Jump to content

Giải pháp an toàn đề kết thúc cuộc khủng hoảng ở Biển Đông


xứ việt
 Share

Recommended Posts

Nếu Mỹ muốn thay đổi những tính toán chính trị của Trung Quốc ở Biển Đông thì Mỹ buộc phải đối mặt với vấn đề một cách trực diện và tìm cách theo đuổi một thoả thuận song phuơng với Bắc Kinh để ổn định tình hình an ninh khu vực.
 
HowtoendSCS%20crisis.jpg
 
 
 
Ngày 30/01/2016, Mỹ đưa một tàu khu trục tiến vào vùng 12 hải lý của một trong những tiền đồn của Trung Quốc ở Biển Đông. Vài ngày sau đó, hình ảnh từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không trên một đảo nhân tạo của họ ở Biển Đông, hành động này diễn ra gần như cùng thời điểm Tổng thống Mỹ Barack Obama có cuộc gặp với 10 lãnh đạo của các nuớc ASEAN để thảo luận về vấn đề Biển Đông. Có thể thấy rằng xung đột về lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông đã trở nên ngày càng trực diện hơn và tình hình đang ngày một thêm tồi tệ.
 
Trong nhiều năm, Mỹ đã cố gắng thúc đẩy một môi truờng giúp tạo điều kiện cho các nuớc có tranh chấp chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông có thể đi đến thỏa hiệp. Mỹ đã đi đầu trong nỗ lực duy trì luật pháp quốc tế và ủng hộ các tiến trình ngoại giao đa phuơng, và Mỹ cũng đã có hành động để bảo vệ đồng minh và các đối tác của mình ở khu vực Đông Nam Á, nơi mà những lo ngại về sự hiện diện quá sát sao của Bắc Kinh đang ngày càng gia tăng. Trong số đó, nhiều hành động đuợc thực hiện với mục tiêu khuyến khích các nuớc quanh khu vực phản kháng lại những hành động quyết đoán của Trung Quốc. Việc theo đuổi chiến lược này giúp hạn chế yêu cầu đòi hỏi Mỹ phải đóng vai trò trực tiếp hơn tại Biển Đông.
 
Nhưng đã đến lúc chúng ta phải thừa nhận rằng cách tiếp cận này là không đủ và sẽ không đưa đến một giải pháp lâu dài. Bắc Kinh đã thể hiện rõ rằng tất cả những sức ép trên sẽ không thể ngăn cản họ khẳng định những quyền mà họ cho rằng thuộc về Trung Quốc ở Biển Đông. Nếu Mỹ muốn thay đổi những tính toán chính trị của Trung Quốc ở Biển Đông thì Mỹ buộc phải đối mặt với vấn đề một cách trực diện và tìm cách theo đuổi một thoả thuận song phuơng với Bắc Kinh để ổn định tình hình an ninh khu vực - chỉ có cách đó mới có thể giúp đóng băng các tranh chấp về lãnh thổ ở Biển Đông và ngăn chặn khủng hoảng leo thang.
 
Mức độ lợi ích ngày càng lớn
 
Các nuớc Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều có tranh chấp liên quan đến yêu sách lãnh thổ và yêu sách biển ở Biển Đông, nơi hàng năm vận chuyển khối lượng thuơng mại trị giá lên tới 5,3 nghìn tỉ USD, và cũng là nơi có nguồn dự trữ dầu và khí đốt lớn. Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã nhanh chóng tiến hành cải tạo trên 2.900 hecta diện tích đất ở Truờng Sa để tăng cuờng yêu sách chủ quyền và khả năng kiểm soát các vùng nuớc xung quanh. Cách hành xử quyết đoán của Trung Quốc là nhằm mục đích ngăn chặn việc đi lại của các quốc gia khác gần các đảo nằm trong yêu sách của Trung Quốc mà không cần phải trực tiếp dùng các tàu để đe doạ can thiệp.
 
Mỹ có lợi ích trực tiếp đối với sự ổn định ở Biển Đông, vốn đến nay vẫn được duy trì thông qua khuôn khổ an ninh Châu Á-Thái Bình Duơng. Sức mạnh của hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Duơng - đuợc củng cố bởi hệ thống đồng minh Mỹ - đã tạo ra nền tảng ổn định cho phép các dòng chảy thương mại được tự do lưu chuyển và đóng góp vào sự phát triển kinh tế vuợt bậc trên khắp khu vực. Mặc dù Trung Quốc có lẽ là nước được huởng lợi ích kinh tế nhiều nhất từ sự ổn định này, Trung Quốc đang ngày càng tỏ ra khó chịu với sự hiện diện của lực lượng quân sự của Mỹ tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và tiềm lực ngày càng gia tăng đã giúp Bắc Kinh thực hiện nhiều bước đi nhằm bảo vệ những gì họ cho là lợi ích của họ. Như đã được minh chứng trong các đợt Mỹ tiến hành hoạt động thực thi tự do hàng hải gần đây, Bắc Kinh đã tìm cách ngăn chặn tự do đi lại trên không và trên biển của máy bay và tàu chiến của Mỹ. Điều này đã làm xói mòn các quy tắc của luật pháp quốc tế vốn tạo điều kiện duy trì hoà bình và thịnh vượng khu vực.
 
