi tán thành cách nhìn nhận vấn đề và lập luận của Vuving (về Biển Đông). Đây là một trong số ít các nhà nghiên cứu có quan điểm thực tế (realist), hiểu biết sâu sắc về tư duy chiến lược lắt léo của người Trung Quốc, và thực trạng Biển Đông (mà nhiều người khác chưa chắc đã hiểu rõ). Vuving đã giải thích “Trung Quốc SẼ làm gì”, và trong một số trường hợp, thực tế đã diễn ra như vậy. Tôi chỉ muốn bổ sung một chút xem “Trung Quốc CÓ THỂ làm gì”, vì điều này phụ thuộc vào những yếu tố mà có lẽ Trung Quốc không kiểm soát được (như một hệ quả không định trước). Hay nói khác đi, Mỹ và đồng minh CÓ THỂ làm gì để kiềm chế Trung Quốc tại Biển Đông, trong bối cảnh hiện nay. Thứ nhất, Mỹ và đồng minh/đối tác tiềm năng cần liên kết thành một liên minh thực tế (de facto alliance) dựa trên cơ sở hợp tác (TPP) và cơ chế an ninh tập thể (liên khu vực), để ngăn chặn Trung Quốc. Một liên minh như vậy có thể gồm mấy nước nòng cốt như Mỹ, Nhật, Việt Nam, Philippines, Ấn Độ, Úc, để cùng tuần tra Biển Đông, bổ sung cho vai trò an ninh tập thể của ASEAN đang yếu kém vì chia rẽ, đồng thời hỗ trợ tam giác Mỹ-Trung-Việt chuyển động theo hướng “thoát Trung”. Điều này là khả thi vì sau sự kiện tranh chấp đảo Điếu Ngư và sự kiện dàn khoan HD 981 là 2 bước ngoặt lớn (tipping point) làm quan hệ Trung-Nhật và Trung-Viêt thay đổi về bản chất, không còn như trước nữa (beyond the point of no return). Điều này là tối cần thiết, vì mối liên kết để lập một liên minh thực tế như vậy còn khá rời rạc, ngay cả sau thỏa thuận TPP và cuộc gặp cấp cao Mỹ-ASEAN tại Sunnylands. Bầu cử tổng thống Mỹ và chuyển giao quyền lực ở một số nước khu vực (như Myanmar, Đài Loan, Việt Nam) có thể ảnh hưởng phần nào tới tiến trình hợp tác với Mỹ (theo lộ trình đó). Thứ hai, những gì đang diễn ra tại Đài Loan, Hong Kong, Myanmar, Việt Nam, Lào…đang theo xu hướng “thoát Trung”. Trung Quốc càng đối phó cực đoan, họ càng bị cô lập và khủng hoảng. Thứ ba, Trung Quốc có thể mạnh lên về quân sự (tại Biển Đông), nhưng tình hình kinh tế, xã hội, chính trị nội bộ đang xấu đi nghiêm trọng (tới mưc khủng hoảng), có thể đẩy nhanh quá trình sụp đổ của chế độ. Đây chính là tử huyệt của Trung Quốc. Nó vừa là nguyên nhân vừa là hệ quả của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Đại Hán, dựa trên tinh thần dân tộc cực đoan, để thay đổi nguyên trạng (bên ngoài), và tăng cường các biện pháp trấn áp để duy trì nguyên trạng (bên trong). Đó là hai trụ cột chính của Tập Cận Bình để thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa”. Nhưng chính điều này có thể phản lại ông ta, dẫn đến “hệ quả không định trước”. Đó là sự sụp đổ của mô hình phát triển độc đáo (authoritarian resilience) mà nhiều người đã từng đánh giá cao như là động lực làm Trung Quốc phát triển thần kỳ. Nhưng ngày càng nhiều người nhất trí về nguy cơ sụp đổ không tránh khỏi của chế độ Cộng sản Trung Quốc. (Minxin Pei, “The twilight of Communist Party rule in China”, American Interest, Nov 12, 2015). Danh sách ngày càng dài, gồm những tên tuổi như Paul Krugman, David Shambaugh, Minxin Pei… Chẳng ai muốn Trung Quốc sụp đổ, vì điều đó là một thảm họa toàn cầu, do phản ứng dây chuyền. Nhưng một nước Trung Quốc ốm yếu và suy sụp (implosion) có thể làm giảm động lực và năng lực bành trướng bá quyền tại Biển Đông. Nói cách khác, những gì đang diễn ra tại Biển Đông không thể tách rời những gì đang diễn ra tại Bắc Kinh và Thượng Hải. Biển Đông là một canh bạc lớn, và một con dao hai lưỡi đối với Trung Quốc, mà mối lo chung (mutual fear) là ẩn số trong mọi trò chơi quyền lực (game of thrones). Tham khảo Alexander Vuving, “Trung Quốc sẽ làm gì ở Biển Đông?”, Dự án Đại sử ký Biển Đông, 21/2/2016; “Think Again: Myths and Myopia about the south China sea”, National Interst, October 16, 2015; “A Tipping Point in the US-China-Vietnam Triangle”, the Diplomat, July 6, 2015; “China’s Sun Tzu Strategy: Preparing for Winning without Fighting”, Interview by Patrick Renz & Frauke Heidemann, March 27, 2015; Lyle Goldstein, “The South China Sea Showdown: 5 Dangerous Myths”, Nationa Interest, September 29, 2015; “Main Problem with America’s Abundant South China sea Hawks”, National Interest, October 28, 2015. Minxin Pei, “The Twilight of Communist Party Rule in China”, American Interest, November 12, 2015 Robert Kapland, “Eurasia’s Coming Anarchy”, Foreign Affairs, March/April, 2016 NQD. 25/2/2016 Tác giả gửi cho viet-studies (Viet-studies)
  11. Ngày 19/2/2016 Văn Việt đăng bài “Mộ cha Đắc Lộ ở đâu?” của Dong Tran, trong đó tác giả cho rằng: – Đắc Lộ là người đặt ra chữ quốc ngữ – Nhờ chữ quốc ngữ mà ta tiến bộ được 300 năm. Chúng tôi xin có mấy ý kiến sau đây: 1- Đắc Lộ không phải là người đầu tiên đặt ra chữ Quốc Ngữ. Linh mục Đỗ Quang Chính trong cuốn Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ (Tủ Sách Ra Khơi, Sài Gòn, 1972) đã xác định rõ những ai là người đầu tiên nghĩ cách ghi lại tiếng Việt bằng ngữ tự La Tinh. Ngài Alexandre de Rhodes Trong giai đoạn hình thành từ 1620-1626: Ba tu sĩ Dòng Tên Buzomi (Ý), Carvalho và Dias (Bồ) tới cửa Hàn (Đà Nẵng) ngày 18/1/1615. Họ là những tu sĩ đầu tiên, chủ trương giảng đạo bằng tiếng Việt, vì vậy họ phải tìm cách ghi lại tiếng Việt theo ngữ tự La Tinh, và đó là nguồn cội chữ Quốc ngữ. Trong những giáo sĩ này, Francisco de Pina, người Bồ là người đầu tiên thạo tiếng Việt, ông đã dạy cho những người đến sau, trong đó có Đắc Lộ. Cristoforo Borri đã để lại tập ký sự giá trị viết về Nam Hà, trong đó ông ghi lại những chữ Quốc ngữ đầu tiên, tức là tiếng Việt phiên âm theo ngữ tự La tinh năm 1620-1621. Cuốn sách được in lần đầu năm 1631, và được Bonifacy dịch sang tiếng Pháp, in trong BAVH, 1931, trang 277-405. Nhờ biết tiếng Việt nên các giáo sĩ Bồ đã soạn được sách giáo lý bằng chữ Nôm và Quốc ngữ cùng với các thầy giảng Việt, mà Benitô Thiện là một thành viên tích cực. Đắc Lộ đến Đàng Trong lần đầu năm 1624, sau các giáo sĩ dòng Tên đầu tiên 9 năm. Khi so sánh các tài liệu viết tay của Đắc Lộ với các linh mục như Gaspar d’Amaral, trình độ tiếng Việt của ông kém hơn nhiều. Khi viết cuốn từ điển xuất bản tại La Mã năm 1651, ông đã cho biết là ông dùng hai cuốn từ điển viết tay của Gaspard d’Amaral và Antonio Barbosa, để soạn. Linh mục Đỗ Quang Chính nhận định: Đắc Lộ không phải là người đầu tiên học tiếng Việt, ông cũng không sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, cũng không phải là người viết chữ Quốc ngữ giỏi, ông chỉ góp một phần trong công việc này và là người in hai cuốn sách chữ Quốc ngữ đầu tiên. Năm 1645, giáo sĩ Đắc Lộ bị chúa Thượng Nguyễn Phước Lan trục xuất lần thứ tư, ông trở về Âu Châu, đem đầu của người thầy giảng trẻ tên thánh là André, bị xử tử đầu tiên, về Rome để trình đức Giáo Hoàng Innocent X, tội ác của Chuá Nguyễn. Rất can trì, bởi vì chuyến đi kéo dài trong 4 năm từ tháng 12/1645 đến tháng 6/1649. Với chứng cớ là đầu lâu của người thanh niên bị xử tử hình, ông biện hộ trước Giáo hoàng việc Việt Nam đàn áp tôn giáo và xin toà thánh can thiệp, xin Giáo hoàng cho Pháp thay thế Bồ trong việc quản trị truyền giáo tại Việt Nam. Vatican, cho tới đó vẫn thiên về Bồ Đào Nha, được mệnh danh là “con trưởng” của đạo Chuá, vì chiếm được nhiều thuộc địa, đẩy lui đạo Hồi, nên giáo hoàng Innocent X, không chú ý đến đến lời kêu của Đắc Lộ. Giáo Hoàng mất năm 1655. Alexandre VII lên thay, nghiêng về phiá Pháp, đuổi Bồ khỏi La Mã, và thuận cho Pháp cầm đầu Hội truyền giáo ở Việt Nam. Tháng 8/1658, François Pallu được phong chức Giám Mục địa phận Bắc Hà và Pierre-Lambert de la Motte, điạ phận Nam Hà. Từ 1662, Hội Truyền Giáo Ngoại Quốc (Société des Missions Étrangères) được thành lập và đặt trụ sở ở Paris, rue du Bac. Năm 1664, Colbert, Bộ trưởng Tài Chính Pháp, lập Công ty Pháp Ấn. Từ đó, Pháp có đầy đủ các cơ sở vững chắc để chinh phục thuộc điạ ở Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong thời gian ấy, giáo sĩ Đắc Lộ được gửi đi Ba Tư và ông mất ở đấy năm 1660. Alexandre de Rhodes đã giúp cho Pháp có những cơ sở đầu tiên về đạo giáo trên đất nước ta và trong thời kỳ ấy ở Âu châu, giáo hội với chính quyền là một. 2- Chữ Quốc ngữ không giúp ta tiến bộ 300 năm. Nhật Bản và Hàn Quốc là những thí dụ. Chữ Quốc ngữ đã làm ta đoạn tuyệt với quá khứ Hán Nôm, không đọc được sách của tiền nhân và đó là một mất mát lớn lao, một bất hạnh. 3- Linh mục Đỗ Quang Chính đã bôn ba khắp các thư viện của giáo hội ở Âu châu và Á châu, để tìm tòi, nghiên cứu và tha thiết lên tiếng từ năm 1972, về việc thổi phồng công lao của Alexandre de Rhodes, bằng những văn bản gốc, đích thực. Chẳng lẽ chúng ta cứ mãi mãi làm ngơ, không biết, không đọc? Thụy Khuê ( Nguồn: VV 25/2/2016) (Blog Ngô Minh)
  12. Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc với huyện Ba Vì sáng 23/2/2016: “Thà sống nghèo nhưng công bằng, yên bình còn hơn giàu mà bon chen, không an toàn”. Thiệt tình! Nếu không có nguồn từ VNExpress với bài tường thuật kèm theo, thật khó tin lời phát biểu trên đây là của một trong những lãnh đạo cao cấp của đảng CSVN. Phát biểu ngu ngơ, nói năng bừa bãi vốn là đặc điểm của các lãnh đạo CSVN nhưng khi đóng vai trò mặt nổi phải biết tập uốn lưỡi bảy lần. Nếu không tập được thì nên im lặng. Càng nói càng chứng tỏ lãnh đạo CS không hề đọc sách, chưa hề đi xa, chỉ biết thừa hưởng gia tài cai trị theo kiểu cha truyền con nối thời phong kiến. Vì bản tin cho biết ông Hoàng Trung Hải “nhấn mạnh đến việc đảm bảo an ninh quốc phòng” chứ không chỉ nói về trộm cắp, rác rưới thôi nên tôi cũng nêu lên vài điểm về “an ninh quốc phòng”. Vậy theo ông Hoàng Trung Hải, Việt Nam cần làm gì để bảo vệ Hà Nội trước xâm lăng quân sự của Trung Quốc, ngoài việc “thà sống nghèo” ? Ông hãy kể giùm một nước, đâu cũng được, nước nào cũng được, nằm giữa hai thế lực thù địch mạnh nhất nhì thế giới mà lại nghèo khó nhưng vẫn được sống trong “công bằng, yên bình” ? Nếu muốn “trừng phạt Việt Nam” hôm nay, Trung Quốc không cần phải xua vài trăm ngàn quân đi bằng ngựa, lừa như thời 1979 mà chỉ đặt vài giàn hỏa tiển từ bên kia biên giới bắn sang hay ngoài hạm đội bắn vô. Dĩ nhiên để trấn an dư luận thế giới chúng cũng sẽ tuyên bố “trừng phạt có giới hạn”. Đừng quên, Hà Nội chỉ cách biên giới Trung Việt phía Bắc 106 dặm hay 171 km. Một vài giờ thôi, Hà Nội đã tan nát rồi. Hoàng Trung Hải nghĩ rằng khi đó Liên Hiệp Quốc, Mỹ, Nhật sẽ đến cứu Việt Nam hay những củ khoai lang, nồi cơm trắng của Việt Nam nghèo nàn như Hoàng Trung Hải khuyến khích đồng bào nên sống sẽ làm Tập Cận Bình chột dạ xót thương? Không ai xót thương hay cứu giúp Việt Nam nếu Việt Nam không biết tự xót thương và cứu lấy chính mình. Mà muốn cứu mình Việt Nam trước hết phải có tự do, dân chủ và giàu mạnh. Không chỉ ông bà Việt Nam mà hầu hết các nhà nghiên cứu quân sự thế giới cũng đều đồng ý “mạnh dùng sức yếu dùng chước”. Nhiều quốc gia nhỏ giữ vững được nền