Jump to content

Võ Phiến - Hội An (Tiếp theo và hết)


Recommended Posts

large.jpg

Do một sự tình rắc rối như vậy mà cách nhau trong gang tấc Đà Nẵng với Hội An mỗi bên là một thời đại: bên này là tương lai, bên kia là quá khứ, bên nầy suốt ngày đêm tàu thủy ngược xuôi trên sông, phi cơ lao vùn vụt trên trời, bên bờ sông trực thăng cất lên đáp xuống phành phạch, bên kia thì đường hẹp sông vắng; bên nầy thì hộp đêm nằm san sát dày khít mang tên ngoại ngữ, bên kia đầy những chùa chiền xưa cũ; bên nằy tràn trề đồ hộp Mỹ với la-ve nước ngọt Mỹ uống xong vứt lon lăn lóc khắp các lề đường, bên kia thì... cao lầu !
Bởi vậy có dịp đến Hội an, xin đừng có ai quên cao lầu. Vào một tiệm ăn, kêu một bát cao lầu, ngòi bẻ cúc cắc mấy mảnh bánh tráng, ăn từ từ, vừa ăn vừa ngắm nghía những cây cột tròn to tướng và đen bóng đứng quanh mình, vừa ngẫm nghĩ về ngôi nhà mà mình đang ngồi, ngôi nhà sâu hun hút, giống hệt các nhà lân cận, trăm cái như một, ngi ăn như thế có cảm tưởng hoặc mình đang mon men trên đường về lịch sử, hoặc đang tẩm mình trong một bầu không khí lịch sử, đang bị lịch sử xâm nhập từ nhiều ngõ cảm quan khác nhau: vị giác, thị giác, v.v...
 
