Jump to content

'Cuộc khảo sát kéo dài hai thập kỷ'


xứ việt
 Share

Recommended Posts

160903082429_doan_cam_thi_640x360_bbc_no
Image captionTác giả Đoàn Cầm Thi cho rằng cuốn sách là kết quả của một cuộc 'khảo sát kéo dài hai thập kỷ' của bà với ý định quan sát được thai nghén từ năm 1993.

Cuốn sách 'Đọc "Tôi" bên bến lạ' là kết quả một cuộc khảo sát hai thập kỷ về "cái tôi" được thể hiện như thế nào trong văn học Việt Nam đương đại, theo tác giả, một nhà phê bình văn học từ Pháp.

Còn phê bình văn học theo tác giả sách là "tìm cách cân bằng hai chuyển động có vẻ ngược nhau: lại gần văn bản nhất và đi xa văn bản nhất" trong khi "cái "tôi" sẽ tiếp tục là chủ đề lớn nhất của văn học và chắc chắn sẽ lôi kéo được giới nghiên cứu phê bình Việt Nam", tác giả sách, PGS. TS. Đoàn Cầm Thi từ Học viện Ngôn ngữ và phương Đông tại Paris, chia sẻ với BBC qua một cuộc trao đổi hôm 03/9/2016 mà sau đây là nội dung.

BBC: Thưa nhà phê bình Đoàn Cầm Thi, cuốn sách ‘Đọc "Tôi" bên bến lạ’ (NXB Hội Nhà văn & Nhã Nam) được thai nghén thế nào?

Tác giả Đoàn Cầm Thi: Đó là kết quả của một cuộc khảo sát kéo dài hai thập kỷ. Năm 1993, lúc đang chuẩn bị luận án tiến sĩ về tự truyện của George Sand, tôi chợt nảy ra ý định thử quan sát xem cái "tôi" thể hiện trong văn học đương đại Việt Nam như thế nào. Lúc đầu, cứ ngỡ là sẽ dừng lại ở những nhà văn thời Đổi Mới như Phạm Thi Hoài, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương,... Nào ngờ cái "tôi" lại là sự tìm kiếm quyết liệt nhất của các tác giả "hậu Đổi Mới" như Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Phan Thị Vàng Anh,... Cho đến nay, thì rõ ràng nó ngự trị văn học Việt Nam đầu thế kỷ 21, trong tác phẩm của Phong Điệp, Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên, Vũ Phương Nghi, Phan Việt, Nguyễn Ngọc Tư,... Không những thế, cái "tôi" chiếm lĩnh lãnh thổ lưu vong của Trần Vũ, Đỗ Kh., Thuận,... Ngay trong đề tài chiến tranh, tác phẩm của Bảo Ninh, Nguyễn Minh Châu, nhật ký Đặng Thùy Trâm,... đều là những khám phá đặc sắc về cái "tôi". Như vậy, qua "tôi", cái riêng, cái chủ quan, đã chạm tới cái chung, cái tập thể, những vấn đề của lịch sử và của thời đại. Và đó chính là quyền lực của văn chương!

Nói rằng một cuốn sách như vậy mà không bị kiểm duyệt thì thật khó tin. Ngược lại, nói rằng nó được dao kéo của nhà kiểm duyệt ưu ái, người ta có thể nghĩ đó là một cách gây "hot" PGS. TS. Đoàn Cầm Thi

Tuy nhiên, tôi coi cuốn sách này là một lời mở hơn một tổng kết. Vì nhiều lý do. Thứ nhất, một công trình hoàn chỉnh về cái "tôi" cần được nhìn nhận sâu hơn nữa ở nhiều góc độ: triết học, ngôn ngữ học, xã hội học,... Thứ hai, những gì mà tôi bàn tới chỉ phản ánh phần nào thực tế của cái "tôi" trong văn học đương đại, còn nhiều tác phẩm khác rất xứng đáng được quan tâm. Và cuối cùng, cái "tôi" sẽ tiếp tục là chủ đề lớn nhất của văn học và chắc chắn sẽ lôi kéo được giới nghiên cứu phê bình Việt Nam.

Kiểm duyệt, tự kiểm duyệt?