độc lập vì họ biết dùng chước, dùng thế, dùng vị trí chiến lược của quốc gia mình để mặc cả với các nước lớn như trường hợp Thụy Sĩ trong Thế chiến Thứ hai hay Ai Cập trong xung đột Trung Đông. Một khi vị trí chiến lược mất đi, quốc gia đó không còn giá trị đổi chác và trở thành mồi tự do cho cả hai bên. Một ví dụ khác. Trước Thế Chiến thứ nhất Áo là một quốc gia chiến lược trong đế quốc Áo Hung nhưng trước Thế chiến Thứ hai vị trí đó của Áo không còn nữa. Hitler chiếm Áo không tốn một viên đạn vì cả Anh, Pháp đều xem đó là phần thực tế của trật tự mới tại Âu Châu. Anh và Pháp cố gắng giữ Tiệp Khắc nhưng khi Hitler tiếp tục vẽ lại bản đồ Châu Âu, TT Anh Neville Chamberlain và TT Pháp Édouard Daladier đành nhịn nhục cho đến khi Hitler tấn công Ba Lan mở đầu thế chiến thứ hai. Tập Cận Bình đang vẽ lại bản đồ Châu Á và Việt Nam đang nằm trên mũi bút chì của họ Tập. Việt Nam từng là một quốc gia có vị trí chiến lược nhưng vị trí đó đang mất dần như David Brown viết trên báo Asia Sentinel “Mỹ dường như đang vẽ lại vòng an ninh chung quanh Nhật Bản, Hàn Quốc và có thể Singapore và Eo biển Malacca …” . Bên trong vòng đai an ninh đó không có Việt Nam. Sau Thế chiến Thứ hai, Mỹ gần như độc quyền trên vùng Nam Thái Bình Dương. Vị trí đó không còn nữa. Việc TT Barack Obama yêu cầu Tập Cận Bình ngưng bành trướng Biển Đông cũng chẳng khác gì TT Neville Chamberlain yêu cầu Hitler lấy vùng Sudetenland đủ rồi đừng thôn tính hết Tiệp Khắc. Tuy nhiên, kế hoạch Châu Âu của Hitler không dừng lại ở vùng Sudetenland và tương tự kế hoạch Á Châu của Tập Cận Bình không dừng lại ở Hoàng Sa, Trường Sa. Nếu Việt Nam tiếp tục bị cai trị bằng những người có cái đầu như Hoàng Trung Hải và nếu các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, tiếp tục bị tiêm thuốc mê “Thà sống nghèo nhưng công bằng, yên bình còn hơn giàu mà bon chen, không an toàn”, rồi đất nước sẽ tan hoang và một ngôi sao nữa gắn trên cờ Trung Quốc cũng không phải là điều ngoài tưởng tượng. Trần Trung Đạo (FB Trần Trung Đạo)
  13. Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump phát biểu trong một cuộc vận động tranh cử tại Las Vegas, ngày 22/2/2016. Tin liên hệ Ông Trump thắng lớn trong cuộc bầu cử sơ bộ Nevada Kết quả cuối cùng cho thấy ông Trump đoạt 46% phiếu bầu, vượt xa Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio với 24%. Thượng nghị sĩ Ted Cruz về ba, với 21% Bầu cử sơ bộ Nevada: Ông Trump chuẩn bị thắng lớn Donald Trump vững bước tiến tới đề cử của Ðảng Cộng hòa Bà Clinton thắng ở Nevada, ông Trump thắng ở South Carolina Tỷ phú Donald Trump lùi bước, thôi đả kích Đức Giáo Hoàng Hình ảnh/Video Video Truyền hình vệ tinh VOA 23/2/2016 25.02.2016 Ông Donald Trump, trong cuộc vận động tranh cử hôm qua, đã nhắm mục tiêu vào các quốc gia châu Á bao gồm Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ, tố cáo các nước này đánh cắp các việc làm tại Mỹ. Ông Trump cũng trấn an những người ủng hộ rằng ông sẽ lấy lại việc làm từ những quốc gia châu Á này. Người đứng đầu cuộc chạy đua tổng thống của Đảng Cộng hòa cho biết: “Những gì tôi đã làm vào ngày 16 tháng 6 là chúng tôi đã lên tiếng nói về thương mại, về việc bị các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico, Việt Nam cũng như Ấn Độ cướp đoạt”. Các bình luận của ông trùm bất động sản 69 tuổi được đưa ra chỉ hai ngày sau khi ông lên tiếng về lo ngại tương tự trong một cuộc phỏng vấn với CNN. Ông Trump nói trong buổi phỏng vấn: “Một điều nữa là, những cử tri người Mỹ gốc Phi, tôi nghĩ tôi sẽ nhận được sự ủng hộ lớn. Và mọi người nhìn thấy những câu chuyện mà các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Phi đang nói, mọi người biết đấy, người dân chúng tôi thực sự thích ông Trump, bởi vì tôi sẽ lấy lại những việc làm từ Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ, và tất cả những nơi đã lấy đi việc làm của chúng ta. Tôi sẽ lấy lại việc làm”. Tháng 8 năm ngoái, ông Trump chỉ trích nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg vì đã thúc đẩy chính sách nhập cư cởi mở. Nhà tỉ phú New York nói rằng ông muốn những việc làm công nghệ được trao cho những người Mỹ thất nghiệp trước khi bị rơi vào tay các công nhân với thị thực H-1B”. Trong bản kế hoạch chính sách nhập cư, ông Trump viết: “Điều này sẽ cải thiện số lượng công nhân da đen, gốc Tây Ban Nha, và nữ công nhân ở Thung lũng Silicon, những người đã bị gạt qua bởi những ưu đãi của chương trình thị thực H-1B. Thượng nghị sĩ Marco Rubio có một dự luật tăng gấp 3 số lượng thị thực H-1B sẽ làm suy giảm con số nhân viên nữ và người sắc tộc thiểu số”. Hồi tháng 9 năm 2015, Trung Quốc đã bác bỏ những nhận xét của ông Trump về việc Bắc Kinh “đã làm giàu” nhờ Mỹ, và nói rằng ý kiến của ông không phù hợp với hầu hết người Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng ý kiến của ông Trump về mối quan hệ Trung - Mỹ chỉ nhằm "gây rối". Theo IBTimes, HindustanTimes
  14. Dẫn nguồn các ảnh chụp từ vệ tinh dân sự, kênh truyền hình Mỹ “Fox News” hôm 16/2 đưa tin rằng quân đội Trung Quốc đã triển khai một hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến tới một trong các các hòn đảo đang tranh chấp trên Biển Đông. Thông tin này, dựa trên các hình ảnh vệ tinh của công ty ImageSat International, cho biết các tên lửa có vẻ là thuộc hệ thống phòng không HQ-9. Các quan chức Mỹ và Bộ Quốc phòng Đài Loan sau đó được dẫn lời cho biết các khẩu đội tên lửa này được triển khai trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc đã kiểm soát quần đảo Hoàng Sa, mà Việt Nam và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền, kể từ giữa những năm 1970 và sau khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tìm cách giảm nhẹ tính nghiêm trọng của bài báo và cáo buộc truyền thông thổi phồng sự việc. Tuy nhiên, Đô Đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, đã nói với các phóng viên rằng động thái như vậy sẽ đặc trưng cho hành động “quân sự hóa” các vùng biển tranh chấp theo cách mà Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng ông sẽ không làm như vậy. Trung Quốc từng khẳng định rằng bất kỳ hành động triển khai tên lửa nào trong lãnh thổ của họ sẽ đều mang tính hợp pháp. Theo nhà phân tích Ashdown, có thể việc triển khai ở thời điểm hiện tại là nhằm gửi một thông điệp đến Mỹ và các bên tranh chấp khác trên Biển Đông, sau các hoạt động để duy trì tự do hàng hải do các tàu hải giám của Mỹ tiến hành hồi tháng 10/2015 và tháng 1/2016. Thông điệp ở đây đó là Trung Quốc có khả năng bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của họ với các hòn đảo và rạn san hô, với ngụ ý rằng Bắc Kinh cũng coi trọng việc theo đuổi các tuyên bố chủ quyền trên biển chưa được vạch rõ hoàn toàn ở khu vực Biển Đông. Trung Quốc cũng tạo ra các thế “sự đã rồi” trước khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague đưa ra phán quyết về các tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông, theo kế hoạch vào tháng 6/2016. Lý giải việc tại sao Trung Quốc tại triển khai hệ thống tên lửa đất đối không ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, chứ không phải một trong các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, nhà phân tích Ashdown cho rằng quần đảo Hoàng Sa gần với Trung Quốc đại lục hơn bởi vậy Bắc Kinh có thể coi hành động này mang tính ít khiêu khích hơn. Mặc dù các công cuộc cải tạo đất đá đã được tiến hành trên đảo phú Lâm, song đây cũng là một hòn đảo theo đúng pháp luật quy định, có nghĩa là vị thế của đảo này ít gây tranh cãi hơn một số thực thể mà Trung Quốc đã mở rộng trên quần đảo Trường Sa, ví dụ như Đá Subi, vốn bị nhấn chìm dưới nước khi thủy triều dâng trước khi hoạt động cải tạo được tiến hành. Đề cập đến hệ thống phòng không HQ-9, chuyên gia Ashdown cho biết HQ-9 là hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) thế hệ thứ tư. Mặc dù không phải là hệ thống SAM tối tân nhất trên thế giới, song nếu nó thực sự được triển khai trên đảo Phú Lâm thì có thể đây sẽ là hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến nhất hiện nay được triển khai trên một hòn đảo ở Biển Đông. HQ-9 có khả năng đối phó với một loại máy bay, bao gồm cả chiến đấu cơ. Hệ thống này tương tự hệ thống S300 của Nga song Trung Quốc được cho là đã phát triển các biến thể khác nhau của hệ thống này với tầm xa lên tới 230 km. Chuyên gia Ashdown cho rằng việc triển khai hệ thống HQ-9 tương thích với chiến lược quân sự hóa dần dần trên Biển Đông. Theo chiến lược này, Trung Quốc lợi dụng các hoạt động ngoại giao và quân sự của các bên tranh chấp và Mỹ để biện minh cho việc gia tăng số lượng và tính hiệu quả của các hệ thống quân sự triển khai trên các đảo. Ví dụ trong năm 2015, Trung Quốc đã bắt đầu chuẩn bị đặt các hệ thống phòng không tầm ngắn trên quần đảo Trường Sa. Phân tích hình ảnh vệ tinh của IHS Jane’s về Đá Châu Viên mà Trung Quốc kiểm soát trên quần đảo Trường Sa hồi tháng 1/2016 cho thấy nước này đã xây dựng các bệ thềm mà có thể sẽ được sử dụng cho các hệ thống phòng thủ tầm ngắn như vậy. Phân tích này cho rằng nếu Trung Quốc thực sự triển khai hệ thống SAM thế hệ thứ tư trên Biển Đông, thì điều này sẽ đặc trưng cho hành động leo thang quân sự nghiêm trọng trong các biện pháp như triển khai các hệ thống phòng thủ tầm ngắn hơn và tăng cường các chuyến viếng thăm của các máy bay quân sự tới các đảo. Tuy nhiên, đối với Mỹ và các nước khác, ở góc độ quân sự, việc triển khai này vẫn ít mang tính nghiêm trọng hơn việc triển khai các hệ thống như tên lửa hành trình chống hạm loại YJ. Nhà phân tích Ashdown cho rằng trong ngắn hạn, Mỹ và các bên tranh chấp sẽ lên tiếng chỉ trích động thái này và cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông- điều mà Bắc Kinh sẽ bác bỏ. Nếu nhìn rộng hơn, việc triển khai này- nếu được khẳng định- sẽ cho thấy Trung Quốc đang lên kế hoạch áp dụng quan điểm kiên quyết hơn với các tuyên bố hàng hải trên Biển Đông trong năm 2016 so với những gì họ đã thực hiện trong năm 2015. Điều này sẽ làm phức tạp các tiến trình ngoại giao trong khu vực, đặc biệt xung quanh phán quyết của PCA được dự kiến đưa ra vào tháng 6 tới, với việc các nước trong khu vực có thể sẽ đặt câu hỏi rằng họ sẽ sẵn sàng theo đuổi các tranh chấp với Bắc Kinh đến mức độ nào. Bài phỏng vấn do Kênh truyền hình DW (Đức) với nhà phân tích Neil Ashdown, Phó Tổng biên tập tạp chí “IHS Jane's Intelligence Review”. Văn Cường (gt) (Nghiên Cứu Biển Đông)