*
Trong dịp đến Hội An lần ấy, vừa bắt gặp cả lịch sử, cả cao lầu, tôi lại vừa gặp tin buồn xảy đến cho gia đình một người bạn. Thân sinh anh vừa mới qua đời. Trong buổi chiều hè oi bức, những cây nến trên nắp áo quan, giữa một căn phòng bắt đằu tối dần, cháy mòn trong sự chờ đợi. Một buổi chiều nay, một đêm nay nữa, rồi sáng mai là đưa ông cụ đi, mà anh bạn chưa về. Khuya, trên một con đường sáng trăng của thành phố, gặp vài người con gái mặc tang phục trắng toát đi vội vã, biết là con cháu trong gia đình, đón lại hỏi: anh bạn vẫn chưa về kịp.
Hội An sớm được khai hóa, nó là đất văn vật, chính vì lẽ đó mà ngày nay đám tử đệ ưu tú càng bỏ nó tung đi bốn phương. Người con trai lúc nầy, càng là tài hoa càng là giỏi dắn, càng khó cầm chân ở một chỗ, nhất là một chỗ đã thuộc về dĩ vãng như thế. Tình hình đòi hỏi họ ở khắp nơi. Khả năng phong phú cần phát triển thúc dục họ tìm chỗ ra mắt ở những địa điểm trung tâm trọng yếu của đất nước. Chính khách cũng như văn nghệ sĩ, trí thức, họ tìm về thủ đô. Chính anh bạn nọ trong đêm hè nằy chắc chắn cũng ngược xuôi đâu đó — một phòng trà? một bữa tiệc? một buổi hội thảo? — ở thủ đô. Và những cây nến xếp hàng trên quan tài cha già đành lặng lẽ mòn mỏi dần cho đến trọn đêm.
Ngày thơ ấu, đọc truyện Le Petit Chose thường cảm động ở chỗ người anh đón em từ một tỉnh nhỏ miền Nam văng mình vào Paris như vào một cuộc phiêu lưu. Thủ đô ánh sáng mênh mông làm họ choáng váng, hai anh em côi cút rồi biết xoay trở ra sao? Vậy mà họ can đảm dìu dắt nhau, một ngày kia người em lừng danh.
Sài Gòn có biết chăng sự chắt chiu của các địa phương khi gom góp chọn lựa gửi về đây những con em yêu quí của mình. Từ đây, Sài Gòn rồi sẽ phân phát: kẻ thì ra nước ngoài vùng vẫy, kẻ lại trở về lãnh trách nhiệm ở các chiến tuyến tiền đồn, kẻ hoạt động trên địa hạt nầy, người ở địa hạt khác... Nhưng những hạt giống vãi ra, tranh nhau tìm sống, có hạt nẩy mầm lớn lên thành cây mạnh mẽ, nở hoa, ra quả, mà cũng có hạt tịt đi, có mầm héo non. Có những cuộc đời tài hoa rồi tàn lụi đi, im lặng, không ai hay biết, đây đó trong đô thành.
Một chiều nào đó, họ xuống máy bay, tay xách chiếc va-li, ngơ ngác bước theo chân cô tiếp viên hàng không, cánh quạt của chiếc máy bay mới đến sau xua gió ào ào thổi tốc áo quần làm cho họ càng chơi vơi trong buổi đầu tiên đến phi trường Tân Sơn Nhất... Một xâm xẩm tối nào đó,họ xuống bến xe đường Pétrus Ký; quần áo nhàu nhò, mình mẩy ê ẩm, đứng ngước mặt chờ đón lãnh chiếc va-li nặng tử trên trần xe đưa xuống... Mắt họ đảo quanh tìm một anh Jacques. Đó có thể là một người bà con, là một đồng chí, là một “anh em X.X.”, là một văn hữu mới quen nhau trong thư từ v.v... Thế rồi năm ba năm sau, trong bọn họ có người làm nên, giàu sang, nổi tên nổi tuổi, có người gặp toàn bất trắc: ngày ngày lặn ngụp trong các ngõ hẻm, năm nay ở phía sau một ngôi chùa, năm sau lơ lửng trên một con rạch, rồi tếch dần về những vùng ngoại ô BìnhThới, Hàng Xanh, Thủ Thiêm, Vĩnh Hội..., những ngón tay mỏi như không bám chặt nổi vào thủ đô, cứ trụt dần...
Anh bạn giáo sư nọ cũng đã trụt từ một chỗ bên cạnh tòa soạn ở trung tâm thành phố ra một căn gác ở Đa-kao, từ căn gác ở Đa-kao về căn buồng nhỏ bên Gia Định, rồi lui lần đi Bình Hòa. Anh hết rảo chơi chợ Hàm Nghi được.
Sau cùng anh đã tìm có chỗ dạy học lai rai đủ sống. Ngày ngày cắp mấy cuốn sách đi, ôm mấy mươi tập bài học sinh về chấm, anh lại sống cuộc đời hiền lành hơn bao giờ hết. Nhưng trong thế quân bình ổn định nhất của cuộc đời anh bạn giáo sư người Quảng vẫn cứ có chút gì hơi lỏng lẻo. Một sức mạnh tiềm tàng nghịch ngợm vẫn cứ cố sức lay động cái yên ổn bề ngoài ấy. Thực vậy, hễ mỗi lần tình hình trở nên khủng hoảng, mỗi lần một biến cố chính trị xảy ra, là anh bạn nhấp nhỏm sẵn sàng tung mình vào một cuộc phiêu lưu nữa, cùng với “anh em”. Làm sao vừa đi dạy vừa theo dõi tình hình chính trị rất sát, cái đó thực không hiểu nổi. Đến chơi nhà anh, có thể hôm trước vắng teo, anh vén lá mùng rủ nhau chui vào giường vo chăn kê dưới đầu làm gối, nói chuyện thủ thỉ, yên tĩnh thảnh thơi; bỗng hôm sau trở lại thì trước hè đầy những xe đạp, xe gắn máy dựa vách, trong nhà mùng vắt gọn lên trần, “anh em” kẻ đứng người ngồi đông nghịt, vung tay vung chân đàm luận om sòm. Thế là sắp “có chuyện” rồi.
Lúc nào thì nên buông mùng xuống nằm khoèo? Lúc nào thì phải vắt mùng lên cao để bàn chính sự, cái gì báo hiệu một biến cố để cho một nhà giáo đang lúi húi chữa bài bỗng quắc mắt vùng lên? Ôi chao cái cảm giác tinh mẫn về thời thế đó là một năng khiếu đặc biệt dành cho một vài hạng người, đâu phải ai cũng có được, cũng hiểu được? Trời vần vũ sắp mưa thì con én nó bay thấp con kiến nó tha trứng lên cao, ai hiểu được vì sao !
*
*              *
 hạng người chuyên tâm về chính trị, hằng săn sóc lo lắng đến vận mệnh đất nước, nhạy cảm đối với tình hình, khổ thân cho họ: trong bao nhiêu năm nay họ không có được mấy lúc nghỉngơi. Nước nhà đã lâm chiến, sinh hoạt mọi mặt đã khó khăn, tình trạng đã trầm trệ bê bối trên mọi lãnh vực, thế mà rồi năm tháng một biến cố ba tháng một biến cố.
Lảng vảng trên đầu mọi người một không khí não nề.
Không não nề thực sao những câu hát như thế này đang trầm trầm ngấm dần vào tâm hồn mọi tầng lớp:
“Mẹ ôi! đoái thương xem nước Việt Nam.
Trời u ám chiến tranh điêu tàn...
... Mẹ Việt nam, hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về,
Mẹ Việt nam ơi, ai chia ly tan tác cả ngàn đời...”
 

