Jump to content

Thảm sát tại Nice, Pháp : Hình thức « khủng bố » mới ?


xứ việt
 Share

Recommended Posts

Trọng ThànhĐăng ngày 19-07-2016 Sửa đổi ngày 19-07-2016 17:41
media
Chiếc xe tải cướp đi mạng sống của 84 nạn nhân tại Nice, Pháp, ngày 14/07/2016.Reuters/Eric Gaillard

Nước Pháp để tang, mặc niệm những người ngã xuống trong cuộc thảm sát tối ngày Quốc Khánh 14/07/2016, nhưng tranh luận vẫn nổi lên, đặc biệt xoay quanh hai vấn đề : xã hội Pháp đang phải đối mặt với đe dọa khủng bố nào ? Cần đối phó ra sao ? Đây là những chủ đề lớn bao trùm các số báo ngày 19/07/2016.

Nhật báo Le Parisien ghi nhận lễ tưởng niệm tại Nice, « những tiếng huýt sáo, la ó, kêu gọi từ chức khi đoàn của thủ tướng Manuel Valls đi qua. Trên đại lộ Promenade des Anglais, những lời chửi rủa kỳ thị chủng tộc vang lên từ đám đông ». Sự tức giận trong buổi lễ trưa qua đã « tràn bờ », khác hẳn với thời điểm sau hai vụ thảm sát Charlie Hebdo và Hyper Cacher, cách nay một năm rưỡi. « Chia rẽ trong xã hội » là « một trong những ám ảnh lớn của chính quyền ». «Nice : Sự bất đồng lớn giữa các chính trị gia » tựa trang nhất của Le Monde.

Chia rẽ : Điều Daech mong đợi.

Hãy « cẩn thận với những cạm bẫy của sự chia rẽ » là cảnh báo của báo Công giáo La Croix. «Những kẻ muốn khủng bố nước Pháp như vậy sẽ có thể ghi điểm ». Theo Libération, « những tiếng huýt sáo chống lại thủ tướng Valls tại Nice mang lại niềm vui cho tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech). Một nước Pháp chia rẽ cắn xé nhau, các chính trị gia tung ra những lời đao to búa lớn để lấy lòng dân, lời lẽ kỳ thị chủng tộc bung ra, đó chính là những phản ứng mà Daech trông chờ ».

Tờ báo thiên tả khuyến cáo : « đối diện với đe dọa, chắc chắn cần phải khôn ngoan và hiểu biết hơn, có thêm phương tiện và minh bạch, nhưng cũng cần nhiều dân chủ hơn, đoàn kết hơn ».

 

Hành động « khủng bố » tại Nice đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, như nhận định của công tố François Molins, nhưng các điều tra ở giai đoạn hiện tại cho thấy thủ phạm « dường như không có liên hệ trực tiếp với Daech », theo Libération.

Về chủ đề này, tờ báo có bài phân tích đáng chú ý : « Mohamed Lahouaije Bouhlel, một kẻ khủng bố kiểu mới ».

Kẻ khủng bố đơn lẻ

Kẻ đã gây ra vụ thảm sát man rợ tại Nice, vốn không phải là một người theo đạo Hồi thực sự. Cha đẻ của Mohamed Lahouaije Bouhlel cho biết : người này « uống rượu, ăn thịt lợn và dùng ma túy ». Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy người này thực hiện nguyên tắc « Taqiya », tức chiến thuật ẩn náu trong lòng xã hội phương Tây để chờ thời, theo chỉ huy của Daech.

Nhiều người đặt giả thuyết Mohamed Lahouaije Bouhlel đã chuyển theo Hồi giáo thánh chiến (radicalisation) chỉ trong một thời gian rất ngắn. Theo chuyên gia về Hồi giáo trong tù, nhà xã hội học Farhad Khosrokhavar, nếu điều này xảy ra, có lẽ qua con đường « bắt chước » các hành động khủng bố, chứ không phải do ảnh hưởng bởi « ý thức hệ » Daech.

Còn theo nhà làm phim tài liệu Clarisse Feletin, đạo diễn bộ phim « Nước Pháp đối mặt với khủng bố », thì hành động giết người hàng loạt của Mohamed Lahouaije Bouhlel, « không liên quan với đạo Hồi », mà chỉ để « biện minh cho các xung năng bạo lực của cá nhân, và rộng hơn là cho hành động tự sát ».