  15. Ảnh: The Washington Times Khi muốn chứng tỏ với thế giới rằng Mỹ không công nhận điều mà nước này gọi là những tuyên bố chủ quyền “quá đáng” của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) vào năm qua và đầu năm nay, Mỹ đã điều một chiến hạm tới gần một trong những đảo nhân tạo mà Bắc Kinh mới xây dựng. Động thái này diễn ra trong bối cảnh nổ ra cuộc tranh cãi về việc liệu Mỹ có đủ tàu để đối phó với những thách thức đặt ra bởi một lực lượng Hải quân phát triển nhanh chóng và ngày càng quyết đoán của Trung Quốc, điều đang khiến một số nước láng giềng không khỏi lo lắng. Theo hãng thông tấn AP, tuần trước, Trung Quốc công bố nước này sẽ đóng tàu sân bay thứ hai bằng công nghệ trong nước. Trong khi đó, Hải quân Mỹ nói chung và đơn vị đảm trách vùng biển này là Hạm đội Thái Bình Dương nói riêng đều có ít tàu hơn so với thời điểm giữa những năm 1990. Giới chức Hải quân Mỹ cho biết công nghệ được cải tiến lớn trên các tàu này có thể bù đắp những bất lợi từ tình trạng số lượng tàu giảm. Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift, cho biết những câu hỏi về việc liệu Hạm đội Thái Bình Dương có đủ nguồn lực hay không phản ánh những lo lắng của khu vực hơn là quan tâm đến năng lực thực tế của Hải quân Mỹ. Ngay cả khi toàn bộ hạm đội này được triển khai tại Biển Đông, vẫn có nghi vấn liệu Mỹ có điều thêm lực lượng tới khu vực này hay không. Peter Jennings, chuyên gia của Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), cho rằng vấn đề đặt ra trong thời bình là liệu Mỹ có đủ tàu chiến để trấn an các bạn bè và đồng minh, cũng như chứng tỏ khả năng huy động sức mạnh khi cần thiết. Còn trong thời chiến, câu hỏi là liệu các tàu của Mỹ có chống chọi được các cuộc tấn công bằng tên lửa để có thể tiếp tục nhiệm vụ. Chuyên gia Jennings nhận định về lâu dài đây là một vấn đề nghiêm trọng. Theo người phát ngôn, Đại tá Clay Doss, Hạm đội Thái Bình Dương hiện có 182 tàu, trong đó có các tàu chiến như tàu sân bay, cũng như tàu bổ trợ và tàu hậu cần... ít hơn so với số lượng 192 chiếc cách đây gần hai thập kỷ. Trên toàn thế giới, Hải quân Mỹ có 272 tàu có thể sử dụng trong chiến đấu hoặc hỗ trợ các tàu tham chiến, ít hơn gần 20% so với thời điểm năm 1998. Hiện Hải quân Mỹ có tổng cộng 10 tàu sân bay. Đô đốc Swift cho biết ông thích lực lượng Hải quân do ông chỉ huy ngày hôm nay - với công nghệ tiên tiến - hơn là lực lượng Hải quân cách đây gần hai thập kỷ. Ông Swift nêu ví dụ với tàu USS Benfold, tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường được nâng cấp bằng hệ thống phòng thủ tên lửa mới, cũng như 3 tàu khu trục tàng hình mới lớp DDG-1000 sắp được triển khai. Hệ quả của việc có một hạm đội quy mô nhỏ hơn là mất thêm thời gian triển khai trên biển. Đô đốc nghỉ hưu Zap Zlatoper, nguyên Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương từ năm 1994-1996, cho biết quy định triển khai trong vòng 6 tháng được áp dụng “bất di bất dịch” bởi nếu kéo dài hơn sẽ khiến Hải quân khó duy trì lực lượng thủy thủ hơn. Hiện tại việc triển khai tàu bình quân từ 7-9 tháng, mặc dù Hải quân Mỹ có kế hoạch giảm xuống 7 tháng. Tình trạng của tàu cũng là vấn đề. Tàu USS Essex đã phải rời cuộc tập trận với Hải quân Australia vào đầu năm 2011 và bỏ lỡ cuộc tập trận khác với Thái Lan vào năm sau đó do gặp trục trặc kỹ thuật sau khi trì hoãn bảo dưỡng để tiếp tục hoạt động ngoài khơi. Bryan Clark, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA) có trụ sở tại Washington, nhận định đây là các dấu hiệu cho thấy một thực trạng không bền vững. Trong báo cáo công bố hồi tháng 11/2015, ông Clark đã phác thảo một số lựa chọn thay thế: đóng thêm tàu (mặc dù việc này cần thêm ngân sách và Quốc hội Mỹ có thể không đáp ứng cho Hải quân) hoặc hạn chế triển khai (mặc dù Lầu Năm Góc không sẵn lòng chấp nhận việc giảm bớt sự hiện diện ở các vùng biển xa). Những lựa chọn khác là: tăng số lượng tàu tại các căn cứ nước ngoài để chúng có thể triển khai tới điểm nóng nhanh hơn hoặc thay đổi cách thức triển khai các tàu, ví dụ như giảm số tàu hộ tống đi theo tàu sân bay, qua đó một số tàu có thể rảnh rang thực hiện các nhiệm vụ độc lập. Theo báo cáo “Chiến lược An ninh Biển châu Á-Thái Bình Dương” của Lầu Năm Góc công bố hồi tháng 8/2015, Hải quân của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) hiện có hơn 300 tàu mặt nước, tàu ngầm, tàu đổ bộ và tàu tuần tiễu. Trong khi đó, lực lượng tuần duyên và đội tàu chấp pháp của Trung Quốc lên tới 200 chiếc, nhiều hơn tổng số tàu của các nước láng giềng có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông với Bắc Kinh. Lực lượng tuần duyên của Mỹ có khoảng 280 tàu nhỏ có chiều dài từ 20 mét trở lên, mặc dù chúng chủ yếu hoạt động quanh bờ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng ngày càng hung hăng hơn trong việc khẳng định chủ quyền tại các vùng lãnh thổ tranh chấp. Từ tháng 12/2013, Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông sử dụng cát hút từ dưới đáy biển, với diện tích theo ước tính của Mỹ là khoảng 3.000 mẫu Anh (khoảng 12,14 km2). Trung Quốc nói rằng các đảo này để hỗ trợ các tàu, ngư dân và giảm nhẹ hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, phía Mỹ cho rằng các đảo này sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc mở rộng hoạt động chấp pháp trên biển cũng như tăng cường sự hiện diện của Hải quân sâu xuống phía Nam. Washington lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng các đảo này để cản trở việc qua lại của tàu thuyền các nước khác trên Biển Đông, nơi có tới 30% tổng lượng hàng hóa thương mại của thế giới được vận chuyển qua. Một số tàu của Trung Quốc còn “thô sơ”, giống như chiếc tàu sân bay hiện nay của nước này. Tuy nhiên, Narushige Michishita, một học giả Nhật Bản tại Trung tâm Woodrow Wilson có trụ sở ở Washington, cho rằng người dân không biết đến điều đó nên những chiếc tàu này có hiệu ứng tâm lý tương tự với công chúng chẳng khác gì những con tàu hiện đại hơn. Hơn nữa, các lực lượng Mỹ bị dàn trải trên toàn thế giới, trong khi Trung Quốc đặt trọng tâm vào khu vực xung quanh. Do vậy, ngay cả khi Mỹ chi tiêu quốc phòng nhiều hơn Trung Quốc, thì điều này không có nghĩa là cán cân quân sự trong khu vực vẫn giữ nguyên. Học giả Michishita kết luận “cán cân sức mạnh tại châu Á đang thay đổi nhanh chóng”. Hoàng Việt (FB Việt Hoàng)
  16. Mười năm sau ngày ba tôi mất, cuối cùng thì mẹ cũng chấp thuận đến ở với chúng tôi sau rất nhiều lần thuyết phục. Lúc đó tôi đã 40 còn mẹ tôi thì 70 tuổi. Gia đình tôi có 4 anh chị em, ba con gái và một con trai; tôi là con út. Vào ngày bà chuyển đến, bà khăng khăng đòi mang theo hai túi bột mới xay. Hóa ra bà đã giấu 2.000 Nhân dân tệ trong các túi bột đó; bà đã tiết kiệm số tiền đó để mua một cái xe cho con trai tôi. Sao bà có thể tiết kiệm được số tiền lớn như vậy mà tôi hoàn toàn không biết gì. Sau khi chuyển đến, bà lo toan tất cả mọi việc nhà, bao gồm cả việc nấu ăn. Tôi không cần ra ngoài mua đồ ăn nữa; với sự giúp sức của bà, chúng tôi đã có không khí gia đình thoải mái và ấm cúng. Tụ họp Hai tuần sau ngày bà đến, bà muốn chồng tôi mời bạn cùng lớp, đồng nghiệp và bạn bè tới nhà dự một bữa tiệc gia đình. Vào thời điểm đó, mọi người thường tụ tập ở nhà hàng thay vì ở nhà do cuộc sống quá bận rộn. Chồng tôi đã chiều lòng bà, dù bà đã phải dành suốt hai ngày trời để chuẩn bị đồ ăn nhẹ, bánh ngọt, và các đồ ăn khác cho buổi tiệc. Mọi người đều thích các món ăn bà nấu, nhiều người trong số họ đã không được thưởng thức đồ ăn ngon như vậy từ rất lâu rồi. Mẹ lại mời tất cả mọi người một bữa khác. Bữa tiệc thật tuyệt vời; chúng tôi đã nói chuyện rất nhiều, và chỉ uống một chút. Chúng tôi có cơ hội để nói về nhiều chủ đề mà thường không được nói đến ở nơi công cộng hoặc ở nhà hàng. Nhà chúng tôi đã trở thành một điểm hẹn thường xuyên cho mọi người sau đó. Mẹ tôi thật sự thích thú, bà nói: “Cuộc sống lẽ ra phải như thế; mọi người cần gắn bó với nhau.” Nhà chúng tôi đã trở thành một điểm hẹn thường xuyên cho mọi người sau đó. Mẹ tôi thật sự thích thú, bà nói: “Cuộc sống lẽ ra phải như thế này; mọi người cần gắn bó với nhau.”(Ảnh: Pixabay/CC0 Public Domain) Những người hàng xóm Một hôm tôi ra mở cửa sau tiếng gõ. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy trước cửa là người hàng xóm nhà đối diện với một một đĩa anh đào tươi rói trên tay. Chúng tôi đã có một cuộc cãi vã vài năm trước và không nói chuyện với nhau từ đó. Cô nói: “Tôi mua một vài thứ cho mẹ cô và hy vọng bà thích chúng.” Tôi cảm thấy hơi lạ, và cô ấy đỏ mặt và nói tiếp: “Lũ trẻ nhà tôi thích những thứ mà mẹ cô làm.” Tôi đã nhận ra rằng những việc nhỏ của mẹ tôi đã giúp chúng tôi xây dựng mối quan hệ thân thiện với hàng xóm. Sau đó chúng tôi đã làm bạn trở lại và bọn trẻ nhà cô ấy từ đó qua lại nhà chúng tôi thường xuyên hơn và coi mẹ tôi như bà ngoại của chúng vậy. Mẹ tôi không chỉ quan tâm tới người hàng xóm đối diện bên kia đường, bà cũng quan tâm đến những người khác trong khu. Bà làm bạn với bố mẹ của những người bạn của chồng tôi, và trông nom những đứa cháu nhỏ của họ. Người hàng xóm mà chúng tôi đã không trò chuyện trong nhiều năm, bất ngờ tới thăm chúng tôi với một đĩa anh đào chín mọng. (Ảnh: Pixabay/CC0 Public Domain) Thăng chức Khi mẹ tôi biết con trai đồng nghiệp của chồng tôi có bệnh u lympho, bà đã đề nghị chúng tôi giúp họ một khoản tiền. Dù họ không mấy thân thiết với chồng tôi, nhưng mẹ tôi rất cương quyết về việc này. Bà nói: “Khi người khác đang gặp lúc khó khăn, chúng ta cần phải làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ. Chúng ta phải biết cho trước khi có thể nhận được.” Sau khi bà chuyển đến được sáu tháng, chồng tôi được thăng cấp thông qua khuyến nghị từ các đồng nghiệp – bằng phiếu bầu phổ thông. Chồng tôi nói: “Mẹ đã bỏ những lá phiếu đó cho anh.” Sau đó chúng tôi đã nhận ra rằng chúng tôi đã thực sự có các mối quan hệ ấm áp hơn nhiều với những người quanh. Mẹ tôi, một người phụ nữ không biết chữ từ một ngôi làng ở nông thôn, lặng lẽ thu phục trái tim của mọi người mà chúng tôi có nằm mơ cũng chẳng thể có, bởi vì bà luôn sẵn lòng cho đi. Tôi nhớ bà từng nói: Một lý lẽ đơn giản, nhưng nó thật khó để thực hành. Thăm quan công viên Mẹ tôi bị say xe, vì vậy bà không thể đi bằng xe hơi. Một ngày cuối tuần, tôi quyết định làm cho bà một ân huệ nhỏ và đưa bà đến sở thú, vì bà chưa bao giờ thấy một con voi. Bà muốn đi bộ, nhưng tôi nghĩ rằng quá xa để đi bộ ở tuổi của bà. Cuối cùng bà chấp thuận để tôi chở bà bằng xe đạp. Tôi đạp xe qua một ngã tư và chúng tôi đã bị chặn lại bởi một cảnh sát trẻ. Anh ta sắp ghi cho tôi một phiếu phạt vì vi phạm luật giao thông. Thấy vậy mẹ tôi đã không muốn tiếp tục đi bằng xe đạp nữa. Tôi xin lỗi viên cảnh sát và giải thích rằng mẹ tôi không thể đi xe hơi. Viên cảnh sát chợt nhận ra rằng pháp luật chỉ cấm trẻ em khi đi xe đạp như thế này, mà không áp dụng đối với người già. Anh ta liền chào chúng tôi, ra hiệu tất cả những chiếc xe phải dừng lại để xe của tôi qua đường. Oa, tôi đã rất xúc động – Tôi chưa bao giờ nhận được sự tôn trọng nhiều như thế này trong đời. Một chút quan tâm chăm sóc cho mẹ làm tôi có được rất nhiều niềm vui! Bà muốn đi bộ, nhưng tôi nghĩ rằng quá xa để đi bộ ở tuổi của bà. Cuối cùng bà chấp thuận để tôi chở bà bằng xe đạp. (Ảnh: Pixabay/CC0 Public Domain) Cuối