Jump to content

xứ việt

Administrators
  • Posts

    39204
  • Joined

  • Last visited

Everything posted by xứ việt

  1. Bầu cử Quốc hội mới sẽ diễn ra ngày 23/5 Nhiều công dân Việt Nam công bố sẽ tự ứng cử vào vị trí đại biểu Quốc hội, ngay sau khi Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói ông sẽ ra tranh cử Quốc hội khóa 14. Luật sư Phạm Quốc Bình thuộc Đoàn luật sư Hà Nội là một trong những người đầu tiên trong giới luật sư nêu ý‎ kiến cân nhắc xem ông có tham gia tranh cử lần này hay không. Trả lời BBC, ông Bình nói ông vẫn “chưa có quyết định cuối cùng”. Nhưng ông Bình cũng cho biết, việc có các luật sư, người ngoài Đảng, người dân tham gia tự ứng cử là “quá trình tiến tới nền dân chủ thực sự”. Theo ông Bình, các đoàn luật sư có thể cũng sẽ ủng hộ một số luật sư muốn tham gia tự ứng cử. Ông Bình nhận định khi hành nghề, luật sư nhận thấy quá trình xây dựng pháp luật của các cơ quan thuộc Quốc hội hoặc chính phủ “không ổn”. “Nhiều luật không đi vào cuộc sống, nhiều dự án luật cần thiết phải xây dựng để phù hợp với sự phát triển xã hội thì chưa được quan tâm nhiều. Do đó chúng tôi mong muốn nhiều luật sư được tham gia làm đại biểu quốc hội. Họ có thể tham gia làm công tác luật chuyên trách. Họ cũng được đào tạo bài bản, có quá trình hành nghề luật có thực tiễn cao. Khi họ tham gia diễn đàn Quốc hội, họ có thể đóng góp xây dựng văn bản luật thực tế hơn.” – Ông Bình giải thích nguyên nhân ông ủng hộ các luật sư ứng cử. "Còn nhiều vấn đề" Trả lời BBC Tiếng Việt từ Hà Nội, luật sư Lê Văn Luân nói lý do ông tự ứng cử là vì ông “mong muốn góp công sức vào một xã hội dân chủ và văn minh hơn, và theo lời của Tổng bí thư, là "dân chủ đến thế là cùng", hi vọng là mọi công dân VN đều có quyền và nghĩa vụ đóng góp sự phát triển đó của đất nước”. Ngay trong ngày 10/2, luật sư Luân đã có một bài diễn thuyết tên “Tôi có mặt ở đây” như một trong những tuyên bố đầu tiên ông sẽ tham gia tranh cử. Ông Luân viết: “Tôi đến đây, để nói về công việc của các vị, để giải quyết nó, nếu tôi được bầu, vì lúc đó tôi tin rằng mình đã đủ thẩm quyền thiết thực, hợp pháp và hành động đúng như tôi đã luôn nghĩ đến khi đứng ở đây. Vì có các vị mới có tôi ở vị trí đó để làm việc, và đại diện cho chính quý vị.” Luật sư Lê Văn Luân (áo xanh) là một trong những người tham gia tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 Tuy nhiên, những người tự ứng cử sẽ phải làm việc “rất gấp” vì đến tháng 5/2016 đã bước vào kỳ bầu cử mà thời gian nộp hồ sơ có thể kéo dài đến 70 ngày. Luật sư Lê Văn Luân nói cho dù ông thất bại thì cũng là “thành công về mặt chứng minh thực tiễn” và có thể “chứng minh về cơ hội của những người ngoài Đảng khi tham gia ứng cử, và một cuộc bầu cử minh bạch còn nhiều vấn đề.” Trước đó, ông Nguyễn Quang A - người đầu tiên tuyên bố ra tranh cử - cũng nói với BBC: “Tôi không đặt việc trúng cử, hay vào sâu các vòng sau là mục tiêu chính. Tôi muốn dấy lên một phong trào để người dân học hỏi, các cơ quan nhà nước cũng phải học hỏi, từ đó tác động thay đổi nhận thức một cách từ từ.” Trên mạng xã hội tại Việt Nam, đã có một trang tên “Vận động ứng cử đại biểu Quốc hội 2016” liên tục cập nhật danh sách những gương mặt tự ứng cử. Hiện nay đã có tám người tuyên bố mình sẽ ra tranh cử, gồm Tiến sĩ Nguyễn Quang A, ông Nguyễn Tường Thụy, bà Nguyễn Thúy Hạnh, bà Đặng Bích Phượng, ông Hoàng Cường, ông Nguyễn Đình Hà, ông Phạm Văn Thành, ông Lê Văn Luân. (BBC)
  2. Tổng thống Obama sẽ có thông điệp về Biển Đông Tại thượng đỉnh Mỹ-Asean vào tuần tới, Tổng thống Hoa Kỳ được trông đợi sẽ gửi thông điệp cứng rắn về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Cuộc họp thượng đỉnh sẽ diễn ra trong hai ngày 15-16/2 tại Sunnylands, tiểu bang California. Đại diện cho Việt Nam là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào tháng Năm này. Nhà Trắng ra thông cáo nói tại cuộc họp, ông Obama sẽ tuyên bố rằng tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết một cách hòa bình và không thể để nước lớn "bắt nạt" nước bé, hàm ý chỉ Trung Quốc. Thông cáo của Chính phủ Mỹ cho hay ông tổng thống cũng sẽ đề cập các hành động "khiêu khích" của Bắc Hàn, như vụ thử hạt nhân lần thứ tư hồi tháng trước và vụ phóng hỏa tiễn cuối tuần rồi. Phó cố vấn an ninh quốc gia cho ông Obama, Ben Rhodes, nói ông tổng thống sẽ tái khẳng định là các mâu thuẫn về lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á phải được giải quyết thông qua thương lượng và theo chuẩn mực quốc tế. Trung Quốc sẽ không có đại diện tại cuộc họp chỉ dành cho các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên để tỏ ra công bằng và bất thiên vị, ông tổng thống "sẽ kêu gọi tất cả các bên ngừng cơi nới, xây dựng đảo và quân sự hóa các điểm tiền tiêu ở Biển Đông", theo Dan Kritenbrink, cố vấn Á châu của Tổng thống Obama. 'Nước lớn bắt nạt nước nhỏ' Ông Ben Rhodes nói thông điệp của ông Obama tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Asean sẽ là cần phải "tránh tình trạng giải quyết tranh chấp bằng việc một nước lớn bắt nạt một nước nhỏ". Ông cũng nói về sự cần thiết phải bảo đảm tự do lưu thông và phòng ngừa các hành động quân sự "sơ xuất và không cần thiết" ở Biển Đông. Tổng thống Obama sẽ trực tiếp thảo luận với lãnh đạo các nước Asean về quan ngại trước việc Trung Quốc bay thử ra Đá Chữ Thập ở Trường Sa, nơi nước này mới hoàn tất đường băng. Hiện chưa rõ phản ứng của các nước Đông Nam Á sẽ như thế nào. Ngay bên trong khối có những chia rẽ lớn trong quan điểm về Biển Đông. Một số quốc gia không trực tiếp tham gia tranh chấp như Lào, Campuchia và Myanmar không tỏ thái độ hoặc ngần ngại làm phật lòng Trung Quốc. Thái Lan dường như muốn tỏ lập trường trung dung, đóng vai trò hàn gắn. Singapore, Malaysia, Indonesia và Brunei lâu nay vẫn tỏ ra tán thành giải pháp hòa bình, phi quân sự. Riêng hai nước nhỏ hơn trực tiếp tham gia đối đầu với Trung Quốc qua vụ kiện lên Tòa Trọng tài quốc tế là Philippines chủ xướng và Việt Nam ủng hộ phiên tòa. (BBC)
  3. Những con đường đóng băng tuyết trong thời tiết lạnh giá là thủ phạm gây ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, đặc biệt là tại khu vực đèo dốc, cầu vượt, ngã tư, đường vào ra xa lộ… Trước thực trạng đó, 2 kỹ sư gốc Việt đã sáng chế ra một loại bê tông có thể tự động làm tan băng an toàn. Giáo sư Kỹ thuật Christ Tuan thử độ an toàn trên một tấm bê tông dẫn điện. Thống kê cho thấy, 10 đến 15% tại nạn đường bộ ở Mỹ liên quan trực tiếp tới thời tiết. Tỷ lệ này tương đương hàng ngàn người bị thương và tử vong mỗi năm. Trước thực trạng mặt đường phải làm tan được băng trong mùa đông, 2 kỹ sư gốc Việt là Chris Tuan và Lim Nguyen đến từ Đại học Nebraska-Lincoln đã sáng chế ra một loại bê tông dẫn điện đặc biệt. Nó có thể tự động làm tan băng an toàn, không sử dụng hóa chất, không gây ăn mòn và ưu việt hơn cả những xe dọn tuyết truyền thống ở Mỹ. Christ Tuan nói, ông bắt đầu nghiên cứu loại bê tông chống băng từ thời kỳ còn làm việc cho một nhà thầu của không quân Mỹ. Mục tiêu khi đó của Chris Tuan là phải làm sao để loại bỏ băng và ngăn chặn trơn trượt trong quá trình máy bay hạ cánh. Cho đến năm 2001, với sự giúp đỡ của Lim Nguyen cùng 2 đồng nghiệp khác là Sherif Yehia và Bing Chen, bê tông tự động làm tan băng mới được hoàn thiện. Họ cùng được cấp bằng sáng chế cho phát minh này. Trước đó, công nghệ chống đóng băng phổ biến nhất ở Mỹ là sử dụng hóa chất, điển hình là muối. Các công nhân sẽ lái một chiếc xe chuyên dụng và rải muối hoặc nước mặn trên mặt đường. Nhiệt độ đóng băng thấp hơn của nước muối sẽ giúp mặt đường duy trì trạng thái tới -18oC. Tuy nhiên, kỹ thuật sử dụng hóa chất có rất nhiều nhược điểm. Nó làm ô nhiễm môi trường, gây ăn mòn những bộ phận kim loại của ô tô và đặc biện hạn chế sử dụng cho những cây cầu thép. Chính vì vậy, cùng năm 2001, Sở Đường bộ Nebraska quyết định sử dụng công nghệ bê tông dẫn điện của Christ Tuan cho cây cầu của họ biến nó thành cây cầu đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ tiên tiến này. Cầu Roca Spur được trải 52 tấm bê tông chống băng trên suốt chiều dài của nó. Mỗi tấm có giá 300 USD thay vì 120 USD của bê tông thường. “Cầu luôn là địa hình giao thông đóng băng đầu tiên, bởi nó chịu tiếp xúc cả trên mặt đường và dưới gầm cầu”, Christ Tuan nói. “Sẽ không kinh tế khi trải toàn bộ mặt cầu bằng bê tông dẫn điện, nhưng bạn có thể sử dụng nó ở những vị trí quan trọng như ổ gà hoặc nơi hiểm yếu”. Mặt đường sử dụng công nghệ của Christ Tuan sẽ tự động chống đóng băng. Vậy bí quyết của Christ Tuan dành cho loại bê tông này là gì? Rất đơn giản, về cơ bản nó giống như bê tông thường, nhưng sẽ được pha thêm 20% dăm thép nhỏ và các hạt carbon. Hỗn hợp này làm nhiệm vụ dẫn điện và chuyển hóa thành nhiệt năng để làm tan băng. Trong khi đó, nó vẫn đảm bảo bề mặt bê tông đủ an toàn để chạm vào. “Loại bê tông của chúng tôi có khả năng chống đóng băng”, Chris Tuan nói. “Bạn chỉ cần giữ lõi và bề mặt của nó ấm áp. Khi tuyết rơi trên đó, nó sẽ tan chảy”. Nguồn điện cung cấp cho những tấm bê tông là nguồn 3 pha 600 A, 220V, có thể tận dụng được từ ngay những trạm điện gần đường. Các cảm biến sẽ giúp hệ thống tự động bật khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 4oC và tắt khi trên 10oC. Hiện nay, sản phẩm của Chris Tuan và nhóm nghiên cứu đang được đánh giá bởi Cục Quản lý Hàng không Liên bang. Họ có thể có phương án thử nghiệm nó trên một đường băng lớn. Tuy nhiên, Christ Tuan nói “Cục Quản lý Hàng không đã khiến tôi rất ngạc nhiên, bê tông chống băng sẽ ít có khả năng được ứng dụng cho đường băng. Tuy nhiên, địa điểm họ cần nhất lại là khu vực cổng. Đây là nơi có rất nhiều xe vận tải, là địa điểm phục vụ dịch vụ hành lý và nhiên liệu. Cả khu vực không có băng sẽ khiến sự chậm trễ của nhiều chuyến bay giảm xuống. Chúng tôi rất lạc quan”. Chưa dừng lại ở đó, Christ Tuan còn pha thêm vào bê tông của mình một loại quặng từ magnetite. Ông nói nó sẽ giúp ngăn chặn sóng điện từ. Công nghệ này sẽ rất hấp dẫn đối với những nhà sản xuất muốn xây dựng một quy trình bảo mật chống gián điệp công nghiệp. Christ Tuan đã thử nghiệm loại bê tông ngăn sóng điện từ ngay tại phòng thí nghiệm của mình. “Chúng tôi mời rất nhiều khách hàng tiềm năng tới và bảo họ cố gắng sử dụng điện thoại di động”, ông nói. “Họ luôn nhận được những cảnh báo không có dịch vụ”. Trong khi những loại bê tông mà Christ Tuan phát triển sẽ đem lại nhiều ứng dụng lớn lao trong tương lai, ông vẫn khiến nó có mặt ở những lợi ích rất gần gũi nhất của mình. “Tôi có một khu vườn sau nhà lát đầy bê tông dẫn điện”, Christ Tuan nói với một nụ cười. “Bạn thấy đấy, tôi ứng dụng những gì tôi giảng ở trường đại học và thuyết phục mọi người”. Theo GenK (Tinh Hoa)
  4. Năm 1945 nhà văn người Anh George Orwell đã đưa ra một nhận định mang tính tư tưởng của thời đại rất chính xác trong tiểu thuyết châm biếm có tên "Trại súc vật". Tác phẩm đã được in tại Anh vào ngày 17 tháng 8 năm 1945. Chỉ hai ngày sau "trại súc vật" đã bắt đầu buông cái lồng sắt xuống toàn cõi Việt Nam, bốn năm sau (năm 1949) lồng sắt ấy giăng ra trên một phạm vi lớn hơn: Trung Hoa lục địa. Trước đó khởi nguồn từ 1920 tại đất nước mà mặt trời không bao giờ lặn, chiếc lồng sắt này đã giăng từ Tây sang Đông phủ bóng nước Nga và một phần châu Âu. Chiếc lồng sắt này màu đỏ có tên gọi là "chủ nghĩa toàn trị", có đặc điểm khái quát chung nhất là tước bỏ quyền con người, có hình thức phổ biến là một đám con vật này đè đầu cưỡi cổ một đám con vật khác. Năm 1996, tư tưởng này đã được Gorbachev cũng cố lại trong một câu nói nổi tiếng "Các ngươi chỉ là những con cừu đang yên tâm gặm cỏ trên cánh đồng của mình". Nhà văn George Orwell đã rất sâu sắc khi đưa ra tuyên ngôn vật quyền "Mọi con vật sinh ra đều bình đẳng nhưng có một số con bình đẳng hơn các con khác". Rất ít người hiểu được ý nghĩa của câu nói này. Điều đó có nghĩa là ông xem tất cả trong cái lồng sắt ấy đều là con vật. Tất cả đều bị ràng buộc, chi phối, áp đặt bởi chủ nghĩa toàn trị. Chỉ có điều là con vật này được ưu đãi (bình đẳng) hơn các con vật khác mà thôi. Nhận định ấy nếu đem so sánh với hoàn cảnh Việt Nam hiện nay là rất chính xác. Có người nói rằng dân số Việt nam 90 triệu đang bị cai trị bởi 4 triệu đảng viên và 19 người trong BCT. Hiểu như vậy là chưa chính xác bởi bốn triệu đảng viên ấy cũng không có một cái quyền tối thiểu nhất của con người là "quyền bầu cử", và 19 UV BCT cũng không có cái quyền đó khi được giật dây bởi những con vật từ một cái lồng khác. Và các UV BCT Trung Quốc cũng bị ràng buộc bởi cơ chế toàn trị có từ năm 1949 mà không một cá thể nào có thể thoát ra được. Trong cái cơ chế toàn trị này, chủ nghĩa cộng sản (CNCS) chỉ là thứ thuốc phiện để ru ngủ các con vật, khiến chúng quên đau mơ tưởng tới thiên đường để quên đi kiếp súc vật của mình. CNCS không là cứu cánh mà chỉ là phương tiện để chăn dắt. Và khi thứ thuốc phiện nhạt màu mất tác dụng thì vẫn còn đó chiếc lồng. Muốn thoát khỏi chiếc lồng này không thể nhờ vào các con vật chăn dắt, bởi chúng có những đặc quyền cai trị khiến chúng không thể từ bỏ mà nhờ vào hai yếu tố chủ yếu sau đây: - Kích thích bản năng phá bỏ chiếc lồng do đói, chật chội, do giẫm đạp lên nhau của các con vật. - Đánh thức quyền con người đã bị mất để các con vật đoàn kết lại thành bầy đàn. Nước Mỹ và Liên Minh Châu Âu đã dùng phương pháp thứ nhất để phá bỏ chiếc lồng từ Liên Xô sang Đông Âu bằng cách bao vây kinh tế, cấm vận và tạo ra mâu thuẫn trong bộ máy cai trị. Kết quả là con vật do bức bách vì điều kiện sống đã đồng loạt nổi dậy phá bỏ chiếc lồng từ phía ấy. Nhưng khả năng của họ không thể giải thoát toàn bộ nên đành phải bắt tay với phía còn lại. Kết quả là họ từ bỏ cuộc chiến Việt Nam khi nhận ra nó không còn cần thiết trong việc ngăn cản sự phát triển của chiếc lồng đối với nhân loại. Điều này đã khiến các con vật trong chiếc lồng sắt toàn trị Việt Nam nảy sinh một ảo giác tai hại: - Tin tưởng vào sức mạnh chống ngoại xâm được nâng lên thành "tự hào dân tộc" - Thần thánh hóa những con vật cai trị và những con vật hy sinh để bảo vệ chiếc lồng. Kết quả đã hiển hiện rất rõ, không thể chối cãi. Với tư duy của loài vật, 70 năm qua trong chiếc lồng ấy đang xảy ra sự giẫm đạp, giày xéo lẫn nhau. Các con vật thấp cổ bé họng đều bị đè chết bởi đủ các thứ tệ nạn, cuộc sống tù túng, chật chội, ô nhiễm môi trường sống đã khiến rất nhiều chứng bệnh phát sinh. Trong cái lồng sắt ấy mặc nhiên không có luật pháp, mà chỉ có luật dành để bảo vệ các con vật cai trị. Một điểm đặc biệt nữa là do sự chật chội và bất chấp luật lệ các con vật từ chiếc lồng to hơn (Trung Quốc) đã tràn sang xâm chiếm chuồng trại của các con vật yếu hơn (Việt Nam) bằng hình thức ăn cướp, lấy thịt đè người. Chúng thản nhiên can thiệp sâu vào nội bộ, chúng dùng thủ đoạn để mở rộng chuồng trại nhằm đồng hóa toàn bộ trại súc vật. Trong nội bộ Việt nam cũng bắt đầu hình thức đưa các con vật phía Bắc vào cai trị phía Nam. Như vậy phong trào Nam Tiến của trại súc vật là một hình thức cai trị chăn dắt mới đã quá rõ ràng. Trong tình hình đó Việt Nam đã hình thành nên hai lực lượng đối kháng để giải thoát. Một xuất phát từ Người Việt hải Ngoại (NVHN) và một từ những kẻ đấu tranh dân chủ có tư tưởng cấp tiến. Tuy nhiên NVHN không có tư cách pháp nhân để làm công việc này, bởi họ hầu hết đã mang quốc tịch của một quốc gia khác. Họ chỉ có kiến thức và tinh thần "đồng bào", tinh thần của những kẻ cùng chung một bào thai, một mẹ sinh ra. Và một đặc điểm lớn lao, một ưu thế của người Việt trong nước (điều mà ít quốc gia nào có được) là họ được sự hậu thuẫn về mặt tinh thần rất lớn từ những kẻ bên ngoài trong công cuộc phá bỏ chiếc lồng sắt toàn trị này. Như vậy để có thể phá bỏ chiếc lồng theo cách thứ hai tức đánh thức quyền con người phải trông mong vào lực lượng đấu tranh dân chủ bên trong, chính họ mới có đủ tư cách pháp nhân để làm việc này. Thế nhưng lực lượng đấu tranh dân chủ trong nước lại thoát thai từ chính cơ chế của chủ nghĩa toàn trị, họ chỉ là những cá thể sớm thức tỉnh sau khi chích nhằm thứ thuốc phiện CNCS nên đã bộc lộ rất nhiều hạn chế về nhiều mặt. Sự hạn chế lớn nhất chính là tư duy chuyển biến rất chậm so với tư duy của NVHN. Nhưng nếu đụng vào điều này họ sẽ lập tức tự ái và cho rằng NVHN là những kẻ chém gió, xúi bậy từ đó hình thành nên một ý niệm chia rẻ. Các hạn chế này bộc lộ cụ thể như sau: 1/ CNCS đã không còn hiện diện trên trái đất này và CN toàn trị chỉ bám vào nó để duy trì chiếc lồng nhưng đa số những người đấu tranh dân chủ vẫn chưa nhận ra điều này. Họ vẫn công kích vào sự không tưởng của CNCS, CNXH mặc dù nó đã nằm trong sọt rác. Điều này không khác gì đả phá viên thuốc mà bỏ quên mất chiếc lồng. 2/ Đa phần vẫn chưa nắm rõ cơ chế toàn trị nên vẫn tin tưởng vào việc giải thoát sẽ đến từ cơ cấu của các con vật ở thượng tầng. Chính vì vậy họ luôn quan tâm đến các cuộc hội tụ của cái thượng tầng này và mong chờ một phép lạ xảy ra. Nhưng sự thật đã cho thấy các con vật này đều cùng một giuộc với nhau. Đôi khi chỉ vì tranh ăn mà chúng bị loại khỏi cơ cấu nhưng chúng vẫn trung thành với chiếc lồng bởi vì chỉ có như vậy chúng mới hưởng được sự sung sướng hơn hẳn các con vật khác. Trong khi NVHN đã nhận ra điều này từ lâu và lên tiếng cảnh báo thì NVTN vẫn bỏ mặc. Trong Đại hội đảng CS vừa qua họ quan tâm theo dõi diễn biến và suy tôn những kẻ muốn duy trì quyền lực độc tài cá nhân như những nhà cải cách. Điều này quả thật ngây thơ. 3/ Lực lượng ĐT DC vẫn chưa hề có một phương pháp luận chuẩn mực. Điều này NVHN đã chỉ ra bằng Luận cương khai sáng của Nguyễn Gia Kiểng, một văn bản chính trị quan trọng tập hợp những kinh nghiệm quý giá và một phương pháp chống độc tài bằng bất bạo động hiệu quả được rút ra từ hơn 30 cuộc cách mạng đã thành công trên thế giới. Thế nhưng NVTN vẫn bỏ ngoài tai, họ cho rằng chính họ mới có thể đẻ ra những phát kiến vĩ đại và không cần quan tâm đến cách mà loài người đang sử dụng "bất tuân dân sự", con đường thực tế và hiệu quả nhất để phá bỏ chiếc lồng. 4/ Hầu hết những người đi đầu trong LL ĐT DC trong nước vẫn còn rất mơ hồ về cơ cấu của một thể chế dân chủ. Chính vì vậy nhiều khi họ đã tự mâu thuẫn với chính mình trong đường lối và cách thức hành động. Chẳng hạn đối với trường hợp của ông Nguyễn Quang A mới đây đã đưa ra quan điểm "tự ứng cử quốc hội chỉ có thắng chứ không thua" với lý do biện hộ rằng, ứng cử để biến cái quyền hão thành quyền thực và cũng để cho người dân thấy cái mà chính quyền nói là dân chủ đến thế là cùng chỉ là lừa dối. Đây là quan điểm sa vào ngụy biện trầm trọng thế nhưng không hiểu sao nó vẫn được khá nhiều người chấp nhận. Nó ngụy biện ở chỗ: - Người dân đã quá rành về quyền hão trong thể chế độc tài toàn trị nên không cần chứng minh cho họ thấy nữa. - Tự ứng cử để được đứng vào quốc hội của một thể chế dân chủ giả tạo tức là thừa nhận sự giả tạo đó. Nghĩa là chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng CS bởi điều 4 hiến pháp. - Khuyến khích người khác ủng hộ mình tức là khuyến khích họ bỏ phiếu để mình được đứng vào một quốc hội bù nhìn. Và điều này cũng mặc nhiên như một cách kêu gọi người dân từ bỏ lý tưởng dân chủ. - Quốc hội 5 năm mới được bầu một lần, trong khi NVHN luôn luôn kêu gọi người dân tẩy chay bầu cử trên phạm vi toàn quốc để tiến tới một cuộc xuống đường bất tuân dân sự theo gương các nước đã thoát khỏi cái lồng toàn trị thì LL ĐT DC trong nước lại khuyên người dân làm ngược lại, chấp nhận bầu cử tức là chấp nhận vị thế yếu hèn, mặc dù đã biết chắc là mình chẳng làm nên trò trống gì nếu có trúng cử. Trong khi đó bỏ qua một cơ hội 5 năm này thì phải chờ thêm 5 năm nữa mới có thể phát động được điều này. Nhưng mặc kệ họ không cần biết tới điều đó. Không cần hiểu tại sao ngay ngày đầu năm mới người dân Hồng Kông đã phải phát động phong trào Occupy? Họ chỉ cho ý kiến của họ mới là phát kiến vĩ đại. Và có thể ủy ban trao giải Nobel Hòa Bình sẽ trao giải này cho họ trong năm 2015 vì đã khiến Việt nam rất ổn định và Hòa Bình. Bất chấp thời gian không cho phép khi Trung Quốc âm mưu thôn tính Biển Đông và thao túng toàn bộ nền chính trị Việt Nam. Lý luận của họ là trong tình thế "ngàn cân treo đầu sợi tóc", trong lúc "thế nước sắp mất" thì cứ việc nhởn nhơ làm một cái điều mà ai cũng biết, mặc kệ một cơ hội đang trôi qua trước mắt. 5/ Một điều rõ ràng là LL ĐT DC trong nước luôn đề phòng NVHN. Dù chưa lật đổ được chế độ độc tài nhưng họ luôn đề phòng NVHN có thể tranh đoạt vị trí lãnh đạo. Điều đó biểu hiện qua việc bài xích tổ chức hải ngoại Việt Tân, bài xích lá cờ vàng ba sọc trong vụ Nguyễn Viết Dũng. Họ không hề biết rằng NVHN không hề để ý đến việc cướp chính quyền bởi vì tất cả các thế hệ mai sau của họ đã có một tương lai vững chắc ở nước ngoài. Giả sử nếu chế độ độc tài có sụp đổ thì hệ lụy của việc ăn cướp tàn phá để lại một giang sơn đổ nát thời hậu CS của nó cũng đủ để bất cứ ai nghĩ đến cũng phải ngao ngán. Thế thì những ai tham gia vào bộ máy chính quyền này chỉ có thể gọi là cống hiến chứ không thể là hưởng thụ. Do vậy họ không cần phải lo ngại điều đó. 6/ Điều quan trọng nhất chính là LL ĐT DC chưa xác định được Mục đích. -Động lực. -Phương pháp. - Con đường. -Các điều kiện xã hội của một cuộc cách mạng. Xác định mục đích tức là xác định tính chính nghĩa của cuộc cách mạng đó, tức là xác định lý tưởng hành động. Khi có lý tưởng rồi thì kiên định với mục đích của mình. Xác định động lực là để tạo ra một hoài bão, khát vọng. Từ hoài bão khát vọng này có thể hình thành nên một ước mơ cho tuổi trẻ. Phương pháp chính là cách thức để đạt được lý tưởng, mục đích đó. Con đường tức là hướng phải đi. Con đường này phải được xác định là duy nhất đúng trên cơ sở so sánh với các con đường khác. Các điều kiện xã hội: đó là các điều kiện cần và đủ để cách mạng có thể thành công. Để phá bỏ chiếc lồng sắt toàn trị không chỉ có tố cáo hiện thực, tạo ra lòng căm phẫn mà còn phải chỉ ra lý tưởng, con đường thực hiện, tạo ra khát vọng cũng như chỉ ra phương pháp hành động. Lớp trẻ Việt Nam ngày nay đang quay cuồng trong một thế giới vô định vì không có ai chỉ ra cho họ một lý tưởng, một khát vọng sống. Thế nhưng giới trẻ Hồng Kông thì câu nói bất hủ của Joshua Wong: "tôi không muốn để lại cuộc đấu tranh dân chủ cho đời sau" chính là lẻ sống. Như vậy muốn đem lại một kết quả khả thi cho công cuộc xóa bỏ chiếc lồng"độc tài toàn trị" lực lượng ĐT DC trong nước cần phải xem xét và học hỏi các vấn đề về phương pháp luận của các nước đã từng có kinh nghiệm trong công cuộc chống độc tài. Đó là Liên Xô, Đông Âu, Ukaine, là các nước Ả Rập, châu Phi, là Myanma và thậm chí cả Campuchia... Phải xác định rằng đây là một cuộc đấu tranh trường kỳ, lâu dài nhưng không thể bỏ qua các cơ hội trước mắt, chạy đua với thời gian để tránh một một cái kết đổ máu bởi bạo động theo quy luật "cùng tắc biến". Và nếu các con vật trong chiếc lồng sắt này vẫn bị ru ngủ trong những điều dối trá thì ngày mà chúng sẽ bị đưa đến lò sát sanh sẽ không còn xa. Dương Hoài LinhTác giả gửi tới Dân Luận(Dân Luận)