Libération dẫn nhận định của Hugo Micheron, nhà nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Chính trị Sciences Po Paris, từng theo dõi các mạng lưới thánh chiến tại Nice. Theo ông, hành động của Mohamed Lahouaije Bouhlel tương ứng với sự thay đổi trong chiến lược hành động của Daech mới đây, khi kêu gọi những người ủng hộ tự động tiến hành các vụ khủng bố ngay trong lòng các xã hội phương Tây, mà không cần nhận lệnh trực tiếp.

Libération đặt vấn đề : có thể coi Mohamed Lahouaije Bouhlel là « một kẻ khủng bố kiểu mới», đi theo « chiến lược mới của Daech - hợp thức hóa những hành động bạo lực nào tương ứng với các phương thức mà tổ chức này cổ vũ ».

Daech, nơi chứa chấp mọi hận thù

Bài viết « Kinh hoàng không đủ để là khủng bố » của giáo sư Olivier Christin, một chuyên gia về tôn giáo và lịch sử đương đại, nhấn mạnh Daech đang mang lại « một thay đổi triệt để » trong « lịch sử của chủ nghĩa khủng bố tôn giáo và chính trị », khi chủ trương « hợp thức hóa các hành động tàn bạo và điên rồ », mà không cần biết đến động cơ thực sự của thủ phạm là gì.

Chiến lược này đang đẻ ra « một xung đột chưa từng có, không chiến tuyến, không lối thoát, khi bất cứ ai khao khát trả thù cũng có cơ hội tham gia », từ các hận thù mang tính chính trị, tôn giáo, đến những tuyệt vọng cá nhân, tự sát trả thù đời. Theo nhà nghiên cứu, đây chính là «chiếc bẫy giương ra đối với các nền dân chủ », bởi trong cuộc chiến này, nền tảng của chính các xã hội dân chủ có nguy cơ bị hủy hoại.

« Chống chủ nghĩa khủng bố, nhưng không từ bỏ điều cơ bản » là một bài viết đáng chú ý khác trên Les Echos. Điều cơ bản ở đây là Nhà nước pháp quyền. Theo chuyên gia viện quốc tế Pháp IFRI, Dominique Moisi, cần phải vượt qua hai cảm xúc nổi bật sau thảm sát Nice : « bất lực và giận dữ ». Cần phải phát triển mạnh một ý thức về an ninh, nhưng không để rơi vào «hoang tưởng », vào « hận thù chủng tộc ».

Nước Pháp hiện nay không phải là « miền Viễn Tây trước đây, khi Nhà nước gần như hoàn toàn vắng mặt ». Để cho các thành phần của xã hội dân sự tự đứng ra bảo vệ an ninh cho mình, do bị các phong trào dân túy và phân biệt kích động, chính là rơi vào chiếc bẫy của Daech.

Theo Les Echos, ngược hẳn với « một luận điệu xảo trả, tuyên truyền cho sự thắng lợi » của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, trên thực tế Daech không phải đang giành chiến thắng, mà « địa bàn của lực lượng này đã thu hẹp tại Syria và Irak ». Les Echos đề nghị, trong cuộc chiến chống khủng bố, xã hội dân sự cần tham gia tích cực, giống như mô hình Israel, hỗ trợ Nhà nước « định chế duy nhất có thẩm quyền chính đáng sử dụng sức mạnh (hay bạo lực) », và Nhà nước cần phải « rút ra được các bài học về những lỗ hổng trong hệ thống an ninh », sau mỗi lần khủng bố.

Chống khủng bố : Biện pháp nào là hiệu quả ?

Về trách nhiệm của chính quyền, tờ báo đối lập Le Figaro kêu gọi từ bỏ « thái độ lạc quan mù quáng » của một chính phủ, bị sa lầy trong những sai lầm liên tục. Do sự mù quáng về ý thức hệ, mà các luật do nguyên bộ trưởng Tư pháp Taubira đưa ra là « những minh chứng rõ ràng nhất ». Đảng đối lập Những người Cộng Hòa yêu cầu chính phủ « phải có các cam kết, nếu muốn việc kéo dài tình trạng khẩn cấp được chấp nhận ».

Bài « Chống chủ nghĩa khủng bố, các biện pháp mới nào ? » của Le Figaro đặt ra một loạt các vấn đề đang gây tranh cãi như : các biện pháp hiệu quả hơn đối với những cá nhân bị nằm trong danh sách « S » (tức đối tượng cần theo dõi), đóng cửa các địa điểm tôn giáo tuyên truyền khủng bố, xây dựng các trung tâm giải độc thánh chiến, hay phối hợp hiệu quả hơn các hoạt động an ninh chống khủng bố…

Về chủ đề này, phát biểu trong mục Đối thoại, của Le Monde, chuyên gia về an ninh François Heisbourg, đề nghị thiết lập một hệ thống thu thập tin tức về khủng bố quy mô toàn quốc tại địa phương, với sự tham gia của 240.000 nhân viên ngành an ninh, cảnh sát, và cần lập ra một cơ quan chống khủng bố, trực thuộc Phủ tổng thống, như tại Anh và Mỹ, thay vì thuộc về bộ Nội Vụ như hiện nay.