đời Sống chung với chúng tôi được ba năm, mẹ tôi được chẩn đoán bị ung thư phổi. Một người bạn bác sĩ của chúng tôi cho rằng ở tuổi của mẹ tôi thì không nên phẫu thuật, và nên để căn bệnh diễn tiến tự nhiên. Chồng tôi và tôi đã thảo luận về điều này và đồng ý rằng đó là lựa chọn tốt nhất cho bà. Chúng tôi đưa bà về nhà, và nói với bà sự thật. Bà bình thản chấp nhận, và nói: “Đó là điều đúng đắn phải làm.” Tuy nhiên, bà muốn được quay trở về làng mình. Tôi đã về quê ở với mẹ tôi những tháng ngày cuối cùng của bà. Tôi đưa mẹ ra ngoài trời để hít thở không khí trong lành mỗi khi mặt trời lên. Bà luôn mỉm cười mỗi khi bà tỉnh táo. Tôi để bà dùng thuốc chỉ đủ để kiểm soát cơn đau. Một ngày, bà nói với tôi rằng cha tôi đang mong chờ bà. Tôi nắm chặt lấy bàn tay gầy gò của bà và nói thật khó để chấp nhận cho bà rời xa tôi. Nhưng mẹ tôi mỉm cười và nói: “Hãy để cho mẹ đi”! Khi bà rút bàn tay khỏi tay tôi, trái tim tôi tan vỡ! Sau ba năm sống với chúng tôi, Mẹ bị ung thư. Tôi nắm chặt lấy bàn tay gầy gò của mẹ và nói thật khó để chấp nhận cho bà rời xa tôi. Nhưng mẹ tôi mỉm cười và nói: “Hãy để cho mẹ đi” (Ảnh: Pixabay/CC0 Public Domain) Lễ tang Vào ngày tang lễ của mẹ tôi, đã có một đám rước lớn – bao gồm tất cả mọi người trong làng, bạn bè của chúng tôi và hàng xóm trong khu tôi ở. Đám rước chầm chậm ra khỏi làng, và nhiều người qua đường thắc mắc đây phải chăng là một đám tang của một quan chức cao cấp hay cha mẹ của một quan chức nào đó. Không, mẹ tôi chưa từng được đến trường cũng chẳng hề có chức tước. Bà chỉ là một người nông dân giản dị với một tấm lòng rộng mở. Vào ngày tang lễ của mẹ tôi, đã có một đám rước lớn – bao gồm tất cả mọi người trong làng, bạn bè của chúng tôi và hàng xóm trong khu tôi ở. (Image:Pixabay/CC0 Public Domain) Tác giả: Yi Ming, Vision Times | Dịch giả: DDT (Việt Đại Kỷ Nguyên)
  17. Phong trào tự ứng cử vào ĐBQH khóa 14 bắt đầu rộ lên từ đầu tháng hai đến nay. Đã gần một tháng nhưng chưa lúc nào sự kiện này có dấu hiệu nguội đi hay suy yếu. Căn cứ vào lượng các post, like, comment, share… và cả mức độ tranh cãi thì có thể nói đây là một sự kiện có sức hút nhất, nhì trong giới hoạt động dân chủ cũng như các diễn đàn chính trị khoảng một năm trở lại đây. Phong trào khởi đầu khi Tiến sỹ Nguyễn Quang A viết một status trên trang cá nhân về sự cần thiết của việc phải ra ứng cử tự do vào ngày 5/2. Ngay sau đó hàng loạt người hưởng ứng luận điểm của ông và tuyên bố ứng cử, đỉnh điểm con số tuyên bố lên đến gần 100 người, không phân biệt là nghiêm túc hay không nghiêm túc. Người người cổ vũ nhau ra ứng cử, nhà nhà tranh luận về tính đúng đắn của phương pháp đấu tranh này. Có thể nói là ổn ào hiếm có. Không chỉ dừng lại ở không gian mạng, và không chỉ dừng ở ý định thách thức chính quyền, các ứng viên còn nghiêm túc chuẩn bị hồ sơ, trang bị kiến thức, kỹ năng và quan trọng nhất là xây dựng hình ảnh chính khách đúng nghĩa thông qua các bức hình, các clip có đầu tư. Đâu đó có người thốt lên rằng đây là lần đầu tiên được xem một clip tranh cử tại Việt Nam, rằng cứ như sống ở xứ tự do… NHƯNG Sau một hồi hân hoan, hồ hởi, phấn chấn… ta chợt khựng lại bởi một chữ nhưng rất lớn. Chữ NHƯNG đó chính là điểm kỳ lạ nhất trong toàn bộ phong trào này, chính là: PHẢN ỨNG CỦA LỰC LƯỢNG AN NINH. Trái ngược hoàn toàn với sự sôi nổi về các hoạt động liên quan tới bầu cử của các ứng viên tự do, lực lượng an ninh dường như không có bất cứ một động thái gì phản ứng đáng kể. Có chăng cũng chỉ là an ninh khu vực gặp một vài ứng viên uống trà, hút thuốc, hay cái nhíu mày nhíu mặt của cô văn thư đón dấu tại UBND phường. Tệ nhất duy chỉ trường hợp không chịu xác nhận từ phía xã đối với Mục sư Nguyễn Trung Tôn do khác quan điểm khi nhìn nhận về tôn giáo. Tuyệt nhiên không có màn đi theo kè kè, đánh ghen, cử hội phụ nữ, hội phụ lão tối tối sang tâm sự hoặc lập các cụm buôn dưa lê, bán dưa chuột nơi bà con lối xóm. Càng không có màn ném mắm tôm, “cắn trộm”, câu lưu, mời đểu, bắt cóc… Tiến sỹ Nguyễn Quang A ngày ngày vẫn đi xin chữ ký của cử tri, bà Nguyễn Thúy Hạnh, Đặng Bích Phượng vẫn trả lời phỏng vấn đều đều… Nghệ sỹ nổi tiếng ứng cử cũng không bị hủy show, bị triệu tập bởi công an văn hóa. Thật kỳ lạ. Hiện tượng này khiến tôi – một người quan sát – một người theo dõi phong trào từ đầu, cũng là tình nguyện viên của TS Nguyễn Quang A liên tưởng đến hiện tượng Con Chó Không Sủa trong Sherlock Holmes. Xin được tóm tắt lại hiện tượng vừa đề cập để tránh hiểu nhầm rằng tôi có ý coi thường, miệt thị ai: Có một nhà cực giàu nuôi một con chó rất dữ, ấy thế mà sau một đêm bình an, không có biểu hiện gì, của cải trong nhà bị mất sạch dẫu cho con chó vẫn ở nguyên vị trí thường ngày. Mấu chốt của vụ án chính là điểm con chó không sủa, những người tình nghi được khoanh vùng là những người quen thân với gia đình này và vụ án nhanh chóng được phá. Và như vậy, khi áp dụng hiện tượng trên vào những gì đang diễn ra liên quan đến phong trào tự ứng cử, có thể thấy mấu chốt chính là ở phản ứng của an ninh, họ gần như là không có phản ứng gì cả. Và với ít vốn hoạt động, tôi xin đưa ra ba khả năng trước sự khả nghi này: 1. Việc tự ứng cử này có lợi cho một thế lực mạnh trong cung đình. 2. Họ đã chuẩn bị được một phương án phản ứng hiệu quả, sáng tạo và đầy bất ngờ. Việc cần làm là đợi thời điểm thích hợp. 3. Lúng túng chưa biết nên phản ứng sao cho phù hợp nên đành áng binh bất động chờ người hiến kế. Còn khả năng an ninh Việt Nam coi thường hoặc cổ vũ một phong trào như vậy thì dù ngây thơ, lạc quan đến mấy tôi cũng không thể tin là có. Với não trạng của những kẻ toàn trị, những kẻ học thuộc lòng giáo trình rằng phải bóp chết tổ chức phản động từ trong trứng nước, không đời nào họ để yên hoặc cổ súy cho một phong trào hội tụ nhiều yếu tố: Sáng tạo, dũng cảm, đẹp đẽ, ôn hòa, chính đáng, tính tin tức cao… như phong trào Tự ứng cử 2016. Kịch hay về cuối, mời bà con thong thả xem tiếp. (FB Đinh Thảo)
  18. Gần đây tôi có đọc một số nhận định về việc ông Đinh La Thăng được Bộ Chính Trị đưa về làm Bí Thư Sài Gòn. Khác với những nhận định nghi ngờ việc lãnh đạo Sài Gòn sẽ vượt tầm ông Thăng thì tôi lại có quan điểm ngược lại. Ông Thăng là lựa chọn hợp lý nhất cho vị trí lãnh đạo Sài Gòn hiện nay. Sở dĩ tôi dùng từ lãnh đạo vì từ lâu ở VN không có sự tách bạch rạch ròi trong quyền lãnh đạo giữa chính quyền và đảng nên kể cả ông Thăng ở vị trí là Bí Thư thành ủy tôi vẫn tính là người lãnh đạo có tính quyết định nhất cho Sài Gòn. Để có thể chứng minh cho nhận định trên của tôi xin đưa ra phân tích trên 2 khía cạnh cơ bản là khả năng lãnh đạo thực tế và khả năng giữ “ ghế” cho đến hết nhiệm kỳ của ông Thăng. Về khả năng lãnh đạo của ông Thăng Trước hết cần xem xét về kiến thức, trình độ và kinh nghiệm quản lý của ông Thăng so với các lãnh đạo khác và những người tiền nhiệm: Ông Thăng ít nhất cũng là một lãnh đạo thuộc thế hệ mới, tốt nghiệp đại học, trưởng thành từ phong trào Đoàn cơ sở, từng làm lãnh đạo các tổng công ty Sông Đà và Tập Đoàn Dầu khí, rồi sau đó làm Bộ trưởng Bộ Giao Thông. Như vậy xét về kiến thức, trình độ và kinh nghiệm quản lý ông Thăng đã hơn rất nhiều lãnh đạo khác từng làm quản lý đất nước. Nhiều người lãnh đạo chưa học hết cấp 3, một số thì chỉ biết lý thuyết Mác – Lê… Và một số rất ít người làm quản lý đất nước mà đã từng làm lãnh đạo doanh nghiệp. Giới lãnh đạo doanh nghiệp thường là những người rất nhanh nhạy trong quản lý mà đặc biệt tập đoàn dầu khí là nơi tiếp xúc với rất nhiều tập đoàn lớn, doanh nghiệp nước ngoài nên ông Thăng đương nhiên có cơ hội tiếp xúc và học hỏi phong cách làm việc của nước ngoài. Trong thời gian lãnh đạo Tổng Công Ty Sông Đà và Tập Đoàn Dầu khí ông Thăng cũng là một lãnh đạo có tiếng và có thể nói là tác giả của kịch bản thành lập công ty, cổ phần hóa, lên sàn chứng khoán và đã mang lại khá nhiều tiền của cho nhân viên cũng như tập đoàn trong thời kỳ bùng nổ chứng khoán của Việt Nam. Xét về khả năng lãnh đạo, quản lý nhà nước thực tế: Tôi tính từ thời điểm ông Thăng bắt đầu làm Bộ trưởng giao thông tới thời điểm hiện tại là Bí Thư Sài Gòn. Tuy có ý kiến này nọ về ông Thăng nhưng không ai phủ nhận được rằng ông Thăng là một người có nhiều “ fan hâm mộ” nhất trong giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh xã hội như Việt Nam hiện nay, với cơ chế quản lý hiện tại, và những lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân ràng buộc, thường xuất hiện các lãnh đạo hoặc là nói những thứ người dân không muốn nghe, hoặc một số nói thì hay nhưng làm ngược lại hoặc không làm được gì cả. Ông Thăng là một trong rất ít người nói cái mà người dân muốn nghe và làm cái mà người dân muốn thấy. Một lãnh đạo bất kể họ làm được việc gì tốt cho dù lớn hay nhỏ đều cần đáng khen ngợi và trân trọng. Ông Thăng là người nhiệt tình, xông xáo và sâu sát. Mặc dù chưa thể đánh giá được ông có khả năng hoạch định để thay đổi hẳn một một thành phố một cách cơ bản mọi mặt nhưng chí ít ông ta đã hơn rất nhiều những ông Bí Thư thành phố khác trong cả nhiệm kỳ không những không làm được việc gì mà lại còn bị lùm xùm rất nhiều phi vụ gây thiệt hại cho người dân và thành phố, hay nói xa hơn là kéo lùi sự phát triển của thành phố. Như vậy, có thể khẳng định là khả năng lãnh đạo của ông Thăng hơn nhiều lãnh đạo khác so với hiện tại và tiền nhiệm. Tiếp theo chúng ta xét đến khả năng giữ “ ghế” của ông Thăng. Tất nhiên, khi nói tới một lãnh đạo tại Việt Nam nhiều khi chúng ta không cần xét trên khía cạnh họ có giỏi quản lý hay không mà phải xem khả năng họ có giỏi giữ “ ghế “ hay không. Nhiều nhận định cho rằng ông Thăng khó có khả năng trụ nổi chức vụ lãnh đạo Sài Gòn do tính cục bộ địa phương và lợi ích nhóm. Vậy khả năng giữ “ ghế “ của ông Thăng sẽ phụ thuộc vào những yếu tố nào và những điều gì có thể làm cho ông Thăng mất ghế. Quan hệ với cấp trên: Một người dễ bị mất ghế khi mà họ bị cấp trên của mình “ phật lòng”. Ông Thăng là người giỏi quan hệ với cấp trên hoặc chí ít không làm cấp trên phật lòng. Trước đây, khi ông làm Bộ Trưởng giao thông. Sống trong một môi trương rất dễ động chạm tới lợi ích nhóm nhưng ông Thăng cũng vẫn tỏ ra là người khôn ngoan, hiểu biết, cho dù ông ta nổi tiếng với việc “ trảm tưởng” nhưng những vị tướng bị trảm không phải là những đệ tử ruột của thủ tướng nên việc ông ta làm cũng không phật lòng cấp trên, Ông ta có một số cải cách trong Bộ Giao Thông và những cải cách đó cũng không làm tổn hại những nhóm lợi ích của các lãnh đạo cấp trên. Do vậy, ông Thăng vẫn được lòng cấp trên mà lại được lòng người dân. Hiện tại, cấp trên của ông Thăng đã thay đổi, giờ là ông Trọng. Một con người như ông Trọng thì ông Thăng lại càng là người cần thiết, cái mà ông Trọng cần là tìm những người lãnh đạo để lấy lại lòng tin của người dân với chính quyền. Ông Thăng không bị dính líu vào các nhóm lợi ích, ông cũng khá đầy