  5. Kết quả phân công bộ chính trị vừa rồi phản ánh tình hình nội bộ đảng cộng sản hiện nay và thấp thoáng bóng của ông Trọng phía sau. Trước hết, việc rút Võ Văn Thưởng ra Trung ương nhận nhiệm vụ Trưởng Ban Tuyên Giáo và phân công Đinh La Thăng vào giữ chức Bí thư Thành uỷ TP HCM, biểu hiện sự lúng túng của Nguyễn Phú Trọng. Võ Văn Thưởng được đưa vào làm phó bí thư thường trực thành uỷ TP HCM, thay Nguyễn Văn Đua, một cán bộ có xuất xứ từ Thanh Niên Xung Phong, thân tín của Lê Thanh Hải từ 15/04/2014. Với lý lịch từng là Bí thư Thành đoàn TP HCM năm 2003, trưởng thành từ phong trào thanh niên sinh viên Sài Gòn từ 1992, Võ Văn Thưởng được đảng bộ TP HCM, thực chất là Lê Thanh Hải chấp nhận. Sau đó, để tăng cường cho Võ Văn Thưởng, Bộ Chính trị lại điều tiếp Nguyễn Thành Phong, vốn cũng từng là Bí thư thành đoàn TP HCM (1999) về làm phó bí thư thành uỷ vào ngày 15/03/2015. Bộ Chính trị và chính ông Nguyễn Phú Trọng rất biết rằng, Lê Thanh Hải có một nguyên tắc, chỉ cất nhắc những cán bộ có xuất xứ từ thành đoàn TP HCM, tức là từng qua bồi dưỡng của chính Lê Thanh Hải, nơi mà Hai Nhựt, bí danh của ông, được tôn xưng như lãnh tụ. Và tại thành phố HCM từ rất nhiều năm, chỉ những cán bộ thật tin cẩn của ông mới được phân công làm bí thư Quận 5 và Bí thư Quận 2. Lựa chọn Võ Văn Thưởng và Nguyễn Thành Phong là nghệ thuật của Nguyễn Phú Trọng. Cài người, nhưng trên danh nghĩa tăng cường sức mạnh, tức là tin cậy và ủng hộ đảng bộ thành phố HCM. Ngay chính Lê Thanh Hải hình như ban đầu cũng tin như vậy. Sự thật, đây là việc chuẩn bị của Bộ Chính trị cho việc thay đổi căn bản, có thể nói là đảo chính, thông qua Đại hội lần thứ X của đảng bộ thành phố dự kiến vào tháng 10/2015. Giống như với Nguyễn Tấn Dũng, việc tìm cách loại Lê Thanh Hải cũng buộc ông Trọng phải chờ tới giới hạn tuổi và giới hạn nhiệm kỳ. Công cụ được dùng làm vũ khí là Đại hội đảng bộ các cấp. Nhưng Đại hội lần thứ X đảng bộ thành phố HCM, tổ chức sau đó, vào ngày 17/10/2015, đã được coi chỉ thành công một nửa. Bộ Chính trị đã ép được Lê Thanh Hải tự rút khỏi danh sách tái ứng cử, nhưng Sử Ngọc Anh, nguyên Bí thư Quận 5 (2012-2015), Tất Thành Cang, từng là Bí thư thành đoàn (2004-2009), nguyên Bí thư Quận 2 (2009-2012), và Võ Tiến Sĩ, đương kim Bí thư Quận 5 (từ 28/07/2015) vẫn trúng cử Ban thường vụ mới. Và, việc có thể coi là thất bại, theo nghĩa không đúng thiết kế, là việc Võ Văn Thưởng không được ban thường vụ mới bầu làm Bí thư đảng uỷ thành phố. Tình huống bất như ý này buộc phải giao cho Lê Thanh Hải tiếp tục “Chỉ đạo thành uỷ”, đợi Bộ Chính trị phân công sau Đại hội XII. Đại hội XII ngày 27/01/2016 đưa Võ Văn Thưởng vào uỷ viên Bộ Chính trị với ý định sẽ tiếp tục phân công Võ Văn Thưởng làm Bí thư đảng bộ TP HCM. Nhưng, thứ nhất, Võ Văn Thưởng đã không được bầu trực tiếp, việc áp đặt từ phía trên sẽ thiếu sức thuyết phục, có thể gây chia rẽ. Thứ hai, việc quá cố gắng đưa Võ Văn Thưởng vào vị trí bí thư sẽ làm lộ ý định đảo chính sắp đặt trước của Bộ chính trị, và Võ Văn Thưởng sẽ bị gán tên con ngựa thành Trois, phản bội Anh Hai. Với bộ mặt đó thì Võ Văn Thưởng sẽ không đứng ở Thành Hồ được nữa. Đọc những đáp từ sau đại hội đảng bộ X thành phố, và lời chia tay Sài Gòn ra Hà Nội vừa rồi, có thể thấy được cố gắng thanh minh của Võ Văn Thưởng đối với cá nhân Lê Thanh Hải và với người Sài Gòn, mặc dù Võ Văn Thưởng cũng ý thức được rằng, ông bị đẩy ra khỏi Sài gòn có thể do chính sự “chỉ đạo” của Lê Thanh Hải. Nhưng việc phân công Võ Văn Thưởng làm trưởng Ban tuyên giáo TW, có thể do phải chữa cháy, lại cho thấy một ý định khác của Nguyễn Phú Trọng. Võ Văn Thưởng là thạc sĩ Triết học với luận văn “về đạo đức sinh viên thành phố Hồ Chí Minh”. Trong cuộc đời chính trị của Võ Văn Thưởng chỉ thấy tên “bí thư” mà chưa lúc nào có tên “chủ tịch”. Nghĩa là ông hành nghề lý thuyết, một nhà lý thuyết chuyên nghiệp, cùng một khuôn với chính ông Trọng và người kế vị hụt ông là Phạm Quang Nghị và tân phó Tổng bí thư Đinh Thế Huynh. Dùng một người như vậy cho việc quản lý và hướng dẫn tư tưởng của hơn 4,5 triệu đảng viên là sự khẳng định lập trường kiên định “nền tảng tư tưởng Mác-Lênin và lý tưởng XHCN” của ông Trọng. Và với tuổi đời 46, Võ Văn Thưởng có tương lai ít nhất bốn nhiệm kỳ Đại hội nữa. Cho đến 20 năm sau, vẫn sẽ không có đa nguyên chính trị, không có dân chủ “kiểu Tây” ở Việt Nam. Đây có thể là một thông điệp của ông Trọng nhằm làm nản lòng bất cứ một ý tưởng cải cách thể chế, thay đổi chế độ của bất cứ ai. Gọi là cái “tre già măng mọc” của ông. Nhưng ông Võ Văn Thưởng còn rất trẻ. Người trẻ thường rất nhạy cảm với thời cuộc. Giữa một thế giới đầy ắp những biến động phi thường, tuổi trẻ có thể cũng đem đến những khát vọng và hoài bão khác thường, điều mà cái đầu già cỗi của ông Trọng dù khôn ngoan, có thể không tính hết được. Không giống trường hợp Võ Văn Thưởng phải chuẩn bị nhiều năm trước, ông Đinh La Thăng được đưa vào làm bí thư đảng bộ TP HCM, có lẽ là một ngẫu hứng có chút ít phiêu lưu, táo bạo của bộ chính trị và của chính Nguyễn Phú Trọng. Nói ngẫu hứng vì, mặc dù chủ trương kỹ trị hoá các đô thị lớn, trước hết là các thành phố quan trọng, là một chủ trương đạt được sự nhất trí cao trong bộ chính trị, giải pháp Đinh La Thăng là một quyết định chợt đến. Hoàng Trung Hải là lựa chọn ban đầu. Hoàng Trung Hải là một nhà quản trị công nghiệp có tài, và dày dạn kinh nghiệm. Nhưng bản tính Hoàng Trung Hải kín đáo, thâm trầm, rất khó biết những toan tính bên trong, lại đang chịu tai tiếng là người gốc Hoa, nếu đưa vào TP HCM, có thể là chuyện thả diều bắt bóng, thật sự khó tiên liệu được diễn biến. Đinh La Thăng được cho là loại “phổi bò”, hữu dũng và không hợp với hoạt động bí mật. Những kẻ thích âm mưu thường ớn loại người này. Vì vậy, dù có thể khó thành công, nhưng cả khi không thành công, cũng dễ thấy được tất cả vì sao. Đây có thể cũng là một bất ngờ. Bất ngờ với Lê Thanh Hải, và bất ngờ với những thế lực siêu mạnh phía sau ông. Bản thân cái quyết định ngẫu hứng cũng là một bất ngờ. Trong đánh trận, yếu tố bất ngờ đã bảo đảm thắng một nửa. Vả lại, việc bắt buộc phải đưa “miền Bắc” vào, còn vì một thực tế không thể bác bỏ, ngay cả các “uỷ viên phía Nam” cũng thừa nhận là 100% cán bộ lãnh đạo miền Nam trưởng thành từ hoạt động bí mật. Nhiều năm hoạt động luồn lách trong bóng tối, theo kiểu hội kín, đã tạo ra kỹ năng đặc biệt trong việc quy tập và co cụm quanh tâm điểm lợi ích hay tâm điểm quyền lực. Đây là một trong những nguồn gốc hình thành nhóm lợi ích. 100% các nhóm lợi ích có quy mô và ảnh hưởng hiện nay đều có xuất xứ miền Nam. Hiện tại, cả Bí thư lẫn Chủ tịch đều là người của Bộ chính trị. Ông Nguyễn Thành Phong, hiện là phó bí thư, chủ tịch UBND thành phố, vốn là người được điều bổ sung tăng cường cho Võ Văn Thưởng từ tháng 3/2015, tức là 7 tháng trước đại hội đảng bộ thành phố. Giống như trong một Doanh nghiệp, một Tập đoàn, cả Chủ tịch Hội đồng lẫn Tổng Giám đốc đều là người từ nơi khác đến, tức là người đứng trên, nhưng đứng ngoài bộ máy. Nếu đó là một cỗ máy hoàn chỉnh và hoàn toàn tự động thì các mệnh lệnh chỉ huy của bất kỳ ai từ bên ngoài sẽ đều vô hiệu. Tuy nhiên, nếu đây chỉ là một chiếc lô-cốt, kiên cố nhưng vô tri, thì chỉ cần đặt một lượng bộc phá đủ lớn là “xong”. Vấn đề là phải biến nó thành cỗ máy vô tri. Trong bài viết trước, Đinh La Thăng có trụ được ở TP HCM không , tôi có nói với ông Thăng rằng, không có tai họa nào không thể hóa giải. Tôi cũng nói vui rằng thiên cơ thì bất khả lộ, thiên cơ chính là đây. Ông phải thắng và có thể thắng. Ông Trọng đã thắng ông Dũng và ông Hải, nhưng dù sao thì ông Dũng và ông Hải vẫn là người của đảng, suy cho cùng thì vẫn nằm trong tay ông Trọng. Bây giờ khác, lực lượng phía sau ông Dũng và nhất là sau ông Hải là một loại siêu quyền lực, một loại rồng chín đầu trong truyền thuyết. Nó đang có trong tay loại vũ khí bất khả chiến bại, loại vũ khí mà lý tưởng và điều lệ là một thứ trò cười. Ông “cũng cần sống, cũng cần ăn”, như vậy, nếu không khác thường, ông cũng sẽ bị nhốt trong tay chúng, giống như Tôn Ngộ Không, vận tới 3 vòng cân đẩu vân, vạn dặm, vẫn không ra khỏi bàn tay Phật Tổ. Ông có sở trường dám nói, dám làm, cương quyết, cứng rắn, và chắc là ít nhiều trong sạch. Sở dĩ nói “ít nhiều”, vì trong cái bộ máy hiện nay, nói đảng viên mà trong sạch thì không ai tin. Chưa thấy có chứng cứ nào liên quan kết tội ông. Ông mà trong sạch thì tốt quá, vì đó sẽ là sức mạnh vô địch. Ở Sài gòn người giàu, siêu giàu rất nhiều, nhưng dẫu có nhiều cũng không thể quá một hai phần trăm. Nghĩa là sau ông có ít nhất 98% số dân, chưa kể ngay trong số giàu, không phải tất cả đều từ tham nhũng hay trộm cướp. Tuy nhiên, có lẽ ngay cả ông Trọng cũng cho rằng, xác suất thắng của ông không nhiều lắm. Ông cố làm được việc dọn nhà, việc sắp đặt có khi phải đợi chính Võ Văn Thưởng quay lại. Ông Thưởng tuy sinh ra ở miền Bắc, nhưng lớn lên ở Vĩnh Long, và nói giọng Nam. Ông Thưởng cũng nói, ông thấy về Sài gòn như về nhà. Tương tự như với Đinh La Thăng, việc điều ông Hoàng Trung Hải làm bí thư Hà Nội trước hết do chủ trương kỹ trị hoá Chính quyền. Nhu cầu Công nghiệp hoá và nhất là nhu cầu hội nhập, sau hàng loạt những Hiệp định tự do thương mại sắp có hiệu lực trong thời gian tới đây, là một bức thiết thực tiễn không chấp nhận những nhà quản trị giáo điều. Ông Trọng biết điều đó. Nhưng việc để một ông thiếu tướng công an Nguyễn Đức Chung làm Chủ tịch thành phố, cho thấy ý ông Trọng, và qua ông Trọng là ý Bộ chính trị coi trọng an ninh thủ đô hơn. Việc cân nhắc giữa tốc độ phát tiển kinh tế và ổn định chính trị vẫn là tranh cãi day dứt từ nhiều kỳ Đại hội. Lãnh đạo Hà Nội và người dân Hà Nội vốn không muốn chịu tiếng thua kém Sài gòn, nhất là tâm lý tự ái, trí thức Hà Nội bị coi là thua trí tuệ trí thức Sài gòn, dân Hà Nội chậm tiến hơn,”quê” hơn dân Sài gòn. Người Hà Nội vốn là “những người thích đùa” lúc quá trớn trong các câu chuyện làm quà, thường tếu táo : “bọn miền Nam toàn từ trong rừng về, từ hầm ngầm dưới đất lên, văn hoá toàn Bổ túc công nông, đại học toàn chuyên tu, dự thính”, “Ông Dũng lớp 3 mà cũng có bằng cử nhân Luật”. Chuyện chỉ là đùa, nhưng phía sau, chính là cái gốc của phân hóa chính trị. Nhưng để cho Hà Nội làm như Sài gòn thì sợ chế độ sẽ biến mất còn nhanh hơn. Hoàng Trung Hải về Hà Nội dễ được chấp nhận hơn cũng là vì thế. Ông này là dân Bắc gốc. Nhưng thuộc loại người thận trọng, cầu thị thực chất, không biết có “gốc Hoa” không, nhưng có đặc điểm khá Tàu là ưa kín tiếng, xa lánh thị phi. Và có vẻ bề ngoài không ham hố phú quý. Hoàng Trung Hải là lựa chọn có tính định mệnh cho chủ trương chiến lược của ông Trọng, là biến dần Hà Nội thành thủ đô Chính trị, tách Hà Nội từ từ ra khỏi những cuốn hút kinh tế, theo ông là những cám dỗ tha hóa nền chính trị, để trở thành một Washington Việt Nam. Và biến Sài Gòn thành Thủ đô Kinh tế, như New York, sẽ có thể được hưởng đủ quyền tự do và tự chủ cần thiết, để khả dĩ dễ dàng biến hóa phù hợp với môi trường và những đòi tỏi có tính quy luật của thị trường. Nhưng nguyên tắc là tách dần Sài Gòn ra khỏi sinh hoạt chính trị của chế độ. Sài Gòn có thể sẽ không có Bí thư, chỉ có Đô trưởng, một thứ Tư lệnh. Đô trưởng không qua bầu cử, chỉ do Bộ chính trị chỉ định. Không có nhiệm kỳ. Đây là giải pháp thủ tiêu nguy cơ cát cứ. Bài học từ hiện tượng Lê Thanh Hải. Ông Đinh Thế Huynh nhận phân công Thường trực Ban bí thư, tức là phó Tổng bí thư. Trong khi Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc còn phải đợi nửa năm nữa mới có thể bắt đầu kiến lập thành lũy, thì người sẽ nhận thượng phương bảo kiếm hàng ngày và ngay từ bây giờ là Đinh Thế Huynh. Thực sự, người kế nhiệm được ông Trọng lựa chọn đã không còn cần phải che đậy. Ông Đinh nguyên là Trưởng Ban tuyên giáo, kiêm chủ tịch Hội đồng lý luận TW. Bây giờ ông nhậm chức Thường trực Ban bí thư, nhân vật thứ hai, nhưng chưa thấy chức chủ tịch Hội đồng lý luận giao cho ai. Có một chuyện mà dư luận ít ai để ý, là từ hơn mười năm nay, chính xác là bắt đầu từ năm 2003, sợi dây ý thức hệ gắn kết hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc là Hội thảo lý luận giữa hai đảng được tổ chức hàng năm, theo phương thức luân phiên, một năm tại Trung Quốc, năm sau tại Việt Nam. Đại diện hội thảo là uỷ viên bộ chính trị hai đảng. Thành phần Hội thảo bao gồm cán bộ cao cấp, các chuyên gia nghiên cứu lý luận cấp cao, có số lượng khoảng 50 người mỗi bên. Năm 2001, trong khi làm bí thư thành uỷ Hà Nội, ông Trọng kiêm giữ chức chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương và năm 2003 vừa chuẩn bị công tác tổng kết lý luận, chuẩn bị văn kiện chính trị Đại hội đảng lần thứ X, ông Trọng vừa trực tiếp cùng phía Trung Quốc chuẩn bị việc khai trương Hội thảo lý luận giữa hai đảng. Trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 07/04/2015, được hai bên cố tình sắp xếp trước chuyến thăm Mỹ của Nguyễn Phú Trọng, ông Tập Cận Bình đích thân hướng dẫn Nguyễn Phú Trọng thăm triển lãm thành quả 10 năm Hội thảo lý luận giữa hai đảng, trong đó, Nguyễn Phú Trọng là đại diện Việt Nam đầu tiên dự lễ khai trương, và trưởng đoàn dự phiên Hội thảo lần thứ nhất, năm 2003. Thái độ cố ý trân trọng của Tập Cận Bình cho thấy ý thức hệ là của quý riêng hai đảng, không thể so sánh với bất cứ loại quan hệ của kẻ thứ ba ngoại đạo nào khác. Ông Đinh Thế Huynh, với tư cách trưởng Ban tuyên giáo, Chủ tịch Hội đồng lý luận, làm trưởng đoàn Việt Nam tham dự các Hội thảo lần thứ VII, ngày 28/11/2011, tại Giang Tô, Trung Quốc, lần VIII, ngày 7/6/2012 , taị Hạ Long, Việt Nam, lần IX, ngày 27/07/2013, tại Liêu Ninh, Trung Quốc, lần X, ngày 4/11/2014, tại Đà Lạt, Việt Nam, và lần XI, ngày 17/06/2015, tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ông này là uỷ viên bộ chính trị duy nhất có số lần tiếp xúc lý luận với Trung Quốc nhiều nhất, và đặc biệt là trong những diễn biến chủ quyền phức tạp nhất. Bằng những cơ chế riêng, ý thức hệ cộng sản dựa trên nền tảng tư tưởng Mác-xít là sợi dây trói buộc sự gắn kết của đảng cộng sản Việt Nam với thành trì của Chủ Nghĩa Xã Hội là đảng cộng sản Trung Quốc. Một bảo đảm của chế độ. Từ ông Trọng khởi đầu, đến ông Tô Huy Rứa (chủ tịch Hội đồng lý luận 2007-2011), bây giờ là Đinh Thế Huynh, cho thấy một sự kế tiếp bền vững và thắng thế của lập trường kiên định chế độ thông qua ý thức hệ cộng sản. Con đường phía trước thậm chí còn phác thảo ở chỗ ông Võ Văn Thưởng. Khác với các thủ lĩnh đảng hay nhà nước, mọi chuyến thăm hay giao dịch đều phải có kẻ mời, người nhận, Đinh Thế Huynh mỗi năm một lần, có 3-5 ngày giao kiến với một uỷ viên Bộ Chính trị Trung Quốc, khi ở Trung Quốc, khi ở Việt Nam. Mỗi một lần hội thảo, một đề tài, nhưng chi tiết thảo luận, không phải ai cũng có thể được biết. Nhất là trước những sự kiện đặc biệt. Phải là người được đặc biệt tin cẩn, đặc biệt gần gũi với Trung Quốc. Ông Đinh Thế Huynh sẽ phải xuất hiện với tần suất lớn hơn bình thường, nhất là nếu ông Trọng giữ lời hứa nửa nhiệm kỳ. Ông sẽ phải tạo hình ảnh cho thiên hạ quen dần rằng ông là người cao nhất, quyền lực nhất, là người đáng tin cậy nhất và tài năng nhất. Ngoài những vị trí bộ tứ đã xác định và 9 uỷ viên vừa được phân công, thấy còn 3 nhân vật, nếu không có gì thay đổi, thì vẫn chỉ tiếp tục chức vụ cũ. Như vậy, Phạm Bình Minh tiếp tục phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại giao. Nguyễn Văn Bình tiếp tục Thống đốc ngân hàng nhà nước, trước khi được phân công phó thủ tướng Tài chính sau Quốc hội 14. Bà Tòng Thị Phóng đã hai nhiệm kỳ phó chủ tịch Quốc hội, nếu không thể tiếp tục ở Quốc hội, có lẽ sẽ sang Mặt Trận Tổ Quốc thay cho Nguyễn Thiện Nhân quay về phó thủ tướng. Như vậy là qua vụ việc phân công lần này cho thấy chỉ có hai xáo trộn, có thể gọi là bất ngờ. Một là phản ứng từ đảng bộ thành phố HCM. Tới đây có thể ông Đinh Thế Huynh sẽ thay ông Sử Ngọc Anh ra khỏi sở Kế hoạch đầu tư, ông Võ Tiến Sĩ thôi làm bí thư Quận 5. Chuyện lình xình ở Bộ Quốc phòng sẽ không gây thêm hiệu ứng gì lớn. Có thể Nguyễn Chí Vịnh không làm thứ trưởng và sẽ có sắp xếp lại toàn diện tổng công ty 319, không trực thuộc bộ Tổng Tham mưu. Về Đại cục, chế độ được bảo vệ vững chắc và sẽ tiếp tục vững chắc. Sẽ có hội nhập sâu rộng, nhưng không có công đoàn độc lập, không có tổ chức chính trị đối lập. Không có đa nguyên. Một sự thật đáng được thừa nhận một cách xứng đáng là việc ông Trọng đã dẹp bỏ thành công hai ung nhọt lớn nhất của xã hội nhiều năm nay là Nguyễn Tấn Dũng và Lê Thanh Hải. Không thể phủ nhận rằng đây hoàn toàn là công của ông, nếu xét tới những lúc tưởng như ông hoàn toàn cô độc. Nhưng chúng ta nói những gì ông Trọng nghĩ và ông Trọng muốn. Những gì đang chuyển động xung quanh không phải như vậy. Trung Quốc đang sụp đổ. Nền kinh tế Trung Quốc không thể ra khỏi khủng hoảng bằng khủng bố và ý chí của chính phủ. Trung Quốc sẽ phải quay lại từ đầu. Không thể đi từ các siêu tập đoàn quốc gia. Quyền lực tập trung cho phép dồn một nguồn lực tài nguyên quốc gia cực lớn cho các siêu tập đoàn, tạo ra sức mạnh ban đầu lấn át tất cả. Đây là sự trỗi dậy tạo ảo giác vĩ đại, nhưng sự tập trung quá lớn, quá gấp lượng tài sản không có chủ sở hữu cụ thể, trong khi cơ cấu các tập đoàn theo mô hình bao cấp không thích ứng, luật pháp và các cơ chế quản lý không theo kịp, là nguyên nhân của tham nhũng. Cho đến khi tham nhũng trở thành tệ nạn bao trùm thì hao tổn tài nguyên quốc gia làm kiệt quệ sinh lực đất nước, đó là khủng hoảng. Nhưng giải quyết khủng hoảng bằng tiêu diệt tham nhũng chỉ là cắt cỏ trên ngọn. Để tạo ra một áp lực khủng bố, cần một cơ chế tập trung quyền lực cao, thứ nhất bóp nghẹt mọi sáng kiến xã hội, thứ hai, áp lực khủng bố sẽ gây tê liệt toàn bộ hoạt động của nền kinh tế, dẫn đến sự sụp đổ. Những cố gắng hiện nay của lãnh đạo Trung Quốc chỉ có ý nghĩa làm chậm, hoặc kéo dài, chứ không chống được sụp đổ. Vấn đề là xã hội hoá triệt để nền kinh tế. Giảm tới mức cao nhất có thể sự can thiệp hành chính của Chính phủ đối với các hoạt động kinh tế. Sở hữu hoá tất cả mọi tài sản có thể bị coi là tài sản công. Độc lập và phi chính trị hoá Pháp luật. Đó là con đường duy nhất để tiêu diệt tham nhũng. Chủ nghĩa xã hội không thể được xây dựng bằng cách tiêu diệt sở hữu. Đó là duy ý chí, trái quy luật. Sở hữu là thuộc tính tự nhiên. Chủ nghiã xã hội là sự bảo đảm công bằng trong thụ hưởng thành quả của sản xuất. Đó là công bằng trong phân phối và tái phân phối kết quả của nền sản xuất. Nói nôm na là ăn chia đồng đều. Nhưng muốn chia thì trước hết phải làm ra cái để chia. Càng có nhiều để chia thì sẽ dễ đạt được công bằng. Cho nên chủ nghĩa xã hội trước hết phải là tạo ra nhiều của cải nhất. Lợi nhuận là động lực của năng suất và hiệu quả. Chủ nghĩa lợi nhuận chính là động lực tạo ra nhiều của cải nhất. Cũng là mục tiêu đạt tới của chủ nghĩa xã hội. Cho nên chủ nghĩa xã hội không mâu thuẫn với chủ nghĩa lợi nhuận. Ở các nước phát triển, sở dĩ không có mâu thuẫn đối kháng trong xã hội, chính là nhờ chủ nghĩa lợi nhuận mà quyền lợi của mọi thành phần trong xã hội được điều tiết công bằng thông qua công cụ phân phối và tái phân phối. Chìa khoá của phân phối công bằng là Dân chủ. Ông Trọng có thể là một nhà yêu nước. Nhưng khái niệm yêu nước là một phạm trù có tính định hướng quy ước. Ông yêu nước, có thể tôi cũng không kém ông, nhưng rõ ràng là tôi chống lại ông. Vì vậy cũng cần Dân chủ, và chỉ trong một xã hội dân chủ, mọi định hướng quy ước khác nhau mới có thể chung sống một cách tự nhiên. Ông có niềm tin vào tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội, nhưng tính ưu việt có thể đến từ các chủ nghĩa khác, thực tế đã có, đang có mà không cần phải chuyên chính vô sản, không cần ai đào mồ ai để phải chém giết và tạo hận thù. Chủ nghĩa Mác chia nhân loại ra hai phía đối kháng, thù địch là căn nguyên của hận thù và chiến tranh. Bùi Quang Vơm (Ba Sàm)
