Jump to content

Những điều nên biết về hệ thống máy chụp hình vượt đèn đỏ


Recommended Posts

(Hình minh họa: Wikipedia.org)

Tư Mỏ Lết

Một chiều lái xe dạo phố trên những con đường gần khu Litlle Saigon. Cũng là con đường đó, cũng lượng xe đó, nhưng có những ngã tư bà con chạy xe có vẻ thoải mái. Trong khi ở một số ngã tư thì dân mình lại chạy xe hết sức cẩn trọng, đèn vàng mới lên là đã vội vàng thắng lại, rất đúng như khi đang… thi lấy bằng lái. Vậy cái gì là sự khác biệt giữa các ngã tư này? Câu trả lời: mấy cái camera chụp hình vượt đèn đỏ!

 

Những người ngán ngẩm chuyện ra đường bị cọ quẹt xe bởi những tay chạy xe quá tốc độ sẽ thắc mắc rằng: nếu những cái máy chụp hình này có phép lạ biến người dân thành những người am hiểu… luật đi đường như vậy, thì tại sao chính phủ không lắp mỗi ngã tư một hệ thống? Câu trả lời là không đơn giản như vậy! Câu chuyện về những chiếc camera đặt ở những ngã tư đường là một đề tài gây tranh cãi khá sôi nổi của dân lái xe Mỹ đã từ chục năm trước, mà số người ủng hộ và chống đối cũng tám lạng nửa cân.

Nhắc lại một chút về lịch sử của hệ thống bắt người lái xe phải… cười vì “được” chụp hình khi vượt đèn đỏ này. Hệ thống máy chụp hình vượt đèn đỏ (RLC- red-light camera) do một người Hòa Lan phát minh. Maurice Gatsonides là một tay đua xe, kỹ sư, một nhà phát minh Hòa Lan thành lập công ty Gatso. Trên trang mạng của Gatso nói rằng công ty đã chế tạo hệ thống RLC đầu tiên vào năm 1965. Hệ thống này tiếp tục được cải tiến thêm vài thập kỷ nữa, trước khi được sử dụng ở Mỹ. New York là thành phố đi tiên phong, lắp đặt hệ thống RLC lần đầu tiên vào năm 1993. Cho đến ngày nay, theo Viện Bảo Hiểm An Toàn Xa Lộ (IIHS), có 24 tiểu bang và thủ đô Washington, DC, sử dụng RLC ở 552 khu vực trên toàn nước Mỹ.

Về nguyên lý hoạt động, những máy chụp hình được lắp đặt để “giám sát” chuyển động của xe ngay vào thời điểm nó vượt qua lằn ranh dành cho người đi bộ, hay lằn ranh dừng xe (stop line). Thông qua một hệ thống cảm ứng được kích hoạt khi đèn giao thông đã chuyển sang đèn đỏ, hệ thống này sẽ đo vận tốc của xe. Những chiếc xe nào vượt quá tốc độ qui định (thí dụ 15 mph) khi vượt qua lằn ranh thì sẽ bị chụp hình. Đây là điểm mà nhiều người hiểu lầm, rằng mình sẽ bị chụp hình khi xe mình vượt qua lằn ranh người đi bộ khi đèn đỏ, ngay cả khi đã dừng lại.

Hệ thống chụp hình được thiết kế sao cho ghi lại hình ảnh từ cả phía trước và phía sau, để thấy rõ được bảng số xe, và vị trí của xe khi bắt đầu vượt qua lằn ranh và đang ở giữa giao lộ lúc đèn đỏ. Còn có cả ngày giờ, với tốc độ di chuyển vào thời điểm này, để người vi phạm hết đường chối cãi. Cũng theo nguyên tắc này, những xe quẹo phải khi đèn đỏ nhanh hơn tốc độ qui định cũng sẽ bị chụp hình (cho dù ngã tư này không cấm quẹo phải khi đèn đỏ). Xin nhắc lại rằng luật qui định là xe phải dừng lại hoàn toàn trước khi quẹo phải khi đèn đỏ.

Qui trình quyết định gởi giấy phạt về nhà cho người vi phạm cũng được thực hiện qua nhiều bước. Đầu tiên là nhân viên của công ty vận hành hệ thống RLC (thường là một công ty tư nhân không nằm trong thành phố hay tiểu bang sử dụng hệ thống) xem xét lỹ lưỡng hình ảnh, video ghi nhận được. Nếu thấy rõ ràng là xe vi phạm qui định vượt đèn đỏ, họ sẽ gởi kết quả này về cho sở cảnh sát của thành phố nơi hệ thống RLC được lắp đặt. Cảnh sát sẽ xem xét thêm một lần nữa, tin chắc rằng chiếc xe đã vượt đèn đỏ, trước khi quyết định gởi giấy phạt cho người vi phạm. Ở Mỹ, thà bỏ sót còn hơn bắt lầm, ngược lại với ở Việt Nam!