 

Ngẩng đằu hát một khúc “trường ca”: cũng “Mẹ Việt Nam”; quì xuống cầu nguyện: cũng Mẹ Việt Nam; thậm chí những lúc rì rầm cất lời dỗ giấc ngủ em gái: cũng lại Mẹ Việt Nam nữa. Chắc chắn chưa có bao giờ Mẹ Việt Nam bị kêu gọi nhắc nhở nhiều đến thế, bằng giọng xót thương, rên r, nghẹn ngào, khẩn thiết. Tuồng như trong cảnh thê lương, tuyệt vọng hình ảnh người đàn bà vẫn an ủi người đàn ông. Nhiều sụp đổ đau thương nhiều đau đớn quá, không biết kêu ai, trông cậy vào đâu, đành chỉ biết níu gấu áo mẹ, dù là mẹ... Việt Nam. Đối với những cơn bão tố phũ phàng của lịch sử thì mẹ Việt Nam biết làm gì được! Người đàn bà chỉ chịu đựng mà thôi. Tuy vậy mẹ vẫn là chỗ nương tựa về tình cảm, mẹ chia xẻ lo âu, lắng nghe những than thở, chùi những hạt nước mắt của con. Như thế là quí quá rồi. Trái lại, cha già, những đấng cha giàdân tộc...! ôi thôi! còn ai dám kêu đến họ nữa! Những cha già và những anh cả dân tộc...
Gọi Mẹ Việt Nam, Mẹ cúi xuống kiểm điểm từng địa phương, từng phần tử trong đám con đàn cháu lũ Việt Nam chắc chắn mẹ sẽ không đến nỗi tuyệt vọng đâu. Đã đành, nhiều lúc con trẻ hành động ngông cuồng rồ dại quấy phá Mẹ không ít, làm Mẹ đến điêu đứng thẫn thờ cũng nên; nhưng Mẹ hãy xem: có những gương mặt khả ái, những tấm lòng nhiệt thành, sau hai mươi năm điêu linh vẫn còn những kẻ kiên nhẫn siêng năng, sau nhiều suy sụp ngả nghiêng xã hội vẫn còn những tâm hồn đứng đắn lành mạnh nhờ được hun đúc trong một truyền thống tốt đẹp tự lâu đời...
Và khi nói đến những quấy động điên cuồng, cũng như khi nói đén sự nhiệt thành cùng truyền thống tốt đẹp, Mẹ đều có thể nghĩ đến xứ Quảng.
Tháng 7 năm 1966
Võ Phiến
(Diễn đàn Thế kỷ)  
Link to comment
Share on other sites

Guest
Reply to this topic...

×   Pasted as rich text.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

 Share


×
×
  • Create New...