Một trong những bất đồng cơ bản giữa Mỹ và Trung Quốc là sự khác nhau trong việc diễn giải về các quyền được quy định trong UNCLOS. Mỹ cho rằng các yêu sách lãnh thổ phải xuất phát từ các thực thể đất liền và tất cả các tàu thuyền đều có quyền qua lại vô hại trong khu vực lãnh hải. Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa làm rõ yêu sách đuờng chín đoạn của họ (một yêu sách mơ hồ bao gồm gần như toàn bộ khu vực Biển Đông, vốn chỉ dựa trên một tấm bản đồ từ năm 1947) phù hợp với các điều khoản của UNCLOS và họ cho rằng các quốc gia khác phải được cho phép mới có thể đi vào khu vực lãnh hải dù với mục đích nào. Minh họa gần đây nhất là khi Mỹ điều tàu đi vào vùng 12 hải lý của các thực thể đảo mà Trung Quốc đang yêu sách, hải quân Trung Quốc liền đưa ra tín hiệu báo động và cảnh cáo hành động này.
 
Năng lực khẳng định vị thế ngày càng gia tăng cộng với cách tiếp cận dường như không phù hợp với luật pháp quốc tế của Bắc Kinh ở Biển Đông nhiều khả năng sẽ hạn chế các quốc gia Đông Nam Á khác theo đuổi chính sách đối ngoại riêng của họ. Trung Quốc có ưu thế quân sự vượt trội hơn so với bất kỳ bên yêu sách nào khác và họ hiểu rằng họ có thể giành đuợc điều mà họ muốn mà không cần phải thoả hiệp nhiều. Nói cách khác, các nuớc Đông Nam Á theo đuổi chính sách đối ngoại không có lợi cho Trung Quốc sẽ gặp phải sự trả đũa từ Bắc Kinh - bằng cách ngăn cản việc khai thác tài nguyên, cản trở việc đi lại của tàu hải quân và thương mại, hoặc là sử dụng sức mạnh kinh tế để chèn ép trong quan hệ song phương.
 
Cách tiếp cận thận trọng của Mỹ hiện nay khiến đồng minh và đối tác của họ rơi vào thế không thoải mái là phải lưạ chọn giữa xung đột với Trung Quốc hay là đáp ứng những lợi ích của Trung Quốc. Cả hai điều này đều không có lợi cho Mỹ. Trong khi đó, chỉ một sự cố nữa thôi là Biển Đông có thể rơi vào tình trạng khủng hoảng mất kiểm soát và điều này sẽ hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.
 
Một đoạn dốc trơn -- với một lối rẽ thoát
 
Hiện nay Trung Quốc đang tiếp tục xây dựng trên các thực thể mà họ chiếm đóng và đe doạ tàu thuyền nuớc ngoài ở Biển Đông. Trong khi đó, Mỹ tiếp tục bảo vệ những lợi ích của mình bằng việc tiến hành các hoạt động thực thi tự do hàng hải và củng cố quan hệ đồng minh. Các cách tiếp cận bị động nhưng lại quyết đoán này đã đẩy cả hai nuớc vào tình thế leo thang: Cả hai đều đang cho rằng họ hành động để bảo vệ lợi ích quốc gia trong khi nhìn nhận cách hành xử của bên kia là khiêu khích. Kết quả duy nhất là hai bên ngày càng thêm mâu thuẫn. Vì cả Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục khiêu khích và đáp trả lẫn nhau, thậm chí những sự cố vốn không liên quan tới Mỹ cũng có thể dẫn đến những tác động nghiêm trọng cho lợi ích của Mỹ ở khu vực. Mỗi một sự cố xảy ra giữa lực luợng cảnh sát biển hay khiếu nại của một ngư dân nào đó, hay việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào trong vùng biển tranh chấp đều gây tổn hại đến an ninh khu vực và làm dấy lên lo ngại rằng liệu có thể có một giải pháp khả thi ở khu vực này hay không.
 
