Jump to content

Bắc Triều Tiên dồn dập thử hạt nhân để buộc Mỹ đàm phán


xứ việt
 Share

Recommended Posts

Thanh HàĐăng ngày 09-09-2016 Sửa đổi ngày 09-09-2016 16:07
media
Hình ảnh Kim Jong Un trong một đoạn video được công bố ngày 09/09/2016, sau khi Bình Nhưỡng thử vụ tên lửa thứ 5.REUTERS/KTR

Tham vọng hạt nhân của chính quyền Kim Jong Un vượt ngoài dự phóng của cộng đồng quốc tế. Bình Nhưỡng tăng cường kho vũ khí chiến lược với mục đích bảo vệ chế độ. Giới chuyên gia không loại trừ khả năng Mỹ phải đàm phán với Bắc Triều Tiên.

Sau vụ Bắc Triều Tiên thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần thứ 5 vào sáng ngày 09/09/2016, mà theo Seoul đó là vụ thử một quả bom nguyên tử 10.000 tấn, có sức công phá lớn nhất trừ trước tới nay. Chế độ Kim Jong Un gia tăng các hành vi khiêu khích cộng đồng quốc tế vì mục đích gì và vì sao Bình Nhưỡng lại chọn thời điểm này ?

Kể từ năm 2014, hơn một năm sau khi Kim Jong Un thay cha lãnh đạo đất nước, Bình Nhưỡng đã dồn dập tiến hành các vụ bắn tên lửa và thử nghiệm vũ khí hạt nhân, thông báo làm chủ công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để trang bị cho tên lửa, hay thành công phóng tên lửa từ tàu ngầm.

Giới quan sát không phủ nhận Bắc Triều Tiên đã phóng đại thành tích đề hù dọa quốc tế, nhưng đã phải nhìn nhận là Bình Nhưỡng đã có những bước tiến xa trên về công nghệ hạt nhân. Trả lời báo Anh, The Guardian số ra ngày 09/09/2016, bà Kelsey Davenport, giám đốc đặc trách về chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc tổ chức giám sát vũ khí Arms Control Association, trụ sở tại Mỹ, ghi nhận : Có nhiều khả năng hiện tại Bắc Triều Tiên đã làm chủ công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để trang bị cho tên lửa tầm ngắn và tầm trung, các loại tên lửa đó có thể bắn tới Hàn Quốc hay Nhật Bản, tới các cơ sở quân sự của Mỹ trong vùng Đông Bắc Á.

Vẫn theo chuyên gia này, còn phải mất thêm nhiều thập niên nữa, hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên mới có thể bắn sang tới lãnh thổ Hoa Kỳ. Dù vậy theo bà Davenport, tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ sắp tới, sẽ phải đặc biệt quan tâm đến « hiểm họa và mối đe dọa Bắc Triều Tiên ».

 

Về phần Jeffrey Lewis, giám đốc chương trình chống phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á, thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury, bang Vermont- Hoa Kỳ, ông cho là các vụ thử tên lửa và vũ khí hạt nhân dồn dập nói trên cho thấy Kim Jong Un không khoanh tay ngồi nhìn, phó mặc số phận của mình cho Mỹ như các ông Saddam Husein hay đại tá Kadhafi ở Irak và Libya xưa kia. Bình Nhưỡng dùng lá bài hạt nhân để buộc Hoa Kỳ phải chọn giải pháp đàm phán.

Điều nguy hiểm là, theo như phân tích của Mark Fitzpatrick, giám đốc Viện Nghiên cứu Quan hệ Chiến lược Quốc tế IISS tại Washington, các hành động của Bắc Triều Tiên có nguy cơ đẩy Nhật và Hàn Quốc vào một cuộc chạy đua vũ trang. Nói cách khác, giới phân tích không loại trừ khả năng, chiến lược « hung hăng » của Bắc Triều Tiên sẽ phản tác dụng.

Về câu hỏi tại sao Bắc Triều Tiên lại gia tăng các vụ thử tên lửa và bom nguyên tử vào thời điểm này, phó giám đốc chương trình Châu Á tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế Châu Âu, Mathieu Duchâtel nêu lên những yếu tố như sau : Washington và Seoul đang ráo riết thảo luận về dự án thiết lập hệ thống phòng thủ THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Hệ thống chận bắt tên lửa THAAD của Mỹ một khi đi vào hoạt động sẽ giám sát chặt chẽ hơn các cơ sở hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Không muốn radar và tên lửa bắn tên lửa của Mỹ được đặt sát cạnh mình, nên Bắc Triều Tiên « kích hỏa » trước quả bom để dằn mặt cả Seoul lẫn Washington.

Thứ nữa, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền vào mùa xuân 2013, Bắc Kinh đã thắt chặt quan hệ với Seoul. Trung Quốc không còn là đồng minh gắn bó với Bắc Triều Tiên như trong quá khứ. Tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc đã không ngần ngại biểu quyết thông qua các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên.

Ý thức được vấn đề an ninh và ổn định ngay tại biên giới giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, Bắc Kinh không đứng hẳn về phía phương Tây để mạnh tay trừng phạt chế độ Kim Jong Un, cho nên Bình Nhưỡng khai thác lá bài « gây chia rẽ » cộng đồng quốc tế trên hồ sơ hạt nhân Triều Tiên.

Tóm lại, giới phân tích của châu Âu và Mỹ đều nhận thấy rằng, đây là thời điểm để Bình Nhưỡng thị uy và dùng lá bài hạt nhân mặc cả với quốc tế. Bình Nhưỡng khai thác con chủ bài hạt nhân như một lá bùa hộ mệnh để bảo đảm cho sự tồn tại của chế độ Bắc Triều Tiên.

(RFI)

Link to comment
Share on other sites

Guest
Reply to this topic...

×   Pasted as rich text.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

 Share


×
×
  • Create New...