Jump to content

Sự im lặng kỳ lạ của thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc


xứ việt
 Share

Recommended Posts

RFIĐăng ngày 11-02-2016 Sửa đổi ngày 11-02-2016 17:01
mediaBộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde (P) và thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên, Bercy, Paris, 19/02/2011Reuters

Vào lúc đồng nhân dân tệ chao đảo, gây rúng động thế giới, người ta không thấy thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc, ông Chu Tiểu Xuyên (Zhou Xiaochuan) lên tiếng. Báo Le Monde, ngày 09/02/2016, đưa ra giả thuyết về sự vắng bóng này qua bài :« Sự im lặng khó hiểu của thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc". RFI xin giới thiệu.

Bất chấp những chao đảo tác động đến đồng nhân dân tệ, ông Chu Tiểu Xuyên, đại diện biểu tượng cho chính sách mở cửa kinh tế, không thấy phát biểu công khai gì nữa.

Vào tháng Ba 2015, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc bảo đảm là đồng nhân dân tệ sẽ được chuyển đổi hoàn toàn vào cuối năm 2015. Trong 14 năm đứng đầu Ngân Hàng Nhân Dân Trung Hoa, ông Chu liên tục là người ca ngợi các cải cách, và trên các diễn đàn quốc tế lớn, ông đóng vai trò đại diện cho một nước Trung Hoa cam kết mở cửa ra thế giới bên ngoài.

Năm 2005, ông Chu đã từng lên vô tuyến truyền hình để giải thích không nên để cho giá trị của đồng nhân dân tệ bám theo đồng đô la. Trong thập niên sau đó, ông biện luận là cần để thị trường đóng một vai trò ngày càng lớn trong việc định ra tỷ giá đồng nhân dân tệ. Ông cũng tranh đấu cho việc để thị trường ấn định lãi suất ngân hàng và lãi suất tiết kiệm và ông tin tưởng rằng sức mạnh của thị trường là cần thiết cho sự vận hành của nền kinh tế.

Tăng cường kiểm soát

 
 

Thế nhưng, năm 2015 đã đi qua và lịch trình thả nổi đồng nhân dân tệ mà ông Chu Tiểu Xuyên hứa hẹn, đã không được thực hiện. Hơn nữa, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc lại im lặng. Ông đã không công khai nói về chính sách kinh tế Trung Quốc kể từ sau hội nghị G20 ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, hồi tháng Chín 2015.

Hồi tháng Giêng 2016, ông Chu đã không tham dự Diễn Đàn Davos và tại diễn đàn này, sức khỏe của nền kinh tế thứ hai thế giới là chủ đề ngự trị trong các cuộc thảo luận. Các bình luận gần đây nhất của ông không liên quan gì đến chính sách tiền tệ. Hôm thứ Năm, 04/02, ông viết là Ngân Hàng Trung Ương « đã thành khẩn tiếp thu » những khuyến nghị của ủy ban chống tham nhũng ; ủy ban này đã nêu ra những trường hợp dùng công quỹ để mua quà trong Ngân Hàng Trung Ương. Phải chăng đây là dấu hiệu của việc ông Chu, 68 tuổi, bị gạt ra khỏi guồng máy lãnh đạo ? Trong các năm 2007, 2010, 2013 và 2014, báo chí đã dự báo sai về việc ông phải ra đi.

Trung Quốc đã thay đổi, kể từ khi ông Chu Kiến Nam (Zhou Jiannan), cha của thống đốc hiện nay, đấu tranh trong đội quân của Mao Trạch Đông tại căn cứ cách mạng Diên An (Yan’an – ở miền trung) vào cuối những năm 1930. Người thanh niên Chu Tiểu Xuyên được học hành trong một trường trung học dành cho giới tinh hoa của chế độ Bắc Kinh, sau đó trở thành thủ lĩnh trong một đơn vị Hồng Vệ Binh khi xẩy ra cuộc Cách Mạng Văn Hóa khủng khiếp vào giữa những năm 1960. Đến thời kỳ cải cách, cha của ông trở thành bộ trưởng công nghiệp và là một trong những chỗ dựa thân tín của chủ tịch Giang Dân (Jiang Zemin), người đã đưa Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Vị thống đốc đương nhiệm họ Chu vừa kế thừa dòng dõi này vừa tin tưởng rằng Trung Quốc phải mở cửa để tiếp tục phát triển.

Cuối tháng Giêng, tờ South China Morning Post, nhật báo lớn của Hồng Kông đã thắc mắc : « Lãnh đạo Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc đâu rồi ? » Câu hỏi này không chỉ liên quan đến con người cụ thể ông thống đốc mà cả các ý tưởng của ông. Không thông báo công khai, nhưng Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát sự di chuyển các luồng tư bản.

Theo ông Wang Xiaozu, giáo sư tài chính ở đại học Fudan, Thượng Hải, thì chính sách mở cửa mà ông Chu đã chủ trương, từ nay được coi là một « ý tưởng tốt trong một thời điểm xấu». Chuyên gia tài chính này nhận định : « Mở cửa hơn nữa vào thời điểm hiện nay chỉ làm cho các vấn đề thêm nghiêm trọng, như vấn đề thị trường chứng khoán hay các luồng vốn. Môi trường kinh tế hiện nay đòi hỏi kiểm soát hơn nữa các nguồn vốn chứ không phải là việc thả nổi tự do nhân dân tệ ».

Tổng bí thư đảng Cộng sản, chủ tịch nước Tập Cận Bình dường như không tin tưởng mạnh mẽ như ông Chu về việc cần phải nhường chỗ cho thị trường. Ông Jean-François Huchet, giáo sư kinh tế thuộc Viện Ngôn Ngữ Và Văn Minh Phương Đông nhận xét : « Người ta không thấy rõ phải chăng chế độ Bắc Kinh đã từ bỏ mong muốn kiểm soát nền kinh tế qua các biện pháp hành chính hay muốn từ bỏ một phần các cơ chế kiểm soát này để cho các tác nhân của thị trường được tự chủ nhiều hơn ».

Liên quan đến kinh tế, từ nay, ông Tập Cận Bình lắng nghe các tư vấn của ông Lưu Hạc (Liu He) hơn ; đây là một nhân vật kín đáo, được đào tạo ở Havard mà nguyên thủ Trung Quốc bổ nhiệm làm người đứng đầu Ban Chỉ Đạo Kinh Tài Trung Ương, một tổ chức của đảng Cộng Sản Trung Quốc, cạnh tranh với các cơ quan quản lý của chính phủ. Vai trò của Tập Cận Bình – cũng như của các cố vấn của ông – đã được củng cố trong ban lãnh đạo Đảng, gạt ra bên lề các nhân vật vốn trước đây có vai trò hàng đầu, như thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) hay thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên.

Link to comment
Share on other sites

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
Reply to this topic...

×   Pasted as rich text.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

 Share


×
×
  • Create New...