Thổ nhĩ kỳ : Bài học từ vụ đảo chính hụt

Về thời sự quốc tế, cuộc đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thu hút sự chú ý của báo chí Pháp. Le Monde có bài xã luận : « Thổ Nhĩ Kỳ, những bài học về cuộc đảo chính hụt », hướng độc giả đến với nguy cơ lớn đối với quốc gia này : đó là tham vọng của tổng thống Erdogan, người gặt hái được rất nhiều lợi thế sau cuộc đảo chính.

Tự khẳng định như là thành trì chống lại nguy cơ hỗn loạn, tổng thống Erdogan đang trên đường biến mình thành một kẻ độc tài mới. Đàn áp đang mở rộng, sau cú đảo chính, với hàng loạt nhà tranh đấu đối lập, và cả các thẩm phán cũng bị câu lưu.

Cũng về chủ đề này, trong mục thảo luận của Le Monde, bài nhận định của một nhà báo thân cận với chính quyền Erdogan. Theo nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ, cú đảo chính hụt không xuất phát từ giới quân sự, mà là do các xung đột giữa chính quyền Erdogan và cộng đồng Hồi giáo đứng đầu là giáo sĩ Gulen, hiện lưu vong tại Hoa Kỳ.

Nếu căn cứ vào số lượng những người bị bắt giữ trong quân đội và trong giới thẩm phán, cuộc đảo chính vừa qua cho thấy ảnh hưởng lớn của phong trào do ông Gulen lãnh đạo. Cho dù ủng hộ ông Erdogan trong việc thanh trừng phe cánh của giáo sĩ Gulen, nhà báo nói trên cũng thừa nhận rằng, sau vụ đảo chính, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước ngã ba đường : Hoặc giảm bớt xu hướng độc tài hiện nay bằng cách ưu tiên con đường đồng thuận, hoặc sử dụng cơ hội này để nắm thêm nhiều quyền lực mới.

Về hồ sơ đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ, Libération có bài « Quân đội Thổ : Chia rẽ vô cùng », đưa ra nhận định đây là lần đầu tiên quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thất bại trong đảo chính, và cú đảo chính hụt phơi bày một định chế đầy quyền lực trong tình trạng phân hóa cao độ.

Mạng lưới lừa đảo thể thao cấp quốc gia

Trong lĩnh vực thể thao, báo Le Figaro, chú ý đến một bản báo cáo gây chấn động, công bố hôm qua, khẳng định chính quyền Nga đã che giấu 600 trường hợp dùng chất kích thích trong Thế vận hội 2014 tại Sotchi. Báo cáo cho thấy cả một hệ thống gian dối, « có tổ chức, do nhà nước kiểm soát và theo dõi » với sự hỗ trợ và tham gia tích cực của FSB, cơ quan an ninh Nga.

Báo cáo nói trên là một nghiên cứu để thẩm định các cáo buộc của một cựu lãnh đạo cơ quan chống doping của Nga, hiện đang tị nạn tại Hoa Kỳ. Vụ sử dụng chất kích thích quy mô lớn này khiến cơ quan chống doping thế giới đề nghị loại Nga ra khỏi Thế vận hội tới tại Rio, Brazil.

Bắc Cực : Nga hạ thủy tàu phá băng quân sự

Cũng liên quan đến nước Nga, Les Echos chú ý đến tham vọng Bắc Cực của Matxcơva. Nỗ lực trở thành « cường quốc chính » tại khu vực này trước 2020. Nga vừa thông báo hạ thủy tàu phá băng hạt nhân, được quảng bá là « lớn nhất và mạnh nhất thế giới ». Đây là lần đầu tiên Nga khánh thành một tàu phá băng quân sự kể từ 45 năm nay.

Theo một số ước tính, Bắc Cực chiếm tới 20% trữ lượng dầu mỏ chưa được phát hiện trên thế giới. Matxcơva muốn biến Bắc Cực trở thành một khu vực ưu tiên chiến lược, với việc phát triển mạnh hạm đội biển Bắc. Nga đòi hỏi quyền khai thác 1,2 triệu km vuông đáy biển tại khu vực này, bên cạnh vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

(RFI)

Link to comment
Share on other sites

Guest
Reply to this topic...

×   Pasted as rich text.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

 Share


×
×
  • Create New...