  6. Kể từ khi cầm quyền đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm đủ trò để biến chính trị thành một thứ xấu xa, gớm ghiếc, đáng khinh, đáng sợ, trong suy nghĩ của người dân. Người nào thanh cao, trong sạch thì phải biết tránh xa chính trị, lo làm tốt bổn phận của mình, còn các vấn đề vĩ mô thì đã có Đảng và Nhà nước lo - Đảng dạy dân như thế. Mà đúng là chính trị của Đảng xấu xa, gớm ghiếc thật. Đảng có một cơ chế nhân sự kỳ lạ sao đó, sàng lọc rất giỏi: Phàm người nào vừa tài giỏi vừa nhân hậu và trung thực, tóm lại vừa có tài vừa có đức, chắc chắn sẽ không bao giờ lên cao được. Càng làm to, mức độ tài đức của quan chức cộng sản càng giảm. Cứ thế, cho đến đỉnh cao là Bộ Chính trị và Tứ trụ thì tài đức còn bao nhiêu, chúng ta tự hiểu. Chính trị của Đảng là thứ chính trị ưu tiên sự xảo trá, giảo quyệt... nôm na là lưu manh. Chính trị của Đảng là thượng đội hạ đạp, là nịnh trên nạt dưới. Chính trị của Đảng là phá rất giỏi, nhưng xây thì tồi tệ, be bét. Bất kỳ cái gì có chữ “phá”, người cộng sản đều làm tốt cả: phá tư sản, phá kinh tế, phá rừng phá núi, phá cầu phá đường, phá đình phá chùa, phá làng phá xóm, phá thương hiệu, phá uy tín, đương nhiên là cả “phá án” luôn, trong đó có phần “phá phản động”. Vì chính trị của Đảng như thế, nên cũng có phần sự thực là, nếu là người lương thiện, chẳng mấy ai muốn dây vào nó. Nhưng cũng chính vì thế, những người tài, người tốt cứ để Đảng phè phỡn trong quyền lực, muốn làm gì thì làm, muốn ra chính sách gì thì ra, muốn phá gì thì phá, cứ thoải mái ghìm chặt đất nước, không cho phát triển suốt hàng chục năm nay. * * * Cuộc bầu cử Quốc hội 2016 lần này, đứng trên mặt Đảng mà xét, sẽ chẳng có thay đổi gì, vì cơ chế là do Đảng đề ra, luật là do Đảng đề ra, nhân sự, quần chúng cũng là do Đảng chỉ định, thuê mướn để diễn trò. Nhưng về phía những người tiến bộ, mong muốn đất nước thay đổi, thì có một cái khác: Đây là dịp (duy nhất trong vòng 5 năm tới) để chúng ta tham gia vào nền chính trị của Đảng, không phải để hy vọng sẽ thay thế được Đảng, mà đơn giản là để lột trần cái màn kịch dân chủ của Đảng. Chúng ta hãy tranh cử vào Quốc hội - cho đến nay vẫn đã và đang luôn luôn là của Đảng Cộng sản Việt Nam với 95% đại biểu là đảng viên cộng sản. Hãy tranh cử để thay đổi tỷ lệ này dù ít dù nhiều. Hãy tranh cử để ít nhất là làm cho Đảng phải mệt sức, tốn tiền đối phó. (Tiền thì tất nhiên cũng là của ngân sách nhà nước thôi, nhưng ngân sách hay nguồn lực nào mà chẳng có hạn). Hãy tranh cử, bởi vì một sự thực này: TA KHÔNG THỂ BỎ MẶC THẾ GIỚI NÀY CHO NHỮNG KẺ MÀ TA KHINH BỈ. (Đoan Trang FB)
  7. Tôi nghĩ cái dư âm còn lại sau kết quả bầu bán trong đại hội vừa qua có vẻ là vấn đề mất cân đối vùng miền trong phân bố nhân sự chóp bu. Đọc bài trên BBC dưới đây (1) mới biết là trước đó đã có người trong nội bộ nêu vấn đề. Một bài luận trên Người Việt (2) cũng tỏ ra quan ngại cho tình trạng này, và nhà bình luận nói, sự mất cân đối đó chỉ làm lợi cho Tàu. Ts Nguyễn Văn Tuấn Thật ra, không chỉ trong chính trị, mà trong khoa học và giáo dục cũng xảy ra tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng giữa ba miền. Tôi thử đếm con số giáo sư được phong năm 2014 và 2015 thì thấy đa số ứng viên được phong là người từ miền Bắc. Chẳng hạn như năm 2015, có 52 người được phong hàm giáo sư; trong số này, 41 (hay 79%) là người từ các trường viện miền Bắc. Năm 2014, con số này là 73%. Phân bố cụ thể số giáo sư được phong như sau: Năm 2015: • Bắc: 41 người • Trung: 3 • Nam: 8 Năm 2014: • Bắc: 43 người • Trung: 6 • Nam: 10 Trong khoa học cũng vậy. Tôi đếm thử số đề tài được Quĩ Nafosted tài trợ trong năm 2009 thì thấy trong số 321 đề tài được phê chuẩn, các trung tâm phía Bắc chiếm 285 đề tài (89%), còn các trường viện từ phía Nam chỉ có 21 đề tài (6%), và miền Trung còn thấp hơn nữa (15 đề tài) (3). Ở đây, tôi không nói người Bắc hay người Nam; tôi muốn nói nơi mà các trung tâm (trường, viện) đặt trụ sở. Tôi nghĩ những sự kiện trên có liên quan nhau, và nó bắt đầu từ người đề ra “luật chơi”. Người miền Bắc nắm quyền chính trị thống soái, và thiết lập “luật chơi” theo cái nhìn và tầm nhìn của họ. Người trong Nam lo làm ăn kiếm tiền, không ham tham gia vào những trò phong hàm sư sãi; không có danh xưng sư sãi thì không xin được tài trợ; không có danh xưng sư sãi thì không được mở ngành đào tạo; không có trò và không xin được tài trợ thì khó có cơ may được phong sư sãi. Nói chung, nó là cái vòng tròn khép kín, mà kẻ đề ra luật chơi lúc nào cũng thắng. Thành ra, không phải ngẫu nhiên mà có người nói rằng những gì xảy ra gần đây là ván bài của người miền Bắc (4). Còn kí giả người Nhật thì e rằng tình trạng mất cân đối trong nhân sự chóp bu “có thể gây khó khăn cho các chính trị gia cải tổ miền Nam và làm chậm lại phát triển kinh tế của đất nước” (1). Tôi thì nghĩ, nói theo tiếng Anh, là Northern Affairs. TB: Viết ra những sự thật trên đây rất dễ bị gán ghép cho cái nhãn “kì thị vùng miền”. Nhưng tôi đã nói là tôi không có cái tính đó, và thực tế đã chứng minh. Tôi nghĩ có những vấn đề chúng ta không nên giấu giếm, mà nên nói ra để tìm cách giải quyết cho ổn thoả. Vấn đề mất cân đối nam bắc là rất nghiêm trọng, vì nếu không giải quyết ổn thoả thì sẽ rất khó có hoà hợp dân tộc thật sự. ____ (1) Cán cân quyền lực Nam – Bắc sau ĐH 12 (BBC/ BS). (2) Nguyễn Phú Trọng chia rẽ Nam Bắc (NV). (3) Thiếu cân đối trong tài trợ cho nghiên cứu khoa học (TT). (4) Ván bài của người Bắc (BS). (Nguyễn Tuấn FB)
  8. Ts Luật Cù Huy Hà Vũ thuyết trình về dân chủ hóa Việt Nam tại WASHINGTON, HOA KỲ (Tác giả chuyển hình cho Chân Lý online) Trâm Oanh: Thưa Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, trước hết xin chúc mừng Tiến sĩ đã dự đoán tuyệt đối chính xác về việc Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tái nhiệm. Tuy nhiên có người cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng không xứng đáng là Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, vì ông ta kiên trì chủ nghĩa Mác – Lênin để xây dựng cái gọi là “chủ nghĩa xã hội” tại Việt Nam cũng như quyết duy trì chế độ toàn trị độc đảng lạc lõng và tệ hại. Xin Tiến sĩ Hà Vũ cho biết ý kiến lời nhận định này? Ts. Cù Huy Hà Vũ: Trước hết phải khẳng định rằng nền tảng tư tưởng của Đảng cộng sản Việt Nam (Đảng CSVN) là chủ nghĩa Mác – Lênin. Học thuyết này chủ trương Đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo Nhà nước và xã hội, tức thực hiện chế độ độc tài toàn trị để xây dựng chủ nghĩa xã hội và cuối cùng xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Nói cách khác, không thể có chủ nghĩa xã hội nếu không có chế độ độc tài của đảng cộng sản. Vì thế, ông Nguyễn Phú Trọng là người tuyên bố bảo vệ chế độ độc tài của Đảng CSVN để xây dựng chủ nghĩa xã hội làm Tổng bí thư Đảng tôi thấy là phải lắm rồi. Do đó ý kiến cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng không xứng đáng làm Tổng bí thư Đảng CSVN, hàm ý người xứng đáng phải là người có đường lối ngược lại với ông Trọng, phải chủ trương xóa bỏ chế độ độc tài của Đảng cộng sản Việt Nam và từ bỏ xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản thì có khác nào nói người xứng đáng làm ngư dân phải là người không đánh bắt cá?! Tóm lại, ai đưa ra nhận định nói trên là có vấn đề về tâm thần. Nhân đây cũng cần phân tích tại sao lại có nhận định tâm thần như vậy. Như tất cả chúng ta đã biết, Đại hội XII Đảng CSVN vừa diễn ra là cuộc chiến “một mất một còn” giành chức Tổng bí thư Đảng giữa một bên là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và bên kia là liên minh chống Nguyễn Tấn Dũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu. Đúng là Nguyễn Tấn Dũng đã bộc lộ ý định giành chức Tổng bí thư Đảng CSVN để tiếp đó giải tán Đảng nhằm hợp pháp hóa chế độ độc tài cá nhân của Nguyễn Tấn Dũng đã được thiết lập trên thực tế nhằm không những bảo toàn khối tài sản kếch xù của bản thân và gia đình do ăn cướp tài sản của nhân dân và của quốc gia mà có mà còn nhằm tối đa hóa khối tài sản dính máu này bằng cách bán nước cho Trung Quốc! Như vậy, chỉ có ai cũng ăn cướp và bán nước như Nguyễn Tấn Dũng hoặc tán thành chính sách phản nước hại dân của Nguyễn Tấn Dũng thì mới mong Nguyễn Tấn Dũng làm Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam. Tóm lại chế độ độc tài của Đảng cộng sản Việt Nam là làm chết dân còn chế độ độc tài cá nhân của Nguyễn Tấn Dũng không chỉ làm chết dân mà còn làm chết nước! Thế nên, chế độ độc tài nào cũng xấu và vì vậy cần phải bị xóa bỏ. Tuy nhiên, loại bỏ nguy cơ mất nước vào tay Trung Quốc phải là mục tiêu ưu tiên vì mất nước là mất tất cả. Với việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bị Đại hội XII Đảng CSVN loại khỏi ban lãnh đạo đảng này, nguy cơ mất nước vào tay Trung Quốc tạm thời được loại bỏ. Vấn đề còn lại là phải dân chủ hóa chế độ cộng sản mà mục tiêu cuối cùng là thiết lập chế độ đa đảng không chỉ để đảm bảo “quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” của người dân như chính Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945 của Việt Nam đã khẳng định mà còn để tăng cường quốc phòng một cách then chốt nhằm đánh bại mọi cuộc xâm lược từ phía Trung Quốc, đặc biệt ở biển Đông. Tóm lại, quan hệ giữa dân chủ hóa và bảo vệ thành công chủ quyền và lãnh thổ quốc gia của Việt Nam là quan hệ hữu cơ, có tính nhân – quả Trâm Oanh: Tiến sĩ có thể nói rõ hơn về quan hệ hữu cơ giữa dân chủ hóa và bảo vệ thành công chủ quyền và lãnh thổ quốc gia của Việt Nam được không? Ts. Cù Huy Hà Vũ: Hiện nay Mỹ là nước duy nhất có khả năng giúp Việt Nam bảo vệ thành công phần còn lại của quần đảo Trường Sa nói riêng, lãnh thổ của Việt Nam nói chung, trước quyết tâm xâm lược của Trung Quốc. Thực vậy, Mỹ không chỉ là cường quốc quân sự số 1 thế giới mà còn là nước duy nhất dám thách thức Trung Quốc bành trướng bằng vũ lực ở biển Đông. Việc tàu chiến Mỹ mới đây đã đi thẳng vào vùng nước thuộc những đảo ở Trường Sa và Hoàng Sa mà Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm của Việt Nam bất chấp cái gọi là đe dọa đáp trả bằng vũ lực từ phía Trung Quốc đã cho thấy rõ điều này. Tuy nhiên có một điều hiển nhiên là Mỹ chỉ có thể giúp Việt Nam chống Trung Quốc xâm lược trong khuôn khổ một liên minh quân sự. Thế nhưng liên minh quân sự giữa hai nước là không thể có chừng nào chế độ cộng sản còn tồn tại ở Việt Nam vì chế độ này không tương thích với chế độ dân chủ – đa đảng ở Mỹ. Do đó, để có thể bảo vệ thành công phần còn lại của quần đảo Trường Sa nói riêng, lãnh thổ của Việt Nam nói chung, trước xâm lược Trung Quốc cũng như tiến tới thu hồi quần đảo Hoàng Sa và các phần lãnh thổ quốc gia khác đã bị Trung Quốc xâm chiếm thì Việt Nam không còn con đường nào khác là phải dân chủ hóa để thiết lập chế độ đa đảng. Trâm Oanh: Vậy theo Tiến sĩ, Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng có thể là trở ngại đối với dân chủ hóa ở Việt Nam không? Ts. Cù Huy Hà Vũ: Trong các bài viết và trả lời phỏng vấn của tôi trước và trong khi diễn ra Đại hội XII Đảng cộng sản Việt Nam, tôi luôn khẳng định ông Nguyễn Phú Trọng sẽ được bầu lại làm Tổng bí thư Đảng vì ông Nguyễn Phú Trọng là người có tinh thần dân tộc, yêu nước, kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ Việt Nam trước xâm lược và đe dọa xâm lược từ phía Trung Quốc cũng như có quyết tâm chống tham nhũng đến cùng, ngược hẳn với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là kẻ tham nhũng nhất nước và nghiêm trọng hơn cả, là bán nước cho Trung Quốc với tư cách điệp viên chiến lược của Trung Quốc như tôi đã chứng minh trong bài “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong ván bài thôn tính Việt Nam của Trung Quốc” đăng trên Đài tiếng nói Hoa Kỳ ngày 15/1/2016. Có một nguyên lý là chỉ những kẻ tham lam, tham nhũng thì mới có thể bị mua chuộc. Cho nên Nguyễn Tấn Dũng tham lam, tham nhũng thì mới bị Trung Quốc mua dẫn đến Nguyễn Tấn Dũng đã bán nước cho Trung Quốc trên thực tế. Ngược lại, những người không tham lam, tham nhũng thì không ai có thể mua được dù đó là Trung Quốc. Mà không bán nước cho Trung Quốc thì đương nhiên yêu nước, quyết giữ nước, quyết chống Trung Quốc xâm lược. Do đó, phẩm chất không tham lam, tham nhũng hay sự liêm khiết của Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cho thấy ông Trọng không có thể là người bán nước cho Trung Quốc hay nói cách khác, là người yêu nước. Và đương nhiên với tư cách là người yêu nước và nhất là với cương vị nguyên thủ quốc gia trên thực tế, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chắc chắn đã, đang và sẽ kiên quyết chống Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia cũng như đẩy mạnh nỗ lực “thoát Trung” về kinh tế. Như vậy, chính phẩm chất yêu nước của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thúc đẩy ông Trọng quan hệ mạnh mẽ và chặt chẽ hơn với Mỹ để đi tới liên kết quân sự tạo tiền đề cho liên minh quân sự với Mỹ để bảo vệ thành công chủ quyền và lãnh thổ Việt Nam hiện tại trước xâm lược đang được Trung Quốc ráo riết chuẩn bị để rồi tiến tới thu hồi quần đảo Hoàng Sa và các phần lãnh thổ quốc gia đã bị Trung Quốc xâm chiếm cũng như để thoát khỏi nô lệ Trung Quốc về kinh tế. Lẽ dĩ nhiên, như tôi đã phân tích ở trên, để đổi lấy việc Mỹ giúp Việt Nam cả về quân sự lẫn kinh tế nhằm chống lại một cách thành công âm mưu của Trung Quốc thôn tính Việt Nam cả bằng vũ lực lẫn kinh tế thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệm kỳ 2 và êkíp của ông không thể không đáp ứng những đòi hỏi về dân chủ và nhân quyền mà Mỹ nêu ra. Tóm lại, tinh thần dân tộc, lòng yêu nước cũng như quyết tâm chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn tới dân chủ hóa chế độ cộng sản Việt Nam mà khởi đầu là chấm dứt đàn áp nhân quyền, loại bỏ tất cả các quy định pháp luật phản nhân quyền như các điều 79, 88 và 258 Bộ luật hình sự, trả tự do cho tất cả những người bất đồng chính kiến bị cầm tù song song với thực hiện đầy đủ các quyền con người cơ bản được chính Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam tham gia bảo hộ. Ngoài ra, ngay từ 2013 khi thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu “đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hay chưa” thì điều này cho thấy ông Trọng không giáo điều “một cục” như nhiều người nghĩ, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa cộng sản thế giới đã sụp đổ cùng với sự sụp đổ của Liên Xô được coi là thành trì cộng sản thế giới và sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu cách nay ¼ thế kỷ, tức là ông Trọng hoàn toàn có khả năng chấp nhận quan điểm chính trị khác với chủ nghĩa Mác –Lênin miễn là có lợi cho dân, cho nước. Trên thực tế, ngay sau khi ông Nguyễn Phú Trọng tái nhiệm Tổng bí thư Đảng CSVN, đã có những dấu hiệu về một sự “xoay trục” sang dân chủ hóa và “thoát Trung”. Phát biểu tại hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử sáng 2/2, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu “đổi mới cả về tư duy, tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị nước nhà để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước”. Ngày 4/2, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã ra quyết định cách chức Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội do đề xuất mua hơn 160 toa xe cũ của Trung Quốc. Nhân đây tôi cũng lưu ý rằng cho dù con sâu chúa tham nhũng là Nguyễn Tấn Dũng đã bị loại khỏi chính trường thì đàn sâu tham nhũng nhung nhúc vẫn còn nguyên trong bộ máy chính quyền và ngay cả trong bộ máy Đảng CSVN và đây mới chính là sự cản trở nghiêm trọng cho tiến trình dân chủ hóa chế độ đồng nhất với minh bạch hóa quản lý quốc gia. Do đó, để Việt Nam sớm được dân chủ hóa, người Việt Nam trong và ngoài nước cũng như cộng đồng dân chủ quốc tế, đặc biệt là Mỹ, cần ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực chống tham nhũng của Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng và êkíp cầm quyền của ông. Trâm Oanh: Việc Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang được Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đề cử vào chức Chủ tich nuớc khiến nhiều người lo lắng vì như vậy Nhà nước Việt nam sẽ trở thành Nhà nước công an trị đồng nghĩa đàn áp nhân quyền sẽ gia tăng, thêm nhiều người đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền sẽ bị sách nhiễu, đánh đập, bỏ tù, thậm chí chết trong đồn công an…Ý kiến của Tiến sĩ như thế nào? Ts. Cù Huy Hà Vũ: Cần phải khẳng định rằng mọi Nhà nước cộng sản đều là Nhà nước công an trị. Tuy nhiên một Chủ tịch nước không xuất thân từ công an như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hiện nay còn làm mọi người có lương tri hy vọng Nhà nước Việt Nam cải thiện nhân quyền, tiến tới chấm dứt đàn áp nhân quyền và thực hiện các cải cách dân chủ và qua đó tạo ra một môi trường đối thoại thuận lợi hơn với các nước dân chủ phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Thế nên nếu Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang làm Chủ tịch nước thì lo lắng về việc Nhà nước Việt Nam sẽ gia tăng đàn áp nhân quyền, bỏ tù thêm nhiều người bất đồng chính kiến…là hoàn toàn có cơ sở. Không những thế, mọi cuộc điều tra ở Việt Nam đều cho thấy công an nằm trong giới tham nhũng nhất Việt Nam