BBC: Cuốn sách có trải qua kiểm duyệt hay tự kiểm duyệt hay không? Có một chú thích (ở trang 224) của ban Biên tập ở chương viết về “Nỗi buồn chiến tranh: tự truyện bất thành” của Bảo Ninh", nói rằng ‘chúng tôi không chia sẻ với quan điểm nặng tính suy diễn’ của tác giả, tác giả có bình luận thế nào về chú thích này?

Đoàn Cầm Thi: Đây không phải là lần đầu tiên tôi được đặt câu hỏi này. Nhưng cho phép tôi (tạm thời) không đề cập đến vấn đề đó. Lý do cũng đơn giản thôi: nói rằng một cuốn sách như vậy mà không bị kiểm duyệt thì thật khó tin. Ngược lại, nói rằng nó được dao kéo của nhà kiểm duyệt ưu ái, người ta có thể nghĩ đó là một cách gây "hot". Ngày nay, thời kinh tế thị trường, các nhà kiểm duyệt có lẽ được yêu mến hơn thời bao cấp. Ai cũng biết là một cuốn sách gián mác "bị kiểm duyệt" hay "bị thu hồi" có khi bán chạy hơn cả giải thưởng văn chương.

Còn về chú thích ở trang 224, tôi tôn trọng dù không đồng ý với Ban biên tập.

160903121347_doan_cam_thi_640x360_other.Image copyrightOTHER Image captionNhà phê bình, dịch giả văn học Đoàn Cầm Thi (đầu tiên, từ trái) từng đoạt giải thưởng "Le Mot d'Or" của Unesco.

Theo tôi, vấn đề không phải là Bảo Ninh không viết được tự truyện, mà trong hoàn cảnh xuất bản và kiểm duyệt lúc đó, 'Nỗi buồn chiến tranh' đã buộc phải ngụy trang cái “tôi” của mình, một cái “tôi” rất không chút nào “phải đạo” (chữ của Hoàng Ngọc Hiến), vì với nó, tác phẩm sẽ không phải là một “hư cấu” về chiến tranh nữa mà là một “chuyện người thật việc thật” về những mất mát kinh hoàng do chiến tranh gây ra.

Có vẻ tuồng như mỗi nhà văn mỗi khi ngồi trước trang giấy là cùng một lúc phải cầm hai cây bút: một cây bút để viết cho người đọc bình thường, cho đời, một cây bút khác viết cho đạo, lo việc che chắn, viết cho lãnh đạo văn nghệ đọc Nhà văn Nguyễn Minh Châu

Đọc Nỗi buồn chiến tranh, ta thấy rõ ràng giữa Bảo Ninh và nhân vật của anh có nhiều tương đồng đến bất thường. Như Kiên, Bảo Ninh rời Hà Nội, thành phố quê hương, đi lính khi còn rất trẻ. Như Kiên, Bảo Ninh đến với văn nghiệp sau khi rời quân ngũ, như một “thiên mệnh”. Như Kiên, Bảo Ninh viết cuốn tiểu thuyết đầu tay kể lại đời mình, ở tuổi tứ tuần, sau khi đã có nhiều truyện ngắn được nuôi dưỡng bằng ký ức chiến tranh. Tương tự, giữa 'Nỗi buồn chiến tranh' và "tiểu thuyết" của Kiên, một tác phẩm thật và một tác phẩm ảo, có nhiều trùng lập. Cả hai đều miêu tả cuộc chiến qua cái nhìn của một người lính miền Bắc. Về mặt hình thức, chúng đều "thiếu bố cục", "thiếu mạch lạc" trong thời gian và trong không gian. Cả hai đều được mở ra với sự kiện nhân vật chính, sau hòa bình, đi tìm hài cốt của đồng đội, trước khi lạc vào mê lộ của kỷ niệm. Kiên cũng như Bảo Ninh đều viết với một niềm say mê hòa lẫn đau đớn. Đương nhiên rất có khả năng tồn tại một vài khác biệt giữa hai người, nhưng "sự thật" không nhất thiết phải là "sự chính xác", và người đọc có quyền khẳng định: Kiên chính là một biến thể của Bảo Ninh.

