Jump to content

Hồi ký Lê Phú Khải - Kỳ 35


xứ việt
 Share

Recommended Posts

“Bọn họ” mà VVT  nói ở đây chính là Lê Đức Anh, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Đức Tâm, Đoàn Khuê trước Đại hội Đảng lần thứ 7, lập án giả định hại Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Lời Ai Điếu

 Võ Viết Thanh

Một buổi sáng đẹp trời 2008, Võ Viết Thanh (VVT) đem xe đến rước tôi đi Bến Tre với anh. Thanh sinh năm 1943, kém tôi một tuổi, anh khiêm tốn gọi tôi là anh và xưng em. Tôi không hình dung nổi, một con người từng vào sinh ra tử, 17 tuổi đã ngồi tù, dày dạn trên chính trường, bất khuất và gang thép như Võ Viết Thanh lại có dáng vẻ nho nhả, ăn nói từ tốn khiêm nhường như thế. Hôm đó anh nói với tôi, anh vừa xin được một người bạn ngoại quốc trong lúc đánh gôn một số tiền để làm “xóa đói giảm nghèo” cho quê Bến tre của mình. Anh còn than: “Em dại quá, người bạn này hỏi cần bao nhiêu. Em nói 90.000 đô, anh ta gật liền. Bây giờ thấy tiếc, biết thế nói 200.000 có hơn không!” Tôi bảo VVT: – Ông tham quá, thế là tốt rồi. Trên xe hôm đó còn có một anh chàng Singapore gốc Hoa, nói tiếng Việt bập bẹ vì đã ở Việt Nam lâu năm. Anh chàng này chừng ngoài 50 tuổi, luôn mồm than “nước Singapore chúng tôi hẹp! Việt Nam lớn quá!”. Quả thật sau này tôi có đi Singapore và thấy cái nước này không rộng bằng huyện Giồng Trôm quê Võ Viết Thanh.

… Sau khi làm việc với huyện, với xã, Thanh đưa tôi về nhà anh ở xã Lương Phú. Cảnh sắc quê anh rất thanh bình, êm ả. Mỗi nhà ở trong một vườn dừa rộng mênh mông, mát rượi. Có những cây dừa già nằm ngả xuống đất, muốn đi qua phải bước qua thân dừa mà chủ nhà cũng không muốn chặt. Có lẽ vì nhiều dừa quá. Ở miền Bắc ít đất, vườn nhà thường hẹp, vì thế mỗi lần vô một miệt vườn như ở Bến Tre, tôi cứ thơ thẩn ngắm vườn.

Điểm nhất của chuyến đi này mà tôi không bao giờ quên là trước khi vô nhà ăn cơm, Võ Viết Thanh đưa tôi ra viếng một ông bà già anh. Mộ chí được xây cất ngay trong vườn. Võ Viết Thanh thành kính thắp nhang cúi lạy cha mẹ. Tôi đọc rất kỹ trên bia, hai cụ Võ Văn Nhuận và Phạm Thị Giang đều chết cùng ngày, cùng giờ, 20 giờ ngày 26/8/1962. Thanh nhìn tôi, nói trong uất ức: Một toán lính của chế độ Ngô Đình Diệm, đứng đầu là tên Tổng Giám đồn Long Phú đã giết cha mẹ tôi trên đất này, phía bờ sông kia, ai cũng biết, cả xã, cả huyện này đều biết. Vậy mà “bọn họ” lại bảo là cha mẹ tôi bị cách mạng giết.

Tôi không quên nhờ anh bạn Singapore đi cùng chụp cho tôi và Võ Viết Thanh một tấm hình hai người ngồi bên một chí của các cụ thân sinh ra VVT. Bức hình tôi đội mũ nồi, Võ Viết Thanh để đầu trần, vầng trán rộng mênh mông tôi còn giữ làm kỷ niệm.