nên Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang mà làm Chủ tịch nước thì công an tham nhũng không còn kiêng sợ ai nữa, sẽ trở thành hoàn toàn bất trị và điều này chắc chắn sẽ phá hoại hoàn toàn nỗ lực chống tham nhũng – giặc nội xâm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Do đó,tôi, Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, cho rằngTổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng kiêm Chủ tịch nước sẽ là giải pháp tối ưu chẳng những cho công cuộc chống giặc nội xâm là tham nhũng mà còn cho công cuộc chống giặc ngoài xâm từ Trung Quốc, và trên cơ sở đó tạo điều kiện thuân lợi cho hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng như dân chủ hóa Việt Nam. Ngoài ra, có một thực tế là ở các nước cộng sản còn lại gồm Trung Quốc, Lào, Triều Tiên, Cu Ba thì chức Tổng bí thư đảng cộng sản và Chủ tịch nước được nhất thể hóa ở một người. Trâm Oanh: Ông Nguyễn Xuân Phúc đuợc Tổng bí thư Đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng tán thành đề cử vào chức vụ Thủ tướng. Có nhiều nguời cho rằng ông Phúc là “con chuột béo lắm rồi”, nếu ông ta làm Thủ tướng ông ta sẽ tham nhũng hơn cả Nguyễn Tấn Dũng. Tiến sĩ nghĩ thế nào về nhận định này? Ts. Cù Huy Hà Vũ: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người chống tham nhũng quyết liệt. Chúng ta đã chứng kiến ông Trọng đã phải bật khóc khi Hội nghị trung ương 6 Đảng CSVN khóa 11 bác đề nghị kỷ luật Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng do dính líu trực tiếp đến các vụ tham nhũng siêu nghiêm trọng tại Vinashine, Vinalines…đề nghị do chính ông Trọng đưa ra. Cuộc chiến “một mất một còn” mà ông Trọng tiến hành chống Nguyễn Tấn Dũng trước và trong Đại hội 12 Đảng CSVN chính là cuộc chiến chống tham nhũng – bán nước cho Trung Quốc. Do đó, không thể có chuyện Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chấp thuận ai đó tham nhũng nghiêm trọng làm Thủ tướng để rốt cuộc làm tiêu tan sự nghiệp chống tham nhũng của chính ông Trọng, hủy diệt chính ông Trọng. Nói cách khác, ông Nguyễn Phú Trọng không dại gì làm cái việc “tránh vỏ dưa để gặp vỏ dừa”, loại bỏ Nguyễn Tấn Dũng để rồi tái sinh Nguyễn Tấn Dũng! Trâm Oanh: Giới quan sát cho rằng bà Nguyễn thị Kim Ngân, tân ủy viên Bộ chính trị đuợc Ban lãnh đạo Đảng CSVN đề cử vào chức vụ Chủ tịch Quốc Hội – cơ quan được nhiều người gọi là “hội của nghị gật” – không phải vì tài năng, kiến thức mà là vì có gia phả cách mạng. Quan điểm của Tiến sĩ ra sao? Ts. Cù Huy Hà Vũ: Trước hết nếu cho rằng Quốc Hội Việt Nam hiện nay là “hội của nghị gật”, tức cơ quan quyền lực Nhà nước này gồm toàn những người không có khả năng phản biện đồng nhất với không có năng lực chuyên môn, trí tuệ, thì việc gì phải thắc mắc đại biểu Quốc Hội này, đại biểu Quốc Hội kia không có tài năng, kiến thức! Tôi cho rằng gọi Quốc Hội Việt Nam là “hội của nghị gật” là hơi quá vì từ nhiệm kỳ Quốc Hội khóa trước chúng ta đã thấy có những tranh luận gay gắt tại Quốc Hội, không phải dự luật nào cũng được Quốc Hội thông qua ngay lần dầu đệ trình, cũng đã có đề án của Chính phủ bị Quốc Hội bác như dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam, cũng đã có những đại biểu Quốc Hội có bản lĩnh đấu tranh như ông Dương Trung Quốc, ông Nguyễn Minh Thuyết… Nếu tại kỳ bầu cử Quốc Hội tháng 5 tới đây các ứng cử viên độc lập, tức không do Đảng CSVN và các cơ quan ngoại vi của Đảng đề cử, không bị chính quyền ngăn cản bằng những thủ đoạn bỉ ổi mà tôi đã là nạn nhân khi tôi tự ứng cử vào Quốc Hội vào năm 2007 và nếu các đại biểu Quốc Hội không phải đảng viên cộng sản chiếm ít nhất 1/3 Quốc Hội thì chắc sẽ không ai gọi Quốc Hội Việt Nam là “hội của nghị gật” nữa. Liên quan đến bà Nguyễn Thị Kim Ngân, quan điểm của tôi là bà Ngân hay bất cứ phụ nữ nào khác có ghế trong 4 vị trí lãnh đạo cao nhất của Việt Nam gọi là “tứ trụ”, mà trong trường hợp này là ghế Chủ tịch Quốc Hội, là rất đáng khích lệ, tất nhiên với điều kiện là phải có đủ năng lực điều khiển Quốc Hội biểu quyết những gì có lợi cho dân, cho nước, bác bỏ những đề xuất vi Hiến, có hại cho dân, cho nước, kiểm soát mạnh mẽ và hiệu quả Chính phủ, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan tư pháp từ trung ương tới địa phương đồng thời phải có đủ năng lực giải quyết rốt ráo, “cho đến đầu đến đũa”, mọi kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân với tư cách là một đại biểu Quốc Hội. Tôi nhấn mạnh điểm cuối này vì tất cả các đại biểu Quốc Hội Việt Nam từ trước đến nay chỉ làm công việc của nhân viên bưu điện khi chuyển kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân thực hiện theo Hiến pháp và các Luật Khiếu nại, Tố cáo đến cơ quan Nhà nước có liên quan mà bất cần biết các đòi hỏi đó của người dân có được xử lý triệt để hay không. Thực vậy, đại biểu Quốc Hội phải là người đưa ra kết luận cuối cùng về các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân mà họ nhận được trên cơ sở giải quyết, trả lời của các cơ quan Nhà nước có liên quan và chỉ có như thế đại biểu Quốc Hội mới thực sự là đại biểu của dân, do dân và vì dân. Trâm Oanh: Một số nhà phân tích sợ rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tin dùng những người trung thành với Đảng hơn là giao các trọng trách cho những người thật sự có năng lực. Vậy ý kiến của Tiến sĩ thế nào? Ts. Cù Huy Hà Vũ: Trong chế độ cộng sản thì để ngồi vào ghế lãnh đạo dù lớn dù bé đương nhiên phải có thẻ đảng viên cộng sản bất luận có năng lực hay không có năng lực. Nghĩa là về nguyên tắc người giữ cương vị lãnh đạo nào ở Việt Nam cũng phải trung thành với Đảng CSVN. Còn nói thẳng ra, những người có năng lực thật sự, tức những người có khả năng phản biện cao thì không vào Đảng CSVN, đơn giản vì nguyên tắc “tập trung dân chủ” của đảng cộng sản là phải làm theo cái mà ban lãnh đạo Đảng quyết định cho dù họ không tán thành. Nói cách khác, vào đảng cộng sản là đánh mất mình, mình không còn là mình nữa. Mặc dầu vậy, để thành công trong công cuộc chống tham nhũng cũng như trong công cuộc bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia trước xâm lược mà Trung Quốc đang chuẩn bị ráo riết, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng quyết không thể đưa vào êkíp của mình những kẻ có bằng chứng tham nhũng hay “tay đã nhúng chàm” – theo cách nói của chính ông Trọng – cũng như những người không có năng lực cho dù thề thốt trung thành với Đảng bao nhiêu đi nữa! Trâm Oanh: Theo Tiến sĩ, Đại hội 12 của Đảng CSVN có phải là đại hội cuối cùng của đảng này hay không? Ts. Cù Huy Hà Vũ: Tôi luôn khẳng định chế độ độc tài của Đảng CSVN phải sớm chấm dứt và thay vào đó là chế độ dân chủ – đa đảng. Điều này có nghĩa Đảng CSVN vẫn có thể tiếp tục hoạt động sau khi chế độ độc tài của Đảng bị xóa bỏ và vì lý do này, Đại hội 12 của Đảng CSVN không nhất thiết là đại hội cuối cùng của đảng này. Tôi cũng khẳng định rằng Đảng CSVN vẫn có thể lãnh đạo đất nước nếu Đảng giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử tự do có sự tham gia của nhiều đảng phái. Trâm Oanh: Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ có điều gì chia sẻ thêm? Ts. Cù Huy Hà Vũ: Nhân Tết Bính Thìn 2016, tôi xin chúc mọi người Việt Nam trong và ngoài nước một Năm Mới dồi dào Sức khỏe, Thành công và xiết chặt tay nhau tiến mạnh trên con đường đấu tranh vì một nước Việt Nam Độc lập, Toàn vẹn chủ quyền và lãnh thổ, Tự do, Dân chủ và Nhân quyền đầy đủ. Trâm Oanh: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đã dành thời giờ cho cuộc phỏng vấn này và cũng xin chúc Tiến sĩ và phu nhân, Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà cùng đại gia đình Vạn sự như ý nhân Năm Mới Bính Thìn. Trâm Oanh Germany (Chân Lý Online)
  9. Luật sư Lê Công Định vừa kết thúc hạn quản chế ba năm Luật sư Lê Công Định, nhà hoạt động dân chủ và cựu tù nhân chính trị Việt Nam, vừa nhận được quyết định kết thúc thời gian quản chế trong ba năm từ 2013. Từ Sài Gòn, ông trả lời phỏng vấn của BBC Tiếng Việt. Luật sư Định cho biết ông dự định "trở lại nghề tư vấn luật". BBC: Anh có dự định gì cho công việc sau khi kết thúc thời gian quản chế? LS Lê Công Định: Trước mắt tôi định đi thăm một số nơi mà đã lâu rồi tôi chưa có dịp đến chẳng hạn như ở miền Trung hoặc miền bắc Việt Nam, kể cả miền Nam là nơi trước đây khi đi làm tôi có đi nhiều. Về kế hoạch làm việc tôi dự định trở lại nghề tư vấn luật, mặc dầu giấy chứng chỉ hành nghề luật sư của tôi đã bị rút kể từ khi tôi bị bắt năm 2009. Nhưng tôi vẫn có khả năng quay trở lại hành nghề tư vấn. Nghề tư vấn luật cũng không cần đến chứng chỉ hành nghề luật sư. Chứng chỉ hành nghề luật sư thì chỉ cần thiết khi tôi xuất hiện trước tòa án. Còn khi tôi không xuất hiện trước tòa án thì công việc tư vấn vẫn diễn ra, đó là một kỹ năng bình thường của các luật gia tại Việt Nam. BBC: Trước đó anh có nói với an ninh anh muốn có lại thẻ hành nghề, họ có trả lời gì với anh về vấn đề này không? Họ có trả lời với tôi họ sẽ cố gắng rút ngắn thời gian để trả lại cho tôi thẻ hành nghề luật sư, tuy nhiên còn tùy thuộc vào thái độ của tôi. Ý tức là nếu tôi vẫn tiếp tục các hoạt động với nhà cầm quyền là chướng tai gai mắt thì khả năng họ tác động để trả lại giấy phép hành nghề của tôi là xa vời hơn. Tuy nhiên đối với tôi việc có lại giấy phép hành nghề hay không cũng không quá quan trọng. Với kinh nghiệm 20 năm hành nghề luật sư tôi cũng được nhiều khách hàng biết đến. Kỹ năng của tôi cũng không mai một bao nhiêu. Giấy phép chỉ là phương tiện về diện pháp lý thôi. Mà phương tiện đó thì trong hoạt động tư vấn luật nó không phải là một yếu tố hay điều kiện tiên quyết. Vấn đề chính vẫn là các công ty, doanh nghiệp Việt Nam họ có thực sự cần kỹ năng và lời tư vấn của tôi hay không. BBC: Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp có xu thế cố gắng tránh những người có xung đột hay vấn đề với chính quyền. Với tình huống của anh, anh nghĩ mình có thể có lại các khách hàng như xưa nữa không? LS Lê Công Định: Điều đó rất đúng, ngày xưa thì nặng nề hơn. Nhưng bây giờ các doanh nghiệp họ suy nghĩ cũng thoáng. Họ cũng rất rõ ràng hơn. Họ cần sự tư vấn của tôi với tính cách hoàn toàn chuyên nghiệp từ phương diện pháp lý mà thôi. Cũng không có nghĩa là khi họ sử dụng dịch vụ pháp lý của tôi là họ dính với vấn đề chính trị của tôi. Điều đó đã được xem nhẹ hơn. Điển hình là tôi đã gặp lại rất nhiều khách hàng cũ trước đây rất sẵn lòng sử dụng lại dịch vụ tư vấn của tôi. Và nhất là đối với những giao dịch thương mại có tính chất quốc tế, họ tin là tôi làm việc hiệu quả. Đó cũng là một ưu thế của tôi. BBC: Nhưng anh đã rời xa nghề nghiệp đã lâu, cả thời gian chịu án tù và quản chế, anh nghĩ mình có khả năng cập nhật lại dòng chảy chung không? Tư vấn luật và kỹ năng tư vấn gần như là máu thịt của mình. Tôi có thể mất gần bảy năm xa rời nghề luật sư, nhưng tôi biết khi trở lại tôi không mất bao nhiêu thời gian để cập nhật hóa. Vấn đề quan trọng trong nghề luật của tôi là cập nhật lại các luật mới ban hành. Trong ba năm vừa rồi bị quản chế, tôi vẫn liên tục cập nhật và tôi tự tin không có sự mai một hoặc hụt hơi nào để tôi bắt kịp dòng chảy hiện đại của nghề tư vấn luật tại Việt Nam. Các luật sư hỗ trợ pháp lý trong vụ Đỗ Đăng Dư thiệt mạng trong tù BBC: Khác với thời anh bị bắt, giờ đây số lượng các luật sư công khai công việc đấu tranh của mình đã xuất hiện khắp nơi, anh nhìn thấy trước sự biến đổi gì của xã hội dựa trên lực lượng này? Tôi rất ngạc nhiên và rất vui mừng vì các đồng nghiệp của tôi bây giờ đã dấn thân nhiều hơn. Vào cái thời trước 2009, số luật sư tham gia bào chữa cho các nhà bất đồng chính kiến chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó cũng là lí do mà tôi trở thành cái gai trước mắt của nhà cầm quyền. Khi tôi ra khỏi tù, tôi thấy một lực lượng luật sư, không chỉ những luật sư lớn tuổi mà kể cả các luật sư trẻ, thậm chí mới vào nghề, họ cũng rất sẵn sàng dấn thân. Tôi rất kỳ vọng vào lực lượng luật sư này. Nhà cầm quyền cũng ngại họ bởi đây là một giới có sự hiểu biết pháp luật nhất định. Bởi vì rất nhiều nơi ở Việt Nam, các quan chức nhiều khi làm việc không để ý đến vấn đề tuân thủ luật pháp, đưa đến vấn đề cửa quyền, quan liêu. Người dân thường rất khổ vì đối mặt với các thủ tục pháp lý đôi khi không được tuân thủ đàng hoàng. Tiếng nói và sự dấn thân của giới luật sư sẽ giúp cho người dân hiểu rõ hơn quyền lợi của mình. Nhà cầm quyền cũng ngại. Đứng từ góc độ phát triển quốc gia thì tôi thấy sự dấn thân và lên tiếng của các luật sư là tốt cho sự phát triển đất nước. Còn nếu nhà cầm quyền ngại thì họ nên cần thay đổi suy nghĩ của mình để chấp nhận vai trò của giới luật sư ngày càng tăng trong xã hội. BBC: Giới luật sư bây giờ có còn đơn độc như thời của anh nữa không? Tôi không thấy sự đơn độc bây giờ nữa bởi vì tôi thấy rất nhiều trường hợp xảy ra, rất nhiều luật sư được sự đồng tình của nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. Thậm chí khi luật sư bị nạn thì rất nhiều người ở nhiều giới khác nhau cũng đã lên tiếng ủng hộ. Người ta cũng tập hợp lại để nói tiếng nói ủng hộ luật sư hoặc những luật sư gặp nạn. Sự cô đơn như thời của tôi không còn nữa. Thời xưa, phải nói thật là rất cô đơn. Tôi đại diện cho một số nhà bất đồng chính kiến ra trước tòa. Khi tôi phải thực hiện những công việc lẽ ra bình thường vậy, tôi lại cảm thấy là sự nguy hiểm lúc nào cũng rình rập lấy mình. Bây giờ tôi tin là các luật sư không còn như vậy nữa, mặc dù sự e dè và ngại ngùng trong một số luật sư khác vẫn còn. Người tù Huỳnh Văn Nén cũng đã được trả tự do sau nhiều năm đấu tranh của gia đình và các luật sư hỗ trợ ông BBC: Liệu xu thế này có được duy trì lâu không, hay lại chìm xuống như nhiều trào lưu của giới trí thức? Sự vận động này rất là tất nhiên của xã hội nên tôi không tin là nó sẽ chìm xuống. Trước 2009, chỉ có vài luật sư thôi. Còn bây giờ càng ngày càng nhiều. Xu thế này càng gia tăng, vì các luật sư ngày càng ý thức được vai trò của mình và họ hiểu sức mạnh của mình chính là luật pháp. Mà luật pháp đâu phải do các luật sư đặt ra mà chính do nhà cầm quyền đặt ra. Vậy sự tuân thủ luật pháp cũng là cách tốt nhất để nhà cầm quyền dựa vào đó để tiếp tục sự cai trị tốt đẹp với quốc gia. Còn nếu họ từ chối điều đó thì họ đã quay ngược lại chống lại chính bản thân hệ thống của mình. Xu thế này không thể chìm xuống như một phong trào, bởi đây không phải là vấn đề chính trị mà cứ có đàn áp thì chìm xuống. Đây là sự vận động tất yếu của lịch sử và xã hội. BBC: Mình đã nói nhiều về luật sư, giờ tôi muốn hỏi anh người dân cần thêm gì để họ có thể tự chủ hơn? Người dân cần phải bước qua tâm lý sự hãi để có thể bảo vệ quyền lợi của mình một cách thiết thực hơn. Luật pháp và hiến pháp Việt Nam hiện giờ cũng đã quy định rất rõ ràng các quyền và lợi ích công dân. Vấn đề là chúng ta có yêu cầu nhà cầm quyền thực thi các lợi ích đó hay không thôi. Đừng có sự e dè nào hết, tiếng nói của người dân vẫn được nhà nước lắng nghe mà. Tại sao chúng ta không tận dụng quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã ghi nhận trong hiến pháp và luật pháp để chúng ta đòi hỏi sự thực thi đúng đắn? - Người dân cần phải bước qua tâm lý sợ hãi đó để thúc đẩy sự đồng hành của các cơ quan nhà nước. BBC: Làm sao để thuyết phục người dân tin rằng họ có ảnh hưởng? - Trong khi tôi phỏng vấn 1 số người trẻ về đại hội Đảng, họ nói họ không quan tâm vì cảm thấy mình chẳng có ảnh hưởng gì và cũng chẳng liên quan gì tới họ. Ông nghĩ sao về tâm lý mình không can dự gì hết? Theo tôi, Đại hội Đảng quả nhiên không phải của người dân. Dù nó có ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước trong ít nhất 5 năm sắp tới nhưng đó vẫn là nội bộ của Đảng Cộng sản mà thôi. Nếu những người trẻ trả lời họ cảm thấy đó không phải là vấn đề của mình thì tôi hoàn toàn đồng ý với họ. Bản thân tôi có quan tâm đến đại hội đó, nhưng tôi cũng không thấy nó liên quan gì đến mình hết. Việc ai trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản với tôi không quan trọng. Nhưng có một điều này cần phải lưu ý. Tháng Sáu năm nay là bầu cử Quốc hội. Tôi nghĩ Quốc hội mới là vấn đề của đất nước và của toàn dân. Và nếu chúng ta thấy bầu cử Quốc hội không phải là vấn đề của chúng ta, thì chúng ta đã từ chối thực thi quyền lợi của chính mình. Người trẻ và người dân phải rất quan tâm tới kỳ bầu cử này. Nhiều người trẻ nói họ "không quan tâm" đến Đại hội Đảng BBC: Với nhiều người dân, đặc biệt là ở nông thôn, có khi họ còn không hiểu họ đang gạch tên hay để lại tên ứng viên nào và việc đó có nghĩa là gì, thì làm sao có thể thuyết phục họ hiểu hành động của họ đang ảnh hưởng tới vận mệnh đất nước? Từ bao nhiêu năm nay, bầu cử Quốc hội hay đại biểu hội đồng nhân dân hoàn toàn có tính chất hình thức. Người dân đã để cho Đảng Cộng sản tự mình quyết định mọi vấn đề, tự chọn những ứng viên, tự chọn luôn cả người đắc cử. Tại sao người dân không bằng chính lá phiếu của mình, tự quyết định vận mạng của mình? Mặc dù biết rằng thủ tục này do Đảng Cộng sản lựa chọn ứng cử viên cũng như người đắc cử cũng chưa chắc có sự rộng mở hơn trong tương lai. Tuy nhiên nếu chúng ta không quyết định sử dụng lá phiếu của chính mình thì chúng ta cũng không thể trông chờ có sự thay đổi nào từ phía Đảng Cộng sản được! BBC: Nói tới bầu cử Quốc Hội, vậy anh nghĩ sao về việc ông Nguyễn Quang A tự ứng cử? Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định của ông Nguyễn Quang A. Đó là một người có uy tín trong xã hội. Việc ý thức được vai trò của mình cũng như sự cần thiết phải có một cuộc bầu cử quốc hội trung thực và công bằng, nó phải được thực thi bởi những ứng cử viên có tính chất độc lập như vậy. BBC: Nhưng anh có lo ngại việc vận động của ông Nguyễn Quang A sẽ gặp nhiều khó khăn không? Tất nhiên là ông Nguyễn Quang A sẽ gặp nhiều khó khăn từ phía nhà cầm quyền. Với kinh nghiệm của tôi chẳng hạn, năm 2007 tôi cũng ra ứng cử đại biểu Quốc hội và tôi cũng gặp những khó khăn từ phía cơ quan tổ chức bầu cử tại địa phương. Họ có nhiều cách và nhiều phương thức để loại tôi ra. Quả nhiên trong hai vòng hiệp thương tại nơi cư trú và tại nơi làm việc, tôi bị loại ra vì phạm vào những cái trò mà người ta cố tình sử dụng đến để loại những ứng cử viên độc lập như tôi. Nhưng đó là năm 2007. Bây giờ là chín năm sau rồi, xã hội đã hoàn toàn cởi mở. Tuy ông Nguyễn Quang A sẽ gặp những khó khăn như tôi thôi, nhưng khả năng ông vượt qua được những trò đó sẽ dễ dàng hơn. Tôi tin là nếu xã hội đồng lòng ủng hộ ông thì tôi tin ông có thể vượt qua. Cơ hội ông trúng cử vào quốc hội là hoàn toàn có thể có chứ không phải không. Ông Nguyễn Quang A, một trí thức đã tuyên bố ông tự ứng cử BBC: Anh có thể nói rõ hơn những khó khăn năm 2007 anh gặp là gì khi quyết định ra ứng cử? Trong vòng đầu tiên, vòng hiệp thương tại nơi cư trú, người ta đã tổ chức sẵn và gây áp lực sẵn với người dân khu phố tại nơi tôi cư trú để chỉ trích tôi hai vấn đề, một là tôi ủng hộ tư tưởng dân chủ, đa nguyên, đa đảng; hai là tôi không có gần dân. Thế nào là gần dân thì họ giải thích là tôi không chịu đi họp tổ dân phố, tôi không đến thăm nom những người dân khu phố lúc bình thường. Quả thật, tôi rất ít làm chuyện đó. Nghề luật sư của tôi rất bận rộn. Nhưng sự đóng góp cho xã hội đâu phải tối ngày chúng ta phải đi gặp người dân vỗ về họ hàng ngày mới là gần dân. Và những đóng góp của chúng ta có thể thiết thực hơn việc đi nói chuyện tào lao hoặc là hỏi thăm hình thức. Sự đóng góp cho xã hội có nhiều hình thức, vị trí và vai trò khác nhau. Họ lợi dụng khái niệm gần dân đó rất tùy tiện để tìm cách loại tôi ra. Và họ cũng sử dụng ý tôi cổ vũ đa nguyên, đa đảng có gây nguy hiểm với chế độ chính trị hiện nay. Những người phát biểu những lời đó, tôi nói thật, tôi nhận ra họ không phải là những cư dân trong khu phố của tôi. Họ ở đâu đến, được gài sẵn và đứng lên phát biểu chỉ trích tôi. Đó là cách tôi gặp phải trong cuộc hiệp thương tại khu phố. Sau cuộc hiệp thương đó, một lần tôi đi công tác ở An Giang, vào lúc 7h15 phút sáng, tức là lúc đó tôi còn chưa thức dậy, bởi cuộc họp của tôi ở An Giang là 8 giờ. Sáng hôm đó, có một vị có vai trò rất quan trọng trong hội đồng bầu cử địa phương đã gọi trực tiếp vào số điện thoại của tôi để yêu cầu tôi rút tên ra khỏi cuộc hiệp thương tại nơi làm việc của tôi. Và họ vận động tôi là phải rút tên vì tôi đã không được nhiều sự ủng hộ lắm. Tôi đã từ chối. Tôi biết đó là cách gây áp lực của họ với một ứng cử viên độc lập. Tất nhiên, tôi không chịu rút. Kết quả là họ tiếp tục tác động vào nơi làm việc của tôi, dàn dựng trước một cuộc hiệp thương để mọi người đứng lên tiếp tục công kích tôi vì tư tưởng đa nguyên đa đảng của tôi, và lên án tôi chẳng đóng góp gì cho nghề nghiệp luật sư hết, dù lúc đó tôi là Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư. Đó là cách họ làm để loại tôi ra khỏi những ứng cử viên trong hai vòng hiệp thương. Tôi nghĩ là anh Nguyễn Quang A cũng sẽ gặp những việc như vậy, và phải chuẩn bị trước để đối phó. Thời điểm đó tôi cũng thừa biết mình sẽ không trở thành một ứng cử viên được đưa vào danh sách đâu, nhưng đó là một cách để tôi kiểm chứng thế nào là bầu cử tự do ở Việt Nam. Việc đó cũng cho tôi một số kinh nghiệm có thể chia sẻ với những ứng cử viên trong tương lai. Luật sư Lê Công Định nói người dân cần phải "thực thi quyền lợi" của chính mình BBC: Nói một chút về thời gian anh vào tù năm 2009, anh nói nhiều lần về sự cô đơn, vậy sự cô đơn lúc đó là thế nào? Thực ra lúc tôi vào tù, nói thật tôi cảm thấy rất nhiều tổn thương. Đến khi tôi ra tù tôi mới thấy trong thời gian đó sự ủng hộ dành cho tôi cũng nhiều. Tôi cảm thấy vui, nhưng cũng có nhiều chỉ trích vì họ không hiểu hoàn cảnh cụ thể của tôi bên trong nhà tù thế nào, họ hoàn toàn dựa trên báo của nhà nước đưa tin ra và công kích tôi. Tôi cũng buồn. Nhưng tôi lạc quan. Tôi dấn thân vì lý tưởng của tôi. Tôi chấp nhận mất tất cả, tôi vào tù vì lý tưởng của tôi chứ không phải vì tôi cần sự ủng hộ của ai. Cho nên việc mọi người hiểu hay không hiểu, công kích tôi củng rất bình thường vì ai cũng có quyền nói lên suy nghĩ của mình. Đối với tôi điều đó không quan trọng. Sau này, khi nhìn lại những năm trong tù, vô vàn những khó khăn mà tôi không thể hình dung được. Trước khi vào tù tôi cũng không nghĩ là sẽ có lúc mình có thể sống khó khăn đến mức đó. Nhưng tôi cũng vượt qua rồi. Không có điều gì có thể làm tôi nản lòng. Những công kích chỉ trích chỉ là cơn gió thoảng. Tôi không quan tâm. Những gì tôi cần làm tôi sẽ làm. (BBC)
