Jump to content

Cung Tiến nửa thế kỷ trước, và việc phổ nhạc thơ tự do


Recommended Posts

Viên Linh

Trước mặt tôi là tuần báo Nghệ Thuật số 33, ra vào tuần lễ đầu tháng 6, 1966 tại Sài Gòn, vừa đúng nửa thế kỷ trước. Lật dở những trang báo cũ của số báo này, có những bài viết của bằng hữu một thời, kẻ mất người còn, mà kẻ mất nhiều hơn, người còn chỉ là lác đác. 

229720-Cung-Tien-1-600.jpg

Bìa báo Nghệ Thuật số 33, tuần lễ đầu tháng 6, 1966, in tấm tranh màu nhan đề Mơ Mộng của họa sĩ Thái Tuấn. (Hình: Viên Linh cung cấp)

Tranh bìa in nhiều màu (offset), thấy người bay lửng lơ trong không, mới nhìn tưởng là tranh Chagall, bên trong in lời chú thích đáng ngạc nhiên: “Tranh bìa kỳ này: Họa phẩm Mơ Mộng của họa sĩ Thái Tuấn.” Hóa ra mấy số báo ra vào năm thứ hai, chủ bút Mai Thảo đã mời các họa sĩ ta vẽ tranh màu làm bìa tờ báo, có Cù Nguyễn nữa. Lúc đầu tờ báo do họa sĩ Đằng Giao và tôi trình bày, chỉ bốn tháng sau chỉ còn tôi, mà bây giờ nhìn lại cái bìa, thực sự tôi không còn nhớ đó là tranh Thái Tuấn! Tôi có cảm giác người họa sĩ gạo cội của làng họa miền Nam đã muốn gây ngạc nhiên với người thưởng ngoạn qua tấm tranh này, một tấm duy nhất trong thể loại.

Lật qua tờ báo xem các nhan đề, thấy bài vở bên trong thuộc nhiều bộ môn, ta thấy:

1-Tiểu luận Nguyễn Nhật Duật: “Người văn nghệ trước bản thân, thực tại đời sống, trước nghệ phẩm và người khác.” Anh Duật, một giáo sư Triết, qua đời ở tuổi 60.

2-Tiểu thuyết dịch: Khởi đăng truyện dài Phận Người của André Malraux do Tô Thùy Yên dịch. Nhà thơ tác giả các bài Phá Tam Giang, Ta Về, hiện ở Houston.

3-Có 3 truyện dài: “Viên đạn đồng chữ nổi của Mai Thảo,” “Vạch một chân trời của Sơn Nam,” “Dấu Mặt” của Thanh Tâm Tuyền. Cả ba đã ra người thiên cổ.

4-Truyện ngắn “Sayonara” sáng tác của Lê Huy Oanh. Nhà văn, chuyên gia về thi ca lãng mạn Pháp, mới mất vài năm trước ở Las Vegas.

5-Truyện ngắn dịch: “Ngôi Làng Cám Dỗ” của Frank Kafka, Đinh Hoàng Sa dịch. Người viết hay nhớ lộn giữa hai nhà văn trẻ, Đinh Hoàng Sa và Đinh Trầm Ca, nên không dám chắc ai ở ai đi.

6-Thơ của Cao Thoại Châu, Hoàng Ngọc Biên. Thi sĩ họ Cao nhà giáo cư ngụ ở Sài Gòn, dịch giả Hoàng Ngọc Biên ở San Jose.

7-Thơ hay Tiền Chiến, Nguyễn Đăng (Mai Thảo) chọn và bình: Thu của Chế Lan Viên.

8-Điểm Phim trong tuần: Hồ Tùng Nghiệp (Viên Linh) xem và bình: “Les Hors-la-Loi de Casa Grande.”

9-Phổ nhạc thơ tự do: Cung Tiến phổ và dẫn giải bài Lệ Đá Xanh, thơ Thanh Tâm Tuyền.

10-Cuộc đời tiểu sử văn nghệ sĩ: Nguiễn Ngu Í viết về Đông Hồ. Hai nhà văn nhà thơ tiền bối đã khuất bóng từ rất lâu rồi.

(Tuần báo Nghệ Thuật, chủ nhiệm chủ bút Mai Thảo. Tổng thư ký tòa soạn Viên Linh, báo khổ 9.50 x 12.50 phân Anh, 34 trang không kể bìa, giá bán 8 đồng một số. Tòa soạn đặt tại một trong nhiều cơ sở của ông Thư Lâm, con rể nhà thơ Đông Hồ. Dĩ nhiên đây là cơ sở thuộc khu báo chí, 233 Phạm Ngũ Lão Sài Gòn, không phải cơ sở 142 đường Catinat, sau này đã cho vợ một nhà văn ở nhờ luôn thể trông coi giùm ngôi nhà trong khi gia đình ông Thư Lâm đã qua Pháp trước 30 tháng 4).