đủ để không phải thực hiện các phi vụ làm ăn nào đó cho lợi ích cá nhân. Ông Thăng nhanh nhạy trong xử lý tình huống, giỏi truyền thông, nhiệt huyết nên ông ta là người có lợi cho chính sách của ông Trọng trong việc lấy lại niềm tin của dân chúng với chính quyền. Ông Thăng cũng thuận lợi hơn trong khi thực hiện các quyết định của mình mà không phải ngại động chạm với lợi ích nhóm của “ cấp trên” vì ông Trọng cũng là người thuộc dạng không dính líu vào tham nhũng. Quan hệ với cấp dưới: Trước đây vị trí Bí Thư Sài Gòn có được cũng phải do được lòng cấp dưới bầu bán. Nhưng với cơ chế mới thì ông Thăng được “ bổ nhiệm” trực tiếp từ Bộ Chính Trị nên ông ta cũng không phải phụ thuộc quá nhiều vào cấp dưới. Điều thứ hai là ông Thăng thực hiện một số cải cách có thể động chạm tới lợi ích một số quan chức nhưng lại không động chạm tới một số đông quan chức và sự động chạm đó không theo kiểu một mất một còn. Nếu như trước đây có những nhóm lợi ích đấu tranh với nhau thì khi một lãnh đạo mới lên là sẽ có một loạt lãnh đạo cũ bị thay thế và những người thân cận thuộc nhóm lợi ích của lãnh đạo mới sẽ lên thay. Việc ông Thăng làm lãnh đạo Sài Gòn cũng là cái may cho nhiều quan chức cũ khi họ không phải lo sợ bị thay thế nếu họ làm việc tập trung hơn và bớt lo lót tư túi cho mình một cách quá đáng. Như vậy các cách để “ đánh gục” ông Thăng gồm : – Đưa ra những yếu kém của ông Thăng gây ra phẫn nộ trong nhân dân và dư luận. Cái này không thể được. Vì ông Thăng ngày càng được nhiều người dân ủng hộ. – Tập trung đánh vào các nhóm lợi ích của ông Thăng: Cũng không được, vì ông Thăng không hùn hạp vốn vào những phi vụ làm ăn với doanh nghiệp nào, cũng không đưa con cháu mình vào quản lý doanh nghiệp hay tập đoàn nào. Không có những vụ lùm xùm về các phi vụ làm ăn của ông Thăng trong quá khứ. – Tác động cấp trên để hạ bệ ông Thăng: Cấp trên ông Thăng là ông Trọng thì càng khó mà đưa ra lý do lợi ích nào để hạ bệ ông Thăng. – Thủ tiêu và ám sát: Cách này chỉ có thể làm khi mà lợi ích lớn, mang tính đối kháng một mất một còn. Vì thường khi một cách chết bất ngờ xây ra dù là tai nạn hay gì thì nếu bị điều tra ra, đối thủ thực hiện điều này sẽ mất cả tiền bạc, chức tước và tự do. Như vậy xét về khả năng lãnh đạo lẫn khả năng giữ ghế thì ông Thăng vẫn là người phù hợp nhất cho lãnh đạo Sài Gòn, một thành phố đầu tàu kinh tế với nhiều tồn đọng và bất cập cần xử lý. Ba đề xuất dành cho ông Đinh La Thăng: – Thành lập một ban cải cách và đổi mới Sài Gòn: Ban này bao gồm tất cả các thành viên của các sở ban ngành của thành phố. Dựa trên các ý kiến chuyên gia, tập hợp phản ảnh của người dân và căn cứ vào báo cáo và nghiên cứu của các sở ban ngành để đưa ra một bản kế hoạch hành động cải cách và đổi mới Sài gòn cho nhiệm kỳ đầu tiên của ông Thăng. Vì điều kiện con người, tài chính là có hạn. Do vậy trong bản kế hoạch hành động phải cân đối được ưu tiên cái gì trước, cái gì sau, cái gì cần thiết, cái gì chưa cần thiết. Có lịch họp đều đặn để đánh giá và xem xét giải quyết các phát sinh vướng mắc xảy ra. Bản kế hoạch cải cách và đổi mới nên được công bố công khai cho người dân và các chuyên gia biết để cùng tham gia góp ý và chung sức xây dựng. – Cách tập hợp và lấy ý kiến của chuyên gia và người dân. Hiện tại, ông Thăng đã đưa ra đường dây điện thoại nóng để tập hợp ý kiến người dân. Tuy nhiên để có thể làm tốt hơn công tác này cần thành lập một trang web tập hợp góp ý và kiến nghị. Trang Web nên chia thành các mục quản lý dựa trên chức năng nhiệm vụ của từng sở ban ngành của thành phố. Người dân đóng góp ý kiến và thảo luận vào từng mục quản lý và các đóng góp phân ra làm 2 loại: Loại đưa ra kiến nghị, giải pháp theo kiểu chuyên gia và loại phản ánh các vấn đề tồn tại ( không kèm giải pháp). Như vậy bằng cách này thì ông Thăng có thể bắt buộc các sở ban ngành cũng phải tham gia vào công tác tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân, chứ không cần phải tự mình tập hợp rồi chuyển cho các ban ngành. Đồng thời vừa tân dụng được ý kiến của các chuyên gia vừa thu thập được ý kiến người dân trong công cuộc đổi mới thành phố. Các ý kiến đóng góp cũng đầy đủ và chi tiết hơn khi có thể truyền tải bằng chữ, hình ảnh, video. Các kiến nghị và giải pháp có sự tham gia của nhiều người cùng những phản biện cụ thể. – Thành lập một ban cố vấn, chuyên gia cho ông Thăng. Để có được những quyết định đúng đắn và chính xác hơn trên các lĩnh vực khác nhau. Ông Thăng nên thuê cho mình một ban cố vấn giỏi, hiểu biết về quản lý, tâm huyết và có tư tưởng đổi mới. Nguyễn Hồng Hải,Canada (Dân Luận)
  19. Mặc Lâm, biên tập viên RFA 2016-02-24 In trang này Chia sẻ Ý kiến của Bạn Email Nghe hoặc Tải xuống Công an ngăn cản đám đông ủng hộ đòi tự do, công bằng cho LS Lê Quốc Quân bên ngoài Tòa án nhân dân Hà Nội sáng 18 tháng hai năm 2014. Ảnh minh họa. AFP photo Cấm công dân xuất cảnh mà không có lý do chính đáng đang là mối quan tâm của rất nhiều người, đặc biệt những ai tranh đấu cho dân chủ nhân quyền. LS Lê Quốc Quân là một trong những người bị áp đặt lệnh cấm xuất cảnh vì lý do an ninh quốc gia cũng như hàng trăm người khác mà không có bất cứ một bằng chứng thuyết phục nào. Mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi giữa Mặc Lâm và LS Quân chung quanh đề tài này. Vi phạm hiến pháp Mặc Lâm: Trong nhiều năm gần đây hiện tượng cấm công dân xuất cảnh ngày càng nhiều với những lý do rất mơ hồ. Việc này tạo nên dư luận là chính quyền không tôn trọng hiến pháp vốn cho phép mọi công dân có quyền tự do đi lại trong cũng như ngoài nước. Là một luật sư ông có ý kiến gì về việc này? LS Lê Quốc Quân: Tôi hoàn toàn đồng ý với anh và một số người là chuyện này vi phạm pháp luật, vi phạm hiến pháp. Điều 23 của Hiến pháp năm 2013 quy định rõ là công dân có quyền tự do đi lại trong và ngoài nước được cư trú có quyền ở lại trong nước và nước ngoài. Chính quyền Việt Nam luôn lớn tiếng nói rằng hiến pháp 2013 đảm bảo tất cả các quyền của con người. Hiến pháp ghi nhận như thế nhưng trong thực tiễn thì rất nhiều người bị ngăn cản không cho đi ra nước ngoài và thậm chí mang hộ chiếu Việt Nam vẫn không cho về Việt Nam nữa. Rất nhiều trường hợp như vậy và theo tôi thì nó đã sai và vi phạm hiến pháp. Mặc Lâm: Vấn đề cấm công dân ra nước ngoài không phải riêng Việt Nam mới có tuy nhiên ở các nước dân chủ pháp quyền thì người bị cấm xuất cảnh được chính phủ chứng minh rõ ràng những gì họ vi phạm luật xuất cảnh. Ở Việt Nam có những quy định nào cũng như cách áp cụng của nó ra sao? LS Lê Quốc Quân: Thực tế thì đúng như anh nói thì việc đi ra nước ngoài bao giờ nó cũng được quy định theo luật mà theo luật pháp Việt Nam thì nó có 7 lý do về việc không được đi ra nước ngoài. Ví dụ như đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự của một vụ án nào đó. Vi phạm hành chính hay bị các chứng bệnh lây lan… có đến 6 -7 điều như vậy. Riêng về mục số 6 mà chính cá nhân tôi cũng bị nên tôi nhớ rất rõ đó là vì lý do “bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”. Căn cứ vào luật xuất cảnh đấy nó có nghị định 136 đã ban hành từ năm 2007 nó đưa ra lý do cấm xuất cảnh là an ninh quốc gia. Luật sư Lê Quốc Quân tham gia biểu tình chống Trung Quốc hôm 8 tháng 7 năm 2012 tại Hà Nội. Tuy nhiên nó rất khác với các quốc gia khác như tôi được biết vì ở đây họ hành xử rất tùy tiện. Nó tùy tiện ở chỗ tất cả những người bị cấm xuất cảnh thì có người có biên bản, ghi rõ lý do và có những người không lập biên bản. Có người không bị tịch thu hộ chiếu và có người lại bị tịch thu và có những người họ không đưa ra lý do mà họ bảo là ông không được xuất cảnh và dừng lại. Cho nên lý do “an ninh quốc gia” áp dụng tại Việt Nam rất là mơ hồ và rõ ràng theo tôi những vấn đề đó không thể hiện xu hướng xây dựng một nhà nước pháp quyền nữa mà rất tùy tiện do sự chỉ đạo của cấp trên hoặc do quyết định rất là ngẫu hứng của các cá nhân phụ trách xuất nhập cảnh. Đòi lại công bằng Mặc Lâm: Như luật sư vừa trình bày thì cơ quan trách nhiệm đã vượt qua cái khung của pháp lý quy định, là một luật sư và bản thân cũng đang bị cấm xuất cảnh ông có dự định nào tự tranh đấu cho quyền đi lại của mình thưa luật sư? LS Lê Quốc Quân: Tôi nghĩ đây là một quyền cơ bản của công dân cho nên trước sau gì thì cá nhân tôi và những người bị cấm xuất cảnh cũng phải tiến hành những thủ tục để mình có thể đòi lại cái quyền của mình. Đầu tiên thì chắc cũng phải làm đơn. Cá nhân tôi nghĩ mình phải làm đơn là như thế này, mới đây có một nhân viên ngoại giao nước ngoài cho tôi biết là họ đã nói với Bộ công an tại sao cấm xuất cảnh đối với tôi thì Bộ công an trả lời là họ không biết và ông Quân không có đơn từ gì về vấn đề này. Cho nên gì thì gì tôi vẫn phải làm đơn ghi rõ và đúng ngày thì phải giải quyết theo luật. Thậm chí trong đơn mình cũng nói rõ luôn là trong vòng bao nhiêu ngày đó nếu không giải quyết thì mình sẽ công bố chuyện này và gửi lên cơ quan Liên Hiệp Quốc, cơ quan bảo vệ nhân quyền để nói rõ trường hợp của mình. Như vậy nó có một bằng chứng rất cụ thể về việc họ ngăn cản mình một cách mơ hồ không có lý do. Mình làm đơn xem cách mà họ giải quyết họ có ỉm đơn hay không. Nếu họ giải quyết không đúng luật thì mình tiến hành thủ tục khởi kiện họ ra tòa hành chính. Nhưng quả thực rằng riêng cá nhân tôi thì tôi thấy tất cả thủ tục này họ sẽ dẫn mình đi vào cái mê hồn trận rất mất thời gian, công sức và mỏi mệt với cái cơ chế hành chính này. Dù sao là một luật sư tôi sẽ không từ bỏ chuyện này và nếu tôi tập hợp được đủ một số lượng anh em có trường hợp bị cấm xuất cảnh như tôi và họ có lòng nhiệt tình thậm chí không sợ mất thời gian sẽ cùng nhau đồng thuận để mà đòi lại cái quyền công dân. Tôi nghĩ đó là những hành động chính đáng mà những người yêu mến pháp luật, mong muốn pháp quyền ở Việt Nam phải làm. Mặc Lâm: Nếu nhiêu khê và vòng vo quá nhiều thời gian như vậy tại sao những người cùng bị cấm xuất cảnh không tập trung làm một lá đơn chung yêu cầu họ giải quyết? Hay là việc tập trung như vậy vi phạm quy định của pháp luật? LS Lê Quốc Quân: Công dân làm điều đó thì không vi phạm luật thế nhưng nguyên tắc của pháp lý thì cá nhân hóa trách nhiệm cho nên khi họ tiến hành giải quyết thì họ chỉ giải quyết cho từng cá nhân mà thôi. Từng cá nhân đó có ngày giờ cấm xuất cảnh khác nhau, lý do cũng có thể khác nhau và biên bản cũng khác nhau cho nên khi đi vào giải quyết cụ thể trên mặt kỹ thuật thì luật pháp quy định cá nhân hóa từng người và họ chỉ giải quyết với từng người, trong từng trường hợp. Tuy nhiên tôi hoàn toàn đồng ý với anh là để đánh động dư luận chung và để cho người ta thấy rõ ràng tại sao có nhiều trường hợp khác nhau nhưng họ cứ nói một cách mơ hồ là vì an ninh quốc gia? Việc đứng cùng với nhau tạo ra một cái đơn khiếu nại chung thì rất tác động về mặt truyền thông, ý nghĩa xã hội và đánh động dư luận. Mặc Lâm: Xin cám ơn luật sư.