Nghịch lý ở đây là việc giảm căng thẳng ở Biển Đông phải bắt đầu bằng việc thừa nhận rằng hiện nay không có nhiều giải pháp để xoa dịu căng thẳng khu vực. Không có một giải pháp xuyên suốt nào để giải quyết các vấn đề chủ quyền quốc gia: Trung Quốc vẫn kiên quyết giữ vững lập trường của họ về đường chín đoạn. Tiến trình xây dựng một bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN - kênh thảo luận chính thức duy nhất nhằm đưa ra một giải pháp giúp làm giảm căng thẳng giữa các nuớc ASEAN và Bắc Kinh - vẫn chỉ dừng lại ở các cuộc đàm phán. Việc nhìn nhận rằng các bên tranh chấp về cơ bản sẽ không thay đổi yêu sách hay cách ứng xử của họ trong tình hình hiện nay sẽ sẽ khiến tất cả các bên buộc phải cân nhắc những cách tiếp cận khó khăn hơn - và có lẽ khó chấp nhận hơn.
 
Mỹ và Trung Quốc cần phải gặp nhau ở bàn đàm phán để đưa ra một dàn xếp an ninh giúp cả hai bên duy trì được lợi ích của mình đồng thời giảm leo thang căng thẳng ở Biển Đông. Để Trung Quốc tiến đến bàn đàm phán, Washington phải thay đổi cách tiếp cận của mình. Cụ thể, Mỹ cần phải chủ động hơn trong việc định hình khu vực thay vì chỉ là hành động từ bên lề. Mỹ cần phải xác định lại rằng xung đột ở Biển Đông liên quan trực tiếp đến Mỹ và yêu cầu Bắc Kinh phải hành động cho phù hợp. Việc xác lập lại rằng vấn đề Biển Đông là vấn đề song phuơng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khiến Bắc Kinh phải xem xét lại chiến lược của mình, bởi vì quan hệ Mỹ-Trung và vai trò của Trung Quốc tại Châu Á-Thái Bình Dương là nhân tố khu vực lớn nhất quyết định chính sách an ninh đối ngoại của Bắc Kinh.
 
Lịch sử đã từng có tiền lệ cho các đàm phán như thế này. Trung Quốc và Mỹ đã giải quyết vấn đề Đài Loan một cách hoà bình bằng một thoả hiệp song phương giúp đóng băng bất đồng giữa hai bên về danh nghĩa của hòn đảo này; Bắc Kinh đã gác lại lập trường của họ về "lợi ích cốt lõi" (đối với Đài Loan) nhằm cải thiện quan hệ của với Mỹ và Washington cũng được đền đáp cho việc đồng ý xuống nước trong lập trường của mình khi giành được mối quan hệ kinh tế và đối tác chiến lược với Trung Quốc trong thời gian Chiến tranh Lạnh nhằm đối đầu với Liên Xô. Cho đến nay đã hơn 40 năm, thoả thuận này đã giúp ổn định được những thách thức về an ninh vốn là mối lo ngại sâu sắc trước đây. Nếu mô hình này được áp dụng cho tranh chấp Biển Đông thì kết quả sau cùng có thể đạt được là một thoả thuận an ninh song phương theo đó Trung Quốc sẽ dừng xây dựng trên các thực thể và giảm các hành động quấy rối đối với tàu thuyền của các nước láng giềng và Mỹ sẽ không phản đối một số hoạt động của Trung Quốc ở khu vực, đồng thời Mỹ có thể giảm số lượng và tần suất các hoạt động phòng thủ của họ ở Biển Đông. Có rất nhiều phương án có thể được xem xét ở đây, nhưng chi tiết cụ thể thì cần phải được bàn thảo cụ thể giữa hai bên.
 
Tất cả những hành động này sẽ không đòi hỏi bất cứ bên nào phải nhượng bộ về quyền hay lợi ích, vì Trung Quốc có thể thay đổi cách hành xử mà không thay đổi yêu sách của mình, Mỹ cũng có thể thay đổi những hoạt động quân sự cụ thể mà không gây tổn hại đến bố trí lực lượng cũng như uy tín của hệ thống đồng minh Mỹ. Và mặc dù một thoả thuận song phưong sẽ không giúp giải quyết vấn đề Biển Đông, nó sẽ giúp làm giảm căng thẳng, ngăn chặn vòng xoáy leo thang và mở hướng cho một tiến trình ngoại giao đa phương thực sự.
 
Tuy nhiên, để thực hiện kế hoạch này thì cần phải thuyết phục Bắc Kinh chịu bước vào bàn đàm phán. Trước đây cũng đã có một vài tiền lệ Mỹ thành công trong việc này: Cách giải quyết của Mỹ đối với vấn đề an ninh mạng và những nghi ngờ tấn công mạng từ Trung Quốc đã đưa đến một thoả thuận cấp cao, theo đó hai bên cam kết sẽ không thực hiện các hành động tấn công lẫn nhau, và điều này đã giúp xác lập một hướng đi ngoại giao để giải quyết những thách thức trong tương lai. Mặc dù vấn đề an ninh mạng không phải "lợi ích cốt lõi" đối với an ninh của Trung Quốc, ví dụ này cho thấy Trung Quốc sẵn sàng thỏa hiệp trong các vấn đề nhạy cảm khi có điều kiện môi trường thích hợp. Điều này có nghĩa là các cuộc đàm phán về Biển Đông nhiều khả năng có thể sẽ đem lại kết quả tương tự.
 