Đến đây, chúng ta lập tức đặt ra câu hỏi: Vì sao Bảo Ninh không viết Nỗi buồn chiến tranh dưới dạng tự truyện, bởi cái “tôi” phi hư cấu này sẽ đem lại một sức mạnh mới cho tác phẩm của anh? Đây là lý giải của tôi: vì hành động giao ước "chỉ kể sự thật" mà bất cứ tác giả tự truyện nào cũng phải đảm nhận trước độc giả của mình. Hành động đó, cũng như việc trực diện trước công chúng, tác giả của 'Nỗi buồn chiến tranh' vừa ao ước vừa sợ hãi. Xây dựng trên khái niệm cá nhân về con người, gắn với chủ nghĩa chủ quan, cái “tôi” trong văn học nghệ thuật đã từng bị coi là "tiểu tư sản", thậm chí "phản động".

'Phải cầm hai cây bút'

Mỗi lần đọc 'Nỗi buồn chiến tranh', tôi đều thấy cái bóng của kiểm duyệt lấp ló sau những trang viết của Bảo Ninh. Không phải ngẫu nhiên mà tiểu thuyết của anh dành nhiều trang cho hoàn cảnh sáng tác của văn nghệ sĩ Việt Nam trước Đổi Mới. Cha Kiên, một họa sĩ tài hoa nhưng "bị phê phán và bị đánh đổ" vì "hạn chế về lập trường quan điểm”, trước khi chết đã đốt hết những bức tranh của ông trong một "nghi lễ cuồng tín, man rợ dấy loạn". Sau này, kinh nghiệm cầm bút cho Kiên hiểu hành động này của ông như một sự tự sát. Đặc biệt, anh đồng cảm với người cha mà trước đó anh "bực bội", "phê phán": "phải mất đi biết bao năm tháng quý giá của cuộc đời, dần dần anh mới phần nào cảm được nỗi đau lẫn vị đắng cay trong những lời cuối cùng của cha". Cũng như ông, Kiên đốt bản thảo, dường như ý thức được những khó khăn của kiểm duyệt.

160903082241_doan_cam_thi_640x360_indomeImage copyrightINDOMEMOIRES.HYPOTHESES.ORG Image captionCuốn sách 'Đọc "Tôi" bên bến lạ' được nhà xuất bản Hội nhà văn và Công ty Nhã nam phối hợp xuất bản, phát hành ở Việt Nam.

Những năm 1980, vào thời điểm Bảo Ninh viết 'Nỗi buồn chiến tranh', ở Việt Nam, hơn bất cứ một nơi nào khác, người nghệ sĩ phải phân thân. Nguyễn Minh Châu đã cay đắng thừa nhận điều đó khi ông viết 'Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa': "Có vẻ tuồng như mỗi nhà văn mỗi khi ngồi trước trang giấy là cùng một lúc phải cầm hai cây bút: một cây bút để viết cho người đọc bình thường, cho đời, một cây bút khác viết cho đạo, lo việc che chắn, viết cho lãnh đạo văn nghệ đọc”. Đặc biệt, cho đến những năm 1988-1989, có lẽ không cơ quan kiểm duyệt nào chấp nhận một cái nhìn chủ quan và bi quan như vậy về chiến tranh. Nên nhớ lúc đó, Việt Nam vẫn chưa hết tiếng súng ngoài biên giới và Mỹ vẫn chưa bỏ cấm vận. Các tác phẩm vì vậy đều phải đi theo một quan điểm chung: ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tính chính nghĩa của cuộc chiến. Điều đó giải thích sự “thận trọng” của 'Nỗi buồn chiến tranh'.

Một câu hỏi nữa lại đặt ra: Tại sao 'Nỗi buồn chiến tranh' lại kể cuộc phiêu lưu của tập bản thảo? Theo tôi, qua thủ pháp “soi gương”, Bảo Ninh ngầm kêu gọi chúng ta hãy đọc Nỗi buồn chiến tranh như tự truyện của anh. Bằng cách đó, tác giả hé mở cho độc giả tác phẩm lẽ ra anh đã viết nếu không có kiểm duyệt. Những đoạn xưng “tôi” là những đoản tứ đẹp nhất của 'Nỗi Buồn chiến tranh': “Nhưng mà tâm hồn tôi thì đã ngưng bước lại ở những tháng ngày ấy (...) Đêm đêm giữa chừng giấc ngủ tôi nghe thấy tiếng chân tôi từ những thuở nào đó rất xa rồi vang trên hè phố lát đá (…) Ôi năm tháng của tôi, thời đại của tôi, thế hệ của tôi! Suốt đêm nước mắt tôi ướt đầm gối”.