  20. Một phụ nữ đang xem đèn lồng trang trí ngày Tết ở phố cổ Hà Nội, Việt Nam, ngày 6/2/2016. Tin liên hệ Sao phải ‘né’ hoài luật biểu tình? Luật biểu tình là cụm từ người dân Việt Nam đã được nghe từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực Chúng ta đang tự giết ngành du lịch nước nhà Một chút buồn ngày Tết Năm mới, Sài Gòn kỳ vọng gì ở lãnh đạo mới! Nỗi lo việc cảnh sát giao thông trưng dụng tài sản Dân cần lãnh đạo thương dân Cái Tết bây giờ sao lắm nỗi lo? Ðường dẫn Blog Cao Huy Huân Cao Huy Huân 24.02.2016 Dù đã có nhiều cảnh báo trước, nhưng lễ khai ấn Đền Trần vẫn trở thành một ngày đen tối của một sự kiện mà người dân cho rằng là chốn linh thiêng. Lúc 23h30 ngày 21-2, lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định) kết thúc, người dân được phép vào lễ. Bất chấp sự có mặt của lực lượng an ninh canh giữ, nhiều người cố tình lao vào cướp hoa, lộc cúng ở ban thờ trước sân điện Thiên Trường. Xem mà thấy ngán ngẫm khôn cùng. Hết thuốc chữa? Năm ngoái, còn nhớ lễ khai ấn Đền Trần cũng trở thành thảm họa “cướp giật hợp pháp” mà bất kỳ ai, cả người nước ngoài lẫn người Việt, nhìn vào là ngán ngẫm. Không chỉ riêng lễ khai ấn mà nhiều người bạn nước ngoài của tôi cho là “lạ lùng” khi xem những bộ ảnh qua mạng, rất nhiều lễ hội khác tại Việt Nam vẫn diễn ra rải rác trong những ngày xuân đến Tết về. Có một người bạn từ Mỹ sang chơi đúng vào những ngày chuẩn bị đón Tết tâm sự trên mạng xã hội rằng nhìn người Việt chuẩn bị tết tinh tươm, chu đáo, ấm cúng và đăc sắc thấy rất thú vị và thích thú. Nhìn những tấm ảnh về gói bánh chưng, những chiếc áo dài thướt tha đến chùa, cùng những nhánh hoa đào, hoa cúc, hoa hồng... người ta mới cảm nhận được ý nghĩa của lễ hội mà người Việt gọi là Tết. Nhưng những bức ảnh khi diễn ra các lễ hội không khỏi khiến người xem hốt hoảng và đau lòng. Rác bị vứt bừa bãi khắp mọi nơi, cây cối bị đạp nát không thương tiếc, quán nhậu mở cửa thâu đêm với những âm thanh quen thuộc nhưng ám ảnh, những trận đua xe trên các tuyến đường lớn và rộng vốn nhằm mục đích phục vụ cho công cuộc hiện đại hóa đất nước, những sòng bạc tự phát mở suốt ngày đêm, và hàng ngàn thứ khác đáng than phiền. Kinh hoàng nhất là những lễ hội mang tính tín ngưỡng. Tiền mệnh giá nhỏ, tiền lẻ được rải khắp các tuyến đường đến các chùa, suốt mọi ngỏ ngách, thậm chí trên đầu, cổ, tay, mũi,...của các tượng Phật thánh, thần linh… Nghĩ cũng lạ, người Việt đi làm vất vả thu gom từng đồng tiền lẻ; ra chợ mua con cá, bó rau vốn đã rẻ rề mà vẫn cố gắng mặc cả một vài nghìn đồng để có thể mua về những món hàng với giá hạ nhất. Thế nhưng tiền cúng thần linh, dù chẳng có thần nào dùng tiền trần thế, thì họ không hề biết tiếc, thậm chí còn tỏ ra hào phóng. Đó là chưa kể, họ sẵn sàng đến chùa cầu bình an, hạnh phúc, với mọi lời hứa làm việc thiện, không hại người, để hưởng phước lành... nhưng cũng không ngại động tay động chân với nhau, lấn ép nhau, thậm chí đánh nhau để có thể mang về những món đồ tín ngưỡng. Nhìn lễ khai ấn Đền Trần sẽ hiểu ra điều bất cập này. Lễ dâng hương, rước kiệu ngọc và khai ấn do chính quyền Nam Định chủ trì, diễn ra tại Đền Thiên Trường, thu hút hàng chục nghìn người dân dự. Dù là lễ hội dân gian nhưng chính quyền cũng can thiệp mạnh để mong đảm bảo an toàn. Địa điểm diễn ra chương trình được lực lượng chức năng ngăn lại để tránh dân xâm nhập từ phía bên ngoài. Nhiều người đề nghị Ban tổ chức nên đặt một màn hình ngoài cổng để người dân được xem đầy đủ nghi lễ khai ấn. Một người dân nói trên báo rằng lễ khai ấn để giáo dục con cháu biết về truyền thống cha ông, hào khí nhà Trần mà người dân không được xem đầy đủ thì có ý nghĩa gì. Không biết có phải vì cái “hào khí” đó hay không mà ngay cả khi lực lượng an ninh canh giữ, nhiều người cố tình lao vào cướp hoa, lộc cúng ở ban thờ trước sân Đền Thiên Trường, tạo thành một khung cảnh hỗn loạn chưa từng thấy. Đã vậy rất nhiều người chen chúc vào sâu trong bàn thờ, mặc sức chen lấn, xô đẩy dữ dội rồi còn la ó, chửi rủa ầm ĩ. Không biết tự hào chỗ nào khi mặc cho người khác ngất xỉu vì bị “tấn công”, nhiều người cũng cố tiến lên để chạm kiếm, đặt tiền, mặc cho cảnh sát dồn đám đông xuống phía dưới, không cho tiếp cận bàn thờ. Ăn chơi đến cả tháng trời Ở Mỹ và nhiều nước khác, việc đóng mừng năm mới đối với họ nhiều lắm cũng chỉ vài ba ngày đến một tuần là hết cỡ. Những nơi thật sự nghiêm khắc thì người ta chỉ nghỉ tết khoảng 3 ngày, rồi mọi thứ trở về nhịp sống cũ. Nhóm bạn tôi “ăn tết” cũng chỉ đi chơi cùng nhau vài ngày rồi trờ lại với những ngày thánh cần lao. Họ nhập cuộc mừng năm mới bằng sâm banh, thức ăn và những câu chuyện của năm cũ, những dự tính năm mới. Nói như vậy không có nghĩa họ nghèo, mà ngay khi họ là tỷ phú, họ cũng biết cân đối chuyện đi làm và giải lao. Thế nhưng ở Việt Nam thì khác, bất chấp tình trạng nhiều người còn nghèo, làm nông là chủ yếu, nhưng “tháng giêng là tháng ăn chơi” là điều vẫn chưa thể xóa bỏ. Thật ra bạn tôi kể ở Sài Gòn, không khí Tết đến rồi đi cũng giống như nhịp sống hội nhập của vùng đất này. Nhưng ở miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, thì quả đúng là tháng giêng là tháng ăn chơi. Mạng xã hội vẫn đều đặn hiển thị hình ảnh hết Tết cha, Tết mẹ, rồi Tết thầy, sau đó còn Tết bạn bè, bằng hữu, sếp cơ quan, đồng nghiệp,... Rồi sau đó nữa là hội, đủ thứ hội mà người ta bỏ ra cả tháng vẫn chưa đi hết được. Có người bảo rằng “mùa này đang rảnh nên làm hội”, nhưng với một đất nước tuyên bố công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì “tháng ăn chơi” đã không còn thực tế. Ấy thế nhưng họ vẫn cứ đi lễ, dự hội, chè chén và bất chấp an toàn, hao tốn, lãng phí và thiếu lành mạnh. Nhiều lãnh đạo đơn vị nhà nước lẫn tư nhân, đặc biệt người nước ngoài, cứ hết ngày nghỉ tết là ngao ngán nhắc nhở, yêu cầu nhân viên phải quay lại ngay với công việc, nhưng thực tế không hề dễ dàng. Nhớ bài thơ mà người Việt truyền tai nhau: "Tháng Giêng ăn Tết ở nhà, Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè. Tháng Tư đong đậu nấu chè, Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm. Tháng Sáu buôn nhãn bán trâm, Tháng Bảy ngày Rằm xá tội vong nhân. Tháng Tám chơi đèn kéo quân, Trở về tháng Chín chung chân buôn hồng. Tháng Mười buôn thóc bán bông, Tháng Mười Một, tháng Chạp nên công hoàn thành." Có nhiều phiên bản về bài thơ về “tháng ăn chơi” nói trên, nhưng một điểm chung là không thấy tháng nào người Việt nhắc nhở mình phải đi làm, ngừng ăn chơi lại. Có lẽ một phần vì thế mà người Việt nghèo hoài. Chẳng có ai lười biếng lao động, ăn chơi cả tháng trời mà trở nên giàu có. Nhiều người hiểu chuyện đến thăm Việt Nam vào dịp Tết, vài ba ngày thấy vui, nhưng rồi than thở “bao giờ mới hết tháng ăn chơi?”. *Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. Cao Huy Huân Sinh trưởng ở Việt Nam và học tập tại Hoa Kỳ. Là một đại diện cho thế hệ sinh ra và lớn lên sau bước ngoặt lịch sử 1975. Luôn theo dõi sao sát những diễn biến xảy ra trong nước và nêu lên cảm nghĩ của một thế hệ hậu bối thông qua blog dưới một lăng kính trong vắt và đa chiều.