  10. (Ảnh minh hoạ: Lintao Zhang/Getty Images) Tóm tắt bài viết *Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ra chỉ đạo rằng các câu đối Tết phải “tuyên truyền những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội” *Sau khi phá hoại văn hóa truyền thống, ĐCSTQ sử dụng chính văn hóa truyền thống để tuyên truyền các thông điệp của Đảng *Người dân treo câu đối Tết mà không phù hợp với đường lối của Đảng thì bị trừng trị thẳng tay Tết nguyên đán đang đến gần, người dân Trung Quốc đang chuẩn bị các món đồ trang trí như đèn lồng và câu đối đỏ để chào đón năm mới. Tuy vậy, những gì viết trên câu đối phải tuân theo sự chỉ đạo chặt chẽ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ban Tuyên giáo Trung ương ĐCSTQ đã chỉ đạo các Đảng viên nhận thức rằng các câu đối Tết phải “tuyên truyền những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội”. Các quan chức địa phương được lệnh phải tổ chức các hội thơ và câu đối nhằm “truyền cảm hứng cho người dân” khi sáng tác câu đối, với mục tiêu là tạo “năng lượng tích cực tới từng góc phố”. Chỉ đạo trên được ban hành tới các cơ quan chức năng cấp tỉnh và huyện tại Trung Quốc vào cuối tháng 12 năm 2015 theo một văn bản được đăng trên các website và các tài khoản mạng xã hội của hai chính quyền cấp thị tại tỉnh Hà Nam thuộc miền trung Trung Quốc. Việc ban hành chỉ đạo này cho thấy đây là một công cụ cưỡng chế kiểm soát tư tưởng và văn hóa đối với lĩnh vực đời sống văn hóa mà từ lâu ĐCSTQ không còn kiểm soát công khai. Dù vậy, trong nhiều năm qua, các công dân Trung Quốc đều có kết cục tồi tệ, thậm chí là bi thảm nếu dám dùng câu đối mà Đảng coi là không phù hợp với đường lối của Đảng. Câu đối Tết – truyền thống cổ xưa Câu đối xuân là một dạng biến thể của câu đối truyền thống được dùng trong dịp lễ Tết, gồm hai vế câu có vần điệu. Mỗi vế có cùng số lượng ký tự chữ Hán, thường mang những thông điệp như phát tài, thịnh vượng, hoặc chúc sức khỏe. Trong hàng nghìn năm lịch sử, người dân tin rằng câu đối xuân giúp đuổi tà ma và mang lại hi vọng cho năm mới. Khi được treo trước cửa nhà, câu đối trở thành vật trang trí rất đẹp mắt. Người Trung Quốc xưa kia thường thuê các nhà nho, đặc biệt là những nhà thư pháp có đức hạnh cao để viết những câu đối xuân trên nền giấy đỏ với bút lông và mực tàu. Ngày nay, các câu đối xuân với các nét chữ thiếp vàng trên nền giấy đỏ được sản xuất hàng loạt từ các công xưởng. (Ảnh: China Photos/Getty Image) Đường hướng chính trị Cái thời mà ĐCSTQ ra sức phá bỏ văn hóa truyền thống đã qua từ lâu, giờ đây các cơ quan tuyên truyền lại sử dụng chính văn hóa truyền thống để tuyên truyền các thông điệp của Đảng. Chẳng hạn, trong số các câu đối có in hình ông Mao Trạch Đông được bán trên trang thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc, có câu rằng “Hồng Nhật tối Hồng, Thanh Thiên Thiên Tử” (Tạm dịch: Vào Thời đại Đỏ đỏ nhất, Người là Thiên Tử). Câu đối này được in bên cạnh hình ông Mao mặc áo bộ đội màu xanh đang đọc báo cáo. Tuy vậy, người Trung Quốc mà muốn sáng tạo với các câu đối thì sẽ gặp rắc rối lớn. Ông Vương (Wang), chủ khách sạn ở thành phố Nam Kinh, đã bị gỡ mất câu đối xuân ở cửa khách sạn do ông đã treo ở đó quá lâu, theo các báo cáo chính thức năm 2014 cho hay. Những ai treo câu đối xuân có nội dung nhạy cảm còn bị trừng trị mạnh tay hơn. Bà Hoàng Ngọc Hoa, một cư dân sống tại thôn Trường Giang, Quảng Đông, đã treo một đôi câu đối viết “Pháp Luân Công và Chân Thiện Nhẫn là tốt, Thế giới biết Pháp Luân Đại Pháp là tốt” trên cửa nhà bà vào ngày 27/1/2007, theo trang Minh Huệ (Minghui.org), trang web chuyên đưa tin về Pháp Luân Công. Sau đó, công an Trung Quốc đã bắt bà Huang vào một trại giam. Các học viên Pháp Luân Công, một muôn khí công thiền định cổ xưa của Trung Quốc, đã bị ĐCSTQ đàn áp tàn bạo từ ngày 20/7/1999, chỉ vì họ luyện tập ở công viên và hành xử theo các nguyên tắc Chân, Thiện, Nhẫn. Theo thông tin chưa đầy đủ trên trang Minh Huệ, hơn 3.900 học viên đã bị giết và hàng trăm nghìn học viên khác bị suy kiệt tại các trại lao động cưỡng bức. Bi kịch xảy đến với anh Thôi Thụ Dũng (Cui Shuyong), một học viên Pháp Luân Công ở tỉnh Hà Nam thuộc miền trung Trung Quốc, sau khi anh treo câu đối xuân trước cổng nhà anh vào năm 2005. Ba cảnh sát đã đánh anh Dũng một cách tàn nhẫn vì trong câu đối có ghi chữ Thiện, một trong ba nguyên lý Chân Thiện Nhẫn của Pháp Luân Công, theo tin từ trang Minh Huệ. Khi cánh sát lôi anh Dũng đi, anh quay lại nói với vợ rằng: “Lần này chắc anh không trở về”. Trước đó, anh Dũng đã bị giam giữ bốn năm trong trại lao động cưỡng bức vì đến thỉnh nguyện với chính quyền tại Bắc Kinh. Chỉ vì câu đối xuân mà anh Dũng đã bị cưỡng bức lao động 2 năm. Những năm tiếp đó, anh liên tục bị bắt giam vì niềm tin của mình, sau đó anh đã bị tra tấn dã man tại trại giam thành phố Hạc Bích và qua đời vào ngày 20/11/2013. Theo Frank Fang và Larry Ong, Đại Kỷ Nguyên Tiếng Anh Quang Huy biên dịch (Đại Kỷ Nguyên VN)
  11. Tân Bí thư thành ủy Sài Gòn Đinh La Thăng. Tin liên hệ Việt Nam cách chức lãnh đạo định mua tàu cũ từ Trung Quốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hôm nay đã ra quyết định cách chức một quan chức liên quan tới đề xuất mua hơn 160 toa xe cũ của Trung Quốc Giới lãnh đạo Việt Nam tiếp tục cải cách để tăng trưởng kinh tế Lãnh đạo Việt Nam sẽ củng cố quan hệ chặt chẽ với Hàn Quốc Trung Quốc dùng tiền để khống chế Việt Nam? Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam: Nợ nhân dân hay bắt nhân dân nợ? VOA Tiếng Việt 09.02.2016 Với nhiều tuyên bố hùng hồn như “bộ trưởng là tư lệnh ngành, phải cho tôi toàn quyền”, nhiều người kỳ vọng rằng ông Đinh La Thăng sẽ “quyết liệt” trên cương vị tân Bí thư thành ủy Sài Gòn. Cùng với ông Hoàng Trung Hải, Bí thư thành ủy Hà Nội, cựu Bộ trưởng Giao thông Vận Tải có nhiều phát ngôn thẳng thừng mới được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ dẫn đắt đảng bộ ở thành phố từng được coi là “Hòn ngọc Viễn Đông”. 5 năm lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, ông Thăng đã có nhiều tuyên bố làm tốn giấy mực của báo chí như “bộ trưởng là tư lệnh ngành, phải cho tôi toàn quyền”. Trả lời báo giới hồi năm 2011, sau khi được phe chuẩn chức Bộ trưởng, ông Thăng nói: "Tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi, nếu chờ xin phép thủ trưởng ở nhà thì sẽ lỡ cơ hội". Sài Gòn này nó khác. Tôi không dám chắc là ông ấy [Đinh La Thăng] sẽ làm được như thời ông làm được ở Bộ Giao thông Vận Tải. Văn hóa thành phố Sài Gòn, người dân ở đây, những người dưới quyền hoặc nguồn cán bộ mà ông có thể sử dụng được ở Sài Gòn nó khác các nơi khác. Tôi không thể nghĩ rằng ông ấy sẽ làm được như ông Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng. Cựu chiến binh Trần Bang nói. Với những tuyên bố không kiêng nể, tân Bí thư thành ủy được nhiều người coi là một “Nguyễn Bá Thanh của Sài Gòn”. Ông Thanh từng làm Bí thư thành ủy Đà Nẵng và cũng từng có những phát ngôn mà truyền thông trong nước cho là “ấn tượng” như “cán bộ bây giờ phải biết xấu hổ” hay “phải biến Đà Nẵng thành đô thị đáng sống chứ không phải chán sống”. Người qua đời vì bệnh ung thư hồi đầu năm ngoái còn tuyên bố không khoan nhượng với tham nhũng với phát ngôn rằng “sắp tới tôi sẽ rà một số cái, cho hốt liền không nói nhiều”. Dù được nhiều người đặt kỳ vọng vào một “Nguyễn Bá Thanh mới”, ông Trần Bang, một người dân sinh sống ở Sài Gòn, nói với VOA Việt Ngữ rằng việc so sánh giữa ông Thanh và ông Thăng “hơi khập khiễng”. Cựu chiến binh này nói thêm: “Ông Nguyễn Bá Thanh là người Quảng Nam mà thành phố Đà Nẵng tách ra từ Quảng Nam, sát Quảng Nam nên ông Thanh hiểu dân Đà Nẵng hơn. Với tính cách dứt khoát, và với hiểu biết của ông ấy thì ông ấy có thể làm được ở Đà Nẵng, tạo ra một thành phố sạch đẹp, quy củ so với các thành phố khác ở Việt Nam, dù nó còn nhiều vấn đề như vụ Cồn Dầu hay các bất công khác còn chưa giải quyết được. Còn ông Đinh La Thăng, tôi cho rằng Sài Gòn này nó khác. Tôi không dám chắc là ông ấy sẽ làm được như cái thời ông làm được ở Bộ Giao thông Vận Tải. Văn hóa thành phố Sài Gòn, người dân ở đây, những người dưới quyền hoặc nguồn cán bộ mà ông có thể sử dụng được ở Sài Gòn nó khác các nơi khác. Tôi không thể nghĩ rằng ông ấy sẽ làm được như ông Nguyễn Bá Thanh ở Đà Nẵng.” Ông Bang nói thêm rằng “quản lý thành phố thì không phải như quản lý một bộ chuyên sâu về một lĩnh vực”, và ông cho rằng thách thức lớn nhất mà ông Thăng phải đối mặt đó là vấn đề nhân sự do khác biệt về “vùng miền”. Cuối tháng trước, ông Thăng đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm một trong số gần 20 ủy viên của Bộ Chính trị đầy quyền lực ở Việt Nam. Suy đoán theo tác phong của ông Đinh La Thăng, thì ông ấy có vẻ là một người kiên quyết, có thể làm cái này, có thể làm cái kia. Tôi nghĩ rằng dù làm một công việc gì đi chăng nữa, ông ấy cũng tuân thủ, quán triệt ý đảng. Ai thì tôi không biết, nhưng bản thân tôi không kỳ vọng gì nhiều ở những người cũng hay hô lớn lắm nhưng chưa biết làm được cái gì. Bà Dương Thị Tân, cư dân Saigon, nói. Sau đó, hôm 5/2, ngay sau khi được giao nhiệm vụ mới là Bí thư thành ủy TP HCM, ông Thăng nói rằng áp lực lớn nhất của ông lúc này là phải nhận trách nhiệm lãnh đạo một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ, đầu tàu có sức hút và lan tỏa lớn của khu vực phía nam, là đầu mối giao lưu hội nhập quốc tế…” Khi thông tin ông Thăng về Sài Gòn được đăng tải, một bạn đọc tên Sang viết trên một diễn đàn rằng “với bản lĩnh của người dám nói dám làm tôi chúc ông bí thư sẽ là người dẫn dắt TP HCM là thành phố số một của khu vực ASEAN”. Trong khi đó, bà Dương Thị Tân, một người dân TP HCM, nói với VOA Việt Ngữ rằng bà “không kỳ vọng gì nhiều”: “Khi ông ấy vào đây, đương nhiên ông ấy phải đối diện với nhiều cái có thể không thuộc chuyên môn của ông ấy. Suy đoán theo tác phong của ông Đinh La Thăng, thì ông ấy có vẻ là một người kiên quyết, có thể làm cái này, có thể làm cái kia. Tôi nghĩ rằng dù làm một công việc gì đi chăng nữa, ông ấy cũng tuân thủ, quán triệt ý đảng. Ai thì tôi không biết, nhưng bản thân tôi không kỳ vọng gì nhiều ở những người cũng hay hô lớn lắm nhưng chưa biết làm được cái gì. Trừ khi ông ấy làm được một việc gì đấy thì tôi tin, ông ấy làm được, còn bây giờ để nói trước những việc ông ấy sẽ làm thì chúng tôi không kỳ vọng gì nhiều.” Mới đây nhất, ông Thăng đã yêu cầu cách chức ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, cũng như kỷ luật nghiêm những cán bộ có liên quan tới đề xuất mua hơn 160 toa xe cũ của Trung Quốc. Năm ngoái, sau khi xảy ra hại sự cố làm một người chết và ba người bị thương tại dự án Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông có sử dụng vốn và nhà thầu của Trung Quốc, ông Thăng đã gay gắt chỉ trích đối tác từ quốc gia láng giềng và tuyên bố rằng "không thể đánh đổi quyền lợi của người Việt Nam, tính mạng của người Việt Nam để vay vốn" của Trung Quốc. Sau đó, ông Thăng bị Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc, cáo buộc là “tìm cách nhen nhóm tinh thần bài Trung Quốc”.
  12. Đại lộ Orchard, Singapore là khu vực mua sắm nổi tiếng với nhiều cửa hàng. Một phụ nữ Việt Nam đã bị truy tố vì tội trộm cắp ở Singapore. Bốn tòng phạm người Việt khác là Nguyen Quoc Hung, Hoang Dinh Cong, Nguyen Thi Luong và Dinh Ngoc Luan đã bị cáo buộc ăn cắp từ ba cửa hàng thời trang tại trung tâm mua sắm ION Orchard, ngày 27 và 28 tháng 1. Nhóm này bị cáo buộc đã nhắm mục tiêu vào các cửa hàng Zara, Pull and Bear, H&M, và ăn trộm số hàng hóa có giá trị lên đến hơn 17,500 đôla Singapore. Ngày 27 tháng 1, Dang (25 tuổi) và nhóm này bị tình nghi ăn trộm 28 sản phẩm từ cửa hàng Zara, bao gồm áo phông, quần, váy, áo khoác, với tổng giá trị khoảng 2.000 đôla Singapore. Cũng trong ngày 27 tháng 1, hơn 200 sản phẩm trị giá khoảng 9.900 đôla Singapore được cho là bị nhóm này đánh cắp ở cửa hàng H&M. Các sản phẩm bị đánh cắp đều là thời trang nữ và có giá trị từ 19.90 đôla Singapore đến 79.90 đôla Singapore. Theo luật, Dang có thể phải chịu mức án 7 năm tù và nộp phạt nếu bị kết tội. Tháng trước, hai người Việt đã bị bắt tại một khách sạn ở Bayfront Avenue sau khi bị nghi ăn trộm 500.000 đôla Singapore (khoảng 350.000 đôla Mỹ) từ một két sắt của cửa hàng bán trái cây trong trung tâm bán sỉ Pasir Panjang, Singapore. Hồi đầu tháng 1, 5 công dân Việt Nam cũng đã bị bắt vì tội ăn cắp tiền tại các cửa hàng đông đúc ở một khu du lịch nổi tiếng ở Chiang Mai, Thái Lan. Theo The New Paper, VOA. (VOA)
  13. Dao động mạnh trên thị trường làm tăng thêm mối quan tâm về những biện pháp cải cách kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm vực dậy nền kinh tế lớn hàng thứ ba thế giới này. Tin liên hệ Người dân nhiều nước Châu Á đón Tết Nguyên Đán Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 6/2 đã thay mặt Tổng thống Obama, gửi lời chúc nồng ấm nhất tới tất cả người dân các nước ăn Tết Nguyên Đán Các nước Châu Á tưng bừng đón năm mới 2016 Nhật Bản sắp áp đặt các chế tài mới đối với Bắc Triều Tiên Nhật chi ‘trăm triệu’ để khẳng định chủ quyền trên đảo hoang trước TQ Chương trình hạt nhân Bắc Hàn đẩy khu vực vào chỗ khó chọn lựa Hiệp định TPP được ký kết, dù vẫn gặp chống đối Nhật Bản nới lỏng thị thực cho công dân Việt Nam 09.02.2016 Chỉ số chứng khoán Nhật sụt mạnh và lãi suất của trái phiếu chính phủ hôm nay trở thành lãi suất âm lần đầu tiên trong lúc tỉ giá đồng nguyên tăng tới mức cao nhất trong vòng 15 tháng. Theo tường thuật của thông tín viên Steve Herman của đài VOA tại Tokyo, dao động mạnh trên thị trường làm tăng thêm mối quan tâm về những biện pháp cải cách kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm vực dậy nền kinh tế lớn hàng thứ ba thế giới này. Chỉ số Nikkei 255 giảm 918 điểm, tương đương với 5,4%. Chứng khoán của mọi công nghiệp đều bị sụt mạnh, nhất là khu vực tài chánh và xuất khẩu. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 10 năm hôm nay giảm xuống dưới mức zero. Đây là lần đầu tiên trái phiếu của một nước trong khối G7 có lãi suất âm. Lãi suất của trái phiếu chính phủ Nhật kỳ hạn 5 năm cũng giảm tới mức thấp kỷ lục và là lần đầu tiên trong vòng 5 năm lãi suất của loại trái phiếu này thấp hơn lãi suất của trái phiếu kỳ hạn 2 năm. Mức cầu cao đối với trái phiếu đã làm cho lãi suất trái phiếu giảm đi, và các chuyên gia cho biết ngày hôm nay họ nhận thấy nhiều người xem việc mua công trái Nhật Bản để cách giữ tiền an toàn tại một thời điểm có nhiều mối lo ngại về nền kinh tế toàn cầu. Những khó khăn của ngành ngân hàng Ngân hàng trung ương Nhật tháng trước đã quyết định áp dụng lãi suất âm đối với một bộ phận của những khoản ký thác vào Ngân hàng Nhật Bản của một số định chế tài chánh. Ông Todd Walzer là chủ tịch của công ty iland6 Capital, chuyên tư vấn về phát triển kinh doanh ở Nhật Bản cho các công ty công nghệ cao của Israel. Ông nói “Quyết định đó của ngân hàng trung ương Nhật có mục đích thúc đẩy các ngân hàng cho vay tiền, nhưng các ngân hàng cần phải thay đổi cách suy nghĩ trước. Những ngân hàng này không ngừng cho các công ty ‘dỏm’ vay tiền trong khi không chịu cung cấp tín dụng cho các công ty tốt nhưng không hợp ý của họ.” Cần có thêm tinh thần kinh doanh mạo hiểm Chỉ số Nikkei 255 trên bảng điện tử thông tin chứng khoán ở Tokyo, ngày 9/2/2016. Ông William Saito, một chuyên gia về vốn mạo hiểm, là cố vấn đặc biệt cho nội các Nhật. Ông cho đài VOA biết rằng nước Nhật, với dân số bị bị lão hoá và sút giảm nhưng không muốn tiếp nhận di dân, cần phải khích lệ tinh thần kinh doanh mạo hiểm mới có thể khôi phục mức tăng trưởng cao. Ông nói “Các công ty lớn có tiền bạc, tiếng tăm và kỹ năng quản trị -- những thứ mà các công ty khởi nghiệp không có. Tuy nhiên, các công ty khởi nghiệp có sự canh tân, tốc độ và sự sáng tạo mà các công ty lớn cần có. Hai thứ này có thể bổ sung cho nhau một cách rất tốt đẹp. Cho nên chúng ta cần phải tìm ra cách thức để gộp chung hai thứ này và làm cho một cộng một bằng ba.” Kinh tế Abe (Abenomics) chưa phải là giải đáp Thủ tướng Shinzo Abe đã phát động một chương trình cải cách kinh tế khá táo bạo, được gọi là kinh tế Abe, vào năm 2012, với sự nới rộng tài khoá, kích thích tiền tệ và những biện pháp cải cách sâu rộng. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng những cải cách đó chưa đủ để kinh tế Nhật Bản khôi phục. Họ cho rằng bên cạnh việc cải thiện sự quản trị của các doanh nghiệp lớn và cải cách các khu vực như nông nghiệp và năng lượng, Nhật Bản cần phải thay đổi luật lao động, gia tăng số phụ nữ tham gia lực lượng lao động và hạ thấp những rào cản đối với di dân. Vụ tuột dốc của thị trường Nhật ảnh hưởng tới các nước khác Bộ trưởng tài chánh Nhật Bản Taro Aso cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến trên thị trường tiền tệ. Những khó khăn của Nhật ngày hôm nay cũng có tác động tiêu cực đối với những người mua bán chứng khoán tại các thị trường khác trong khu vực mở cửa trong ngày Tết âm lịch. Tại Australia, chỉ số ASX 200 sụt gần 3%. Những người mua bán chỉ tệ ở Á châu mô tả một tình trạng hốt hoảng, trong đó các quỹ đầu tư ở Âu châu bán tống đô la Mỹ mà họ đang có rất nhiều để mua đồng yen và đồng Phật lăng Thuỵ Sĩ – hai loại chỉ tệ được xem là nơi ẩn náu an toàn vào một thời điểm có nhiều yếu tố bất định. Đồng yen tăng giá làm cho hàng xuất khẩu Nhật trở nên đắt hơn, và đây là một điều bất lợi cho một nền kinh tế đang bị trì trệ và lệ thuộc nhiều vào việc bán hàng cho các nước khác. Bộ trưởng tài chánh Nhật, ông Taro Aso, mô tả vụ tăng giá mạnh của đồng yen hôm nay là “thô bạo.” Ông cho báo chí biết rằng Nhật Bản “sẽ tiếp tục theo dõi sát những diễn tiến trên thị trường tiền tệ.”