Nghệ Thuật, một tuần báo bìa màu, với bài vở của các tác giả tên tuổi như thế, nội dung đủ mặt khác biệt phong phú như thế, mà bán có 8 đồng, không lạ gì nó bán chạy, thường hết sạch ở các sạp báo. Nhưng nó đã chết trong năm thứ hai. Báo bán chạy mà chết sớm, không phải chết dần mòn, nguyên do ở việc quản trị, lúc này người viết chưa thể nói đến các chi tiết.

Trong số 33 (chúng tôi chọn nói đến vừa vì nó ra đúng tuần lễ này 50 năm trước, vừa vì trong có hai điều rất đáng nói đến), trước hết là bản nhạc Lệ Đá Xanh do Cung Tiến phổ thơ Tự Do, nhạc sĩ đã giảng giải khá rõ ràng về việc phổ nhạc này. Đây là một giảng giải soi sáng chỉ một nhạc sĩ, nhạc gia như Cung Tiến mới đáng để người thưởng ngoạn lưu ý.

Lệ Đá Xanh là một bài thơ của Thanh Tâm Tuyền, nguyên văn như sau:

229720-Cung-Tien-2-600.jpg

Minh họa bản nhạc Lệ Đá Xanh của họa sĩ Ngọc Dũng. (Hình: Viên Linh cung cấp)


Lệ đá xanh

Tôi biết những người khóc lẻ loi 
không nguôi một phút 
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình 
em biết không 
lệ là những viên đá xanh 
tim rũ rượi

đôi khi anh muốn tin 
ngoài đời chỉ còn trời sao là đáng kể 
mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em 
đến ngày cuối

đôi khi anh muốn tin 
ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế 
mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em 
nguồn sữa mật khởi đầu

đôi khi anh muốn tin 
ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết 
mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em 
vòng ân ái

đôi khi anh muốn tin 
ôi những người khóc lẻ loi một mình 
đau đớn lệ là những viên đá xanh 
tim rũ rượi 

(Tôi Không Còn Cô Độc, 1956; nguồn: Vietmessenger.com)

Dưới đây là đoạn dẫn giải của người phổ nhạc:

“Lối Phổ Nhạc Thơ Thanh Tâm Tuyền

“Thơ ta rất khó phổ vào nhạc cho tự nhiên, bởi ngôn ngữ ta, không như ngôn ngữ tây phương, thuộc loại ngôn ngữ có âm (langue tonale).

Thơ Thanh Tâm Tuyền nói riêng còn khó phổ vào nhạc hơn, không phải vì nó không có vần như thơ hôm qua, mà chính bởi những hình ảnh nó chứa đựng. Không thể chỉ mắc vào nó những nốt nhạc, cao, thấp, ngắn, dài khác nhau mà ‘hát’ lên được những hình ảnh đó.

Ý tôi muốn nói là không thể áp dụng lối viết ‘monodie’ như tôi đã làm với bài Lệ Đá Xanh này. Mà ta diễn được cho đúng ý thơ của anh qua âm nhạc. Cần phải một lối ‘polyphonie,’ một lối hòa âm ngang song hành với hòa âm dọc, do một hay nhiều âm sắc (timbre) khác phụ họa. để nâng đỡ, nhấn mạnh, diễn tả từng chữ, từng câu, từng đoạn thơ, cho bật thoát ra những hình ảnh mà chữ, câu, đoạn đó ôm chứa.

Cố nhiên chỉ sau này tôi mới ý thức được lối phổ nhạc đúng đường đó mà thôi, như tôi đã theo với hai bài thơ khác của anh, là Chim và Thành Phố.

Cung Tiến
(Nghệ Thuật số 33, 3 tháng 6, 1966, trang 18-19)

Dành trọn hai trang giữa của tờ báo (17 và 18) để đăng bài thơ và bản nhạc ký âm do chính Cung Tiến thực hiện, và chép tay lời nhạc, đầu đề còn nhờ họa sĩ Ngọc Dũng vẽ riêng, chủ bút Mai Thảo đã viết mấy lời bạt đăng ở dưới cùng như sau: “Cung Tiến là người nhạc sĩ đầu tiên ở Việt Nam đã phổ nhạc Thơ Tự Do, mà lại là Thơ Tự Do Thanh Tâm Tuyền. Mang những nốt nhạc ngắn, dài, cao thấp vào ngôn ngữ hình khối là mở một cánh cửa trong một cánh cửa đi tới thế giới người thi sĩ. Bản nhạc phổ là một nguyên tác trong một nguyên tác. Nhưng đã hát lên được Thơ Tự Do, đã hát lên được Ý Thức, dù rằng bài Lệ Đá Xanh của tác giả Tôi Không Còn Cô Độc được làm cách đây đã 10 năm, lúc thơ Thanh Tâm Tuyền mới khởi đầu.”

Chỉ trong một số báo, và chỉ trong hai trang báo, đã từng ấy công trình tim óc, và đó là báo văn học nghệ thuật Miền Nam nửa thế kỷ trước. (Viết nhân 50 năm nhìn lại, 8 tháng 6, 2016).

(Người Việt)

Link to comment
Share on other sites

Guest
Reply to this topic...

×   Pasted as rich text.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

 Share


×
×
  • Create New...