  21. Ảnh vệ tinh chụp Đá Châu Viên ở quần đảo Trường Sa (Biển Đông), bên trên có ghi chú các địa điểm có đài radar. Ảnh được Trung Tâm Nghiên Cứu Mỹ CSIS công bố ngày 23/02/2016. REUTERS/CSIS Asia Maritime Transparency Initiative/DigitalGlobe/ Tên lửa phòng không và chiến đấu cơ tại Hoàng Sa, đài radar, sân bay quân sự và bãi đáp trực thăng tại Trường Sa: Trong những ngày gần đây, các quan chức Mỹ đã dồn dập tố cáo Trung Quốc đang nhanh chóng quân sự hóa Biển Đông. Và ngày 23/02/2016, tư lệnh lực lượng Mỹ tại vùng Thái Bình Dương đã thẳng thừng nhận định: Ý đồ của Bắc Kinh là muốn làm “bá chủ” vùng Đông Á và Đông Nam Á. Phát biểu trong một cuộc điều trần trước Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện Mỹ, đô đốc Harry Harris, chỉ huy trưởng Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ khẳng định: “Rõ ràng là Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông”. Là người nổi tiếng bộc trực, đô đốc Harris đã bác bỏ ngay lập luận của Bắc Kinh theo đó họ không hề quân sự hóa Biển Đông khi cho rằng: “Chỉ có những ai tin là trái đất dẹp mới suy nghĩ khác”. Đối với vị tư lệnh quân đội Mỹ ở vùng Thái Bình Dương, việc Trung Quốc bố trí tên lửa địa đối không trên đảo Phú Lâm trong vùng quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, đặt trạm radar mới trên Đá Châu Viên ở quần đảo Trường Sa và xây dụng các phi đạo (trên Đá Xu Bi, Chữ Thập và Vành Khăn) là những hành động có tác dụng làm thay đổi cục diện và cán cân lực lượng ở khu vực Biển Đông. “Trung Quốc tìm kiếm quyền bá chủ vùng Đông Á” Khi được hỏi về ý đồ của Trung Quốc trong việc triển khai vũ khí xuống Biển Đông, đô đốc Harris nói thẳng: “Tôi tin rằng Trung Quốc tìm kiếm quyền bá chủ trong khu vực Đông Á (và Đông Nam Á).” Ngay sau phát biểu của tư lệnh lực lượng Mỹ vùng Thái Bình Dương, một số nguồn tin từ chính quyền Mỹ xác nhận thông tin do đài truyền hình Fox News tiết lộ, theo đó Trung Quốc mới đây đã lại đưa chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm. Theo giới phân tích, động thái này càng khẳng định thêm ý đồ của Bắc Kinh là quân sự hóa Biển Đông. Theo chuyên gia Gregory Poling thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington, Trung Quốc đã nhiều lần đưa chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm, nhưng cần chú ý xem liệu Bắc Kinh sẽ cho các máy bay này đặt căn cứ lâu dài tại đấy hay không. Đại úy Darryn James, phát ngôn viên Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nhận định rằng việc Trung Quốc liên tục triển khai máy bay tiêm kích trên đảo Phú Lâm làm cho tình hình tiếp tục diễn biến theo một chiều hướng đáng lo ngại. Trung Quốc có hành động gây mất ổn định Theo đại úy James : "Những hành động gây mất ổn định đó không phù hợp với các cam kết của Trung Quốc và tất cả các bên khác là tránh những hành động có thể là leo thang tranh chấp". Phát ngôn viên quân sự Mỹ đã nhắc lại lời kêu gọi chấm dứt các hoạt động bồi đắp, xây dựng và « quân sự hóa » Biển Đông. Ngành ngoại giao Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, nhưng một cách nhẹ nhàng hơn. Phát biểu tại Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ, ngoại trưởng John Kerry đã báo động rằng Hoa Kỳ khuyến khích các bên tranh chấp Biển Đông tìm kiếm một giải pháp hòa bình, nhưng mục tiêu này khó đạt vì các cơ sở ở Biển Đông bị "quân sự hóa". Ý kiến này cũng được ông Kerry nhắc lại nhân một cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào hôm qua tại Washington, khi cho rằng: "Thật là đáng tiếc khi có tên lửa, máy bay chiến đấu, súng ống và những thứ khác được bố trí tại vùng Biển Đông". Trung Quốc dĩ nhiên đã bác bỏ các cáo buộc của Mỹ và nhắc lại quan điểm từng được liên tục nêu lên : Bắc Kinh không hề quân sự hóa Biển Đông mà chỉ đặt các cơ sở nhằm bảo vệ lãnh thổ thuộc chủ quyền Trung Quốc mà thôi. Trọng Nghĩa (RFI)
  22. Trung Quốc đã nổi lên như một cường quốc chiến lược lớn, và việc Bắc Kinh nhấn mạnh đến chủ quyền, an ninh cũng như vị thế nước lớn của Trung Quốc đã phản ánh thái độ hung hăng “mới” của nước này. Giai đoạn hiện nay và trong nhiều năm sắp tới, "giấc mơ Trung Hoa" sẽ được trình diễn trên vũ đài quốc tế. Đâu là nguyên nhân? Có thể nói, việc Trung Quốc trỗi dậy trở thành cường quốc là sự thay đổi quan trọng nhất trong hệ thống quốc tế của thế kỷ 21. Trung Quốc hiện đang được nhiều nước trên thế giới coi là một đối thủ chiến lược của Mỹ trên thực tế, có khả năng thách thức uy quyền tối cao của Mỹ trên toàn cầu, đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sau những căng thẳng leo thang ở Biển Đông, nhiều nhà quan sát đã mô tả chính sách đối ngoại của Trung Quốc là "ngày càng hung hăng". Từ trước đến nay, chính sách đối ngoại "quyết đoán" của Trung Quốc thường được hiểu là nhằm phản ứng với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008-2009. Tháng 7/2009, Chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Hồ Cầm Đào đã có bài phát biểu trước các quan chức ngoại giao trong nước, nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần phải tăng cường sức mạnh cũng như ảnh hưởng trên vũ đài quốc tế. Tuy nhiên, ông Hồ Cẩm Đào đã nhắc đến một nguyên tắc chỉ đạo chiến lược mà nhà lãnh đạo tiền bối Đặng Tiểu Bình từng đưa ra hồi đầu những năm 1990, đó là: "giấu mình, chờ thời" (KLP/AS), đồng thời khẳng định Trung Quốc nên "tuân thủ nghiêm ngặt" nguyên tắc đó. Mặc dù toàn văn bài phát biểu đó của ông Hồ Cẩm Đào không được công bố chính thức, song tờ "Nhân dân Nhật báo" - cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc nên "theo đuổi để đạt được 4 thế mạnh" trong chính sách đối ngoại: Một là, Trung Quốc nên tìm kiếm ảnh hưởng lớn hơn trên vũ đài chính trị quốc tế; Hai là, Trung Quốc nên tăng cường khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu; Ba là, Trung Quốc nên tự xây dựng cho mình một hình ảnh thân thiện hơn; Bốn là, Trung Quốc nên trau dồi để trở thành một cường quốc có đạo nghĩa. Kể từ đó, dường như luôn có một sự mâu thuẫn đáng kể giữa những ý định được công bố chính thức của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) và cách hành xử với bên ngoài của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng như các cơ quan thực thi luật pháp hàng hải của nước này. Năm 2011, một số phương tiện truyền thông chính thức ở Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích việc (chính quyền) phớt lờ một phần "vô cùng cần thiết" trong nguyên tắc chỉ đạo của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, đó là "giấu mình". Khi Chủ tịch đương nhiệm Tập Cận Bình tiến hành củng cố quyền lực, bức tranh ở Trung Quốc đã thay đổi. Ông Tập Cận Bình không còn nhắc tới nguyên tắc "giấu mình chờ thời" nữa mà thay vào đó, ông đưa ra "chiến lược chủ động" (SFA), tìm mọi cách để hiện thực hóa "giấc mơ Trung Hoa" trên vũ đài quốc tế, đặc biệt là trong chính sách ngoại giao với các nước lân cận (chính sách ngoại giao ngoại biên) của Trung Quốc. "Giấc mơ Trung Hoa" vẽ lên viễn cảnh đất nước Trung Quốc hồi sinh, trở nên thịnh vượng và có sức mạnh quân sự. Ông Tập Cận Bình đã tìm cách định hình lại các vấn đề đối nội và đối ngoại, cải tổ các thể chế an ninh, trong đó có việc thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia (CNSC) tháng 1/2014 do chính ông đứng đầu. Mục đích của việc thành lập CNSC là để tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và phát triển một chiến lược an ninh quốc gia chính thống. Ông Tập Cận Bình - hiện còn là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương và CNSC - ngày càng đóng vai trò nổi bật trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại và an ninh cũng như trong việc điều phối các cơ quan nhà nước thuộc Đảng, chính phủ và PLA. Tuyên bố của ông Tập Cận Bình về SFA chẳng hề có điểm chung nào với nguyên tắc "giấu mình". Không những thế, SFA còn nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc và các lợi ích an ninh cũng như thành tựu kinh tế. Theo nhận định của Giáo sư Diêm Học Thông thuộc Đại học Thanh Hoa, chiến lược SFA của ông Tập Cận Bình đặt mục tiêu "tìm kiếm một môi trường thích hợp để Trung Quốc hồi sinh mạnh mẽ". Chiến lược này về cơ bản là khác biệt so với chiến lược KLP (đặt mục tiêu tạo ra một môi trường quốc tế có lợi cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc). Ông Tập Cận Bình coi Trung Quốc là một cường quốc lớn trên vũ đài thế giới. Trong một bài phát biểu vào tháng 10/2014, ông đã đưa ra khái niệm "chính sách ngoại giao nước lớn mang đậm bản sắc Trung Quốc". Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, giới lãnh đạo Bắc Kinh mô tả chính sách ngoại giao của Trung Quốc là chính sách ngoại giao của một "nước lớn". Trung Quốc đã biến chiến lược SFA thành hiện thực thông qua đề xuất về một "mối quan hệ kiểu mới của các cường quốc" giữa Trung Quốc và Mỹ, thông qua sáng kiến "Một Vành đai, Một Con đường" kết nối Á-Âu và thông qua cam kết của ông Tập Cận Bình về việc góp 8.000 quân cho lực lượng gìn giữ hòa bình dự phòng của Liên hợp quốc. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương có vai trò then chốt trong các hoạt động chính sách đối ngoại và an ninh hiện tại của Trung Quốc. Năm 2013, ông Tập Cận Bình từng nói rằng Trung Quốc nên thúc đẩy các mối quan hệ chính trị, củng cố các thành tựu kinh tế, tăng cường hợp tác an ninh cũng như các cuộc trao đổi văn hóa trong khu vực. Phát biểu này được đưa ra sau khi Trung Quốc đề xuất thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) và Quỹ Con đường Tơ lụa. Khu vực này đầy rẫy những mối đe dọa truyền thống tiềm tàng đối với Trung Quốc, trong đó có các cuộc tranh chấp biên giới lãnh thổ, lãnh hải cũng như chính sách "xoay trục sang châu Á" của Mỹ. Chính sách "xoay trục sang châu Á" của Mỹ được Bắc Kinh coi là trở ngại lớn nhất đối với việc giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Việc bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải đã trở thành ưu tiên chính sách hàng đầu, quan trọng ngang hàng với việc duy trì ổn định trong khu vực. Trong cuộc họp bàn về Công tác Ngoại giao Ngoại biên năm 2013 và Hội nghị về Công tác Đối ngoại Trung ương năm 2014, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia. Những hành động hung hăng nhằm tranh giành đất đai cũng như các nỗ lực của Trung Quốc trong việc tiến hành các hoạt động xây dựng ở Biển Đông được Trung Quốc coi là một phần trong chiến lược SFA. Theo lời Đô đốc Tôn Kiến Quốc hồi tháng 5/2015, đây là các hoạt động "hợp pháp và chính đáng". Mặc dù các nỗ lực tranh giành đất đai của Trung Quốc có thể giúp nước này tăng cường khả năng duy trì các chiến dịch quân sự trong khu vực, song có thể nói chúng đã vi phạm tinh thần hợp tác chung cũng như quy định "tự kiềm chế" được đưa ra trong Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002. Rõ ràng, Trung Quốc đã có những cách tiếp cận độc đoán hơn đối với các tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trong khu vực. Thái độ hung hăng "mới" này của Trung Quốc kể từ năm 2012 nên được coi là một diễn tiến lôgic, có chủ ý của Bắc Kinh. Trung Quốc đã nổi lên như một cường quốc chiến lược lớn, và việc Bắc Kinh nhấn mạnh đến chủ quyền, an ninh cũng như vị thế nước lớn của Trung Quốc đã phản ánh điều này. Giai đoạn hiện nay và trong nhiều năm sắp tới, "giấc mơ Trung Hoa" sẽ được trình diễn trên vũ đài quốc tế. Masayuki Masuda Masayuki Masuda, một thành viên cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia (NIDS) ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Bài viết được đăng trên East Asia Forum. Trần Quang (gt)(Nghiên Cứu Biển Đông)