  14. Cửa hàng bán điện thoại di động của Samsung, Nokia và Apple tại Hà Nội. Tin liên hệ TPP sẽ giúp tầng lớp ‘thấp cổ bé họng’ ở Việt Nam? Giới quan sát nhận định việc ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ khiến Việt Nam phải có trách nhiệm hơn với người lao động Giới lãnh đạo Việt Nam tiếp tục cải cách để tăng trưởng kinh tế Lão hóa, nợ nần đe dọa nền kinh tế Việt Nam Việt Nam hoàn tất đàm phán về lắp ráp ôtô với Nga, Belarus 09.02.2016 Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2015, số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được đăng ký ở Việt Nam đạt mức kỷ lục hơn 23 tỷ đôla, tăng hơn 12,5% so với năm trước. Các nhà kinh tế đánh giá rằng mức độ thu hút FDI là một trong những chỉ số đo lường sự phát triển kinh tế vì nó thể hiện sự cam kết về dài hạn của các công ty nước ngoài đối với nền kinh tế. Song chính những nhà kinh tế này cũng cảnh báo việc lệ thuộc quá nhiều vào FDI sẽ có những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài có thể trở thành lực lượng chi phối nền kinh tế quốc gia, trong khi các công ty trong nước phải trả giá. Mức tăng FDI ở Việt Nam trong năm qua đạt được chủ yếu nhờ việc các công ty như Samsung của Nam Triều Tiên hay Janakuasa của Malaysia gia tăng đầu tư. Các doanh nghiệp FDI cũng đóng góp một phần lớn trong xuất nhập khẩu của Việt Nam. Họ đã xuất khẩu 115,1 tỷ đôla, tương đương 71% giá trị xuất khẩu năm 2015 của cả nước, tăng 13,8% so với năm 2014. Cũng trong 2015, họ nhập khẩu 97,9 tỷ đôla, chiếm 59.2% nhập khẩu của cả nước. Các con số này cho thấy các doanh nghiệp FDI đã đóng góp mức thặng dự thương mại là 17,2 tỷ đôla cho nền kinh tế. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước chỉ đóng góp 47,3 tỷ đôla, giảm 3,5% so với năm trước. Dữ liệu của Hải quan Việt Nam cho thấy từ đầu năm 2015, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước liên tục sụt giảm. Từ tháng 5/2015, giá trị xuất khẩu của khối này liên tục giảm 10% so với cùng kỳ năm 2014. Trong khi đó khu vực FDI vẫn tăng trưởng đều đặn khoảng 20%. Vai trò chi phối ngày càng tăng của các công ty FDI đang làm các nhà kinh tế lo ngại rằng nền kinh tế sẽ quá lệ thuộc vào FDI, dẫn đến điều có thể là một nghịch lý, đó là làm còi cọc nền kinh tế trong nước. Mặc dù các công ty FDI đã và đang đóng góp to lớn cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn, song các nhà kinh tế chỉ ra rằng đất nước sẽ trả cái giá lớn hơn về dài hạn vì các nguồn lực bị cạn kiệt. Nghiên cứu của các Tiến sỹ Trần Thọ Đạt và Tô Trung Thanh của ĐH Kinh tế Hà Nội cho thấy tỷ lệ Tổng Thu nhập Quốc nội (GNI) trên Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) đang giảm đều đặn. Kể từ năm 2006, tỷ lệ GNI/GDP đã giảm từ 97,9% xuống 95,1%. Hai nhà nghiên cứu ước tính khoảng 8,6 tỷ đôla đã đi ra nước ngoài năm 2013 và tăng lên 9 tỷ đôla năm 2014 và thêm 4,2 tỷ đôla nữa trong nửa đầu năm 2015. Tiến sỹ Đạt nhận định rằng với mức tăng lượng tiền chuyển ra ngoài nước như vậy, Việt Nam cần điều chỉnh con đường phát triển kinh tế và nên khuyến khích phát triển kinh tế quốc nội thay vì lệ thuộc quá nhiều vào FDI. Theo Vietnamnet, Cafef.vn.
  15. Tiến sĩ Nguyễn Quang A trước tòa thị chính của một thành phố ở Trung Quốc với chiếc áo No-U phản đối đường lưỡi bò của Trung Quốc ở Biển Đông. Tin liên hệ Tiến sỹ Nguyễn Quang A: ‘Tôi đã bị bắt cóc’ Người tranh đấu cho xã hội dân sự ở Việt Nam nói đã bị câu lưu “trái phép” ở sân bay, và sẽ nhờ luật sư để chấm dứt “một lần và mãi mãi những sự vi phạm hết sức là trắng trợn”. Các tổ chức xã hội dân sự cầu nguyện cho các tù nhân lương tâm Việt Nam 'phải bảo vệ' những người tố cáo quan chức tham ô Việt Nam bỏ phiếu tín nhiệm 50 lãnh đạo Khánh An-VOA 10.02.2016 Tính cho đến ngày hôm nay (9/2), đã có gần 10 cá nhân độc lập tại Việt Nam tự đứng ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14. Hiện tượng đặc biệt mới xuất hiện này nhận được khá nhiều sự ủng hộ trên mạng xã hội, dù không mấy người đánh giá cao về mức độ thành công của các ứng viên ngoài đảng Cộng sản tự ứng cử. Khánh An tường trình. Khởi đầu làn sóng tự ứng cử là Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà tranh đấu cho xã hội dân sự tại Việt Nam, hiện đang sống ở Hà Nội. TS. Nguyễn Quang A nói ông không hy vọng nhiều về khả năng ông có thể ‘lọt’ được qua các vòng loại của quá trình bầu cử vào quốc hội, nhưng đây là một phần trong rất nhiều hoạt động của phong trào học tập dân chủ đã được khởi động tại Việt Nam những năm gần đây ở ‘tầm sâu rộng hơn nhiều’. “Phong trào học tập dân chủ mà chúng tôi đã khởi động từ lâu lâu rồi, chí ít là từ Kiến nghị 72, tức 3 năm trước, thì nó rộng hơn rất nhiều, trong tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, chứ không chỉ là việc tự ứng cử.” Mình thấy bác Nguyễn Quang A làm việc này thì mình cũng thấy đấy là một nguồn năng lượng, nguồn động viên rất lớn để cho một số anh em chúng tôi đứng lên làm cái việc là tự ra ứng cử. Nhưng cũng phải nói thêm nữa là cái thời điểm của xã hội Việt Nam bây giờ là chúng ta phải làm như thế thôi, không thể nào cứ u mê tăm tối mãi như thế được... Kỹ sư Hoàng Cường nói. Việc tự ra ứng cử, theo TS. Nguyễn Quang A, là để người dân ‘thức tỉnh’ về các quyền chính trị cơ bản của mình và biến nó thành hiện thực, thay vì chỉ là quyền hão như từ trước tới nay. Chỉ chưa đầy một tuần sau khi TS. Nguyễn Quang A loan báo quyết định tự ứng cứ, có gần 10 cá nhân độc lập cũng tuyên bố tự ứng cử làm đại biểu Quốc hội sắp tới như nhà văn Phạm Thành, blogger Nguyễn Tường Thụy, kỹ sư Hoàng Cường, blogger Đặng Bích Phượng… Luật sư Lê Văn Luân, người gần đây bị côn đồ hành hung ở Chương Mỹ, Hà Nội, sau khi đứng ra nhận trợ giúp pháp lý trong vụ án một thiếu niên chết trong thời gian bị giam giữ, cũng đang ‘cân nhắc’ về quyết định tự ra ứng cử mà anh nói là ‘nghe hơi viễn vông’. “Nhiều người dân cũng ủng hộ và nhắc đến việc đó cho tôi, nên tôi cũng cân nhắc là có ra kỳ này hay không. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu có ra kỳ này thì đó là một bước đệm cho tôi và cũng là kinh nghiệm cho kỳ sau.” Phong trào học tập dân chủ mà chúng tôi đã khởi động từ lâu lâu rồi, chí ít là từ Kiến nghị 72, tức 3 năm trước, thì nó rộng hơn rất nhiều, trong tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, chứ không chỉ là việc tự ứng cử Tiến sĩ Nguyễn Quang A. Luật sư Lê Văn Luân cho biết ý định ban đầu của anh là ra ứng cử vào kỳ bầu cử tới, vì theo anh, khi đó mới đúng thời điểm. Luật sư Luân nói anh khá bất ngờ khi nghe Tiến sĩ Nguyễn Quang A tự ra ứng cử, một quyết định mà anh cho là ‘táo bạo’ và ‘ảnh hưởng đến chiến lược sau này’. Trong khi đó, kỹ sư Hoàng Cường cho biết về quyết định tự ứng cử: “Mình thấy bác Nguyễn Quang A làm việc này thì mình cũng thấy đấy là một nguồn năng lượng, nguồn động viên rất lớn để cho một số anh em chúng tôi đứng lên làm cái việc là tự ra ứng cử. Nhưng cũng phải nói thêm nữa là cái thời điểm của xã hội Việt Nam bây giờ là chúng ta phải làm như thế thôi, không thể nào cứ u mê tăm tối mãi như thế được, không thể nào cứ vỗ tay mãi như thế được. Chúng ta cũng phải làm những hành động của mình.” Đánh giá về mức độ thành công của các cá nhân tự ứng cử, hầu hết đều cho là ‘rất thấp, thậm chí là ‘số âm’ như đánh giá của kỹ sư Hoàng Cường. “Cái phần âm đấy sẽ là…hậu quả rất lớn.” Hầu hết những cá nhân đứng ra tự ứng cử đều ý thức được những ‘hậu quả’ có thể xảy đến, mà trước tiên theo họ, là vòng ‘đấu tố’, tức hội nghị cử tri. Bà Đặng Bích Phượng chia sẻ trên trang mạng cá nhân: “…tự ứng cử, trước hết là hứng chịu sự gièm pha của dư luận, sau là nếu người ta cho mình lọt vào vòng đầu, là qua tổ dân phố, kiểu gì người ta cũng bố trí quần chúng tự phát đứng ra đấu tố. Thế nên tự ứng cử, thực ra là một hành động rất dũng cảm.” Bà Phượng không giấu diếm cảm giác sợ hãi khi một số người quen đề nghị bà ra tự ứng cử, vì theo bà, ‘khen người khác dũng cảm thì dễ’, chứ ‘bảo mình tự ra ứng cử đi, thì nhà em…chỉ muốn lặn thật sâu’. ...tự ứng cử, trước hết là hứng chịu sự gièm pha của dư luận, sau là nếu người ta cho mình lọt vào vòng đầu, là qua tổ dân phố, kiểu gì người ta cũng bố trí quần chúng tự phát đứng ra đấu tố. Thế nên tự ứng cử, thực ra là một hành động rất dũng cảm. Blogger Đặng Bích Phượng chia sẻ. Nhưng cuối cùng, những người tự ứng cử cho biết họ vẫn sẽ làm những việc họ mà phải làm. Với những tiến triển mà một số người cho là ‘hiệu ứng domino’ chỉ trong vòng 1 tuần, TS. Nguyễn Quang A nói ông rất vui khi thấy những người trẻ tự ra ứng cử. Ông nói: “Càng nhiều người ý thức được việc học làm dân chủ phải như thế nào, thì sẽ càng tốt cho tương lai của đất nước”. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Quang A cũng lưu ý rằng không nên kỳ vọng là những hành động ‘nho nhỏ’ như thế này sẽ ngay lập tức có kết quả trong sự biến chuyển xã hội. Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14, nhiệm kỳ 2016 – 2021, sẽ diễn ra vào ngày 22/5/2016.
  16. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong buổi lễ khai mạc Đại hội đảng 12 tại Hà Nội, ngày 21/1/2016. Tin liên hệ 2016: Một năm sẽ không yên ổn Năm 2016 khởi đầu với những sự kiện đặc biệt. Đại hội XII kết thúc sau các pha tranh giành quyền lực cực kỳ quyết liệt Chúc mừng Tổng Bí thư mới Qua chuyện người, nói chuyện ta Một Đại hội thích chơi đồ cổ Ý Đảng và lòng Dân Tin vui ngay trước Đại Hội XII Ðường dẫn Blog Bùi Tín Bùi Tín 10.02.2016 Ông Trọng vừa hứa sẽ gần dân, trọng dân và vì dân. Mọi người dân trân trọng ghi nhận lời hứa này. Vừa rồi ông đã lỡ lời, sau khi đã tận lực giành ghế thêm một nhiệm kỳ, rằng ông ‘’bị bất ngờ!‘’. Thế là giả dối. Ông tuổi già nhất còn cố ở lại, thế mà còn nói rằng ‘’muốn trẻ hóa bộ máy lãnh đạo’’. Thế là đạo đức giả. Thế là không gần dân, không trọng dân, vì dân. Nhiều người không ưa kiểu làm một đẳng nói một nẻo như thế. Rất nhiều người dân mong rằng sang nhiệm kỳ 2, ông Trọng thức tỉnh hẳn, tỏ ra bén nhạy hơn, làm nhiều hơn nói, làm khẩn trương, quả đoán, không rụt rè như “diệt chuột còn sợ bình vỡ”, chống bành trướng còn sợ làm mất lòng Bắc Kinh. Giá như tôi có dịp gần ông, và ông biết lắng nghe, tôi sẽ góp ý với ông về một số việc cần làm như sau. Tình hình đất nước cực kỳ nghiêm trọng, lòng dân không yên, thử thách sống còn của đất nước đang ở ngay trước mắt. Người dân góp ý kiến cho ông, kiến nghị, đề nghị, khuyên răn ông nhiều lắm, ông hãy lắng nghe. Đất nước chậm tiến, lạc hậu rất nhiều mặt, nhưng Đại hội XII không đưa ra giải pháp nào nổi bật mang tính cứu nguy. Thời gian để quá nhiều cho việc giành ghế, coi đó là việc hệ trọng nhất. Rất nhiều việc cấp bách, sẽ lại mất 5 năm nữa, sau khi mất 40 năm và 70 năm rồi. Các nước láng giềng bỏ xa ta ngày càng lớn. Nay vẫn lại kiểu Ban Chấp hành Trung ương họp mỗi năm 2 lần, xuân thu nhị kỳ, ra quyết định chung chung, không có biện pháp cụ thể. Tình hình gấp hàng tháng, phải đi nhanh để bù lại thời gian đã mất. Mong rằng ông sẽ thuyết phục Bộ Chính trị (BCT) có kế hoạch hành động thật rõ từng quý một, tháo gỡ những vướng mắc, nút chặn nguy hiểm nhất gây ách tắc, tập trung khai thông những sự kiện từ lớn đến nhỏ, đi từ những việc lớn có ý nghĩa chiến lược,mở đường, bẻ lái. Ngay trong quý 1 này, BCT hãy chuẩn bị mọi mặt thật tốt để gia nhập TPP nhanh gọn, ra quyết định lập các công đoàn tự do cho người lao động. Nhân ngày Tết Bính Dần, hãy trả tự do cho tù chính trị, như Cuba và Myanmar đã làm. Hai việc này sẽ tạo không khí Xuân cho năm mới. Trong quý 2, BCT hãy tập trung bàn chuyện thay đổi Cương lĩnh của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), ra tuyên bố đảng đã làm trọn một giai đọan lịch sử, có thành tựu và sai lầm, xin chịu trách nhiệm với nhân dân, nay chuyển đổi sang một đảng mới - mang tên Xã hội Dân chủ, chẳng hạn - đồng thời thông qua Luật về lập hội, mở ra thời kỳ đa nguyên đa đảng, thật sự dân chủ, có cạnh tranh giữa nhiều đảng của dân tộc, như mọi nước dân chủ khác. Đảng CSVN hãy mạnh dạn và tự hào cùng toàn dân mở ra kỷ nguyên dân chủ thật sự, theo tiêu chuẩn dân chủ của thời đại. Sự kiện này sẽ là một cống hiến quý báu của đảng CSVN, tạo nên một luồng sinh khí chính trị mới trong cả nước, có ý nghĩa hòa hợp dân tộc, sẽ được cả thế giới dân chủ chào đón nhiệt liệt. Nhân đây xin đưa ra thông tin mới, theo ý kiến của ông La Vũ (trên Đại Kỷ Nguyên 2/2/ 2010), con trai của tướng La Thụy Khanh, từng là lão tướng của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đang có một trào lưu trong đảng Cộng sản Trung Quốc (CSTQ) yêu cầu Tổng Bí thư Tập Cận Bình, sau khi kết thúc đợt đầu chiến dịch diệt tham nhũng, sẽ chủ động thực hiện đa nguyên đa đảng, như ông Tưởng Kinh Quốc, con Thống chế Tưởng Giới Thạch đã mạnh dạn chuyển từ chế độ độc đảng ở Đài Loan sang chế độ đa đảng đầy sức sống hiện nay. Ngay sau đó Đài Loan lập kỳ tích kinh tế và xã hội, trở thành một con Rồng phồn vinh ở châu Á. Sao ta lại không đi trước một bước so với nước lớn nặng nề rất khó chuyển đổi như TQ? Nhiều nước châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia, Nam Triều Tiên... đã thực hiện một thay đổi tận gốc mang tính hồi sinh, lột xác có tính các lịch sử, mang tác dụng nhảy vọt về cả chính trị, kinh tế và văn hóa xã hội. Nếu có những quyết sách lớn để cứu nước như trên đây, thì có phần chắc nền kinh tế sẽ đột biến, nguồn ODA và FDI sẽ chảy vào trên quy mô lớn hơn hẳn, Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ cho vay nhẹ lãi cho các công trình trọng điểm, nợ quốc tế sẽ được giãn lớn, bộ mặt kinh tế tài chính nước ta khác hẳn trước, các khó khăn chồng chất sẽ được giải tỏa. Song song với các việc làm trên đây, Nhà nước nên khôn khéo, từng bước giảm bớt sự có mặt của công nhân TQ trên đất nước ta, giảm bớt việc nhập hàng, nhất là hàng lậu, hàng độc hại, giảm việc khai thác bauxite và trồng rừng của TQ, giảm bớt các công trình do TQ đấu thầu nhưng ỳ ạch, chất lượng kém, đang bị treo, trong khi vẫn giữ bang giao hữu nghị bình thường, lịch sự, bớt dần các khẩu hiệu 16 chữ vàng, 4 tốt...Cần phản đối mạnh mẽ hơn những việc làm phi pháp của TQ trong vùng Biển Đông, nói rõ rằng nhân dân Việt Nam đòi hỏi phải thay đổi đường lối đối ngoại, không tán thành Mật ước Thành Đô, rằng quan hệ xấu đi là trách nhiệm của phía TQ, rằng Việt Nam sẽ đưa những vi phạm đó ra kiện với cơ quan Luật pháp Quốc tế, không thể chậm thêm nữa. Trong quý 3, nên giải quyết thật tốt quan hệ với nông dân, giải quyết các vụ dân oan quy mô đông, hạn chế hẳn việc cưỡng chế, xem xét chênh lệch quá đáng giữa tiền đền bù và giá trị thật. Ra chính sách mới chặt chẽ hơn với các cơ sở quốc doanh, không nuông chiều, lỏng lẻo, đồng thời rộng rãi hơn, tạo thuận lợi về vốn, thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ưu đãi giai cấp trung lưu tư nhân rộng khắp thành bệ đỡ vững chãi cho phồn vinh kinh tế và ổn định xã hội. Đây là gần dân, trọng dân, vì dân thật sự, sẽ làm thay đổi hẳn bộ mặt kinh tế xã hội của đất nước. Những việc cần thiết, quan trọng, cấp bách như trên rất nên được đưa vào chương trình hành động nhịp nhàng của bộ máy cai trị và lãnh đạo, trước hết trong Bộ Chính trị 19 người chung lòng đổi mới thật sự. Trong khi đó nên chọn kỹ Bộ trưởng Giáo dục và Y tế mới trong số các giáo sư chủ trương đột phá trong Hội Khuyến học Chu Văn An, trong hàng ngũ các lương y như từ mẫu tận tâm phục vụ xã hội. Về tư pháp, hướng đổi mới là xét xử công minh theo luật, tòa án nghiêm minh, trong sạch, ủng hộ các luật sư có công tâm, phá án oan. Xét xử nhanh các vụ án lớn có dấu hiệu oan sai, xử lý thẩm phán và điều tra viên vô trách nhiệm chạy theo thành tích, tra tấn bị can. Sang quý Tư, việc lớn nhất nên làm là thúc đẩy thực hiện công khai minh bạch, đặc biệt về tài chính, thanh toán cuối năm, chấm dứt lạm thu, thu quá mức và thất thu, thu không đủ do quan liêu, vụ lợi. Ngân sách từng cấp phải rõ ràng minh bạch, chấm dứt tệ có nhiều bản kế toán và thanh toán giả tạo theo từng cấp, gây thất thoát lớn. Nên lập tòa án xem xét mọi chi tiêu công, kiểm tra các khoản chi tiêu lớn của nhà nước như mua sắm vũ khí, tài sản công, nhận quà và đưa quà Nhà Nước, quản lý các cơ sở công quyền, di tích lịch sử . Đồng thời xem xét việc giảm biên chế thật nghiêm và chặt chẽ, cả biên chế quân đội, công an, viên chức các cấp hiện đã quá tải, nặng nề mà năng suất thấp. Trên đây là những việc chính cốt cần tập trung chỉ đạo giải quyết quả đoán bằng hành động, nói là làm. Đây cũng là những mối lo lớn của nhân dân. Trọng dân, quý dân thì không thể bỏ qua. Đây là việc lao nhanh, phóng nhanh, thoát nhanh ra phía trước. Thời gian không còn nhiều, hành động chậm sẽ trì trệ thêm, vì lòng dân đang sốt ruột, nôn nóng đến cháy bỏng. Nhiều việc cần kíp lẽ ra phải làm từ lâu. Nếu cứ tiếp tục để cho bệnh bảo thủ giáo điều níu kéo, nước ta sẽ bị nhỡ con tàu Thời đại, nhân dân sẽ không thể chịu đựng thêm được nữa, và lãnh đạo cũng sẽ mang tiếng xấu đến muôn đời. Đây là diệu kế thoát hiểm tôi đề nghị với Bộ Chính trị, với mọi tấm lòng trong và ngoài nước trăn trở về vận mệnh quốc gia và tương lai dân tộc, để mọi người trong cộng đồng Việt Nam xem xét và cho ý kiến rộng rãi. * Blog của nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ. Bùi Tín Nhà báo Bùi Tín hiện sống tự do ở Pháp, là một nhà báo chuyên nghiệp, một nhà bình luận thời sự quốc tế, và là cộng tác viên thường xuyên của đài VOA. Ðối tượng chính của nhà báo Bùi Tín là giới trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam quan tâm đến quê hương tổ quốc.