Mục đích cuối cùng vẫn là thoát ra khỏi văn bản, tìm được những cách đọc bất ngờ nhất và độc đáo nhất. Tôi luôn cố gắng đạt được tiêu chí này PGS. TS. Đoàn Cầm Thi

Thực tế chứng minh sự “sáng suốt” của Bảo Ninh: chúng ta đều biết rằng tiểu thuyết của anh, mặc dù đã "tự kiểm duyệt", vẫn bị phê phán nặng nề, thậm chí phải tồn tại dưới một cái tên khác trong hơn một thập kỷ. Bài viết của tôi kết luận: “'Nỗi buồn chiến tranh' chứng tỏ văn học Việt Nam đương đại, ít nhất cho đến những năm 1990, gắn liền với một khung cảnh chính trị và hệ tư tưởng đặc biệt. Đọc nó, là ý thức được những thỏa hiệp, những cú đỡ, những trận đương đầu của nó, với kiểm duyệt”. Đó là cách đọc của tôi. Ban biên tập không chia sẻ nhưng cũng không can thiệp, vì “tôn trọng tính dân chủ trong học thuật”. Cá nhân tôi chấp nhận tinh thần thẳng thắn này.

Quan niệm về phê bình

BBC: Trong chương viết về Nhật k‎ý của Đặng Thùy Trâm, tác giả viết “đọc những dòng Đặng Thùy Trâm ca ngợi công cuộc tranh đấu cho quê hương, về lí tưởng cao đẹp, về tình đồng chí trong sáng, tôi thường tự hỏi trong những câu hô khẩu hiệu này, phần nào là trung thực, phần nào là ngây thơ?” và ngay trước đó tác giả cũng nhận xét rằng “Nhiều lần, cô ra lệnh cho mình phải ‘ngụy trang’…, liệu ở đây kiểm duyệt nếu có của ngành xuất bản ở Việt Nam đã để ‘lọt lưới’ hay đó là một biểu hiện của tiến bộ mới trong quan điểm biên tập và xuất bản ở trong nước?

Đoàn Cầm Thi: Tôi nghĩ nó thể hiện sự thông thoáng hơn trong xuất bản tại Việt Nam.

BBC: Cuốn sách là chặng đường dài theo dõi, quan sát, nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam của tác giả, trong chặng đường ấy về chính công việc l‎ý luận và phê bình của mình, từ tư duy cho tới kỹ thuật phê bình, bà có điều gì tự đánh giá hay không? Có tạm thời thỏa mãn hay là không? Nếu không thì vì sao, thế nào?

Đoàn Cầm Thi: Tôi không muốn biến buổi nói chuyện của chúng ta hôm nay thành một cuộc "phê và tự phê". Nhu cầu "tự đánh giá" cũng như cảm xúc "thỏa mãn" không có trong tinh thần học thuật của tôi.

BBC: Nhân đây, xin được hỏi phê bình văn học về thực chất là gì, theo bà? 151004101207_vietnam_640x360_bbc_nocredi Image captionNhà phê bình Đoàn Cầm Thi (chính giữa) tại một tọa đàm về văn học Việt Nam đương đại tại Pháp.

Đoàn Cầm Thi: Phê bình văn học, theo tôi, là tìm cách cân bằng hai chuyển động có vẻ ngược nhau: lại gần văn bản nhất và đi xa văn bản nhất. Cụ thể, làm thế nào để đọc từng câu từng từ, nhạy cảm đến từng âm thanh, nhạc điệu, ngữ nghĩa của cả những chữ tưởng như vô nghĩa nhất trong tác phẩm, nhưng mục đích cuối cùng vẫn là thoát ra khỏi văn bản, tìm được những cách đọc bất ngờ nhất và độc đáo nhất. Tôi luôn cố gắng đạt được tiêu chí này.

Ví dụ khi người ta đọc 'Những ngày thơ ấu' của Nguyên Hồng như một bài ca về tình mẹ con "trong sáng","cao thượng","hy sinh", tôi thấy ở đó một tình yêu mang nhiều nhục dục. Nếu không tin, bạn thử đọc lại đoạn văn "Trong lòng mẹ" của sách giáo khoa lớp 8: "Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh taymẹ tôi, tôi thấy những cảm giác bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt.Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả hơi thơm tho lạ thường. Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của mẹ để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trên trán xuống cằm và gãi rômở sống lưng thì mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng (…). Trong những phút rạo rực ấy...".

