Jump to content

MỸ MỆT VÌ MỸ KIM LÀ NGOẠI TỆ DỰ TRỮ! (230801)


xứ việt
 Share

Recommended Posts

364064817_674566858048163_12997241123339

Do trò láu cá của Jim O’Neil (kinh tế gia Anh làm cho tổ hợp đầu tư Goldman Sachs), năm 2001 có bốn con cắc kè bông được thổi thành rồng kinh tế. Con rồng BRIC, do tên nước là Brazil, Russia, India, China! Mỹ điếm bày trò dụ dân đầu tư dồn tiền vô bốn nước sẽ giàu mạnh vì họ theo kinh tế thị trường nhờ đó sẽ có dân chủ! Tới năm 2050 BRIC sẽ gồm thâu thiên hạ.
Ngu nghe thấy sáng!
BRIC có lãnh thổ bằng 25% diện tích đất đai của địa cầu, dân số bằng 40% nhân loại, đà tăng trưởng to và lẹ nhất các nước đang phát triển. Với thế lực đó, BRIC mà lên tiếng là Mỹ phải nghe. Mỹ điếm ra đòn thì Tú Bà lỏn lẻn đi cửa sau. Quả nhiên, sau đó Goldman Sachs cứ tưng bừng tiên báo. Năm 2010 còn đẩy thêm Nam Phi, cái tên mới thành BRICS.
Bị phỏng vấn bao lần về triển vọng của BRICS, tôi bật cười chơi chữ là “bric-à-brac” mà e chừng mấy người phỏng vấn không hiểu! Gốc tiếng Pháp được Anh dùng từ quãng 1840: đồ tầm tầm mà đòi bán như… đồ cổ! Vậy chớ, cớ sao ta lại nói về đồ giả? Vì họ đòi buôn vàng mã!
Dịch nôm na là họ đòi dùng tiền âm phủ. Mà đề tài của chúng ta, thưa rằng cần rất nhiều dầu gió xanh vì nhức đầu… là tiền tệ.
***
Từ đã lâu, các thành viên của BRICS được Mỹ điếm cho mượn ghế đẩu nên tưởng đã có thể chất vấn Hoa Kỳ!
Như Luiz Inácio Lula da Silva, Tổng thống cực tả và tham ô của Cộng hòa Liên bang Brazil từ 2003 tới 2010, sau bị truy tố tội rửa tiền nên không được tái tranh cử năm 2018, còn ngồi tù 580 ngày. Nhưng bao tội đều được Tối cao Pháp viện hủy nên 2022 lại ra tranh cử nữa và từ đầu năm nay lại là Tổng thống Brazil! Ở giữa, Đổng lý của Lula là ả Dilma Rousseff làm Tổng thống từ 2011 tới 2016 thì bị… truất phế vì lem nhem với ngân sách!
Họ đòi lãnh đạo thế giới nào đây?
Thì vô đề sẽ thấy: Cùng Vladimir Putin, Lula da Silva thường vặn hỏi tại sao thế giới cứ xài Mỹ kim trong giao dịch ngoại thương? Mới đây Lula ngất ngây như lân thấy pháo khi được vỗ tay với câu hỏi: “Tại sao chúng ta không thanh toán việc mua bán bằng đồng bạc của mình?”
Giới làm báo - hỏng có wa ở trỏng nheng - thì ngó Thượng đỉnh 15 của BRICS (22-24 tháng này tại Nam Phi) sẽ xử lý ra sao nếu Putin tham dự? Tháng Ba vừa qua Tòa Hình sự Quốc tế (ICC - International Criminal Court, tại The Hague, Hòa Lan) chính thức truy tố Putin về Tội ác Chiến tranh khi xâm lược Ukraine. Vì có công nhận Tòa ICC, lãnh đạo Nam Phi hơi lúng túng nên mời thêm nguyên thủ 70 nước khác cùng dự Thượng đỉnh! Thiệt nhức đầu với mấy con kỳ nhông trông tựa rắn mối…
Rồi, giỡn xong, chúng ta mới tìm hiểu chuyện cần dầu gió xanh vì đồng bạc xanh, hỗn danh của Mỹ kim, liên quan đến kinh tế vĩ mô, kế toán quốc gia và chính trị quốc tế!
Từ nhiều năm qua, lãnh đạo một số quốc gia thấy nhóm BRICS có vẻ chí lý khi vặn hỏi về tương lai Mỹ kim (xin gõ tắt là MK!) Nếu kinh tế Mỹ hết chiếm vị trí trọng yếu của kinh tế toàn cầu thì vai trò của MK tất nhiên cũng phải giảm chứ? Sự thật thì câu hỏi của đám lãnh đạo ấy cho thấy sự dốt nát về lịch sử kinh tế lẫn về thực tế éo le của cuộc đời:
Trước khi MK là ngoại tệ phổ biến nhất, được nhiều nước coi là ngoại tệ dự trữ, thì chưa khi nào nền ngoại thương toàn cầu lại có một đồng bạc thông dụng như thế. Và Hoa Kỳ bị phí tổn khi giữ cái trục chính trong luồng giao dịch của thiên hạ. Có khi lắm người Mỹ còn không biết nghịch lý đó. Thảm chưa?
Xin quý vị cùng kiên nhẫn nhìn xa một chút (cố đọc lại 300 chữ dưới đây), rồi ta mới tập trung vào cốt lõi là đồng MK…
Thứ nhất, hiện tượng gọi là ‘toàn cầu hóa’ chỉ xuất hiện gần đây thôi. Cho dễ nhớ là sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, các nước tự do buôn bán với nhau nhiều hơn. Thứ hai, nhìn xa hơn về lịch sử, đồng MK chỉ có vai trò quan trọng kể từ hậu bán Thế kỷ 20, là sau Thế Chiến II. Thứ ba, khi kinh tế Mỹ đã vượt Vương quốc Anh Thống nhất (United Kingdom), xin ghi 1860 cho dễ nhớ, thì thiên hạ vẫn tín nhiệm đồng Sterling của Anh. Họ tin vào cam kết giao hoán (đổi tiền) của Ngân hàng Trung ương Anh hơn các ngân hàng trung ương khác. Khi đó, đồng Sterling được các nước coi như ngoại tệ dự trữ gần bằng loại dự trữ trước đó -vàng. Thứ tư, dù kinh tế Mỹ có lớn mạnh nhất từ 1860 thì MK vẫn chỉ là loại tiền thấp kém cho đến cỡ 1920 vì lắm nước Châu Á và Trung Nam Mỹ lại dùng thứ khác hơn MK hay cả Sterling của Anh để thanh toán việc giao dịch của họ. Tức là đồng tiền của quốc gia giàu nhất không tất nhiên là ngoại tệ phổ biến nhất. Thứ năm (mệt hỷ?), trước khi MK là cái chốt chung thì cấu trúc của trao đổi ngoại thương và tư bản chưa ‘nhất thể hóa’ (thống nhất). Nhiều nhóm quốc gia giải quyết với nhau sự chênh lệch về buôn bán: như bị nhập siêu (nhập > xuất cảng) thì dàn xếp với nước được xuất siêu, rồi thanh toán bằng loại tài sản mà bên kia nhận. Nhưng nếu tài sản đó không dễ giao hoán thì sao? Thì mất sự tín nhiệm, quá bất tiện cho giao dịch….
Bây giờ ta mới ngó vào hệ thống giao dịch có mấy em MK áo xanh lục đứng ra giải quyết mọi chuyện cho thiên hạ….
Mọi giao dịch thất quân bình của thiên hạ đều có thể thu hẹp nhờ (1) sự đồng ý và (2) khả năng của Hoa Kỳ khi nhận xuất hoặc nhập các khoản chênh lệch đó bằng… tài sản của Mỹ. Chuyện này chưa hề xảy ra trước đó nên tất nhiên khó hiểu: thất quân bình (tạm gọi là âm hay dương) giữa các nước giao dịch với nhau có thể là rất lớn và rất lâu nhưng Hoa Kỳ ở giữa Lại có khả năng thỏa mãn nhu cầu cả dương lẫn âm cho tất cả.
Nước A cần mua để thanh toán cho X thì có Mỹ bán, nước B cần bán để giải quyết chênh lệch với Y thì lại có Mỹ mua.
Khi Thế Chiến II sắp kết thúc, tại Hội nghị Bretton Woods năm 1944, kinh tế gia người Anh là John Maynard Keynes triệt để chống lại hệ thống giao dịch quốc tế cho phép duy trì các khoản thặng dư hay khiếm hụt quá lớn. Nhưng quan điểm của ông bị kinh tế gia Harry Dexter White của Hoa Kỳ bác bỏ. Vì vậy, xứ nào bị khiếm hụt thì phải thỏa mãn nhu cầu trong nội tình của quốc gia được thặng dư. Trái lại, nước thặng dư khỏi cần điều chỉnh nội bộ (ví dụ sản lượng hay lợi tức cho lao động) nhờ tích lũy thêm tài sản ngoại quốc. Mà làm giảm số cầu của thế giới.