  23. Binh sĩ Australia đổ bộ lên bãi biển trong cuộc tấn trận đa quốc ở Kaneohe, Hawaii năm 2014. Sách trắng Quốc phòng Australia nêu dự kiến bổ sung 5.000 quân nhân trong các quân chủng bộ binh, hải quân và không quân, nâng số quân nhân lên khoảng 63.000. Tin liên hệ Tư lệnh Mỹ kêu gọi dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí với Việt Nam Đô đốc Harry Harris kêu gọi Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam trước kế hoạch gầy dựng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông Việt Nam mời Ấn Độ thăm dò tài nguyên ở Biển Đông Trung Quốc lại điều chiến đấu cơ tới quần đảo Hoàng Sa Tòa Bạch Ốc: Trung Quốc sai khi so sánh Hawaii với Biển Đông Trung Quốc đặt radar ở Trường Sa VN tăng cường quân sự giữa lúc căng thẳng leo thang ở Biển Đông Ðường dẫn Trang chuyên đề: Tranh chấp Biển Đông 24.02.2016 Thủ tướng Australia Malcom Turnbull cam kết tăng cường chi tiêu quốc phòng vào lúc căng thẳng với Trung Quốc gia tăng ở vùng tây Thái Bình Dương. Ông Turnbull cho hay chính phủ Australia, một đồng minh chủ chốt của Mỹ, nhất trí thực hiện lời cam kết của vị lãnh đạo trước đó, ông Tony Abbott, là tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% của tổng sản phẩm quốc nội từ nay đến năm 2023. Lần cuối cùng chi tiêu quốc phòng đạt mức này là năm 1995. Kế hoạch chi tiêu mới sẽ được công bố vào thứ Năm, ông cho biết. Ông nói với các phóng viên ở Canberra là Sách trắng quốc phòng “có nói về kết quả của mức chi tiêu quốc phòng cao hơn”. Ông cũng cho rằng “Chúng ta quả thực sống trong những giai đoạn có nhiều thách thức”. Ông nói sách trắng được soạn thảo nhằm “bảo đảm chúng ta thực hiện phần của mình để mang lại và bảo đảm an ninh khu vực”. Sách trắng nêu dự kiến bổ sung 5.000 quân nhân trong các quân chủng bộ binh, hải quân và không quân, nâng số quân nhân lên khoảng 63.000, một tờ báo của Australia đưa tin nhưng không nêu rõ nguồn. Hạm đội tàu ngầm cũng sẽ tăng gấp đôi thành 12 chiếc. Văn kiện này sẽ được xem xét kỹ lưỡng về những đoạn chính phủ mô tả các tham vọng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và những nơi khác trong khu vực. Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam và một số nước khác về Biển Đông. Gần đây, có nhiều tin tức về việc Trung Quốc quân sự hóa một số đảo hoặc đảo nhân tạo do Trung Quốc kiểm soát ở vùng biển này, như triển khai hỏa tiễn địa đối không, dàn radar tần số cao và chiến đấu cơ phản lực, dẫn đến căng thẳng leo thang. Hành động quân sự hoá của Trung Quốc đã khiến Việt Nam tăng nhập khẩu vũ khí. Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế ở Stockholm hôm thứ Hai nói Việt Nam nhập khẩu vũ khí nhiều hàng thứ 8 trên thế giới trong thời gian từ năm 2011 tới năm 2015, một bước nhảy vọt so với 5 năm trước đó. Mặt khác, Việt Nam được Mỹ coi là một đối tác quan trọng trong chính sách xoay trục sang châu Á khi Trung Quốc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ. Australia, cũng là một đối tác trong chính sách xoay trục của Tổng thống Obama, nhiều lần thực hiện tập trận với Thủy quân Lục chiến và các lực lượng quân sự khác của Mỹ. Tuần trước, Thủ tướng Turnbull đã kêu gọi Trung Quốc kiềm chế, tránh quân sự hóa các bãi đá, bãi cạn mà nước này bồi đắp ở Biển Đông. Hôm thứ Ba, tại một phiên điều trần trước Thượng viện ở Washington, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Harry Harris nói ông trông cậy rất nhiều ở Australia vì nước này có năng lực quân sự tiên tiến cũng như có kinh nghiệm chiến trận và vai trò lãnh đạo đối với nhiều hoạt động trên khắp thế giới. Theo Bloomberg, ABC
  24. Binh sĩ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tuần tra trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, ngày 29/1/2016. Tin liên hệ Tòa Bạch Ốc: Trung Quốc sai khi so sánh Hawaii với Biển Đông Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc bác bỏ ý kiến của Trung Quốc cho rằng những gì mà Bắc Kinh làm ở Biển Đông cũng giống như Washington làm ở Hawaii Trung Quốc đặt radar ở Trường Sa Trung Quốc không lùi bước trước cáo buộc triển khai phi đạn ở Biển Đông VN tăng cường quân sự giữa lúc căng thẳng leo thang ở Biển Đông Việt Nam phản đối lên LHQ việc Trung Quốc đưa tên lửa ra Hoàng Sa Mỹ phản đối Trung Quốc ‘quân sự hóa’ Biển Đông Australia: Trung Quốc ‘phản bác’ tin về phi đạn trên đảo Phú Lâm Hình ảnh/Video Video Truyền hình vệ tinh VOA 23/2/2016 Ðường dẫn Trang chuyên đề: Tranh chấp Biển Đông Steve Herman 24.02.2016 BANGKOK— Trung Quốc lại điều phản lực cơ chiến đấu đến một hòn đảo có tranh chấp ở Biển Đông mà hồi đầu tháng này họ đã bố trí phi đạn địa đối không và đang lắp đặt một hệ thống radar tối tân. Thông tín viên Steve Herman gởi về bài tường thuật từ trung tâm tin tức Đông Nam Á của đài VOA tại Bangkok Các giới chức ở Washington tối thứ ba cho biết một nhóm chiến đấu cơ chưa đầy 10 chiếc của Trung Quốc đã được trông thấy trên đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) của quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa). Hôm nay, Đại sứ Hoa Kỳ tại ASEAN, bà Nina Hachigian, đã bày tỏ quan tâm về diễn tiến này. "Chúng tôi có mối quan tâm lớn là những hành động này làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và gây ra những tác dụng ngược." Bắc Kinh điều chiến đấu cơ tới hòn đảo có tranh chấp sau khi đã bố trí các phi đạn địa đối không loại HQ-9 trên hòn đảo rộng 120 héc ta mà Việt Nam cũng có yêu sách chủ quyền. Các nhà phân tích cho biết họ cảm thấy lo ngại nhiều hơn về việc Trung Quốc đang xây dựng một cơ sở ra đa cao tần trên đảo Phú Lâm, cách đảo hải Nam của Trung Quốc khoảng 400 kilomét về hướng đông nam. Theo nhận định của các chuyên gia thuộc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, cơ sở ra đa đó sẽ làm tăng mạnh khả năng của Trung Quốc để theo dõi sự di chuyển của tàu bè và máy bay trong vùng biển có nhiều căng thẳng. Họ nói thêm rằng sự tăng cường khả năng đó -- cùng với những đường băng và các cơ sở khác mà Trung Quốc đang xây trên những hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa, cho thấy Trung Quốc đang nhắm tới mục tiêu chiến lược là khống chế vùng biển và không phận trên khắp Biển Đông. Sau khi truyền thông Trung Quốc đăng tải những hình ảnh của chiến đấu cơ trên đảo Phú Lâm hồi tháng 11 năm ngoái, Hải quân Mỹ đã phái một chiếc khu trục hạm có trang bị phi đạn điều hướng băng qua vùng biển gần một hòn đảo khác có tranh chấp ở Biển Đông và điều máy bay B-52 cùng với một chiến hạm khác tiến vào khu vực này trong một cuộc tuần tra được gọi là bảo vệ tự do hàng hải. Đại sứ Hachigian phát biểu như sau về những hoạt động của Mỹ ở Biển Đông tại cuộc họp báo trực tuyến ở Jakarta ngày hôm nay. "Những hoạt động của chúng tôi nhằm khẳng định tự do hàng hải là những hoạt động bình thường và hợp pháp. Những hoạt động này được thực hiện theo đúng luật pháp quốc tế. Chúng tôi đã tiến hành những hoạt động này trên khắp địa cầu từ năm 1979, kể cả ở Biển Đông, và Biển Đông không thể là một ngoại lệ." Các giới chức Trung Quốc nói rằng những hoạt động đó của Mỹ làm gia tăng những mối căng thẳng trong khu vực. Ngày hôm qua, trong cuộc họp báo chung tại Bộ Ngoại giao Mỹ với Ngoại trưởng John Kerry, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng ông mong Hoa Kỳ ngưng thực hiện những chuyến bay và những cuộc tuần tra gần những hòn đảo có tranh chấp. Hình ảnh vệ tinh cho thấy các hoạt động xây cất và quân sự hóa của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm. Trong khi đó, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến các hành động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. "Điều đáng tiếc là các loại phi đạn, chiến đấu cơ, súng ống, đại pháo và những thứ khác đã được bố trí ở Biển Đông, và điều này gây ra những mối lo ngại rất lớn cho tất cả những ai đi qua và dùng Biển Đông cho các hoạt động mậu dịch và thương mại có tính chất hoà bình." Ngoại trưởng Kerry cho rằng không riêng gì Trung Quốc mà Việt Nam và các nước khác cũng gây ra điều mà ông gọi là “vòng leo thang lẩn quẩn” của những hoạt động cải tạo đất đai và quân sự hoá trong vùng biển có tranh chấp. Trước đó trong ngày hôm qua, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Mỹ đã có những lời lẽ thẳng thắn hơn khi nói về những hoạt động của Trung Quốc nhằm quân sự hoá Biển Đông. Tại cuộc điều trần trước Uỷ ban Quân vụ Thượng viện, Đô đốc Harry Harris nói “Quí vị phải tin là trái đất vuông thì mới có thể tin là Trung Quốc không quân sự hoá Biển Đông". Khi được hỏi Trung Quốc nhắm tới mục tiêu chiến lược nào khi tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực, Đô đốc Harris nói “Tôi tin rằng Trung Quốc đang mưu tìm bá quyền ở vùng Đông Á.”
  25. Cựu Bộ trưởng Thương mại Andrew Bobb là một trong những kiến trúc sư chính của hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc Tin liên hệ Australia tăng chi tiêu quốc phòng giữa căng thẳng Biển Đông Thủ tướng Australia Malcom Turnbull cam kết tăng cường chi tiêu quốc phòng vào lúc căng thẳng với Trung Quốc gia tăng ở vùng tây Thái Bình Dương Du khách Australia nói bị bắt cóc hụt ở Tp. HCM Australia: Trung Quốc ‘phản bác’ tin về phi đạn trên đảo Phú Lâm Ngoại trưởng Úc chất vấn TQ về tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông Phil Mercer 25.02.2016 Trong lúc sự bùng phát kinh tế nhờ hoạt động khai thác khoáng sản đến hồi kết thúc, Australia đang dồn nhiều hy vọng vào một hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực từ tháng 12 năm 2015. Theo tường thuật của thông tín viên Phil Mercer của đài VOA tại Sydney, các cơ hội làm ăn với Trung Quốc giờ đây đã tăng mạnh nhưng các thương gia Australia còn phải ra sức thu hẹp những sự khác biệt về văn hoá với Trung Quốc. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã bày tỏ sự phấn khởi khi loan báo việc ký kết hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, là nước có nền kinh tế lớn hàng thứ nhì thế giới. Ông phát biểu như sau tại quốc hội. "Cám ơn ông Chủ tịch. Thưa ông Chủ tịch, hôm nay là một ngày hết sức tuyệt vời cho Australia. Đây là một ngày tuyệt vời cho công ăn việc làm của người dân Australia." Cựu Bộ trưởng Thương mại Andrew Bobb là một trong những kiến trúc sư chính của hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc. Ông cho biết sự hiểu biết về văn hoá là cần thiết để xây dựng những mối quan hệ làm ăn lâu dài với Trung Quốc. 'Thiếu hiểu biết về văn hóa' "Như quí vị đã biết, có một sự hạn chế là thiếu hiểu biết về văn hoá, không hiểu được cách thức công chuyên làm ăn được thực hiện như thế nào, những qui phạm văn hoá, những thứ mà chúng ta coi như đương nhiên là như vậy. Trung Quốc cũng vậy. Họ cũng có những thứ mà họ cứ nghĩ là chuyện đương nhiên. Chúng ta cần có sự hiểu biết lẫn nhau đó, sự tôn trọng lẫn nhau đối với những sự khác biệt, và một khi chúng ta làm được như vậy thì chúng ta có cơ hội để thật sự tận dụng mối quan hệ giữa đôi bên." Ngoại trưởng Australia Julie Bishop nói chuyện với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh, ngày 17/2/2016. Tết Âm lịch là một dịp có nhiều màn trình diễn văn hoá ngoạn mục của Trung Quốc ở Sydney. Mối liên hệ văn hoá, xã hội và thương mại giữa Australia với đối tác thương mại hàng đầu của họ đang ở trong tình trạng tốt đẹp hơn bao giờ hết. Nhưng người nước ngoài thường khó lòng hiểu rõ những sự bí ẩn của việc làm ăn ở Trung Quốc. Trước khi họp có nên bắt tay hay không? Giơ ngón tay để chỉ trỏ trong lúc nói chuyện có làm người đối diện cảm thấy bị xúc phạm hay không? Có nên tặng quà hay không và nếu tặng thì tặng thứ gì? Đó là những câu hỏi mà một số công ty ở Australia đang mang lại những câu trả lời cho nhân viên của họ tại các khoá học về văn hoá Trung Quốc. Bà Della Dang, một chuyên viên tiếp thị của Trung tâm Giám đốc Australia-Á châu, cho biết như sau. "Nếu một thương gia Trung Quốc trao cho tôi một tấm danh thiếp, tôi phải đưa hai tay ra nhận và tôi cần phải bảo đảm là tôi không để danh thiếp đó vào những nơi thiếu tử tế, và khi nói tới những chỗ thiếu tử tế, tôi muốn nói là cho dù tôi bỏ tấm danh thiếp vào túi quần sau thì vẫn không được, bởi vì khi tôi ngồi xuống thì tôi ngồi lên tên họ của người đó. Đó là một hành động bất kính." Thu hẹp hố chia cách Bà Monika Tu đã làm trung gian để bán rất nhiều nhà cửa ở Sydney cho những khách hàng Trung Quốc từ khi bà di dân tới đây hồi cuối thập niên 1980. Bà cho biết việc thu hẹp hố ngăn cách văn hoá không phải là dễ dàng. "Tôi đã ở đây 27 năm. Tôi cũng phải mất rất nhiều thời gian để hiểu được văn hoá của người Australia hoặc người phương Tây. Hai nền văn hoá khác nhau quá nhiều. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu các bạn học hỏi cả hai nền văn hoá, chủ động làm việc đó, các bạn sẽ cảm thấy rất thích thú. Điều đó sẽ có lợi cho cuộc sống xã hội của các bạn, lối sống của các bạn, và còn có một điều quan trọng là nó có ích cho công việc làm ăn của các bạn." Các công ty Australia muốn khuyếch trương hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc đang hy vọng hiệp định thương mại tự do sẽ mang lại cho họ rất nhiều lợi ích trong năm nay. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cảnh báo rằng con đường trước mắt vẫn còn nhiều chông gai. Hiểu biết văn hóa Du khách Trung Quốc chụp hình trước của Nhà hát opera Sydney ở Australia. Bà Sally-Anne Gaunt, giáo sư môn quản trị đa văn hoá của Đại học New South Wales, cho biết tại nhiều nước Á châu người Australia bị xem là những người không làm việc chăm chỉ, không biết chịu khó. Bà thuật lại như sau về lời khuyên mà bà nói với một viên giám đốc ở Singapore. "Người phụ nữ trẻ đó than phiền rất nhiều về những khách hàng của cô. Cô nói ‘họ là những người lười biếng, 5 giờ chiều là đã bỏ sở về nhà.’ Cô nói ‘họ ra biển nghỉ mát, trong khi chúng tôi tôi ở đây ai nấy cũng đều làm việc hết sức chăm chỉ.’ Dĩ nhiên là cô ấy không hiểu được là khi chúng ta làm việc ở những nơi như Australia, chúng ta không có gia đình đông người, không ai giúp chúng ta làm việc nhà, chúng ta phải tự mình làm đủ thứ chuyện. Khi tôi nói tới những yếu tố đó, cô ấy cảm thấy hết sức ngạc nhiên. Cô ấy nói “Chẳng lẽ ở Australia bà không có người giúp việc nhà hay sao?’ Tôi nói ‘Không. Nhiều người không có người giúp việc nhà.’" Australia hiện có hiệp định thương mại tự do với 10 nước, hầu hết là những nước ở Á châu như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Các nhà phân tích cho biết việc tận dụng lợi thế mà những hiệp định đó mang lại không thể chỉ là sản phẩm, giá cả và thái độ phục vụ, mà còn cần tới sự hiểu biết về những nền văn hoá phức tạp.

×
×
  • Create New...