'Cởi mở và xây dựng'

Tương tự, khi viết về 'Mình và họ', các nhà phê bình thường chú ý đến đề tài chiến tranh biên giới, tôi lại thấy một tìm tòi về mỹ cảm. Ở Nguyễn Bình Phương, bạo lực là chính trị và lịch sử, nhưng anh đối xử với nó trong tư cách một nghệ sĩ, mô tả và phân tích hiện thực bằng một hệ thống ngôn ngữ, hình tượng và cảm xúc của riêng anh. Tôi thích đọc Nguyễn Bình Phương như một nhà thơ, ngay cả khi anh viết truyện ngắn và tiểu thuyết. Theo tôi, cái tựa "Xe lên xe xuống" hấp dẫn hơn "Mình và họ". "Xe lên xe xuống" gợi lên những hình ảnh, âm thanh và cảm xúc về mỹ học, trong khi "Mình và họ" lồ lộ một thông điệp, một nội dung, một ý nghĩa.

Tôi không có thông điệp. Khi in cuốn sách này, tôi hy vọng sẽ được đối thoại với đồng nghiệp bên trong và bên ngoài. Cho đến hôm nay, tức là chỉ hơn hai tháng sau, tôi đã nhận được rất nhiều nhận xét, có thể đồng ý và không đồng ý với những tiếp cận của tôi, nhưng đều mang tinh thần cởi mở và xây dựng PGS. TS. Đoàn Cầm Thi

Ngay ở trang đầu, Nguyễn Bình Phương viết:

"Xe xuống chậm một cách thận trọng. Mặt trời chậm chậm lăn theo lưng núi. Đám người mặt lạnh đanh này cũng thở chậm dần. Những chớp mắt của Trang trở nên lờ đờ hơn. Tất cả đều chậm lại sau cú bay thảng thốt tuyệt mỹ của mình...”. Đương nhiên nó kể một cái chết, một thảm kịch, nhưng trước hết nó báo hiệu một lối viết độc đáo. Ta có cảm giác đang xem một đoạn phim quay chậm. Các hình ảnh chuyển động thật chậm, chậm đến mức bất thường. Máy quay đi từ cảnh rộng: một chiếc xe đang xuống núi, mặt trời sắp lặn. Sau đó, nó chuyển sang cận cảnh, thậm chí cận tối đa, để diễn tả chi tiết những động tác và cử chỉ mà mắt thường khó nắm bắt: vẻ mặt lạnh, nhịp thở chậm, thậm chí cả những chớp mắt của nhân vật.

Đọc đoạn mở đầu này, tôi thấy Nguyễn Bình Phương là người duy mỹ. Cái mà anh trăn trở vẫn là một ý đồ nghệ thuật. Bạn không thấy hai chữ “tuyệt mỹ” đó ư?

BBC. Cuối cùng, nhân ‘Đọc « Tôi » bên bến lạ’, có điều gì, bên ngoài cuốn sách, đằng sau trang viết và giữa các dòng chữ, mà tác giả muốn chia sẻ gì thêm với giới sáng tác, phê bình và lý luận văn học Việt Nam trong nước, lẫn hải ngoại hiện nay? Nếu có, và dưới dạng một thông điệp, thì đó có thể là gì?

Đoàn Cầm Thi: Tôi không có thông điệp. Khi in cuốn sách này, tôi hy vọng sẽ được đối thoại với đồng nghiệp bên trong và bên ngoài. Cho đến hôm nay, tức là chỉ hơn hai tháng sau, tôi đã nhận được rất nhiều nhận xét, có thể đồng ý và không đồng ý với những tiếp cận của tôi, nhưng đều mang tinh thần cởi mở và xây dựng.

Tiến sỹ Đoàn Cầm Thi là Phó Giáo sư, Trưởng ban Việt học tại Khoa Đông Nam Á và Thái bình dương, Học viện Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông (Inalco), và là sáng lập viên Tủ sách 'Văn học Việt Nam đương đại' tại Nhà xuất bản Riveneuves ở Paris, Pháp.

160903121514_doan_cam_thi_640x360_other.Image copyrightOTHER Image captionMột cuộc tọa đàm khác về văn hóa, văn học Việt Nam đương đại tại Pháp.
 

 

(RFI)

Link to comment
Share on other sites

Guest
Reply to this topic...

×   Pasted as rich text.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

 Share


×
×
  • Create New...