  17. Ngày 26/1/2016, Ủy ban Kiểm tra và Kỷ luật Trung ưởng Đảng Trung cộng thông báo trên website rằng Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia Vương Bảo An (CCDI) bị điều tra vì “Vi phạm kỷ luật đảng nghiêm trọng”. Điều gây chú ý là việc CCDI thông báo điều tra chỉ vài tiếng sau khi ông Vương xuất hiện tại một cuộc họp báo để thông báo về những chỉ số tổng kết tình hình kinh tế năm 2015. Hình Internet Vụ việc cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia bị điều tra tham nhũng sau khi ông công bố số liệu kinh tế Trung Quốc 2015 cho thấy Bắc Kinh có thể muốn chấn chỉnh cách tính các chỉ số này. Cục Thống kê Quốc gia là cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp và công bố những số liệu chính thức về nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm chỉ số GDP. Tuy ông Vương khẳng định những số liệu do NBS công bố đều "đáng tin cậy và có giá trị", nhưng nhiều năm qua, các nhà phân tích, kinh tế học thường chỉ trích những số liệu thống kê kinh tế do chính quyền công bố chính thức là không trung thực. Theo CNN, những người hoài nghi về độ tin cậy của chỉ số GDP chính thức cho rằng các số liệu này giống như để "thờ cúng", vì đây là một cách để thăng tiến, đề bạt nhanh chóng tại Trung cộng. Nếu một quan chức địa phương đạt các chỉ tiêu tăng trưởng hoặc thậm chí vượt mức, những tin tức này sẽ được truyền tới chính phủ trung ương. Một điện tín ngoại giao của chính phủ Mỹ mà Wikileaks công bố cũng từng đề cập đến việc chính quyền Trung cộng chỉnh sửa chỉ số GDP. Andy Xie, nhà phân tích kinh tế độc lập, cho biết "Trung Quốc không có một cơ quan thống kê độc lập. Họ phụ thuộc vào các chính quyền địa phương báo cáo số liệu từ cấp cơ sở. Do vậy, nhiều địa phương có xu hướng bóp méo để làm đẹp số liệu". Chỉ số tăng trưởng năm 2015 của Trung cộng được công bố chính thức là 6.9%, mức chậm nhất trong hơn hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn hoài nghi về phương pháp thống kê của Trung cộng. Báo Wall Street Journal ngày 27/1 dẫn một nghiên cứu của giáo sư Xu Dianqing, chuyên gia kinh tế tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cho thấy chỉ số GDP của Trung cộng chỉ có thể ở khoảng 4.3% - 5.2%. Nhiều phân tích của các cơ quan, tổ chức quốc tế khác, như công ty Capital Economics (Canada), Barclays Bank (Anh), The Conference Board (Mỹ), Oxford Economics (Anh) cũng đưa ra nhận định tương tự, rằng tăng trưởng năm qua của Trung cộng chỉ khoảng 4 - 6%. Một trong những trường hợp đáng chú ý như tỉnh Liêu Ninh. Cách đây 3 năm, địa phương này báo cáo tăng trưởng đến 9.5%, nhưng số liệu của 3 quý đầu năm 2015 chỉ đạt 2.7%. Tương tự, tỉnh Cát Lâm báo cáo tăng trưởng 12% cách đây 3 năm nhưng chỉ số hiện tại chỉ 6.3%. Các tỉnh này đều là những địa phương có mức tăng trưởng thấp nhất trên toàn quốc. Năm 2015, một đánh giá của giới chuyên gia phản biện ở Hồng Kông còn cho biết GDP thực chất của Trung cộng chỉ khoảng 2-3%. Còn Việt Nam thì sao? Năm 2013, Trưởng ban kinh tế trung ương Vương Đình Huệ đã phải hài hước một khái niệm hoàn toàn mới “GDP có chân”. Trong khi rất nhiều tỉnh thành báo các GDP địa phương luôn ở mức 10-15%, thì GDP bình quân của quốc gia lại chỉ khoảng 5%. Số còn lại “chạy” đi đâu? Báo cáo láo là một đặc thù ăn mòn trong não trạng của giới cầm quyền Việt Nam từ trên xuống dưới. Trong hoàn cảnh rất gần với Trung cộng về “các điều kiện phát triển”, nhiều khả năng GDP thực tế ở Việt Nam không thể như số báo cáo từ 5-6%, mà thấp hơn nhiều. 2015 là năm thứ 8 liên tiếp nền kinh tế Việt Nam rơi vào suy thoái. Có đánh giá cho rằng trong tình hình khốn khó ấy, GDP tực tế của Việt Nam chỉ vào khoảng 1-2%. Lê Dung (SBTN)
  18. Một bảng xếp hạng 2014 đặt Việt Nam đứng thứ 119 về tham nhũng trên thế giới Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình được báo chí Việt Nam trích lời nói sai phạm kinh tế phát hiện ra được trong giai đoạn 2011-2015 lên tới số tiền tương đương 9,3 tỷ USD. Phát biểu trong một cuộc họp trước Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Thái Bình cho biết, giai đoạn 2011 – 2015, Thanh tra Chính phủ đã triển khai 37.390 cuộc thanh tra hành chính và trên 783.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. "Qua thanh tra, kiểm tra đã chấn chỉnh những sai phạm trong quản lý... phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế với số tiền là 208.540 tỷ đồng." Đây là khoản tiền 9,3 tỷ USD, nếu tính vào thời giá tháng 2/2016. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thái Bình cũng được báo chí trích lời nói Thanh tra Chính phủ "đã kiến nghị thu hồi gần 119.400 tỷ đồng". Ngoài ra cơ quan này cũng kiến nghị thu hồi "19.230 héc-ta đất; kiến nghị xử lý kỷ luật 6.460 tập thể, 22.700 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 297 vụ, 355 người". 'Vi phạm kỷ cương' Một cuộc họp báo của Thanh tra Chính phủ Việt Nam Có vẻ như các phát hiện trên xảy ra ở địa phương vì phát biểu của ông Nguyễn Thái Bình được nêu ra tại Hội nghị toàn quốc về hoạt động của Hội đồng nhân dân và UBND tại Quốc hội hôm 02/2. Ông Nguyễn Thái Bình xác nhận: "Tình trạng vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính vẫn còn xảy ra ở không ít địa phương." Ngoài ra, Bộ trưởng Nội vụ cũng nói: "Năng lực, trình độ, kỹ năng quản lý hành chính nhà nước của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; tình trạng tham nhũng, cửa quyền, sách nhiễu vẫn chưa được khắc phục." "Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý, đánh giá và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, nhiều địa phương đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao." Hồi cuối năm 2015, chính Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng cũng nói "chống tham nhũng khó là ở chỗ lợi ích nhóm, liên quan chằng chịt giữa kinh tế và chính trị, giữa doanh nhân với những người có chức, có quyền, ngoắt ngoéo với nhau". Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) trong báo cáo năm 2015 đã đặt Việt Nam vào hạng 112/168 về tham nhũng trên toàn cầu. Bảng xếp hạng của tổ chức có trụ sở tại Berlin công bố hôm 27/1/2016 đánh giá cảm nhận về tham nhũng từ người làm doanh nghiệp và các chuyên gia trước nạn tham nhũng ở 168 quốc gia. (BBC)
  19. Thanh Trúc, phóng viên RFA 2016-02-09 In trang này Chia sẻ Ý kiến của Bạn Email Nghe hoặc Tải xuống Lễ tưởng niệm chiến sĩ Hoàng Sa ở Hà Nội hôm 19/1/2016, một hoạt động của phong trào dân chủ trong nước. Photo courtesy of basam Báo chí trong nước, đặc biệt báo do nhà nước chỉ đạo, gọi các tổ chức đấu tranh dân chủ trong nước là "vỡ tuồng dân chủ”, những thành viên trong những hội hay những nhóm đó là “bầu dân chủ” hoặc “chăn dắt dân chủ”. Với tiêu đề “Tuồng dân chủ” và “bầu dân chủ” viết trong ngoặc kép, bài xã luận trên báo Nhân Dân, tiếng nói chính thức của chính phủ Việt Nam, số ra ngày 30 tháng Giêng 2016 có đoạn mở đầu nguyên văn như sau: “Vài năm trở lại đây, từ sự xuất hiện một số hội, nhóm, tổ chức tự xưng “đấu tranh cho dân chủ”, “thể hiện lòng yêu nước “chủ yếu là chủi bới, hò hét trên in-tơ-nét (internet), tụ tập, gây rối xã hội....mà trên internet đã ra đời một khái niệm là “tuồng dân chủ”, và đi kèm với khái niệm này là “bầu dân chủ”! Ngưng trích. Vẫn theo bài báo này, trong lúc cả nước có những hoạt động tương thân, tương ái, âm thầm hỗ trợ cứu giúp đồng bào bị thiên tai, hoạn nạn, người nghèo vùng sâu vùng xa mà không cần được dư luận biết tới, thì cũng có những người thật kỳ quặc, nếu không muốn nói là phi nhân tính, hàng ngày lên internet kể lể phô trương hình ảnh về công việc từ thiện của mình, rồi lại còn lợi dụng những hành động từ thiện để tụ tập, trưng khẩu hiệu, hò hét ngoài đường rất phản cảm. Trích nguyên văn: “Và như là sản phẩm hài hước hóa, hiện tượng này đã được khái quát và định danh bằng một nghề mới gọi là “bầu dân chủ”, có người còn gọi là nghề “chăn dắt dân chủ” “Bầu dân chủ” thường xuất hiện ở nơi mà một nhóm người vốn đã nhẵn mặt trên Internet, tụ tập dưới hình thức trí trá gọi là biểu tình, tưởng niệm...”. Ngưng trích. Từ Hà Nội, nhà báo tự do, nhà hoạt động dân chủ và bảo vệ dân oan, ông Nguyễn Khắc Toàn, nói rằng ông không ngạc nhiên khi báo Nhân Dân cố ý hạ thấp, dùng những từ như “tuồng dân chủ” hay “bầu dân chủ” đối với những tổ chức xã hội dân sự mà họ tránh nêu đích danh. Vẫn lời ông, cũng chính nhờ nơi internet mà người ta có thể biết ai chủi bới hò hét và ai ăn nói đường hoàng: Thực ra những người dân chủ tự do trong nước không hề thù đich nhân dân, đất nước và xã hội này. Họ muốn đất nước chuyển mình thành một xã hội tự do dân chủ và tôn trọng quyền con người như các nước trong khu vực và các nước văn mình trên thế giới. Cho nên trong những năm qua trong nước đã hình thành nên những phong trào dân chủ tự phát , tham gia là rất nhiều những người trong các giới của xã hội, trí thức có, nhân sĩ có, đảng viên tư tưởng cấp tiến và tiến bộ có, cựu sĩ quan quân đội có, công an có, giáo viên rồi giáo sư đại học có, nhà sư rồi linh mục cũng có... Tóm lại trong xã hội Việt Nam có bao nhiêu tầng lớp người thì các phong trào dân chủ đều có mặt của họ cả. Họ chỉ trích đảng cộng sản Việt Nam độc tài, độc đoán, độc quyền cai trị đất nước, vì thế họ đã bị gán cho rất nhiều những cái tên nghe không hay ho một chút nào cả. Nhưng mà nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, của Internet mà nhân dân trong nước tiếp cận được sự thật nên người ta phân biệt đâu là giả trá, đâu là chính nghĩa. Người ta cũng nhìn thấy nhà cầm quyền có những lập luận và gán ghép một cách khiên cưỡng cho những người có tấm lòng, những người có lương tâm. Đấu tranh bất bạo động Về những tổ chức xã hội dân sự đang bị báo chí nhà nước hạ thấp giá trị đồng thời gán cho cái tên “tuồng dân chủ” hoặc cái nghề “bầu dân chủ”, nhà báo tự do Nguyễn Khắc Toàn cho biết: Thí dụ hội Bầu Bí Tương Thân, hội Liên Đới Dân Oan, hội Phụ Nữ Nhân Quyền, hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm, hội Nhà Báo Độc Lập vân vân.... Trước việc lập ra những hội nhóm dân sự tự phát như thế thì đảng cộng sản Việt Nam không muốn một chút nào cả nhưng vì tình thế ngày hôm nay khác trước nên họ cũng không dám thẳng tay đàn áp. Đảng cộng sản Việt Nam cố tính đổ vấy cho họ là lập hội trái phép hay là tụ tập này nọ để gây rối. Đấy là sự xuyên tạc của nhà cầm quyền, viết trên báo Nhân Dân như vậy là chuyện xằng bậy. vô văn hóa, không đáng trách nhưng cần phải vạch mặt trước công luận. Bài xã luận trên báo Nhân Dân còn nhắc tới hoạt động có tên Tuần Lễ Nhân Quyền do Hội Anh Em Dân Chủ và Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức ở Nghệ An ngày 6 tháng 12 năm 2015, gọi buổi thảo luận đó là “con ễng ương của phong trào dân chủ” mà số người tham dự chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tưởng cần nhắc một thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, luật sư Nguyễn Văn Đài, đã bị đánh đập sau khi tham dự Tuần Lễ Nhân Quyền ở Nghệ An rồi tiếp đó bị bắt giam ngày 16 tháng Mười Hai 2015. Tờ Nhân Dân cũng nhắc đến một sinh hoạt hai ngày tại chùa Liên Trì tháng Mười Hai 2015, nói là “chỉ lèo tèo vài gương mặt cũ kỹ với hoạt động chính là tụ tập, chụp ảnh để báo cáo mấy ông “bầu dân chủ” cấp cao ở hải ngoại về tình hình và cách thức cung ứng tiền bạc. Sự lố bịch trơ tráo này của họ khiến dư luận trên Internet kinh ngạc” . Ngưng trích. Cũng xin được nhắc Chùa Liên Trì ở TP Hồ Chí Minh là nơi thường tổ chức cứu trợ bão lụt, tổ chức tặng quà ủy lạo thương phế binh miền Nam mà nhiều lần bị công an ngăn chận và đe dọa. Theo ông Phạm Văn Trội, thành viên Hội Cựu Tù Nhân Lương người ta không kinh ngạc vì những ngôn từ có tính cách mạ lỵ của báo Nhân Dân mà người ta kinh ngạc là tại sao thái độ ôn hòa bất bạo động của các tổ chức xã hội dân sự lại bị công quyền đáp trả bằng vu khống cũng như bạo lực: Ôn hòa bất bạo động là tinh thần của những người bất đồng chính kiến mà nhân dân hoan nghênh vì có tiếng nói thay cho họ. Báo Nhân Dân nhận tiền từ chính quyền vì vậy phải nói theo giọng nói của chính quyền. Nói bầu nọ bầu kia, tuồng nọ tuồng kia là giọng điệu vu khống của báo Nhân Dân. Thực tế là không có nhóm nào gây rối cả, Việt Nam đang có 28 tổ chức xã hội dân sự đều hoạt động trong không khí bất bạo động và hòa bình. Họ tuần hành cũng rất trật tự ôn hòa trên hè phố, không bao giờ làm mất trật tự giao thông, không quấy rối không đập phá tài sản của ai cả. Những người bị chính quyền xâm phạm lợi ích cũng có quyền bày tỏ thái độ và quyền tự bảo vệ tài sản của họ theo pháp luật. Báo Nhân Dân nói như vậy là vu khống, là gắp lửa bỏ tay người. Tóm lại, có hay không có chuyện các tổ chức , các hội, các nhóm mượn danh hoạt động từ thiên hay tranh đấu dân chủ để hò hét chủi bới trên Internet như báo Nhân Dân viết? Từ Paris, ông Nguyễn Gia Kiểng, bình luận gia chính trị của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, cho rằng cáo buộc các nhóm các hội tự phát trong nước có bạo động là điều không thể chấp nhận được. Tôi cũng quen biết những nhóm đó và cũng theo dõi hoạt động của họ trên mạng xã hội, thì tôi thấy tất cả đều có một mẫu số chung là không gây bạo loạn và đều rất ôn hòa, có khi còn ôn hòa dưới mức độ bình thường nữa, có những quyền đáng lẽ họ đương nhiên phải có mà họ cũng dè dặt. Tuy nhiên trên các trang mạng xã hội Việt Nam, ông phân tích tiếp, cũng có tình trạng khá là xô bồ: Có những thành phần chửi bới và hò hét, có những thành phần dùng lời lẽ bất nhã. Nhưng mà theo nhận định của tôi sau một thời gian theo dõi rất sát thì tất cả những nhóm đó đều là những nhóm dư luận viên của nhà nước. Còn những anh em trong các tổ chức xã hội dân sự họ rất ôn hòa. Không những thế, phải nói tôi có một cảm tưởng rất rõ rệt là họ sống ít nhiều trong sự sợ sệt những biện pháp đàn áp của chính quyền. Thêm vào đó cũng có một hiện tượng rất đáng quan tâm lo ngại là từ mấy năm nay chính quyền cộng sản Việt Nam gia tăng một biện pháp thô bạo là sử dụng côn đồ để mạt sát đánh đập những người dân chủ mà thí dụ rất gần đây là trường hợp anh Nguyễn Văn Đài. Những người đó chắc chắn là công an, hơn nữa nhiều trường hợp họ không giấu họ là công an nữa. Vậy thì sự thô bạo đến từ phía chính quyền chứ không đến từ các tổ chức xã hội dân sự. Về phần nhà báo tự do Nguyễn Khắc Toàn, ôn hòa và bất bạo động là hình thức tranh thủ tư duy phổ biến của thời đại, người đọc sẽ quyết định phần đúng nghiêng về báo Nhân Dân của Nhà Nước hay nghiêng về các tổ chức xã hội dân sự trong nước.
  20. Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ 2016-02-09 In trang này Chia sẻ Ý kiến của Bạn Email Nghe hoặc Tải xuống Thả cá chép sau khi cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp. AFP photo Phong thủy được phổ biến nhiều tại Việt Nam sau nhiều năm hầu như có thể nói là hoàn toàn vắng bóng trong thời chiến tranh ở miền bắc. Nhiều cơ sở quảng cáo bán các vật liệu phong thủy ra đời, cũng như nhiều người tự xưng là thầy phong thủy làm tư vấn cho người dân… Trong chuyên mục Khoa học Môi trường tối mồng hai tết Bính Thân, Gia Minh nói chuyện với giáo sư Nguyễn Đình Cống, từng công tác tại Đại học Xây dựng Hà Nội và có giảng dạy một số lớp căn bản về phong thủy tại Việt Nam trong thời gian qua. Xuất xứ từ đâu Gia Minh: Ông từng tham gia giảng dạy một số lớp phong thủy tại Việt Nam trong năm qua, vậy xin ông cho biết tình hình thực tế đó? Giáo sư Nguyễn Đình Cống: Tôi đi dạy phong thủy là dạy chơi cho vui thế thôi; chứ tôi cũng không tin gì vào nó lắm đâu. Tôi không như người khác, tôi đi dạy một số kiến thức cơ bản về phong thủy như xem hướng nhà, vị trí nhà, đất đai… Tôi cho rằng phong thủy có ảnh hưởng và ảnh hưởng của môi trường tâm linh đối với con người; nhưng ảnh hưởng đó chỉ chiếm chừng 5-10% trong cuộc sống con người ta thôi chứ không phải quyết định gì ‘ghê gớm’ lắm đâu. Nên tôi không chuyên, tôi đi dạy vì có những anh em muốn biết và tôi từng học phong thủy nên truyền đạt cho họ chứ tôi không hành nghề phong thủy; do đó tôi không có những hiểu biết và hoạt động sâu về phong thủy đâu. Vào đầu năm mới, người ta hay nói chuyện này, chuyện kia thì đó thuộc lĩnh vực dự đoán. Dự đoán năm nay âm- dương thế nào, bốc các quẻ ra làm sao … Gia Minh: Đối với những người không hiểu về phong thủy thì theo họ xây nhà thế nào cho thông thoáng, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đến sự làm ăn của gia đình… thì quan niệm như thế có đúng về phong thủy không? Giáo sư Nguyễn Đình Cống: Không, điều đó không thuộc về phong thủy mà thuộc kiến trúc và vi khí hậu. Tức làm một cái nhà sao cho thông thoáng: mùa đông ấm, mùa hè mát, ánh nắng mặt trời vào… Phong thủy phải xét các khí: khí âm, khí dương; rồi theo trường phái nào nữa, mà có đến ba bốn trường phái. Tôi xin hỏi những nước như ở Châu âu, Châu Mỹ họ có học, có làm phong thủy đâu, có cần xem phong thủy đâu nhưng vẫn làm ra những căn nhà có thể ở hằng mấy trăm năm! Vừa rồi tôi đi khắp thế giới một chuyến xem thử thì thấy rằng các nơi khác người ta không có khái niệm gì về phong thủy cả. Người ta chỉ có khái niệm về kiến trúc. Thành ra làm sao một cái nhà sử dụng cho tốt thuộc lĩnh vực kiến trúc, vi khí hậu; còn phong thủy thuộc về tâm linh. Người ta hay nhầm lẫn với nhau. Gia Minh: Phong thủy có nhiều trường phái và xuất xứ chính từ Trung Quốc? Giáo sư Nguyễn Đình Cống: Tôi thấy mọi kiến thức phong thủy đều từ Trung Quốc mà ra. Chứ còn những nước như Ấn Độ, Việt Nam, Nepal, Nhật Bản, Triều Tiên, Philippines, Indonesia đều không có, không phải. Theo hiểu biết của tôi phong thủy xuất xứ từ phía bắc Sông Hoàng Hà của Trung Quốc rồi truyền cho đến bây giờ sang Đài Loan, Việt Nam, Singapore. Gia Minh: Trong phong thủy có điều gì đáng lưu ý và có điều gì dở? Giáo sư Nguyễn Đình Cống: Nói chung nếu vận dụng cho đúng cũng hay. Nhưng có điểm là trong các trường phái về phong thủy có những điều mâu thuẩn nhau lắm; chứ không có thống nhất như toán học. Nó không có cơ sở chỉ nói theo cảm nhận của một số ông nào đó. Nó dựa vào lòng tin thế nào đó. Tất nhiên phong thủy cũng có một số xét gần gần với thực tế, một số cũng từ thực tế mà ra nhưng nó chỉ nói cách làm thế nào mà không giải thích rõ ràng. Gia Minh: Ở Việt Nam hiện nay có nhiều cơ sở bán các loại đá và nói đó là đá phong thủy cho người ta trang trí trong nhà hay xây dựng. Nhận xét của giáo sư về điều đó ra sao? Giáo sư Nguyễn Đình Cống: Trường phái đá này, đá nọ là theo trường phái âm- dương. Trường phái này cho rằng khí trên mặt đất có từng vùng nơi âm mạnh, nơi dương mạnh. Hiện nay ở Mỹ có làm được máy đo được nơi nào dương, rồi dương mạnh, dương yếu; nơi nào âm, âm mạnh, âm yếu. Tùy theo trường khí tại một vùng mà âm- dương mạnh yếu thế nào để điều chỉnh. Ví dụ nơi âm mạnh thì phải đưa dương vào bằng cách chọn đá có dương mạnh đưa vào để đổi trường khí; và ngược lại. Do đó không thể đặt bừa vì đặt bừa sẽ nguy vì không phải đá nào cũng tốt. Ví dụ hiện nay người ta hay dùng đá thạch anh là loại đá có trường khí dương mạnh. Nếu đạt nó vào nơi nào âm thì tốt, còn nơi nào dương mạnh rồi mà đặt thạch anh vào thì nó bốc lên quá, không hay đâu. Mục tiêu là đưa vào những vật để cân bằng âm- dương. Theo tôi cái đó cũng hay nhưng cần nghiên cứu kỹ chứ đừng làm bậy. Có nên tin phong thủy? Gia Minh: Như vậy theo giáo sư những vật liệu nào mang tính âm và vật liệu nào mang tính dương? Giáo sư Nguyễn Đình Cống: Đúng là vật liệu xây dựng có những thứ có tính dương, có thứ tính âm chứ không đâu! Ví dụ như giữa hai loại gạch: gạch đất sét nung có dương tính cao hơn các loại gạch dùng xi măng hay các thứ không nung ép lại thì có tính âm nhiều hơn. Một số đá ốp lát có dương tính mạnh hơn… Tuy nhiên mức độ thế nào thì tôi chưa biết và cũng chưa có ai nghiên cứu kỹ để đo. Gia Minh: Ngày xưa người ta tin phong thủy nhiều nhưng lúc đó vật liệu xây dựng chủ yếu là gạch, đất, đá, cây, gỗ thôi; nay khác nhiều là các loại bê tông, cốt thép… Giáo sư Nguyễn Đình Cống: Vâng, nhưng tôi chưa nghiên cứu kỹ. Ví dụ kim loại có tính âm cao hơn. Gia Minh: Đối với những người đang theo phong thủy, ông có điều gì chia sẻ và muốn nói với họ? Giáo sư Nguyễn Đình Cống: Theo tôi từng tin vào điều gì quá, tin ‘ít ít’ cho vui thì được; chứ còn tin vào cái gì quá thì đôi lúc sẽ có nhầm lẫn. Vừa vừa, phải phải thôi; không có gì tuyệt đối đâu. Những phong tục đầu năm mới của người dân Việt Nam tôi thấy có những cái không hay ho gì đâu. Như tìm hướng xuất hành, xông nhà… thì tôi cho là ‘bịa cho vui’ chứ không có gì đâu! Tại vì người ta nói mùa xuân bắt đầu năm mới nhưng thực ra ngày mồng 1 tháng giêng- tết không phải bắt đầu mùa xuân đâu. Nếu theo Kinh Dịch thì đầu năm bắt đầu từ ngày lập xuân nếu theo đúng tiết khí mặt trời, mặt trăng. Thời tiết theo Mặt Trời quan trọng hơn theo Mặt Trăng mà âm lịch theo Mặt Trăng nên không chính xác đâu. Người ta chỉ qui ước ra như thế thôi, mỗi dân tộc có một qui ước. Tôi rất xem trọng chữ ‘hòa’ trong tất cả những chữ mà người ta cho đầu năm mới: hòa hợp, hòa đồng, hòa bình. Hòa hợp con người với thiên nhiên, con người hòa hợp với nhau là gốc của mọi sự sinh tồn trên Trái Đất này. Tôi chỉ mong thế thôi. Gia Minh: Cám ơn giáo sư về cuộc trao đổi hôm nay.