Những người ủng hộ việc lắp đặt hệ thống chụp hình vượt đèn đỏ luôn luôn dựa vào yếu tố an toàn giao thông. Công ty American Traffic Solutions đã đưa ra con số được ghi nhận vào năm 2009, có 676 người chết và hơn 113,000 người bị thương do những vụ xe vượt đèn đỏ. Trên 2/3 trong số những người bị thương vong không phải là chính những người lái xe vượt đèn đỏ, mà là những người đi bộ, đi xe đạp, hoặc những người ngồi trên các chiếc xe bị đụng khác. Cũng theo American Traffic Solutions, những thành phố có lắp đặt các hệ thống RLC thì con số tử vong giảm đi đến 24%. Và mới đây trong Tháng Bảy, IIHS lại công bố những con số nghiên cứu thống kê cho thấy những thành phố đã từng lắp đặt hệ thống RLC nhưng nay bỏ đi, thì con số thương vong do tai nạn vượt đèn đỏ tăng lên rõ rệt. Trong 14 thành phố loại bỏ hệ thống RLC, từ năm 2010 đến 2014, con số tử vong vì nạn vượt đèn đỏ tăng lên 30%.

Tuy nhiên, phe chống hệ thống RLC cũng có những cách lập luận thuyết phục không kém. Lập luận đầu tiên, đó là hệ thống RLC không chứng minh được rõ ràng là có nó thì tai nạn tại giao lộ giảm. Ở Mỹ là xứ sở của những con số thống kê. Phe chống RLC lại đưa ra những thống kê ở các thành phố, mà tai nạn không giảm dù có hệ thống RLC. Đặc biệt nhất, là số liệu cho thấy rõ ràng là cho dù ở những nơi có hệ thống RLC số vụ đụng xe tại giao lộ có giảm, nhưng số tai nạn do các vụ đụng xe từ phía sau thì luôn luôn tăng! Điều này rất có lý, dễ lý giải. Do tâm lý “ngại bị chụp hình” nhiều người đã thắng gấp khi thấy chuyển đèn vàng, hoặc chạy quá chậm khi tới giao lộ, đã làm cho những xe đằng sau phản ứng không kịp.

Lập luận thứ hai nghe còn “có lý” hơn, đó là hệ thống máy chụp hình đèn đỏ vi hiến theo luật pháp Hoa Kỳ. Nếu có 24 tiểu bang có sử dụng hệ thống RLC, thì cũng có 15 tiểu bang cấm nó hoàn toàn, chủ yếu vì lý do này. Thí dụ như Florida, một luật sư bảo hiểm đã thắng kiện RLC, vì theo luật của tiểu bang này, hệ thống RLC đã không đưa ra bằng chứng về hình dạng của người lái xe. RLC còn bị cho là vi hiến vì nó vi phạm qui tắc theo luật định “vô tội cho đến khi có tội với đầy đủ bằng chứng.”

Lập luận thứ ba lại càng “có lý,” và rất là “thực dụng theo kiểu Mỹ,” đó là những hệ thống RLC được lắp đặt để kiếm thêm nguồn thu cho thành phố, chứ không phải vì “thương người,” hay muốn làm giảm tai nạn giao thông! Tờ Washing Times ghi nhận rằng thành phố Chicago thu nhập trung bình $61 triệu hằng năm từ các hệ thống RLC. Ở một vài thành phố, hệ thống RLC còn làm thâm thủng ngân sách, khi chi phí vận hành chúng cao hơn tổng số tiền phạt thu được. Khi nhận ra điều này, thành phố thường sẽ quyết định tháo bỏ nó ngay. Nhiều cư dân thành phố còn lập luận rằng việc vận hành hệ thống RLC thường bởi một công ty không thuộc thành phố, vì vậy nó tạo công ăn việc làm cho người ở thành phố, tiểu bang khác. Không công bằng!

Đó là chưa kể đến chuyện nhiều người cho rằng máy móc thỉnh thoảng cũng bị “mát,” chụp hình loạn xạ khi mà họ đang đi đúng luật, làm cho họ thấp thỏm, lo lắng. Cái này cũng có thể “sue,” giống như khi mình bị ai đó “harass” vậy!

Nói tóm lại, hệ thống chụp hình khi đèn đỏ lợi hay hại, nên có hay không còn tùy ở từng nơi. Luật pháp nước Mỹ rất rõ ràng, nhưng khác nhau tùy từng tiểu bang, địa phương. Ngay trong khu vực Orange County, chỉ còn thành phố Garden Grove và Los Alamitos sử dụng chúng. Thành phố Santa Ana đã cho ngừng hoạt động kể từ năm 2015. Các thành phố Westminster, Fountain Valley thì chưa bao giờ lắp đặt chúng. Nhưng mà cũng chẳng nên để ý đến chúng làm gì. Bà con mình ở vùng Little Saigon cứ việc đi xe cho đúng luật. Đèn vàng là để chuẩn bị ngừng, chứ không phải để chuẩn bị tăng tốc. Cứ làm như vậy, thì có hay không có hệ thống RLC cũng không ảnh hưởng đến mình.

(Người Việt)

Link to comment
Share on other sites

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
Reply to this topic...

×   Pasted as rich text.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

 Share


×
×
  • Create New...