“Bọn họ” mà VVT nói ở đây chính là Lê Đức Anh, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Đức Tâm, Đoàn Khuê trước Đại hội Đảng lần thứ 7, lập án giả định hại Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong vụ án “Bà Sáu Sứ” tai tiếng cả nước, được giao cho Võ Viết Thanh với tư cách là Thứ trưởng Bộ Công an lúc đó đi điều tra và kết luận theo “hướng của trên”, nhưng Võ Viết Thanh đã không làm theo ý họ. Thanh đã điều tra đúng người, đúng tội, tôn trọng luật pháp nên sau đó họ không làm gì được Võ Viết Thanh, bèn nghĩ ra cái “võ” điều tra lại lý lịch của Thanh theo đơn tố cáo và gạt Thanh ra khỏi chính trường. VVT còn nói cho tôi rõ, theo nguyên tắc thì anh đã là Ủy viên Trung ương nên khóa Đại hội 7 đương nhiên anh được dự. Thanh còn cho biết, khi được phát phiếu bầu ủy viên trung ương khóa mới (7), cái phiếu ghi tên anh chỉ để trắng, không kèm theo chức vụ ủy viên trung ương khóa 6, như mọi ủy viên trung ương khác tái cử. Anh thắc mắc thì Ban tổ chức nói là: – Lỗi in ấn!!! Thanh nói: Tôi định cầm cái lá phiếu ghi tên mình xông thẳng lên diễn đàn và giơ lá phiếu ấy lên để tố cáo sự gian lận này trước toàn thể đại hội, nhưng nghĩ lại nếu làm thế là tôi đã phá cả đại hội, nên tôi thôi!!!

Cô Võ Thị Cẩm Hồng, em ruột của Võ Viết Thanh, khi còn ở Sở Công an Tiền Giang, đã nói với tôi ngay từ năm 1991, lúc đó tôi cũng còn đang thường trú tại Mỹ Tho rằng: Khi là Thứ trưởng Bộ Công an, lúc lấy phiếu tín nhiệm, anh Bảy Thanh được phiếu cao nhất, vậy mà trước Đại hội 7, em thấy anh Tư Bốn (tức trung tướng Nguyễn Việt Thành sau này), Giám đốc Sở gọi em lên bảo khai lại lý lịch thì em biết ngay anh Bảy Thanh của em ở Bộ Công an ngoài Hà Nội đang gặp nạn rồi. Em còn lạ gì cái trò bày đặt đơn tố cáo để bắt khai lại lý lịch, kiểm tra tư cách đại biểu trước Đại Hội, để trì hoãn, để loại trừ nhau trước một Đại hội Đảng.

Sau một ngày về Bến Tre, lúc đó cầu Rạch Miễu qua sông Tiền sang Bến Tre còn chưa được bắc nên lúc về đến Sài Gòn đã tối lại kẹt đường, ngồi trên xe buồn quá Võ Viết Thanh còn đọc cho tôi nghe mấy câu thơ của Verlaine. Tôi hỏi: ông cũng đọc được tiếng Pháp à? Thanh kể: Anh có xem phim “Ván bài lật ngửa chưa?” Trong phim có đoạn tỉnh trưởng Bến Tre lúc đó là Phạm Ngọc Thảo có gọi một thanh niên 17 tuổi đang ở tù ra hỏi cung, ông tỉnh trưởng chỉ hỏi vài câu lấy lệ rồi sau đó thả người thanh niên này ra. Người đó chính là em. Lúc đó em vừa học xong trung học ở Bến Tre.

Hai năm sau cái ngày anh đưa tôi về Bến Tre, Võ Viết Thanh sai cô em Võ Thị Cẩm Hồng lúc này đã lên Sài Gòn làm ở báo Công an TP. HCM đến đưa cho tôi một cuốn sách dầy, khổ lớn, bìa cứng do Nhà xuất bản QĐND, xuất bản 2010 có tên là “Bến Tre đồng khởi anh hùng”. Cùng với cuốn sách đó là một cái đĩa ghi và một lá thư ngắn. Nguyên văn lá thư đó như sau:

“Kinh gửi anh Lê Phú Khải, xem lại cho vui những chuyện đã qua của một gia đình và con người.

Kính thăm anh và gia đình. 19.4.2010. Thân ái (ký tên Thanh)”

Bức thư tôi còn giữ làm kỷ niệm.