  21. Năm 2005 trước khi từ giã chiếc ghế thủ tướng chính phủ, ông Phan Văn Khải ký một nghị định về trật tự công cộng có tên là nghị định 38. http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Nghi-dinh-38-2005-ND-CP-bien-phap-bao-dam-trat-tu-cong-cong-52936.aspx Khi ấy không mấy người dân để ý đến những điều khoản trong nghị định này. Ví dụ như điều 7 của nghị định nói. Việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó và phải thực hiện đúng nội dung đã đăng ký. Quy định này không áp dụng đối với các hoạt động do các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức. Tức là trừ những tổ chức của Đảng, nhà nước được phép tổ chức tụ tập động người không phải đăng ký xin phép ra, tất cả những tổ chức khác muốn tụ họp đông người tại nơi công cộng đều phải phải xin phép uỷ ban nơi diễn ra sự việc. Thế nào là tụ tập đông người, bao nhiêu người trở nên là đông. ? Hãng tin BBC bình luận về nghị đinhh 38 này cho rằng 5 người trở nên là tụ tập đông người. http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/story/2006/06/060621_security_law.shtml Trên thực tế, ở Việt Nam từ thành phố đến nông thông bất cứ lúc nào chúng ta cũng thấy những cuộc tụ tập đông người không xin phép mà chẳng có cơ quan nào đến xử lý vì vi phạm nghị định 38. Ví dụ như những cuộc nhậu nhẹt ngoài công viên, vườn hoa, ven hồ cho đến những đám đông thanh niên, sinh viên đứng trước cửa một điểm nào đó mà ngôi sao ca nhạc, điện ảnh người Hàn Quốc sẽ ghé qua. Họ có thể hò hét, căng khẩu hiệu, băng rôn trên hè đường , thậm chí là xuống cả lòng đường cũng không thấy bóng dáng cảnh sát đến dẹp theo nghị định 38 trên. Nghị định 38 là nghị định mà sự vi phạm tràn lan, thường xuyên ở mọi nơi. Nếu để nghị định này được chấp hành triệt để, có lẽ cơ quan pháp luật không đủ người mà làm. Thế nhưng nghị định vẫn được ra đời. Bởi mục đích của nó không phải nhằm vào các đối tượng ăn nhậu, các người hâm mộ ngôi sao hay các trò vui chơi đông người tụ tập. Nghị định này là căn cứ để khi nào cần cơ quan công an giải tán, bắt giữ những người biểu tình phản đối chính sách, quyết định nào đó của nhà nước. Nói dễ hiểu là nghị định này chỉ sử dụng đối với các hoạt động ảnh hưởng đến uy tín chế độ, còn nếu không ảnh hưởng, các hoạt động đó diễn ra công khai, thoải mái không hề bị cản trở. Tháng 1 năm 2016 bộ trưởng công an Trần Đại Quang ký một thông tư cho phép cảnh sát giao thông có thể chặn bất kỳ phương tiên nào đang lưu thông trên đường để kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra có thể thu giữ phương tiện giao thông , phương tiện liên lạc, máy ghi âm, ghi hình của tất cả những người có mặt trên phương tiện giao thông. Lần này người dân đã cảnh giác hơn, nhiều ý kiến phản đối gay gắt với thông tư cho phép cảnh sát giao thông tuỳ tiện xâm phạm tài sản cá nhân của người dân. Trước sự phản đối của người dân, bộ công an cho ông thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh phó cục trưởng cảnh sát giao thông ra biện luận bao che cho sai lầm của bộ trưởng công an Trần Đại Quang. Ông Dánh diễn giải qua công văn 525 rằng. " việc trưng dụng phương tiện phải được thực hiện theo đúng quy định của Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008. Riêng lực lượng cảnh sát chỉ được phép trưng dụng khi có sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Công an.” Người ta nhận xét rằng thông tư của ông Trần Đại Quang cũng tương tự như nghị định 38 của ông Phan Văn Khải, mục đích của những thông tư và nghị định này nhằm cản trở những hoạt động ảnh hưởng đến chế độ như biểu tình, mít tinh . Xem ra nhận xét ấy hoàn toàn chính xác, đây hẳn là trò đàn áp biểu tình của chế độ và nó ra đời chỉ nhằm mục đích ấy. Bởi sự thiếu thực tiễn nếu như thông tư được khách quan thi hành, làm sao mà trên mọi nẻo đường đất nước có hàng vạn cảnh sát giao thông. Chẳng nhẽ mỗi lần có việc một anh cảnh sát giao thông lại gọi điện xin công văn đồng ý của bộ trưởng gửi đến địa điểm đang diễn ra vụ việc để trưng dụng tài sản người dân.!!! Điều này các rõ hơn khi ông Dánh nói thêm. ''“Huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra“. Vậy là có thể nại lý do như trên, một viên cảnh sát giao thông bất kỳ nào vẫn có quyền trưng dụng tài sản, phương tiện giao thông, liên lạc và các phương tiện khác của người dân mà chẳng cần sự đồng ý của bộ trưởng công an như đã nói. Mà chỉ cần lý do nghi ngờ người điều khiển, người trên phương tiện đó có thể xâm phạm an ninh quốc gia. Trước sức ép phẫn nộ của dư luận, bộ công an đã lộ rõ bộ mặt thật của họ ở thông tư này là chỉ nhằm mục đích trấn áp các hoạt động của công đoàn, các hội nhóm thuộc xã hội dân sự. Đây là bước ngăn chặn để hạn chế các hoạt động của tổ chức công đoàn độc lập, các hội nhóm xã hội dân sự phát triển. tới đây khi hiệp định TPP được thực thi tại Việt Nam. Trong tương lai hội nhập với thế giới đang đến, chế độ Cộng Sản Việt Nam chắc hẳn phải có nhiều nhượng bộ về nhân quyền . Nhưng với những thông tư, nghị định như thế này, sự nhượng bộ của chế độ CSVN trước những đòi hỏi của quốc tế về nhân quyền chỉ có trên mặt hình thức. Thực chất thì quyền tự do hội họp của các tổ chức như công đoàn, xã hội dân sự, tôn giáo sẽ bị bóp nghẹt bằng những thủ đoạn lắt nhắt nhưng rất hiệu quả như trên. Điểm hạn chế của những người đấu tranh nhân quyền, tự do tôn giáo, đấu tranh cho các hoạt động của xã hội dân sự hiện này ở Việt Nam là thiếu những người chuyên môn thu thập chứng cứ, trình bày hệ thống mạch lạc , diễn giải những thủ đoạn vi phạm nhân quyền của chế độ CSVN gửi đến các cơ quan nhân quyền quốc tế. Để giúp các cơ quan này hiểu rõ và có căn cứ khi làm việc với chế độ Việt Nam. Như thế rất khó cho các tổ chức nhân quyền quốc tế khi ngồi đối chất với phái đoàn Việt Nam về vấn đề nhân quyền. Hy vọng năm mới mọi việc sẽ được cải thiện chất lượng hơn Người Buôn Gió (Blog Người Buôn Gió)
  22. Táo Quân 2016 Táo Quân năm nay thực sự hấp dẫn, đem lại những tiếng cười giòn tan cho khán giả, những vấn đề nhạy cảm được các Táo đả kích không tiếc lời, khiến khán giả hết sức thỏa mãn. Nhưng không lẽ chúng ta cứ bức xúc, rồi lại cười trừ vào dịp cuối năm là xong hay sao? - Vì sao những chuyện như hối lộ, kinh doanh thực phẩm bẩn, ý thức kém... lại chỉ do lỗi của người dân mà không phải do hệ thống quản lý yếu kém? Vai trò của "thiên đình" ở đâu? Một người dân hám lợi chỉ có thể ảnh hưởng đến vài chục hoặc vài trăm người, nhưng một hệ thống quản lý yếu kém, sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người. - Vì sao Ngọc Hoàng lại không phải quay vòng quay tham nhũng? Chính cái nỗi sợ vô hình về quyền lực Tối Thượng đó đã duy trì một loạt những yếu kém từ năm này sang năm khác. - Tại sao Ngọc Hoàng không nhận trách nhiệm về mình mà chỉ biết nạt Táo này, mắng táo kia với khuôn mặt rầu rầu? Duy trì một đội ngũ quan laij yếu kém & chỉ biết than thở từ năm này qua năm khác thì thực phải xem lại chính Ngọc Hoàng. Có lẽ ngài nên có hành động nhận trách nhiệm cụ thể hơn như từ chức chẳng hạn. Từ chức nên lắm chứ, mỗi "thiên đình" đâu có duy trì để một nhóm người chỉ biết ăn năn, hối lỗi, rồi lặp lại (một lần thì xúc động chứ năm nào cũng thế thì chỉ là diễn quá sâu mà thôi). Nếu Ngọc Hoàng không có chính sách gì khả quan hơn, cũng như không chịu từ chức thì người dân nên xem xét đến một cơ chế có thể phế truất và bầu lại Ngọc Hoàng, vì "trên ta còn có người dân" như chính lời Ngọc Hoàng đã nói. Nếu như mọi vấn đề nhạy cảm như con ông cháu cha, chèn ép doanh nghiệp, tham nhũng được đưa ra, chém "bung lụa", cười, thỏa mãn và năm sau "nguyễn y vân", thì thực sự chúng ta phải xem lại cái "thiên đình" này, và phải thận trọng hơn vì có khi cuộc gặp gỡ báo cáo chỉ là một trò ru ngủ với những người dân dễ dãi. Táo Quân thật sự xứng đáng là chương trình được chờ đón nhất mỗi cuối năm, và tôi sẽ vẫn luôn yêu thích chương trình này, bởi nhìn ở góc độ nào, nó vẫn phản ánh rất thực xã hội Việt Nam, ngay cả những chiêu trò và tung hứng trong đó Thành Lê (FB Thành Lê)
  23. Ai đã từng ở Việt Nam vào dịp Tết Nguyên Đán đều ít nhiều được chứng kiến cảnh hàng triệu người từ các thành phố lớn đổ về quê (và quay trở lại) ăn Tết. Chứng kiến cảnh dòng người, xe máy, ô tô nối đuôi nhau nhích từng mét ra khỏi thành phố, và xếp hàng đua nhau rong ruổi trên những cung đường quốc lộ, tỉnh lộ mới thấy hết hình ảnh hùng vĩ của khối người di chuyển mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Có lẽ, số người di chuyển trong dịp Tết ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước lên tới 10-15 triệu người. Ngoài việc tạo ra cảnh hoành tráng của dòng người di chuyển, với những khó khăn phức tạp của việc kẹt xe, tắc đường thì mỗi ngày Tết cũng chứng kiến hàng trăm người bị tai nạn giao thông, chết và bị thương. Vấn nạn “về quê ăn Tết”, hay cảnh tha phương cầu thực, với quy mô lớn là một trong những điều nhức nhối bởi sự mất cân đối trong việc phân bổ nguồn lực của quốc gia. Vấn nạn tha phương cầu thực, với quy mô lớn do đâu mà có, liệu sau này khi đất nước chuyển sang chế độ dân chủ, Việt Nam còn tình trạng này không? Cần khẳng định một điều, việc dịch chuyển lao động là việc bình thường trong bất cứ xã hội nào. Nó chỉ đặc biệt và trở thành vấn nạn khi một đất nước có 60-70 tỉnh thành nhưng người dân chỉ tập trung lượng người lớn vào 3-5 tỉnh, thành gây ra dòng người di chuyển khổng lồ mỗi khi có dịp lễ, Tết. Việt Nam, và cả Trung Quốc, hai quốc gia cộng sản đều có vấn nạn này ở mức độ nghiêm trọng. Có hai nguyên nhân quan trọng dẫn tới vấn nạn “về quê ăn Tết”. Thứ nhất, các xã hội cộng sản (Việt Nam và Trung Quốc) không có cơ chế tản quyền (tức là nhà nước liên bang), chỉ có cơ chế tập quyền, tập trung quyền lực về trung ương. Với cơ chế tập quyền, chỉ có một số ít thành phố là trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước. Ở các trung tâm này, việc tập trung lao động, nguồn lực và mọi ưu tiên là điều đương nhiên. Khi có sự tập trung về mọi mặt, số người lao động đổ về cần một hệ thống dịch vụ kèm theo sẽ càng làm tăng lượng người tham gia hệ thống dịch vụ. Vòng quay cứ thế diễn ra dẫn tới việc bùng nổ số lượng người tại các trung tâm lớn của đất nước. Chúng ta biết, số lượng dân số Hà Nội và Sài Gòn bùng nổ trong thời gian qua đã chứng minh nhận định này. Để giải quyết gốc rễ nguyên nhân này, khi một chế độ dân chủ được thiết lập, chúng ta cần thực thi cơ chế tản quyền. Việt Nam có thể chia thành 12-15 tiểu bang trong một nhà nước liên bang. Với mỗi một tiểu bang chúng ta xây dựng một hoặc hai trung tâm kinh tế, chính trị. Như vậy, thay vì cả nước có 3-5 trung tâm lớn như hiện nay, thì sau này sẽ có từ 20-30 trung tâm lớn, số lượng lao động sẽ được phân tán khắp mọi miền trong cả nước. Một nguyên nhân quan trọng nữa, việc người dân đổ về các thành phố lớn còn là do chính sách phát triển nông nghiệp của Việt Nam rất sai lệch, bệnh hoạn. Người dân nông nghiệp, nông thôn hiện nay không thể sống được bằng (với) ruộng đồng do chính sách tận thu, do việc áp dụng các chính sách sai lệch, do sự ngu dốt và tham lam của đội ngũ cán bộ cấp xã và cấp huyện. Chính vì không thể sống được với đồng ruộng, người dân đã phải từ bỏ ruộng đồng, tha phương cầu thực khắp mọi nơi. Về mặt chủ trương, đường lối, không phải nhà cầm quyền Việt Nam không có những chính sách ưu đãi với khu vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, phần lớn các chính sách đều chỉ có tính hình thức, hơn nữa, khi triển khai, không có các cơ chế hỗ trợ, giám sát và không có những người có tâm, có trình độ nên đã bị biến dạng, bóp méo, lợi dụng và trục lợi. Điều này dẫn tới, người dân bị tận thu, không đủ thu nhập để trang trải cho cuộc sống, không thể sống với đồng ruộng và bắt buộc phải ra đi kiếm sống khắp mọi nơi. Đối với các quốc gia dân chủ, và với Việt Nam khi đã có dân chủ, việc bảo hộ cho nông nghiệp là yêu cầu bắt buộc, vừa là để bảo đảm an toàn lương thực quốc gia, vừa là để phát triển đồng đều, cả nông thôn và thành thị tránh tình trạng mất cân đối lao động ngành nghề và địa phương. Thực hiện những điều này, chúng ta mới hi vọng giải quyết được tận gốc rễ vấn nạn “về quê ăn Tết”./. Hà nội, ngày 09/02/2016 (tức ngày mùng 2 Tết Bính Thân) N.V.B (Blog RFA)
  24. Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Human Rights Watch, World Report 2016, Singapore đã nổi lên như một quốc gia có tình trạng đáng báo động về vi phạm nhân quyền. Hoạt động giám sát Internet được tăng cường, làm hạn chế hơn nữa quyền tự do biểu đạt và hội họp hòa bình ở nước này. Trong bản báo cáo dài 659 trang, tổ chức Human Rights Watch đã trình bày tình trạng nhân quyền ở hơn 90 nước. Nhiều vấn đề nóng đã được đề cập. Sự lan rộng của các cuộc tấn công khủng bố cùng làn sóng người tị nạn ồ ạt đã khiến nhiều chính phủ hạn chế các quyền con người để đảm bảo an ninh của đất nước mình. Cùng lúc đó, các chính phủ độc tài toàn trị trên thế giới, do lo sợ những phong trào đối kháng hòa bình được tiếp sức bởi các phương tiện truyền thông xã hội, đã tiến hành những cuộc đàn áp mạnh tay lên các nhóm hoạt động độc lập với quy mô chưa từng có. Ở Singapore, Đảng Nhân Dân Hành Động (PAP) đã cầm quyền từ năm 1959, luôn chiếm gần như toàn bộ ghế trong quốc hội (83/89 ghế theo kết quả bầu cử hồi tháng 9). Dưới sự điều hành của PAP, nhiều điều luật mập mờ, có phạm vi quá rộng về trật tự công cộng, đạo đức, an ninh và hòa hợp tôn giáo, chủng tộc đã được đưa ra làm công cụ áp chế quyền tự do, biểu đạt của người dân, cũng như khởi tố những cái gai trong mắt chính quyền. Thủ Tướng Lý Hiển Long, con trai cố Thủ Tướng, Lý Quang Diệu, tiếp tục di sản thành công vượt bậc về kinh tế nhưng kiểm soát chặt chẽ công cộng của cha ông. Diễn thuyết và biểu tình tự do…tại nơi chỉ định trước Quyền tự do hội họp hòa bình của người dân Singapore tiếp tục bị hạn chế với danh nghĩa đảm bảo trật tự công cộng. Theo các quy định tại Luật Trật tự Công cộng, bất kỳ cuộc hội họp nào ở nơi công cộng hoặc có sự tham gia của công chúng đều phải được sự cho phép của cảnh sát. Cảnh sát có quyền từ chối, và cơ sở để cảnh sát dụng quyền hạn này có phạm vi rất rộng. Người dân Singapore cũng không được tự do lập hội. Bất kỳ hội nào có từ 10 thành viên trở lên cũng phải đăng ký với chính quyền. Cơ quan tiếp nhận đăng ký có quyền bác đơn đăng ký nếu xác định thấy hội nhóm này có thể “gây tổn hại đến sự yên bình, phúc lợi và trật tự công cộng.” Các cuộc biểu tình và tụ tập có thể được tổ chức tại khu Diễn thuyết của công viên Hong Lim mà không cần xin phép cảnh sát. Tuy nhiên, ở đây giới hạn về chủ đề diễn thuyết lại được đặt ra.Các vấn đề về tôn giáo và chủng tộc là chủ đề cấm kỵ. Người tổ chức và diễn giả phải là công dân Singapore. Người nước ngoài muốn diễn thuyết phải được sự đồng ý của cảnh sát. Không chỉ có vậy, các cuộc biểu tình ở khu vực này vẫn phải đối mặt với nguy cơ bị khởi tố. Hai nhà hoạt động nổi bật Han Hui Hui, Roy Ngerng Yi Ling và bốn người khác đã bị truy tố vì tổ chức một cuộc tuần hành ở công viên Hong Lim. Theo lời các quan chức, quy định cho phép diễn thuyết, chứ không phải tuần hành hay các hoạt động biểu tình khác. Bloggers Han Hui Hui (vest đen), 22 tuổi, và Roy Ngerng (sơ mi trắng), 34 tuổi trong buổi hầu tòa về tội danh gây rối trật tự công cộng. Ảnh: Straitstime. Kiểm duyệt bằng các biện pháp dân sự Trong năm 2015, chính phủ Singapore có nhiều dấu hiệu cho thấy sự coi thường luồng thông tin tự do và quyền tự do biểu đạt. Theo đạo luật Phát thanh Truyền hình, các trang tin điện tử bàn về các vấn đề chính trị trong nước ở Singapore phải chịu sự quản lý của Cơ quan Phát triển Truyền thông (MDA). Đáng chú ý là sự quản lý này can thiệp sâu vào nội dung mà các trang tin được đăng tải. Nói cách khác, MDA có quyền kiểm duyệt, yêu cầu trang tin gỡ bỏ ngay lập tức bất kỳ thông tin nào được cho là đi ngược lại “lợi ích chung, trật tự công cộng hoặc hòa khí quốc gia”. Không chỉ có vậy, chỉ cần có bất kỳ động thái nào nhằm chỉ trích chính phủ, các blogger và cổng tin tức online cũng phải đối mặt với án phạt từ phía chính phủ. Cụ thể, tháng 1 năm 2015, Alex Au, một blogger và nhà hoạt động LGBT nổi tiếng, đã bị khởi tố vì tội viết blog công kích hệ thống tư pháp. Bài viết của Au nhắc đến những điểm đáng ngờ của tòa án khi sắp lịch xử hai vụ việc theo điều 337 Bộ luật Hình sự Singapore hình sự hóa tội quan hệ tình dục giữa hai người đàn ông. Trước tòa, Au khẳng định các bài viết phê bình của mình phù hợp với quyền tự do phát biểu và biểu đạt. Tuy nhiên, theo phán quyết của tòa, anh phải nộp phạt 6.000 USD. Tháng 2 năm 2015, cảnh sát Singapore bắt giữ hai biên tập viên của cổng tin tức The Real Singapore và cáo buộc họ đã xuất bản những bài viết có khuynh hướng thúc đẩy thù hận giữa các nhóm dân Singapore. Ba tháng sau đó, MDA chính thức đình chỉ hoạt động của cổng tin tức này. Tháng 3, các quan chức kết tội Amos Yee, một blogger 16 tuổi, vì đã làm tổn thương tình cảm tôn giáo và có hành vi tục tĩu khi đăng tải video và hình ảnh hoạt họa liên quan đến cố thủ tướng Lee Kwan Yew (Lý Quang Diệu). Trong bức ảnh hoạt họa, Yee đã ghép khuôn mặt ông Lý và cố thủ tướng Anh Margaret Thatcher vào hai nhân vật hoạt họa quan hệ tình dục. Amos Yee trong một buổi phóng vấn. Ảnh: CNN Ngoài ra, chính quyền Singapore cũng sử dụng tội xúc phạm, làm nhục dân sự để dập tắt những ý kiến trái chiều. Roy Ngerng Yi Ling, người từng viết bài chỉ trích cách quản lý quỹ tiết kiệm trung ương của thủ tướng Lee Hsien Long (Lý Hiển Long) trên blog năm 2014, hiện đang phải đối mặt với khoản bồi thường 106.000 đô-la Mỹ sau vụ kiện của ông Lee. Việc Singapore thẳng tay đàn áp các blogger và những người khẳng định quyền tự do phát biểu cho thấy quyết tâm kiểm soát quyền tự do của chính phủ nước này. Nói như ông Phil Robertson, phó giám đốc Human Rights Watch châu Á: “Thành công kinh tế của [Singapore] không thể che lấp sự đàn áp và kiểm duyệt bên trong mà người dân nước này phải đối mặt mỗi ngày.” Nguyễn Hoài An (dịch) Lược dịch từ Human Rights, World Report 2016 (Luật Khoa)
  25. Nhà báo Atsuchi Tomiyama của tờ Nikei Asian Review vừa nêu ra một cách nhìn mớ khi cho rằng một trong những lý do khiến cho ông Dũng bị loại khỏi chức Tổng bí thư Đảng cộng sản do ông ta là người Miền Nam. Cuộc chiến tranh Việt nam đã kết thúc cách đây 41 năm, nhưng cuộc đua dành chức lãnh đạo cao nhất ở Việt nam đã thể hiện “sự phân chia Bắc- Nam vẫn còn là một yếu tố trong nền chính trị của Việt nam.” Tác giả cho rằng việc ông Trọng tái đắc cử là một hành động “ chặn bước tiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã từng được xem như là một ứng cử viên nặng ký cho chức Tổng bí thư.” Nếu đắc cử ông Dũng sẽ là tổng bí thư đảng đầu tiên là người Miền Nam. Nhưng khi ông Trọng, một hình ảnh thu nhỏ của cộng sản miền Bắc đắc cử, loại bỏ ông Dũng vốn được coi là biểu tượng cho nền kinh tế định hướng miền Nam, thì đại hội đảng 12 đã cho thấy rằng Miền Bắc vẫn nắm chắc quyền lực chính trị. Ngày 21 tháng 1, một cựu đảng viên có tiếng đã gửi ông Trọng email trong đó nêu rõ ông Dũng là loại chính trị gia Việt Nam cần. Vị trưởng lão than thở rằng không ai trong số các ứng cử viên cho đội ngũ lãnh đạo hiểu biết các vấn đề kinh tế, và rằng tất cả họ đều yếu mềm trong việc đáp trả hành động bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Theo một nguồn tin thân cận, tuy đã rút lui sau khi không dành được sự ủng hộ của các đại biểu để có tên trong ủy ban trung ương đảng, các chính trị gia Miền Nam vẫn cố tiến cử ông Dũng. Sự tiến cử này cho dù biết rõ những yếu kém về mặt quản lý dẫn đến việc phá sản của các công ty lớn với trị giá hàng ngàn tỷ đồng hay việc ký quyết định cho Trung Quốc được phép khai thác Boxit cũng như công khai hoạt động ở khắp nơi trên Việt nam của ông Dũng, có lẽ những chính trị gia người Miền Nam đang nỗ lực để xóa bỏ các quy định bất thành văn từ bấy lâu nay. Có quan niệm phổ biến rằng Bắc Việt giải phóng miền Nam Việt Nam vì vậy nhiều người Việt Nam nghĩ rằng sự thịnh vượng nợ hiện tại của Việt nam là nhờ các lực lượng phía Bắc. Và việc con cái của những người phục vụ trong quân đội Bắc Việt sẽ nhận được ưu đãi khi nói đến cơ hội giáo dục và việc làm cũng được chấp nhận rộng rãi. Quy tắc ngầm ai cũng biết là người Miền Nam không thể đạt đến đỉnh cao trong hệ thống đảng. Dù cho đã có được cho là một nhà lãnh đạo có đầu óc cải cách, có ảnh hưởng lớn với lực lượng an ninh cũng như tầm hiểu biết rộng về kinh tế, nhiều đảng viên vẫn miễn cưỡng chấp nhận ông Dũng giữ vị trí lãnh đạo cấp cao với nguồn gốc là người miền Nam. Kể từ thời ông Hồ Chí Minh, 8 đời tổng bí thư đảng đều là người miền Bắc và miền Trung ( miền Trung nhưng dĩ nhiên phải không vượt quá vĩ tuyến 17 Nghệ An, Quảng Trị, Thanh Hóa). Tác giả cho rằng tuy ông Dũng đã không nằm trong bộ chính trị kỳ tới, nhưng những người thân cận với ông ta vẫn còn đó như ông Đinh La Thăng hay Nguyễn Thiện Nhân. Tuy nhiên đại hội 12 lại một lần gợi nhớ đến sự phân chia vùng miền khi nhân sự có gốc gác miền Bắc cũng ở thế áp đảo ở ngay trong Bộ chính trị ( chỉ có 5 trong số 19 ủy viên bộ chính trị là người miền Nam, các nơi từng là các căn cứ địa cách mạng). Hà nội cũng đã lấn tiếp sang sông khi bổ nhiệm ông Đinh La Thăng, một người miền Bắc, làm bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Việc ông Thăng, một người luôn sẵn sàng cách chức cấp dưới sai phạm được đưa vào miền Nam không gì khác hơn là nhằm cản trở các chính trị gia cải cách có gốc Miền Nam. Và với sự bổ nhiệm này thì 5 năm tới sẽ khó có người miền Nam nào “leo” lên được đến chức Thủ Tướng như ông Dũng hay Chủ tịch nước như ông Sang. Bắc Việt đã giải phóng miền Nam 41 năm với mục đích thống nhất đất nước, nhưng với sự phân chia vùng miền này thì vĩ tuyến 17 và sông Bến Hải vẫn luôn hiện hữu không chỉ trong tiềm thức người dân hai miền mà cả trong hệ thống chính trị. Sự kỳ thị vùng miền này không chỉ kìm hãm sự phát triển kinh tế của cả nước mà còn sẽ khó có đem lại được sự hòa giải dân tộc thật sự cho dù chiến tranh đã trôi qua gần nửa thế kỷ. Phương Thảo (VNTB/Nikei Asian Review)

×
×
  • Create New...