Giới kinh tế bình thường còn khó hiểu ra đặc tính điều chỉnh quái đản: một quốc gia không đạt xuất siêu nhờ có năng suất cao trong kỹ nghệ chế biến mà vì ngành chế biến mặc nhiên hoặc công khai được trợ cấp. Ai thanh toán các khoản trợ cấp đó? Giới lao động và các hộ gia đình khiến số cầu nội địa bị giảm… Cộng sản chủ nghĩa ngầm ra chiêu là như vậy.
Quý vị thấy Bắc Kinh sớm hiểu ra luật chơi lý tài tàn ác đó: khi Trung Cộng đạt xuất siêu thì chính dân Tầu bị bóc lột. Suy ngẫm thêm, ta hiểu tỷ giá đồng Nguyên được ấn định thấp, không chỉ vì làm hàng hóa Trung Cộng rẻ hơn và dễ bán hơn mà còn làm thợ thuyền lãnh lương thấp hơn cái công của họ. Họ bị bóc lột cho đến khi nền kinh tế bị giảm phát… là chuyện ngày nay.
Nhìn rộng ra toàn cầu theo giác độ kết toán thì thặng dư của xứ này phải được khiếm hụt của xứ khác bù lại. Bây giờ mới thấy vai trò Hoa Kỳ….
Từ quãng 1980 về sau, Mỹ dễ dãi thỏa mãn nước thặng dư bằng cách đổi khối thặng dư đó thành tài sản trên thị trường Mỹ. Phương tiện hoán đổi là nàng áo xanh, là đồng Mỹ Kim! Hình tượng vật lý dễ hiểu: MK là trục chính cho sự xoay vần của giao dịch quốc tế. Đối giá khó hiểu là kinh tế Hoa Kỳ bị thiệt khi tiếp nhận sự suy yếu của số cầu ở ngoại quốc: hoặc bị thất nghiệp hoặc tăng khoản nợ của chính quyền và các hộ gia đình.
Nhiều người chưa nắm vững vấn đề cho rằng vì muốn MK là cái trục cho ngoại thương toàn cầu xoay quanh nên Hoa Kỳ cứ bị thiếu hụt. Sự thật nó phức tạp hơn vậy.
Khi thế giới cần tiết kiệm, Mỹ xuất cảng tiết kiệm và đạt thặng dư ngoại thương. Đó là hoàn cảnh của giai đoạn 1920-1970, gần nửa thế kỷ tái thiết của thế giới, nhất là của Âu Châu và Á Châu. Trái lại, khi thế giới tái thiết xong và đẩy mạnh xuất cảng nên thừa tiết kiệm thì Mỹ nhập cảng tiết kiệm và bị nhập siêu, kể như từ khoảng 1980 cho đến ngày nay.
Kết luận về một chuyện đã cười cười báo trước là nhức đầu:
Việc Hoa Kỳ chấp nhận tư bản phải tự do chuyển dịch trong một thế giới vô cương (không biên giới), và sẵn sàng chịu đựng thất quân bình về tiết kiệm hay về số cầu mới dẫn đến kết quả (hậu quả thì đúng hơn vì còn hàm ý tiêu cực!) là vai trò ‘thống trị’ của MK. Trong lịch sử hiện đại của thế giới chưa có quốc gia nào lại làm như Mỹ nên không có đồng bạc nào lại có thể chi phối ngoại thương và luồng giao dịch tư bản như đồng đô la!
Dùng phương pháp loại suy thì cả khối Liên Âu có 500 triệu dân và sản lượng ngang ngửa với Mỹ - lẫn nhóm BRICS có năm con cắc kè chưa biết đổi màu – lại dám nhận và có thể hoàn thành vai trò của Hoa Kỳ. Vì vai trò ấy sẽ đảo lộn hệ thống tài chánh, tái phân lợi tức bên trong, đã không kiểm soát hoặc cấm chuyển ngân, lại còn làm suy yếu sức xuất cảng của mình…
Vì cam kết phi thường của Hoa Kỳ theo một triết lý chính trị chưa từng thấy bao giờ nên đồng bạc của Hoa Kỳ mới được thiên hạ chiếu cố. Ai muốn nhảy vào thay đồng MK thì dân Mỹ áo trắng cổ cồn có chữ rất lịch sự… “Be My Guest”.
Dịch theo tinh thần lựu đạn rất Mỹ khi nhe răng quăng trái lựu: Rút Kíp Đi Con!
Nguyen Xuan Nghia
theo dainamaxforum
 
Link to comment
Share on other sites

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
Reply to this topic...

×   Pasted as rich text.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

 Share


×
×
  • Create New...