Tôi đọc sách, xem đĩa ghi hình, tìm hiểu về gia đình Võ Viết Thanh mà bàng hoàng. Có lẽ trên thế gian này chưa có gia đình nào hy sinh mất mát cho một cuộc cách mạng như gia đình Võ Viết Thanh, sau đó lại chịu những oan khuất, cay nghiệt như gia đình anh. Cả hai vợ chồng ông Võ Văn Nhuận và và Phạm Thị Giang đều là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương từ những năm 30 của thế kỷ trước, đấu tranh trong Công hội Đỏ ở Ba Son chống Pháp cùng lứa với Tôn Đức Thắng, Dương Quang Đông. Suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông bà đều là cán bộ nòng cốt. Ông làm quân giới tận U Minh. Năm 1958, ông bà bị bắt, bị đánh đập tra tấn dã man mà không hề khai báo gì. Sau 3 năm tù ông bà lại được tổ chức đưa về Bến Tre hoạt động bí mật. Đến năm 1962, cả hai vợ chồng người cán bộ kháng chiến này đều bị giết hại thảm khốc cùng một lúc.

Cô Hồng đã kể với tôi, lúc chúng xông vào nhà bắt bố mẹ đi thì cô còn bé quá, ngồi ở thềm nhà chúng không để ý nên thoát chết. Chị cô bụng đang mang thai cũng bị bắt đi nhưng vùng chạy thoát.

Mời quý độc giả xem Video : Xử lý một số tướng lĩnh quân đội Tổng Bí thư Trọng bất ngờ giành thế chủ động 

 

Võ Viết Thanh mới 18 tuổi đầu đã mang nặng thù nhà, nợ nước, cha mẹ bị giết, chị em gái và em trai cũng hy sinh. Sau 1975, Võ Viết Thanh về quê tìm bắt được Tổng Gốm, kẻ đã giết cha mẹ anh. Nó quì lạy và anh đã tha cho nó. Anh xông pha lửa đạn, chỉ huy một xưởng quân giới chế tạo ra nhiều vũ khí để diệt tàu Mỹ trên dòng sông quê hương. Trận đánh cầu Cá Lọc của anh được ghi chép trong lịch sử của Bến Tre. Anh từng được phong anh hùng lực lượng vũ trang. Vậy mà chính các “đồng chí” cao cấp của anh lại lập mưu vu khống cha mẹ anh, những người đã yên nghỉ nơi suối vàng, là kẻ phản bội. Còn gì đau xót hơn cho một người Việt Nam là cha mẹ mình đã mất mà còn bị vu oan, vu oan một cách bỉ ổi. Cái thiêng liêng nhất đối với VVT là linh hồn của cha mẹ mình lại bị đồng chí của mình đem ra bôi nhọ để lấy cớ cho những âm mưu đấu đá quyền lực bẩn thĩu nhất. Nếu Võ Viết Thanh cúi đầu nghe theo bọn họ thì anh sẽ lên quan to hơn, lên làm Bộ trường Bộ Công an, vào Bộ Chính trị. Nhưng anh đã chấp nhận bị vùi dập để đứng thẳng làm một con người chân chính, lương thiện và tử tế. Gia đình VVT đủ để Shakespeare viết một bi kịch về một cuộc cách mạng ở xứ châu Á xa xôi và hoang dại (sauvage) trong thế kỷ 20! Vậy mà trong thư anh viết cho tôi chỉ nói: “xem lại cho vui, những chuyện đã qua của một gia đình”.

Tôi biết tâm hồn anh đã rã rời với một cuộc cách mạng đang bị phản bội. Anh thấy bẽ bàng cho nó và cho cả những gì mà anh đã cống hiến cho nó với tất cả sự trong trắng của tâm hồn mình. Anh đang nhìn xã hội quay cuồng xung quanh bằng con mắt của kẻ chỉ thấy đời như một giấc mộng phù du của “những chuyện đã qua”.

Gần đây, tôi có gặp anh trong đám cưới con trai của cô em Võ Thị Cẩm Hồng của anh. Vẫn dáng vẻ  nho nhã, vẫn giọng nói ấm áp, khiêm nhường, và trên vầng trán mênh mông của anh, tôi như thấy những đám mây buồn đang lãng đãng trôi.

Lê Phú Khải

(Blog Phan Ba)
Link to comment
Share on other sites

Guest
Reply to this topic...

×   Pasted as rich text.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

 Share


×
×
  • Create New...