Jump to content

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đính chính tin VnExpress nói ông về Việt Nam sống


Recommended Posts

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đính chính tin VnExpress nói ông về Việt Nam sống

391638477_1817623928684916_5483754975787
Ông Nguyễn Văn Tuấn,giáo sư Y khoa của Đại học New South Wales, Úc



“Tôi không có ý định về Việt Nam định cư,” ông Nguyễn Văn Tuấn, giáo sư Y khoa của Đại học New South Wales, nhấn mạnh, trong lúc báo VnExpress tuyên truyền về chuyện này.


Một anh bạn ở Úc hỏi tôi với vẻ ngạc nhiên: “Bộ ông sẽ về định cư ở Việt Nam hả?” Thật ra, vài bạn bè cũng nhắn tin hỏi tương tự. Tôi cũng ngạc nhiên, và tìm hiểu thì mới biết ngọn ngành là từ một bài phỏng vấn.


Không. Tôi mang quốc tịch Úc, và ‘bén rễ’ Úc, nên không thể định cư ở Việt Nam lâu dài được.


Nhưng câu chuyện có lẽ bắt đầu từ sự hiểu lầm một bài phỏng vấn của VNexpress gần đây. Nếu các bạn nghe bài phỏng vấn đó, tôi nói rằng sau khi xong nhiệm kì fellowship ở Úc (2025) tôi có thể về làm việc toàn thời gian cho một viện nghiên cứu y khoa mà tôi giúp thành lập ở trong nước. Làm việc toàn thời gian không có nghĩa là hồi hương và định cư.


Đó là dự tính, còn có thực hiện được hay không thì đâu có ai đoán trước được. ‘Que sera, sera’ mà.


Tôi đã hai lần nói với sếp lớn của đại học bên này là tôi sẽ ‘lui vào hậu trường’ sau 2025, nhưng họ ậm ừ và tỏ ý không đồng tình. Công bằng mà nói, đại học có tên tôi thì sẽ giúp một chút trong xếp hạng đại học. Tôi hiểu điều đó, nhưng quyết định sau cùng là của tôi. Dù gì đi nữa thì từ đây đến đó, tôi vẫn dốc hết sức mình để làm tất cả khả năng mà sức khoẻ cho phép. Tôi có thói quen là khi đã quyết chí giúp ai thì tôi dốc toàn tâm toàn ý để giúp. Có khi tôi bị người ta phụ mình, còn tôi thì không phụ ai.


Tôi nghĩ bất cứ ai ở nước ngoài đều muốn đóng góp một phần nhỏ cho quê hương, và tôi không phải là một ‘ca’ ngoại lệ. Nhưng mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Có người không bận bịu gia đình, nên họ về Việt Nam ở luôn. Có người ra đi là ‘immigrant’, tức họ có tài sản và ra đi một cách tự nguyện, và họ về quê cũng là chuyện bình thường. Có người là tị nạn, họ bị bứng ra khỏi quê và phải làm lại từ đầu ở một quê hương mới và bén rễ sâu ở quê hương mới, nên về quê hương gốc là điều không dễ dàng chút nào. Không ai giống ai, nên không thể lấy hoàn cảnh người này mà áp đặt cho người kia, dù ai cũng muốn cho quê hương mình sáng chói.



Cũng vì muốn quê hương mình sáng chói, nên tôi đã ‘dấn thân’ một lần nữa với Tâm Anh. Trước đây, tôi đã có may mắn là làm được nhiều việc ở trong nước suốt 25 năm qua. Những việc làm đó (đào tạo, nghiên cứu khoa học, truyền bá kiến thức và chuyển giao công nghệ) đâu cần tôi phải định cư ở trong nước. Nhưng nếu ở vai trò lãnh đạo thì cần phải có mặt tại nơi mà ‘action’ diễn ra, chứ khó ‘làm từ xa’ được, và đó chính là nhu cầu cho công việc toàn thời gian.



Ở đâu quen đó, một khi mình đã định cư ở một nơi chốn trong một thời gian dài thì mình sẽ gắn bó với nơi đó. Tôi là công dân, nếu không muốn nói là ‘công dân đặc biệt’, của Úc hơn 40 năm rồi. Quốc hội Úc ghi/vinh danh mình 3 lần rồi. Các học Úc, các viện hàn lâm và hiệp hội y khoa Úc cũng ghi tên tôi như là leader. Đồng nghiệp yêu quý mình đều ở đây. Con cháu, dòng họ đều ở đây. Thời gian tôi ở đây dài hơn nhiều so với thời gian tôi lớn lên ở trong nước. Sự bén rễ đã quá sâu, khó dứt đi được.



Trong phỏng vấn, em nhà báo hỏi tôi nếu nghỉ hưu thì tôi thích ở Việt Nam hay Úc, tôi có trả lời (nhưng không được phát thanh) rằng tôi thích nghỉ hưu ở Úc hơn, vì nhà cửa, gia đình, bà con, và quan trọng hơn là quen với lối sống và môi trưởng ở Úc. Có khi nào các bạn có cảm giác ‘về tới nhà’ khi máy bay vào không phận Úc, và nhìn bầu trời trong lành cùng biển xanh ngát, lòng mình thầm nói ‘sắp về tới nhà rồi’?


Ngay cả nói vài câu với mấy người nhân viên di trú khi nhập cảnh cũng thấy mình ‘belong here’. Đó là cảm giác của tôi. Do đó, tôi không có ý định về Việt Nam định cư.



Nhưng tôi sẽ đi về Việt Nam thường xuyên hơn. Hôm ở Mỹ, tôi tình cờ mua được cuốn sách này (‘Quê hương thương ghét’) của ký giả Vũ Thuỵ Hoàng, người từng viết cho tở Washington Post.


Tôi đọc ngấu nghiến trên chuyến bay 14 tiếng đồng hồ, và thấy tác giả như đã bày tỏ tâm tư cho chính tôi vậy. Chương ‘Thương ghét’ trong sách gần như phản ảnh tâm tình của tuyệt đại đa số người Việt thuộc thế hệ tôi.


Trong đó, tác giả viết: “Dù thương, dù ghét, con đường liên lạc giữa người Việt trong và ngoài nước đã mở rồi, đã lưu thông tấp nập, không thể nào chặn bít lại được.”


Nguyễn Văn Tuấn
Link to comment
Share on other sites

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
Reply to this topic...

×   Pasted as rich text.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

 Share


×
×
  • Create New...