Mỹ cần phải phát đi một thông điệp riêng và thẳng thắn đối với Trung Quốc rằng những hành động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ khiến Mỹ tăng cường bố trí lực lượng và các hoạt động quân sự ở khu vực dưới vỏ bọc là bảo vệ lợi ích của Mỹ. Nếu thông điệp đó được gửi kèm với lời mời thảo luận về một thoả thuận đóng băng xung đột, thì thông điệp đó sẽ khó có thể bị hiểu sai được và Trung Quốc khó lòng mà không cân nhắc một cách kĩ lưỡng. Washington cũng có thể theo đuổi một kênh ngoại giao bí mật để khởi động tiến trình này. Thực tế, kiểu thảo luận này là cần thiết đối với một vấn đề gây tranh cãi như Biển Đông.
 
Đã từng có những dấu hiệu cho thấy rằng Trung Quốc có thể cân nhắc một cách hành xử ít quyết đoán hơn. Khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nhà Trắng vào tháng 9/2015, ông gây bất ngờ cho mọi người bằng tuyên bố Trung Quốc không có ý định theo đuổi quân sự hoá ở các tiền đồn của mình ở Trường Sa. Kể từ đó cho đến nay, các quốc gia còn lại trong khu vực đều tìm cách gây sức ép ngoại giao để buộc Trung Quốc phải thực hiện cam kết của mình. Nếu Tập Cận Bình thực hiện đúng như tuyên bố của mình, điều này có thể mở ra cơ hội cho Mỹ có được thoả thuận rộng hơn với Trung Quốc.
 
Khi mà Mỹ và Trung Quốc cùng giảm được căng thẳng và ổn định an ninh khu vực thì một thoả thuận đa phương lớn hơn ở khu vực có thể sẽ khả thi. Các bên tranh chấp có thể đàm phán một thỏa thuận giúp chấm dứt các hành động quân sự hóa ở các tiền đồn của Trung Quốc, một hướng giải quyết các sự cố xảy ra trên biển, hay là một khuôn khổ để khai thác tài nguyên ở khu vực (bao gồm dầu, khí đốt, hải sản) cho đến khi có được một giải pháp sau cùng về vấn đề chủ quyền, và một lệnh ngăn cấm tất cả các hành động sử dụng vũ lực ở khu vực. Xét cho cùng, thoả thuận này có thể làm nền tảng cho một tiến trình ngoại giao lâu dài để giải quyết các vấn đề ranh giới trên biển còn tồn đọng.
 
Có rất ít phương án để giải quyết tình trạng bế tắc hiện nay ở Biển Đông. Tuy nhiên, những tiền lệ trước đây cho thấy Mỹ và Trung Quốc có thể cùng nhau tiến hành xây dựng các thoả thuận có lợi cho cả khu vực. Nếu Washington và Bắc Kinh cùng ngồi vào bàn đàm phán và sẵn sàng thoả hiệp thì hai bên có thể đưa ra một thoả thuận giúp tạo cơ hội cho mỗi nước có tranh chấp ở Biển Đông đều giữ được thể diện - Trung Quốc có thể thể hiện mình như là người bảo vệ chủ quyền và ngang hàng với Mỹ, trong khi đó Mỹ có thể tiếp tục bảo vệ đồng minh và tự do hàng hải ở khu vực, và các nước Đông Nam Á có thể duy trì được yêu sách chủ quyền đồng thời chống lại ảnh hưởng ngày càng mở rộng của Trung Quốc. Việc xoay chuyển căng thẳng ở Biển Đông sang trạng thái đóng băng xung đột sẽ là thắng lợi của tất cả các bên liên quan.
 
Michael H. Fuchs là chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Tiến bộ Mỹ, nơi ông tập trung nghiên cứu về các ưu tiên trong chính sách đối ngoại Mỹ và chính sách Mỹ đối với Châu Á-Thái Bình Dương. Gần đây nhất Fuchs là Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Bài viết được đăng lần đầu tiên trên trang Foreign Affairs.
 
Người dịch: Thùy Trang, Tiến Thịnh
 
(Nghiên Cứu Biển Đông)
Link to comment
Share on other sites

Join the conversation

You can post now and register later. If you have an account, sign in now to post with your account.

Guest
Reply to this topic...

×   Pasted as rich text.   Paste as plain text instead

  Only 75 emoji are allowed.

×   Your link has been automatically embedded.   Display as a link instead

×   Your previous content has been restored.   Clear editor

×   You cannot paste images directly. Upload or insert images from URL.

 Share


×
×
  • Create New...